Sau khi kể về thân thế Đường Hoàng, bản thân Đường Thận cũng cảm thấy xa lạ.
Những năm qua, cả cậu lẫn Đường tú tài đều coi Đường Hoàng là người nhà, không ai xem con bé như người ngoài cả. Giờ nói rõ xong, trong thoáng chốc, Đường Thận có hơi buồn. Cậu nói: “Thật ra chuyện này đã không còn quan trọng từ lâu rồi, A Hoàng chính là em gái ruột của ta.” Ngừng một lát, cậu ngẩng lên nhìn Vương Trăn: “Sư huynh sẽ không kể chuyện này ra ngoài chứ?”
Hiện giờ người biết việc này chỉ có mình cậu và Vương Trăn thôi.
Vương Trăn nhếch một bên mày: “Tại sao ta phải kể?”
Đường Thận gật đầu. Cậu chỉ hỏi bâng quơ thế thôi, Vương Trăn hơi đâu mà đi kể cho người khác.
Tất nhiên cậu không nghĩ rằng, đừng nói tới chuyện loan báo rùm beng, ngay lúc này thôi, Vương đại nhân đã thầm nhủ phải tìm một mối thật tốt cho Đường Hoàng rồi. Nếu chỉ là em gái Đường Thận thì chẳng đáng ngại, nhưng giờ lại tòi ra thân phận “dâu nuôi từ bé”. Vương đại nhân chưa bao giờ hoài nghi sức quyến rũ của mình, cũng không nghĩ Đường Thận với em gái cậu có thể nên chuyện gì.
Nhưng mà…
Dâu nuôi từ bé ấy à.
Vương đại nhân mỉm cười, điềm nhiên không nói gì hết.
Vương Trăn trăm công nghìn việc, sự vụ cỡ này đương nhiên không thể để chàng đích thân lo liệu được. Chàng viết một lá thư gửi về Kim Lăng cho người đứng đầu Lang Gia Vương thị, tức bà nội của chàng – Vương lão phu nhân. Việc này thì lão phu nhân thế gia đương nhiên biết cách xử lí. Cụ bà nhận được thư của Vương Trăn, nguyên một đoạn dài đầu thư hoàn toàn không đề cập tới chuyện nhờ bà giúp Đường Hoàng tìm một lang quân như ý, chỉ bày tỏ lòng nhớ bà tha thiết của chàng.
Cụ bà chấm nước mắt: “Tử Phong ở Thịnh Kinh nhọc nhằn quá, tết năm ngoái nó về nhà, người gầy rộc cả đi, nhất định là bị chèn ép khổ sở lắm.”
Đọc đến cuối thư, Vương lão phu nhân cũng lưu tâm, bèn gọi các con dâu của mình đến. Mọi người bàn bạc với nhau xong xuôi thì viết thư gửi lại Thịnh Kinh. Lão phu nhân viết hai lá thư, một lá gửi cho Vương Trăn, lá kia gửi sang phủ Hữu tướng cho phu nhân Hữu tướng.
Tối đến, Hữu tướng Vương Thuyên gọi Vương Trăn sang. Ông nhìn chàng hồi lâu, bất lực than: “Con thật là! Chuyện bằng cái móng tay như thế cứ nói thẳng với ta, với nhị bá mẫu của con không được à? Việc gì phải vòng veo lôi thôi, báo xuống tận dưới Kim Lăng làm gì?”
Vương Trăn sửng sốt: “Thúc tổ, nếu con nói thẳng với người thì có hợp lễ phép chăng?”
Vương Thuyên không bắt bẻ nổi, cứng họng chẳng nói được gì.
Phải, không hợp lễ phép, nhưng bây là Vương Tử Phong kia mà, bây làm việc đã bao giờ kiềng lễ phép đâu? Ắt hẳn trong việc này có ý đồ không muốn ai biết rồi!
Dĩ nhiên, Vương Trăn có ý đồ khác.
Thứ nhất, chàng làm thế để che giấu thân thế của Đường Hoàng. Có Vương lão phu nhân khẳng định, Đường Hoàng hiển nhiên sẽ thành em gái ruột của Đường Thận. Thứ hai, chàng cố ý viết thư về nhà để báo trước cho lão phu nhân hay. Không phải ai trong nhà họ Vương cũng biết về mối quan hệ của chàng với Đường Thận, đa phần mọi người trong họ ở phủ Kim Lăng chỉ biết chàng không thích phụ nữ, chứ chưa biết chàng đã tìm được ý trung nhân.
Vương đại nhân ngẩng đầu nhìn trăng sáng, bất giác thở dài, thầm nhủ, vì sư đệ nhà mình, quả thật phải hao tâm tổn sức.
Đường Hoàng vẫn chưa biết phu nhân Hữu tướng đã bắt đầu tìm hiểu con cháu các gia đình tử tế trong tầm tuổi cho cô bé. Thực ra không nhất thiết phải tìm bằng được chồng tương lai cho Đường Hoàng, chỉ cần đưa ra vài lựa chọn để cô bé được tiếp xúc với các chàng trai ưu tú khác nhau thôi. Nếu không muốn, không ai bắt ép cô bé cả.
Gần cuối năm, sổ sách của lầu Tế Hà, Bách Bảo Các đều được tổng kết, các quản lí phụ trách phủ Cô Tô cũng lũ lượt ngược Bắc lên Thịnh Kinh.
Năm nay, Đường Thận hoàn toàn không gặp các quản lí nữa, giao phó hết cho Đường Hoàng lo liệu.
Cô gái nhỏ giải quyết mọi việc cực kì thỏa đáng, đến mùng mười tháng chạp, khi các quản lí sắp sửa rời Thịnh Kinh, Đường Hoàng triệu tập mọi người lại. Cô bé nói: “Bảy năm trước, Đường gia chúng ta mở Hậu cần Đường thị ở phủ Cô Tô, từ sau khi bán Hoàng Kim Lũ, xà phòng, việc bán buôn càng ngày càng phát đạt.”
Các quản lí nói: “Nhờ đông gia biết cách lãnh đạo.”
Đường Hoàng khoác trên mình bộ váy thuần màu vàng, nghe lời ngợi ca mà thái độ vẫn bình thản. Cô bé nhấp một ngụm trà, nói: “Các vị đừng tâng bốc ta làm gì, ta mới tiếp quản việc làm ăn của nhà họ Đường hai năm nay thôi, trước đây mọi việc đều do anh trai ta quán xuyến. Trong những năm qua, ta chứng kiến nhiều đều, dần dà cũng có vài suy ngẫm. Các vị có biết nhờ đâu mà Đường gia lớn mạnh và đạt được quy mô như ngày hôm nay không?”
“Xin đông gia giảng giải cho.”
“Vì thứ Đường gia chúng ta cực kì chú trọng, chính là hai chữ ‘thời gian’.”
“Mọi người đều biết, Hậu cần Đường thị ban đầu hầu như không có lợi nhuận. Nhưng anh trai ta đã sử dụng Hậu cần Đường thị để tự quảng cáo. Thông báo rộng rãi cho người ta hay, ấy chính là quảng cáo. Nhờ Hậu cần Đường thị mà bách tính Cô Tô đều biết đến Hoàng Kim Lũ và xà phòng, mà lợi ích từ việc đó thì không cách nào đong đếm nổi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một khởi đầu thôi. Lầu Tế Hà nhờ Hậu cần Đường thị mà luôn có nguyên liệu nấu nướng tươi ngon hơn các tửu lầu khác. Sau này, Bách Bảo Các cũng nhờ Hậu cần Đường Thị mới quy tụ được hết của ngon vật lạ khắp trời nam biển bắc vào một cửa hàng nhỏ, không gì không có.”
Ánh mắt Đường Hoàng sắc sảo: “Đó chính là tiết kiệm thời gian.”
“Bắt đầu từ năm kia, ta cho thợ thủ công ở xưởng chỉ chuyên tâm làm đúng một việc. Quen tay hay việc, tốc độ làm việc của họ càng ngày nhanh hơn, càng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Dần dà, thời gian mỗi người thợ tiết kiệm được là một chung trà, chúng ta có thể hình dung được một trăm người thợ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian không?”
Đường Hoàng đặt chén trà xuống, Chén sứ chạm xuống mặt bàn gỗ hồng mộc nghe tiếng trong veo. “Hôm nay, ta tổng kết nguyên nhân Đường gia phát triển và đạt được thành tựu như ngày nay thành ba điều. Điều một, nhờ bồi dưỡng thợ khéo và các nhân viên giỏi; điều hai, nhờ con mắt tinh tường tìm ra những cơ hội tốt; điều ba, chính là nhờ tiết kiệm thời gian.”
“Thưa mọi người, Đường gia đã phát triển được như ngày hôm nay, phải làm thế nào để lớn mạnh hơn nữa, đều phải trông vào các vị. Hi vọng sang năm, tại nơi đây, ta sẽ được lắng nghe sáng kiến của chính mọi người. Đường gia không phải là Đường gia của mình anh em chúng ta, các vị cũng là một phần của Đường gia.”
Cô gái nhỏ xinh đẹp và khí phách nhếch môi cười, bảo: “Các vị có hiểu ý ta không?”
Các quản lí mắt tròn mắt dẹt nhìn cô gái nhỏ đang ngồi ghế trên. Đây là lần đầu tiên họ không còn dám coi thường cô gái này nữa. Không biết ai khởi xướng, chắp tay nói đầu tiên: “Tiểu nhân đã rõ.” Chớp mắt, các quản lí đồng thanh hô: “Tiểu nhân đã rõ.”
Đợi khi các quản lí về hết, Đường Hoàng mới ngả lưng ra ghế, chùi mồ hôi trong lòng bàn tay.
“Anh à, mong rằng bọn họ có thể nghĩ ra vài sáng kiến hay, giống như lời anh nói. Quả đúng như anh bảo, người đông sức mạnh, nếu thực sự muốn phát triển hơn, không thể dựa vào mỗi hai đứa mình được.”
Rất lâu về sau, khi Đường Thận biết những gì Đường Hoàng nói ngày hôm nay, cậu đã vô cùng sửng sốt. Cậu chỉ nói với em gái mình rằng cậu mong cô bé có thể khiến các quản lí cùng nghĩ biện pháp phát triển khoa học và kĩ thuật, bởi chỉ có khoa học, kĩ thuật mới là phương pháp đúng đắn, mới có thể nâng cao sức sản suất. Còn tất cả những điều Đường Hoàng nói ra, cậu không hề dạy một chữ.
Nhưng đó là chuyện sau này.
Đêm giao thừa năm Khai Bình thứ ba mươi hai trôi qua vô cùng yên ắng, thậm chí có phần buồn tẻ.
Đêm trước giao thừa, Triệu Phụ y theo lệ cũ, thiết yến trong cung khoản đãi quần thần.
Tuy nhiên, vào buổi tối sau đó – tối giao thừa, không một ai trong số ba vị hoàng tử về kinh. Nói như vậy không có nghĩa ba người bọn họ không mong được về kinh, tuy trong bụng họ thật tình rất hãi sợ. Đến nay, vụ cung biến tháng giêng năm ngoài hẵng còn sờ sờ trước mắt họ. Tuy hoàng đế không trừng phạt nghiêm khắc các hoàng tử mà bắt hòa thượng Thiện Thính và Kỷ tướng gánh thay hòng miễn tội trạng cho ba người con trai của mình, song có vết xe đổ lần ấy, còn ai trong số họ dám mơ tưởng ngôi vị Thái tử trước mặt Triệu Phụ đây?
Dầu vậy, bọn họ cũng không dám làm phật ý vị vua cha tính tình khó đoán này.
Trung tuần tháng chạp, ba người cùng dâng thư vào kinh, bày tỏ tâm nguyện được về kinh của mình.
Triệu Phụ nhìn ba bản tấu của các con, trông nét mặt, khó mà đoán nổi ông ta đang nghĩ gì. Hồi lâu sau, Triệu Phụ thở dài thườn thượt, nói như đùa với Quý Phúc: “Ngươi coi chúng đấy, rõ rành rành là không dám về, thế mà vẫn phải hỏi trẫm một tiếng, sợ trẫm không vui. Như thế này gọi là khôn quá hóa dại, ngu xuẩn không để đâu cho hết.”
Quý Phúc nào dám xen mồm vào chuyện của cha con nhà vua, lão chỉ biết cúi đầu ngậm tăm. Song, lão vẫn trộm liếc Triệu Phụ, tự nhủ: Quan gia, liệu ngài có phát giác rằng lúc này đây, dường như ngài cũng đã thay đổi?
Cuối cùng thì không có hoàng tử nào về kinh hết. Buổi gia yến đêm giao thừa trong hoàng cung chỉ có mỗi gia đình Cảnh vương tới, ảm đạm đến thê lương.
Trong buổi yến, Triệu Phụ không hề cười lấy một lần. Tan tiệc, ông ta cũng phủi tay áo rời gót ngay.
Quý Phúc nhanh nhẹn theo sau. Song, khi trông bóng lưng Triệu Phụ, lão bổng ngộ ra ý nghĩa của cụm từ nọ.
Cô gia quả nhân.
Hoặc giả, từ đầu chí cuối vốn chỉ là một người cô đơn lạc lõng.
Năm Khai Bình thứ ba mươi hai, ngày mười chín tháng giêng, khi trăm quan quay về làm việc chưa được mười ngày, Đường Thận đã nhận được thánh chỉ.
Kì thi Hội ở Thịnh Kinh năm nay do Thượng thư bộ Hình kiêm Tham tri Chính sự Trung thư tỉnh Dư Triều Sinh làm chủ khảo, ngoài ra chọn thêm hai mươi viên quan dưới hàm tam phẩm làm phó khảo. Các quan phó khảo cũng có cao có thấp, Đường Thận là viên quan có phẩm hàm cao nhất trong số đó.
Lần này là lần thứ hai bọn họ cùng làm giám khảo. Trước khi kì thi Hội bắt đầu, Dư Triều Sinh dẫn dắt các quan vái lạy tượng đức thánh Khổng.
Đường Thận đứng sau lưng Dư Triều Sinh, cúi mình hành lễ.
Sau khi nghi lễ kết thúc, các thí sinh đồng loạt vào trường thi. Dư Triều Sinh liếc nhìn Đường Thận; hai người cùng nhìn nhau và cười.
Chuyến làm chủ khảo này của Dư Triều Sinh diễn ra trôi chảy thuận lợi, mọi việc trong trường thi đều tốt đẹp, yên ổn, không có sai phạm nào phát sinh. Thậm chí, trong các thí sinh dự thi còn có mấy người nổi danh từ trước, văn chương điêu luyện tuyệt hay. Trong lúc chấm bài, Đường Thận có bắt gặp một quyển như vậy. Cuối cùng đến lúc gỡ hồ dán tên, cậu vừa thấy đã trầm trồ: “Hóa ra là thí sinh nhà họ Tô ở Bắc Trực Lệ.”
Họ Tô ở Bắc Trực Lệ cũng là thế gia đại tộc lẫy lừng danh tiếng một vùng. Người có chức quan cao nhất hiện giờ trong dòng họ chính là Tô Ôn Duẫn, hàm tam phẩm, hiện đang đảm nhiệm chức Thượng thư bộ Công kiêm Thiếu khanh Đại lý tự.
Ấy thế mà chỉ vỏn vẹn nửa tháng sau, kì thi Đình còn chưa bắt đầu, Tô Ôn Duẫn đã trót lọt thăng quan, lên chức Tham tri Chính sự Xu mật viện kiêm Thiếu khanh Đại lý tự, bậc nhị phẩm.
Việc thăng tiến của Tô Ôn Duẫn hoàn toàn nằm trong dự liệu của tất cả mọi người, thậm chí ngay cả Đường Thận cũng suy đoán không biết bao giờ hoàng đế mới thăng chức cho anh ta.
Hôm Tô Ôn Duẫn lên chức, tất cả các quan đều chúc mừng.
Nhưng chỉ sau một tháng ngắn ngủi, ngay khi kì thi Đình vừa kết thúc, lại có thêm thánh chỉ được ban.
“Gián nghị đại phu kiêm Hữu phó ngự sử ty Ngân dẫn Đường Thận cung kính và khiêm nhường, cần cù lập công cao, từng trải hai kì thi Hội, hiểu tường tận lòng trẫm. Thăng Đường Thận làm Hữu thị lang bộ Công kiêm Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn hàm tam phẩm, nhậm chức kể từ hôm nay.”
Chỉ vừa ban, quần thần đều choáng ngợp, ngay đến Vương Trăn cũng không dự đoán được trước tình huống này.
Đường Thận cũng ngỡ ngàng mất một lúc lâu, mãi không tiếp chỉ. Phải đến lúc thái giám truyền chỉ mỉm cười nhắc cậu: “Đường đại nhân, đừng vui mừng thái quá, hãy tiếp chỉ trước đã.” Bấy giờ Đường Thận mới tiếp chỉ, tạ ơn.
Những người khác sửng sốt là vì hiện giờ Đường Thận mới hai mươi hai tuổi, vậy mà hoàng đế đã thăng chức cho cậu, nâng cậu thành đại quan tam phẩm danh xứng với thực.
Còn Đường Thận choáng váng, là vì cậu không ngờ mình trở thành Hữu thị lang bộ Công thật.
Lúc còn một mình, Đường Thận dở cười dở mếu: “Con tạo cũng khéo trêu người lắm đây!”