Quan Quan Tương Hộ

chương 30

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Ba mươi

Bác phu xe này tên là Lý Đại Lang, ngày xưa vẫn chuyên đánh xe ngựa chở hàng cho các tiêu cục, giờ tuổi đã lớn nên không còn kiếm ăn nơi nguy hiểm máu me nữa nhưng đường xá qua lại phía kinh thành quả thực cực kỳ quen thuộc.

Bấy lâu nay bác làm nghề chở hàng đánh xe đã lâu nên chứng kiến cũng nhiều, gặp qua không ít quan lại lớn nhỏ, nhưng lần này thấy hai vị quan gia kia vẫn không nén được sự cung kính, cúi đầu theo bản năng không dám nhìn thẳng quá lâu.

Người với người, khí chất tinh thần quả là không giống nhau. Các chú dám bảo hai vị quan gia kia chẳng qua chỉ là xuất thần nhà nghèo bình dân mà xem, bác đây sẵn sàng phun cho các chú vài ngụm nước bọt, cái đồ mắt mù!

Nhìn một cái là biết quả thực là quý nhân có gia thế, tám phần mười là gia phong nghiêm cẩn gửi con cháu ra ngoài để rèn luyện. Nghe nói chuyện thì y như rằng, giờ là chuyển điều lệnh kiêm về nhà, quả đúng là quý nhân nhà ở kinh thành. Đôi mắt của bác đây tuy già nhưng còn tinh tường lắm.

Mặc dù bác chỉ mới dám liếc một cái nhưng cũng đã không nhịn được thầm than trong lòng, người đâu mà đẹp hơn cả người trong tranh luôn. Nghe đâu trong hai người còn có một quan nương có tiếng tăm cực kỳ tốt, quả là hết sảy nha. Hoàng thượng là đế mẫu, nên dưới tay bà ấy các tiểu nương tử làm quan này cô nào cô nấy đều thông minh giỏi giang nghiêm trang lắm, phải hầu hạ cho cẩn thận.

Bác phu xe gập người cung kính gọi Nhan Cẩn Dung một tiếng Bẩm quan nương, lại quay sang Đường Cần Thư vái một cái Bẩm đại nhân.

Sắc mặt Nhan Cẩn Dung lập tức tái mét.

Đường Cần Thư cố gắng nhịn đỏ cả mặt mới không cười ra tiếng, rồi mới dịu dàng nhẹ nhàng hiền lành mà nói. "Chắc bác lão thị nhìn nhầm, cháu họ Đường, năm Giáp Ngọ may mắn được phong làm nữ lại."

Lý Đại Lang lúc đó mới dám mở to mắt cẩn thận nhìn Đường Cần Thư, lại còn tỉ mỉ nhìn Nhan Cẩn Dung từ trên xuống dưới, nhìn hồi lâu vẫn không phân biệt được người nào mới không phải cô nương, chỉ đành ngại ngùng xin thứ tội. "Tiểu nhân mắt kém, mắt kém rồi!"

"Không phải lỗi của bác!" Đường Cần Thư nhịn cười sắp nội thương đến nơi, cô vội vã phi thân lên ngựa lảng chuyện. "Đường xá xa xôi, nên đi sớm để không lỡ giờ giấc."

Nhan Cẩn Dung thì giận dỗi tới mức sắp khè ra lửa tới nơi, gã dằn dỗi lườm nguýt Đường Cần Thư đang cười rung hết cả vai kia một cái rồi cũng nhảy lên ngựa giục ngựa phóng như điên.

Lại nhận nhầm người thêm một lần nữa, Lý Đại Lang cực kỳ lo lắng. Còn may vị Đường quan nương này quả thực vô cùng tốt tính hiền lành, dọc đường ra sức an ủi bác, lại còn lảng chuyện mà hỏi han xem trên đường có cần chú ý điều gì nghỉ lại ở đâu ra sao. Về sau vị Nhan đại nhân có vẻ ngoài xinh đẹp còn hơn cả cô nương kia cũng không làm gì bác cả mà tự mình bình thường trở lại, Lý Đại Lang mới tạm gọi là yên bụng vững dạ, thậm chí còn mừng vì lần này mình đúng là gặp toàn người tốt.

Sau đó, toàn bộ hoài nghi của bác ấy cũng hoàn toàn cởi bỏ, chỉ còn lại một công việc nhàn nhã nhẹ nhàng.

Quan lại trẻ tuổi ấy à, bác cũng gặp nhiều, thậm chí đi cùng đoàn rồi, ít nhiều ai nấy đều có chút tật xấu. Như là cứ lên đường là chạy như điên không cần biết, khiến cho ngựa bị thương bị mệt, lại khiến hành trình bị chậm lại. Hay là kén cá chọn canh từ cái ăn đến chỗ ngủ, phải biết đi đường dài thì làm sao có thể ăn ngon mặc đẹp chăn êm nệm ấm suốt được chứ. Rồi thì kiểu khác là không chịu nghe người khác khuyên nhủ mà cứ thích đi đường nhỏ lối tắt, gặp phải đám lưu manh còn đỡ, chứ mà gặp phải giặc cướp sơn tặc thì đúng là không khác nào đùa giỡn với tính mạng. Đấy còn chưa tính đến các loại ăn cắp ăn trộm hay lừa đảo ăn vạ này kia, chẳng là mấy tiểu công tử máu nóng dễ bốc lên đầu, hứng lên là làm mấy chuyện vớ vẩn linh tinh.

Ai mà ngờ chứ, vị quan nương cực kỳ tuấn tú này hóa ra lại thông thạo những khó khăn của chuyến đi dài ngày, mà vị đại nhân xinh đẹp hơn cả con gái kia cũng biết nghe lời khuyên nhủ. Dọc đường đi anh ta đều rập bước theo quan nương kia mà giục ngựa, lúc nào đi chậm khi nào đi nhanh rồi thì phi nước đại, cũng rất ra gì và này nọ. Thế nên không những hai con ngựa của họ được chăm nom tử tế mà ngay cả ông bạn già Đại Thanh của bác ấy nữa.

Suốt dọc đường đi đều men theo đường cái quan, dừng nghỉ chân là chọn trạm dịch của triều đình, chứ chưa bao giờ tìm chỗ nào vắng vẻ đáng nghi đòi nghỉ lại. Đã thế ai nấy còn rất lịch sự có lễ nghĩa, có món gì ngon đều không quên để phần cho lão già đánh xe là mình đây. Cả hành trình gió sương bụi mù vất vả mà không một ai than phiền mệt mỏi khổ cực lần nào.

Đó mới thật sự là quý nhân nhé. Tốt hơn gấp vạn lần đám ăn xổi ở thì chỉ biết hếch mặt vểnh râu lên trời không để ý người khác. Quả nhiên là con nhà gia giáo, con em thế gia của kinh thành, được nuôi dạy chu đáo từ nhỏ.

Thật ra thì Đường Cần Thư cũng rất ngạc nhiên khi thấy Nhan Cẩn Dung có thể chịu khổ chịu cực trên đường như thế. Mặc dù hôm đầu tiên cuối ngày anh chàng thiếu điều trượt ngã khỏi yên ngựa với gương mặt tái mét, hai chân run lẩy bẩy. "Chẳng trách đám võ tướng chinh chiến trên lưng ngựa ai nấy đều chân vòng kiềng..." Khiến cho cô ôm bụng cười sặc sụa.

Trong lệnh chuyển công tác, Hoàng thượng cho quá ít thời gian nên không thể trì hoãn lâu trên đường. Cô còn từng có kinh nghiệm cưỡi ngựa đi đường dài ngày một mình chứ Nhan biểu ca năm đó từ kinh thành xuôi nam đến huyện Đào Nguyên là đi theo đội thương nhân, ngồi xe ngựa sang trọng, thong thả ung dung vừa đi vừa ngắm cảnh.

Hồi đó cô một mình một ngựa đi từ huyện Sơn Câu tới huyện Đào Nguyên, do đã trải qua trò ngu ngốc phi ngựa như điên khiến ngựa bị thương, nên trước khi lên đường đã cẩn thận hỏi thăm nghe ngóng. Về khả năng bắt chước cơ cấu, Đại Yến bảo đứng nhì không ai dám tự xưng đứng nhất, thế nên trên đường đi cô cũng coi như rành rẽ quen thuộc. Cơ mà "Nhan biểu tỷ" trong mắt cô trước nay vẫn luôn mảnh mai yếu đuối chiều chuộng, giờ quả thực khiến cô phải lau mắt mà nhìn.

Mấy ngày đầu cưỡi ngựa khiến hai đùi bị cọ xát tới mức trầy xước cả da, gã cũng cắn răng chịu đựng, rồi thì cũng quen chịu đựng thôi. Cả nơi ăn chốn ở rồi đồ đạc dùng trên đường đều rất là thô sơ vội vã, gã cũng chưa từng kêu ca tiếng nào. Ngay cả trên đường gặp phải giặc cướp chặn đường, cô giương cung lắp tên bắn chết kẻ cầm cung nỏ bên địch, thế nhưng cô mới bắn chết một người, Nhan Cẩn Dung đã có thể liên tiếp bắn chết ba tên khác, rồi thì vung kiếm đánh cho đám cướp kia tan tác, chỉ còn vài ba kẻ nhãi ranh chạy trốn.

Nhưng sau đó Nhan biểu ca chỉ bị nôn một lần xong vẫn cố giữ tinh thần để lên đường đi tiếp, buổi tối hôm đó dừng lại ăn cơm vẫn lùa bay ba bát cơm to, lại còn có thể ăn thịt ngon lành.

Nhớ lại năm đó lần đầu tiên cô gϊếŧ người xong, không những nôn thốc nôn tháo, lại còn lăn ra ốm một trận, ăn chay nguyên một tháng, chỉ cần ngửi phải mùi thịt là đã nôn khan.

Đi đường cùng nhau, cô thực sự cảm thấy giờ có thể gọi gã là biểu ca một cách hoàn toàn danh chính ngôn thuận không còn thấy chút đùa giỡn nào.

Nghĩ cũng đúng thôi, sau ba năm trui rèn vừa rồi, Nhan biểu ca đâu có còn là vị công tử bột nũng nịu yếu ớt ở kinh thành năm xưa.

Nhưng mà nửa tháng sau, Đường Cần Thư vẫn phải cười thầm trong bụng.

Mặc dù không kêu ca than vãn, vẫn luôn cố gắng nuốt những món ăn vừa thô sơ vừa nhạt nhẽo kia vào bụng, như thể khổ mấy gã vẫn chịu được, thế nhưng cái dạ dày gã đã quen ăn ngon uống tốt lâu nay, dăm ba bữa còn chịu được chứ mười ngày nửa tháng là bắt đầu hết chịu nổi, chẳng mấy chốc mà gầy tọp đi. Rành rành dáng vẻ "áo rộng thùng thình, thân mình tiều tụy".

Gã vẫn khăng khăng cậy mạnh không kêu ca, nhưng Đường Cần Thư lại không đành lòng. Cơ mà để đảm bảo hành trình an toàn, họ chỉ dám đi đường cái quan, chỉ dám ở trọ tại trạm dịch. Mà tiêu chuẩn ăn uống ở trạm dịch thì... bạn hiểu rồi đấy.

Giờ cô mới thấy tiếc nuối. Khi đó để giữ cho hành lý nhẹ nhàng nhất có thể, toàn bộ rau dưa muối hay là thịt khô cô đều đã tặng lại đồng liêu hết. Trừ một rương đồ gia vị, giờ quả thật không còn gì khác để giúp Nhan biểu ca cải thiện bữa ăn.

Ánh thái dương mùa thu gắt gỏng chói chang với Nhan biểu ca không khác gì họa vô đơn chí, vốn là không có khẩu vị giờ càng là sức ăn suy giảm. Mới đi được nửa chặng đường, nếu cứ không ăn nổi thì làm sao kiên trì được tới đích.

Dọc đường nguyên liệu có hạn, quả thực là nỗi khổ của kẻ không bột khó gột nên hồ. Nhưng Đường Cần Thư là ai kia chứ? Là người con gái có trí thông tuệ và đôi bàn tay khéo léo. Nên là cô xuống bếp của trạm dịch, ngó thấy nồi cơm gạo lức vừa chín tới, cô bèn trả vài đồng tiền rồi xắn vài thìa mỡ lợn, thêm ba quả trứng gà rồi trộn cùng với ít tương gia vị cô tự mang theo.

Chỉ cần bát mỡ lợn trộn tương đó trộn đều với cơm gạo lức còn đang nóng hôi hổi, tranh thủ khi cơm còn nóng mà đập trứng gà lên trên trộn đều. Đừng nhìn vẻ ngoài của nó cực kỳ thô sơ, ăn vào miệng mới biết mỡ lợn với cơm gạo lức cực kỳ hợp nhau, lại thêm nước tương đậm đà, cùng với trứng gà lòng đào nửa sống nửa chín thơm phức, quả thực có thể câu ra nỗi thèm ăn khiến bụng cồn cào đói, lùa mấy chén cơm trộn mỡ lợn rồi vẫn cảm thấy còn chưa đủ.

Đừng nói Nhan Cẩn Dung và Lý Đại Lang hùng hục ăn cơm, đến cả những khách đi đường khác nghỉ chân ở quán cơm cũng liên tục nuốt nước bọt, xin một chén mỡ lợn để trộn với cơm. Nhưng ăn thử lại thấy không đúng vị, lại vội vàng gọi đầu bếp ra hỏi.

Đường Cần Thư chỉ thấy dở khóc dở cười, đành chỉ bảo một chút. Chủ yếu là cách pha chế gia vị vào nước tương mỗi nơi một khác, tỷ lệ này kia chỉ cần giải thích một chút là được. Chỉ có đầu bếp là toát mồ hôi lo lắng, tại sao quan nương lại chỉ bảo công khai giữa nhà ăn thế này, để người khác nghe được hết cả, làm sao mình có thể giữ làm món chiêu bài được nữa.

Chỉ có Lý Đại Lang gần quan được ban lộc, không những nghe đâu nhớ đó mà còn tỉ mỉ hỏi lại. Dọc đường đi Đường quan nương không ngừng phát minh ra các món ăn mới, thế là bác ta cũng học thuộc nguyên cả dọc đường. Cuối cùng chuyến đi này kết thúc, bác ta về nhà nghỉ việc chạy xe mà dùng toàn bộ các món ăn đơn giản Đường quan nương nghĩ ra, mở một quán ăn "Đường gia thực quán", lại còn tích cóp được một ít gia tài, quả thực là duyên phận khó tin. Nhưng đó là về sau.

Gian khổ một đường, cuối cùng cũng tới trạm dịch chỉ cách kinh thành mười dặm. Và cũng vừa đến cuối thời hạn cho phép để đến nơi.

Dịch trạm ngay cạnh kinh thành, nên đương nhiên cũng sang trọng tử tế cao cấp hơn hẳn. Cuối cùng họ cũng có cơ hội được tắm rửa sảng khoái mà không phải chỉ xin một chậu nước nhỏ lau người qua loa.

Thì cũng phải sửa sang lại một chút, rồi dúi cho đứa nhỏ chạy chân ở dịch trạm ít bạc, nhờ nó chạy về nhà mình báo tin.

Nghĩ đến việc về nhà, cả hai người đều cảm thấy trong lòng nặng nề hẳn. Mặc dù trốn hôn ước thành công, nhưng trong nhà vẫn luôn đòi đánh đòi gϊếŧ. Nên giờ có thể bước qua bậu cửa vào nhà hay không... vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Nên lúc này, hai kẻ to gan kia mới bắt đầu bàn nhau xem nhỡ bị cấm cửa thì nên đi nơi nào.

Nhan Cẩn Dung còn đỡ, cùng lắm tới nhà ông bà ngoại ở tạm một thời gian, dầu sao ông bà ngoại vẫn yêu thương mình lắm. Cơ mà Đường Cần Thư thì biết làm sao? Nhà ngoại cô đã tuyên bố từ mặt bà Đường từ lâu rồi.

Đó cũng là một câu chuyện dài, cả kinh thành đồn đãi đủ kiểu kiểu gì cũng có. Hai anh em Đường Cần Thư khi còn nhỏ đã từng bị cô lập bị chửi bới bị cười nhạo không biết bao nhiêu lần.

Thật ra thì trước khi ông Đường cưới bà Đường hiện nay, đã từng có một người vợ khác. Người vợ ấy chính là chị gái ruột của bà Đường.

Người dì ruột mà Đường Cần Thư nên gọi một tiếng "mẹ cả" ấy, một ngày đột nhiên bệnh nặng lìa đời, để lại một đứa con trai. Tang vợ còn chưa hết, bà Đường hiện nay đã vào cửa làm mẹ kế, khiến cho ông bà ngoại cô giận đến sôi người, tuyên bố hoàn toàn cắt đứt quan hệ cha con. Còn chưa hết, bà Đường mới cưới vào chưa được bao lâu, anh trai cả của cô cũng bất ngờ chết yểu.Chân tướng năm đó ra làm sao, anh trai ruột Cần Thư nhất quyết không cho phép cô hỏi tới, mà ngay cả chị dâu cô cũng cực kỳ thần bí mà lảng tránh. Nhưng họ giấu diếm cô nhiều như thế, thì chẳng cần nói cũng không khác gì đã nói ra tất cả.

Anh trai cô quả thực là cay đắng khổ sở, cay đắng trong lòng còn hơn cả nuốt hoàng liên ngậm khổ qua. Cho tới giờ mỗi dịp lễ tết, anh trai cô đều tự đến quỳ đủ một canh giờ trước bài vị của mẹ cả. Mỗi lần thanh minh tảo mộ hay tết xá tội vong nhân, anh cô cũng chưa từng quên đi tảo mộ mẹ cả kiêm dì.

Mỗi lần anh trai cô làm thế, bà Đường đều nổi giận, vừa khóc nức nở một trận vừa lăn ra ốm một cơn... nhân tiện tránh việc phải lạy bài vị theo lễ nghi của thiếp thất.

Sau này khi cô đã hiểu chuyện hơn, cô cũng làm y chang anh mình. Thế nên bà Đường mới luôn cho rằng hai anh em họ là đồ bất hiếu không thương mẹ ruột.

Nhưng có ai hiểu cho nỗi khổ khi thân làm con của kẻ ác.

Rõ ràng họ không làm gì cả, nhưng sự ra đời của họ đã là nguyên tội.

Thế nên mỗi lần nghĩ về cha mẹ mình, Đường Cần Thư vẫn luôn thầm oán, quả là một đôi lứa ăn hại rác rưởi. Nhưng càng hơn thế là sự bất lực và nhục nhã. Chỉ có thế mà thôi.

Nhan Cẩn Dung thấy cô buồn bã lầm bẩm. "Phải đi thắp hương vấn an mẹ cả." Gã biết cô lại nghĩ tới chuyện xưa, nỗi niềm xưa nay, khiến gã cảm thấy khó chịu trong lòng.

Liên quan quái gì tới cô ấy kia chứ?

Nếu có liên quan, chỉ có thể nói là do ông bà Đường chung tay tạo nghiệp ác, thậm chí ông Đường còn tạo nghiệp lớn hơn.

"Hôm nay nghỉ ngơi đã, mai ta đi cùng muội." Ngập ngừng một chút gã mới dám rón rén nhẹ nhàng vỗ vai Cần Thư một chút an ủi.

Kết quả hôm sau không ai đi được cả. Vì anh trai của Đường Cần Thư dắt tay anh trai của Nhan Cẩn Dung tới để đón người.

Nhanh lên, nhân dịp đôi bạn cùng phá là ông Nhan với ông Đường đang ra kinh cùng nhau chơi cúc, mau mau về nhà tạo ra sự đã rồi, ở nhà xong xuôi cùng lắm họ về mắng mỏ vài câu là xong.

Mà khoan đã... tuyết đầu đông sắp rơi, còn hoa cúc nào để chơi để ngắm?

Anh trai Đường Cần Thư ngại ngùng nói thật, nhưng anh trai Nhan Cẩn Dung thì cười phớ lớ. "'Chân ái' mới nhất của cha đổi tên thành Châu Cúc rồi. Ta nói chứ, tự dưng làm nhục cả tên loài hoa đẹp!"

Cả đám câm nín.

Đường Cần Thư thì nghĩ bụng, cha cô với bác Nhan trai không ngờ lại thân nhau tới cỡ đó. Quả thực tình bạn này quá kỳ cục, không phải dành cho người thường thưởng thức!

Đấy là kỳ quan thứ tám đúng không? Tuyệt đối xứng đáng là kỳ quan thứ tám!

Chương này dài lê xờ thê làm mãi không xong =))

Anh Nhan lại bị nhầm là quan nương xinh đẹp, chị Thư thì bị gọi là đại nhân tuấn tú. anh chị vẫn luôn cầm nhầm kịch bản của nhau =)))

Nhan cha với Đường cha quả là cực phẩm, hẳn là chơi cúc cùng nhau luôn, P hay gì??? Ặc ặc.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio