Mười bảy
Khi trời đã vào giữa mùa hạ, Nhan biểu ca dường như cũng đã hoàn toàn thoát khỏi nỗi đau khổ vì mối tình đầu, trở nên bình tĩnh hơn nhiều.
Giờ đổi thành Đường Cần Thư đau khổ.
Bởi vì bây giờ Nhan Cẩn Dung dồn toàn bộ sức chú ý lên cô, cố gắng bằng mọi cách muốn cô lột xác trở thành một tài tử... à nhầm, tài nữ.
Không thể không thừa nhận rằng, ở triều Đại Yến mà đòi hỏi rất nhiều ở văn nhân tài tử này, Nhan Cẩn Dung thực sự khiến cho người khác càng thêm muối mặt không thiết sống. Ban đầu Đường Cần Thư cảm thấy cấp trên cũ là Bành đại nhân đã là người đa tài xuất sắc trong giới văn nhân, ai ngờ so với Nhan biểu ca chỉ đáng gọi là học sinh lớp vỡ lòng.
Lễ nhạc xạ ngự thư sổ ư, xin lỗi đi, chỉ được tính là nền tảng cơ bản mà thôi. Nhan đại tài tự cực giỏi ngâm thơ viết từ, được mệnh danh là tiểu thi tiên. Về mặt y học được coi là có nhiều thiếu sót ư... ấy là vì gã thuộc loại người không cách nào bắt mạch đoán bệnh nên mới coi là có nhiều thiếu sót, chứ sách thuốc từ điển thảo dược này kia sơ sơ gã cũng phải thuộc lòng ít nhất mười cuốn dày cộp.
(Lễ nhạc xạ ngự thư sổ là môn kiến thức tài năng bắt buộc của các tài tử văn nhân thời xưa: lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, điều khiển xe ngựa, đọc sách, tính toán)
Sở thích tao nhã của gã là thú chơi vàng đá, hơn nữa đấy còn là môn sở trường. "Chơi vàng đá" ấy là chỉ việc xem và chứng nghiệm đồ cổ. Nhan gia được coi là thế gia, tích lũy từ hơn ba trăm năm có lẻ, con cháu không quá đông đúc nên là trong kho phải nói là không ít đồ tốt khó mà đếm được. Thú chơi vàng đá kia, đặt trong môi trường gia tộc họ Nhan được tính là có vốn liếng bản lĩnh gia truyền, còn bản thân gã thậm chí được coi là "thanh xuất vu lam, thắng vu lam" nữa kìa.
(Thanh xuất vu lam, thắng vu lam: màu xanh lam là màu cơ bản, màu xanh lá xuất phát từ màu lam, và còn thắng cả màu xanh lam. Câu hói ý chỉ người trẻ tuổi học hỏi từ người lớn tuổi có kinh nghiệm, nhưng dần dần sẽ còn giỏi hơn cả người đi trước. Một thành ngữ khá gần nghĩa tiếng Việt là Con hơn cha là nhà có phúc :D Đây chỉ là bạn Mèo lảm nhảm ing)
Còn thì thư pháp rồi thì vẽ tranh ư, ầy dà ba cái trò trẻ con. Khi còn ở kinh thành, một bức vẽ bức viết chữ của gã đã thuộc dạng hiếm có khó tìm, ngàn vàng chưa chắc đã mua được. Càng tệ hơn nữa ấy là gã còn có sở thích tao nhã hơn nữa là khắc con dấu triện, thời đó văn nhân muốn khoe khoang nhau, chỉ cần chìa ra một con dấu do chính tay Phù Dung công tử làm ra là đủ thấy vinh dự vô ngần.
Văn đã khiến người ta xấu hổ muốn chết, võ càng khiến người khác đấm ngực không thiết sống. Võ nghệ của gã ấy à, đại loại là thuộc dạng đủ tư cách miễn kỳ thi và có thể được tuyển thẳng vào đội Vũ lâm quân chuyên bảo vệ an toàn cho Hoàng thượng (à, tức là chuyên trông cửa cho Hoàng thượng ấy). Chẳng qua là chí nguyện của gã không nằm ở đó nên mới không làm.
Tại sao Đường Cần Thư bị giày vò sớm hôm tới mức muốn vung đao đánh người nhưng chưa bao giờ vung đao lên dạy cho Nhan biểu ca một bài học về bạo lực kia chứ? Bởi vì đao pháp gia truyền nhà họ Đường kia, Đường Cần Thư từ nhỏ đã chăm chỉ học hành ngày đêm không ngơi nghỉ, tới nay cũng chỉ học được nửa bộ. Anh trai cô càng thêm cố gắng càng thêm chăm chỉ, mới được ngót hai phần ba. Còn Nhan Cẩn Dung chỉ ham vui chạy tới tham gia học võ cùng gia đình họ trong vài năm, gã đã sớm học hết cả bộ từ lâu.
Thế nên trên đời mới có câu: Trời xanh ghen tị người tài giỏi. Bởi vì trên thực tế, quả thật thiên tài mới là những kẻ khiến cho người khác ghen ghét nhất trên đời.
Lúc phát hiện ra Đường biểu đệ hoàn toàn mờ mịt ngơ ngác khi hỏi quy tắc gieo vần chân vần lưng, hoàn toàn không có chút nhanh trí nhạy bén nào khi được bảo làm thơ từ, hỏi tới làm toán thì nhiều nhất là làm được bốn phép toán cơ bản và bài toán trồng cây, còn thì hỏi đến bài toán đo chiều cao mặt trời hay là bảy vòng tròn, biểu đệ sẽ khóc thét.
(Vần chân vần lưng khi làm thơ thì chắc không cần giải thích ha. Bốn phép toán cơ bản là cộng trừ nhân chia thôi. Bài toán trồng cây thì có nhiều kiểu khác nhau, không chắc tác giả muốn nói bài toán kiểu dãy số Fibonacci hay đơn giản là tính số cây trồng trên một quãng đường dài Xm và mỗi cây cách nhau Ym, khá là kinh điển. Bài toán đo chiều cao mặt trời và bảy vòng tròn hay còn gọi là Nhật cao và Thất hành là bài toán hình học khá nổi tiếng trong cuốn Chu Bễ Toán Kinh thời cổ đại Trung Quốc, trong đó bài toán đo chiều cao mặt trời dựa trên định lý Pythagore về góc vuông, và bảy hình tròn thì liên quan đến tính chu vi diện tích dựa trên số Pi vô hạn tuần hoàn rồi thì áp dụng vào thiên văn học tính ngày tháng bốn mùa tiết. Thôi tôi không lảm nhảm nữa đâu sắp đầu đến nơi còn phải học hình học ư???)
Không thể không thừa nhận một điều, biểu đệ của gã có sở trường là các việc thực tế, cái gì cần biết đều biết làm cả, nhưng không sở trường một cái gì. Nói đơn giản là: cần cù bù thông minh.
Tệ nhất là đã thế còn không có hứng thú gì đặc biệt, Nhan Cẩn Dung cảm thấy rất là phiền não.Hứng thú duy nhất của cô nàng lại là hai cuốn sách "Luật pháp Đại Yến toàn tập - mới biên soạn", và cuốn "Phong chẩn viên thư" (sổ tay ghi chép cách nghiệm xác phá án qua các triều đại)
(Phong chẩn viên thư: dịch thô thô ra là Văn kiện chẩn đoán được niêm phong lại, ý là bản ghi chép các kết quả chẩn đoán (pháp y) đã được niêm phong, kiểu kiểu thế, editor đoán bừa =)) Cuốn này tác giả có vẻ sáng tạo ra, vì baidu có cuốn tên là Phong chẩn thức, một loạt sách thẻ tre tìm được trong một ngôi mộ thời Tần, nói về các vụ án, cách thức xử án, điều tra, thẩm vấn, khám nghiệm này kia...)
Kiểu hứng thú này nếu muốn đạt tới trình độ như tài nữ Thôi Hiền, e là con đường còn xa xôi trắc trở lắm...
Gã đương nhiên nguyện ý cho biểu đệ sử dụng thơ từ của mình làm của riêng, nhận là của cô ấy làm cũng không sao. Bởi với gã mà nói, mớ thơ từ đó phẩy tay một cái là ra cả mớ, dùng thoải mái không lo thiếu thốn... Nhưng mà, biểu đệ lại giận dữ lườm gã khét lẹt.
Tài năng bẩm sinh lớn nhất của cô ấy lại là nấu nướng. Nhưng nấu nướng giỏi mấy thì cao nhất cùng lắm là trở thành ngự trù trong hoàng cung, chả có tác dụng gì trong việc làm quan.
Nếu bảo Nhan Cẩn Dung từ yêu quá chuyển hóa thành hận thù... chỉ có một chút xíu mà thôi. Phần lớn còn lại thật ra là vì gã cảm thấy quá là không công bằng. Nghĩ mà xem, Đường Cần Thư mới là người thật sự coi việc làm nữ lại là việc của mình mà không phải là để mua danh chuộc lợi, dựa vào đâu mà cô ấy lại bị đày ải tới chốn huyện thành nghèo rớt, chó ăn đá gà ăn sỏi này, còn Thôi Hiền lại có thể ung dung nhàn nhã sống ở kinh thành mà nói nhảm lừa gạt người khác.
Thật sự không công bằng.
Nếu biểu đệ đồng ý, gã đảm bảo có thể dùng mọi cách để nhào nặn, chế tạo ra một "Đường Cẩm Văn" có tài năng có học thức. Nhưng mà, sau một tháng biểu đệ bãi công không chịu nấu cơm cho gã ăn, cuối cùng Nhan Cẩn Dung đành nhượng bộ đổi ý... Chỉ có thể hi vọng cô ấy sẽ trở thành một "Tiểu Đường đại nhân". (Đường đại nhân tuổi nhỏ nha, ko phải là đại nhân bị tiểu đường nha =)))) )
Tới khi mùa hè đã qua, cuộc chiến giữa Nhan biểu tỷ, à nhầm biểu ca, cùng với Đường biểu đệ, à nhầm biểu muội, mới hòa bình lập lại.
Ý chí của Đường Cần Thư quá kiên định, còn dạ dày của Nhan Cẩn Dung hoàn toàn không kiên định tí nào.
Cuối cùng ai nấy đều cùng lùi một bước (?), Nhan Cẩn Dung bắt đầu sử dụng kỹ năng "nhìn một lần là nhớ" của mình để đọc hết "Luật pháp Đại Yến" cùng với "Phong chẩn viên thư", trở thành bách khoa toàn thư sống để hỗ trợ cho Đường Cần Thư vốn trí nhớ không tốt lắm có thể tra cứu khi cần. Còn để báo đáp, Đường Cần Thư sẽ tự tay chọn các khúc gỗ đủ cứng rắn để có thể điêu khắc thành con dấu, để cho Nhan Cẩn Dung vốn hay rỗng túi kia có thể sử dụng khi lên cơn ghiền khắc con dấu triện.
... Tại vì gã chủ bộ bé mọn mỗi tháng chỉ có mười lạng bạc tiền lương kia chắc chắn không có tiền mua đá xịn về điêu khắc... Biết làm sao được, biểu ca có tiêu chuẩn quá cao, nhìn trúng cục đá nào phù hợp xong, nhìn giá là lại ngậm ngùi quay đi.
Khi những tiếng ve cuối cùng của mùa hè vang lên, Đường Cần Thư mới hết giờ làm việc bèn về nhà bổ củi, tiện tay cầm lên một khúc gỗ có đường vân thớ gỗ rõ ràng ngay ngắn để ngâm cứu xem có thể cưa thành mấy cục gỗ thô cho Nhan biểu ca nghịch đỡ thèm.
Loáng thoáng có mùi thơm nhẹ... Không lẽ là thứ gỗ đàn nào đó...?
Đúng vào lúc ấy, cô tuy ở rất xa cổng chính nhưng lại nghe được một âm thanh nhẹ êm mà vẫn rành rọt trong tai. "Tiểu Đường đại nhân."
Tiếng nói này vừa quen thuộc vừa xa lạ. Chưa kể mọi người đều biết mỗi lần muốn gọi ai đó thì phải gào lên thật to chứ không thì không ai có thể nghe thấy.
Đâu phải ai cũng nuôi được người gác cổng, mà với cô, cuộc sống hào nhoáng của thế gia đã trở nên quá xa xôi.
Âm thanh nhẹ nhàng dịu dàng ấy, nhưng lại rành rọt rõ ràng như thế.
Cô ngạc nhiên bèn mang theo cả khúc gỗ trong tay mà ra ngoài xem thử, ánh mắt mở to đầy kinh ngạc.
Chỉ có một người hay gọi cô là "Tiểu Đường đại nhân". Vừa thấy người đó, khoảnh khắc ấy trời như xanh hơn, gió như dịu mềm hơn, toàn bộ âm thanh của vạn vật xung quanh trở nên cực kỳ êm ái mềm mại hơn.
Như thể lên đỉnh núi Thái Sơn mà nhìn xuống thiên hạ. Thứ cảm giác ấy không lời nào tả xiết.
"... Nguyên đạo trưởng."
Vị đạo cô dáng vẻ thiếu niên tên là Nguyên Nhị Tham này nở nụ cười, nhận lấy khúc gỗ trên tay Đường Cần Thư. "À há, trầm hương chìm nước. Tiểu Đường đại nhân chuẩn bị quà cáp quý trọng thế này khiến ta xấu hổ quá, chối từ thì bất kính. Đôi ta quả nhiên có duyên với nhau, tâm ý tương thông đó nha."
"..."
(Trầm hương chìm nước: trầm hương không phải tên một loại cây nào đó, mà là thứ tinh dầu do cây dó tiết ra khi phần thân gỗ bị tổn thương hoặc nhiễm một loại nấm mốc đặc biệt. Trầm hương chất lượng tốt thì khi thả vào nước, lượng tinh dầu rất nhiều khiến cho gỗ nặng và chìm xuống nước. Còn nếu thả vào nước mà nổi lên bề mặt thì là trầm hương dạng thứ phẩm hoặc hàng giả.)
Lần nào gặp nhau cũng bị Nguyên Nhị Tham trêu ghẹo. Mặc dù Nguyên Nhị Tham luôn nói mình không có ý đồ gì cả, tất thảy dựa vào duyên phận.
Thực ra, người quen thật sự của Nguyên Nhị Tham là cấp trên cũ của cô, Bành đại nhân. Khi còn ở huyện Sơn Câu, sau khi thôn trên núi bị cô lập vì lũ quét núi lở đường xá bị cắt ngang, chính là Nguyên Nhị Tham đã mang theo Bành đại nhân vào thôn đón cô xuống núi.
Đến bây giờ cô vẫn không cách nào hiểu được làm thế nào Nguyên Nhị Tham tìm được đường vào núi an toàn giữa vùng núi rừng sạt lở đầy hiểm nguy và lạ lẫm đó. Cô cũng không hiểu được vì sao Nguyên Nhị Tham lại quý mình đến thế, mới gặp lần đầu đã muốn độ cho cô xuất gia.
Đường Cần Thư không đồng ý, Nguyên Nhị Tham cũng không nói gì thêm, chỉ tặc lưỡi chép miệng đầy tiếc nuối. "Mầm non tốt như thế, tiếc thay tiếc thay. Đây quả là tổn thất của Đại Yến, mà cũng là phúc phần của Đại Yến."
Nói thẳng ra, cho tới giờ cô chưa bao giờ hiểu mấy câu nói đầy thâm ảo, nói mà như chưa nói của Nguyên Nhị Tham.
Nhưng Bành đại nhân lại vẫn luôn giữ thái độ lễ phép, thậm chí kính cẩn trước mặt Nguyên Nhị Tham. Cô còn nghi ngờ cớ gì cấp trên cũ của mình phải tôn trọng một kẻ mê tín lừa đảo như vậy, lại có lần ông ấy buột miệng nói rằng mình đã quen Nguyên Nhị Tham từ thuở thiếu thời.
... Sao lại thế được? Bành đại nhân đã sắp tới tuổi ngũ tuần, còn Nguyên Nhị Tham nhìn bề ngoài không lớn tuổi hơn cô là mấy.
Cơ mà cô cũng không cách nào giải thích được, mỗi lần mình ở gần Nguyên Nhị Tham đều sẽ cảm thấy một bầu không khí kỳ lạ mà thoải mái. Mỗi lần cô cảm thấy ưu tư phiền não việc gì đó, cô sẽ bắt chước Nguyên Nhị Tham mà ngẩng đầu nhìn mây trôi... Mây đen giông bão trong lòng cô nhờ vậy cũng tan đi nhanh chóng.
Chỉ gặp nhau mới vài lần, nhưng lại khiến người ta ấn tượng khó quên.
"Sao hôm nay Nguyên đạo trưởng lại rảnh rỗi ghé chơi tệ xá? Ngài đã gặp Bành đại nhân ư?" Có thể là Bành đại nhân đã nói chỗ ở của cô cho người này.
"Cần gì Tiểu Bành Tử kia chứ, bần đạo bấm đốt ngón tay tính toán là được." Nguyên Nhị Tham nửa thật nửa đùa trả lời, thậm chí còn cười hì hì. "Thật ra ta cũng chưa biết mình đến đây làm gì... ít nhất bây giờ còn chưa biết..."
"Biểu đệ! À... biểu muội!" Bỗng Nhan Cẩn Dung chạy tới, rồi đứng nhìn Nguyên Nhị Tham đầy hoài nghi phòng bị. "Cô có khách à?"
Nguyên Nhị Tham trước nay vẫn ung dung bình tĩnh dạo chơi trần thế, giờ bỗng trợn mắt nhìn Nhan Cẩn Dung như thể bị kinh sợ tột cùng. "Bây giờ thì ta đã biết rồi."