Đến khi tôi hồi phục tinh thần, đã nằm trên ghế salon trong nhà Cao Học Huy. Gương mặt Tưởng Minh Vi lo lắng nhìn tôi, thấy tôi tỉnh lại, vội mang qua một chén nước.
“Tôi vừa bị sao vậy?” Day day thái dương, không có bất kì cảm giác khó chịu nào, vẫn ổn như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.
“Ai biết! Hai chúng tôi đều trông thấy cậu đang bao sủi cảo đột nhiên lao ra ngoài, lúc tôi đi tới nơi thì cậu đã nằm ở cửa.” Tiểu Cao cười khổ nói.
“Anh theo tôi ra ngoài sao?” tôi mơ hồ cảm nhận có điều bất thường.
“Đúng vậy, chúng tôi đi cùng nhau mà.” Tương Minh Vi đáp thay, “Cậu vừa bước ra ngoài là chúng tôi theo chân luôn, còn tưởng cậu nhìn thấy gì cơ.”
“Chẳng lẽ hai người không trông thấy…”
“Thấy cái gì?”
“Không có gì…” Tôi ngẩn người, lắc đầu chẳng hỏi thêm nữa. Bọn họ hỏi rằng “Thấy cái gì”, mà không phải “Thấy ai”, chứng tỏ hai người họ đều không nhìn thấy thầy Trần, dù tôi hỏi cũng không có kết quả. Có điều tôi không rõ, tôi đã nhìn thấy hắn, gọi hắn, tôi ngây người, hắn gọi tên tôi, nói câu “Xin chào”, còn mỉm cười với tôi… Nếu hai người Tiểu Cao theo sát chân tôi ra ngoài, làm sao lại không gặp cơ chứ?
Hay tất cả chuyện này cũng chỉ là ảo giác của tôi?
Bữa cơm này, tôi ăn chẳng biết mùi vị. Ăn xong, một mình tản bộ ra đến cửa hồ đồng.
Dưới nắng chiều, gian nhà mái ngói màu tro xưa cũ, cùng đường viền vàng mang vẻ lạnh lẽo, bức tường gạch xanh có nhiều lỗ hổng, cỏ dại thưa thớt trên đường, không khỏi nhắc lại chuyện cũ man mác về cố đô Lục triều xưa.
Một thoáng ngẩn ngơ, hình như tôi đã trông thấy một người đàn ông khoác áo vải bố, mái tóc đen quấn một vòng quanh trán, tay cầm chiếc tẩu thuốc dài, ngồi bên cạnh chiếc giếng đen ngòm, khăn mặt vắt ngang vai, thỉnh thoảng cầm lên lau mồ hôi.
Gã dùng đôi mắt diều hâu nhìn thẳng vào tôi.
Khoảnh khắc đó, hiện tại đan xen quá khứ.
Hai bên đường có những gậy trúc thẳng đứng treo đèn lồng đỏ, mặt trên là những chữ viết rất lớn, một cô gái áo quần gọn gàng mang tư thế giống tôi đứng ngắm chân trời trong ánh chiều tà, khuôn mặt thanh tú. Là tôi đang ở cố đô phương Nam chưa từng ghé qua, cũng chưa bao giờ nhìn thấy trong phim ảnh hay trên truyền hình, hiện giờ cảnh sắc lại sống động như này vây quanh tôi.
Khung cảnh ưu sầu nhà Thanh, dường như đã bao đời nay.
Chẳng lẽ đây gọi là mộng tưởng hão huyền sao? Tôi cúi đầu nhìn vào miệng giếng, bên trong lộ ra bùn đất nhợt nhạt, có chút cỏ úa, thậm chí có cả một chai coca nhựa. Giếng đã bỏ không nhiều năm, mùi mục nát tản mát, chỉ có một tấm biển đồng thau nhỏ nhưng tinh xảo khắc lại tuổi thọ và giá trị của nó đặt bên cạnh giếng.
“Cũng từng ngợp trong vàng son một thời.”
Thanh âm già nua như tiếng vải xé bất ngờ xông vào màng nhĩ, lòng tôi thất kinh, quay đầu quả nhiên trông thấy gương mặt phủ kín nếp nhăn của bà lão Trì. Đôi mắt trắng đục nhìn tôi, như thể xuyên thấu tâm can, đến nơi tận cùng tâm trí.
“Chẳng phải như cậu thấy sao? Người đi như mắc cửi, xe ngựa chạy như thoi đưa, chữ trên đèn lồng kia nghĩa gì? Phải, cửa chính nhiều khí phái lắm, tôi đã nhiều lần xem, bà bé mặc sườn xám đỏ tươi, áo quần nàng mặc trên người vô cùng rạng rỡ…” Bà lão Trì cảm thán, ánh tà dương hắt vào gương mặt bà, thật tĩnh mịch.
“Trong lòng mỗi người đều có tâm nhãn, lão đây tuyệt không mù, chuyện gì cũng biết…”
Trông theo bóng lưng run run, một đôi chân bó hậu quả của chế độ phong kiến lưu lại đang rời đi, tôi không kìm nổi gọi tên bà.
“Bà Trì!”
Bà lão dừng bước lại, nghiêng mặt về phía tôi.
“Bà… Năm nay bao nhiêu niên kỷ?”
Nét nghiêng dần dần trở thành chính diện, khóe miệng như vết đao cứa, bôi một đường cong, tạo thành quỷ dị.
“Chàng trai, qua nhà lão ngồi chơi một lát, nghe bà già này kể câu chuyện xưa, đã rất lâu rất lâu rồi chưa nói ai hay…”