Hôm đó hai mươi chín Tết, Ngô Đình Phương lái xe đến Viên Gia Dũng để lấy đèn. Hiện giờ trên trấn chỉ còn lại lác đác vài thợ làm đèn, muốn mua đèn cho kịp treo tháng giêng thì phải đặt trước đến vài tháng. Những đứa bé sinh cuối năm thì chưa chắc đã đặt kịp. Ở cái trấn này, mỗi năm có đến cả ngàn bé trai được sinh ra. Mỗi đứa ít cũng phải ba ngọn đèn, thợ quả thực làm không xuể.
Con trai cả An An nhà họ Trần sinh vào đầu tháng tư, đến tháng giêng cũng được tám tháng rồi. Biết nói sớm, cũng đã biết gọi bố gọi mẹ, nhưng vẫn chưa biết bò bốn chân, chỉ biết dùng cái bụng tròn tì xuống đất, ngày nào cũng vui vẻ trườn tới trườn lui.
Ngô Đình Phương đỗ xe ngoài ngõ, vừa xuống xe thấy lất phất mưa, thầm nghĩ quả này thì toi rồi, đèn không thể bị dính mưa được. Vốn dĩ từ sáng trời đã âm u, nhưng mà mây chỗ trắng chỗ đen, mùi ẩm thấp cũng không quá nồng, anh cứ tưởng rằng sẽ không mưa, nên là không mang ô theo. Anh ước chừng khoảng cách từ con hẻm đến nhà của thợ đèn khoảng hai trăm mét, cảm thấy chắc vẫn ổn, mưa nhỏ như vậy, không ướt được.
Đã gọi điện hẹn trước với thợ làm đèn nhưng ông ấy lại không có nhà. Tòa nhà gạch ngói có phần cũ nát, lùi lại môt bước là cái cửa gỗ được cài bởi một chiếc khóa đồng đã hoen gỉ. Nhòm qua cái lỗ mục trên mép cửa có thể thấy trong căn phòng tối om treo đầy những chiếc đèn lớn nhỏ được vẽ đầy màu sắc.
Địa điểm không sai được, nhưng chẳng thấy bóng người nào cả.
Anh gọi lại cho ông thợ làm đèn. Đầu bên kia bảo đang ở nhà ăn cơm, lát nữa sẽ qua. Ngô Đình Phương chỉ đành ngồi xốm dưới chân tường lưa thưa cỏ dại hút thuốc, tiện thể tránh cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Nhìn đồng hồ, đã mười hai giờ hai lăm rồi. Anh còn chưa ăn tối. Tan ca trực đêm, vừa về đến nhà, mẹ lại kêu anh đi lấy đèn. Em gái và em rể bế con trai đến chỗ xem bói trên đường Nha Hương, bảo là ngày mai thắp đèn, vẫn còn vài thứ chưa rành, qua đó hỏi thử.
Lúc Huệ Mẫn gọi điện giục anh về ăn cơm là khoảng mười hai rưỡi. Ngô Đình Phương bảo rằng phải đợi thợ đèn ăn cơm ở nhà mới xong rồi hẵng qua. Huệ Mẫn có chút không vui, nói: “Đám Đình Hoa về rồi, thế bọn em ăn trước đây.”
Đình Hoa cùng chồng Trần Khánh quanh năm ăn cơm ở nhà. Trần Khánh là người cùng làng ở phố Tây Ngạn, mẹ mất sớm, bố hiện làm bảo vệ gác cửa cho một nhà máy. Kể từ khi kết hôn với Đình Hoa, Trần Khánh ngày ba bữa đều ăn ở nhà họ Ngô, nhất là sau khi Trần An An ra đời, trừ lúc ngủ về nhà ra thì gần như đều ở nhà họ Ngô.
Hôm qua Huệ Mẫn đã nói cô không hài lòng về việc này. Vốn dĩ sắp Tết đã bận bịu đủ bề, việc thắp đèn cho Trần An An càng khiến cho nhà họ Ngô rối tinh rối mù cả lên, mà việc này đáng lẽ bên họ Trần phải lo liệu. Hôm qua đến giờ ăn trưa rồi mà nhà vẫn chưa có cơm ăn. Huệ Mẫn nôn nghén cả một buổi sáng, đến trưa là đã đói lả đi, gọi điện cho mẹ chồng thì bà bảo đưa An An với Đình Hoa đi mua đèn dầu với nến giấy rồi.
Vì nhận điện thoại giữa ca trực, mà đúng lúc đó lại có bệnh nhân đặc biệt đang đợi khám, Đình Phương chỉ đành bảo cô đợi chút, chuyện này cứ thế qua đi. Huệ Mẫn cũng là bác sĩ, thấy Đình Phương nói có bệnh nhân đang đợi thì cô cũng không nói gì thêm, chỉ bảo đợi anh tan làm về nhà rồi nói chuyện.
Sau khi tan làm, xe còn chưa vào cửa đã lại lái đi. Huệ Mẫn loáng thoáng nghe thấy tiếng xe của anh, đã ra ban công tầng hai nhìn xuống. Chỉ thấy mẹ chồng nói gì đó với chồng, sau đó Đình Phương lại lái xe đi. Huệ Mẫn đang dưỡng thai nên rất ít khi rời giường, càng đừng nói đến việc ra ban công. Điều này chứng tỏ cô đang rất sốt ruột.
Đình Phương chờ đến khoảng một giờ, mưa cũng gần tạnh, thợ đèn mới từ đầu ngõ đi ra. Ông đeo một cặp kính lão cài dây, mặc áo đại cán vải xanh, không thèm nhìn Đình Phương lấy một cái mà đi thẳng đến mở cái khóa đồng hoen gỉ kia.
Đình Phương theo vào trong. Đây là một căn buồng cũ kỹ, nếu chỉ mở cửa sổ thì ngày cũng như đêm. Ông thợ bật một ngọn đèn sợi đốt lên, soi tỏ những chiếc đèn lồng sặc sỡ rải rác trên ghế và trên mặt đất. Đình Phương đọc tên Trần Khánh, ông thợ bèn lấy ra ba cái đèn. Cái to nhất phải đến cả mét.
Sáu mặt của chiếc đèn giấy khung tre đều được vẽ những bức tranh với những chủ đề khác nhau, Tiên tử bồng con, Bát Tiên vượt biển, cũng có một số điển tích điển cố mà anh không biết.
Lúc anh chuẩn bị rời đi, ông thợ mới chủ động nói với anh: “Số tiền còn lại vẫn chưa đưa.”
Sau khi đưa thêm hai trăm, Đình Phương bèn loay hoay nghĩ cách chất đèn lên xe. Cái đèn lớn thế này, dù Đình Hoa có rảnh thì cũng chẳng thể đến đem về được, cả nhà cả cửa chỉ có mỗi chiếc ô tô mà Đình Phương đang lái.
Anh chia đèn thành hai lượt chất lên xe. Đèn lớn không thể bỏ vừa cốp xe, chỉ đành để ở ghế sau. Lúc đóng cửa, đèn bị va đập một chút. Đèn lồng giấy bị rách một lỗ khoảng một phân. Đình Phương nghĩ vết nứt nhỏ như vậy chắc không sao, nhưng lòng vẫn phiền muộn.
Anh đỗ xe ngoài cửa. Nửa đêm phải làm phẫu thuật, sáng sớm lại phải đến phòng khám chuyên khoa, anh đã rất mệt rồi. Xe vừa dừng thì trời lại đổ mưa. Lúc Đình Phương định dỡ đèn xuống xe, thì nghe thấy giọng nói của Đình Hoa truyền ra ngoài cửa: “Anh, đợi chút, coi chừng bị ướt!”
Đình Hoa cầm ô, che cho Đình Phương dỡ đèn vào nhà. Sau khi đặt đèn xuống, cô cẩn thận kiểm tra một lượt, cuối cùng kêu lên: “Sao lại bị hỏng thế này? Anh không kiểm tra à?”
“Anh đụng hỏng đấy.”
Huệ Mẫn đang uống canh trong phòng ăn, thủng thẳng nói: “Đình Phương, đói lắm rồi phải không? Mau qua ăn tối đi, kẻo đến cơm nguội cũng chẳng còn nữa đâu.”
Đình Hoa ngại chẳng dám nói gì, chỉ lẩm bẩm: “Mới thế đã hỏng, giấy dán đúng là dễ rách.”
Huệ Mẫn đã ăn xong, nhưng vẫn ngồi cạnh chờ Đình Phương ăn cơm. Đình Phương bảo cô đi nghỉ đi, cô lắc đầu.
“Mau đi nằm đi.” Đình Phương lo lắng thúc giục cô.
Khi anh ở nhà, sẽ không để Huệ Mẫn xuống lầu, mà luôn đem cơm bưng đến tận giường cho cô. Anh không ở nhà, đương nhiên không thể phiền đến người khác làm vậy được, nhưng anh đã căn dặn Huệ Mẫn rằng nếu có thể nằm thì không cần phải đứng dậy.
“Anh đừng đi, em có chuyện muốn nói với anh.”
“Anh ăn xong sẽ lên nhà ngay.”
Ngô Đình Phương và Huệ Mẫn kết hôn được mười hai năm, cũng là năm ngoái thì mới chuyển về đây sống. Căn nhà này là Đình Phương bỏ tiền ra xây dựng lại. Bố mẹ anh là dân địa phương, chân chất thật thà, không có nghề nghiệp ổn định, chỉ làm thuê tại nhà máy. May lại được các cụ để lại cho một căn nhà, cũng chẳng rộng lớn gì, chỉ khoảng năm mươi mét vuông. Vốn dĩ là nhà hai tầng, tầng hai lợp ngay cái mái tôn, bên trong thì dột nát bụi bặm, trông cực kỳ xuống cấp. Đình Phương cảm thấy căn nhà này cũ quá rồi, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào. Vậy nên mấy năm trước, anh đã bỏ tiền ra xây lại. Cũng chính vì chuyện này mà năm đó anh và Huệ Mẫn cãi nhau một trận. Tiền đó ban đầu họ dự định để mua một căn nhà trong thành phố.
Khi đó, Ngô Đình Phương đã nghĩ ra cách để vừa lòng cả đôi bên: sau khi xây xong nhà, anh sẽ trở về sống để mẹ chăm sóc cho Huệ Mẫn. Anh cho rằng nguyên nhân thụ tinh ống nghiệm hai lần trước đều không được giữ được là do ở căn nhà thuê trên thành phố, Huệ Mẫn không có ai chăm sóc.
Cuối cùng Huệ Mẫn cũng bị anh thuyết phục.
Ăn cơm ở nhà đương nhiên là tốt hơn là ăn ngoài. Lúc chỉ có hai người sống với nhau, dù Huệ Mẫn có nấu ăn nhưng mùi vị nhàng nhàng. Đi làm về muộn, không có thời gian nấu canh, có khi cả tuần cũng chẳng uống nổi một ngụm canh. Hai lần dưỡng thai trước đúng là thảm họa, cô nằm trên giường, ngày ba bữa đều gọi đồ ăn bên ngoài, còn có lần bị ngộ độc thực phẩm – sau đó không lâu cái thai thứ hai sảy mất.
Năm đầu tiên sau khi về chung sống không có mâu thuẫn gì. Huệ Mẫn và Đình Phương đều bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian ở nhà. Kể từ sau khi Đình Hoa kết hôn, Huệ Mẫn ngày càng bất mãn. Mẹ chồng dồn hết thời gian công sức cho con gái và cháu ngoại đã đành, đằng này Đình Hoa với Trần Khánh lại còn cứ không mời mà đến như tu hú chiếm tổ, càng khiến cô không vừa mắt.
Đình Phương cũng biết đại khái cô định nhắc đến việc này, nhưng lại chẳng ngờ vừa lên tầng hai, anh đã thấy Huệ Mẫn nằm trên giường, nước mắt như vòi nước tháo van, khóc ướt cả gối.
Đình Phương sửng sốt, vội hỏi: “Em làm sao thế?” rồi ôm cô vào lòng.
Huệ Mẫn lắc đầu.
“Em đừng nghĩ nhiều nữa.”
Cô không nói gì, nước mắt vẫn ầng ậc tuôn ra.
“Em không được khóc, em nghĩ đến con trong bụng đi, đã mười tuần rồi. Cố gắng thêm chút nữa.”
Mười tuần rồi, trước giờ mang thai đều không giữ lâu được đến chừng đó. Ba lần sảy thai trước là tự nhiên, lần nào cũng đều không nghe được tim thai, hai lần sau cũng không giữ nổi quá bảy, tám tuần.
Cuối cùng Huệ Mẫn nghẹn ngào nói: “Ngô Đình Phương, tại sao vấn đề là ở anh mà em lại là người phải gánh chịu?”
“Hay là lên phố Nha Hương xem một quẻ?”
Lời của mẹ mấy tuần trước như ma xui quỷ khiến mà vang vọng trong đầu anh.
Phố Nha Hương không phải con phố trọng điểm được đầu tư sửa chữa hay bán những mặt hàng xa xỉ. Bên này là thị trấn sông nước, cách con phố đó vài chục cây. Dãy phố dài khoảng hơn hai chục mét, đường một chiều. Bên rìa nhánh sông đều là các cửa hàng bán đồ thờ cúng, hầu hết là bán đủ thứ: đàn hương, nến dầu, đèn dầu, thùng hóa vàng mã, đèn lồng giấy, bia thờ, bệ thờ, với cả hoa sen giấy, nhà giấy, tiền giấy, vàng bạc thỏi. Đá lát vỉa hè cũ kỹ, tường gạch xanh đồng nhất, cửa lớn đều đặt hai viên đá đỏ, mặt tiền hẹp, bên trong tù mà tù mù, ban ngày mà vẫn phải thắp đèn.
Chỉ có cửa hàng ở cuối phố là không bán đàn hương.
Đàn hương dùng để thờ Phật, dần dà về sau, được dùng để thờ cúng cả thần linh, tổ tiên. Tiệm này đã mở mấy chục năm, chẳng bán gì ngoài bạch mộc hương. Loại hương này không giống với mùi đàn hương, không hăng cũng không nồng, Ngô Đình Phương cũng chẳng biết phải tả sao. Nơi đây bán nhang nén, nhang nụ, phấn nhang, còn có cả nhang miếng, thậm chí là gỗ nguyên khối.
Tuy nhiên, danh tiếng của cửa hàng này không ở nhang hương, mà là bởi tay thầy bói sống ở đó.
Hai mươi năm trước, tay thầy bói này đến đây, hình như lúc đó mới mười lăm, mười sáu tuổi, là bà con xa của chủ tiệm cũ. Hắn nổi tiếng bởi một lần xem cho một bà đến mua hương. Bà này vật vã mãi chưa sinh được con trai – đã đẻ liền năm cô con gái, hắn bảo với bà ta: “Con trai sắp tìm đến bà đó.”
Người đàn bà đó hồi ấy đã bốn mươi hai tuổi, bảy năm không mang thai rồi. Lúc đó chỉ nghĩ là đứa trẻ con không hiểu chuyện, cười cợt bà, bèn giận dữ bỏ đi. Thế mà vừa tháng sau thì bà ta liền mang thai. Sau đó bà ta trốn sang tỉnh ngoài, sinh được đứa con trai, chạy vạy quan hệ để vào được hộ khẩu rồi thì chuyện này từ từ đồn xa.
Có người bí mật đến thăm hỏi, nhưng ông thầy này không chịu nói. Trong làng có một lão bầu sô, dư dả có thừa, ba cô con gái chỉ thiếu một mụn con trai, dắt vợ đến không ngại vung tiền. Thầy bói nhìn ông ta hồi lâu, hỏi sinh thần bát tự, cuối cùng phán hai chữ: Năm gái.
Lão bầu sô không tin. Sau bà vợ lại sinh ra một cô con gái, ông ta mới bán tín bán nghi. Đứa thứ năm đi siêu âm cũng là gái nốt. Lão bầu sô chẳng sợ không có tiền nuôi, luôn cho rằng sinh xong đứa này thì sinh thêm đứa nữa, làm gì đến nỗi năm gái.
Ngô Đình Phương biết kết cục của câu chuyện này: Lúc bà vợ của lão bầu sô sinh đứa con gái thứ năm, thì bị rau cài răng lược, xuất huyết quá nhiều, phải cắt tử cung mới giữ được mạng. Lúc đó, anh vừa đi học y ở Quảng Châu, lão bầu sô có gọi điện cho anh nhờ giúp đỡ. Anh tìm đàn anh nhờ cậy, lúc được chuyển đến bệnh viện trực thuộc để phối hợp cấp cứu, ông ta vẫn ôm hi vọng không phải cắt bỏ tử cung của vợ.
Danh tiếng thầy bói vang xa lừng lẫy, có điều cách tính đường con cái có hơi khiến người ta không an lòng. Sau đó, lão bầu sô hỏi thầy bói có phải mình đã làm gì chọc giận đến thần linh hay không thì thầy bói chỉ trả lời: Tại số.
Người đến cửa tiệm bán bạch mộc hương xem bói ngày càng nhiều. Dân trong làng cũng rút ra được bài học, phần lớn hễ chửa cái là tới hỏi xem trai gái ngay. Có người nghe phán con gái thì vẫn không coi là thật, cứ thế đẻ ra. Có người thì sinh nhiều con gái quá rồi, không nộp phạt nổi nữa, nhưng mà vẫn không tin. Cuối cùng tìm phòng khám siêu âm chui, soi ra thật sự vẫn là con gái, bấy giờ thì phá thai luôn. Nếu chỉ đơn giản vậy thì cũng chẳng cần đến đây xem bói làm gì, chỉ cần đến mấy phòng khám siêu âm chui là được. Chẳng qua người đến đây xem bói chủ yếu là phụ nữ không sinh được con trai, muốn hỏi xem rốt cuộc mình có cái số sinh được con trai hay không. Nếu mà không có, thì chẳng cần phải cố công chi cho nhọc mình, yên tâm tránh thai, đỡ phải rơi vào cảnh như bà vợ của lão bầu sô kia.
Ở cửa tiệm này còn bán cả thứ thuốc mà mỹ miều gọi là an thai giữ thai, phải là đích thân bà bầu tới, có cơ duyên thì mới mua được.
Bởi những chuyện đó, Ngô Đình Phương – thân là một bác sĩ khoa phụ sản, luôn có cái nhìn kỳ lạ đối với tay thầy bói của cửa tiệm ấy. Mười mấy năm qua, anh chưa một lần đến xem, cũng chưa từng gặp gỡ quý ngài được phong làm thánh sống khắp mười dặm tám trấn này.
Vì vậy, buổi chiều hôm đó, Ngô Đình Phương tuy đã rục rịch, cũng đã bước hẳn đến đầu phố Nha Hương, nhưng cuối cùng lại vẫn không đặt chân vào.