Chiến tranh thế giới thứ hai vừa chấm dứt. Những cuộc chiến của Guiliano mới bắt đầu. Chỉ trong hai năm, Guiliano đã trở thành một người nổi tiếng nhất Sicily. Hắn đã tạo dựng được một giang sơn ở góc phía tây bắc hòn đảo. Trung tâm của giang sơn này là Montelepre. Hắn kiểm soát các thị trấn Piano Dei Greci, Borgetto, Partinico và thị trấn Corleone khét tiếng khát máu. Cái tăm tiếng tàn bạo man rợ của thị dân Corleone đã lan rộng khắp Sicily. Cánh tay quyền lực của hắn vươn tơi tận Trapani, hăm dọa Morneale. Và ngay cả thành phố Palermo, thủ phủ của đảo cũng bị cái bóng của hắn chờn vờn che phủ, và thế lực của hắn ngày một bành trướng, lan dần ra các đô thị khác. Guiliano cười ngất khi hay tin chính quyền trung ương ở Rome đã treo giải thưởng mười triệu đồng lire cho ai chặt được đầu hắn. Cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu cũng không cản được hắn đến dùng cơm tại một nhà hàng lớn ở Palermo. Để giỡn mặt nhà cầm quyền, cuối bữa ăn, hắn thường dằn dứơi cái đĩa mảnh giấy ghi dòng chữ "Chẳng ai có thể ngăn cản Turi Guiliano đến nơi nó muốn". Cái trò oái oăm mó dái ngựa này đã làm cho chính quyền Rome tức điên lên.
Sào huyệt bất khả xâm phạm của Guiliano là dãy núi Cammarata. Guiliano biết rõ từng cái hang, từng hẻm núi, từng đường mòn dãy núi này. Hắn cảm thấy mình là tay vô địch. Hắn yêu quang cảnh thị xã Montelepre phía dưới chân núi, yêu bình nguyên Partinico trải dài qua Trapani tới tận Địa Trung Hải. Trùng dương mênh mông lấp lánh dưới bầu trời xanh, trong vắt. Phế tích của những ngôi đền thờ Hy Lạp, những cụm rừng cam, những vườn ôliu, những cánh đồng lúa miền tây Sicily. Tất cả, đối với Guiliano, đều đẹp đến ngây ngất. Càng xúc động trước vẻ đẹp ấy, hắn càng cảm thấy dạt dào tình yêu đối với Sicily. Qua ống nhòm, Guiliano nhìn thấy những miếu thờ rải rác bên lề đường. Trong miếu thờ, những bức tượng bụi bám đầy.
Từ dãy núi này, cùng với các thủ hạ, Guiliano rong ruổi trên những quốc lộ, chặn cướp những đoàn xe của nhà nước, chặn cướp cả xe lửa, tước đoạt nữ trang, của cải của những nhà giàu. Nông dân đánh những chiếc xe lừa sơn sặc sỡ, lòe loẹt đã thân ái đưa tay vẫy chào mỗi khi gặp hắn. Nói cho đúng, lúc đầu, họ cũng ớn thấy mồ. Nhưng về sau họ kính nể và quý mến. Không một nông dân, một người chăn cừu, một công nhân nào lại không nhận được một phần của cải hắn đã cướp được.
Toàn dân nghèo trong vùng là mật báo viên, chỉ điểm viên của hắn. Đêm đêm, trẻ nít đã thêm vào lời kinh cầu Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary câu "Xin gìn giữ Guiliano khỏi tay bọn cớm".
Chính đồng quê đã nuôi dưỡng, chở che Guiliano và đồng bọn. Vườn cam, vườn ôliu, vườn nho là chốn dung thân. Bầy cừu cũng là đồng minh. Từng nơi, từng lúc, Guiliano thoắt biến, thoắt hiện, bất ngờ và đột ngột như bóng ma, thoắt một cái như đã tan biến trong màu xanh ngắt của Sicily, của Địa Trung Hải và của bầu trời.
Trên núi, mùa đông kéo dài và lạnh hơn dưới đồng bằng. Ấy vậy mà băng của Guiliano ngày một tăng quân số. Đêm đêm, những đốm lửa bập bùng rải rác trên khắp sườn núi và thung lũng của dãy núi Cammarata. Dưới ánh lửa ấy, đám tay em của Guiliano sửa chữa vũ, khí, may vá hoặc giặt giũ quần áo ở các khe suối. Sửa soạn bữa ăn chiều đôi khi cũng tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi và hào hứng. Cũng chỉ là mực và lươn, nhưng mỗi làng ở Sicily có một cách nấu. Họ không làm nước sốt như nhau, mà cách nướng dồi cũng không giống nhau. Kẻ ưa giết người bằng dao thì làm công việc giặt giũ. Người chuyên đi bắt cóc đòi tiền chuộc thì làm việc lặt vặt. Đứa chuyên đánh cướp nhà băng và xe lửa thì ngồi lau chùi vũ khí. Một "xã hội" khá phức tạp.
Guiliano bảo họ đào giao thông hào, dựng chướng ngại vật, đặt các chốt tiền thám đề phòng bị quân chính phủ đột kích. Một hôm, tóan đào giao thông hào đã đào được bộ xương của một con thú lớn, lớn hơn mọi con thú mà họ có thể tưởng tượng được. Hôm đó, giáo sư Adonis mang sách đến cho Guiliano, nó muốn biết về tất cả mọi sự trên đời. Từ khoa học đến chính trị. Từ y học cho đến triết học. Cả kỹ thuật quân dụng và cả về tham mưu quân sự. Cứ vài tuần, giáo sư Adonis lại đem đến cho nó cả bao sách đầy. Turi đưa ông lại chỗ bộ xương đã đào được. Nhìn sự bối rối của nó, ông mỉm cười:
- Thầy đã đem đến cho con cả sách về lịch sử nữa kia mà? Một người không hiểu lịch sử của loài người từ hai ngàn năm trở lại đây là người sống trong bóng tối.
Ông ngừng nói một chút. Giọng nói dịu dàng của Adonis đúng là giọng giáo sư giảng bài.
- Đây là bộ xương của một cái "xe tăng" do Hannibal thành Carthage dùng cách nay hai ngàn năm để vượt qua rặng núi này đặng tấn công tiêu diệt đạo binh La Mã. Đó là xương của voi chiến mà dân lục địa chưa thấy bao giờ. Lần đầu tiên nhìn thấy những con vật khổng lồ ấy, lính La Mã hết hồn, chạy vắt chân lên cổ. Nhưng, những "chiến cơ" này cũng chẳng giúp cho Hannibal là bao. La Mã vẫn thắng ông ta. Và thành Carthage của ông vẫn bị La Mã san thành bình địa. Dạy núi này có nhiều ma lắm đấy. Con mới chỉ nhìn thấy có một con mà thôi. Suy nghĩ đi, Turi, biết đâu một ngày nào đó con cũng là một con ma của dãy núi này.
Guiliano đã trằn trọc suy nghĩ suốt đêm đó. Hắn thích thú với ý nghĩ một ngày nào đó được trở thành một trong những bóng ma lịch sử. Nếu có bị giết thì hắn muốn bị giết tại chính dãy núi này. Hắn còn tưởng tượng một cách ngộ nghĩnh là nếu bị thương nặng, hắn sẽ chui vào một trong hàng ngàn cái hang trong núi này để chết. Sẽ không có ai tìm thấy xác hắn. Cho đến khi tình cờ, một người nào đó tìm ra, như đã tình cờ tìm thấy bộ xương con voi của Hannibal.
Mùa đông, Guiliano và các thủ hạ thay đổi sào huyệt nhiều lần. Chúng phân tán mỏng và khi thì một nhóm ngủ tại nhà một người quen, một cái chòi của người chăn cừu hoặc một cái kho của một quí tộc nào đó bỏ trống. Guiliano đã dành hết mùa đông để đọc sách và nghiền ngẫm, sắp đặt kế hoạch. Hắn bàn luận nhiều lần và lâu với giáo sư Adonis.
Đầu xuân, Guiliano và Pisciotta lên đường đi Trapani. Trên đường, lần đầu tiên, hắn trông thấy ở một chiếc xe lửa một bức tranh kiểu mới vẽ theo huyền thoại về Guiliano. Bức tranh màu sặc sỡ vẽ hắn đang đứng cúi đầu cung kính một cách giễu cợt trước một công tước phu nhân. Tay hắn đeo chiếc cà rá vừa lấy được từ tay bà. Đứng sau hắn là Pisciotta, tay cầm súng máy, đang trấn áp lũ cớm đứng co dúm lại vì sợ.
Cũng từ ngày đó, chúng mang khóa dây thắt lưng bằng vàng. Trên khóa đó có hình nổi con chim phượng hoàng có đầu người và hình một người có đầu sư tử. Hai con quay vào nhau. Ở giữa là hoa văn, chính "thầy cai" Canio Sylvestro đã làm hai cái khóa thắt lưng này. Và nó trở thành biểu tượng cho quyền chỉ huy của "băng". Guiliano luôn luôn mang. Vì thường phải ngụy trang khi đi xuống các thị trấn, nên Pisciotta ít khi mang khóa này trừ khi nào đi cùng với Guiliano.
Ban đêm, trên núi, lúc tháo dây lưng ra, Guiliano thường ngắm chiếc khóa này. Hình hoa văn giữa sư tử và phượng hoàng làm cho người ta có cảm tưởng hai con vật này đang xoay cái bánh xe tượng trưng cho lịch sử. Con vật mình người đầu sư tử đã đặc biệt hấp dẫn hắn. Con phượng hoàng là vua các loài chim bay trên trời cao đồng thời cũng là vua các loài vật trên mặt đất. Guiliano tự ví mình là phượng hoàng và Pisciotta là sư tử. Hoa văn ở giữa vừa là đảo Sicily vừa là lịch sử.
Từ bao thế kỷ trước, ở Sicily, bắt cóc nhà giàu để đòi tiền chuộc là một "nghề" ở vùng nông thôn. Những tay bắt cóc thường phải là những Mafioso táo tợn và mưu lược nhất mới dám chơi. Và chơi rất điệu nghệ. Gửi thư báo trước cho nạn nhân. Lời lẽ bức thư rất lịch thiệp và tránh những chi tiết về số tiền chuộc mà nạn nhân phải trả. Cũng giống như nhà buôn sỉ giảm giá cho các khách hàng trả tiền mặt, tiền chuộc, tùy trường hợp, có thể được giảm đáng kể. Bởi vậy những chi tiết rắc rối - như trong những cuộc bắt cóc ngày nay - đã không được nói rõ trước trong bức thư thông báo. Trên thực tế bắt cóc một nhân vật có tiếng tăm không phải dễ dàng như người ta tưởng. Đó không phải là việc mà nhưng tay ấm ớ, nghiệp dư, những tên tham lam ngu xuẩn hoặc bọn vô lại, cà chớn có thể làm được. Mặc dù đó không phải là việc quá liều lĩnh, nguy hiểm đến mức hầu như là hành động tự sát ở nước Mỹ ngày nay. Ở Sicily, không bao giờ có trường hợp bắt cóc con nít () - như thường xảy ra ở Mỹ - hoặc nếu có thì bắt cóc luôn cả người vú nuôi hoặc người hàng ngày chăm sóc cho đứa trẻ đó. Thiên hạ thối mồm gán cho dân Sicilian đủ thứ thói hư tật xấu và tội ác. Nào, bẩm sinh đã là trọng phạm. Nào, giết người lạnh lùng, tàn bạo và đầy hào hứng như đàn bà đi hái hoa. Nào, tráo trở, lật lọng, lừa bịp, phản trắc. Nào, man di mọi rợ mới hình thành xã hội được khoảng ba thế kỷ nay... Ôi thôi, đủ thứ. Nhưng muốn nói sao thì nói, có một điều không thể chối cãi được là người Sicilian - tất nhiên, phải kể thứ chính gốc - rất yêu con nít. Nói đúng ra là họ tôn thờ con nít. Bắt cóc kiểu Sicilian cũng rất độc đáo và mã thượng. Các nhà giàu có được "mời" đến làm "thượng khách" của họ. Có điều là các vị khách chỉ được ra về, sau khi đã thanh tóan "tiền phòng và tiền hầu hạ". Cũng như ở khách sạn vậy.
Qua nhiều thế kỷ, "nghề" này đã hình thành được vài qui lệ, tập tục. Giá tiền chuộc có thể được "mặc cả" qua trung gian, thường là qua tổ chức Mafia. Không có chuyện dùng nhục hình để khảo của, nếu vị "khách" chịu "hợp tác". Hơn thế nữa, khách được trọng đãi đúng hay là hơn so với địa vị xã hội của mình. Cũng như khách sạn Hilton ba, bốn, năm sao, các vị khách cũng được đối xử tùy theo địa vị xã hội: hoàng thân, công tước, tiểu quí tộc... Nếu có tay chơi nào coi cái linh hồn của mình là thứ đồ bỏ, hoặc coi trọng đấy nhưng chịu chơi, dám thí linh hồn của mình, thì tay đó dám túm cả áo Hồng y, Tổng giám mục.
Cứ như vậy, thì về thực chất nhiều tay bắt cóc có thể còn đáng kính hơn những vị dân biểu, thượng nghị sĩ vẫn thường trưng trước tên của mình những mỹ từ hợm hĩnh phách lối như "Ngài đáng kính" (The Honorable) mà thực chất chỉ là giòi bọ đầu thai làm những tên cướp ngày.
Bắt cóc là một "nghề" đòi hỏi phải khôn ngoan, có bản lãnh. Lịch sử còn lưu lại nhiều gương trả đũa kinh khủng của người bị bắt cóc. Một vị "khách" được trả về sau khi phải nộp món tiền khổng lồ sẽ ít khi vì tiếc của mà nghĩ đến chuyện trả thù, nếu phẩm giá của ông ta được bảo toàn và tôn trọng. Điển hình là câu chuyện một vị đại công tước, vì phải tuân thủ luật pháp, sau khi được thả về, đã dẫn cảnh sát đến sào huyệt của bọn bắt cóc. Nhưng, khi bọn cướp bị bắt, thì chính ông ta trả tiền mướn thầy cãi cho bọn cướp. Khi bọn cướp bị kết án, thì chính ông ta dùng thế lực và uy tín cá nhân để can thiệp, xin giảm án. Bởi vì, trong thời gian bị làm khách mời, ông ta đã được đối đãi đúng điệu, đúng nghi thức. Nghĩa là cực kỳ lịch thiệp và lễ độ. Đến nỗi ông ta tuyên bố là ngay trong giới thượng lưu ông ta cũng không được đối đãi lịch sự đến như vậy.
Ngược lại, nếu "khách" bị đối xử tàn tệ thì khi được thả, ông ta sẵn lòng dốc hết tài sản còn lại để săn đuổi bọn cướp, trả thù cho bằng được mới hả dạ.
Đúng týp Sicilian! Chỉ ở Sicilian mới có kiểu "chơi" này.
Nếu mọi sự diễn ra đúng qui lệ, cả hai bên đều "biết điều" và lịch thiệp với nhau thì tiền chuộc sẽ được mặc cả, cho đến khi đôi bên thỏa thuận. Những người giàu có ở Sicily coi tiền chuộc này như một thứ thuế thân "đen" mà họ phải đóng cho chính quyền "đen" để có thể sống trên mảnh đất mà họ yêu mến. Vả lại, khi đóng thuế chính thức, họ sẽ tìm cách né, hoặc lươn lẹo để bù lại. Về mặt tinh thần, họ coi đó như một thứ "Thánh giá mà Chúa bắt họ phải vác để thử thách trên đường theo chân Chúa".
Đối với những ai bần tiện một cách ngu xuẩn, hoặc ương ngạnh không chịu nộp tiền chuộc, hoặc cù cưa kéo dài thời gian mặc cả, thì sẽ có biện pháp cưỡng bách nhẹ nhàng. Chẳng hạn, một đốt ngón tay, một cái tai... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để các vị khách "tỉnh người" ra rồi. Ngoại trừ những trường hợp hết sức xấu - một ngoại lệ rất hiếm - "khách" sẽ bị chặt ra từng mảnh. Hoặc theo kiểu rất xưa thì thân thể của khách bị rạch nhiều hình thánh giá. Sau đó được gởi cho gia đình.
Nhưng việc "mời" khách trong mọi trường hợp không chỉ là một công việc đòi hỏi khôn ngoan và bản lãnh, mà cả sự nỗ lực gian khổ và phải hết sức cẩn thận. Khách phải được theo dõi một thời gian, để có thể "chộp" được mà không cần dùng đến bạo lực. Hoặc nếu có thì cũng chỉ ở mức tối thiểu. Và trước đó "chủ nhân" - tức là bọn bắt cóc - đã phải chuẩn bị sẵn năm hay sáu "khách sạn" khác nhau và có đủ tiện nghi cần thiết và xứng đáng với địa vị của khách. Ngoài ra phải có người canh gác và hầu hạ. Bởi vì trong thời gian thương lượng, nhà cầm quyền có thể lùng kiếm nạn nhân.
Bởi vậy, bắt cóc đâu phải chuyện ngon xơi mà bọn ấm ớ, cà chớn tưởng bở. Nhào vô ẩu, vỡ mặt là cái chắc.
Khi quyết định làm ăn theo lối bắt cóc, Guiliano cũng quyết định chỉ mời những vị khách "sộp" nhất Sicily. Thật ra, vị khách mở hàng của hắn không những giàu nhất, mà còn là một đại quí tộc thế lực nhất Sicily. Hoàng thân Ollorto không những là chủ cái lãnh địa rộng lớn nhất, màu mỡ nhất Sicily, mà còn là chủ nhân của một lãnh địa lớn "hầu như một đế quốc" ở Brazil. Ngài là chủ đất của hầu hết dân Sicilian. Về phương diện chính trị ngài là người có thế lực rất lớn trong hậu trường chính trị ở Rome, bộ trưởng bộ tư pháp tỏng chính phủ đương nhiệm là bạn thân của ngài. Cựu quốc vương Umberto đệ nhị là bố đỡ đầu đứa con trai ngài. Ông Trùm Croce là "tổng quản lý" lãnh địa của ngài. Đó là chưa kể khoản "thuê bao" mà ngài trả cho Ông Trùm để Ông Trùm đảm bảo an ninh cho bản thân ngài, thân quyến và các nữ trang quí giá của ngài. Kể luôn cả gia súc của ngài, đứa nào dám to gan dám vuốt râu Ông Trùm thì hãy mó máy. Nếu không thì đừng dại.
Sống an nhàn trong lâu đài có tường thành cao bao quanh, thêm một hàng rào người gồm toàn thủ hạ của Ông Trùm ngày đêm canh gác cẩn mật, ngoài ra còn vệ sĩ cận vệ túc trực sát bên, hoàng thân Ollorto đang sửa soạn cho một buổi chiều êm ả và thú vị bằng cách ngắm các tinh tú trên bầu trời qua chiếc kính thiên văn mà ngài quí hơn bất cứ thứ gì trên đời này. Bỗng có tiếng bước chân dồn dập của nhiều người đang bước trên cầu thang cuốn dẫn lên đài quan sát thiên văn của ngài. Cánh cửa mở bật ra. Bốn tên, bịt mặt sơ sài, tay xách tiểu liên, bước vào. Hoàng thân, tay ôm chặt lấy kính thiên văn đang hướng về một vì sao, quay mặt nhìn họ. Thấy cái mặt Terranova, ngài đã thầm nguyện ơn trên che chở. Nhưng, Terranova đã kính cẩn thưa:
- Kính bẩm đại công tước, tôi được lệnh mời ngài lên núi nghỉ mát ít ngày với Turi Guiliano. Chúng tôi đã chuẩn bị nơi ăn chốn nghỉ cho ngài theo đúng qui lệ. Tất nhiên là chúng tôi không thể chăm sóc ngài như chăm sóc trẻ sơ sinh được.
Ngài đại công tước cố giấu sự sợ hãi. Ngài hơi cúi đầu, trầm ngâm và hỏi:
- Ta đem theo ít thuốc men và quần áo, được chứ?
- Chúng tôi sẽ mang lên hầu ngài sau. Điều chủ yếu bây giờ là xin ngài lẹ lẹ, bọn cớm hoặc vệ sĩ của ngài có thể đến bất ngờ, phiền lắm. Chúng tôi trân trọng ngài, chứ không sẵn lòng mời chúng đi dự tiệc được đâu. Bây giờ xin ngài đi trước. Đừng tìm cách chạy trốn. Người của chúng tôi đã được bố trí khắp trong lâu đài này. Vả lại, ngài đâu có nhanh bằng viên đạn.
Bên ngòai cổng, xa phía dưới một chút có chiếc Alfa Roméo và chiếc Jeep đậu chờ sẵn. Hoàng thân được mời vào chiếc Alffa Roméo và Terranova leo lên ngồi bên cạnh. Khi cách Palermo nửa giờ xe và chỉ cách Montelepre một quãng đường ngắn, hai chiếc xe dừng lại. Mọi người xuống xe. Cạnh đó, bên lề đường có một miếu thờ. Trong miếu có tượng Đức Thánh Mẫu. Terranova bái quì trước miếu và đưa tay làm dấu thánh giá. Là người sùng đạo, hoàng thân cũng toan quì xuống. Nhưng ngài kịp ngừng lại, sợ rằng lũ thảo khấu này tưởng ngài yếu bóng vía và cầu ơn trên che chở cho khỏi bị lũ này ám hại. Cả năm người bắt đầu đi theo đội hình ngôi sao. Hoàng thân đi ở giữa. Và họ bắt đầu đi xuống dốc theo lối mòn nhỏ hẹp, dẫn tới dãy núi Cammarata hoang vu.
Họ đi bộ mấy tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng, hoàng thân lại bảo họ dừng lại tạm nghỉ. Những tên hộ tống kính cẩn tuân theo. Họ ngồi trên một tảng đá và ăn xúp. Có bánh mì - thứ bánh thô - một tảng phó - mát lớn và chai rượu nho. Terranova chia đều phần ăn, kể cả cho ngài hoàng thân. Và, vẫn một giọng cung kính, Terranova nói:
- Kính bẩm ngài, rất tiếc ngay bây giờ chúng tôi không dâng lên ngài những thứ ngon lành hơn và xứng với địa vị tôn quí của ngài. Nhưng, một khi đến trại, Guiliano sẽ mời ngài dùng thức ăn nóng. Có lẽ là thịt thỏ rô - ti. Chúng tôi có một đầu bếp của một nhà hàng lớn ở Palermo.
Ngài hoàng thân lịch sự cám ơn. Và ngài dùng bữa. Lạ thay, ngài lại cảm thấy ngon miệng, có lẽ là do được vận động nên ngài cảm thấy đói. Một cảm giác mà từ nhỏ đến giờ ngài chưa từng cảm thấy bao giờ. Ăn xong, ngài rút từ trong túi ra một bao thuốc lá Ăng - lê chính hiệu và chìa ra cho bọn thảo khấu. Mỗi đứa rụt rè rút lấy một điếu, hút, khoái "đã" ra mặt. Ngài nhận thấy chúng không dám đoạt gói thuốc để dùng riêng. Thế là chúng đã được một điểm tốt của ngài rồi đó. Bởi vậy, ngài mạnh dạn nói:
- Ta bị bệnh đái đường nên hàng ngày phải dùng thuốc có chất Insulin!
- Thế mà lúc nãy ngài không dạy cho biết. Lúc đó chúng tôi có thể đợi cho ngài chừng một phút. Nhưng không sao, ngài đừng lo! Guiliano sẽ sai người đi mua thuốc hầu ngài ngay tức khắc. Chắc chắn sáng mai ngài có thuốc dùng. Xin đảm bảo với ngài điều đó.
- Cám ơn!
Hoàng thân lấy làm ngạc nhiên về sự quan tâm của Terranova tới sức khỏe của ngài. Thân hình mảnh dẻ như một con chó săn, Terranova lúc nào cũng khép nép cung kính, nhưng cũng luôn tỉnh táo, cảnh giác. Khuôn mặt thẹo chằng chịt, nhưng lúc nào cũng nở nụ cười cởi mở. Tuy nhiên, Terranova như cái lưỡi dao cạo: để xài cũng tốt, để cắt họng thiên hạ lại càng kiến hiệu.
Rồi họ lại bắt đầu đi tiếp. Terranova dẫn đầu "ngôi sao", đôi khi y đi chậm lại, sánh vai trò chuyện với hoàng thân và đảm bảo với ngài không việc gì phải lo. Họ lần lần đi lên khoảng đất bằng phẳng trên chóp núi. Ba đống lửa đốt sẵn đó. Ba bộ bàn ghế bằng tre kiểu picnic cũng được kê sẵn, đợi chờ. Ở đầu bàn, Guiliano đang ngồi đọc sách dưới ánh đèn chạy bằng bình điện của nhà binh Mỹ. Một bao bố lớn đựng đầy sách dựng bên cạnh. Lũ tắc kè bò ngang bò dọc, loạn xạ. Tiếng côn trùng rù rì khắp nơi. Âm thanh kỳ quặc ấy dường như chẳng làm cho Guiliano bực bội.
Guiliano đứng dậy, lịch sự chào hoàng thân. Hắn không có vẻ phách lối, hách dịch của một kẻ có tí ti quyền hành như mấy tên cai ngục. Nhưng khuôn mặt hắn nở nụ cười kỳ lạ và bí hiểm. Hắn tự hỏi mình đã tiến xa đến mức nào rồi. Hai năm trước chỉ là một thằng nhà quê nghèo hèn, làm gì có cơ hội mặt đối mặt với hoàng thân như thế này. Mà có đi chăng nữa, chưa chắc đã dám nhìn thẳng vào mặt ngài, nói gì đến chuyện bắt tay. Bây giờ, với lòng trắc ẩn, hắn bắt tay một người quí tộc lâu đời ở hàng cao nhất và giàu có nhất xứ Sicily.
- Ngài đã dùng cơm chưa? Để cuộc gặp gỡ của chúng ta thêm phần dễ chịu và thú vị, xin ngài cứ cho biết. Chúng tôi xin tận tình chu tất. Xin ngài dành cho chúng tôi được cái vinh dự tiếp đón ngài một thời gian ngắn.
Hoàng thân cho biết ngài đói bụng và cần thuốc insulin cũng như một vài thứ thuốc khác. Guiliano xoay mình gọi vọng xuống phía dưới mỏm đá. Chỉ một lát sau đã có mấy người từ phía dưới theo đường mòn đi lên, tay bưng các món ăn, trong đó có món thịt hầm. Guiliano đề nghị hoàng thân cứ viết đầy đủ các chi tiết và các thứ thuốc ngài cần.
- Chúng tôi có dược sĩ quen biết ở Monreale sẵn lòng bán thuốc cho vào bất cứ ngày giờ nào. Trưa mai chắc chắn ngài sẽ có đủ.
Dùng bữa xong, Guiliano dẫn hoàng thân đi xuống dốc tới một hang nhỏ lót rơm, bên trên có tấm nệm rất êm, ấm. Hai tên cướp đi theo ôm mền, gối. Hoàng thân nhìn những thạch nhũ trắng toát. Hiểu ra sự ngạc nhiên của ngài, Guiliano nói:
- Ngài là khách danh dự của chúng tôi. Chúng tôi xin tận tình làm tất cả những gì có thể làm được để ngài cảm thấy thoải mái, dễ chịu tối đa trong thời gian nghỉ ngơi tại đây. Nếu trong số anh em đây có ai dám thất lễ với ngài, xin cứ cho biết. Chúng tôi chỉ thị rất rõ là phải đối đãi với ngài đúng phẩm tước và danh dự của ngài như một nhà ái quốc người Sicilian. Bây giờ, xin phép ngài cho tôi rút lui. Chúng tôi rất cần sức khỏe của ngài. Ngày mai chúng ta còn phải đi rất xa. Kính chúc ngài ngủ ngon. Chắc chắn bọn cớm sẽ tung ra một lực lượng hùng mạnh để truy lùng. Chính vì vậy chúng ta phải rời khỏi nơi này.
Hoàng thân cám ơn sự đối đãi nhã nhặn, ân cần lịch sự của Guiliano. Ngài hỏi số tiền chuộc là bao nhiêu. Guiliano cười. Hoàng thân bị nụ cười tươi trẻ hồn nhiên của chàng thanh niên đẹp trai ấy hấp dẫn. Nhưng, câu trả lời của Guiliano đã làm tan biến ngay sự hấp dẫn ấy:
- Chính quyền của ngài sẽ treo giá cái đầu của tôi là mười triệu lire. Thật là một điều xúc phạm lớn đối với ngài, nếu tôi không đánh giá cái đầu của ngài ít ra cũng gấp mười lần cái đầu của một thằng ăn cướp như kẻ hèn này.
Hoàng thân choáng váng. Nhưng tác phong và truyền thống quí phái lâu đời của ngài đã giúp ngài nói một cách khôi hài:
- Ta hy vọng gia đình ta cũng đủ kinh tế để đánh giá như các người!
- Kính bẩm hoàng thân, chúng ta còn thời gian để thương lượng!
Khi Guiliano chào giã từ, hai tay em của hắn đã sửa soạn xong chỗ ngủ cho hoàng thân, sau đó ra ngoài cửa hang chờ xem ngài có sai bảo gì không. Mặc cho tiếng rù rì lạ tai của côn trùng, tiếng ào ào của gió núi, hoàng thân đã ngủ một giấc ngủ ngon mà từ bao năm qua ngài chưa được hưởng.
Suốt đêm đó, Guiliano bận tíu tít. Hắn nói với hoàng thân là mua thuốc tại Monreale chỉ để bảo mật, còn thật ra Montelepre, quê thì quê, chứ làm gì không có. Terranova được phái tới tu viện gặp cha bề trên, nhờ ngài làm trung gian thương lượng và nhận tiền chuộc. Guiliano thừa biết là cha bề trên cũng sẽ hành động thông qua Ông Trum. Và chắc chắn, Ông Trùm kiếm bộn tiền "cò"
Cuộc thương lượng sẽ kéo dài. Và người ta cũng hiểu tuy nói triệu nhưng còn có thể mặc cả. Hoàng thân giàu nứt đố đổ vách đó. Nhưng theo qui lệ, không có vấn đề "ta - ríp" nghĩa là giá nhất định.
Ngày thứ hai bị bắt cóc là một ngày thú vị đối với hoàng thân. Cuộc hành trình tuy dài, nhưng không vất vả, vì không phải trèo đèo lội suối, mà chỉ là di chuyển đến nhà của một tá điền ở sâu trong núi. Guiliano đúng là chúa công của tá điền này. Cung cách tiếp đón của lão đúng là cung cách của triều thần nghênh đón Đức Kim thượng giá lâm.
Con mắt tinh tế của Guiliano thấy ngay là hoàng thân buồn phiền vì y trang của ngài nhàu nát. Ngài bần thần nhìn bộ y phục đắt tiền ngài đặt may tại Luân Đôn nay bị vấy bẩn. Guiliano hỏi ngài không phải bằng cái giọng khinh khỉnh, mà chỉ là do cái óc tò mò của dân ruộng:
- Phải chăng ngài quá quan tâm đến những gì khoác trên thân thể ngài, thưa ngài?
Đúng là câu hỏi của người chưa vượt quá nhu cầu sơ đẳng: áo quần chủ yếu là để che thân. Do nhiễm nặng cái thói quen dạy dỗ và làm "cha" thiên hạ, nên cho đến lúc này, tại chỗ này, hoàng thân cũng vẫn giữ cái giọng giáo huấn. Trong lúc này, cả hoàng thân lẫn Guiliano đều không có việc gì gấp gáp, bởi vậy hoàng thân đã vui vẻ ban cho Guiliano một "cua" về "phục sức xứng y kỳ đức". Một bộ đồ may cắt khéo, bằng hàng tốt chẳng những làm tôn vẻ đẹp cho người mặc mà còn làm cho người ấy chững chạc, "tư cách" hẳn lên, khiến người khác phải trọng nể, ít nhất là ở bước đầu. Ngài thuật lại những anh thợ may ở Luân Đôn kiểu cách rởm đến nỗi tưởng như các vị công hầu ở Italia này giống máy thằng khố rách áo ôm không bằng. Hoàng thân cao hứng giảng giải tỉ mỉ về các loại hàng vải, các kiểu áo quần, các màu sắc sao cho hợp thời, hợp cảnh, cho phải phép và xứng với địa vị...
- Anh bạn Guiliano thân mến này, không phải chỉ là vấn đề tiền. Mặc dù Đức Thánh Mẫu biết rằng với số tiền ta đã bỏ ra để sắm bộ đồ này, thì một gia đình Sicilian sống dư giả cả năm, lại còn dư để cấp vốn cho đứa con gái về nhà chồng nữa. Vấn đề là ta phải cất công đến tận Luân Đôn, ở lại đó nhiều ngày cho mấy thằng thợ may vần tới vần lui, ngắm ngắm, nghía nghía, gật gật gù gù. Thật là một kinh nghiệm thảm hại. Ta tiếc là tiếc cho cái công của ta, thì giờ của ta.
Guiliano chăm chú nhìn hoàng thân với thiện ý rõ rệt.
- Sao ngài và tầng lớp quí tộc lại coi cái chuyện ăn mặc quan trọng một cách quá đáng, xin lỗi, một cách quá cầu kỳ, tủn mủn như vây? Ngay như lúc này, giữa chỗ núi rừng mà ngài cũng thắt cà - vạt. Khi đặt chân vào đến nhà này, tôi để ý thấy ngài đóng cúc áo vét, như thể có một vị công tước nào khác đang chờ đón ngài trong phòng khách?
Tuy cực kỳ phản động về mặt chính trị và giống như hầu hết các đại quí tộc Sicilian khác, không hề có một khái niệm gì về công bằng kinh tế và bình đẳng xã hội, nhưng hoàng thân lúc nào cũng có được cái cảm tưởng mình hòa đồng với giai cấp dưới. Ngài cho rằng họ cũng là người như ngài. Không một ai đã từng làm việc cho ngài, biết tính ý và nhìn nhận địa vị tôn quí của ngài, lại bị ngài làm lơ, để cho phải sống thiếu thốn. Tôi tớ trong lâu đài tôn thờ ngài. Ngài đối đãi với chúng như người thân. Ngày sinh nhật của từng tôi tớ đều được ngài ban quà. Ngày lễ, tất cả tôi tớ đều được thưởng. Trong bữa cơm gia đình, nếu không có khách, đầy tớ hầu bàn cũng được ngài cho phép góp chuyện và góp ý về những vấn đề liên qua đến công việc trong nhà. Đó không phải là điều phổ biến trong các gia đình quí tộc Italia. Giai cấp thấp chỉ bị ngài đối xử tàn tệ khi họ đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế của mình.
Và bây giờ, hoàng thân cũng có một thái độ như vậy đối với Guiliano, làm cứ như là kẻ bắt cóc ngài cũng chỉ là đứa tôi tớ muốn được hưởng một đời sống như của ngài, đời sống đáng thèm khát của một người rất giàu có và rất quyền thế. Hoàng thân đột nhiên nhận thấy có thể biến cái thời gian bị bắt cóc thành một mối lợi cho mình, mặc dù ngài phải trả số tiền chuộc khá lớn. Tuy nhiên, ngài cũng chẳng ngây thơ đến nỗi không biết rằng ngài phải tỏ ra thật thà, chân thành và đáng tin cậy, rằng không được làm một cái gì khiến cho tình hình trở nên gay cấn... Bởi vì, Guiliano đã cho thấy hắn có thể từ sự yếu đuối bật lên thành sức mạnh.
Hoàng thân đã nghiêm chỉnh và chân thành đáp lại câu hỏi của Guiliano bằng một nụ cười và bằng một câu hỏi ngược trở lại.
- Thế anh đeo chiếc cà rá ngọc và cái khóa dây nịt bằng vàng kia, để làm gì?
Ngài chờ đợi câu trả lời. Nhưng, thấy Guiliano chỉ mỉm cười không đáp, ngài bèn nói tiếp:
- Ta đã kết hôn với một phụ nữ giàu còn hơn cả ta nữa. Ta có uy tín và quyền lực chính trị. Ngay tại Sicily này, ta đã có một lãnh địa lớn bậc nhất xứ. Nhưng, qua phu nhân, ta còn tậu được một lãnh địa khác ở Brazil còn rộng lớn gấp bội. Ngay khi bàn tay ta vừa rút ra khỏi túi, thì đã có một người Sicilian đến đỡ lấy và hôn. Ngay tại Rome ta cũng được trọng vọng chẳng kém. Bởi vậy, ở thủ đô, tiền trên hết. Hễ có tiền thì có quyền lãnh đạo, có quyền cai trị. Ta có tiền, cho nên, mọi con mắt đổ dồn vào ta. Ta thấy tức cười vì ta chẳng cố ý, chẳng có gì để bắt thiên hạ quỵ lụy, khúm núm như vậy. Thế nhưng, ta vẫn được như vậy. Và đã được thì ta giữ lấy. Phải giữ lấy, nếu không, có nghĩa là ta làm nhục họ. Ngay cả khi ta đi săn, mặc bộ đồ vải thô của anh nhà quê thì bộ đồ ấy cũng phải sao cho đàng hoàng. Vải thô, nhưng là bộ đồ của ông nhà giàu, ông lớn. Đôi khi, ta thèm được làm một người như anh, hoặc như Croce. À, không hiểu anh có biết là Croce đã tìm mọi cách để giữ cho quyền lực của anh chỉ thuần là ý nghĩ và tình cảm, chứ không trở thành một hiện thực? Chẳng có mấy người vừa có quyền lực, lại vừa có lòng can đảm và vẻ đẹp quyến rũ như anh. Ấy, chính vì vừa muốn có quyền lực vừa muốn có vẻ đẹp quyến rũ mà ta - quyền lực thì đã có - phải bỏ công ra đến các tiệm may ở tận Luân Đôn!
Hoàng thân đã nói những lời ấy nghe hay và khéo đến nỗi Guiliano cười lớn. Guiliano cảm thấy thích thú thật sự, khi hai người dùng cơm tối và bàn nhiều đến sự cơ cực của người dân Sicilian và sự hèn nhát của Rome.
Hoàng thân cũng biết là Ông Trùm muốn duy trì tình trạng đó.
- Anh bạn Guiliano quí mến, tại sao anh và Croce không liên minh với nhau để cai trị đảo Sicily này nhỉ? Hắn có cái khôn ngoan của tuổi tác. Anh có cái lý tưởng của tuổi trẻ. Và khỏi nói là cả hai đều yêu Sicily. Tại sao hai người không hiệp lực với nhau? Vì thời gian sắp tới rất nguy hiểm cho mọi người chúng ta? Bây giờ, chiến tranh đã chấm dứt, tình hình đã thay đổi. Chỉ có anh và Croce có thể đảm bảo được nền tự do của Sicily. Các anh phải liên kết với nhau. Nghe Croce nói về anh, tôi có cảm tưởng hắn ta quí anh, coi anh như con của hắn. Hắn hết sức cảm mến anh. Chỉ có hắn mới có thể ngăn được cuộc chiến tranh giữa anh và đám "Người anh em". Hắn hiểu rằng anh làm cái mà anh phải làm. Ta cũng hiểu như vậy nữa. Tuy nhiên, bây giờ cả ba chúng ta có thể cộng tác với nhau để giữ vững số phận của mình. Nếu không, tất cả chúng ta đều bị tiêu diệt.
Turi không thể nào nén được sự tức giận của mình. Thằng cha nhà giàu này xấc xược quá lắm. Tuy nhiên, hắn vẫn nói với một sự bình tĩnh chết người:
- Tiền chuộc của ngài chưa bàn xong, mà ngài đã vội bàn đến sự liên minh hợp tác. Ngài có chắc mình còn sống không mà vội nghĩ ra thế?
Suốt đêm đó, hoàng thân lo ngay ngáy, thấp thỏm ngủ không được. Nhưng Guiliano tỏ ra không có ý định thực thi cái ý tưởng hắc ám của hắn. Cho nên, hai tuần lễ làm khách mời của Guiliano, hoàng thân cảm thấy rất thoải mái. Sức khỏe của ngài tăng lên rõ rệt. Thân thể ngài cường tráng ra nhờ tập thể dục hàng ngày và nhờ không khí trong lành. Trước kia, cơ thể của ngài tuy mảnh khảnh, nhưng bụng ngài cũng hơi phệ. Bây giờ mỡ bụng ấy xọp đi thấy rõ. Về phương diện thể xác, chưa bao giờ ngài cảm thấy khỏe khoắn hơn. Về phương diện tinh thần, ngài cũng thấy vui vẻ, phấn chấn hơn: ngài cũng được tự do đi chỗ này chỗ kia quanh quanh gần đó. Guiliano không canh chừng ngài một cách khắt khe. Hắn thường phải bàn bạc với đồng đảng là những người vô học dốt nát, không có văn hóa. Tuy nhiên, tánh nết của họ đã làm hoàng thân ngạc nhiên. Hầu hết những tên cướp này đều lịch sự một cách tự nhiên, có phẩm hạnh và nhất là không phải là kém thông minh. Chúng luôn luôn đối đãi với ngài theo đúng tôn ti, đúng địa vị của ngài. Và luôn luôn đáp ứng yêu cầu của ngài. Trước kia, chưa bao giờ ngài gần gũi với đồng hương Sicilian của ngài đến thế. Chính ngài cũng ngạc nhiên vì thấy sự đổi mới trong cách nhìn và trong tình cảm của ngài đối với xứ sở và dân tộc mình. Sau cùng, tiền chuộc được thỏa thuận ở mức sáu triệu đồng lire vàng. Và, tiền được trao qua Ông Trùm Croce và cha bề trên Manfredi. Đêm hôm trước khi ngài được thả, Guiliano, các sếp băng và khoảng hai mươi trợ thủ quan trọng mở tiệc khoản đãi hoàng thân. Rượu sâm - banh được chở từ Palermo tới để mừng dịp này. Và tất cả đã nâng ly chúc mừng tự do sắp tới của ngài, vì chúng cũng ngày một cảm mến ngài... Hoàng thân nâng ly rượu cuối cùng lên và nói:
- Ta đã từng là khách danh dự trong những gia đình quyền quí bậc nhất ở Sicily, cũng như ở Rome. Nhưng, chưa bao giờ ta được tiếp đãi vừa chân thành vừa nồng hậu với cung cách lịch thiệp như thế này. Chưa bao giờ ta ăn ngon, ngủ ngon như ở đây.
Ngài ngưng lại một chút, rồi lại mỉm cười, nói tiếp:
- Số tiền kể cũng hơi cao đấy. Nhưng, cái gì có giá trị thì bao giờ cũng đắt giá!
Mọi người cười ồ. Guiliano cười lớn hơn ai hết. Nhưng hoàng thân nhận thấy Pisciotta mặt lạnh như tiền, một nụ cười mỉm cũng không.
Tất cả uống chúc mừng sức khỏe của hoàng thân khiến ngài hớn hở ra mặt. Đó là một đêm ngài nhớ đời với một niềm thích thú khó quên.
Sáng hôm sau, chủ nhật, hoàng thân được thả ngay trước cửa nhà thờ chánh tòa của thủ phủ Palermo. Ngài vào nhà thờ dâng lễ Missa sớm và vâng lời tạ ơn Chúa. Ngài vẫn ăn mặc sang trọng như ngày ngài bị bắt cóc. Để tỏ lòng trân trọng, Guiliano đã ra lệnh cho một thợ may "chiến" nhất tại Rome sửa chữa và giặt ủi lại bộ đồ của ngài.
... ....
() Kidnapping: Kid (con nít) napping (chộp, bắt bất ngờ). Từ Kidnapping do đó thường chỉ những hành động bắt con nít để đòi tiền chuộc. (N.D).