Ba hoàng tử xa kinh thành nửa năm, lúc ra đi họ cứ như thường dân vậy, chẳng có công lao gì. Tới địa phương được giao phụ trách, các hoàng tử đương nhiên sẽ ra sức cống hiến vì nước nhà với mong muốn lập thành tích.
Điểm đến của Nhị hoàng tử Triệu Thượng là Cô Tô. Thoạt tiên, anh ta định thông qua Ngân khế trang bộ Binh để tham gia vào việc của ty Ngân Dẫn. Ý đồ của Triệu Thượng không hề xấu, anh ta muốn góp sức để nhiệm vụ của ty Ngân Dẫn ở Cô Tô hoàn thành suôn sẻ. Song việc này chẳng đơn giản như anh ta tưởng. Không biết vì lí do gì, Triệu Thượng đã thôi nhúng tay vào ty Ngân Dẫn; quyển tấu chương Triệu Thượng dâng lên hôm nay báo cáo việc anh ta dẫn quân tiêu diệt một băng thủy phỉ.
Tứ hoàng tử Triệu Kính được phái tới Ký Châu. Vùng hạ du sông Hoàng Hà cắt ngang qua Ký Châu, hàng năm đều xảy ra lũ lụt trên diện rộng, cả vùng Ký Châu như biển khơi bạt ngàn, dân chúng mất nhà cửa, lưu lạc khắp nơi. Triệu Kính bèn tập hợp các thợ khéo của bộ Công, củng cố lại đê điều vùng Ký Châu.
Trong khi đó, Ngũ hoàng tử Triệu Cơ được điều tới Lương Châu. Phủ Cô Tô tuy trù phú nhưng may thay, vẫn có thủy phỉ thỉnh thoảng gây rối, có thể dựa vào đó mà thổi phồng lên. Vùng Ký Châu là nơi Hoàng Hà cắt qua, chỉ cần gia cố đê đập là có công lao để mà đệ trình. Song, miền Lương Châu thì khác hẳn.
Lương Châu nằm ở khu vực Trung Nguyên, dân cư giàu có, đời sống thái bình, từ xưa đến nay không gặp thiên tai nhân họa, cũng chưa thấy thảm họa nào phát sinh. Ngũ hoàng tử Triệu Cơ vò đầu bứt tai, may mà có quân sư tham mưu cho rằng nên khởi xướng việc chỉnh đốn tác phong quan lại. Tuy hiệu quả không rõ rệt, nhưng thắng ở chỗ ý nghĩa sâu sắc, đòi hỏi rất nhiều tâm sức, tính ra phải nỗ lực hơn cả Triệu Thượng và Triệu Kính.
Thấy những ngày cuối năm đang tới gần, ba vị hoàng tử đều muốn về kinh mừng năm mới, thế nên tất cả cùng viết tấu chương gửi về kinh đô.
Vì tấu chương của các hoàng tử không phải thông qua điện Cần Chính mà được trình thẳng lên án ngự, nên chẳng có ai “tóm tắt ý chính” hộ cho ba người. Triệu Phụ vừa mở tấu chương ra, đã gặp ngay câu “Nhi thần ở Cô Tô mong nhớ, ngày đêm không yên giấc, cứ nghĩ tới phụ hoàng là đứt từng khúc ruột…”
Rặt một lũ ăn không nên đọi, nói không nên lời.
Triệu Phụ bịt mũi, ráng đọc cho hết ba bản tấu. Sau khi đọc xong, ông cảm thấy khá hứng thú với việc mà Ngũ hoàng tử Triệu Cơ đã làm được. Ông cầm quyển tấu thứ ba, ngắm nghía hồi lâu, bèn cho gọi Thượng thư bộ Lại Thẩm Vận vào hỏi: “Các con của trẫm muốn về Thịnh Kinh mừng tất niên, Thẩm khanh thấy sao?”
Thẩm Vận cung kính thưa: “Cứ mỗi dịp đầu năm mới, quan viên địa phương từ ngũ phẩm trở lên đều phải đến bộ Lại báo cáo công tác. Ba vị hoàng tử hồi kinh là lẽ đương nhiên, song thân phận của các hoàng tử cao quý, không cần thiết phải tuân theo quy củ của bộ Lại, về kinh trước dịp năm mới cũng không đáng ngại. Thần thấy, việc này vô cùng hợp lí.”
Triệu Phụ: “Vậy thì cho phép chúng về.”
Tin ba hoàng tử sắp hồi kinh được truyền khắp Thịnh Kinh ngay trong đêm ấy.
Quan sai đem thánh chỉ tới Cô Tô, Ký Châu, Lương Châu, các quan viên Thịnh Kinh ai ai cũng có suy đoán riêng.
Đường Thận cũng đánh hơi được sự bất thường trong ý chỉ của Triệu Phụ. Việc các hoàng tử hồi kinh không hề nhỏ, chỉ sợ chuyến này họ về, sóng gió ngút trời sẽ bao trùm cả kinh đô.
Nhưng chẳng ai ngờ, hoàng đế hạ chỉ chưa đến hai ngày, thành Thịnh Kinh đã phát sinh một chuyện hết sức ngộ nghĩnh.
Hữu Thị lang bộ Công kiêm Thiếu khanh Đại lý Tự Tô Ôn Duẫn – Tô đại nhân, bị người nhà ép cưới!
Tô đại nhân năm nay hai mươi sáu tuổi, quả thật là hơi lớn tuổi rồi mà vẫn chưa vợ con gì. Nhà họ Tô là danh gia vọng tộc vùng Bắc Trực Lệ, trong số những người làm quan thuộc thế hệ này, chỉ có mình Tô Ôn Duẫn có địa vị cao nhất, thế nên chẳng ai dám hối thúc anh ta. Vả lại, Tô Ôn Duẫn quanh năm ở kinh thành, nhà họ Tô cũng chẳng thể tới Thịnh Kinh mà thúc ép được.
Dầu vậy, sang năm Tô Ôn Duẫn hai mươi bảy tuổi rồi, Tô gia không thể nào ngồi yên được nữa.
Tô lão phu nhân già cả chẳng quản ngày đêm đi từ Bắc Trực Lệ lên kinh thành, cầm theo cả gia quy lẫn pháp tiên, bắt Tô Ôn Duẫn quỳ trong từ đường. Đọc thuộc lòng gia quy trước linh vị tổ tiên và bài vị phụ mẫu. Bà cụ buộc Tô Ôn Duẫn phải chừa cái thói buông thả đi mà liệu đường thành gia lập thất.
Thường thường chỉ các quan có tội phải làm bia ngắm sống để Thiếu khanh Đại lý Tự hành cho ra bã, chứ đời thuở nào có chuyện người khác răn dạy anh ta? Tin đồn sốt dẻo này truyền khắp hang cùng ngõ hẻm Thịnh Kinh trong chớp mắt, thành chuyện cười trong gia đình của vô số quan viên.
“Trong ba tội bất hiếu, tội không con là nặng nề nhất. Cháu có thấy mình phụ lòng mẹ cha trên trời không?”
Tô Ôn Duẫn quỳ bầm hai đầu gối, nhưng anh ta không dám hỗn với bà nội. Thương thay cho một đại quan tam phẩm, bị bắt phạt quỳ ở nhà mà chẳng cự cãi được chi.
Vụ việc xôn xao dư luận này chẳng mấy chốc đã đến tai Triệu Phụ.
Triệu Phụ gọi Tô Ôn Duẫn vào cung, tò mò hỏi: “Thật đấy à?”
Trông biểu cảm của Tô Ôn Duẫn lúc này mới hài hước làm sao, hai gối sưng vù vì quỳ lâu, còn giả thế nào được?
Điện Thùy Củng vang lừng tiếng cười khoái chí của Triệu Phụ.
Mấy ngày sau, Hữu Thị lang bộ Công nhận thánh chỉ, đi tuần tra quan đạo Thứ Châu sau khi đã được thi công hoàn thiện.
Ý chỉ được ban hành, các quan mỗi người một cảm xúc.
Về phần mình, Đường Thận thấy khá thú vị: “Chuyện ép cưới của nhà họ Tô dễ là thật lắm. Bản thân Tô Ôn Duẫn cũng không ngờ Tô lão phu nhân sẽ lên Thịnh Kinh. Chỉ có điều, bị ép phải quỳ trước từ đường một ngày đêm… có thật là Tô Ôn Duẫn đã làm thế không?”
Đường Thận thầm than thở: “Dù thế nào đi chăng nữa, nhờ chuyện này, anh ta đã có cớ để rời Thịnh Kinh, có khi phải đến lập xuân năm sau mới về, thế là tránh được vụ ba hoàng tử.”
Tô Ôn Duẫn rời kinh thành một cách hợp tình hợp lí, song những người khác không may mắn như anh ta.
Đường Thận không hề biết, một ngày trước khi Tô Ôn Duẫn rời kinh, có một bản tấu chương được gửi từ U Châu đến Thịnh Kinh, trình lên án ngự của Triệu Phụ. Thượng thư Tả bộc xạ Vương Trăn dâng thư tâu rằng công việc của ty Ngân Dẫn hết sức gian khổ, khó mà hoàn thành trong một sớm một chiều, cũng chẳng thể thành công chỉ dựa vào sức một người. Ngụ ý rằng hoàng đế hãy cho thêm người phụ giúp, điều Đường Thận đến U Châu quản lí ty Ngân Dẫn cùng với chàng.
Triệu Phụ đã biết rõ quan hệ giữa Vương Trăn với Đường Thận, giờ Vương Trăn gửi tấu chương với nội dung này, còn viết một câu ở cuối ngầm bày tỏ nỗi nhớ Đường Thận da diết. Chuyện riêng tư thầm kín thế này chỉ có sủng thần mới dám tâu với hoàng đế thôi, người khác đọc không thể hiểu, nhưng Triệu Phụ thì biết thừa ý Vương Tử Phong.
Triệu Phụ trải quyển tấu văn chương lai láng của Vương Trăn ra, phê một câu hờ hững.
“Trẫm biết rồi.”
Ngay hôm đó, Triệu Phụ phái Dư Triều Sinh và Từ Lệnh Hậu đến U Châu, riêng Đường Thận thì không được gọi.
Mấy hôm sau, Đường Thận biết chuyện Vương Trăn đòi người với hoàng đế, liền hiểu ngay ẩn ý của chàng. Vương Trăn hết lòng hết dạ như thế khiến Đường Thận hạnh phúc xiết bao, cậu bèn viết một phong thư gửi đến U Châu. Lời ít ý nhiều, thư viết một áng thơ của thi nhân triều trước.
“Mong chàng vơi nỗi ưu phiền
Mong cho mơ chín bên ngoài song tây.
Mùa mơ vàng mưa giăng lất phất,
Hẹn tương phùng cùng hưởng yên vui.”
[] Ở vùng Giang Nam, mơ chín vàng vào lúc cuối xuân đầu hạ, cũng là lúc có mưa phùn. Đại ý là nhớ nhung hẹn sớm gặp nhau.
Gửi thư đi U Châu xong, Đường Thận tập trung tinh thần, suy ngẫm dụng ý của Triệu Phụ.
Đường Thận vốn là Hữu Phó ngự sử ty Ngân Dẫn, Vương Trăn cần người phụ việc, hoàng đế phái cậu đi là hoàn toàn hợp lí. Thế nhưng ông ta thà phái Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hậu cũng không để cho Đường Thận đi.
Sang tháng Chạp, thời tiết ngày càng lạnh giá.
Nhìn mây mù giăng kín bầu trời thành Thịnh Kinh, Đường Thận nhíu đôi mày.
Chuyện gió đổi mây dời trong chốn quan trường, chưa bao giờ can hệ tới dân chúng.
Tất niên sắp đến, Diêu đại nương và Đường Hoàng sắm rất nhiều đồ Tết, lại dán câu đối trên khắp các cửa trong nhà. Mười sáu tháng chạp, Diêu Tam về tới Thịnh Kinh, anh ta báo cho Đường Thận một tin mừng ngay lập tức: “Tiểu đông gia, quả nhiên thứ cậu muốn tìm có ở nước Liêu!”
Đường Thận kinh ngạc: “Tìm được thật rồi ư?”
Diêu Tam: “Chẳng nhẽ tôi lại dối cậu sao? Ban đầu, cậu nói thứ cậu muốn tìm có rất nhiều ở miền Bắc, không cần phải sang nước Liêu, ở quanh vùng Cảnh Châu cũng có. Thế mà tôi tìm mất hơn một năm vẫn không phát hiện ra thứ ấy, lúc thì quá ít, lúc thì không sử dụng được. Nhưng tiểu nhân vẫn chưa hiểu cậu cần thứ đó để làm gì? Tôi hỏi loanh quanh dân bản xứ, thì họ bảo thứ này không dùng để làm chất đốt, cũng không dùng cho việc luyện sắt hay những mục đích tương tự. Chẳng nhẽ rèn sắt phải tốn nhiều như cậu nói thật sao?”
Đường Thận: “Nó được gọi là gì?”
Diêu Tam đã quá quen với việc Đường Thận tìm được đủ thứ trong sách cổ nhưng không biết tên, rồi lại sai anh đi lùng kiếm. Anh ta đáp: “Dân bản xứ gọi nó là thạch mặc. Vật đó đen thùi lùi, rất cứng, tôi chẳng thấy có tác dụng gì sất.”
[] Tức than chì (graphite). Dùng làm điện cực, ruột bút chì, luyện thép v…v…
Đường Thận thở dài: “Thì ra tên nó là thạch mặc. Thạch mặc…” Cậu cười, “Hóa ra tên nó là thế, cũng hay đấy. Anh không thể biết được lợi ích của nó đâu, thật ra đến giờ tôi cũng chưa rõ. Có thể đến khi số tôi tận, lực tôi kiệt, nó vẫn chỉ là thứ thạch mặc dùng để luyện sắt, cũng có thể nó sẽ sáng ngang với vàng, khiến vô vàn người thèm khát.”
Diêu Tam kinh ngạc: “Kì diệu đến vậy ư?”
Đường Thận: “Tôi chợt nhớ ra rằng, thuở chân ướt chân ráo bước vào quan trường, có một chức quan tôi vẫn mong được làm nhất.”
Diêu Tam: “Tiểu đông gia, cậu muốn làm chức gì? Phải chăng là làm quan lớn nhất phẩm như Vương đại nhân?”
Đường Thận dần bình tĩnh lại, cậu bật cười: “Giống Vương Tử Phong ư? Thượng thư Tả bộc xạ ư? Hay là giống Hữu tướng Vương Thuyên – Vương tướng công, làm Tả tướng, Hữu tướng, quyền nghiêng thiên hạ? Thật ra tôi chẳng bao giờ ước ao được làm quan lớn nhất phẩm. Liệu có ai biết, hôm vinh danh bảng vàng, khi tôi cưỡi trên con tuấn mã đi ra từ cổng Tuyên Võ, người tôi trông thấy lại là Viên Mục – Viên đại nhân?”
Diêu Tam: “Viên đại nhân là ai thế ạ?”
Đường Thận nghiêm túc nói: “Thượng thư bộ Công, Viên Mục – Viên đại nhân!”
Diêu Tam ngỡ ngàng: “Chức quan tiểu đông gia muốn đảm nhiệm nhất là Thượng thư bộ Công sao?”
“Ấy là tôi từng nghĩ thế thôi. Đã vào triều đình thì anh không còn quyền quyết định việc mình có thể làm, hay mai sau mình sẽ ra sao. Thế sự thuận theo ý trời chứ không thuận theo ý người ư? Phải nói là thuận theo ý vua mới đúng!”
Trong lúc Đường Thận hồi tưởng quá khứ, bùi ngùi xúc động, có năm cỗ xe ngựa tiến vào cổng Tây kinh thành.
Ngũ hoàng tử Triệu Cơ là người đầu tiên về kinh.
Ngày hăm bốn tháng Chạp, Nhị hoàng tử Triệu Thượng từ Cô Tô ngàn dặm xa xôi cũng trở lại kinh thành.
Hôm đó, Đường Thận cáo ốm ở nhà, không tiếp khách.
Vừa quay lại Thịnh Kinh, cả ba hoàng tử đều thấp tha thấp thỏm, lo sợ bất an, không dám vọng động. Song, hoàng đế quá chuyên tâm cầu thần khấn phật, khi gặp các con cũng chỉ hỏi mấy câu như “nửa năm vừa qua ăn có no, mặc có ấm không”, rồi phớt lờ họ.
Tứ hoàng tử Triệu Kính đến viếng thăm Kinh triệu doãn Lưu Toàn Đức trước tiên, hai người là bạn thân đã nhiều năm nay, gặp gỡ cũng không ngại gì. Ấy là Triệu Kính thử nước để xem hoàng đế phản ứng ra sao. Vậy mà Triệu Phụ vẫn thờ ơ, thế là anh ta yên trí, bắt đầu thăm hỏi dần dần các quan khác. Hai vị hoàng tử còn lại thấy thế cũng hành động ngay, không nề hà gì nữa.
Đến ngày hăm chín tháng Chạp, một đêm trước giao thừa, hoàng đế mở tiệc ở Yến Xuân Các, chung vui với quần thần.
Đêm giao thừa hằng năm là thời điểm tổ chức gia yến trong hoàng cung, buổi yến đó chỉ có hoàng thân quốc thích mới được tham dự. Vì thế nên đêm trước giao thừa là lúc hoàng đế bày tiệc cho các quan lại cùng tham gia.
Buổi tiệc long trọng như thế, Đường Thận kiểu gì cũng không trốn được.
Đêm đến, có đến hàng trăm cỗ xe ngựa nối đuôi nhau thành hàng dài dằng dặc ngoài cổng cung. Các quan mặc quan bào, xuống xe ngựa, đi bộ vào cung. Phàm các quan tứ phẩm trở lên, dù đang giữ chức gì thì cũng đều được dự tiệc ở Yến Xuân Các. Vì thế nên trên đường vào tiệc, Đường Thận chỉ gặp một vài người quen, còn đâu phần lớn là những người xa lạ.
Cung nga thắp nến trong hoàng cung, dưới ánh đèn rạng rỡ, ba vị hoàng tử được các quan tiền hô hậu ủng, tiến vào Yến Xuân Các.