Xử trí các giám sinh làm loạn này như thế nào cũng là một vấn đề nan giải, nếu theo luật mà xử lý thì rất đơn giản, cũng là yêu cầu của các phủ doãn, thông phán. Nếu như triều đình làm như vậy thì cũng không cần Thẩm Mặc phải tới Đông Nam làm gì.
Trong việc này yêu cầu quan trọng nhất, chính là làm sao giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Việc này gồm có ba mặt, một là phải khống chế được dư luận trong dân chúng, hai là phải làm giảm sự ảnh hưởng tới uy nghiêm của khoa cử tới mức thấp nhất, ba là phải khống chế được sự phản đối của các đại thế gia.
Hai điều đầu tiên có lẽ chỉ cần một quan viên bình thường là có thể giải quyết, nhưng điều thứ ba mới khó. Từ Giai biết rằng chỉ có lấy sự ảnh hưởng của Thẩm Mặc ở Đông Nam, mới có khả năng thực hiện được.
Nếu đã phụng mệnh tới đây, y phải giải quyết mọi việc cho tốt. Thẩm Mặc tỉ mỉ phân tích tình hình, nếu dựa theo các lệ cũ thì không thể giải quyết cả ba điều cho tốt được. Với một số việc đặc biệt thì phải chấp nhận rủi ro, mới có thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
Sau thời gian suy nghĩ, y quyết định giải quyết vấn đề của giám sinh trước, bởi vì nếu cứ để mặc như vậy thì sẽ khiến cho tình hình chuyển xấu... Không cần biết đúng sai, các giám sinh đều là người đọc sách, mà dư luận đều dưới sự khống chế của giới sĩ lâm, việc có quan tâm thương cảm giám sinh hay không, cũng đều do ý của giới sĩ lâm quyết định. Chẳng may sự việc kéo dài khiến các giám sinh này thật sự chết đói, thì dù cho các việc khác làm có tốt đến mấy, thì giới sĩ lâm cũng sẽ không lượng thứ... Chí ít cái ác danh tên quan máu lạnh vô tình sẽ đổ lên đầu y, còn các điều khác thì có trời mới biết.
Giám sinh tưởng chết lại được sống, đương nhiên đối với Thẩm Mặc vô cùng cảm kích. Hơn nữa có thể lại được tham gia thi cử khiến bọn họ đã vô cùng cảm kích, nào còn mặt mũi mà đòi khôi phục "Mãnh" hiệu. Tốt nhất là trở về chuyên tâm đọc sách, ba năm sau lại tiếp tục đi thi.
Lui một bước trời cao biển rộng, lời này không chỉ áp dụng với các giám sinh, mà đối với Thẩm Mặc cũng như vậy. Y không truy cứu tội lỗi của các giám sinh, thì cũng đổi lại được lợi ích sau này... Hiện tại ngay cả giám sinh cũng không còn làm loạn, thì người đứng phía sau giật dây cũng không còn cách nào phá hoại, chỉ có thể câm lặng ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi.
Cho nên khi Thẩm Mặc nói ra tin tức này, vẻ mặt của mọi người trên hoa thuyền lập tức thể hiện muôn hình muôn vẻ... Xem ra bảo đao của Thẩm đại nhân cũng không vì ở Bắc Kinh quá lâu mà hoen gỉ, sau khi rút ra khỏi vỏ vẫn sắc bén như vậy, chỉ tốn chút sức đã làm cho sự việc được thu xếp ổn thỏa.
Mặc dù làm như vậy bản thân y cũng phải trả giá, đó là tất cả trách nhiệm đều đổ lên người y. Nhưng với tính cách của Thẩm Mặc, không có chuyện y hy sinh bản thân vì người khác, y làm như vậy đương nhiên là đã nắm chắc mọi việc trong tay. Trải qua vài chục năm, hắn biết rõ trong xã hội nhân trị này coi trọng cái tình hơn cái lý... Điều này sẽ giành được tình cảm của giới sĩ lâm. Nói cách khác, nếu ngươi xử lý mọi việc hợp với ý muốn của sĩ lâm, sẽ nhận được ân tình của sĩ lâm.
Thật ra việc Thẩm Mặc xử trí giám sinh nếu theo lý thì rất khó, nhưng nếu theo tình thì khác... Việc đối xử bao dung với giám sinh, cho bọn họ một cơ hội làm người nữa trong mắt sĩ lâm chính là hành động bảo vệ người đọc sách, thể hiện được sự nhân hậu của Thẩm Mặc, thể hiện y là người dám làm dám chịu. Giới sĩ lâm sau này chỉ nói tới kết quả y làm được, chứ không nói tới y làm thế nào, có phù hợp với quy định của Đại Minh hay không.
Đương nhiên chuyện này cũng là do xuất thân trạng nguyên của y, hơn nữa từ trước đến nay mọi người đều nói về y rất tốt, y làm chuyện gì cũng đều được mọi người ca tụng. Nếu như đổi lại là viên quan khác làm việc này thì chắc không thể hoàn thành nổi, chẳng may phán có tội thì cũng không chịu nổi sĩ lâm đả kích, mà dù có làm tốt thì cũng không dám nhận lời khen. Tục ngữ nói, người có bản lĩnh mới có thể làm được việc, chính là đạo lý này.
-oOo-
Ánh sáng hoa thuyền sáng rực trên sông Tần Hoài, hoa thuyền lướt đi trong tiếng mái chèo khua bì bõm.
Ngoài khoang thuyền đàn sáo du dương, tiếng ca thánh thót, nhưng bên trong khoang thuyền bầu không khí vô cùng yên lặng. Tình cảnh trước mắt làm tất cả mọi người cảm thấy bị động, đều ngồi yên suy đoán, giới hạn của Thẩm đại nhân rốt cuộc tới cỡ nào?
Thẩm Mặc cũng không vội, nhâm nhi uống để mặc cho bọn họ bình tĩnh lại, sau đó ho nhẹ một tiếng, phá vỡ sự im lặng nói:
- Chư vị có cho rằng Thẩm Mặc ta đến Bắc Kinh làm quan mấy năm, thì lòng dạ hướng về triều đình rồi không?
- Không dám, không dám...
Mọi người vội phủ nhận, nhưng trên mặt bọn họ lại lộ ra vẻ thừa nhận. Nhân sinh trên đời này chính là như vậy.
- Nếu như mọi người nghĩ vậy thì quả thật vô cùng sai.
Thẩm Mặc trầm giọng nói:
- Thẩm Mặc ta trước kia, bây giờ và sau này luôn luôn ngồi chung thuyền với các vị, lập trường của ta chính là Đông Nam là nhất, các vị là nhất, về điều này các vị yên tâm, vĩnh viễn sẽ không bao giờ thay đổi.
Mặc dù quen biết với vị đại gia này lâu như vậy, trong lòng cũng biết rõ ràng, nhưng đây là lần đầu tiên mọi người được nghe y thổ lộ tâm tình như vậy. Tất cả mọi người nghe xong dường như cảm thấy mình được ăn nhân sâm vậy, toàn thân cảm thấy sảng khoái vô cùng. Một chút bất mãn cùng đề phòng vừa nảy sinh trong lòng phút chốc đã tiêu tan sạch.
Không khí trong hoa thuyền trầm lại một chút, rồi chợt òa lên:
- Chúng ta cũng vĩnh viễn ủng hộ đại nhân...
- Đúng thế, chúng ta là một nhà tương thân tương ái...
Trong chốc lát, các lời thổ lộ nghe tới nổi da gà liên tiếp được mọi người nói ra.
- Ha ha... Tốt.
Nhưng Thẩm Mặc lại cảm thấy rất dễ nghe, nụ cười trên môi vẫn chưa hề tắt.
Đợi mọi người yên tĩnh lại, Thẩm Mặc mới nói vào việc chính:
- Như ta vừa nói, tất cả mọi việc ta làm, đều là vì lợi ích của mọi người. Ta hy vọng mọi người đều có thể phồn vinh hưng thịnh, càng ngày càng phát triển, đây chính là nguyên tắc và lập trường của ta...
Dừng một chút lại nói:
- Mọi người có điều gì cứ hỏi, chúng ta nói chuyện thoải mái với nhau.
- Xin hỏi đại nhân.
Yên lặng chỉ trong chốc lát, liền có người hỏi:
- "Mãnh" hiệu còn có thể khôi phục lại hay không?
- Nếu như các vị vẫn kiên trì đến vậy.
Thẩm Mặc thản nhiên nói:
- Ta vẫn có thể tác động, hẳn là còn có chút nắm chắc.
- Ý của đại nhân là...
Trên mặt mọi người liền lộ ra vẻ vui mừng, nhưng người với người vẫn nên kính trọng nhau là tốt nhất, Thẩm Mặc đã nể mặt bọn họ như vậy, bọn họ cũng phải nể mặt y:
- ... khôi phục hay không khôi phục?
- ...
Thẩm Mặc không trực tiếp trả lời, mà kể một câu chuyện cũ:
- Trong sách của đại nho khai quốc văn thần Tống Liêm có kể câu chuyện "Thúc thị ly tinh". Ở nước Vệ có một đại hộ họ Thúc, không thích bất cứ vật gì trên đời, chỉ yêu thích và nuôi dưỡng một loài tên là ly tinh. Ly tinh chính là một loài mèo hoang giỏi bắt chuột, trong nhà của hắn nuôi đến hơn một trăm con ly tinh như vậy, làm cho quanh nhà của hắn không còn bóng dáng một con chuột nào. Ly tinh đói ăn thì lớn tiếng kêu lên, do đó hàng ngày hắn đều phải ra chợ mua thịt cho lũ ly tinh ăn. Mấy năm trôi qua, ly tinh lớn sinh ra ly tinh nhỏ, ly tinh nhỏ lại sinh ra ly tinh nhỏ nữa... Những con ly tinh được sinh ra này vì mỗi ngày quen được ăn thịt, nên không ngờ trên đời còn có con chuột nữa; một khi chúng đói bụng thì ăn, ăn xong rồi thì lười biếng, lúc nào cũng thấy vui vẻ, ngày ngày cảm thấy thoải mái...
Tới đây mọi người cũng đã nghe ra ý, đây là Thẩm đại nhân kể chuyện ngụ ngôn, khéo nói con em đệ tử nhà bọn họ. Liền nghe Thẩm Mặc nói tiếp:
- Một ngày, phía nam thành có nhà gặp phải nạn chuột, chuột của nhà đó ban ngày kết thành từng đoàn quậy phá tưng bừng, thậm chí còn chui vào chĩnh gạo. Nhà đó sớm đã nghe thấy Thúc viên ngoại nuôi rất nhiều ly tinh giỏi bắt chuột, vì thế vội vàng tới Thúc gia mượn một con về. Ly tinh của Thúc viên ngoại tới nhà người đó, nhìn thấy rất nhiều chuột đang chạy tán loạn đều có hai lỗ tai nhỏ, vểnh hai chòm râu nhỏ, trừng hai con mắt đen nhỏ, kêu chít chít loạn lên thì tưởng rằng đó là quái vật, liền chạy tới chạy lui ven hang chuột mà không dám nhảy tới bắt chuột. Nhà kia thấy vậy giân lắm, liền dúi ly tinh xuống. Ly tinh vô cùng sợ hãi quay đầu về phía lũ chuột kêu to. Một lúc lâu sau, lũ chuột thấy con ly tinh này chẳng có bản lĩnh gì, không ngờ chẳng sợ hãi mà chạy tới gần chân ly tinh cắn cho nó một cái, ly tinh sợ quá kêu lên một tiếng, từ trong hang chuột chạy ra bỏ trốn mất tích...
Một câu chuyện ngụ ngôn rất buồn cười, nhưng trong khoang thuyền không ai có thể cười nổi. Người ta vẫn nói không ai giàu ba họ, đây cũng chính là lo lắng của bọn họ... Mặc dù tổ tiên tích đức, coi trọng giáo dục, trong dòng họ vẫn còn người tài giỏi, duy trì được địa vị của gia tộc, nhưng cũng không thể so được với mấy chục năm trước, chỉ có thể phát uy được ở Đông Nam, còn khi tới trung tâm chính trị của Đại Minh, mặc dù không phải bị người khác coi không ra gì, nhưng chẳng qua cũng chỉ hơn vậy một chút mà thôi. Nếu triều đình muốn ra tay với bọn họ, bọn họ cũng chỉ đành làm cá nằm trên thớt mà thôi... Ví như năm đó bọn họ bị cầm biên nhân công, tất cả đều hận tới nghiến răng, toàn Giang Nam đều phản đối, nhưng Hồ Tôn Hiến có sự ủng hộ toàn lực của triều đình vẫn cứ tiến hành công việc của mình, mãi tới sau này chiến tranh chấm dứt mới thôi.
(cầm biên: ngăn nhập tịch)
- Các vị đều là người thông minh.
Thẩm Mặc chậm rãi nói:
- Chắc chắn đã hiểu ý của ta rồi chứ.
-oOo-
Mọi người lặng lẽ gật đầu, bọn họ đương nhiên hiểu ý của Thẩm Mặc... Ly tinh đời thứ nhất của Thúc viên ngoại bản lĩnh cao cường, công lao hiển hách, để lại cho con cháu một cuộc sống an nhàn sung sướng. Nhưng đời sau của nó hàng ngày ăn thịt tươi mà sống, chưa bao giờ nhìn thấy con chuột, nói gì tới bắt chuột. Cho nên sau khi gặp phải con chuột thì lộ vẻ sợ hãi, suýt tí nữa còn bị con chuột cắn chết.
Chuyện xưa này kể cho mọi người rất hợp, bọn họ muốn giúp con em mình đi lối tắt, không để cho bọn chúng phải chịu cảnh cạnh tranh gian khổ với người khác, nhưng như thế không phải là giúp chúng, mà là hại chúng mới đúng...
- Đại công của Tống Liêm sau khi lập quốc chính là lập ra khoa cử cho Đại Minh ta.
Thấy mọi người cũng đã hiểu ý mình, Thẩm Mặc nói tiếp:
- Lịch sử đã chứng minh cho suy nghĩ của lão, không chỉ môn phiệt Ngụy Tấn kéo, mà ngay cả Tống triều cũng chưa từng có gia tộc nào có tiến sĩ nối đời nhau, chưa từng có gia tộc nào có ba đời tể tướng nối nhau như Đại Minh ta cả... Mỗ thiết nghĩ, chuyện Thúc thị ly tinh đã thể hiện rất rõ tư tưởng của lão.
- Hoàng gia không muốn thấy một thế gia môn phiệt nào chiếm quyền của mình. Bọn họ chỉ muốn củng cố hoàng thất, phế huân quý thế gia, mang quyền lực giao cho người đọc sách.
Thẩm Mặc trầm giọng nói:
- Mà người đọc sách muốn có tư cách trị quốc, nhất định phải vượt qua chế độ khoa cử của Tống Liêm đặt ra, độ khó của nó ví với thiên quân vạn mã qua cầu độc mộc cũng không quá đáng. Ta cũng là người từng qua khoa cử, biết rằng muốn thi đậu khó khăn thế nào, phải có tư chất thông minh, ra sức chăm chỉ học hành, cùng với vận may mới có thể thi đậu, dù thiếu một thứ cũng sẽ thi rớt.
Mọi người đây là lần đầu tiên được nghe người ta phân tích chế độ khoa cử từ góc độ người nắm quyền, cho nên vô cùng chấn động, tất cả đều chăm chú lắng nghe, như sợ bỏ sót một từ nào đó:
- Chính vì độ khó cao như vậy, khả năng đỗ cực thấp, cho nên một gia tộc rất khó để duy trì nhiều đời tiến sĩ liên tục, như vậy tự nhiên sẽ không thể sinh ra một gia tộc quá mức hùng mạnh...
- Đại nhân, lời ngài nói làm chúng tôi tỉnh ngộ.
Lúc này có người không nhịn được hỏi:
- Thế nhưng chúng tôi vẫn chưa từng thả lỏng việc dạy dỗ, phần lớn đều yêu cầu nghiêm ngặt từ thuở nhỏ, mời danh sư dạy dỗ mong tránh cho bọn chúng sa ngã...
Dừng một chút lại nói:
- Mục đích bọn chúng vào Quốc Tử Giám Nam Kinh chính là, sau khi trổ hết tài năng trong cuộc thi hương ở Giang Nam, bọn chúng muốn được thi hội, muốn so tài với các cao thủ khác trong cả nước.
- Ngươi nói không sai.
Thẩm Mặc thản nhiên cười:
- Loại liên tục này mặc dù rất khó, nhưng không phải là không có. Những thư hương thế gia có thể có con em liên tục thi đậu. Nhưng ngươi có kế Trương Lương, hoàng gia lại có thang leo tường, hoàng gia đề cao tiêu chuẩn, trong việc lựa chọn Thứ cát sĩ loại trước ra ba, bốn mươi người, mà không phải là Thứ cát sĩ thì không thể tiến xa được. Hơn nữa còn giới hạn số người tiến sĩ trúng tuyển, từ ba trăm rút về còn ba mươi. Tất cả việc này đã gần như ngăn chặn được một gia tộc có thể xuất hiện nhiều Đại học sĩ liên tục.
Nghe đến đó mọi người liên tục gật đầu, vẫn là Thẩm đại nhân đứng cao thấy rõ, thì ra trong thể chế khoa cử lại có kiểu này, thảo nào mọi người không có cách nào tái hiện được sự huy hoàng tại quan trường ngày xưa.
- Ta kiểm tra danh sách những người thi đậu gần hai mươi năm qua, hiện tại các vị ngồi đây, số tiến sĩ có quan hệ họ hàng với các vị có được một trăm lẻ bảy vị, con số này cũng đã là rất cao rồi.
Nhưng y lại chuyển đề tài:
- Thế nhưng số người có thể làm ở Hàn Lâm viện chỉ có bảy người, sau khi sát hạch chỉ còn hai người được làm, bình quân chưa được một phần mười, cũng khiến người ta phải suy nghĩ... Vì sao tộc đệ cả chúng ta cũng không kém, nhưng luôn luôn không có cách nào cạnh tranh được với cử nhân trong cả nước chứ?
- Đúng thế, vì sao?
Mọi người mong chờ Thẩm Mặc, chờ y giải thích.
Thẩm Mặc thấy cuối cùng đã đưa được bọn họ vào tròng, liền bắt đầu thu lưới:
- Ta cho rằng chính là vì "Mãnh" hiệu.
Nói rồi cao giọng:
- Không cho ly tinh bắt chuột, nhưng lại cho chúng ăn thịt, như vậy tuy dễ chịu nhưng đến lúc gặp phải khó khăn thật sự cần tới bản lĩnh, bọn họ không thể thể hiện được khả năng, cho nên đương nhiên bị thua thiệt.
Lại thở dài một tiếng, lời nói sâu xa:
- Tộc đệ của chư vị vốn sống trong sung sướng, nhưng bọn họ thấy có thể dễ dàng qua được thi hương, cho nên tâm lý cũng thấy thoải mái, nghĩ rằng cũng chẳng có việc gì khó. Đợi đến khi thi hội thì đương nhiên không thể so với những người vừa thông minh lại vừa chăm chỉ được... Xét đến cùng chính là vì các vị tạo cho bọn chúng một điều kiện tốt quá, làm cho bản lĩnh bọn chúng bị bào mòn, không thể thể hiện được hết sức.
-oOo-
Nghe Thẩm Mặc nói một hồi, không khí trong khoang thuyền trở nên ồn ào, mọi người cũng không để ý tới quy củ mà ghé tai bàn luận ý kiến với nhau. Một lúc lâu sau, Ngô Phùng Nguyên thay mặt mọi người hỏi:
- Đại nhân, ý của ngài là không muốn chúng ta tranh cãi việc "Mãnh" hiệu, mà phải dạy bảo cho tốt tộc đệ của mình, công bằng cùng người khác cạnh tranh?
- Đúng vậy.
Thẩm Mặc gật đầu, không có ý lảng tránh vấn đề này của bọn họ.
- Nhưng kết quả lần thi hương này, công bằng mà nói thì số người đậu cử nhân của mấy nhà chúng ta không bằng một phần tư trước kia.
Ngô Phùng Nguyên dè dặt:
- Nếu như tương lai vẫn vậy, sợ là không đến mười năm, thì những người ngồi đây sẽ có đến một nửa bị thay thế.
- Việc này đương nhiên ta đã nghĩ tới.
Thẩm Mặc chậm rãi nói:
- Ngay từ đầu ta đã nói, lần này mời mọi người tới, chính là muốn nhân việc này tìm một cơ hội, tìm ra một con đường toàn vẹn, xem chúng ta có thể an vị ở một nơi, tạo ra được sức mạnh của mình.
Nói rồi thở dài, vẻ mặt có chút lo lắng:
- Không giấu các vị, triều đình quanh năm thiếu thốn tài chính, sớm đã để ý tới tài phú của Đông Nam, bắt đầu bàn bạc việc lập thuế, hiện tại Đại học sĩ Trương Cư Chính cùng Hộ bộ thượng thư Vương Quốc Quang đều ủng hộ việc này... Mặc dù ta có thể cố gắng kéo dài mấy năm, nhưng chỉ với một mình ta thì không đủ, không biết lúc nào bị tước mũ ô sa, nếu có ngày đó, thì ta có muốn bảo hộ cho mọi người cũng không được rồi...
Nghe thấy thế tất cả mọi người đều biến sắc, sao nhiều chuyện không vui lại xảy ra trong cùng một lúc thế này, khiến cho bọn họ đã đau lòng càng đau lòng hơn.
- Có câu thất phu vô tội, hoài bích có tội...
Lúc Thẩm Mặc nói câu này thì ánh mắt đang nhìn vào ánh đèn chập chờn, giọng nói cũng trở nên đều đều:
- Mỗi một vị ngồi đây, gia tài đều lớn hơn quốc khố, điều này tại triều đình Bắc Kinh đã không còn là bí mật gì nữa... Chuyện của Thẩm Vạn Tam mọi người chắc cũng đều đã nghe qua rồi chứ.
- Đương kim hoàng thượng không thể so sánh với Thái tổ.
Trong tâm trạng sợ hãi, mọi người chỉ có thể tự an ủi bản thân mình.
- Mọi người có chắc chắn năm sau hoàng đế sẽ biến đổi thế nào không? Hắn vẫn như vậy, hay là lợi hại hơn? Nhưng ta nghe nói lúc hắn còn nhỏ tuổi, đã có tướng thánh quân...
Thẩm Mặc thở dài:
- Nếu các vị hy vọng người khác nhẹ tay với mình, thì ta khuyên các vị nên tẩu tán hết gia tài, để tránh khỏi cảnh nhà tan cửa nát.
- Vậy... làm thế nào bây giờ?
Rốt cuộc những tên gia hỏa coi trời bằng vung này cũng bị Thẩm Mặc dọa cho phát sợ rồi.
- Tạo phản.
Thẩm Mặc chậm rãi nói.
- ...
Mặt mũi mọi người trắng bệch, líu lưỡi nói:
- Đại... đại... đại... đại nhân, ngài đang nói đùa phải không...
- Đương nhiên là nói đùa rồi.
Thẩm Mặc uống một ngụm trà, ung dung chuyển đề tài:
- Nếu không dám tạo phản thì phải dựa theo quy củ mà làm...
- Khụ...
Mọi người xốc lại tinh thần, mồ hôi chảy ra như tắm, cười khổ nói:
- Đại nhân vui tính quá, dọa chết chúng tôi rồi.
- Làm bầu không khí vui vẻ một chút mà.
Thẩm Mặc mỉm cười nói:
- Chư vị, nếu như muốn làm kế hoạch trăm năm, thì việc đầu cơ trục lợi là không thể thực hiện được, cần phải có đại khí phách, đại nghị lực, đại đầu tư mới được.
- Đại nhân mời nói.
Mọi người cũng đã phục hồi lại tinh thần, lắng nghe Thẩm Mặc giải thích.
- Chúng ta phải xác định được mục tiêu.
Thẩm Mặc liền trầm giọng nói:
- Chúng ta phải nâng cao cả về chất và lượng của các quan viên thuộc về chúng ta, mới có thể củng cố vị thế chúng ta ở trong triều.
- Đúng thế, đúng thế.
Việc này đương nhiên là tâm nguyện của mỗi người, nhưng mà bọn họ muốn biết làm cách nào để hoàn thành được nó.
- Trước tiên không được lưu luyến "Mãnh" hiệu đặc quyền nữa. Tộc đệ của các vị không phải lo cơm áo, nên một là tập trung vào đọc sách, hai là có thể mời danh sư, ba là có quyền uy dòng họ phụ trợ, thì lo gì không cạnh tranh được với các sĩ tử khác?
Thẩm Mặc chậm rãi:
- Để cho bọn họ quên đi may mắn, tử chiến đến cùng, ta không tin đường đường là đại thế gia, lại không thể có được người tài.
Mọi người nghe y nói liền hơi động lòng, nhưng cũng chỉ là hơi một chút, có người lại lo lắng nói:
- Thế nhưng sĩ tử Giang Nam đứng đầu cả nước, người đọc sách nhiều như nước dưới sông, tài cao tám đấu nhiều vô số kể. Nếu không có "Mãnh" hiệu che chở, thì số người có thể đậu sẽ còn giảm nhiều nữa.
- Không thể chỉ nhìn một mặt.
Thẩm Mặc lắc đầu nói:
- Tuy làm như vậy thì số người đậu quả thật sẽ giảm, nhưng chỉ có được tôi rèn trong khó khăn thì mới có thể thành người được, huống hồ lại bọn chúng lại được thực lực hùng hậu của các vị ủng hộ, đệ tử tinh anh không nên nhiều lắm, sẽ có cơ hội làm tướng nhiều hơn.
Dừng một chút lại nói:
- Hơn nữa các vị không nên chỉ nhìn bằng mắt, bị vật trước mắt làm mờ tâm trí... Đứng lên cao, nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn, xét cho cùng sĩ tử Giang Nam vốn phải cùng chiến tuyến với chúng ta, không nên biến họ thành đối thủ.
Lần này mọi người thật sự động lòng rồi, bọn họ không phải không biết, "Mãnh" hiệu làm giới sĩ lâm phản cảm tới thế nào, nhưng vì lợi ích của nó mang lại cho nên cũng nhắm mắt làm ngơ các phản đối. Làm như vậy sẽ gây ra hậu quả xấu, thật ra bọn họ cũng đã sớm nếm qua,, so sánh hai việc Chu Hoàn cấm biển, Hồ Tôn Hiến cầm biên mà nói, người trước bị quan viên Mân Quảng đồng lòng chống lại, dẫn đến thân bại danh liệt; nhưng người sau có thể vượt qua chống đối, vẫn áp dụng được chính sách cầm biên xuống, trong triều cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không thừa nhận cũng không được, quan viên Giang Nam đúng là không đồng lòng bằng người ta. Hơn nữa đối với thái độ của thân sĩ quê nhà còn có sự căm thù, điều này chính là do hệ quả xấu của "Mãnh" hiệu để lại.
Mọi người ngồi đây đã thực sự hiểu ra rồi, dù sao "Mãnh" hiệu chiếm được cũng là chiếm lấy số suất thi đỗ của tỉnh mình, lại không chiếm suất của Chiết Giang, Mân Quảng, người ta không hại lại thiệt đương nhiên là mừng rỡ ủng hộ khôi phục "Mãnh" hiệu. Nhưng đối với họ thì họ lại đắc tội với sĩ lâm trong tỉnh, điều ngu ngốc thế này sao họ không sớm ý thức được chứ?
- Vậy...
Những người còn đang cố gắng vớt vát không còn nói gì nữa, mọi người lại hỏi:
- Vậy nên làm thế nào bây giờ?
- Thật ra đã có tấm gương phía trước, hiện nay trong triều đình thế lực nào lớn nhất?
Thẩm Mặc lo lắng nói:
- Mọi người không biết sao?
- Đương nhiên là Sơn Tây bang.
Đây là việc trẻ em ba tuổi cũng biết.
- Bọn họ làm thế nào được vậy, các vị chưa từng nghĩ tới sao?
Thẩm Mặc quay sang nhìn Vương Dao nói:
- Bồ công, nhân tiện nói một chút, chẳng phải Tấn thương cũng đang làm theo cách này hay sao?
Vương Dao là đại biểu của Dương Châu thương hội, xem như một nhà với Tấn thương, nhưng lại ở khu vực thuộc về Đông Nam, điều này khiến Dương Châu thương hội trở thành cầu nối của hai bên... Trên thực tế cũng nhờ có Dương Châu thương hội hòa hoãn, nên mới không xảy ra xung đột quá lớn, mới có buổi tiệc đêm hôm nay.
Chính trị luôn luôn đi đôi với kinh tế, vì sao Dương Bác lại nhẫn nhịn Thẩm Mặc, vì sao Thẩm Mặc đang chiếm hết ưu thế lại thu tay, chính là bởi vì hai người đều là chính trị gia lão luyện, biết phải lấy đại cục làm trọng, nhưng đại cục là cái gì? Chính là thúc đẩy công thương nghiệp Đông Nam phát triển, tổng sản lượng kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, mấy thương hội lớn đều có đủ lợi ích, cho nên xu hướng hợp tác đã áp đảo xu hướng đối đầu.
Thật ra lần này gặp mặt, Thẩm Mặc có thể không mời thương nhân Dương Châu tới, nhưng thứ nhất việc này liên quan đến lợi ích của bọn họ, nếu đặt bọn họ ở ngoài đương nhiên không thích hợp; Thứ hai Thẩm Mặc cũng muốn thông qua miệng Vương Dao để truyền lại ý muốn của mình tới Tấn thương tập đoàn... Như vậy sau này có chung vai sát cánh cũng chỉ có lợi mà không có hại. Cho nên Thẩm Mặc rất đại lượng mời bọn họ tới dự, đỡ phải sau này mất công gặp gỡ.
- Đại nhân quá khen.
Thấy từ chối không được, Vương Dao mỉm cười nói:
- Ta chỉ đơn giản nói hai câu.
Với giọng nói đều đều, hắn giải thích cho mọi người ý định của Tấn thương ở phương diện này: Một là bất kể tại Sơn Tây hay Dương Châu, Tấn thương cũng không tiếc tiền đầu tư để chấn hưng giáo dục, tộc có tộc học, thôn có thôn học, trong thành thì lập nhiều phường học. Hơn một trăm học đường này lớn nhỏ không giống nhau, đều được Tấn thương trợ giúp các loại phí, sĩ tử học ở học đường không cần nộp phí để học, thậm chí nếu gia cảnh bần hàn mà có năng lực thì còn nhận được trợ cấp. Điều này giúp rất nhiều người trước kia không có đủ điều kiện đọc sách, nay đã có thể có cơ hội. Người đọc sách nhiều hơn thì tỉ lệ người đậu cũng cao hơn.
Ngoại việc đầu tư cho cơ sở giáo dục, Tấn thương còn cố gắng thiết lập văn hội, truyền dạy cho những sĩ tử dự thi các phương pháp, kiến thức... Văn hội đầu tiên là chỉ hội do vua và các quan lập thành, nhưng sau đó đến thời Thành Hoá đã đổi thành một loại tổ chức giáo dục, thiết lập khắp nơi ở Giang Nam. Các văn hội lớn ở Tô Châu, Kim Lăng, Hàng Châu, Thiệu Hưng đều quanh năm giảng giải, bồi dưỡng tài nghệ cho các sĩ tử. Mặc dù ở Sơn Tây không có nhiều như ở Giang Nam, nhưng Tấn thương không tiếc của đầu tư, mời hàng loạt các danh sư chế nghĩa về, quanh năm không chỉ mở đàn dạy ở thành thị, mà còn di chuyển về tận nông thôn để giảng dạy, phổ biến kiến thức cho các sĩ tử nông thôn.
(chế nghĩa: tức bát cổ văn, một thể loại viết văn)
Vì có danh sư chỉ điểm, nên các sĩ tử khả năng chế nghĩa của các sĩ tử ngày một nâng cao, Tấn thương không chỉ thoải mái cấp đồ ăn, còn có khen thưởng cho sĩ tử, có thể nói đã hết lòng hết dạ. Nhưng làm như vậy hiệu quả thu được cũng rất rõ ràng, biến Sơn Tây từ một tỉnh có khoa cử lạc hậu, đã vươn lên ngang tầm với các tỉnh Giang Chiết. Thế cho nên một huyện nào đó mà thi không tốt, tất sẽ bị nói học đường và hội quán làm không tốt nhiệm vụ, đương nhiên sẽ phải cố gắng hơn.
Hai là chu cấp chi phí cho sĩ tử đi thi. Ở thời đại này, khoa cử là một việc rất tốn của, sĩ tử đi thi không những phải nghỉ làm, mà còn cần phải có chi phí để tiêu dùng, hơn nữa chi phí này càng ngày càng cao... Ngoại trừ mang theo lệ phí thi, thì ngoài sách, bút, ăn uống còn phải có chi phí chỗ ở. Sau khi thi đậu cử nhân còn phải mở tiệc mừng, lại còn năm sau tới Bắc Kinh, chi phí đi đường, thi cử và các loại khác còn nhiều hơn nữa.
Người đọc sách bình thường thường không có đủ sức. Xét đến cùng thì khoa cử chỉ là cuộc chơi của những kẻ có tiền. Sĩ tử bần hàn ra sức học hành, sau đó công thành danh toại, đề tên bảng vàng, bái tổ vinh quy cũng chỉ là chuyện có trong giai thoại mà thôi. Nhưng Tấn thương đã thay đổi điều này, với sự đầu tư hùng hậu về tiền của, chỉ cần sĩ tử có thể thi đỗ huyện học, thì bất kể là lẫm sinh, tăng sinh hay phụ sinh đều sẽ nhận được giúp đỡ của bọn họ. Nếu như sĩ tử lại trúng cử, Tấn thương không chỉ không nhắc tới khoản phí ngày trước, mà còn có thể vì sĩ tử đó kết giao quan hệ, mở rộng đường làm quan sau này.
Ba là Tấn thương tích cực quyên tiền xây dựng nơi ở cho sĩ tử dự thi, cũng như trường thi và nơi thực nghiệm cho họ. Nói không ngoa rằng, mỗi huyện Sơn Tây đều có trường thi, nơi thực nghiệm và nơi ở cho sĩ tử, chất lượng thuộc vào loại tốt nhất nước. Năm xưa Chư Đại Thụ từng làm đốc học Sơn Tây, trong thư gửi Thẩm Mặc từng bày tỏ muôn vàn cảm khái, mỗi huyện ở Sơn Tây đều có nơi thi cử tốt đến thế nào; hai hành lang trong thủy giám đường chỗ ngồi học vô số, có đến hơn tám trăm chỗ. Bên phải, bên trái đều là thư phòng, phía sau là phòng bếp, trước đại môn có lầu chuông, cộng lại có hơn mười phòng... Nơi thi cử thế này, thiên hạ có mấy huyện có thể sánh được, thậm chí trường thi của tỉnh cũng chưa chắc được thế này... Có thể thấy thành ý của Tấn thương thể hiện thế nào, bọn họ ở Nam Kinh, Bắc Kinh mà xây nên nơi ở cho các sĩ tử thi hương, thi hội. Ở nơi tấc đất tấc vàng như ở Bắc Kinh, Tấn thương cũng có đến hơn hai mươi hội quán, thậm chí còn có ở mỗi phủ... Như Thái Nguyên hội quán, Bồ Châu hội quán, Dương Châu hội quán. Những hội quán này phần lớn đều có quy mô lớn, trang bị đầy đủ, môi trường thuận lợi, khiến các sĩ tử cảm thấy như đang ở nhà mình, tâm lý sẽ thoải mái để thi.
Năm xưa Thẩm Mặc vào kinh dự thi cũng đã tới tham quan Bồ Châu hội quán, đến nay ấn tượng vẫn còn rất rõ. Ngày đó hội quán được dựng trên phủ trạch cũ của Lý Hiền, diện tích rất lớn, lang phòng yên tĩnh, bên trong có ba viện lớn và một khu vườn. Trong viện có Văn Tụ đường treo bảng tên của các sĩ tử tới thi, có nơi thờ Chu Hi và các danh thần, có Tư Kính đường, phòng ngâm thơ đọc sách, trong vườn có đình các, giả sơn, ao hồ, chiếm đến ba bốn mươi mẫu.
Nhưng hội quán này cũng chưa rộng bằng Sơn Tây hội quán, Dương Châu hội quán. Mục đích của những hội quán này là để cho sĩ tử trong tỉnh nhập kinh dự thi. Mặc dù bình thường cũng cho những khách thương đồng hương vào ở để kiếm thêm chút phí hoạt động. Nhưng khi đến năm thi hương, thì mấy tháng trước ngày thi, những khách thương này đều phải dọn đi hết, không để lại chút hàng hóa nào, tránh ảnh hưởng tới các sĩ tử đi thi.
Mặc dù biết Tấn thương đầu tư vào giáo dục, nhưng khi chính tai nghe Vương Dao nói, mọi người ở Đông Nam mới thật sự bị chấn động... Bọn họ không ngờ Tấn thương lại giúp đỡ thân sĩ quê hương không chỉ mạnh về lực, hơn nữa còn vô cùng chu đáo, hết lòng hết dạ. Có thể nói khoa cử Sơn Tây đã thay đổi diện mạo hoàn toàn, sản sinh ra đám người ưu tú Dương Bác, Cát Thủ Lễ, Vương Quốc Quang, Vương Sùng Cổ, Trương Tứ Duy. Số sĩ tử thi đậu cũng thuộc các tỉnh đứng đầu cả nước, được coi như thời kỳ cực thịnh, việc này không thể tách rời khỏi sự ủng hộ to lớn của Tấn thương.
Đương nhiên Tấn thương cũng khôn khéo, đương nhiên sẽ không làm ăn có lỗ, từ các nguồn thu trực tiếp và gián tiếp, hàng năm vẫn thu về trăm vạn lượng bạc, cũng coi như có được lợi nhuận lớn.
Thật ra Vương Dao cũng chưa nói hết chi tiết, như việc Tấn thương lo lót quan trên, thiết lập quan hệ, nhằm tăng khả năng thi hội cho sĩ tử. Sau khi sĩ tử thi đậu, Tấn thương sẽ vì sĩ tử mà đi mua nhân tình, mở rộng đường làm quan cho sĩ tử đó, nhưng những mánh khóe thế này đương nhiên hắn sẽ không được nói tới. Nhưng chỉ cần hắn nói qua ba điều cũng đủ cho mỗi người ở đây phải suy nghĩ.
- Có nỗ lực thì sẽ có hồi báo.
Một lát sau Thẩm Mặc giọng chậm rãi vang lên:
- Nếu chỉ giúp một người học, khả năng sẽ không được báo đáp, thậm chí còn có thể bị vong ân phụ nghĩa. Nhưng trợ giúp nhiều người thì sẽ tạo thành một loại truyền thống, một loại tập tục, khiến cho những kẻ có ý muốn vong ân phụ nghĩa phải xấu hổ vô cùng.
Ngoài kinh nghiệm của Sơn Tây, chúng ta còn có thể học tập thêm ở nơi khác.
Thấy mọi người đều gật đầu, Thẩm Mặc thừa dịp nói luôn:
- Ta đề nghị nếu các vị muốn làm thì hãy làm tốt ngay từ đầu, đặt ra một bộ điều lệ chặt chẽ, ví như ở thôn, huyện, phủ, tỉnh thiết lập bốn cấp giáo dục...
Dừng một chút nói:
- Trong đó trọng điểm phải ở thôn và tỉnh, cấp thôn chỉ chọn nhân tài, cấp tỉnh thì hết sức bồi dưỡng, tin chắc rằng với sự thịnh hành văn phong ở Đông Nam, chỉ cần cố gắng thì sẽ không hề kém so với Sơn Tây.
Nói rồi cười với Vương Dao:
- Để cho Bồ công chê cười.
- Đại nhân đừng nói vậy.
Vương Dao vội vàng lắc đầu cười:
- Ngài luôn luôn khiêm tốn như vậy, thật ra ai cũng biết Phủ học Tô Châu tàng long ngọa hổ, đã mười năm đèn sách, năm sau thi hương chắc chắn sẽ chiếm được vị trí độc tôn.
- Bồ công quá khen rồi.
Thẩm Mặc thản nhiên cười, nhưng cũng không phủ nhận, y nhìn chung quanh khoang thuyền nói:
- Các vị cũng không cần phải đồng ý ngay bây giờ, cứ về nghiên cứu cho kỹ, đợi đến kỳ thi mùa xuân sang năm, nhìn thành quả của Phủ học Tô Châu rồi hãy quyết định.
Nghe Thẩm Mặc tự tin đến vậy, mọi người cũng hứng thú hẳn lên, nhưng vẫn băn khoăn có nên quyết định hay không... Chuyện này lớn như vậy, dù sao cũng nên thương lượng một chút. Vì thế tất cả đều vâng vâng dạ dạ, nói chúng tôi đều mỏi mắt mong chờ.
Chợt có người hỏi:
- Tộc đệ của chúng tôi chắc chắn đều muốn tự mình học tập, vậy xin hỏi sự tồn tại của quốc giám còn có ý nghĩa gì?
- Đương nhiên là có ý nghĩa.
Thẩm Mặc trầm giọng hỏi:
- Lẽ nào tộc đệ của các vị đều có thể đỗ hết sao?
- Sao như vậy được.
Mọi người cười khổ nói:
- Đúng ra là trượt nhiều hơn đỗ.
- Vậy đó.
Thẩm Mặc cười nói:
- Ta nói rồi, chúng ta là người một nhà, ta sẽ không để cho gia tộc các vị bị giảm số tộc đệ thi đỗ... Nếu có thể thi đỗ tiến sĩ thì không cần phải nói, nhưng với những ai không thi được, ta cũng phải có lối đi cho bọn chúng chứ.
- Quốc giám?
Mọi người cùng hỏi.
- Nếu như tất cả thuận lợi, quốc giám sẽ không thu nhận lệ giám, sau khi cải tổ quốc giám, sẽ không có việc dùng tiền mua thân phận giám sinh nữa.
Thẩm Mặc thản nhiên nói:
- Quốc giám chỉ nhận cử giám, cống giám và ấm giám, cũng khôi phục lại tổ chế, lấy nghiên cứu và thực nghiệm để tôi luyện bọn họ, sau đó dựa theo kết quả mà tiến hành phân phối.
Nói rồi nhìn mọi người:
- Chế độ giáo dục sẽ là bốn năm, ba năm đầu giám sinh sẽ tự học là chính, đợi đến năm thứ tư sẽ có thêm những người đậu tiến sĩ vào quốc giám... Sau đó bất kể là tiến sĩ mới vào hay là giám sinh tự học, đều sẽ được đưa tới nha môn thực tập, một năm sau dựa theo đánh giá của mỗi nha môn, Lại bộ, quốc giám sẽ tổng hợp lại rồi phân ra thứ hạng, sau đó tiến hành phân phối tới các nơi, các vị thấy thế nào?
Nghe xong lời này, mọi con mắt lập tức sáng lên:
- Có thật giám sinh với tiến sĩ là như nhau?
Thầm nghĩ loại bỏ "Mãnh" hiệu làm gì, chỉ thấy lợi ích tăng chứ không giảm.
- Đúng vậy.
Thẩm Mặc chậm rãi gật đầu nói:
- Thế nhưng các vị cũng đừng vui mừng quá sớm,, đốc học mỗi tỉnh sẽ phụ trách tiến cử giám sinh, sau đó sẽ dựa vào biểu hiện và thành tích của giám sinh làm căn cứ; hai là trong ba năm giám sinh phải tọa giám tích phần, nếu sau ba năm mà không đạt thì phải tiếp tục tọa giám ba năm nữa, nếu sáu năm mà không đạt thì chỉ có thể trả về địa phương xử lý. Thứ ba, sau một năm thực tập ở nha môn, có được đạt hay không thì phải dựa vào biểu hiện của bọn chúng, nếu bọn chúng không đạt...
Dừng một chút lại nói:
- Thì vẫn phải tiếp tục tọa giám thêm ba năm nữa.
- Đại nhân suy nghĩ thật chu đáo.
Nhưng mọi người vẫn còn hơi lo lắng:
- Nhưng triều đình sẽ chấp nhận sao?
- Việc thành tại người mà.
Thẩm Mặc cười nói:
- Hơn nữa việc này cũng không vi phạm tổ chế, ta cũng có chút nắm chắc.
- Khiến cho đại nhân mệt nhọc rồi...
Gặp được lãnh đạo suy nghĩ thấu đáo như vậy, mọi người còn có gì để phàn nàn? Người ta mặc dù không cho phép khôi phục "Mãnh" hiệu, nhưng lại khôi phục chế độ tọa giám của giám sinh, bù đắp lại lợi ích cho giám sinh. Hơn nữa còn vì mọi người mà chỉ ra con đường sáng, chỉ cho mọi người phải làm những gì.
Bọn họ đều hiểu sự khổ tâm của Thẩm Mặc, bởi y có thể hoàn toàn không cần giải thích, cứ mạnh tay dùng vũ lực xử lý sự việc lần này là được, nhưng y lại không làm như vậy, tốn hết miệng lưỡi để giảng giải cho bọn họ, đây chẳng phải muốn tốt cho bọn họ sao? Tấm chân tình này, các quan viên khác làm sao mà có được...
Tọa giám tích phần và đi thực tập chính là hai phương pháp của Thái tổ Chu Nguyên Chương, với mục đích bồi dưỡng một lớp quan lại giỏi cả lý luận lẫn thực tiễn. Mà cơ cấu của quốc giám đều được thiết lập để phục vụ cho hai phương pháp này.
Cái gọi là tọa giám, chính là ngồi ở tọa đường đọc sách, quốc giám ở cả nam bắc đều chia làm lục đường tam cực để tiến hành dạy học. Trong đó chính nghĩa, sùng chí, quảng nghiệp là ba đường sơ cấp. Theo quy định, phàm sinh viên chỉ thông tứ thư mà chưa thông Ngũ kinh thì ngồi đây học tập, kỳ hạn là một năm rưỡi, hết kỳ hạn sẽ có thi khảo hạch, nếu đạt thì có thể vào Thành Tâm nhị đường học tiếp; Thành Tâm nhị đường thuộc trung cấp, học tại đây khoảng hơn một năm rưỡi, nếu văn lý ưu tú, kinh sử làu thông sẽ được vào Suất Tính đường cao cấp để học.
Khi giám sinh vào vòng trong, đến được Suất Tính đường thì phải vừa đọc sách, vừa bị tiến hành kiểm tra, xem giám sinh có hoàn thành bài học hay không... Đây gọi là phương pháp tích phần. Quốc giám quy định, học sinh ở Suất Tính đường học tập trong làm một, trong một năm này tổ chức thi mười hai lần, mỗi quý thi ba lần... Tháng đầu tiên trong quý thi kinh nghĩa, tháng thứ hai thi luận, tháng thứ ba thi kinh sử, phán ngữ. Thứ hạng mỗi lần thi được chia làm ba cấp: người văn lý ưu tú là hạng nhất, được một phần; lý ưu văn kém là hạng trung, được nửa phần; văn kém lý kém là hạng cuối, không được phần nào. Tổng kết một năm giám sinh phải có tám phần mới đạt, còn nếu không thì dù có hoàn thành bài học cũng sẽ bị tính là thất bại, phải đợi đến lần thi sau vào Suất Tính đường lần nữa.
Mặt khác, quốc giám còn có quy định đặc biệt: Nếu như giám sinh có tư chất thông minh, thành tích nổi bật, thì Tế tửu quốc giám có thể cho giám sinh đó vượt cấp, rút ngắn thời gian học tập.
Lúc Thẩm Mặc giải thích chế độ tọa giám tích phần, không khỏi cảm thán, quả thật đây là một sự kết hợp khéo léo giữa cách thức năm học và học phần với thể chế quản lý dạy học. Sau khi y trở thành quốc giám Ti nghiệp mới cảm nhận được hết sự ưu việt của chế độ này... Trong quá trình quản lý dạy học, nó kết hợp được ưu điểm của năm học: như tạo tiêu chuẩn bồi dưỡng thống nhất đối với giám sinh, có chương trình học tập rõ ràng cụ thể, có được tính ổn định, nâng cao chất lượng dạy học; và cả ưu điểm của học phần: tùy theo tài năng mà dạy, để cho giám sinh lựa chọn học phần phù hợp với mình. Điều này giúp các giám sinh chủ động trong việc học, phát huy hết khả năng và sở trường của bản thân.
Như vậy vừa tránh được sự cứng nhắc, đều đều của chế độ năm học, lại có thể tránh việc khó quản lý với chế độ học phần. Như thế với chế độ dạy học này, đến mấy trăm năm sau cũng không bị lạc hậu.
Thành quả của giáo dục cũng rõ như ban ngày, thậm chí ở trung kỳ, quốc giám cũng có danh nho xuất hiện lớp lớp. Như Lý Thì Miễn, Trần Kính Tông, Chương Mậu, La Khâm Nhuận, Thái Thanh, Thôi Tiển, Lũ Nam chia nhau dạy ở nam bắc, ban ngày thì dạy học, ban đêm thì khêu đèn đến sáng, nhiệt tình như dạy con em trong nhà, cố gắng giúp nhiều giám sinh bộc lộ khả năng.
Nhưng điều khiến mọi người thán phục còn ở phía sau, sinh viên quốc giám sau khi ở tọa giám tích phần đầy đủ, mới chỉ có được tư cách làm quan, chỉ sau khi hoàn thành thực tập, mới có đủ quyền lợi của quan viên. Năm Hồng Vũ thứ năm, lúc đó xét thấy quan viên có xuất thân tiến sĩ có nhiều người ấu trĩ mà năng lực kém, Chu Nguyên Chương có ý muốn đề cao năng lực thực tế của quan viên, từ đó mới khai sáng ra chế độ dạy học thực tập này ở quốc giám, tức chế độ thực tập.
Chế độ này quy định cụ thể, sau khi giám sinh tích đủ học phần, đều phải được phân công đến các nơi thực tập. Trong khi thực tập, các giám sinh lần lượt được rèn luyện ở địa phương lẫn triều đình, nhiệm vụ chủ yếu là tập xử lý chính sự. Giai đoạn này được các giám sinh gọi là "Lại sự sinh", trừ bị phân phối đến các bộ trong triều đình, còn có thể bị phân công đến các châu huyện địa phương, hoặc kiểm kê ruộng đất, hoặc giám sát thủy lợi, với mục đích nâng cao năng lực thực tế của giám sinh.
Điều đáng khâm phục chính là, đối với lần thực tập này, quốc giám còn có biện pháp khảo hạch thực tập nghiêm ngặt... Quốc giám đã quy định rõ ràng, giám sinh thực tập ở ngoài quốc giám với giám sinh đọc sách trong quốc giám là như nhau, đều phải tham gia khảo hạch, hơn nữa kết quả này còn liên quan trực tiếp đến tiền đồ sau này. Biện pháp cụ thể là: Khảo hạch chia ra ba cấp thượng, trung, hạ. Thượng đẳng tuyển dụng, trung, hạ đẳng phải chờ năm sau khảo hạch lại, thượng đẳng được lựa chọn vị trí tốt, trung đẳng phải nghe theo phân công, hạ đẳng thì trở về giám đọc sách.
Triều đình từng vô cùng coi trọng loại thực tập này, luôn luôn cố gắng duy trì, trước mỗi lần thực tập đều thông báo nhân số giám sinh cho mỗi nha môn, sau đó mỗi nha môn theo nhu cầu sẽ tiếp nhận giám sinh, nếu có thừa ra thì sẽ do Lại bộ phân bổ. Mỗi nha môn sẽ chỉ cho các giám sinh thực tập chính sự, đồng thời có trách nhiệm khảo hạch các giám sinh đó. Sau khi hoàn thành kỳ thực tập, các giám sinh đạt tiêu chuẩn sẽ được Lại bộ lựa chọn, phân bổ về các nơi thiếu chính thức làm quan.
Đây là sự kết hợp giữa giáo dục trong và ngoài trường học, nhằm bù đắp sự yếu kém về năng lực thực tế. Giám sinh thông qua thực tập được tiếp xúc với chính vụ, thu được kinh nghiệm thực tế, đối với sự phát triển của bản thân giám sinh vô cùng có lợi.
-oOo-
Hiển nhiên quốc giám của bản triều so với trường thái học của triều Tống hơn xa về mặt kinh nghiệm thực tế, cách thức bồi dưỡng nhân tài cũng cao hơn một bậc. Trong một thời gian rất dài, giám sinh của triều Tống chỉ là người không để ý tới thực tế, chỉ suốt ngày đọc sách Thánh hiền, miệng nói những lời sáo rỗng, nước sắp mất mà chỉ có thể giơ mắt ra nhìn.
Trên thực tế sự cường thịnh của bản triều, sự phồn vinh của Đại Minh, cũng gắn với giai đoạn quốc giám thực hiện tốt chế độ giáo dục này.
Nhưng sau biến Thổ Mộc Bảo, quốc lực bản triều suy yếu, tài chính quốc gia xuất hiện nguy cơ, cho nên đành thực hiện bán thân phận giám sinh cho nhà giàu, gọi là lệ giám... Chính là đại hộ dùng tiền mua tư cách giám sinh, dẫn đến số sinh viên quốc giám tăng mạnh, nhưng chất lượng lại giảm xuống thê thảm, rất nhiều giám sinh mất đến hàng chục năm cũng không hoàn thành bài học; bên cạnh đó triều đình cũng không có cách nào gánh vác được phí dạy học ngày càng cao, cho nên yêu cầu quốc giám giảm tiêu chuẩn tốt nghiệp, rút ngắn thời gian giám sinh ở quốc giám. Vì để tiết kiệm tiền, thậm chí còn phải để cho giám sinh về nhà đọc sách, cho nên chất lượng dạy học không thể nào nhắc đến.
Kết quả giám sinh ngày càng chán nản, thậm chí việc tộc đệ đại thế gia mượn người thực tập thay mình đã trở nên phổ biến, khảo hạch giờ cũng chỉ là hình thức, điều này khiến mọi người không thể nào tưởng tượng nổi, không như những năm cuối thời Thái tổ, đại thần trong triều đều có xuất thân từ giám sinh mà ra.
Nhưng Thẩm Mặc từng nhiều lần đảm nhiệm chức phó hiệu trưởng quốc giám, cho nên hiểu rất rõ mọi chuyện về quốc giám. Nguyên nhân của nó càng biết càng đau lòng, cho nên ý nghĩ cải cách quốc giám, khôi phục lại hào quang năm xưa, Thẩm Mặc đã nung nấu trong lòng nhiều năm qua. Năm xưa khi còn đảm nhiệm Ti nghiệp, y đã cùng Tế tửu Cao Củng, Ti nghiệp Trương Cư Chính cùng nhau thảo luận qua vấn đề này. Hai người đều cho rằng, ý nghĩ của y là hoàn toàn đúng đắn, là cần thiết, cũng có khả năng để thực hiện... Trước tiên điều này đã được tổ tông áp dụng, cho nên chỉ cần là người nắm quyền là có thể mạnh mẽ tiến hành, thì sẽ không ai dám công khai phản đối, chỉ cần trụ được một khoảng thời gian, chờ tới khi các giám sinh có thành tựu, thì sẽ thành tiêu chuẩn không thể thay đổi. Thứ nữa là số quan lại của bản triều, có thể nói các triều đại chỉ có thiếu, chứ chưa từng tồn tại việc thừa quan viên, thậm chí mỗi một nha môn, mỗi một phủ huyện ở địa phương, đều có hiện tượng thiếu quan viên trầm trọng, nếu như muốn nâng cao năng lực hành chính của triều đình, thì phải tăng số quan lại... Mà chuyện này từ trước đến nay giới quan lại cũng không hề phản đối... Cho nên không cần tăng số lượng chức quan, thì cũng có đủ vị trí cho giám sinh ưu tú làm, điều này cũng không quá động chạm tới lợi ích của đội ngũ tiến sĩ, cho nên việc này có thể làm.
Để có thể tiến hành thì trước tiên cần phải có ba điều kiện: Một là phải nắm giữ quyền lực, đây là điểm mấu chốt; hai là, muốn hoàn thành cải cách, thì ít nhất phải đợi sau khi lớp giám sinh thứ nhất học tập xong ra làm quan, lúc đó mới có thể tiến hành được; ba là phải loại bỏ lệ giám, thực ra điều này không chỉ ba người biết, mà trong triều cũng hiểu, nếu muốn đề cao chất lượng và địa vị của giám sinh, thì trước tiên phải loại bỏ lệ giám ra khỏi quốc giám.
Đối với các đại thế gia trên hoa thuyền mà nói, thì bọn họ hứng thú với quốc giám là vì đặc quyền của "Mãnh" hiệu, vì muốn tăng thêm cơ hội cho tộc đệ ở trường thi Giang Nam mà thôi.
Nhưng với những thương nhân bình thường, trung tiểu phú hộ, đơn giản chỉ muốn có được công danh, tăng thêm địa vị. Nhưng với thực lực của bọn họ, nếu không làm thế thì biết làm cách nào đây?
Hoa thuyền cập bờ, Thẩm Mặc khéo léo từ chối lời mời tới chốn ôn nhu của bọn họ, nhìn thấy mọi người hoặc là ngồi kiệu, hoặc là lên hoa thuyền, đều đi tới nơi ỷ hồng ôi thúy. Y không khỏi lắc đầu, thầm nghĩ thân phận này thực sự là một gông xiềng nặng nề, nếu có kiếp sau nhất định phải làm người phú quý rảnh rỗi.
Cảm khái xong y lên xe ngụa quay về công quán ngủ. Còn về phần có ngủ được không thì cũng không cho người ngoài biết.
-oOo-
Sự việc lần này xong xuôi, tâm tình Thẩm Mặc cũng thoải mái lại, ngày hôm sau lười nhác ngủ tận tới lúc mặt trời lên cao ba cây sào mới dậy.
Sau khi dậy rửa mặt chải đầu, mặc cẩm bào ngồi ở cửa sổ, hưởng ánh nắng ấm áp trong nhà thủy tạ, ăn chút điểm tâm... Ngồi trong thủy tạ vừa ăn vừa ngắm cảnh, vừa tiện tay lật xem [Sĩ lâm báo], nhân sinh hưởng thụ có lẽ cũng chỉ thế này, ở Bắc Kinh chắc không bao giờ có được... Bình thường công vụ bận rộn, khó có được thời gian nghỉ ngơi, lại phải làm gương cho kẻ khác, sao có thể lười nhác an nhàn thế này?
Nói tới [Sĩ lâm báo], trong lòng y không khỏi đắc ý một phen, báo chí ra định kỳ đầu tiên thế giới là ở Trung Quốc, còn sớm hơn Châu Âu đến bốn mươi năm.
Thật ra báo chí đã có từ thời Đường, nhưng mãi tới khi Thẩm Mặc xuất hiện thì cũng chỉ có dạng nội san gì đó, chỉ cho quan viên đại hộ xem, thị dân bình thường không có cơ hội đọc... Thứ nhất không có điều kiện in ấn quy mô, thứ hai bách tính cũng không có nhu cầu này, thứ ba, thánh nhân đều nói, ngu dân mới tốt cho quan, cho nên mới không có báo chí cho thị dân bình thường.
Nhưng tới bản triều, kỹ thuật in ấn đã phát triển, chi phí cũng giảm mạnh. Hơn nữa thị dân của bản triều đã có chút văn hóa, đã có nhu cầu về tri thức... Các loại tiểu thuyết đã thịnh hành, nếu như lại còn xuất hiện một loại báo chí đáp ứng nhu cầu hàng ngày của thị dân, thì sẽ rất được hoan nghênh. Quan lại cũng có thể thông qua báo chí mà nâng sức ảnh hưởng của mình.
Vì lẽ đó năm ba mươi bảy Gia Tĩnh, lúc Thẩm Mặc còn đang ở Tô Châu, đã bày cho hiệp hội thương nghiệp Tô Châu bỏ vốn thiết lập báo chí dân gian.
Cổ Nhuận Đông mặc dù không tin thứ báo chí này có tác dụng gì, nhưng vì cảm kích Thẩm Mặc cho nên mới làm việc này. Mùa thu năm đó đã khởi đầu tòa soạn báo Tô Châu, phái người tới Vu Hồ mua giấy tốt, chọn loại máy móc in ấn tiên tiến, còn mượn công nhân in ấn lành nghề ở Kim Lăng thư cục, bắt đầu tiến hành xuất bản.
Nội dung thì có một số tin tức chính trị quan trọng được chuyển từ công báo xuống. Ngoài ra để nâng cao sức hấp dẫn của báo chí, tại kỳ đầu tiên được xuất bản, Cổ Nhuận Đông cho dán bố cáo các nơi ở Tô Châu, nói [Tô Châu báo] ra đời, hoanh nghênh các đóng góp, nếu được chọn thì mỗi chữ sẽ được một lượng bạc.
Khái niệm nhuận bút lúc này vẫn chưa có, người đọc sách được một chút phí nhuận bút cũng không thể thể hiện giá trị của mình. Nhưng Cổ Nhuận Đông lại tuyên bố, mỗi chữ được trả một lượng bạc, mặc dù đã nói rõ chỉ là mừng số đầu tiên xuất bản, nhưng quả thật đây là cái giá trên trời.
Kết quả trong vòng mười ngày, đã nhận được hơn ba vạn bản thảo... Điều này không có nghĩa là có ba vạn người đóng góp, thật ra có nhiều người vì để tăng cơ hội được chọn, nên đã đóng góp nhiều hơn một phần. Có điều chỉ cần như thế cũng đã thể hiện chính sách dùng nhuận bút đã có hiệu quả, tạo nên tiếng vang lớn.
Đến khi báo xuất bản, liền được tất cả các thị dân tranh nhau mua hết, sau đó dù tăng số lượng xuất bản đến mấy lần, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của bách tính. Để thỏa mãn nhu cầu của các huyện, châu phủ lân cận, sau bảy lần trì hoãn, đã phát hành đủ ba mươi vạn bản... Không tính tiền vốn, tiền lời cũng đã thu gần bằng tiền bỏ ra ban đầu. Nên biết rằng kỳ đầu tiên, ngoại trừ cổ đông Sở Giao dịch chứng khoán, Sở đấu giá, thì không có một thương nghiệp nào quảng cáo, mà theo Thẩm đại nhân, quảng cáo lại là nguồn thu chủ yếu của tờ báo... Tình hình thế này thì số tiền kiếm được sẽ còn nhiều hơn nữa.
Theo kiến nghị của y, mỗi tờ báo đều có tám trang báo, trang đầu là giảng giái thánh dụ, trang hai là tin tức quan trọng trong triều, thứ ba là tin địa phương, thứ tư là tin trong, ngoài tỉnh, thứ năm là tin thế giới bên ngoài, thứ sáu là bảo tồn văn hóa, thứ bảy là tiểu thuyết, thứ tám là các chuyên đề. Về cơ bản thì đã thỏa mãn nhu cầu của hầu hết thị dân, nhờ đó Thẩm Mặc có thể giới thiệu về thế giới, từ từ mở ra luồng tư tưởng mới.
Sự tình sau này thì như nước chảy thành sông, trong lịch sử chưa bao giờ có thứ gì truyền bá nhanh và ảnh hưởng lớn như báo chí cả. Trong một thời gian dài, báo chí đã trở thành đích đề tài mà toàn Tô Châu nghị luận, tất cả mọi câu chuyện đều xoay quanh báo chí. Thời kỳ này phong cách viết văn lấy ngắn gọn làm tiêu chuẩn, nên những tác giả có bài đăng trên báo, chỉ cần có khoảng hơn hai trăm chữ, cũng đã có thể có được trên dưới một trăm lượng bạc, cũng đủ để bọn họ vui mừng.
Nhưng việc khiến bọn họ thỏa mãn chính là văn chương bọn họ viết ra được mọi người đọc, cả tỉnh biết tiếng, điều này ngay cả những sĩ tử thi đậu cũng không có vinh dự này, ở Tô Châu, từ phố lớn ngõ nhỏ, trên bến dưới thuyền, đều có thể thấy không ít người giơ tờ báo trước mặt, đọc đi đọc lại một đoạn văn chương, rồi chờ người khác hỏi: Đây là văn do ai viết?
Người đó sẽ rất áy náy đáp:
- Không dám giấu, chính là kẻ hèn này viết...
Khiến người khác hận không thể ném người này xuống sông.
Người đọc sách khác tuy ngoài mặt bình thường, nhưng trong lòng đương nhiên sẽ có đố kỵ, sẽ về nhà vò đầu bứt ta cố viết văn chương, thề lần tới sẽ được chọn đăng trên báo: Hừ, lão tử cũng muốn cầm tờ báo đi khắp thành Tô Châu.
Sau này tuy tiền nhuận bút giảm còn một phần mười, nhưng cũng không ảnh hưởng tới quyết tâm đóng góp của kẻ sĩ. [ Tô Châu báo] càng ngày càng lớn mạnh, ảnh hưởng khắp Giang Chiết Đông Nam, làm gương cho các nơi khác noi theo.
-oOo-
Sau mấy năm, mỗi tỉnh Đông Nam hầu như đều có vài tờ báo. Cùng là báo nhưng lại khác nhau về trình độ, có thể chia báo làm ba loại, thứ nhất là đại báo có tin tức của mình, thứ hai là bán nguyên, có một nửa của mình một nửa sao chép của đại báo, còn thứ ba là tiểu báo chỉ đi sao chép của các tờ báo khác. Nhưng vì mục đích kiếm tiền, cho nên cũng không tiện ngăn cấm.
Trong tay Thẩm Mặc là tờ [Sĩ Lâm báo], là một trong ba tờ báo của Nam Kinh, hai tờ còn lại là [Kim Lăng báo] và [Tần Hoài báo], tập trung nói về văn hóa con người Nam Kinh, tin tức đương nhiên không thể đi sao chép, thuộc về loại đại báo, chỉ là trọng tâm mỗi báo một khác... Như [Kim Lăng báo] chủ yếu nói về các hoạt động của triều đình, bản tin chính trị và sự việc dân sinh hàng ngày, vì là đại báo cho nên số lượng cũng lớn; còn [Tần Hoài báo] thì chỉ có thơ từ ca phú, phong hoa tuyết nguyệt tuy số lượng không bằng loại trước, nhưng cũng rất khả quan.
Số lượng ít hơn là [Sĩ Lâm báo], mỗi kỳ có năm vạn bản, nhiều lắm cũng chỉ bán được một nửa, lợi nhuận quảng cáo cũng ít, thua lỗ cũng nhiều. Nhưng tờ báo này lại là tờ báo mà Thẩm Mặc coi trọng, y bằng các cách thu hút tài trợ cho tờ báo này, cho nên cũng không đến nỗi quá bi đát mà phải đóng cửa.
Bởi vì tờ báo này chính là dành cho sĩ lâm, nội dung chủ yếu về chính trị, tư tưởng, học thuật, quốc gia đại sự, là cách chủ yếu để nâng cao tư tưởng cho sĩ lâm dần dần.
Lấy tin mà báo ngày hôm nay đưa, bài biện luận nổi tiếng của Tam công hòe năm ngoái ở Bắc Kinh cũng ít có người nói đến, nhưng khi Thẩm Mặc đưa lên một kỳ báo trước đó, thì nhận được chín bài thảo luận về quan hệ "Quân và quốc", có thái độ thế này, có ý kiến thế kia, tranh luận kịch liệt kéo dài.
Y còn đọc thấy hai bài thảo luận về việc dạy học của y ở Bắc Kinh, khiến cho Thẩm Mặc thấy cao hứng chính là cả hai bài đều rất ủng hộ quan điểm của y, cho rằng muốn học thì phải hành, lấy thực tiễn bổ trợ cho lý thuyết... Không biết đây có phải là có người cố tình đăng lên để cho y vui lòng hay không. Cũng chỉ có người đa nghi như y mới nghĩ như vậy, nếu không phải thì thật tội cho người viết.
Y vừa đọc báo vừa tủm tỉm cười, đến khi y đọc tới trang thứ tư thì con ngươi thoáng chốc co rút lại, cả người đờ ra, miệng há hốc không ngậm lại được...
Chỉ thấy bài văn kia đề là "Quan Tây Tần [Thập nhị biểu] hữu cảm".
Truyện convert hay : Tuyệt Thế Kiếm Thần