Chiếc xe taxi màu xanh lá bon bon trên con đường. Cái nắng chói chang của ngày hè tháng bảy thật ghê gớm như muốn thiêu đốt cảnh vật, khiến người ta có cảm giác cuộc hành trình này kéo dài vô tận. Hai bên đường, lúa nhuộm màu vàng ươm, làn gió thổi qua khiến cả cánh đồng nghiêng ngả lượn sóng. Đi thêm một đoạn nữa thì đường hẹp dần, xe con không thể vào tới, người tài xế thông báo cho hành khách xuống.
Khánh khẽ chau mày trước khi đặt mũi giầy da bóng loáng chạm nền đất gạch. Cảnh thôn quê hiện ra, cây đa, giếng nước, mái đình đã ngay trước mắt. Tiếng xình xịch của mấy cái máy phát phía xa cùng với vẻ thiên nhiên nơi làng quê tạo nên bức tranh không chút hứng thú trong anh. Ngay khi bỏ chiếc kính hàng hiệu xuống, hai mắt anh nheo lại khó chịu.
- Cái nơi khỉ ho cò gáy gì đây?! - Đến nỗi anh phải thốt lên một câu cảm thán. Những vỏ trấu bay bay vướng vào cầu vai càng làm bực mình hơn. Bước chân đầu tiên của Khánh trên nền gạch cũ xếp so le nhau đã giẫm phải thứ gì màu nâu đen bẩn thỉu: Thật ghê tởm! - Vừa di di mũi giầy, anh bước nhanh vào sâu trong làng để tìm đến địa chỉ trong hộp thư.
Đi một đoạn anh lại dừng trước tán cây, lau mồ hôi và phủi bụi, đồng thời càu nhàu về chuyến đi. Những mái nhà ngói lợp lụp xụp, quán nước ven đường bán vài thứ lặt vặt, hồ nước đầy lá bèo và rác bẩn, hễ cứ bước qua là anh lại lắc đầu. Môi trường sống ở đây khác xa so với nơi anh vẫn gọi là nhà. Hy vọng địa điểm dừng chân sẽ là một ngôi biệt thự có đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ và biệt lập chốn quê mùa này.
Thực tế không như mong đợi, địa chỉ do người quản lý cung cấp là một ngôi nhà mái đỏ, có cổng sắt bị phủ kín bởi dàn hoa thiên lí, vườn rộng nhưng chỉ liếc qua thôi là biết không hề có tiện nghi bên trong. Anh loay hoay tìm chuông nhấn cửa, chợt nhận ra cái nhà cũ kĩ này có chuông mới kì cục. Thấy kẻ lạ ngó nghiêng nhìn ra nhìn vào nên đàn chó dữ tợn hàng xóm chạy xộc tới sủa ầm ĩ. Cũng may vì bên ấy khóa cổng. Chính nhờ tiếng ồn đó mà có một cô nhóc chạy ra tiếp đón.
- Anh là Vũ Nam Khánh? - Cô nhóc đã có sự chuẩn bị trước, nở nụ cười hiếu khách, nhanh nhẹn mở rộng cổng tiếp đón.
- Ờ! - Khánh còn chưa hết giật mình bởi lũ chó nhà hàng xóm. Anh đi vào và suýt bị vập đầu vào cổng bởi chiều cao ngất ngưởng.
- Em là người nhà của anh Quân, họ hàng cũng khá xa. Nhưng anh cứ yên tâm, mọi người ở đây sẽ quan tâm chăm sóc anh chu đáo. - Cô nhóc cười rất tươi, rót cốc trà lá đặt về phía vị khách cao lớn.
Khánh không nói gì, cũng chẳng biết Quân là ai trong số nhân viên công ty. Con nhỏ mặc áo màu xanh da trời đối lập với nước da ngăm ngăm do cháy nắng, quần rộng thùng thình trong khi nhìn nó gầy nhẳng, chẳng khác nào quay lưng và làm động tác chổng mông vào thời trang. Rồi anh đảo mắt quanh căn nhà. Nó có vẻ ẩm thấp, tường rêu loang lổ, ngay tới cái ghế ngồi cũng cót két. Nhà gì mà không có trần, ngước lên toàn là cột tre bắc ngang và xếp gạch đỏ nung theo hàng, cũng không có gạch lát sàn. Khánh chép miệng rồi lại trở về nhìn cốc nước. Ngay cả cái chén cũng ngả màu, và thứ nước chè tươi dậy lên vị chát chẳng buồn uống.
- Anh ngồi nghỉ em đi nấu cơm. - Nói rồi cô nhóc chui tọt xuống bếp tiếp tục công việc.
Khánh cho rằng không cần đáp lại, đặt lưng dựa vào chiếc cột trụ nâng đỡ khung nhà thì lại đến cây quạt điện ngay đối diện để số càng to thì càng kêu rì rì nhưng không máy lạnh, không trần xốp chống nóng thì chẳng còn cách nào khác. Được một lúc anh đã cảm thấy chán ngán nơi đây, càng không thể tìm được mục đích của chuyến đi lần này.
- Hắt xì!!! - Khói từ gian bếp nhỏ tỏa ra càng lúc càng nhiều, do chưa quen mùi vị đồng quê khiến mũi anh hắt hơi liên tục.
- Không thấy khói um lên mà còn quạt bếp nữa hả? - Tiến ra ngoài sân gần nơi con nhỏ đang lụi hụi quạt, anh đưa tay bịt mũi nói lớn.
- Làm thế này mới duy trì lửa để chín cơm. – Cô bé mạnh tay hơn.
- Thời buổi này còn ai làm cái trò đó nữa hả trời? - Khánh hai tay chống hông sau khi cho khẩu trang lên mặt. Sao không dùng gas mà sử dụng cái thứ ô nhiễm thế cơ chứ?
- Vậy thì nhịn cơm nhá! – Chất giọng đáp lại tinh nghịch, không hề khó chịu với thái độ của anh chút nào.
Chừng hai mươi phút sau, con bé đi ra cùng nồi cơm đã ủ trong tro kèm thức ăn.
- Đó, ăn đi! - Rồi nhỏ choàng vội chiếc áo đồng phục, cắp sách đi học luôn, không bận tâm tới những giọt mồ hôi tấm tấm trên trán.
Nhà giờ chỉ còn mình Khánh. Anh ngán ngẩm nhìn mâm thức ăn có lèo tèo vài món: cà muối, rau muống luộc và mấy miếng thịt kho. Quả cà pháo bé tin hin mà còn cắt đôi, vỏ thì thâm đen, rau luộc ngả màu vàng còn thịt thì ít lạc nhiều mỡ. Thiết nghĩ không ăn nhưng cái bụng đã réo inh ỏi tự lúc nào, anh đành cầm đũa lên và gắp.
Người ta có câu người nhà quê "chén to kho mặn" quả không sai, miếng thịt kho vừa chạm đầu lưỡi anh vội vàng nhè ra. Người đã quen ăn cao lương mĩ vị thà nhịn qua bữa còn hơn ăn cái thứ quá “mặn mà” đó.
Quanh đi quẩn lại định chợp mắt thì vừa đặt mình xuống giường đã nghe rõ tiếng mọt ăn gỗ. Khánh cố nằm giết thời gian đợi người về mở cổng. Chặng đường dài đi từ chốn phồn hoa nhất thành phố tới đây khiến anh có chút mệt mỏi, đang thiu thiu vào giấc ngủ thì tiếng heo ụt ịt nhức nhối bên tai không tài nào dứt. Anh đi ra ngoài sân, nhìn mấy con heo.
Đáp lại sự khó chịu của anh chỉ là âm thanh ụt ịt vô nghĩa. Mùi hôi phát ra ở chuồng lợn càng như muốn khiêu khích. Đành là thế, anh quay trở lại nhà, bụng rủa thầm, dặn lòng ngủ đi.