Phế Đô

chương 61

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Trang Chi Điệp lại không biết nên đi về đâu. Anh bước khỏi cửa từ lúc tờ mờ sáng chỉ là để không cho Ngưu Nguyệt Thanh là Liễu Nguyệt biết anh không đi dự phiên toà mà càu nhàu rách việc. Nhưng đi ra đường phố không hề có mục đích, đã làm cho hai chân anh mỏi nhừ và cứng đờ. Nhớ tới tối hôm qua Ngưu Nguyệt Thanh có bảo cũng đã thông báo cho vợ Uông Hy Miên đi ngồi nghe. Những mun nhọt ở lưng cô ấy đã khỏi chưa nhỉ? Trong phiên toà không nhìn thấy anh, cô ấy sẽ hỏi những gì? Anh châm một điếu thuốc hút, đã nhìn thấy có nhiều người đổ về một bãi trống đối diện chênh chếch với mặt phố. Thoáng nhìn nét mặt và quần áo của họ cũng biết họ là dân nhà quê, người thì cầm cưa, kẻ cầm chổi quét vội, có người ngồi tại chỗ, bày những biển gỗ to nhỏ khác nhau đã quét sơn ra trước mặt, rụt đầu cong lưng hút thuốc, khạc nhổ và xì xào nói chuyện. Trang Chi Điệp không biết mới bảnh mặt những người này đã đến đây làm gì. Anh vừa mới bước tới, đã có ba bốn người xô đến hỏi:

- Ông có việc gì không ạ? Giá cả có thể bàn.

Trang Chi Điệp chợt hiểu ra đây là thị trường dịch vụ lao động tự phát, vội vàng xua tay bảo họ không có việc gì thuê đâu, song đã nói một câu:

- Tôi đi tìm Nguyễn Tri Phi.

Nói xong quay đầu đi luôn, quả nhiên đã đi về hướng tiệm ca múa của Nguyễn Tri Phi. Đi được độ một bến, lại đột nhiên thấy lạ, tại sao mình nói đến chỗ Nguyễn Tri Phi nhỉ? Như thế này mà đi nghe ca múa, thì xem sao nổi, lại ảnh hưởng đến người khác, hay là thử đến chỗ hiệu sách xem buôn bán như thế nào, xem cửa hàng tranh sửa sang đến đâu rồi. Nhưng sau đó lại gạt ý nghĩ ấy, định đị tới "nhà cầu khuyết" ngủ một giấc. Thế là Trang Chi Điệp đã rẽ về hướng "nhà cầu khuyết". Đi qua am ni cô, thấy một ni cô nhỏ cầm chổi dang quét dọn tại đó, bất giác lòng xốn xang cất tiếng hỏi:

- Sư phụ nhỏ tuổi ơi, sư phụ đang vẽ râu cho ông lão phải không?

Ni cô nhỏ ngẩng đầu lên, mặt bỗng ửng đỏ, trả lời:

- Mặt ở phố cổng lớn đâu có quét sạch được chứ?

Nhưng đã quay lại quét lần thứ hai. Ni cô nhỏ người thô, nhưng cái dáng thẹn thùng và thành thật làm cho Trang Chi Điệp cảm thấy đáng yêu, anh liền bảo:

- Nói đùa cho vui, sư phụ cứ tưởng thật, xin hỏi sư phụ Tuệ Minh có trong am không?

Ni cô nhỏ đáp:

- Anh tìm chị ấy ư? Chị ấy đang làm bài trong phòng thiền, còn sớm thế này anh đã đến tìm chị ấy ư?

Trang Chi Điệp tươi cười đi vào cổng. Nhưng không biết Tuệ Minh đang làm bài ở phòng thiền nào. Vòng qua bể nước, nhìn trong điện Đại Hùng không có, đến điện Đức Thánh Bà cũng không có, song đã nghe thấy tiếng mõ vọng tới thư thả ở đâu đó. Dừng lại lắng nghe thì hình như ở đàng sau nhà bia Mã Lăng Hư vọng lại. Đi về phía có tiếng mõ, đó là một bãi trúc thưa sau nhà tọa. Giữa rừng trúc có một lối đi nhỏ lát gạch, hai bên lối đi trồng một loại hoa gì đó, cả thân cây đỏ ối, song không có lá, nở một cành hoa lẻ loi như cúc. Sương sớm chưa tan hẳn, dường như vẫn còn bay những sợi mảnh mai trên mặt đường, những cây hoa đỏ không lá kia cứ lấp lánh ẩn hiện như máu. Trang Chi Điệp rón rén đi mấy bước, chợt nhìn thấy có ngôi nhà nhỏ ở gần đó, mành trúc đang buông, Tuệ Minh ngồi xếp bằng khoanh tay trên đệm hoa sen, vừa gõ mõ với nhịp độ đều đều, vừa niệm tụng gì đó. Trong phòng tối lờ mờ, thấp thóang nhìn thấy một cái bàn, một cái ghế, một ngọn đèn và một quyển kinh. Trang Chi Điệp ngây người nhìn một lúc, cảm thấy ý cảnh yên tĩnh tuyệt vời. Nếu một ngày nào đó, bên cạnh đệm hoa sen kia lại có một đệm hương bồ, người ngồi trên đó là Trang Chi Điệp đầu trọc, áo xanh, ngồi đối diện với người đàn bà này trong một phòng, nói những lời lẽ huyền bí cao ca, thì quả là một thế giới đẹp đẽ vô cùng trong cái thành phố ồn ã này. Bỗng chốc anh không sao tự kìm nén được, liền nhớ tới trong túi mình còn có một mảnh giấy dính máu, lại ngẩn người ra một hồi lâu. Cứ thế suy nghĩ miên man và cũng nghĩ đến nhiều hậu quả. Nếu như vậy, thì giới văn nghệ trong thành Tây Kinh sẽ ngạc nhiên như thế nào? Họ sẽ bảo đây là một văn nhân sống truỵ lạc sa đoạ, cuối cùng lương tâm sám hối mà đến đó chuộc tội của mình, hay là bảo Trang Chi Điệp vốn say sưa với giọng hát và sắc đẹp lại định quấy nhiễu cô Tuệ Minh xinh đẹp? Trang Chi Điệp cứ đứng im tại chỗ, không dám có một tiếng động nhỏ, mặc hơi mù nhàn nhạt cuốn vào mu bàn chân, bất giác lại nhìn Tuệ Minh lần nữa, rồi từ từ lùi ra, trong lòng ngấm ngầm oán hận thanh danh của mình. Hơn mười năm dùi mài đèn sách, khổ công phấn đấu, anh đã có được thanh danh, song thanh danh lại đem đến cho anh bao nỗi buồn phiền mất tự do như thế, bản thân đã trở thành một kẻ tiểu nhân giả dối hết mức giả dối, xấu xa hết mức xấu xa. Cuối cùng Trang Chi Điệp đành phải đứng dưới nhà bia mộ Mã Lăng Hư, tay xoa văn bia, nước mắt ròng ròng.

Cũng không đến "nhà cầu khuyết" nữa, lê gót về nhà ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật. Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt chưa về, chẳng biết tin gì về tình hình ở phiên toà. Trang Chi Điệp lặng lẽ ngồi bên cạnh máy điện thoại chờ cho đến lúc đồng hồ quả lắc trên tường điểm mười hai tiếng, thì chuông điện thoại reo lên. Liễu Nguyệt gọi điện thoại về. Trang Chi Điệp hai tay ôm ống nghe, liền hỏi:

- Liễu Nguyệt ơi, em gọi điện về hả?

Liễu Nguyệt hỏi lại:

- Thầy Điệp khoẻ chứ ạ?

Trang Chi Điệp đáp:

- Anh khoẻ, Liễu Nguyệt, tình hình thế nào?

Liễu Nguyệt đáp:

- Tất cả đều tốt, bên kia chỉ có một mình Cảnh Tuyết Ấm nói là còn có trình độ, tay đàn ông kia chỉ biết ăn nói lung tung dài dòng, bị quan toà chặn họng ba bốn lần. Hì hì, em biết tại sao ngày ấy chị ta lại yêu anh rồi!

Trang Chi Điệp hỏi:

- Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?

Liễu Nguyệt đáp:

- Sáng nay biện luận đã xong, buổi chiều tiếp tục phiên toà. Thầy Phòng hiện giờ đi cửa hàng mua băng dính. Thầy bảo chiều nay tranh cãi thầy phải lấy băng dính dán nửa mồm bên trái, chỉ dùng nửa mồm bên phải tranh cãi với bên kia là được.

Trang Chi Điệp bảo:

- Đừng để anh ấy làm bừa!

Liễu Nguyệt đáp:

- Em nói sao được người ta chuyện này? Cứ để thầy làm nhục đối phương anh ạ! Anh lại không đành lòng phải không? Em cứ tưởng sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nào cơ. Thường thôi mà! Sao anh nặng lời thế!

Trang Chi Điệp bảo:

- Em hiểu cái gì cơ chứ!

Bên kia không trả lời, một lúc sau mới nói:

- Bọn em không về đâu, phải mời luật sư ra phố ăn cơm. Anh có nghe không đấy? Em biết anh đang đợi ở nhà, nên đã gọi điện về. Trong tủ lạnh có mì râu rồng, anh có tự nấu cho mình được không?

Trang Chi Điệp bỏ điện thoại xuống, nhưng không xuống bếp nấu mì sợi dài, anh lấy ra một chai rượu ngồi uống một mình.

Buổi chiều Trang Chi Điệp đi ra cửa hàng tranh tìm được Triệu Kinh Ngũ, căn dặn cậu ta đến nhà Bạch Ngọc Châu, chờ khi nào phiên toà biện luận xong toàn bộ, thì thúc Bạch Ngọc Châu đi thăm dò chiều hướng của Tư Mã Cung đối với cuộc biện luận. Điều này rất quan trọng, trong biện luận mặc dù mỗi bên nói có lý như thế nhưng vấn đề then chốt là phải xem thái độ của người thẩm phán. Đương nhiên Triệu Kinh Ngũ đồng ý, song lại bảo việc gì phải gấp thế, cuộc biện luận buổi chiều còn lâu mới kết thúc, có chấm dứt thì cũng phải đến tối, sau năm giờ cậu ta đi đến nhà Bạch Ngọc Châu vẫn còn kịp. Thế là cậu ta bảo Trang Chi Điệp đi xem chậu hoa cậu ta trồng.

Tráng trí của hàng tranh đã được hơn một nửa. Phòng làm việc ở một gian sân sau mặt tiền, trên thềm trước cửa và trên sàn gỗ để đầy cây cảnh các loại, đang là lúc hoa nở, bông nào cũng khoe sắc rực rỡ. Trang Chi Điệp xem xong lại nhớ đến chậu hoa lạ mình đã từng trồng, tiện mồm nói luôn một câu:

- Đẹp thì đẹp đấy, nhưng không có loại nào quý hiếm.

Triệu Kinh Ngũ đáp:

- Em đâu có gặp được hoa lạ như anh? Nhưng anh có tiêu chuẩn nuôi hoa của anh, em cũng có lý luận nuôi hoa của em. Em hoàn toàn không cần quý hiếm nổi tiếng, một là giá cao, hai là khó chăm sóc, thưởng thức hoa thì không phải đều vui lòng thích mắt, chỉ là thấy hư danh. Em cứ đòi hỏi hoa nở tươi xinh là được. Theo em hiểu, bông hoa là gì, bông hoa là bộ phận sinh dục của cây cỏ. Bộ sinh dục của người sinh ra ở chỗ kín đáo. Còn cây cỏ thì đội ở trên đầu. Mục đích sống của thảo mộc là chạy theo giao hợp. Toàn bộ tinh lực của chúng để lớn lên là đòi hỏi làm nổi bật bộ sinh dục của mình, sau đó được ong mật lấy phấn đi, mà những cây cỏ khác để có được tình yêu đẹp xinh này, cũng chỉ có cách nuôi cho bộ sinh dục của mình càng tươi đẹp hơn để lôi cuốn ong mật đem đầy thân phấn đến.

Trang Chi Điệp nói:

- Kinh Ngũ này, cậu kiếm đâu ra thứ lý luận lạ lùng thế? Thì ra cậu không lấy vợ là vì có nhiều bộ sinh dục như thế này bao vây hả?

Triệu Kinh Ngũ cười, kéo Trang Chi Điệp vào nhà ngồi. Trong căn phòng con con, trên bàn trước cửa sổ lại là ba dãy chậu hoa cao thấp, có hoa đại lý to bằng cái bát, cũngcó Tiểu tinh Thúy bằng cái móng tay, ngay đến đầu giường cuối giường, chung quanh chân giường, cũng toàn là chậu hoa, nhưng trên một cái bàn vuông nhỏ đóng rất xinh ở giữa phòng, lại đặt một chậu sứ màu ngọc, trong chậu trồng một khóm hoa thuỷ tiên màu xanh lá mạ. Triệu Kinh Ngũ bảo, sau khi dỡ bỏ ngôi nhà cũ trước kia, đồ vật dụng cụ của cả gia đình đều cất ở chỗ mẹ đẻ anh, anh chỉ đem theo cái bàn vuông nhỏ này và cái chậu sứ màu ngọc to đời Minh.

Trang Chi Điệp bảo:

- Trong phòng nhiều hoa như thế này, còn khóm thuỷ tiên này đặt ở nơi nổi bật nhất lại không có bộ sinh dục gì cả?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

- Hoa là bộ sinh dục của cây cỏ, em chỉ nhận chúng là các loại giống khác nhau. Thuỷ tiên này bây giờ không nở hoa, có hoa nở, thì cũng không tươi rói, vậy thì anh sẽ cười em tại sao lại cưng chiều người đàn bà này hơn cả. Trong truyền thống của phương Đông, thuỷ tiên thường được coi là hình tượng trinh nữ trong thư băng sạch như ngọc, nhưng trong truyện thần thoại Hy lạp phương tây, thuỷ tiên thường được coi là người đàn ông khôi ngô tuấn tú. Người đàn ông này ít ham muốn, thiếu tình cảm, không yêu bất cứ thiếu nữ nào. Một hôm anh ta ra bờ suối uống nước, nhìn thấy cái bóng mình, chợt đem lòng yêu mến hâm mộ. Nhưng khi anh ta sà xuống nước ôm lấy cái bóng của mình, đã ngã xuống và chết đuối, linh hồn rời khỏi thể xác, trong chốc lát hoá thành thuỷ tiên này.

Trang Chi Điệp cũng đầu tiên được nghe thuỷ tiên là đàn ông biến hoá mà nên. Anh bảo:

- Vậy thì cậu tự ví mình là thuỷ tiên phải không?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

- Vâng, em tuy không có khuôn mặt giống Phan An miêu tả trong sách cổ, song trong giới văn hóa ở Tây Kinh, em tự cảm nhận mình là một người điển trai. Em đã trồng nhiều cây hoa như thế này, em nhìn ngắm chúng, em thông cảm cho những người đàn bà bình thường trên đời, mà càng yêu mến thuỷ tiên này, buồn than cho nồi chia cắt giữa linh hồn và thể xác của nó.

Trang Chi Điệp nói:

- Kinh Ngũ này, mình hiểu rồi, có phải cậu sắp sửa cưới vợ không nhỉ?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

- Thuỷ tiên là một vốc nước, chỉ mấy hòn đá là biết đủ. Em muốn lấy vợ, nhưng trên đời đàn bà thiếu như cây hoa thế này, có cô nào lại là của em lâu? Xét đến cùng thầy Điệp là người có cảm giác cực tốt, đã biết tâm tư của em, em xin được phép hỏi thầy, thầy có thưởng cho em Liễu Nguyệt được không?

Trang Chi Điệp nghe vậy thầm nghĩ, từ lâu mình đã thấy cậu ta thích Liễu Nguyệt, nào ngờ cậu ấy có tâm tư ấy thật, anh khẽ cười và bảo:

- Sao lại nói xin mình thưởng cho? Liễu Nguyệt tuy là người hầu hạ trong nhà mình, nhưng Liễu Nguyệt là người độc lập, mình làm sao quyết định được chuyện của cô ấy?

Triệu Kinh Ngũ vội túm tay Trang Chi Điệp nói:

- Em chỉ xin thầy làm mối. Liễu Nguyệt không có hộ khẩu thành phố, cũng không có công tác, em không vương vấn chuyện đó, em thích Liễu Nguyệt xinh xắn, nhanh nhẹn, lại được rèn dũa lâu nay trong nhà thầy, em sẽ thật lòng yêu cô ấy, đối xử tử tế với cô ấy. Em tuy chẳng làm nên việc gì, là kẻ vô công rồi nghề trong giới văn hoá, nhưng sau khi chúng em cưới nhau, em có thể mang lại hạnh phúc cho cô ấy.

- Mình có thể làm mối, nhưng cậu không được nóng vội, chờ mình thăm dò cô ấy đã. Theo mình vấn đề cũng không lớn, sau khi Liễu Nguyệt đến nhà mình đã đọc nhiều sách, đã tiếp xúc với nhiều người, càng ngày càng giống con gái đẹp nhà giàu. Kinh Ngũ này, cậu giới thiệu Liễu Nguyệt đến nhà mình thì ra là để mình bồi dưỡng nhân tài cho cậu hả!

Triệu Kinh Ngũ cũng trở nên vui vẻ, lấy ra ra mời Trang Chi Điệp. Anh bảo:

- Không thì tại sao em gọi anh là thầy giáo cơ chứ?

Hai người lại nói một chầu về việc cửa hàng tranh. Trang Chi Điệp thấy trời đã gần tối, thúc Triệu Kinh Ngũ đi đến nhà Bạch Ngọc Châu, còn mình thì quay về. Nhưng Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đã về nhà tắm rửa xong. Thấy Trang Chi Điệp bước vào cửa, cả hai đều rối rít mặc quần áo, ra khỏi buồng tắm. Trang Chi Điệp hỏi:

- Tranh cãi chiều nay sao nhanh thế?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Mới làm việc được một tiếng thì tổng biên tập Chung Duy Hiền bị ốm, phiên toà đành phải dừng lại, bảo tình hình nói chung cũng đã rõ, sau đây họ sẽ điều tra lấy chứng cớ trên các lĩnh vực. Nếu thấy cần phải mở phiên toà biện hộ lần thứ hai thì sẵn sàng chờ thông báo.

Trang Chi Điệp liền hỏi:

- Ông Hiền ốm à? Bệnh gì vậy? Tại sao không ốm lúc khác lại ốm đúng vào giữa phiên toà, người ta sẽ cho là không cãi nổi bên kia, sợ mà ốm đấy!

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Sự việc không đến nỗi làm cho người thẩm phán nghĩ thế đâu. Bởi vì ông Hiền đứng dậy đối đáp ông đã viết sẵn bản tường trình dài mười ba tờ, cứ thế ông đọc đâu ra đấy, không sót một chi tiết. Cảnh Tuyết Ấm ngồi ở bên kia, mồ hôi mồ kê vãi ra như tắm, ngài thẩm phán kia cũng gật đầu lia lịa. Cũng giữa lúc này, đột nhiên phịch một tiếng, khi em ngẩng lên nhìn, thì không thấy ông đâu, ông đã ngã quay lơ ra đất. Mọi người ngạc nhiên kêu ầm lên, bước đến đỡ ông dậy. Mặt ông xám ngoét, hai mắt nhắm nghiền, người đã hôn mê. Thẩm phán Tư Mã Cung vội vàng sai người chở vào bệnh viện, cuộc biện luận cũng thôi luôn. Chúng em đều kéo cả vào bệnh viện thăm ông, ông đã tỉnh lại, bây giờ bác sĩ đang khám bệnh cho ông, vẫn chưa biết là bệnh gì!

Đầu tiên Trang Chi Điệp cứ tưởng là bệnh đau đầu hay đau bụng thông thường, nào ngờ cơn bệnh lại xảy ra bất ngờ ghê gớm thế, trong lòng anh cũng sốt ruột. Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Xem bệnh tình ấy, sau khi tỉnh lại sẽ không sao đâu. Chu Mẫn bảo sáng nay trước khi ông Hiền đến phiên toà, tư tưởng tình cảm sa sút khủng khiếp, còn cãi nhau với lãnh đạo sở văn hoá ở văn phòng một trận, hình như là chuyện chức danh thì phải. Trên đường đi đến toà án, Chu Mẫn còn bảo cậu ta đã an ủi ông, ông chỉ hậm hực thở dài, nói chẳng có chuyện gì suôn sẻ, chức danh nên xét thì không xét, chân không nên gãy thì lại gãy. Em hỏi Chu Mẫn, ông Hiền nói vậy có ý gì? Chu Mẫn bảo chuyện gãy chân thì cậu cũng không biết.

Trang Chi Điệp thì biết chuyện gãy chân. Anh đã định nói rõ đầu đuôi với Ngưu Nguyệt Thanh, mở miệng ra rồi lại thôi không nói. Chỉ buột mồm chửi văn phòng bình xét chức danh, chửi lãnh đạo sở văn hoá, Ngưu Nguyệt Thanh liền nói:

- Anh cũng để em yên tĩnh một lúc. Hôm nay anh không đi, em tức lộn cả ruột, vì có chuyện ốm của ông Hiền, nên cũng đã hết tức. Không đi ra là cũng tốt, nếu đi, đứng trước Cảnh Tuyết Ấm anh sao khỏi bị kích thích. Ông Hiền ốm ngã lăn quay ra đất cũng làm em sở hết hồn. Bây giờ em chỉ mong phía mình không ai được bực tức, bực tức chỉ tổ hại cơ thể, nếu lại lăn ra ốm mấy người nữa, đừng nói con mụ họ Cảnh kia vui mừng, mà người ngoài biết, họ cũng bịt mồm vãi rắm mà cười!

Lúc ăn cơm, Triệu Kinh Ngũ đã đến, bước vào cửa, cậu ta cầm một đồ chơi là con chó vải rõ to. Liễu Nguyệt vừa mở cửa, cậu ta liền đặt con chó vải lên cổ Liễu Nguyệt, cô ta hớn hở tới mức cứ lăn ra ghế sa lông đệm da mà ôm mà hôn con chó vải.

Trang Chi Điệp thấy vậy bảo:

- Tặng Liễu Nguyệt món quà to thế cơ à, dễ có đến sáu bảy ngàn đồng ấy nhỉ?

Triệu Kinh Ngũ thẹn thẹn bảo:

- Em hễ cứ vui vẻ lên một cái là mua luôn.

Trang Chi Điệp nói:

- Cậu đừng có vui vẻ, không mua quà cho mình, thì cậu vui cũng phí.

Triệu Kinh Ngũ đáp:

- Còn xem anh có vui không đã nào? Thẩm phán Tư Mã Cung nói, nghe cuộc biện luận ngày hôm nay, thì Cảnh Tuyết Ấm chẳng có mấy lý lẽ. Vấn đề bây giờ chỉ có một điều, bên này thì nói hình tượng người đàn bà trong bài văn là tập trung, khái quát và quy nạp từng trải của nhiều người đàn bà mà thành, còn bên kia thì bảo trong tác phẩm viết người thật viết thật không được viết như thế. Đây hoàn toàn là một loại nguỵ biện. Xét đến cùng thì tác phẩm bút ký phóng sự có tập trung, khái quát và quy nạp hay không. Thì họ là người ngoài ngành, không am hiểu mấy, còn phải tìm hiểu ở một số chuyên gia học giả của giới văn hoá!

Trang Chi Điệp nói:

- Điều lo ngại của sự việc cũng là ở chỗ này. Nói một cách nghiêm chỉnh, thì văn chương có tính chất người thật việc thật không được viết như tiểu thuyết, tập trung, khái quát và quy nạp là cách làm của tiểu thuyết.

Triệu Kinh Ngũ hỏi:

- Vậy thì làm thế nào? Miếng thịt gắp đến mồm còn rơi mất hay sao?

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio