Ông Trùm được báo cáo đầy đủ chi tiết về Turi Guiliano và lão phục "thằng nhỏ ấy"sát đất. Lão phải thốt lên: "Thế mới đúng là Mafioso thứ rặt nòi". Lão có ý muốn nói đến những Mafioso theo truyền thống: một tay giang hồ hành hiệp, "giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha", chớ không cần phải bị khiêu khích hay chính mình bị ức hiếp.
Ông Trùm ao ước có chàng thanh niên này làm "quả đấm sắt" cho lão, làm thủ lãnh cánh quân sự của lão. Mặc dù hiện nay Guiliano đang là cái gai đâm vào sườn lão, nhưng lão vẫn bỏ qua được. Hai tên cướp bị giam ở Montelepre - Passatempo tàn bạo và Terranova tinh quái - đã bị bắt với sự thỏa thuận và âm mưu của lão. Nhưng, tất cả những cái đó, lão vẫn có thể tha thứ cho Guiliano được - "Cái gì đã qua thì hãy để cho nó qua luôn, nhắc lại làm gì và nhất là lưu giữ trong tâm trí làm gì cho nó bận trí" - Ông Trùm không có thói quen thâm thù, ác cảm khi những tình cảm này không có ảnh hưởng bất lợi cho lợi ích, tương lai của lão. Lão theo dõi Guiliano rất sát.
Ẩn sâu trong núi, Guiliano đâu có biết là trên khắp nước Ý, tên tuổi hắn nổi như cồn. Hắn đang bận tâm phác họa kế hoạch phát triển quyền lực của mình. Vấn đề đầu tiên của hắn là hai tên cướp khét tiếng Terranova và Passatempo. Hắn hỏi rất kỹ về trường hợp chúng bị bắt và đi đến kết luận là chúng bị phản bội, bị mật báo. Chúng thề rằng tay chân, bộ hạ của chúng rất trung thành. Và nhiều đứa đã bỏ mạng trong cuộc bao vây đó. Guiliano đã suy nghĩ, cân nhắc rất kỹ các yếu tố, nhưng vẫn đi đến kết luận là Mafia đã cài người vào trong đám bộ hạ của chúng và chính bọn "điệp viên hai mang" này đã tiết lộ, đã báo hành tung của chúng để bọn cớm cài bẫy. Guiliano nói điều này cho chúng nghe, nhưng chúng vẫn không tin. Chúng vẫn tin tưởng rằng đã là "Người anh em" - dù có đốn mạt cách mấy đi chăng nữa - cũng không bao giờ phạm luật omerta. Chúng có thể, và dễ dàng phạm luật, giới điều của Chúa, nhưng luật omerta thì không bao giờ. Vì đó là luật sinh tử. Guiliano không muốn nhấn mạnh để chúng tin lập luận của mình. Guiliano chấp thuận cho chúng gia nhập băng của mình.
Hắn giải thích cho chúng hiểu mục tiêu của hắn không phải là sự sống còn của bản thân hắn mà là trở thành một lực lượng chính trị. Hắn nhấn mạnh là tuyệt đối không được hãm hiếp đàn bà con gái, không được cướp bóc người nghèo. Trái lại, một nửa số thu hoạch của băng kiếm được sẽ đem phân phát cho người nghèo trong các thị trấn "khu vực ảnh hưởng" của hắn, từ Montelepre cho đến tận ngoại ô của thủ phủ Palermo. Terranova và Passatempo vẫn có thể giữ lại các "tay em" cũng của mình, nhưng phải chịu sự chỉ huy chung của Guiliano. Những nhóm này không được xé lẻ làm ăn riêng bất cứ vụ nào dù lớn hay nhỏ mà không được sự đồng ý trước của Guiliano. Tất cả bọn chúng đều có quyền cai trị "tuyệt đối" trên khắp các thị trấn lớn nhỏ và ngay cả Palermo. Hắn nhấn mạnh là không được tấn công trước lực lượng cảnh vệ, không phải vì hắn sợ, mà vì hắn không muốn những cuộc tàn sát không cần thiết. Chính bọn cảnh sát dã chiến phải lo sợ cho mạng sống của mình, chứ không phải là băng của Guiliano.
Passatempo, một tên cướp mạt hạng chỉ nghĩ đến cướp bóc, hãm hiếp, tống tiền cò con, giết cả người chăn cừu... nghe Guiliano nói vậy, đã nghĩ thầm trong bung: "Vậy thì đi với thằng này đếch có lợi gì nhiều, có chia chác thì cũng chẳng được bao nhiêu, mà lại gò bó đủ thứ...". Còn Terranova - tâm địa phần nào cũng giống với Guiliano và nhớ ơn nó đã giải thoát mình - thì tự hỏi: " Làm thế nào mà một tên cướp trẻ, dù có tài lại có thể lèo lái cả băng đi theo con đường khôn ngoan và cao quý đó được?" Như đọc được ý nghĩ trong đầu của chúng, Guiliano mỉm cười, thấy vui vui vì các ý nghĩ ấy.
Chơi với Turi từ tấm bé, Aspanu còn lạ gì những "tư tưởng lớn" của Guiliano. Nhưng, dù những tư tưởng lớn ấy, có vẻ thơ mộng, lý tưởng, thậm chí điên khùng, thì Aspanu vẫn tin. Bởi vì chính nó đã được chứng nghiệm nhiều lần: một khi Turi nói sẽ làm điều gì thì y như rằng hắn sẽ làm điều ấy. Bởi vậy, khi Turi muốn biến băng cướp thành một lực lượng chính trị, Aspanu không hề thắc mắc, không hề hỏi để làm gì, làm được không.
Trong ánh nắng vàng rực rỡ ban mai chiếu rọi trên núi, cả ba - Pisciotta, Terranova và Passatempo - lắng nghe Guiliano giải thích: hắn sẽ lãnh đạo chúng đấu tranh cho tự do của Sicily, nâng cao mức sống của dân nghèo, hủy diệt quyền lực của bon Mafia, của bọn quý tộc và của ngay cả chính quyền ở Rome. Chúng có thể cười mà cho rằng hắn nói huyên thuyên những vấn đề trên mây trên gió gì đó. Và chúng sẵn sàng, dễ dàng quên những gì hắn nói. Nhưng mà chúng không thể nào quên là hình ảnh tên hạ sĩ cảnh sát chĩa súng bắn vào đầu hắn mà hắn vẫn bình tĩnh, tuyệt đối tự tin và tin rằng mình không thể chết. Hắn nhìn vào họng súng như thể hắn chờ đợi tên cớm lảy cò. Và, nhất là sự tha thứ cho tên cớm đã bắn hụt hắn. Đó chỉ có thể là hành vi của một người tuyệt đối tin vào sự bất tử của mình. Và, hắn đã chia sẻ niềm tin ấy cho người khác. Và, bây giờ, ba đứa đăm đăm nhìn vào khuôn mặt đẹp trai của hắn, chúng lại bị thu hút bởi vẻ đẹp, sự can đảm, sự ngây thơ trong trắng toát ra từ khuôn mặt hắn.
Sáng hôm sau, Guiliano dẫn ba người của mình xuống núi và đi theo con đường mòn dẫn tới cánh đồng gần thị trấn Castelvetrano. Hắn đến rất sớm để dò đường. Cả bọn đều ăn mặc giả nông dân.
Hắn biết các đoàn xe chở lương thực đến các chợ Palermo đều sẽ phải đi qua đây. Vấn đề là làm thế nào chặn được đoàn xe này lại. Chúng phải rảo bước để ngừa những bọ lục lâm khác ra tay trước và đối phó với những tài xế có võ trang.
Guiliano bảo người của mình nấp ở các bụi rậm, tảng đá bên lề đường bên ngoài thị xã Castelvetrano, còn chính hắn ngồi nghênh ngang, khơi khơi trên mỏm tảng đá vôi trơ trụi. Những người đi làm ruộng rẫy nhìn thấy hắn, người nào người nấy sợ tái xanh tái xám. Họ nhìn thấy hắn lăm lăm khẩu súng máy. Guiliano tự hỏi trong số ấy có ai nhận ra hắn không?
Rồi, nó nhận thấy chiếc xe sơn màu sặc sỡ như truyền thống, do một lừa kéo. Guiliano nhận ra lão đánh xe. Lão là một trong những tay đánh xe chuyên nghiệp kiếm ăn đầy ra ở Montelepre cũng như ở tất cả các thị trấn và đồng quê ở Sicily. Lão chở mướn những thanh trẻ từ các ấp bên ngoài thị trấn về các xí nghiệp trong thị trấn. Lão cư ngụ đã lâu tại Montelepre và nhiều lần chở đồ cho ông bố của Guiliano. Guiliano bước xuống giữa đường, tay đong đưa khẩu súng. Dù khuôn mặt không lộ ra, nhưng trong trí lão đã nhận ra hắn ngay trong nháy mắt. Guiliano chào lão lễ độ và thân mật như lúc hắn còn là đứa trẻ nít, và gọi lão là "dượng".
- Dượng Peppino, - Hắn nói, - Con hên lắm nên người đầu tiên con gặp hôm nay là dượng. Bữa nay con "làm ăn" ở đây. Dượng ở đây chờ chút đặng giúp con chở đồ về giúp cho bà con nghèo.
Hắn ranh mãnh nhìn ông lão ngơ ngác và hắn cười thích thú. Ông lão chẳng trả lời. Lão nhìn chòng chọc vào Guiliano, nét mặt lộ vẻ sợ hãi. Hắn đặt một khẩu súng lên thùng xe và lại cười như nắc nẻ. Bởi vậy, hắn nghĩ rằng người đầu tiên hắn gặp hôm đó là dượng Peppino thì nhất định phải là một ngày may mắn.
Guiliano thưởng thức cái mát lạnh của thời tiết cuối thu, thưởng thức vẻ đẹp của rặng núi xa xa phía chân trời và biết rằng người - theo lệnh hắn - đang núp ở mấy bụi rậm kia với súng máy sẵn sàng yểm trợ. Hắn giải thích cho ông Peppino nghe kế hoạch của hắn. Ông lão nghe, chẳng nói chẳng rằng, nét mặt cũng không đổi. Mãi cho đến khi Guiliano nói cho lão biết là hắn sẽ thưởng cho lão một xe chất đầy lương thực, lão mới lúng túng trong miệng:
- Turi, lúc nào cháu cũng tốt bụng, hào hiệp và tử tế. Ngay từ lúc còn nhỏ, cháu đã vậy. Bây giờ thành người lớn, cháu vẫn vậy, chẳng thay đổi gì cả. Vẫn rộng rãi, từ tâm, dễ thương.
Bây giờ, Guiliano mới nhớ lại là dượng Peppino là người Sicilian theo "trường phái cổ điển", nghĩa là ưa ăn nói văn hoa.
- Cháu cứ tin ở dượng, - Lão nói tiếp, - Lần này cũng như những lần khác. Dượng thèm được như ông già cháu, có thằng con khá quá hà!
Đến khoảng trưa thì một đoàn ba chiếc xe tải xuất hiện. Chưa qua khỏi khúc quẹo để rẽ về Partinico, thì chúng phải dừng lại. Một dãy xe lừa kéo đậu chình ình giữa đường, choán hết lối đi. Đó là theo kế của Peppino, một người rất được các tay đánh xe trong vùng nể vì.
Tên lái xe đi đầu bóp còi inh ỏi và cứ cho xe từ từ tiến tới, suýt nữa đụng phải chiếc xe lừa cuối dãy. Người đánh xe quay lại lườm gã một cái khiến gã phải tắt máy xe, và kiên nhẫn chờ, Gã biết rõ mấy cha đánh xe này lắm. Tuy chỉ làm cái nghề coi bộ mạt hạng này, nhưng họ rất hãnh diện, tự ái, sẵn sàng "ăn thua đủ" để bảo vệ cái quyền lưu thông của họ đối với các loại xe cơ giới, lơ mơ là "chơi đến cùng, chết bỏ", rồi bình thản ra đi, miệng còn u ử ngâm khúc dân ca như không có gì xảy ra vậy.
Hai chiếc xe kia cũng ngừng lại. Các tài xế xuống xe. Một trong hai người cũng là người Sicilian nhưng ở miền đông, người kia "ngoại quốc" dù y chỉ là người Bắc (nước Ý). Anh chàng lái xe người Bắc lại gần mấy tay đánh xe, banh cúc áo ngực ra, giận dữ, la hét om sòm về mấy con lừa thổ tả, yêu cầu mấy người đánh xe dẹp đường cho y đi. Y thò tay vào túi. Guiliano nhảy ra khỏi một chiếc xe kéo, hắn cũng chẳng thèm rút khẩu súng tiểu liên của hắn để trên xe mà cũng chẳng thèm rút súng lục ở thắt lưng ra, mà chỉ ra hiệu cho mấy người của hắn nấp ở các bụi rậm, tay cầm vũ khí, chạy tới. Terranova lấy đá chèn bánh chiếc xe thứ nhất để chiếc xe này khỏi nhúc nhích gì được Pisciotta thì lướt qua đường và nhìn trừng trừng vào tên lái xe người Bắc đang nổi giận. Trong khi đó, Pasatempo - nóng nảy hơn Pisciotta và Terranova - lôi người lái xe thứ nhất ra khỏi ca - bin và ném gã xuống dưới chân Guiliano. Guiliano đưa tay đỡ gã dậy, trong khi Pisciotta lùa tên lái xe lên đứng chung với hai đứa kia. Tên người Bắc rút tay không ra khỏi túi nét mặt giận dữ biến thành sợ hãi. Guiliano mỉm cười có vẻ thành thật và vô hại:
- Bữa nay là ngày hên cho cả ba anh. Ba anh khỏi phải đi Palermo nữa. Mấy người đánh xe này sẽ dỡ hàng để phân phát cho mấy người nghèo trong khu vực này, tất nhiên là dưới sự giám sát của tôi. Cho phép tôi được tự giới thiệu, tôi là Guiliano.
Ba anh tài xế lập tức tỏ ra hối tiếc về sự nóng nảy vừa qua của minh,và họ cũng tỏ ra niềm nở, ít ra là bề ngoài. Họ nói họ cũng chẳng vội vã gì, họ còn dư chán thì giờ, và thực ra thì cũng đã đến giờ ăn trưa của họ. Xe của họ cũng tiện nghi lắm. Thật đúng là họ hên, gặp "thần thiện".
Thấy họ nói vậy, nhưng coi bộ còn có vẻ sợ sệt, Guiliano nói:
- Đừng sợ, tôi không bao giờ giết những ai đổ mồ hôi mình ra để kiếm miếng ăn. Tôi mời các anh dùng cơm trưa với tôi, trong khi chờ đợi người của tôi dỡ hàng, rồi các anh về nhà bình yên với vợ con. Và nói với họ về sự may mắn của các anh hôm nay. Khi bọn cớm có hỏi các anh thì các anh giúp đỡ chúng càng ít càng tốt, như vậy, các anh sẽ được chúng tôi nhớ ơn.
Guiliano ngừng nói. Đối với hắn, điều quan trọng là đừng làm cho họ phải hổ thẹn vì bị khinh ghét. Phải làm sao để cho họ về kể lại cho mọi người quen biết của họ rằng họ đã được đối xử đàng hoàng, tôn trọng, lịch sự. Bởi vì, sau những người này sẽ còn những người khác nữa.
Họ được đưa vào tránh nắng dưới bóng một tảng đá bên lề đường. Họ tự ý đưa súng lục của họ cho Guiliano, chớ không cần phải chờ khám xét, họ bình thản ngồi nhìn những người đánh xe dỡ hàng. Khi những người đánh xe đã chất đầy cứng các xe lừa kéo, mà vẫn còn là một xe tải chưa đụng tới, Guiliano bảo Pisciotta và Passatempo cùng với người tài xế đi phân phát cho những người làm ruộng ở Montelepre. Chính Guiliano và Terranova trông coi việc phân phát thực phẩm trong hạt Castelvetrano và Partinico. Mãi tới tối chúng mới về đến sào huyệt trên núi.
Việc làm đó, Guilino đang trên đường chinh phục được sự ủng hộ của toàn thể những người dân trong vùng, kể cả những người vì lý do nào đó không nhận được lương thực hôm đó. Có đám cướp nào phân phát lại những thứ mà chúng đã cướp được cho dân bao giờ. Ngay hôm sau, báo chí ở Sicily lại rùm beng về chuyện đám anh hùng "Lương Sơn Bạc" này. Chỉ có Passatempo lầm bầm trong bụng là "mệt nhọc cả ngày mà chẳng nước non mẹ gì, chỉ được cái danh hão". Nhưng Pisciotta và Terranova hiểu rằng băng của chúng có thêm hàng chục ngàn người ủng hộ để chống lại chính quyền ở Rome.
Có một điều mà tất cả chúng không biết, đó là những xe thực phẩm đó được chở tới kho của Ông Trùm Croce Malo.
Chỉ trong một tháng, những mật báo viên của Guiliano đã cho nó biết là những tay làm giàu nhờ chợ đen chợ đỏ sắp đi đâu, lúc nào, qua tuyến đường nào. Rồi, nào là thói quen của các phú ông, địa chủ các nhà quyền quí và lai lịch của những thằng mạt hạng vẫn thì thọt với các thầy cớm gộc. Nó cũng được nghe bàn tán về những món nữ trang quí giá mà công tước phu nhân Alcamo thường đem ra khoe. Người ta nói là gần như suốt năm, những món nữ trang đó nằm trong két của nhà băng ở Palermo. Và bà ta chỉ lấy ra đeo để khoe của trong những dịp đi dự yến tiệc. Để biết rõ hơn về những món nữ trang ấy - mà Guiliano dự đoán là rất đắt giá - hắn đã phái Aspanu Pisciotta đến lãnh địa Alcamo.
Nằm cách thị trấn Montelepre khoảng dặm về phía tây nam, lãnh địa của công tước Alcamo có vòng tường cao bao bọc, cổng có lính võ trang canh gác. Ngài công tước đã "thuê bao" đám "Người anh em" của Ông Trùm để được đảm bảo rằng bầy gia súc của ngài không bị tỉa dần, lâu đài của ngài không bị bọn trộm cướp thăm viếng và không có bất cứ thân nhân nào của ngài bị bắt cóc.
Trong thời buổi bình thường, thì cái giá "thuê bao" đó giúp ngài sống an toàn còn hơn cả Đức Giáo hoàng sống trong điện Vatican.
Khoảng đầu tháng mười một là mùa hái nho của các lãnh địa Sicicly. Vì vậy, các lãnh địa này phải thuê mướn thêm những người ở vùng khác đến. Pisciotta cũng đến xin việc và cũng được mướn làm ở lãnh địa Alcamo. Có đến hơn hai trăm người đàn ông, đàn bà và cả con nít - làm việc trong vườn nho, vừa hái nho vừa ca hát om sòm. Đến trưa thì mọi người được cho bữa cơm, ăn ở giữa trời.
Qua một ngày làm việc mệt muốn đứt hơi vì những giỏ chứa đầy trái nho đen chín mọng, buổi trưa hôm sau Pisciotta ngồi một mình nhìn những người khác tíu tít ăn nói cười đùa. Y chú ý đến một em bưng khay bánh mì từ trong lâu đài đi ra. Em bé này trông kháu đáo để, phải cái hơi xanh, có lẽ do quanh năm chỉ làm việc trong nhà, ít ra ngòai nắng. Em bé ăn mặc nom cũng tươm tất hơn những cô gái nông thôn khác. Nhưng, cái làm cho Pisciotta bực là cái mặt em cứ vác lên, vênh vênh váo váo, ra vẻ ta đây, kênh kiệu không thèm tiếp xúc với ngay cả những đàn bà con gái khác. Pisciotta dò hỏi và được biết em là đứa hầu gái của công tước phu nhân.
Pisciotta thấy ngay em bé này là đối tượng có thể giúp cho y thực hiện mục tiêu hơn bất cứ ai khác. Quá biết cái "máu" của Pisciotta, nên trước khi y ra đi, Guiliano cấm ngặt y không được bờm xơm, chọc ghẹo lỗ mãng, làm nhục đàn bà con gái địa phương. Nhưng, Pisciotta cho rằng Guiliano quá ư lý tưởng, quá ư ngây ngô, đếch biết sự đời. Nữ trang quí và đắt quá! Đồng ý. Nhưng em này cũng kháu quá chứ, bỏ qua rất uổng!
Khi con bé trở lại với một khay bánh mì khác, Pisciotaa đứng dậy, làm điệu tài tử giằng lấy khay bánh bưng giùm em. Thoạt tiên, em giật mình, rồi cự nự. Khi Pisciotta hỏi tên, em nguýt một cái, kèm theo tiếng "xí" đầy khinh miệt và ngoe nguẩy quay đi. Pisciotta đâu phải tay vừa. Y đặt khay bánh xuống, túm chặt hai cổ tay em, nhìn chòng chọc vào hai mắt em, mỉm cười ranh mãnh:
- Khi anh hỏi thì cưng phải trả lời, nếu không, anh quẳng vào cái núi nho kia cho mà chết ngộp.
Rồi nó cười lớn để tỏ cho em biết là nó giỡn. Sau đó, mỉm cười rất duyên dáng - nụ cười duyên của Pisciotta làm cho bao nhiêu con tim thổn thức rồi - và bằng giọng nói duyên dáng nhất y nói:
- Em là cô gái đẹp nhất ở Sicily mà anh được thấy, anh phải nói chuyện với em mới được.
Con bé vừa sợ lại vừa khóai. Vả lại, nó cũng chú ý đến con dao Pisciotta cài ở thắt lưng. Nó cũng thấy cái cách xử sự của Pisciotta cứ như thể là một ông công tước thứ hai, nghĩa là vừa thân mật vừa oai nghiêm. Bấy giờ con bé mới thấy Pisciotta trông cũng ngồ ngộ. Và, nó nói cho y biết tên mình là Graziela.
Đến lúc hết giờ làm việc, Pisciotta liều lĩnh gõ đại phía cửa của nhà bếp lâu đài. Một mụ sồn sồn mở cửa ra, nghe y hỏi Graziela, mụ nói cộc lốc:
- Đầy tớ nhà này không được phép tiếp khách - rồi mụ đóng sầm cửa vào mặt y.
Ngày hôm sau, Pisciotta lại bưng khay bánh cho Graziela và nói nhỏ với em bé là y gặp em sau giờ làm việc. Vừa vuốt cổ tay em, y vừa luồn vào đó một chiếc lắc vàng. Em hứa sẽ chuồn ra gặp y vào lúc tối tại vườn nho, sau khi sửa soạn giường cho bà công tước xong.
Đến tối, Aspanu diện áo sơ - mi lụa may thật khéo tại Palermo. Khi Graziela tới, y ôm chặt lấy em. Khi em ngửa mặt lên nhìn, đôi môi he hé cười, thì Pisciotta gắn chặt đôi môi của mình vào. Và một tay ép sát Graziela vào người, tay kia "soạng" ngay bắp vế em. Con bé hơi nhổng mông ra để khỏi sát vào nó, nhưng tay nó cứ ép chặt. Trong khi đó môi nó vẫn không rời môi em. Hai đứa hôn nhau thật lâu, thật mùi mẫn. Và thằng láu cá ấy đốt giai đoạn. Nó ngạc nhiên vì thấy em mặc silíp bằng lụa. Pisciotta nghĩ bụng: "Con quái non này gớm thật, dám lấy đồ lót của công tước phu nhân để mặc đặng khoe với mình đây. Con quái non này nhí nhảnh, táo tợn và cũng từng trải gớm".
Pisciotta đỡ em xuống tấm mền y đã trải sẵn ở đó. Hai đứa nằm xuống. Em chủ động hôn nó như điên trong khi hai tay nó sờ soạng tới tấp trên ngực và bắp vế em. Y cảm thấy ngực và bụng em phập phồng, giục giã dưới làn áo lụa mỏng. Hai đứa vẫn cứ gắn chặt đôi môi vào nhau, nhưng Pisciotta đã lăn lên trên người em. Y cảm thấy thân thể em như sóng gợn dưới thân thể của y, và y cũng cảm thấy bồng bềnh. Pisicotta thầm nghĩ "Mục đích chính của y là moi tin tức về món nữ trang của bà công tước. Nhưng kết quả tức thời không phải là không "đã"."
Hai đứa quấn mền và ôm nhau chặt cứng. Pisciotta ba hoa với em: y đi làm thế này vừa để vận động tay chân, vừa để có tiền đi học đại học, rằng gia đình y muốn y học luật nhưng y lại thích học khoa học. Y muốn em tưởng là đã vớ được món bở. Rồi y gạ gẫm về chính em, chẳng hạn như em có thích việc làm hiện nay của em không, ai trong đám gia nhân là người bạn thân nhất của em. Và Pisciotta khéo léo hướng em đến chỗ nói về công tước phu nhân. Em đã tả bà công tước mặc quần áo, đeo nữ trang vào, nom bà đẹp như thế nào, em đã được bà chủ cưng như thế nào và bà đã cho em những đồ lót của bà thải ra như thế nào. Vừa nói em vừa lấy bàn tay của Pisciotta đặt vào giữa hai bắp vế của em rồi kẹp chặt lấy. Được thể, nó lấy tay day day. Nhột quá, em cười rú lên.
- Bà bá tước có cho em đeo nữ trang của bà không? - Pisciotta thủ thỉ bên tai em. - Giá anh mà được nhìn thấy em đeo nữ trang của bà, thì chắc anh phải tưởng em là tiên giáng trần mất.
- Có chứ, - Graziela kiêu hãnh đáp, - buổi chiều hôm trước lễ Giáng Sinh là bà cho em mang sợi dây chuyền của bà suốt cả buổi.
Vậy là đúng như Guiliano dự đoán, nữ trang được đem về nhà vào những dịp lễ tết. Pisciotta cũng muốn biết thêm vài chi tiết nữa, nhưng thình lình em nhỏm dậy, ngồi chồm hỗm lên người nó, rồi cứ thế day tới day lui. Nhột quá, Pisciotta nhỏm dậy, em vùng lên chạy. Hai đứa đuổi giỡn nhau đến chỗ đống nho thì cả hai đều té nhào vào đống nho.
- Không khí mát mẻ này thật dễ chịu. - Pisciotta nói. - Nhưng khi nào anh đến phòng em được thì mới thoải mái!
- Trong lúc ngài công tước ở nhà thì không thể được, - Graziela đáp, - Chỉ khi nào ngài công tước đi vắng, thì kỷ cương trong nhà mới hơi nới ra chút. Tháng sau, trước lễ Giáng Sinh ngài sẽ đi chừng vài tuần.
Aspanu mỉm cười. Bây giờ thì nó đã có đủ tin tức cần thiết. Nó rất chú ý đến công việc sắp tới của nó. Nhưng, thình lình nó lại ôm chầm lấy Graziela...
Năm ngày trước lễ Giáng Sinh, Guiliano, Pisciotta, Passatempo và Terranova chen chúc nhau trên một chiếc xe lừa kéo đến cổng lãnh địa Alcamo. Chúng ăn mặc như những nông dân khá giả đi săn. Tên gác cổng lãnh địa chặn chúng lại. Vì là giữa ban ngày ban mặt nên lính gác cũng lơ là, không cảnh giác, có súng nhưng đeo toòng teng trên vai.
Guiliano mau lẹ rảo bước đi về phía hai tên gác cổng. Hắn không võ trang, ngoại trừ khẩu súng lục cài trong người, bên ngoài phủ áo. Hắn mỉm cười làm thân với hai tên lính gác và trịnh trọng nói:
- Thưa quí huynh, tôi tên là Guiliano. Hôm nay tôi đến xin công tước phu nhân tiếp kiến và ban cho ít phẩm vật cứu trợ dân nghèo để họ ăn mừng lễ Giáng Sinh.
Nghe tên Guiliano, hai tên lính gác vừa kinh ngạc vừa sợ, cứ đứng ngây người ra. Ngay lúc đó, Pisciotta và Terranova chĩa súng lục vào chúng, Pisciotta tước súng và đẩy chúng lên thùng xe đóng chặt cửa lại. Teranova và Passatempo được để lại canh hai tên lính gác và canh chừng động tĩnh bên ngoài.
Để đi tới tòa lâu đài, phải đi qua một sân rộng có lát đá, ở một góc sân, có một bầy gà con tíu tít bên một mụ già đang rắc lúa cho chúng. Cách đó có mấy đứa con nhỏ của công tước đang chơi dưới sự trông coi của một bà bảo mẫu già. Phía bên kia vườn là một khoảng đất trống, rộng, trồng cây ăn trái và cây ôliu. Trong vườn có sáu người đang làm việc. Guiliano có Pisciotta đi bên cạnh, rảo bước đi về phía lâu đài. Những tin tức mà hắn nhận được thật chính xác. Guiliano rung chuông, nhưng không đợi người ra mở cửa. Hắn mở cửa vào đúng lúc người đầy tớ gái ra mở cửa. Graziela giật mình vì sự xuất hiện của Pisciotta ở ngay trước cửa. Guiliano nói nhỏ nhẹ:
- Đừng có báo động. Vào bẩm với lệnh bà chúng tôi là người được đức ngài công tước sai về đây có chút việc. Tôi có điều muốn bẩm với lệnh bà.
Hãy còn bối rối, nhưng Graziela cũng dẫn hai người tới phòng khách, ở đó, công tước phu nhân đang đọc sách. Ra hiệu cho đứa tớ gái lui, phu nhân có vẻ hơi bực vì nó đã dẫn khách vào mà không bẩm cho bà trước. Bà nghiệm giọng nói:
- Quan lớn đi vắng, các người muốn gì đây?
Như thể bàng hoàng trước vẻ đẹp sang trọng và lộng lẫy của phu nhân và của cả căn phòng, Guiliano đã không trả lời bà ta được. Đó là căn phòng rộng lớn mà hắn chưa từng thấy bao giờ và quái lạ hơn đối với hắn, là căn phòng này lại hình tròn và rộng hơn cả một quảng trường nữa. Cửa sổ kiểu Pháp treo màn thêu kim tuyến. Trên trần có hình nổi hoa văn và các thiên thần. Nơi nào cũng la liệt những sách: trên các kệ sách đã đành mà cả trên bàn cà phê, trên ghế tràng kỷ... Những bức họa sơn dầu khổ lớn treo trên tường. Những hình hoa lớn khắp nơi. Những hộp mạ vàng, mạ bạc rải rác trên mặt bàn chân quì đặt trước những ghế bành lớn. Phòng có thể chứa trên trăm người. Ấy thế mà trong lúc này lại chỉ có một người đàn bà đẹp. Bà ta mặc đồ bằng lụa. Ánh sáng mặt trời, không khí và tiếng cười trong trẻo thơ ngây của các cậu ấm cô chiêu lọt vào qua cửa sổ. Lần đầu tiên Guiliano mới hiểu thế nào là sức quyến rũ của sự giàu sang, mới hiểu rằng thế lực của kim tiền lại có thể làm ra nhiều thứ đẹp đẽ sang trọng như thế này. Và hắn lại tự nhủ phải chống lại bất cứ kẻ thô lỗ, tàn bạo nào đang tay phá hủy cái đẹp, cái sang trọng này, dù không phải là của hắn. Hắn sẵn lòng làm bất cứ điều gì hắn có thể làm được, để khung cảnh đẹp đẽ này không bị sứt mẻ.
Kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời, công tước phu nhân cũng xúc động trước vẻ đẹp hùng tráng của người thanh niên này. Bà thấy rõ sự xúc động của hắn trước vẻ đẹp và sự sang trọng của căn phòng. Bà nghĩ thật đáng tiếc hắn lại tỏ ra quá sức quê mùa, vụng về. Cũng phải thôi, bởi vì từ thuở cha mẹ sinh đẻ đến giờ chưa có lần nào hắn được đặt chân đến những nơi như thế này, được giao tiếp với giai cấp thượng lưu, mà trong những trường hợp như thế này, sự vuốt ve, tán tỉnh chẳng những không bị coi là khiếm nhã, mà còn được coi là một tác phong phải có. Nhìn cái vẻ ngơ ngác của Guiliano lộ qua khuôn mặt đẹp trai của hắn, công tước phu nhân vừa buồn cười vừa thấy tội nghiệp cho hắn. Bà đổi giọng bà lớn thành giọng dịu dàng, thân mật, gia đình:
- Này, cậu em, tôi xin lỗi, nếu cậu em đến đây để bàn chuyện làm ăn trong lãnh địa thì để khi khác nhé. Lúc này, ông nhà tôi không có nhà.
Guiliano nhìn vào bà ta. Hắn cảm thấy sâu sắc sự đối nghịch mà một thằng đàn ông nghèo cảm thấy, khi đối diện với một người đàn bà giàu có, mà bằng một cách nào đó, chỉ cảm thấy chứ không thể diễn tả bằng lời sự khẳng định của bà ta hơn hẳn về mặt tài sản và địa vị xã hội. Hắn lễ phép cúi đầu, chú ý đến cái chuông nhỏ (để gọi người hầu) kế bên tay bà ta, rồi cười thầm trong bụng và bắt đầu nói bằng một giọng vừa chế giễu vừa phục tùng:
- Kính bẩm lệnh bà, tôi có điều muốn thưa với chính lệnh bà, tôi là Guiliano.
Nhưng cái dáng bộ khúm núm tuy có vẻ giễu cợt của hắn chẳng có nghĩa lý gì đối với công tước phu nhân. Vì bà ta đã quá quen với những cử chỉ khúm núm, lụy phục của đám gia nhân đầy tớ. Bà ta coi cử chỉ khúm núm của người khác trước mặt bà ta là hòan toàn tự nhiên. Bà là một người có văn hóa cao, có học thức, thích âm nhạc, ham đọc sách và hòan tòan dửng dưng với những việc hàng ngày ở Sicily, vì bà coi nó như đồ mọi rợ. Cũng rất ít khi bà đọc báo của ngay cả Rôme. Bà đọc báo của London, của Paris. Bởi thế, khi nghe Guiliano xưng danh, theo phép lịch sự, bà cũng đáp lại:
- Rất hân hạnh được biết cậu. Ta đã gặp nhau ở Palermo phải không nhỉ? - Bà không nói gặp nhau ở London hay Paris và ngay cả ở Rome bởi vì bà nghĩ bụng: "Cái ngữ này thì Palermo đã là thiên đường của nó rồi" - Hay là ta đã gặp nhau ở nhà hát nào nhỉ?
Nhìn và nghe đối đáp giữa Guiliano và công tước phu nhân, Pisciotta đã cố bấm bụng, nhưng không thể nín được nữa, nó phá ra cười hô hố và đi ra phía cửa sổ giả bộ nhìn xuống sân, nhưng thực ra là để xem có đứa gia nhân đầy tớ nào chạy tới không.
Guiliano bực mình vì tiếng cười của Pisciotta, còn công tước phu nhân thì ngạc nhiên. Nhưng Guiliano lại lấy làm thích thú vì phu nhân không biết hắn là ai. Hắn nói một cách nghiêm chỉnh:
- Kính bẩm lệnh bà, ta chưa hề gặp nhau bao giờ. Tôi là một tên cướp. Tên đầy đủ của tôi là Salvatore Guiliano. Tôi cứ đinh ninh mình là tay vô địch ở Sicily này và ai cũng biết tiếng kia đấy. Mục đích của tôi đến xin yết kiến lệnh bà hôm nay là xin lệnh bà mớ nữ trang của lệnh bà đặng cho người nghèo để họ có cái ăn mừng lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh.
Công tước phu nhân mỉm cười trong bụng khen hắn đóng kịch có "thần", vì bà vẫn không tin hắn là tên cướp. Phu nhân còn trẻ, rất trẻ. Khuôn mặt đẹp trai và thân thể cường tráng của chàng trai này đã khiến cho công tước phu nhân cảm thấy con tim xao xuyến, cơ thể rạo rực, thèm khát một cách mãnh liệt khác thường. Sự liên tưởng tới những khoái cảm xác thịt mà phu nhân hình dung ra khi được cùng chàng trai này ân ái đã khiến cho mạch máu trên đầu phu nhân nảy tưng tưng và làm cho ngực phu nhân thở dồn dập, phập phồng. Phu nhân liếc nhìn Pisciotta, rồi liếc nhìn Guiliano và tiếc rẻ: giá không có cái thằng ria mép mắc dịch kia thì có lẽ phu nhân đã không kìm hãm nổi lòng xuân phơi phới của mình. Công tước phu nhân chợt tỉnh cơn mơ khóai lạc vì cái ý tưởng tên cướp đã trở lại đầu óc bà. Không, bà thầm nghĩ, thằng thanh niên có bộ ria mép thô lỗ kia thì có thể, chớ chàng thanh niên tuấn tú xưng danh là Guiliano này không thể là mối nguy của bà. Và bà cũng thoáng cảm thấy bóng dáng của sự nguy hiểm pha lẫn sự ngạc nhiên và hiếu kỳ. Bà nghĩ: "Lại có một chuyện vui và hồi hộp để kể trong một bữa tiệc nào đó ở Palermo". Bởi vậy, bà mỉm cười ngây thơ và nói:
- Tiếc quá, nữ trang tôi để cả ở Palermo rồi. Tại két trong nhà hiện nay, cậu muốn lấy gì thì lấy, tôi sẵn lòng.
Trong đời, chưa có ai nghi ngờ lời nói của bà. Ngay từ lúc còn nhỏ, bà cũng đã không hề nói dối bao giờ. Đây là lần đầu tiên. Thế mà bà nói cũng khá tự nhiên. Nhưng, cũng không qua được con mắt của Guiliano. Hắn nhìn chuỗi kim cương đang đeo ở cổ bà. Hắn biết là bà nói dối, nhưng hắn cũng đang phân vân chưa biết phải làm gì. Hắn gật đầu ra hiệu cho Pisciotta. Thằng này đưa hai ngón tay lên, bóp chúm môi dưới lại và "hoét hoét" lên mấy tiếng. Một hai phút sau đã thấy Pasatempo thập thò ngoài cửa sổ. Cái vóc dáng mập lùn và thô kệch, cái mặt đầy thẹo ngang dọc nom dữ dằn gớm ghiếc, cả khuôn mặt bành bạch như cái thớt, nhưng lại hầu như không có trán, nom rất cổ quá, dị dạng mà ngay cả mặt nạ búp bê cũng không có, mái tóc đen, cứng tua tủa. Lởm chởm, cặp lông mày chổi sể trùm bên trên đôi mắt ốc nhồi khiến hắn giống như con khỉ đột.
Sự xuất hiện của tên cướp thứ ba với hình dạng kinh khủng gớm ghiếc như vậy đã khiến cho công tước phu nhân khiếp đảm. Bà run run tháo sợi dây chuyền cẩn kim cương đang đeo ở cổ ra và trao cho Guiliano:
- Đây, cậu đã bằng lòng chưa?
- Kính bẩm lệnh bà, chưa, - Guiliano vẫn nhỏ nhẹ. - Nhưng tôi cũng xin bẩm để lệnh bà rõ: tôi là người có từ tâm. Tuy nhiên mấy "Người anh em" của tôi đây thì khác. Anh Aspanu của tôi đây, coi đẹp trai vậy đó nhưng ác không thua gì bộ ria mép của anh ta. Bộ ria ấy đã làm cho biết bao con tim tan nát rồi đấy. Và cái tên đang đứng ngoài cửa sổ kia, tuy là bộ hạ của tôi thật, nhưng nó cũng làm cho ngay cả tôi đây nhiều phen cũng hết hồn và đem lại nhiều cơn ác mộng. Lệnh bà đừng để tôi thả lỏng chúng nó. Chúng sẽ nhào vô vườn của lệnh bà như bầy diều hâu vồ gà con để mời mấy công tử lên núi nghỉ mát chơi ít ngày. Thôi, xin lệnh bà vui lòng đem tất cả hộp nữ trang của lệnh bà ra đây.
Công tước phu nhân chạy như bay vào phòng ngủ và chỉ ít phút sau trở lại với hộp nữ trang trên tay. Phu nhân cũng nhanh trí khôn và nhanh tay giấu vội vài món đắt giá nhất trước khi bưng cả hộp ra ngoài. Phu nhân trao hộp đó cho Guiliano. Hắn nhận một cách hết sức lịch sự, và quay về phía Aspanu, nói:
- Aspanu, có lẽ trong lúc vội vã, lệnh bà còn làm rớt hoặc bỏ sót một vài món chăng. Xinh lệnh bà cho phép nó vào phòng xem lại chút cho chắc chắn.
Hầu như ngay lập tức Pisciotta đã tìm được mấy món nữ trang mà công tước phu nhẫn đã giấu.
Trong khi đó, Guiliano mở hộp nữ trang ra. Tim hắn muốn nhảy ra ngoài khi nhìn thấy những viên ngọc quí. Hắn biết là giá trị của cái hộp này đủ nuôi tất cả dân thị trấn Montelepre trong cả năm ròng chưa hết. Một nguồn vui lớn khác nữa là đức ngài công tước đã sắm được những món nữ trang này bằng cách bóc lột công sức, mồ hôi của biết bao nông dân trong bao năm trời. Nhìn thấy công tước phu nhân thu thu hai bàn tay vào nhau như có vẻ e lệ, Guiliano đã chú ý đến chiếc cà rá ở ngón tay đeo nhẫn của bà:
- Kính bẩm lệnh bà, - Hắn vẫn giữ giọng vừa giễu cợt, vừa khúm núm, e dè, - Tại sao lệnh bà lại dại dột đi giấu mấy món kia? Kẻ hèn này tưởng là chỉ có mấy thằng khố rách áo ôm, mấy tên nông dân ngu muội mới làm nô lệ cho tài sản của mình chứ? Thế mà sao lệnh bà lại liều tấm thân ngọc ngà của mình và thí mạng cả mấy công tử chỉ vì mấy món nữ trang vô tri này. Có mất mấy cái của này thì lệnh bà cũng chẳng thiệt hại nhiều hơn đức ngài công tước làm mất một cái mũ đội trên đâu. Thôi, đừng có lôi thôi, om sòm lên làm gì, xin lệnh bà vui lòng trao nốt cho tôi chiếc cà rá đang đeo trên tay lệnh bà kia kìa.
- Xin các cậu hãy thương tôi, - Bà sụt sùi khóc, - Hãy để lại cho tôi cái cà rá này. Nó chẳng đáng giá gì nhiều, nhưng là vật kỷ niệm đính hôn của vợ chồng tôi. Tôi xin bù lại bằng một món tiền. Tôi không thể nào chịu nổi nếu không có nó. Lòng tôi tan nát, nếu không có nó.
Pisciotta cười khẩy. Y cố ý cười như vậy, vì y sợ Turi có thể động lòng trắc ẩn, mềm lòng vì nước mắt đàn bà để cho bà ta giữ lại cái cà rá hiển nhiên là rất có giá ấy.
Nhưng Guiliano đâu có mủi lòng kiểu ấy. Pisciotta nhớ mãi ánh mắt của Turi khi hắn nắm lấy bàn tay run rẩy của công tước phu nhân và tháo cái cà rá ra. Khi quay trở lại hắn liền đeo chiếc cà rá ấy vào ngón tay út bàn tay trái của hắn.
Turi nhìn thấy công tước đỏ mặt lên vì tức giận và đôi mắt ngấn lệ của bà ta. Cung cách của hắn lại trở nên khúm núm e dè một cách giễu cợt. Giơ bàn tay có đeo chiếc cà rá lên, hắn nói:
- Để luôn tưởng nhớ đến lệnh bà, tôi xin long trọng hứa với lệnh bà rằng tôi sẽ không bao giờ bán cái cà rá này trong bất cứ trường hợp nào, và cũng không cho bất cứ ai. Tôi sẽ luôn mang nó trong tay tôi.
Công tước phu nhân muốn thấy cái vẻ châm biếm, chế nhạo trên khuôn mặt hắn. Nhưng không, hắn rất trang trọng.
Nhưng, đó là giây phút thần kỳ đối với Turi. Bởi vì khi đeo chiếc cà rá ấy vào ngón tay, hắn cũng thấy quyền lực qua đó mà ùa tràn, thâm nhập vào hắn. Với chiếc cà rá ấy, hắn có cảm tưởng đã kết hôn với chính thần số mệnh. Đó là biểu tượng của quyền lực mà hắn đã thâu đoạt được từ thế giới của bọn nhà giàu. Viên ngọc xanh đậm viền vàng ấy hãy còn vương mùi thơm của người đàn bà ngọc ngà đã mang nó luôn trong mình từ bao năm qua chính là lời tuyên bố rõ ràng và dứt khoát rằng hắn, Turi Guiliano đã nắm được cái tinh túy của đời sống mà trước đó hắn chưa từng được biết, và cái đời sống ấy là của chính hắn hiện nay và sau này.
Ông Trùm Croce lẳng lặng ngồi nghe.
Ngài công tước Alcamo đang phàn nàn ra ý phiền trách chính bản thân Ông Trùm. Ngài đã chẳng phải trả tiền "thuê bao" hàng năm cho đám "Người anh em" để chúng đảm bảo không đụng chạm đến tài sản của ngài đó sao? Thế mà bọn đó lại chẳng đảm bảo được? Tại sao sự thể lại xảy ra như vậy? Thời xưa ấy hả, đố thằng nào dám vuốt râu cọp. Và bây giờ, liệu Ông Trùm có đủ sức để truy tìm cho ra và thâu hồi trả ngài mớ nữ trang kia không? Ngài công tước đã báo vụ cướp này cho nhà cầm quyền, mặc dầu ngài biết là vô ích và còn có thể làm cho Ông Trùm phiền lòng. Nhưng, chẳng thà làm vậy mà còn có chút ít hy vọng may ra vớt vát được chút gì chăng. Vả lại, có như vậy thì may ra chính quyền ở Rome mới để tâm đến cái "họa" Guiliano này một cách thích đáng hơn, đúng mức hơn.
Ông Trùm cũng nghĩ rằng đã đến lúc phải coi Guiliano là một vấn đề nghiêm trọng. Lão thủng thỉnh nói với ngài công tước:
- Nếu tôi lấy lại được những món nữ trang đó thì ngài có vui lòng chi một khoản tiền bằng giá trị một phần tư những món ấy không?
Ngài công tước trợn tròn đôi mắt, ngạc nhiên, rồi nổi xung la lớn:
- Trước hết, ta đã trả đủ cho các người số tiền "thuê bao" để đảm bảo an toàn tánh mạng và tài sản của gia đình ta. Thế mà mấy người đã không đảm bảo được. Đúng ra mấy người phải bồi thường thiệt hại cho ta, chứ lẽ nào còn dám mở miệng đòi ta tiền chuộc là làm sao? Trong công việc kinh doanh, làm ăn mà mấy người ăn nói đảo điên như vậy thì liệu mấy người dám hy vọng có được sự tín nhiệm của khách hàng nữa hay không?
- Tôi phải công nhận ngài có lý. - Ông Trùm gật gù đồng ý, - Nhưng ngài nên coi Salvatore Guiliano như một thiên tai. Chắc chắn ngài sẽ không trông đợi "Người anh em" bảo vệ ngài khỏi các thiên tai như động đất, núi lửa, lụt lội... Nếu có ai dám đảm bảo kiểm soát, kiềm chế được thiên tai thì tôi cũng dám bảo đảm với ngài là sẽ kiểm soát, kiềm chế được Salvatore Guiliano. Nhưng thôi cứ gạt chuyện thiên tai đó đã, cho đến khi nào kiểm soát, kiểm chế được thì sẽ tính. Bây giờ hãy tính chuyện thực tiễn trước mắt đây. Xin ngài nghĩ coi: nếu ngài chịu chi số tiền đó thì tôi mới có phương tiện để thương lượng dàn xếp. Và tôi cũng đành phải chịu thiệt thòi để chia sẻ cái xui xẻo của ngài bằng cách ngài khỏi trả tiền "thuê bao" cho năm năm tới mà tôi vẫn phải đảm bảo an toàn chongài như từ trước đến nay. Đồng thời tôi cũng phải thương lượng để trong khoảng thời gian đó, Guiliano cũng đồng ý không làm phiền ngài nữa. Vả lại sau vố này, hắn sẽ chẳng làm gì nữa, nếu ngài đủ khôn ngoan để cất giữ những món nữ trang quí giá ấy trong két của nhà băng ở Palermo? Các bà thì cứ ngây thơ lắm kia, họ đâu có biết rằng cái thói dâm đãng và lòng tham lam là những động lực mạnh - đến nỗi hầu như không thể cưỡng lại được - đã thúc đẩy bọn đàn ông lăn xả vào chém giết nhau để giành giật lấy của cải vật chất đời này? - Lão ngừng một chút, nhếch mép cười khi thấy vẻ thất vọng lộ trên khuôn mặt ngài công tước, rồi lão tiếp tục thủ thỉ: - Nếu ngài tính số tiền "thuê bao" để bảo vệ lãnh địa này cho năm năm sắp tới trong lúc mỗi ngày mỗi thêm nhiễu nhương thì ngài sẽ thấy, qua cái rủi ro này, ngài thiệt hại cũng chẳng đáng là bao.
Ngài công tước suy nghĩ, đã thấy Ông Trùm hòan toàn có lý về cái thời gian nhiễu nhương sắp tới đây. Hậu chiến mà. Nhà máy, xí nghiệp bị chiến tranh tàn phá, hàng triệu lính giải ngũ về, công ăn việc làm không có, mà thằng nào cũng quen bắn súng rồi, có thằng chết hụt đã dăm phen rồi, thì cái gì mà chúng chẳng dám liều. Như vậy, cái món tiền chuộc nữ trang so với tiền "thuê bao" năm năm sắp tới... tính coi... ngài công tước thấy cũng khá lớn chớ đâu phải ít. Vả lại, ai dám đảm bảo Ông Trùm sẽ sống được hết năm năm đó. Nửa chừng lão "đứt bóng" thì sao? Hoặc giả ai dám đảm bảo là Guiliano sẽ không quay trở lại làm vài ba vố nữa? Nhưng chẳng thà mất vậy còn hơn mất hết. Cái điều kiện Ông Trùm đưa ra dù sao cũng là cuộc mặc cả có lợi nhất trong hòan cảnh này. Và cái đó cũng khiến cho công tước phu nhân giảm bớt cái thói nhí nhảnh, đòi đem nữ trang vào lãnh địa để khoe mẽ với mấy đứa đầy tớ. Nhưng cái lợi lớn hơn là ngài công tước sẽ vin vào cái cớ an toàn để phu nhân không dám mè nheo đòi mua sắm thêm nữ trang. Như vậy đỡ tốn khối tiền. Có lẽ ngài công tước phải bấm bụng bán đi vài ba mảnh đất. Nhưng, từ bao đời nay rồi, tổ tiên của ngài cũng đã từng bán đi như vậy để trả giá cho những sự điên rồ của họ. Ấy vậy mà các cụ còn để lại cho ngài cả mấy ngàn mẫu.
Ngài gật đầu chấp thuận.
Ông Trùm cho mời giáo sư Hector Adonis tới. Ngày hôm sau cuộc hội kiến với Ông Trùm, gái sư làm một chuyến thăm thằng con đỡ đầu. Ông giải thích cho hắn cái sứ mạng của ông. Ông hết sức thành thật:
- Con sẽ không được cái giá cao hơn đâu, ngay cả nếu con đem bán cho bọn chuyên mua đồ gian ở Palermo. Và rồi con cũng phải mất một thời gian, chắc chắn là con không thể có tiền trước lễ Giáng sinh, nếu con đem bán cho bọn mua đồ gian. Ngoài ra, cho chuộc lại, con sẽ chinh phục được cảm tình của lão Croce. Cái đó rất quan trọng đối với con. Sau cùng, con đã làm lão ta mất mặt ít nhiều vì lão ta nhận "thuê bao" cho gia đình Alcamo mà. Nhưng, nếu con giúp lão ta giải quyết việc này, thì lão ta cũng sẵn sàng bỏ qua hết.
Guiliano mỉm cười nhìn ông bố đỡ đầu của mình. Hắn có coi cái ý muốn, ước nguyện và ngay cả sự đe dọa của Ông Trùm ra gì đâu. Sau cùng, ước mơ của chính hắn là diệt được con quái vật Mafia ở Sicily này. Ngoài ra, hắn cũng đã cho người đi Palermo dò hỏi giá cả mấy món nữ trang đã cướp được. Và hắn cũng thấy giá cả cũng không hơn giá cả mà Ông Trùm đề nghị, hơn nữa còn thêm rắc rối, nhiêu khê, lâu lắc lắm, chắc chắn không kịp trước lễ Giáng Sinh. Bởi vậy hắn đồng ý thương lượng, nhưng nhất định không trả lại chiếc cà rá ngọc.
Trước khi từ giã, Adonis cũng tuyên bố với hắn xin thôi luôn cái vai trò làm thầy dạy cho hắn những thiên anh hùng ca và văn học lý tưởng cách mạng, bởi vì hắn là hiện thân bằng xương bằng thịt những cái đó. Lần đầu tiên, ông nói với hắn về thực tế đời sống của người Sicilian:
- Con à, không có ai cảm mến những đức tính của con hơn thầy. Thầy cảm phục cái khát vọng hào hùng của con mà thấy hy vọng được góp phần của mình vào sự thực hiện khát vọng ấy. Tuy nhiên, bây giờ ta cũng phải xét đến sự sống còn, bởi vì sự sống còn là điều kiện tiên quyết, cơ bản của mọi hiện thực. Sự sống mà tắt thì khát vọng dù có hào hùng, cao cả cách mấy cũng tắt theo. Cũng như lửa tắt thì ánh sáng cũng phải tắt. Chưa nói đến sự thực hiện. Con không có hy vọng gì thắng được bọn "Người anh em" đâu. Từ hàng ngàn năm nay chúng cũng như hàng triệu con nhện dăng lưới dày đặc, phủ kín khắp Sicily, khắp mọi người và mọi mặt của đời sống, của xã hội. Ông Trùm Croce đang đứng giữa cái lưới nhện đó. Lão ta rất cảm phục con và rất muốn giữ tình hữu nghị với con. Lão ta muốn con và lão cùng làm giàu. Nhưng có đôi lúc, con phải chiều ý lão một chút. Thầy không nói con phải nhượng bộ, phải mất thể diện ở một khía cạnh nào đó. Con vẫn có giang sơn riêng của con, nhưng giang sơn của con phải nằm trong cái lưới nhện ấy. Có điều chắc chắn là con không thể trực tiếp đương đầu với lão ta được đâu. Nếu con cứ quyết tâm làm như vậy thì chính lịch sử sẽ giúp lão tiêu diệt con.
Vậy là "Châu về Hợp Phố" với món tiền chuộc của ngài công tước. Guiliano chia một nửa số tiền cho Pisciotta, Terranova và Passatempo. Chúng nhìn nhìn cái cà rá đeo ở ngón tay út của Guiliano, nhưng không thằng nào dám hó hé nói năng gì. Bởi vì, Guiliano tuyên bố không thèm đụng đến một xu trong khoản tiền đó. Một nửa số tiền còn lại, Guiliano quyết định phân phát cho đám chăn cừu, cho những cô nhi, quả phụ và những người nghèo khổ trong vùng.
Hắn luôn luôn trao tiền qua trung gian. Nhưng, có một hôm, hắn nhét tiền vào đầy các túi áo và đầy cái ba lô mà cha bề trên đã cho khi hắn rời khỏi tu viện. Hắn đi vào các làng quanh thị xã Montelepre, Piani dei Greci... Cùng đi, có Terranova.
Tại một làng có ba bà già sắp chết đói. Hắn cho mỗi bà cả cọc tiền. Họ cảm động quá, khóc và hôn tay hắn. Tại một làng khác, một nông dân sắp bị "siết" mất thửa ruộng anh ta đã đem "cầm" vì vợ ốm trong lúc gia đình lại quá quẫn bách, nay đến thời hạn, anh ta không có tiền để chuộc. Guiliano đã cho anh ta số tiền đủ để chuộc lại thửa ruộng. Tại một làng khác, hắn mua hết ráo hàng hóa trong tiệm bánh và tiệm tạp hóa, rồi phân phát bánh, phó - mát và kẹo... cho cả làng. Tại một làng gần thị trấn, hắn đã tặng cho cha mẹ một đứa trẻ đang ốm nặng để có tiền đi điều trị tại bệnh viện ở Palermo và trả tiền cho bác sĩ ở địa phương. Hắn cũng dự một đám cưới và tặng cho cặp vợ chồng trẻ một số tiền làm vốn.
Nhưng hắn thích nhất là tặng tiền cho đám trẻ nhà nghèo sống lang thang trên khắp các nẻo đường, trên khắp các tỉnh thành của Sicily. Hầu hết, bọn trẻ này trong vùng đều quen biết Guiliano. Chúng bu lấy Guiliano. Khi trao tiền cho chúng, Guiliano sung sướng nhìn chúng hớn hở chạy về nhà.
Chỉ còn lại chút ít tiền khi hắn quyết định về thăm bố mẹ hắn vào lúc chập tối. Khi đi qua dải đất phía sau nhà, Guiliano gặp hai đứa trẻ, một trai, một gái, ngồi khóc. Chúng mất số tiền mà má chúng trao cho chúng đi mua cái gì đó. Chúng nói là "thằng cớm đã cướp mất của tụi cháu". Guiliano thấy vui vui trước tấn bi kịch nhỏ bé ấy, và cho chúng một món tiền gấp bội số tiền chúng mất. Thấy đứa bé gái xinh quá, hắn không thể chịu được khi nghĩ rằng bé này sẽ bị ba má nó đánh vì sơ ý để cớm cướp mất tiền, nên hắn đã ngồi lại, viết một bức thư yêu cầu ba má bé đừng đánh bé.
Không phải chỉ ba má con bé đó biết ơn Guiliano, mà dân ở các thị trấn Borgetto, Corleone, Partinico, Moreale, Piani dei Greci... cũng biết ơn hắn. Để tỏ lòng biết ơn, họ đã gọi hắn là "Quốc vương Montelepre".
Mặc dù mất năm năm tiền "thuê bao" của ngài công tước, nhưng cái đầu óc quái quỉ của "Ông Trùm" đâu có để lão thiệt thòi, trái lại còn có lời nữa là khác. Bởi vì, một mặt lão đòi ngài công tước tiền chuộc bằng phần trăm gái trị các món nữa trang, một mặt lão nói với ông Adonis là ngài công tước chỉ chịu trả bằng phần trăm. Ở giữa, lão sớt lại phần trăm bỏ túi. Chỉ phần trăm nhưng cũng gấp mấy lần cái giá "thuê bao" năm năm mà đối với ngài công tước, lão vẫn được cái tiếng là chịu thiệt thòi và đối với Guiliano, lão được tiếng trung gian vất vả.
Nhưng, điều làm cho lão tự hào và khóai hơn cả là lão đã sớm phát hiện và đánh giá đúng tài năng của Guiliano, đồng thời qua việc chịu thương lượng - theo ý lão - Guiliano bước đâu đi vào quĩ đạo mà lão đã định. Guiliano đúng là một ngôi sao đang lên. Ai dám tin được một thanh niên có cái nhìn sáng suốt, hành động khôn ngoan và có tính tự hào đến mức kiêu hãnh như vậy, mà lại biết nghe lời một người lớn tuổi hơn và tinh khôn hơn là lão vậy?
Nhưng, về phần Guiliano, qua cuộc thương lượng này, nghe thì nghe - với trí thông minh và tính tóan lạnh lùng - hắn vẫn giữ được phần riêng của hắn. Điều này càng làm cho lão cảm phục hắn và càng đắc ý vì "Ai ngu dại gì mà đi liên kết với một thằng khùng?'
Ông Trùm gật gù thú vị với ý nghĩ một ngày kia, Guiliano có thể là cánh tay mặt của lão. Và với thời gian, hắn sẽ là đứa con kế nghiệp lão.
Turi nhìn thấu suốt những ý đồ đang bao quanh hắn. Hắn biết rõ ông bố đỡ đầu chân thành quan tâm và lo lắng cho lợi của hắn. Nhưng điều đó không có nghĩa là hắn hoàn toàn phó thác sinh mệnh và tương lai của hắn cho sự phán đóan và thẩm định của người lớn. Guiliano cũng thừa biết hắn chưa đủ lực lượng để ăn thua và chơi trực diện với đám "Người anh em" của Ông Trùm. Và, thật ra, hắn còn cần sự giúp đỡ của bọn này trong một thời gian. Nhưng hắn không hề có ảo tưởng về sự liên kết lâu dài với bọn đó. Nếu nghe lời ông bố đỡ đầu, rất có thể hắn chỉ trở thành một thứ bồi thần cho hoàng đế Ông Trùm Croce Malo. Và, đối với nó, điều đó không bao giờ có thể xảy ra. Nhưng, bây giờ hắn cần hoãn binh chi kế.