- Dương nhi, có thể nhờ con một việc không?
Quốc sư ngồi xuống, để ta có thể nhìn thẳng, nàng nói tiếp:
- Con có thể ra ngoài cung, phía nam kinh thành, giúp ta chăm sóc một đứa bé được không? Đổi lại, ta cho con quyển sách này, là cổ thư về những loài thuỷ quái.
Ta gật đầu nói với nàng:
- Người đưa sách cho ta trước, đọc xong ta sẽ đi giúp người.
Quốc sư mỉm cười đưa cho ta quyển sách, nàng nói:
- Dương nhi, nhìn cho kỹ cái áo này. Nhìn thấy kẻ nào mặc nó thì hãy cho hắn một cuộc sống thật tốt nhé.
Ta nhìn cái áo khoác của Quốc sư. Màu trắng có viền lông cáo, thêu những bông hoa hải đường xinh đẹp.
Phố chợ sầm uất có rất nhiều đứa trẻ, ta hỏi chúng:
- Các ngươi có nguyện vọng gì không?
Chúng đều trả lời là muốn được ăn no.
Ta vào một tửu lâu, đặt một tấm lệnh bài, mua thức ăn của tiệm trong mười năm. Ông chủ quỳ xuống, dùng tính mạng thề sẽ nuôi những đứa trẻ ăn mày, hàng tháng sẽ đến phủ Lãnh tướng quân nhận tiền.
Một đứa bé gái đến trước mặt ta, hỏi:
- Ta muốn trở thành Thái y, người giúp được không?
Ta gật đầu. Thái y thôi, mang nhét vào Thái y viện là được rồi.
Ta đi vòng quanh khu chợ nửa ngày vẫn không thấy kẻ nào mặc áo khoác viền lông cáo. Đứa bé gái lẽo đẽo phía sau ta. Cuối cùng ta thấy dưới chân cổng thành, cái áo choàng quen thuộc phủ lên một đứa trẻ đang ngủ.
Ta vui mừng chạy tới. Đạp hắn dậy, nói:
- Ngươi! Đi theo ta.
Ta dẫn cả hai vào trong cung. Đứa bé gái thì dẫn vào trong Thái y viện, ném nàng cho một Thái y. Còn kẻ mặc áo khoác thì mang về Thiên Viên các. Một tỳ nữ hỏi ta:
- Công chúa, nam tử này sau này phải có thân phận gì?
Ta nhìn đứa trẻ, phân vân. Quốc sư chỉ nói là cho nó một cuộc sống thật tốt. Làm cung nhân có được tính là cuộc sống tốt hay không?
- Hắn là phu thị của ta, đối xử cho tử tế.
- Phượng Dương?
Phượng Ngoã lay ta tỉnh dậy, Thuận nhi uất ức nhìn ta, nó mếu máo. Nhìn tay mình đang nắm chặt tay Thuận nhi, ta giật mình buông lỏng ra. Hẳn là ta dùng sức hơi quá rồi.
Ta ngồi dậy, Phượng Ngoã bế Thuận nhi lên, nàng nói:
- Ngươi vừa ngủ đấy à?
Ta nhún vai, bỏ qua câu hỏi của nàng.
- Quốc sư bây giờ đang ở đâu?
- Núi Thất Nghịch. Nàng về đó lâu rồi.
Ta nói với Phượng Ngoã:
- Ngươi tự về đi, ta đến gặp Quốc sư.
Không để Phượng Ngoã nói gì, ta vén rèm đi ra ngoài. Huyết Tử đang đi cạnh Lục Nga, thấy ta đi ra, nó nâng vó chạy về phía này. Đợi Huyết Tử chạy lại gần ta tung người nhảy lên người nó, kéo cương để nó chạy về phía Kính Thiên, thuận tiện quay sang nói với Lục Nga đang giục ngựa chạy theo:
- Ngươi mang người về Hoả Hương đi. Ta đến núi Thất Nghịch vài ngày.
Ta cầm dây cương ngựa của Kính Thiên cùng chạy về hướng núi Thất Nghịch. Nếu ta nhớ không nhầm, cái áo kia là của Quốc sư. Nàng với Kính Thiên có quan hệ gì?
Phủ Quốc sư nằm giữa đỉnh núi, bên trong một khu rừng tùng. Hạ nhân không nhiều, u ám tĩnh mịch như một ngôi chùa không khói hương, sư sãi đều đã bỏ đi. Ta thật không hiểu, Quốc sư làm sao có thể sống trong phủ đệ như vậy?
Ta không chờ người hầu đi bẩm báo đã xông thẳng vào Thư phòng của Quốc sư. Nàng không có ở đây. Căn phòng thoang thoảng mùi thơm, ánh sáng eo hẹp chiếu vào, tranh sáng tranh tối, lạnh lẽo mờ mịt. Một tấm bình phong thêu hình một con hổ vằn đang đi săn chặn giữa phòng, phân chia giường nghỉ và thư án.
Kính Thiên hỏi ta:
- A Dương, có chuyện gì vậy?
Ngồi vào một cái ghế dưới thư án, ta hỏi Kính Thiên:
- Ngươi có mang theo cái áo choàng không?
Hắn gật đầu, lấy trong tay nải một cái bọc cột cẩn thận. Bên trong là cái áo choàng trắng viền lông cáo, thêu những đoá hải đường kiêu ngạo giữa trời tuyết. Đường kim tinh sảo, vải gấm ấm áp sờn màu vì năm tháng. Quả thật là hàng thượng phẩm chỉ xuất hiện trong cung.
Ta giữ lại cái áo, chỉ vào tấm bình phong:
- Ngươi vào trong đó trước, dù xảy ra chuyện gì cũng đừng bước ra.
Kính Thiên không hiểu gật đầu. Hắn vừa khuất sau bình phong thì Quốc sư tới, nàng ngạc nhiên nhìn ta:
- Dương nhi, có chuyện gì vậy?
Ta nhìn nàng:
- Ta có chuyện không rõ, muốn hỏi người.
Quốc sư ngồi vào cái ghế bên cạnh ta. Nàng rót hai tách trà, một đẩy qua bên ta:
- Ngươi nói đi.
- Đứa trẻ năm xưa có quan hệ gì với người?
Ta đặt áo choàng lên bàn. Nàng ngỡ ngàng, bối rối thở dài:
- Ta tưởng ngươi quên rồi. Đứa trẻ đó còn sống không?
Gương mặt nàng mù mịt làm ta không đoán ra suy nghĩ:
- Hắn còn sống, hơn nữa còn sắp trở thành phu quân ta.
Quốc sư đánh rơi cái áo, nàng run rẩy nhìn ta:
- Phu quân ngươi?
Ta gật đầu:
- Vậy nên thân thế hắn phải điều tra cho rõ. Mẫu thân hắn là ai?
Muốn trở thành phu quân của công chúa cần nhiều điều kiện, thân thế trong sạch và hiển hách là điều tiên quyết. Lần trước gả Hải Điền cho Phượng Ngoã, ta cũng phải nhét hắn vào nhà sư phụ, lấy thân phận công tử Lãnh gia gả đi. Kính Thiên lần này mặc dù không cần thiết nhưng nếu có thể biết được thân thế hắn thì vẫn tốt hơn. Thậm chí có là con của tỳ nữ cũng không sao. Phượng Dương ta thích, ai có thể cản?
Quốc sư không nhìn ta, lặng người một lúc lâu, ánh mắt mờ mịt nhìn ra cửa:
- Là con của một tỳ nữ.
Con của tỳ nữ à? Nhưng… con của một tỳ nữ thì Quốc sư việc gì phải nhờ ta chăm sóc?
- Phụ thân hắn…
Quốc sư rơi nước mắt, gật đầu:
- Là phu quân ta.
Ta ngỡ ngàng nhìn Quốc sư, không dám tin điều mình vừa nghe thấy.
Quốc sư nói tiếp:
- Năm đó ta mang thai nhưng đứa trẻ lại mất đi. Nhiều năm sau đó cũng không có tin tức gì. Ngươi cũng biết phu quân ta là độc đinh nhiều đời, ta không đành lòng nhìn gia tộc của chàng không có con nối dõi… nên... đã để tỳ nữ thân cận của mình cùng chàng… Nhưng đến khi đứa trẻ ra đời, làm cách nào ta cũng không chấp nhận nổi nó, mỗi lần nhìn thấy là tim ta đau như bị dằm đâm, khó chịu đến không thở nổi. Cuối cùng, phu quân của ta mới để hai mẹ con nàng ở lại kinh thành tự sinh tự diệt, cùng ta trở về đất phong. Ta cứ tưởng như vậy là ổn thoả, mắt không thấy, tâm sẽ không phiền. Nhưng Mẫu hoàng ngươi liên tục gây chiến, khiến Nghi quốc lao đao, ta lại bị triệu về kinh thành giúp đỡ việc triều chính. Vô tình gặp lại hai mẹ con nàng. Cuộc sống của hai người không tốt, ta lại không thể nào thật tâm giúp đỡ, trong lòng luôn có khúc mắc. Nên mới mang đứa trẻ đó cho ngươi…
Ta không hiểu hỏi nàng:
- Người muốn ta thay người giết hắn?
Quốc sư lắc đầu:
- Ta chưa từng có suy nghĩ này. Dù không thích nó nhưng dù gì cũng là huyết mạch của phu quân ta, sao có thể giết đi. Hơn nữa, nó ra đời cũng vì sự ích kỷ của ta.
- Tại sao người lại nhờ ta mà không phải một người khác?
- Khi đó ngươi là công chúa được sủng ái, cũng là người duy nhất được ra khỏi Hoàng cung, ta đã nghĩ đứa trẻ đó theo ngươi sẽ được sống thoải mái. Nhưng, ngươi lại đi Hoả Hương, nội cung rối loạn, ta cho rằng đứa trẻ đó không thể sống sót…
Ta nhắm mắt dựa vào phía sau. Hỏi câu mà Kính Thiên muốn biết nhất:
- Người tỳ nữ kia thì sao?
- Nàng mắc bệnh qua đời, nhờ ta chăm sóc đứa trẻ…
Ta thở dài:
- Áo này là của người.
Quốc sư gật đầu:
- Ta không thể chăm sóc nó cũng không thể giết nó…
Nàng không nói hết câu, mờ mịt nhìn ra cửa, như nhìn cái gì mà cũng như chẳng nhìn thấy cái gì. Ta đứng lên, đi ra ngoài. Quốc sư đột nhiên lên tiếng:
- Phượng Dương, nếu ngươi muốn lập hắn làm phu quân, hãy để ta làm nhà mẹ đẻ.
Ta ngạc nhiên quay người. Nhìn trong mắt nàng là khẩn cầu, dường như có cả áy náy, tội lỗi tích tụ suốt vài năm. Ta gật đầu:
- Ta để hắn ở lại, một tháng sau sẽ mang sính lễ đến rước về.
Quốc sư mỉm cười, trong mắt óng ánh lệ.
Ta đi ra ngoài, một nam nhân đang đứng ở đó, là phu quân của Quốc sư.
Hắn hành lễ, ta gật đầu đáp lại. Khi ta bước qua, hắn đột ngột gọi giật lại:
- Tướng quân…
Hắn cúi người thật sâu, nghẹn ngào:
- Đạ tạ…
Ta không đáp mà đi thẳng ra ngoài. Đối với nam nhân này, ta không có một chút cảm tình. Làm rể Hoàng gia nhưng lại có con với kẻ khác, dù là Quốc sư đồng ý nhưng hành động này chính là khinh nhờn Hoàng thất, dù là Phò mã cũng phải giết. Đáng tiếc, Mẫu hoàng không còn tại vị, Phượng Âm lại là hậu bối, Quốc sư vẫn còn sống, không thể ban rượu độc cho hắn.
Ta vuốt ve Huyết Tử chờ Kính Thiên. Nhìn hắn thẫn thờ đi ra, ta nói:
- Ngươi tạm thời ở lại đây, một tháng nữa ta sẽ quay lại.
Đôi mắt vô hồn của hắn nhìn ta, không động đậy.
Ta thở dài nhảy lên Huyết tử, hướng Hoả Hương chạy đi. Kính Thiên vẫn đứng ở cổng phủ Quốc sư dõi mắt nhìn theo. Khi ta đi khuất xa, luôn cảm giác hắn vẫn đứng đó như một bức tượng tạc.
Ki No