Quái Khách Muôn Mặt

chương 30: đất lạ nhiều bạn tốt

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Lúc ấy Vân Tuệ mới biết mình đã hiểu lầm và đánh lầm thiếu niên ấy, nàng vội xin lỗi :

- Già này hiểu lầm lòng tốt của thiếu hiệp nên lỡ tay như thế mong thiếu hiệp lượng thứ cho.

Nói xong, nàng ngắm nhìn thiếu niên ấy, thấy người chàng ta vừa lùn vừa bé nhỏ, nàng còn cao hơn chàng ta nữa cái đầu. Chàng nọ cũng mặc võ trang lưng đeo trường kiếm trông càng mảnh khảnh thêm dù mặt chàng có dấu vết bàn tay đỏ hồng nhưng không ảnh hưởng đến bộ mặt anh tuấn của chàng, nàng so sánh mặt chàng ta với Long Uyên có thể nói là nửa cân tám lạng.

Đồng thời mặt chàng này còn vẻ ngây và thông minh hoạt bát hơn, nên trông thấy chàng vừa thương vừa đáng yêu.

Vân Tuệ cứ thấy chàng nọ ngắm nhìn mình hoài và thấy chàng ta vẫn có vẻ không vui đang định mắng lại mình, nhưng sao thấy mặt Vân Tuệ đẫm lệ, y lại động lòng thương và nói :

- Bà già kia, bà đánh tôi một tát chẳng lẽ chưa nguôi cơn giận hay sao?

Vân Tuệ nghe giọng nói của chàng ta hãy còn non nớt, rất ngây thơ, nàng cũng quên cả những phiền muộn và tươi cười liền.

Thiếu niên thấy thái độ của bà già hỉ nộ vô thường như vậy, chàng ta cũng phải ngạc nhiên hết sức, và đồng thời chàng đã xét thấy giọng nói với bộ mặt của Vân Tuệ hơi khác, nên chàng hoài nghi và động lòng hiếu kỳ.

Vì vậy sự tức giận của chàng liền tiêu biến, làm bộ mặt xấu và cười lanh lảnh nói tiếp :

- Nếu bà cụ chưa nguôi cơn giận lại tát thêm bên này của Vương Cửu tôi một cái nữa đi.

Vân Tuệ nghe thấy chàng ta nói như vậy, không sao nhịn được phải cười khì một tiếng. Thiếu niên đột nhiên nắm cánh tay của nàng tinh nghịch nói tiếp :

- Ối chà, ra là chị, chị đánh lừa em. Chị...

Vân Tuệ thấy cử chỉ chàng ta đột ngột như vậy cũng giật mình kinh hãi, nhưng thấy bộ mặt tinh nghịch và đáng yêu như vậy, đồng thời lại thấy hai bàn tay chàng ta mềm nhũn như không có xương, nàng cũng tỉnh ngộ vừa cười vừa đáp :

- Ối chà, ra là con nhỏ chứ không phải thằng nhỏ, chưởng này thật chị đánh oan cô lắm.

Lời nói của nàng đều dùng giọng già, thái độ cử chỉ cũng đều là của bà cụ bảy mươi, khiến thiếu niên nọ ngạc nhiên vô cùng.

Vân Tuệ trông thấy Vương Cửu mặt đỏ bừng đúng là con gái rồi trong long mừng rỡ lúc này nàng cảm thấy cô đơn bỗng gặp một thiếu nữ như vậy làm sao nàng không mừng rỡ, vì vậy nàng cố ý làm ra vẻ già nua dùng giọng khàn mỉm cười :

- Cô nương không phải là Vương Cửu mà là Vương Mai đúng không?

Thiếu niên nọ trợn to đôi mắt lên nhìn nàng ngạc nhiên hỏi :

- Bà... sao bà lại biết rõ như vậy?

Vân Tuệ thấy nàng ta hỏi như thế không khác gì đã nhận là con gái rồi, nàng định giải thích thì Vương Mai đã cướp lời nói trước :

- Vậy bà là ai, sao lại biết rõ tên họ của tôi như thế?

Vân Tuệ kéo nàng ngồi xuống, thở dài và đáp :

- Tên họ của tôi tạm thời không nói cho cô biết được, vậy cô cứ gọi tôi là Thiên Diện phu nhân là được rồi.

Vương Mai nghe thấy nàng xưng biệt hiệu ra như vậy, đã kêu “ối chà” một tiếng đứng dậy ngắm nàng một hồi.

Nàng ngơ ngác hỏi tiếp :

- Cái gì, bà là Thiên Diện phu nhân ư? Sao bà lại như thế, ủa... phải rồi, chắc bà hóa trang có phải không?

Vân Tuệ thấy vẻ mặt nàng ta gay cấn như vậy, tuy tức cười nhưng yêu thái độ của nàng ta, vì vậy, nàng mỉm cười gật đầu. Nàng lại thấy Vương Mai trợn tròn xoe đôi mắt tay rờ cây kiếm và dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng, rồi chất vấn lại Vân Tuệ :

- Nghe bà ác độc lắm, ở Kim Lăng một đêm giết chết mấy chục nhân vật của các tiêu cục, chẳng hay việc này có thật không?

Vân Tuệ ngạc nhiên vô cùng, kinh hãi nói :

- Ai nói cho cô biết tin này thế?

- Nếu muốn người ta không biết thì đừng làm, bà khỏi cần phải hỏi tôi câu đó, tôi hãy hỏi bà có làm việc thương thiên bại lý đó hay không?

Nói xong nàng hai tay liền chống nạnh làm ra vẻ bất bình nhìn thẳng mặt Vân Tuệ.

Vân Tuệ thấy thái độ của nàng như vậy rất thích thú, liền hỏi lại rằng :

- Phải thì sao, không phải thì sao?

Vương Mai đang định nổi khùng, nhưng thấy Vân Tuệ không có vẻ gì tức giận, bộ mặt rất hiền từ, chứ không như lời đồn nàng là người độc ác hơi tí là giết người đâu. Nên nàng suy nghĩ giây lát rồi lớn tiếng nói tiếp :

- Nếu quả thực bà độc ác như thế thì hôm nay thiếu gia này không thể nào buông tha cho bà được. Còn nếu không phải thế thì thiếu gia này xin kết bạn với bà.

Vân Tuệ thấy vậy cười khì một tiếng và hỏi đùa :

- Cô định không buông tha cho tôi bằng cách nào?

Hình như Vương Mai vẫn biết Vân Tuệ cố ý chọc tức mình nên nàng tức giận đến hai má đỏ bừng liền nhảy ra ngoài xa năm thước rút kiếm ra giơ tay ngang ngực rồi lớn tiếng quát bảo :

- Thiên Diện phu nhân kia, người khác sợ ngươi chứ tiểu gia Vương Mai xưa nay không biết sợ là gì và tính lại hay can thiệp chuyện bất bình. Nói thực cho nàng biết, lần này tiểu gia lẻn trốn nhà bỏ ra đi...

Nàng nói chữ lẻn trốn mới biết mình lỡ lời, nên muốn mím mồm cũng không kịp nữa. Vì vậy nàng lườm Vân Tuệ một cái rồi lại hăng hái nói tiếp :

- Lần này thiếu niên ra đây là muốn tới Kim Lăng để đấu với Thiên Diện phu nhân cùng cái gì là Thiên Diện thư sinh để trả thù cho các bạn của giới tiêu cục chúng ta...

Vân Tuệ cố nhịn mãi nhưng không sao nhịn được rút cuộc bật cười khì một tiếng.

Vương Mai thấy vậy mặt càng đỏ thêm hậm hực giậm chân một cái nói :

- Bà cười phải không? Được tôi sẽ làm cho bà khóc cho mà xem!

Nói xong nàng múa kiếm xông lại nhằm đầu Vân Tuệ tấn công xuống.

Vân Tuệ thấy kiếm pháp của nàng cũng khá cao siêu, trong long khen ngợi thầm bụng bảo dạ rằng: “Không ngờ cô bé này tuổi chỉ độ mười sáu thôi mà lại có công lực cao siêu như vậy”.

Nhưng võ công của Vương Mai cao siêu tới đâu cũng không sao bằng được Vân Tuệ nên Vân Tuệ tuy khen nhưng cũng không thấy đó làm kinh hãi. Nàng vẫn ngồi ở trên giường mà khúc khích cười không hề nhúc nhích cử động một chút nào.

Vương Mai tấn công một thế kiếm, mũi kiếm cách Vân Tuệ không đầy một thước mà nàng vẫn thấy Vân Tuệ ngồi yên cười như thường nên ngạc nhiên vô cùng. Nàng liền thâu kiếm lại giận dữ hỏi :

- Này, sao bà lại ngồi yên như thế?

Vân Tuệ thấy nàng ngây thơ như vậy lại càng buồn cười thêm, suýt chút nữa thì ứa cả nước mắt ra.

Vương Mai không có ý đả thương nàng nhưng thấy nàng không thèm đếm xỉa tới kiếm của mình liền ngẩn người ra mà nói tiếp :

- Giỏi lắm bà tưởng tôi không dám giết bà chắc? Này đây hãy coi kiếm của bổn thiếu gia!

Nói xong nàng lại nhằm ngực của Vân Tuệ đâm tới.

Vân Tuệ biết Vương Mai đã tức giận quá rồi, biết không thể chọc tức thêm được nữa nàng vội xua tay lia lịa nói :

- Đại tiêu đầu đừng đâm nữa, đừng đâm nữa! Để tôi kể cho đại tiêu đầu nghe.

Vương Mai nghe nói vội vàng thu kiếm lại, nói :

- Hừ, bổn thiếu gia đã biết trước mà. Biết bà thế nào cũng nói, nhưng không được nói dối...

Nàng nói tới đó, đột nhiên như hờn như mừng hỏi lại :

- Ai là đại tiêu đầu nào, bà đừng nói bậy!

Lúc này Vân Tuệ đã biết rõ tính nết của cô bé kia rồi, nàng liền vẫy tay bảo cô bé ngồi xuống và kể ra chuyện ở Kim Lăng cho cô bé nghe.

Vương Mai lẳng lặng nghe hồi lâu, chờ Vân Tuệ kết thúc câu chuyện mới thở dài một tiếng và hỏi lại.

- Ồ, ra là thế đấy! Suýt tí nữa là tôi đã tưởng lầm người tốt! Bà không trách tôi chứ? Chẳng hay bà có vui lòng làm bạn với tôi không?

Vân Tuệ thấy cô bé này vừa ngây thơ lại vừa trong sáng, nhất là lúc này nàng đang thấy mình cô đơn và buồn rầu, nếu được như vầy thì còn gì bằng, nên nàng đáp :

- Cô em đáng yêu như vậy, sao tôi lại không muốn làm bạn với cô em! Nhưng việc của tôi, cô đã biết hết rồi còn việc của cô, sao cô không kể cho tôi nghe.

Vương Mai mừng rỡ khôn tả, vội vàng cướp lời :

- Được để tôi kể cho bà nghe: Tôi tên là Vương Mai, cha tôi là Thiết Kiếm Ngân Y Vương Đại Đồng, hiện mở một tiêu cục ở Hán Trung tên là Thiết Kiếm tiêu cục. Cha mẹ tôi rất hiếm hoi, chỉ sinh được mỗi tôi thôi nên luôn bắt tôi ăn mặc giả trai từ hồi nhỏ.

Vân Tuệ mỉm cười hỏi tiếp :

- Tại sao cô lại lẻn trốn đi như vậy?

- Ai bảo là tôi lẻn trốn nào? Tôi là... vì gần đây nghe thấy người ta nói ở Kim Lăng có hai tên ma đầu xuất hiện, chuyên môn gây hấn với người bảo tiêu, trong một đêm đã giết chết mấy chục người của tiêu cục. Vì thế tôi mới tức giận, nên lấy áo bạc của cha tôi để hộ thân, và định đi Kim Lăng để diệt trừ hai tên ma đầu cho giới bảo tiêu...

Nói tới đó nàng lại nắm lấy tay Vân Tuệ và nói tiếp :

- Có ngờ đâu vị Thiên Diện phu nhân này không những không hung ác mà còn đáng kính trọng. Tại sao vừa rồi bà lại đau lòng như vậy. Có phải có người bắt nạt bà không. À phải rồi, Thiên Diện thư sinh đâu? Có phải ông ta là chồng bà không? Sao không thấy ông ta?

Vân Tuệ định cười nhưng thấy Vương Mai nhắc đến Long Uyên, nàng lại rầu rĩ thở dài một tiếp, đầu lắc lia lịa và không nói năng gì nữa?

Vương Mai thấy vậy liền kêu “ồ” một tiếng rồi hỏi tiếp :

- Có phải ông ấy bắt nạt bà không?...

Vân Tuệ lắc đầu phủ nhận và nói lảng sang chuyện khác :

- Chuyện của tôi dài lắm, sau này tôi sẽ kể cho cô nghe! Bây giờ muộn rồi, chúng ta đi ngủ nhé?

Vương Mai còn định hỏi thêm thì tiếng trống canh đã điểm ba tiếng, đành đành phải đứng dậy đáp :

- Thôi được, còn chuyện gì để mai hãy nói, bà không được bỏ tôi mà lẻn trốn đi đấy nhé.

Vân Tuệ cười đáp :

- Cô nương cứ yên tâm, tôi không như cô hơi tí là lẻn trốn đi đâu!

Vương Mai nghe thấy Vân Tuệ chế riễu mình liền làm nũng làm nịu. Vân Tuệ đành phải nói tốt nói xấu vài câu, nàng mới chịu cáo lui.

Long Uyên, Phong Lan với Võ Di bà bà, ba người quá giang xong liền lên đường đi ngay. Sáng sớm ngày hôm sau họ đã tới Bạch Thạch sơn trấn. Nửa năm trước đây, ba người đã tới đó diệt con thuồng luồng. Bây giờ ba người lại trở lại đất cũ, lần này võ công của Phong Lan đã tiến bộ hơn trước nhiều, phần vì được Long Uyên chỉ bảo, phần vì được ăn trứng con Tỷ Kim Giao. Vì thế nàng theo Long Uyên với Võ Di bà bà đi một đêm trường mà không thấy mệt mỏi chút nào. Trái lại, trong ba người chỉ có Võ Di bà bà là cảm thấy hơi mệt thôi.

Long Uyên biết Phong Lan rất hiếu thắng và thấy bà cụ có vẻ mệt mỏi liền đề nghị ở lại đây một hôm.

Võ Di bà bà thấy Long Uyên với cháu gái mình không mệt tí nào, bà ta đang gượng đi tiếp, nhưng bây giờ thấy Long Uyên đề nghị như vậy, bà ta cũng không phản đối. Thế rồi ba người thủng thẳng vào trong thị trấn.

Không ngờ mới có nửa năm mà thị trấn đã phồn thịnh hơn trước nhiều. Trời mới mờ sáng mà người đi lại đã chen vai thích cánh rồi.

Long Uyên rất lấy làm ngạc nhiên. Cả ba theo mọi người đi vào trong phố, thấy giữa thị trấn thêm mười mấy tiệm to lớn. Trong những tiệm đó có rất nhiều hàng bán thứ gì cũng đều có cả, nhưng người đi đông như thế này mà họ đều tới mấy tiệm đó để tranh nhau mua những đồ dùng và thực phẩm.

Long Uyên nhanh mắt đã trông thấy trong một tiệm bán lương thực có một người đang đứng bên quầy. Người này chính là Lỗ Trí người có tiếng là chính trực và vô tư ở Kim Lăng. Chàng muốn đi hỏi cho rõ vì vậy chàng liền dẫn Võ Di bà bà với Phong Lan vào trong một khách sạn ở bên đối diện bảo tiểu nhị sửa soạn các thức ăn sáng rồi mới nói cho hai người hay rằng :

- Bà bà với Lan muội hãy dùng cơm trước để tôi đi hỏi thăm Phả Cái có đây không.

- Long đại ca định tìm Phả Cái có việc gì? Cho tiểu muội cùng đi với!

Lúc ấy Long Uyên vẫn giả dạng nho sinh già, nghe thấy Phong Lan nói như vậy, chàng chưa lên tiếng thì Võ Di bà bà vừa cười vừa xen lời nói rằng :

- Lan nhi, bây giờ chàng mới rời khỏi có một chút cũng không được sao, nếu sau này cháu...

Phong Lan mặt đỏ bừng, nũng nịu đáp :

- Ba bà chỉ...

Nói tới đó, nàng lại ngồi vào lòng bà cụ làm nũng rồi, nhưng bà cụ lại không để cho nàng tới gần, đã vội xua tay nói :

- Thôi được thôi được, đừng giở cái giọng trẻ con ấy ra nữa. Để già này được thanh tĩnh nghỉ ngơi chốc lát!

Phong Lan định không đi, nhưng thấy Võ Di bà bà mỏi mệt nên không quấy nhiễu nữa mà chạy theo Long Uyên ra khỏi cửa phòng và nũng nịu nói :

- Long đại ca, chúng ta đi thôi!

Hai người cùng ra khỏi khách sạn, len vào đám đông tiến thẳng vào cửa tiệm bán hàng ở trước mặt, tiểu nhị và các khách hàng thấy có một cô gái vừa trẻ vừa đẹp lại đi cùng một ông già nho sinh chen vào. Vì mặt Phong Lan quá đẹp, khiến ai nấy đều ngừng tay, người bán quên cả bán và người mua quên cả mua.

Long Uyên đi trước tiến thẳng vào trong quầy chắp tay chào Lỗ Trí và hỏi :

- Lỗ huynh, xin hỏi Tiếu Diện Phả Cái tiền bối có ở đây không?

Lỗ Trí nghe thấy có người hỏi thăm liền ngửng đầu lên nhìn ngẩn người ra, bụng bảo dạ rằng: “Người này là ai, sao lại biết tên họ ta như thế?”

Nghĩ đoạn, y liền đáp lễ và hỏi lại :

- Huynh đài quý tính đại danh là chi và không biết muốn kiếm Phả Cái có việc gì?

Long Uyên thấy y ngơ ngác mới sực nhớ mình đã cải trang dị dung, vội trả lời :

- Tại hạ họ Long ở Kim Lăng với Lỗ huynh là...

Chàng chưa dứt lời Lỗ Trí đã vỡ lẽ, vừa cười vừa hỏi lại...

- Ủa, có phải các hạ là Thiên Diện thư sinh Long công tử đấy không? Phả Cái tiền bối rầu và lo âu, công tử tới đích thực vừa lúc quá...

Nói xong y vội chạy ra ngoài quầy, dắt tay Long Uyên vào và nói tiếp :

- Mời công tử vào trong này!

Long Uyên ngạc nhiên vô cùng, nhất thời không hiểu tại sao Phả Cái lại buồn rầu và lo âu? Chàng đang định hỏi nhưng nghĩ lại Phả Cái đang ở trong nhà thì cứ việc vào mà hỏi hà tất phải thắc mắc như vậy làm chi. Nên chàng gọi Phong Lan rồi cùng theo Lỗ Trí đi vào trong nội đường. Chàng thấy bên trong gạo chồng chất nhà và Phả Cái đang ở trên một cái lầu nhỏ. Lỗ Trí vừa đi tới đầu cầu thang đã lớn tiếng kêu :

- Tiếu Diện tiền bối, Long công tử đã tới.

Phả Cái đang ở trên lầu, nghe thấy thế thì vội hỏi :

- Hiện giờ Long công tử đang ở đâu.

Ông ta vừa nói vừa chạy xuống bên dưới ngay, nhưng ông cũng không nhận ra được Long Uyên. Long Uyên vội tiến lên vái chào :

- Long mỗ bái kiến tiền bối.

Phả Cái nghe giọng của Long Uyên rồi, lúc này ông mới biết lão nho sinh này là chàng liền cười nhạt một tiếng và hỏi :

- Thằng nhỏ này lắm bộ mặt thực! Thôi, đừng đa lễ như thế nữa. Phu nhân đâu?

Lỗ Trí vội xem lời :

- Công tử hãy nói chuyện với Tiếu Diện tiền bối trước. Tại hạ ra căn dặn tửu bảo rồi sẽ vào tiếp chuyện sau.

Long Uyên vội đáp :

- Xin Lỗ huynh cứ tự nhiên.

Lúc ấy Long Uyên mới chính thức giới thiệu với Phả Cái rằng :

- Vị này là cháu gái của Võ Di bà bà, tên là Phong Lan, Lan muội mau lại đây chào Tiếu Diện Phả Cái...

Phong Lan vẫn còn nhớ hiềm thù cũ, không muốn nói chuyện với Phả Cái, nhưng thấy Long Uyên tôn trọng ông ta như vậy và chàng lại giới thiệu như thế, nàng cũng phải cung kính vái chào.

Phả Cái ngắm một hồi, rồi khen ngợi luôn miệng và nói :

- Cô nương quả không hổ thẹn là đồ đệ của một vị danh sư. Nào... mời hai vị lên trên lầu nói chuyện.

Nói xong, ông ta đi trước dẫn đường, Long Uyên và Phong Lan theo sau.

Vừa ngồi xuống, Phả Cái đã hỏi :

- Tại sao Vân Tuệ không tới?

Long Uyên kể qua loa câu chuyện cho Phả Cái nghe rồi nói tiếp :

- Có lẽ bây giờ nàng đang chờ lão tiền bối ở Vu Hồ. Nếu nơi đây không có việc gì, mong tiền bối sớm lên đường đi ngay, để cùng chị Tuệ đi điều tra hung thử và trả thù cho Cô Độc lão tiền bối.

Phả Cái liền đáp :

- Được lắm. Nhưng công việc ở đây phiền phức vô cùng...

Phong Lan biết Phả Cái ở đây để làm gì nên xen lời hỏi :

- Việc gì mà lại phiền phức thế?

Phả Cái thở dài một tiếng rồi đáp :

- Cô nương không biết đấy thôi. Thoạt tiên chú nhỏ này bỏ tiền ra cho Kính Thật mua lương thực để cứu giúp những người hoạn nạn, Kính Thật đã nhận lời ngay. Mục đích của Kính Thật là y muốn làm cho thương trường được phồn thịnh rồi sẽ lấy những tiền lời để cứu giúp những kẻ hoạn nạn. Ngờ đâu người hiền mà lại chết non. Khi tới Kim Lăng thì bị toi mạng bởi tên ác tặc Vũ Phi...

Hồi Long Uyên giao châu báu cho Kinh Thật thì nàng đã biết rõ việc này, sau khi Kính Thật bị giết ở Kim Lăng tuy nàng đã nghe Vân Tuệ kể lại, nhưng nàng cũng chưa biết rõ kế hoạch của Kính Thật ra sao. Mà thực ra, chính Long Uyên cũng không biết rõ kế hoạch của Kính Thật, bây giờ nghe Phả Cái nói lại chàng ngạc nhiên vô cùng.

Phả Cái thấy hai người có vẻ hoài nghi, liền thở dài một tiếng và nói tiếp rằng :

- Thoạt tiên ăn mày già này cũng không biết kế hoạch của Kính Thật, tưởng y đem lương thực về tới Vu Hồ phát chẩn xong là thôi. Sau tới đây, nghe người nhà của Kính Thật nói, mới biết y có để lại một kế hoạch, và đồng thời đang tiến hành theo kế hoạch ấy.

Nghe nói tới đó, Phong Lan không sao nhịn được vội hỏi tiếp :

- Lão tiền bối nói cho Lan nhi biết kế hoạch của Kính Thật ra sao đi?

- Khi đi Kim Lăng, Kinh Thật đã cho xây dựng mấy chục tiệm lớn ở mười thị trấn quanh Sào Hồ này, định mở các thương điếm bán những thứ đồ dùng và lương thực. Những người nghèo và nạn nhân có thể đến mua chịu rồi chia từng kỳ hẹn mà trả dần... Cứ như thế chỉ độ vài năm thôi, những khu tai nạn quanh đây mấy trăm dặm, không những có thể kiến thiết lại một cách nhanh chóng mà các thương điếm lại có thể vừa làm phước vừa có thể kiếm lời. Như vậy có thể lợi cho dân vừa lợi cho mình, có phải hay biết bao nhiêu.

Long Uyên nghe tới đó liền khen ngợi Kính Thật là một nhân tài hiếm có. Nếu cứ theo kế hoạch của y mà thi hành thì chỉ mười mấy năm, y sẽ không thua gì Chu Công và Đào Công ngày xưa...

Phả Cái gật đầu nói :

- Ăn mày già này với Lỗ Trí rất tán thành kế hoạch của Kính Thật, nhất là Lỗ Trí, y khôn ngoan hết sức, bảo kế hoạch này không những có lợi cho dân và đồng thời còn có lợi cho đồng đạo võ lâm...

Nói tới đó Phả Cái đổi giọng nói tiếp :

- Võ công của Lỗ Trí tuy rất tầm thường, nhưng y lại có một tấm lòng chính trực vô tư và có hùng tâm tế thế cứu người. Y đọc xong kế hoạch của Kính Thật liền nói rằng :

“Hiện giờ trong võ lâm, về giới hắc đạo, giặc giã tụ tập cướp và giết người đoạt của như thế cũng chỉ vì đời sống hoàn cảnh bắt buộc. Cho nên cả nghìn năm nay những người nghĩa hiệp vì không biết cách triệt để, để giải quyết vấn đề sinh mạng của họ, tuy những người đó đã dùng cách lấy sự chém giết để ngừng sự tàn sát của bọn hắc đạo. Nhưng phương pháp ấy không thể nào trừ tuyệt được giặc, nếu bây giờ chúng ta nhân dịp may này lập nhiều tiệm buôn ở các nơi những tiền thu được, không những có thể cứu tế lại còn có thâu phục được bọn đạo tặc chịu cải tà quy chánh vào làm ở trong những tiệm ấy, dạy dỗ chúng cho chúng cải hóa. Như vậy sự làm ăn của chúng ta ngày càng phát đạt bao nhiêu sức thâu dụng của chúng ta cùng ngày càng mạnh bấy nhiêu và thành công của sự giáo hóa cũng phải lớn rộng theo. Thi hành luôn mấy chục năm như vậy dù là không hoàn toàn đón được những kẻ bất chính biết quay đầu lại thì ít nhất cũng tạo cơ hội cho những người bị hoàn cảnh mà phải đi làm giặc, tuy đã biết hối cải nhưng tiếc thay không có dịp may cho họ cải tà quy chánh, để làm một người dân lương thiện”.

Long Uyên nghe xong thấy kế hoạch đó rất hay. Phong Lan cũng gật đầu tán thành. Phả Cái ngừng giây lát rồi nói :

- Nghĩa cử đó chính là việc mà ăn mày già tôi theo đuổi bấy nhiêu năm nay, nên lão vừa nghe thấy Lỗ Trí nói xong liền tán thành ngay. Các người ở Kim Lăng cũng không phản đối và cũng không dị nghị gì cả. Thế rồi ăn mày già này liền quyết định yêu cầu Lỗ Trí viết lại kế hoạch của Kính Thật để cho anh em có công việc làm ngay. Ngờ đâu Lỗ Trí tính toán mấy ngày đêm lại đều nhận thấy người giúp việc quá ít và tiền tài thì lại thiếu không đủ chi dụng...

Long Uyên vốn có lòng nhân nghĩ sớm muốn cứu nhân độ thế rồi, trước kia thiếu kinh nghiệm và chàng cũng không nghĩ ra được kế hoạch nào. Bây giờ nghe Phả Cái nói tới, chàng cũng nhận thấy phương pháp này hay nhất không còn gì bằng. Chàng vội đỡ lời :

- Về vấn đề tiền bạc thì tiền bối khỏi phải lo. Nhà tôi còn nhiều châu báu lắm. Trước kia tôi với chị Tuệ lượm ở dưới đáy biển, bây giờ có thể đem ra sử dụng được rồi. Còn về vấn đề người thì chúng ta cứ tạm thu dụng những người làm ăn buôn bán có kinh nghiệm trước...

Phả Cái nghe Long Uyên nói thế kêu “hứ” một tiếng và nói tiếp :

- Lão ăn mày và Lỗ Trí cũng nghĩ như vậy, chỉ là không có cách gì liên lạc được với lão đệ mà cảm thấy ân hận thôi. Bây giờ...

Lúc ấy đã có tiếng chân người đi lên cùng với tiếng cười ha hả của Lỗ Trí vọng lên nữa. Long Uyên liền chạy ra cầu thang nghênh đón, chàng nghiêm nghị chắp tay chào Lỗ Trí và nói :

- Lỗ huynh mau lên đây. Tiếu Diện tiền bối đã kể hết cho Long mỗ nghe rồi, ý kiến của Lỗ huynh quả thực hơn người, khiến Long mỗ cảm phục vô cùng.

Lỗ trí tay cầm quyển sổ vội cắp vào nách rồi hai tay chắp lại đáp lễ và trả lời rằng :

- Công tử quá khen, sự thực Lỗ Trí tôi ngu muội thiết nghĩ công tử có lòng nhân đức cứu giúp muôn dân như vậy mới thực khiến Lỗ Trí này lẫn tất cả mọi người đều kính phục...

Tiếu Diện Phả Cái vội xem lời :

- Hai người đừng khiêm nhường nữa, mau lại đây định kế hoạch để tiến hành đi.

Lỗ Trí kéo cái ghế ngồi bên cạnh Long Uyên và giở quyển sổ ra. Phong Lan thấy cuốn sổ ấy dày mấy chục trang mà trang nào cũng viết đặc chữ. Long Uyên liền cầm lên xem, thấy trang đầu tức là đường lối và tôn chỉ cách làm việc mà Phả Cái đã nói còn những trang sau viết rõ nên lập thương điếm ở đâu, phải buôn bán những thứ gì mới có lời, hàng hóa mua bán vận tải ra sao nhất nhất đều viết rõ ở trong cuốn sổ kế hoạch đó. Khi đọc xong chàng rất khâm phục tài của Lỗ Trí liền khen không ngớt rồi gấp cuốn sổ lại trao trả cho Lỗ Trí rồi thở dài nói :

- Ngày hôm nay Long mỗ mới biết được đại tài của Lỗ huynh thật đáng kính đáng mừng thay. Từ nay trở đi, tất cả tiền của Long mỗ xin trao cho Lỗ huynh hết để Lỗ huynh tự ý xử lý. Đồng thời nếu có việc gì cần đến mỗ thì Lỗ huynh cứ cho hay dù phải nhảy vào lửa mỗ cũng không từ chối...

Lỗ Trí nghe Long Uyên nói như vậy thì xua tay đáp :

- Được công tử coi trọng như vậy, Lỗ Trí này rất lấy làm cảm động và cám ơn nhưng cứ bắt Lỗ Trí toàn quyền xử lý thì dù tôi táo gan đến đâu cũng không dám.

Phong Lan cũng nhận thấy ý kiến và kế hoạch của Lỗ Trí rất hay nhưng nàng không tán thành ý kiến của Long Uyên là trao toàn quyền cho Lỗ Trí, nhưng nàng không tiện nói ra. Ngờ đâu Phả Cái cũng có ý như nàng, nhưng lão ăn mày đã nghĩ gì thì nói toạc ra ngay chứ không để bụng bao giờ cả nên ông ta vội chen lời :

- Hiền điệt không nên làm như thế, việc này ăn mày già cùng mọi người đã bàn qua rồi. Tuy Lỗ Trí nghĩ cách chu đáo nhưng chỉ huy cuộc sáng lập đại nghiệp thì phải có công lực và tài trí hơn người thì mới làm được vì hiện giờ không phải vấn đề tiền tài và còn vấn đề thâu phục với giáo hóa nữa, thiếu một thứ thì không thể thành công được bằng không dù có nhiều tiền tài thì cũng chỉ khiến người ta nhòm ngó và đánh cướp thôi, như thế không những không thành công mà còn bị toi mạng là khác. Ăn mày già này nghĩ ngoài hiền điệt không ai có thể gánh vác nổi trong trách này.

- Phải, tôi cũng thấy việc này chỉ có Long đại ca là thích hợp thôi, không những võ công...

Lỗ Trí cũng xen lời nói :

- Long công tử công lực cái thế, thông minh lại hơn người và lòng nhân đức cùng từ thiện của công tử cũng không ai bằng. Quả thực chỉ có công tử mới gánh vác nổi trọng trách này, chứ Lỗ Trí tôi thì điều gì cũng kém cỏi hết, tuy nghĩ ra được chút ý kiến, nhưng đó chỉ là một việc nhỏ mọn của sự việc to tát này, chứ còn công tử...

Long Uyên thấy mọi người tâng bốc mình như vậy, khoái chí vô cùng và ngượng ngùng đỏ mặt ấp úng một hồi không biết có nên nhận hay không. Sau đó chàng mới lên tiếng nói được :

- Long mỗ tài hèn sức mọn làm sao gánh nổi trọng trách ấy, vẫn biết đây là bổn phận của Long mỗ đáng lẽ Long mỗ không nên từ chối, nhưng Long mỗ trên còn chín vị gia trưởng, người nào người nấy đều già nua cần phải Long mỗ về hầu hạ. Cho nên chuyến này Long mỗ lên miền Bắc cũng là vì về thăm cha mẹ, chú bác, như vậy không thể nào ở lại đây để các vị gia trưởng mong chờ được...

Thấy chàng nói như thế Phong Lan liền nghĩ tới việc nhà với việc hôn nhân của mình nàng vội nín lời không dám nói nữa.

Phả Cái với Lỗ Trí đều không biết rõ thân thế và lai lịch của Long Uyên, nay thấy chàng nói tới, Phả Cái liền hỏi :

- Chẳng hay nhà của hiền điệt ở đâu?

Long Uyên nhất nhất kể cho Phả Cái với Lỗ Trí hay.

Hai người nghe xong mới vỡ lẽ và chắc bên trong còn nhiều sự khúc mắc lắm.

Theo lý ra cha mẹ còn mạnh con cái phải ở nhà hầu hạ phụng dưỡng, khi nào lại được đi chơi xa như thế. Huống hồ Long Uyên lại là con trưởng nếu không phải là người võ lâm thì khi nào miễn cưỡng được chàng đảm nhiệm trọng trách và mạo hiểm như thế. Nên Lỗ Trí ngẫm nghĩ giây lát rồi lên tiếng nói tiếp :

- Thân thế của Long công tử kỳ lạ thực, khiến Lỗ Trí tôi không ngờ nhưng công tử có thể thừa kế gia tài của tiền nhân dùng bộ mặt thật của mình ra buôn bán và mở chi điếm, như vậy có thể quen tay ngay. Bây giờ hãy tạm mượn những người lớn tuổi và trung thành giúp việc trước, đừng để cho mọi người nghi ngờ, sau này muốn để ai vào phụ trách chỉ cần công tử viết giấy xuống là xong.

Phả Cái, Phong Lan đều vỗ tay khen hay, ngay cả Long Uyên cũng nhận thấy chỉ có một cách ấy là hơn cả, vì mấy người chú bác của chàng trước kia cũng là những tay buôn bán lớn. Nên bây giờ nói chuyện buôn bán làm ăn ắt phải thạo hơn mọi người nên nếu bây giờ chàng định mở những tiệm như vậy thì thế nào mấy bác ấy cũng phải ra tay giúp sức làm bạn cố vấn cho. Như vậy việc làm của chàng quả thực sẽ dễ thành công hơn người...

Lỗ Trí thấy Long Uyên ngẫm nghĩ biết chàng đã bằng lòng rồi, bây giờ lại thấy chàng suy nghĩ chỉ sợ chàng đổi ý, vội nói :

- Vấn đề an toàn thì tại hạ và Tiếu Diện tiền bối xin phụ trách đi các nơi liên lạc các tiêu cục nhờ họ trông nom bảo đảm đồng thời lại kiếm những người đồng chí của mình hành hiệp giang hồ phàm thâu dụng được những giặc cỏ nào nếu chúng không phạm tội ác và muốn trở nên người hiền thì giới thiệu ngay cho công tử và công tử xếp đặt vào những tiệm để học tập buôn bán. Như thế trừ phi gặp phải chuyện gì lớn công tử mới phải ra mặt. Ngoài ra công tử lại giỏi thuật dị dung như thế còn ai biết được bộ mặt thật của công tử nữa.

Phả Cái nghe thấy Lỗ Trí nói vậy thì vỗ tay khen hay và lên tiếng nói tiếp :

- Phải phải phương pháp của Lỗ Trí thực là hay vô cùng, không những già này tán thành mà sẽ cùng hiến hết thân mình để làm cho kế hoạch thành công, như thế lão mới bổ cứu được những việc làm độc ác của lão năm xưa.

Phong Lan cũng hết sức phấn khởi lớn tiếng nói :

- Lỗ đại hiệp, kế hoạch của đại hiệp thực là chu đáo, nếu Bà bà có mặt ở đây thể nào Bà bà cũng tán thành. Long đại ca, mau nhận lời đi.

Long Uyên ngẫm nghĩ giây lát liền ngửng đầu lên nhìn ba người trả lời :

- Nếu Lỗ huynh đã nghĩ được chu đáo như vậy, Long mỗ còn từ chối chi nữa. Tuy nhiên việc buôn bán quả thực Long mỗ một khiếu cũng không thông, nên làm thế nào xin tuân theo Lỗ huynh chỉ bảo, xong đệ còn phải về nhà xin phép đã...

Nói tới đó chàng ngắt lời rồi tiếp :

- Gần đây Long mỗ cứ thấy trống ngực đập rất mạnh chỉ sợ các gia trưởng ở trong đình có sự nguy hiểm gì nên không dám ở đây lâu, nên mới mạo muội mời Tiếu Diện tiền bối đi tới vùng Vu Hồ gặp chị Tuệ trước để giúp chị ấy tùy cơ ứng biến trả thù cho sư phụ của chị. Ngoài ra, Lỗ huynh cũng tạm thời giao việc nơi đây cho người khác chủ trì, rồi cùng Long mỗ đi Chức Mạc bàn kỹ lưỡng việc hành thương. Chẳng hay huynh nghĩ ra sao?

Lần đầu tiên Phả Cái mặt lộ vẻ hớn hở, hai mắt tròn xoe như hai cái chuông, gân mặt rung động, tiếng cười của ông ta không khác gì tiếng thanh la vỡ và cũng tựa như người ta khóc vậy, dáng điệu kỳ lạ ấy không ai biết là ông đang mừng hay giận. Phong Lan giật mình kinh hãi vào bảo dạ rằng: “Thực đấy, ông cười có khác gì khóc đâu”.

Phả Cái cười một hồi rồi nín cười lên tiếng nói :

- Hiền điệt cứ yên tâm, việc báo thù cho Tuệ nữ, già này không buông tay đứng ngoài đâu.

Nói xong y thuận tay cầm cái bọc áo rách lên và nói tiếp.

- Việc này không thể chậm trễ được, già què phải đi trước hiền điệt đi sau nhé.

Ông ta chưa nói xong đã phi xuống lầu mất dạng rồi.

Phong Lan ngạc nhiên hỏi :

- Sao, ông ta đi thực à.

Nói xong nàng ta quay lại hỏi Lỗ Trí luôn :

- Lỗ huynh...

- Nếu công tử với cô nương không ở lại đây lâu được thì xin đi trước một bước, để tôi giao phó công việc ở đây cho Hồng Hoa tiêu cục xong sẽ theo sau ngay.

Long Uyên gật đầu đáp :

- Cũng được!

Lỗ Trí lại nói tiếp :

- Lần trước người của tám đại tiêu cục cùng đệ ở Kim Lăng với tất cả là hai mươi tám người, những người đó rất kính trọng lòng nhân từ của công tử mà người nào người nấy đều tự động giúp việc này, hiện nay họ chia nhau trông coi các tiệm ở quanh hồ và do Tiếu Diện tiền bối thống nhất chỉ huy. Còn Lỗ Trí tôi thì giúp Tiếu Diện tiền bối làm cố vấn, các người đều tán thành kế hoạch của tôi chỉ định. Bây giờ công tử tới đây có nên cho họ biết để gặp công tử một phen không?

Long Uyên ngẫm nghĩ giây lát rồi nói :

- Long mỗ cũng muốn gặp các bạn nhiệt tâm ấy một lần nhưng lần này thời gian không cho phép và cũng không muốn lầm lỡ việc của mọi người. Nếu hiện giờ không có gì cần thì Long mỗ cũng không muốn gặp họ vội, nhưng khi Lỗ huynh gặp mọi người thì chuyển lời bảo Long mỗ rất cám ơn quý vị.

Lỗ Trí vâng dạ nhận lời.

Long Uyên thấy mình tới đây đã hơn hai tiếng đồng hồ, sợ Võ Di bà bà chờ sốt ruột liền cùng Phong Lan cáo từ ra đi.

Quả nhiên khi hai người về tới khách điếm thì Võ Di bà bà đã hành công xong đang ở trong phòng nóng lòng chờ đợi. Bà ta thấy hai người về tới liền hỏi ngay :

- Hai người đi đâu thế?

Cho tới phút này tuy Phong Lan chưa được nghỉ ngơi nhưng tinh thần phấn khởi nghe thấy bà ta tỉnh táo liền chạy lại ôm lấy bà cụ mà kể hết mọi chuyện cho bà nghe.

Võ Di bà bà ôm chặt lấy cháu. Long Uyên thấy hai bà cháu thân thiết âu yếm như vậy thì càng nghĩ tới gia đình, vội ra bảo tiểu nhị sửa soạn cơm nước. Võ Di bà bà nghe Phong Lan kể xong cảm động ứa nước mắt nói :

- Cậu Long Uyên này, bây giờ kế hoạch rất kỹ càng, nếu thực hiện được thì thiên hạ không còn việc rắc rối lôi thôi nữa, già uổng sống mấy chục năm đến bây giờ mới biết cậu có chí hướng lớn lao như vậy già này cũng xin tặng một chút sức mọn để hoàn thành công việc lớn lao ấy.

Long Uyên vội vái lạy mà đáp :

- Cháu tự biết tài đức hèn mọn chỉ sợ không làm được việc đại sự này xin được Bà bà giúp sức cho.

Võ Di bà bà vội xua tay không để cho chàng nói tiếp và đỡ lời :

- Bây giờ chúng ta đã là người nhà với nhau, cậu hà tất phải khách khứa với già này như thế. Thôi cậu mau mau ăn cơm và nghỉ ngơi một hồi rồi chúng ta lên đường ngay.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio