Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Có một bí mật tôi chả bao giờ hiểu, là người lớn ngày trước yêu nhau như thế nào? Họ luôn kể với trẻ con lúc bé gian khổ ra sao, thiếu thốn điều gì và đã không có món quà bánh như hôm nay để ăn. Nhưng yêu ai và để trốn ai khi yêu, người lớn giấu biệt. Cứ nhìn vào tác phong có vẻ người lớn sinh ra đã nghiêm nghị, còn lũ teen nhà mình sinh ra đã quậy phá và hư hỏng.
A, chắc ngày xưa không có teen. Teen chỉ mới xuất hiện gần đây.
Đêm hôm đó, Ly Cún lại trằn trọc. Tất nhiên không phải trằn trọc trong chăn, hoặc ngồi thẫn thờ bên cửa sổ nhìn ánh trăng như phim Hàn Quốc thường miêu tả các thiếu nữ sau một buổi gặp gỡ bạn trai. Ly Cún ngồi băn khoăn trước màn hình.
Viết cái gì trên “Fây” bây giờ?
Hôm nay đứa nào chả có “Fây”, nhưng Ly Cún rất bực mình khi thấy chúng nó vứt lên đấy toàn những thứ tầm thường. Nào vừa ăn món gì, nào vừa nhìn thấy cái đuôi của Khởi My, cái tai của Lê Khánh, hoặc cái mũi của Hiền Thục. Như thế khéo vẫn còn may. Nhiều kẻ còn lên đó khoe vừa bị đụng xe, vừa đổ rác, hay vừa nhổ răng. Cứ như “Fây” là thùng rác không bằng.
Ki Ki không khi nào khờ khạo vậy. “Fây” của Ki Ki phải là chỗ chúng nó lúc vô vừa khâm phục, vừa ghen tị, tò mò lại vừa chả hiểu gì hết. Cho chúng nó khi đọc sẽ điên lên nhưng mình vẫn kín như bưng. Thế mới thần sầu.
Do vậy, Ki Ki tiết lộ vừa đi với chàng. Chàng hát hay hơn Bằng Kiều, nhảy giỏi hơn Lâm Vinh Hải và hẹn tuần sau đưa Ly Cún sang Paris chơi. Bọn fan hâm mộ hoặc bọn fan ghen ghét đọc lên cứ rối mù, chả hiểu ta đang nói về ai và có nói thật hay không. Việc của Ki Ki là yêu, việc của chúng nó là đoán già đoán non, sau đó ghen tỵ cho đến chết. Hí hí hí hí. Càng nghĩ càng sướng. Càng sướng càng cười đến không ngủ được.
Hôm sau đến lớp, Mai hỏi tôi, vừa thăm dò, vừa van nài, lại có khả năng vừa lo ngại:
-Ê, Ly, dạo này thế nào?
-Tao ok.
-Có gặp Thầy không?
-Vừa có lại vừa không.
-Coi chừng, cả trường đang thì thầm đấy.
-Ối chào, chuyện gì chúng nó chả thì thầm.
Trư Bát Giới ngây ra nhìn Tôn Ngộ Không vừa thán phục vừa lo lắng.
Điều Ly Cún nói cuối cùng là chính xác. Trong trường người ta chỉ gào to khi nghe tin nghĩ học, khi biết sắp tổ chức đi chơi xa, khi công bố kết quả thi học kỳ còn mọi thứ khác đều thì thầm, đều rì rầm ở “mỗi góc phố, mỗi hàng cây” và cả mỗi gầm bàn.
Nhờ thì thầm mà học sinh biết đứa nào đang yêu đứa nào, ai đang mượn tiền ai và giờ đề kiểm tra tới sẽ có kiểu gì. Trường không có wifi nhưng có hàng ngàn cái mồm lan truyền miễn phí với tốc độ cao mà không bao giờ nghẽn mạch.
Ví dụ như có thầy dạy Toán vừa kiểm tra một tiết ở lớp B sau đó nửa tiếng sau kiểm tra ở lớp A với đề bài y chang như vậy, không hề biết wifi mồm đã kịp tải về.
Nhưng kìa, thầy Lịch sử lại bước vào. Đối với nữ sinh Phạm Ngọc Lưu Ly, lúc đó là lúc cả thế giới mở ra.
-Các em học sinh A thân mến, xin chào.
Ngay câu này cũng đã khác thường rồi. Chúng tôi chỉ gặp thân mến, kính mến, yêu mến trên ti vi hoặc trên thư từ. Từ ngày có Thầy mới gặp trên lớp.
Tuyệt hay!
Thầy lại cầm sách giáo khoa lên, đây là giáo viên cầm sách nhiều nhất của trường cấp III An Hòa. Ly Cún tin rằng như thế.
-Các em có biết sách Lịch sử này khác sách truyện ở chỗ nào không?
Cả lớp nhìn nhau. Mai Tồ nhìn Ly Cún, Ly Cún nhìn Sơn Bóng, Sơn Bóng nhìn Việt giáo sư. Việt Giáo sư nhìn Long Heo quay, Long Heo quay nhìn Hà Bắp cải, Hà Bắp cải nhìn Thúy Ve sầu, Thúy Ve sầu nhìn Ly Cún, Ly Cún nhìn lại Mai Tồ.
Người ta bảo trái đất tròn. Nhưng thực ra cái nhìn cũng tròn.
Rồi mỗi đứa một câu:
-Dạ, thưa Thầy, truyện có hình màu, sách chỉ có hình đen trắng.
-Thưa Thầy, truyện có kinh dị, Lịch sử có chiến tranh.
-Thưa Thầy, truyện đọc ở nhà hay ở gốc cây, sách đọc ở lớp (câu này sai, nhiều lúc truyện đọc ở gầm bàn, sách mở ra để trên bàn chả ai đọc).
-Thưa Thầy, truyện bán giảm giá, sách không bao giờ.
-Thưa Thầy, truyện năm nào cũng thế thôi, sách mỗi năm mỗi khác.
-Thưa Thầy, không đọc sách bị điểm kém, không đọc truyện chả ai nói gì.
Cả lớp ồn ào, đứa nào cũng sợ mình nói một câu ngốc hơn đứa khác.
Ôi, tất cả đều ngốc. Thảm thương.
Thầy chờ cả bọn kiệt sức, tự lắng xuống sau khi tưởng rằng đã phát ngôn những câu đầy chọn lọc rồi nói:
-Các em nói có chỗ đúng có chỗ sai. Nhưng Thầy chẳng thấy em nào phát hiện điều này: đọc truyện phải theo thứ tự, đọc lịch sử đôi lúc không cần như thế.
Để các em dễ hình dung, Thầy tuyên bố lịch sử không là cái bánh mì. Nhưng nếu như bánh mì có khúc to khúc bé, lịch sử cũng y chang.
Nghĩa là nó có những đoạn rất bình thường và những thời điểm chói lọi, hay những thời điểm đau thương. Và chúng ta nên tập trung vào đấy.
Hoàn toàn chính xác. Bản thân Ly Cún ăn bánh chưng hay gặm bánh mì cũng rất nhiều khi cắn từ giữa, đơn giản vì nơi đó có nhân.
Thầy vẫn nói:
-Đó là chưa kể mỗi các em sinh ra có một niềm đam mê, thích thú riêng và chả ai cấm các em khi học Sử, cũng như học môn nào, tập trung cho thích thú của mình, bởi vì khi lớn lên chúng ta chỉ có khả năng nhớ những gì mình ấn tượng mà thôi.
Vâng, Thầy ơi, dù trước đây Ki Ki có đi bơi cả trăm lần và sau này có đi bơi thêm tỷ lần thì cũng sẽ chỉ nhớ mãi hôm bơi mà Thầy cùng Ki Ki suýt chết đuối. Những ngày bơi khác phỏng nghĩa lý gì.
-Hôm nay, Thầy quyết định giảng bài theo ý các em. Mỗi học sinh sẽ nói về một chi tiết mình thích nhất trong sách giáo khoa Lịch sử, và chúng ta sẽ cùng nhau bàn điều đó, không cần theo số thứ tự từng trang.
Long khờ sững sốt:
-Thưa Thầy, nghĩa là có thể bắt đầu từ đâu cũng được. Không tuân thủ theo các thời kỳ?
-Long thân mến, đúng như vậy đấy.
Long thẫn thờ. Là một kẻ lớn lên muốn làm nghề bán heo quay, nó không sao hiểu nổi heo lại chín vàng trước, còn tẩm gia vị và đưa vào than hồng sau.
Tuyết đứng lên. Nó phát biểu một câu còn lạ lùng hơn nữa:
-Thưa Thầy, nếu như lịch sử là một con chó bông, ta có thể tóm tai hoặc đuôi nó, trước khi ôm vào, chứ không cần phải tóm toàn thân.
Tuyết nói như vậy vì cả lớp biết nó yêu chó và mê chó. Nó là đứa con gái duy nhất ở đây bị chó cắn ba lần mà vẫn không giận.
-Đúng vậy, em Tuyết ạ.
Tuyết hân hoan ngồi xuống. Nó có vẻ hiểu vấn đề hơn Long heo sữa rất xa.
Thầy vui vẻ:
-Chúng ta bắt đầu. Mời em, Nguyễn Thị Ngọc Mai.
Trư Bát Giới của tôi sững sờ, nhấc thân hình tròn tròn lên khỏi ghế.
-Mai, em hãy cho biết mình thích nhất thời kỳ nào, hoặc ai trong sách Lịch sử lớp , để chúng ta bàn tới hôm nay.
Mai chóp mắt lia lịa, nhìn nó rất đáng yêu.
-Thưa Thầy, em thích nhất Cosette.
Cả lớp há hốc mồm. Cosette là gì? Bánh quy à? Nước ngọt có gas à? Hay một nhãn hiệu sữa chua? Bởi hôm nay, cứ xem quảng cáo ti vi, thì những thứ đó vô cùng phong phú với những cái tên vô cùng tân kỳ, chả đứa nào nhớ hết nổi
Nhưng Thầy đẹp trai, thông thái mặc dù chưa biết bơi của tôi hiểu ngay, thế mới tuyệt vời:
-Có phải Cosette trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo không, Mai?
Trư Bát Giới reo to như bắt được vàng:
-Dạ, đúng ạ.
-Rất hay. Cảm ơn Mai, mời em ngồi xuống. Xin các em mở sách trang . Victor Hugo là một nhà văn Pháp trong lịch sử cận đại. Ông là một đại văn hào viết nhiều bộ tiểu thuyết, nhưng nổi tiếng nhất là “Những người khốn khổ”.
Cả lớp ào ào mở sách. Đúng như Thầy nói, phần giáo khoa viết về Victor Hugo chỉ có ba dòng rưỡi. Không hơn một chữ nào!
Nhưng hình như với Thầy, ba dòng đó có vẻ vô tận:
-Các em sẽ thấy Victor Hugo sống từ tới . Đó là thời kỳ nền Cộng Hòa Pháp non trẻ mới hình thành xung đột với một hoàng đế độc tài rất có năng lực quân sự đã đưa châu Âu vào một cuộc chiến tranh liên miên, Napoléon Bonaparte. Nhờ Victor Hugo, ta hiểu cách mạng của quần chúng trên những đường phố của Paris diễn ra hào hùng, lãng mạn và khốc liệt biết bao.
Mai vẫn bướng:
-Thưa Thầy, em thích Cosette.
-Thầy đồng ý, Mai. Nhưng nếu em thích Cosette em phải thích Marius người yêu của Cosette trong tác phẩm ấy. Thích Marius em phải thích Jean Vajean, người tù khổ sai vĩ đại đã nhận Cosette làm con nuôi. Thích Jean Vajean em phải biết Thénardier, kẻ nhẫn tâm hành hạ Cosette. Tiếp theo em phải yêu Gavroche, chú bé con Thénardier nhưng đường phố Paris nuôi nấng và trở thành một anh hùng hy sinh cho cách mạng. Trường đoạn Gavroche vừa hát vừa ngã xuống trên đường phố là một trường đoạn lãng mạn nhất của nghệ thuật trong mọi thời kỳ.
Cả lớp im phăng phắc. Kể cả Mai Tồ. Thầy giáo giảng tiếp:
-Tác phẩm “Những người khồn khổ” của Victor Hugo là một kiệt tác thuộc về nhân loại, có giá trị văn học và giá trị lịch sử cực kỳ to lớn nhưng lại rất dễ đọc vì nhân vật chính là những người rất gần gũi. Nó được dựng không biết bao nhiêu lần thành kịch, thành phim và phim mới nhất cũng vừa chiếu ở Việt Nam.
“Những người khốn khổ” cho các em thấy lịch sử hình thành của giai cấp tư bản trong thế kỷ và những mâu thuẫn có ngay từ lúc đó báo hiệu các cuộc cách mạng, cùng những tấm gương dũng cảm của các chiến sĩ cộng hòa.
Thầy mở cặp, lấy chiếc máy vi tính xách tay ra.
-Bây giờ Thầy sẽ mở cuốn sách ấy ra trên mạng và sẽ chọn cho em Mai đọc hai đoạn. Một đoạn miêu tả lúc Jean Vajean gặp Cosette đầu tiên và một đoạn miêu tả cuộc chiến đấu trong chiến lũy dựng trên đường phố của những người trẻ tuổi, rồi chúng ta sẽ thảo luận. Xin các em chú ý lắng nghe. Mời Mai đọc.
Dừng lại
Ly Cún biết rằng khi đọc tới đây phần lớn các bạn không tin. Làm gì có một tiết học Lịch sử như thế và làm gì có một thầy giáo như thế không những trong trường cấp III An Hòa và trong cả toàn cõi Việt Nam.
Nhưng đúng là sự thật các bạn ạ! Và nếu các bạn không tin sự thật ấy, song lại tin vào những chuyện kể trong “Viên Ngọc Rồng”, vào “Quả tim máu”, “Hồn ma báo oán” hoặc “Kỵ sỹ bóng đêm” thì Ly Cún cũng chả biết nói làm sao được nữa.
Tiếp tục
Mai đang đọc say sưa. Nó có giọng đọc rất hay. Nếu có một cuộc thi toàn con gái nấp sau rèm rồi cất tiếng thì Mai sẽ đè bẹp tất cả các cô trên đời, bất kể cô ta đẹp tới đâu.
Chuông báo hiệu hết giờ bất thình lình vang như sét đánh. Cả lớp đồng thanhh gào lên mặc dù chả ai bắt nhịp:
-Không, không.
Chưa ở đâu, chưa lúc nào trong cuộc đời tuổi đầy sôi động của mình, Ly Cún lại thấy học trò đau khổ đến thế khi giờ Lịch sử bị dừng lại, bất thình lình.
Sơn đấm tay vào bàn, Long đập đầu vào tường, Ngọc bứt tai, Việt khua sách ầm ĩ còn Mai thậm chí khóc òa.
Nếu Mai là cô Tấm trong chuyện Tấm Cám, mà lúc đó Bụt hiện ra, hỏi “vì sao con khóc, con muốn gì?” thì chắc chắn Mai nói “Bụt ơi, con muốn thêm giờ Lịch sử, Bụt mà không giúp từ nay con không chơi với Bụt cho tới hết đời”.
Chắc chắn là như vậy đấy.
Nhưng làm gì có Bụt. Mười năm nay. Ly Cún hiểu rõ điều này. Nếu có, Bụt cũng chả khi nào hiện ra những lúc ta cần. Bụt giống như mạng G, luôn luôn chập chờn khi ta đang vội.
Tuy nhiên, Thầy giáo rất bình tĩnh:
-Các em thân mến, Victor Hugo viết “Những người khốn khổ” trong rất nhiều năm, chả lẽ chúng ta có thể hiểu trong một tiết, Lịch sử khác với Toán, Lý, Hóa ở chỗ nó vẫn còn dài, giờ sau cả lớp lại tiếp tục, chào các em.
Rồi Thầy cho máy tính xách tay vào túi, bước ra. Các bạn nếu xem phim tình cảm, chắc chắn hay gặp cảnh này: Chàng trai cưỡi ngựa hoặc cưỡi con tàu đi xa dần, cô gái đứng trên bờ vẫy khăn tay và khóc. Nhạc nổi lên tha thiết kiểu như anh Bằng Kiều.
Nhưng giờ phút đó Thầy đi bộ chứ không cưỡi ngựa hoặc cưỡi bất cứ một cánh buồm nào. Cả lớp không vẫy khăn và anh Bằng Kiều còn đang ở bên Mỹ, không hát bất cứ câu gì.
Nhưng lòng chúng tôi vẫn tan nát, hối tiếc về tiết học vẫn trào dâng.
Giờ ra chơi không đứa nào ra hành lang. Cả lớp tụ tập ở chợ Bến Thành, hàng tôm cá, hàng xén và hàng quà bánh đều không thiếu một ai.