Sơn Hà Bất Dạ Thiên

chương 32

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

So với triều đại trước, chế độ thi cử của Đại Tống càng nghiêm ngặt hơn. Từ thi Hương trở lên sẽ áp dụng quy chế che tên. Sau mỗi trường thi, các học chính sẽ dán giấy đè lên tên thí sinh rồi mới chấm quyển. Vì thế, nếu Vương Trăn trở thành chủ khảo thật, muốn thiên vị Đường Thận chỉ có cách nhận diện bằng chữ viết.

Thời tiên đế đã từng có trường hợp thông đồng với nhau gian lận trong khoa thi. Hồi ấy, một cử nhân hối lộ giám khảo, quy ước cứ cuối mỗi cặp câu sẽ có một chữ làm ám hiệu, giám khảo cứ theo đó mà tìm bài của tay cử nhân này. Tiếc rằng phương pháp đó thất bại, bởi trong vòng ba ngày, phải bí mật dựa theo ký hiệu để tìm ra một quyển thi trong số mười nghìn quyển là việc bất khả thi.

Đường Thận bắt chước Vương Trăn, quẳng hết mồi xuống hồ nước.

Vương Trăn: “Nghe nói trí nhớ của cá chỉ tồn tại trong vài giây ngắn ngủi.”

Đường Thận ngơ ngác: “?”

Vương Trăn nhìn chăm chú bầy cá chép hoa hơn mười con trong hồ. Chàng ngắm rõ lâu, bỗng dưng chỉ vào một con cá ăn no đến phơi cả bụng: “Đệ xem, đệ cho con cá kia ăn lắm quá, nó lăn quay ra chết rồi.”

Đường Thận: “…”

Sao lại tại tui? Rõ ràng chính anh cũng cho chúng nó ăn thế mà!!!

Về thời cổ đại lâu đến vậy, đây là lần đầu tiên Đường Thận muốn dí ngón giữa vào mặt ai đó. Thế nhưng cậu phải kiềm chế, cúi đầu không dám nhìn Vương Trăn nữa, chỉ sợ liếc thêm một cái thì không nhịn nổi ước ao đấm vỡ cái bản mặt đẹp trai thanh lịch của con người này.

Dường như Vương Trăn chẳng nhận ra điều đó, chàng vỗ tay bảo: “Làm quan chủ khảo cho tiểu sư đệ cũng là một phương án. Tiểu sư đệ, đệ có đoán được chủ khảo thi Hương năm nay là ai không?”

Đường Thận đã định thần, đáp: “Chưa ạ. Đệ mới đến Thịnh Kinh, mọi sự đều lạ lẫm. Trước đây ở Cô Tô từng nghe mọi người đồn, chủ khảo thi Hương ở cống viện Giang Nam vốn là Đại học sĩ La Chân. Tiếc là ngài La Chân đã qua đời, hiện giờ không biết chủ khảo trường thi Giang Nam là ai nữa.”

Vương Trăn: “Hiện tại viện Hàn Lâm có mười lăm học sĩ, bốn Đại học sĩ. Các điểm thi Hương trong nước, cứ theo lệ thì các học sĩ sẽ chia nhau làm chủ khảo. Trường thi Thịnh Kinh và Giang Nam thì khác, phải có Đại học sĩ chủ trì. Bốn người ấy lần lượt là Lý Đại học sĩ, Dương Đại học sĩ, Chu Đại học sĩ và Phan Đại học sĩ.”

Có hai người đầy tớ nhanh nhẹn đi vào vườn, pha trà rót nước, bưng lên hai khay điểm tâm cho Vương Trăn và Đường Thận ở ngôi đình ven hồ. Hai người đi vào đình, Đường Thận nhìn khay bánh nếp viên trắng như tuyết trên bàn, trong lòng chợt dâng lên một thứ cảm xúc khó tả. Cậu ngẩng đầu nhìn về phía Vương Trăn.

Vương Trăn nói: “Trong bốn người này. Lý Đại học sĩ tuổi đã cao. Thi Hương có ba trường, mỗi trường kéo dài cả ngày. Chẳng những thí sinh vất vả, giám khảo cũng cực khổ. Lý Đại học sĩ đã tám năm không làm chủ khảo thi Hương rồi. Ngoài ra, Dương Đại học sĩ là người Kim Lăng. Nếu không có gì thay đổi, là người cùng quê, khả năng ông ấy được điều đến Cống viện Giang Nam là rất nhỏ.” Ngừng một chút, Vương Trăn mỉm cười hỏi: “Tiểu sư đệ không thích ăn bánh ngọt à?”

Đường Thận yên lặng bốc bánh nếp cắn một miếng. “Ý sư huynh là, Dương Đại học sĩ không làm chủ khảo Cống viện Giang Nam, nên rất có khả năng là chủ khảo khoa thi này ở Thịnh Kinh?”

Vương Trăn không đáp, chỉ nói: “Thiên hạ đều biết, Dương Đại học sĩ giỏi về Chu Dịch, thích nhất là Tạp Quái Truyện. Chu Đại học sĩ giỏi về Xuân Thu, Phan Đại học sĩ giỏi về Chu Dịch.”

Đường Thận giật mình, nhìn Vương Trăn.

Giọng Vương Trăn ấm áp: “Chăm đọc Chu Dịch không bao giờ là thừa.”

Đường Thận choáng váng.

Chỉ dăm ba câu mà Vương Tử Phong đã gợi ý cho mình chủ khảo trường thi Thịnh Kinh năm nay là ai rồi!

Trong lòng nhộn nhạo, nhưng ngoài mặt Đường Thận vẫn tỏ ra bình tĩnh, cung kính thưa: “Đa tạ sư huynh đã chỉ điểm, về nhà đệ sẽ ôn kĩ Chu Dịch.”

Chỉ còn có bốn tháng nữa là tới kì thi Hương, theo lý thuyết thì sau tiết Thanh Minh tháng tới, Hoàng đế mới lập danh sách các quan chủ khảo thi Hương ở mọi điểm thi. Danh sách ấy sẽ được giữ bí mật ở Ngọc Đường trong viện Hàn Lâm. Chẳng ai biết danh tính chủ khảo thi Hương tại Thịnh Kinh, thế mà Vương Trăn dám để mình ôn kĩ Chu Dịch. Đường Thận chợt có cảm giác, dù quan chủ khảo năm nay không phải Dương Đại học sĩ hay Phan Đại học sĩ, Vương Trăn cũng có cách đổi cho bằng được.

Hai người hiểu lòng nhau nhưng không nói ra, chỉ yên lặng ăn bánh, uống trà.

Vương Trăn xem lại hai bài chế nghệ và thơ thí thiếp của Đường Thận, gọi thư đồng lấy bút và mực từ thư phòng tới, chữa vài chỗ trong bài. “Đệ về xem bài, mai viết lại rồi đưa cho ta.” Đồng thời, chàng còn sai thư đồng lấy Bảng chữ Pháp Môn đưa cho Đường Thận.

Đường Thận chưa mở bảng chữ ra nên vẫn tưởng là bảng chữ mẫu cho Vương Trăn tự viết. Hai năm trước, từ khi chưa bái Lương Tụng làm thầy, cậu đã được chiêm ngưỡng thư pháp của Vương Trăn rồi. Nét chữ rồng bay phượng múa, bút lực dồi dào mà ung dung, khó có từ ngữ nào diễn tả được hết sự tuyệt diệu.

Đường Thận: “Cảm ơn Tử Phong sư huynh đã tặng chữ mẫu, đệ sẽ chăm chỉ luyện viết.”

“Đây không phải bảng chữ mẫu của huynh đâu.”

Đường Thận ngạc nhiên nhìn anh ta.

Chỉ thấy Vương Trăn nhẹ nhàng nhấp một ngụm trà, thản nhiên nói: “Là Bảng chữ Pháp Môn của Chung Thái Sinh đấy.”

Chung Nguy, Chung Thái Sinh!

Đường Thận choáng váng, yếu ớt “Dạ” một tiếng.

Từ phủ Thượng thư đi ra, Đường Thận không chỉ đem theo bài văn và thơ của mình, còn được thêm một bảng chữ mẫu và một hộp điểm tâm nữa. Ai mà biết Vương Trăn lấy đâu ra lắm bánh ngọt như vậy, lúc Đường Thận nói chuyện với anh ta, Vương Trăn có ăn miếng nào đâu. Hay là Vương Trăn cố ý mua bánh ngọt để mời cậu ăn?

Đường Thận cứ cảm thấy có gì đó kì quặc: “Lẽ nào Vương Tử Phong coi mình là trẻ con nên cần phải chiều chuộng, dỗ dành?”

“…Còn khướt!”

“Lấy đâu ra chuyện đó!”

Về tới nhà, quản lí Lục đã mua được mấy người đầy tớ tháo vát từ chỗ nha hành.

Quản lí Lục: “Tiểu đông gia, cậu thấy người nào hợp thì giữ lại, cho đi theo mà sai phái.”

Đường Thận quan sát bốn người đầy tớ mới được mua về một hồi. Tiêu chuẩn chọn người hầu thân cận của cậu khác với chọn tôi tớ thông thường. Từ giờ trở đi hằng ngày cậu đều phải đến phủ Vương Trăn nghe giảng, người hầu gần như kiêm thêm nhiệm vụ thư đồng, cũng phải đi theo. Nếu chọn người kém quá làm Vương Trăn để ý, Đường Thận sẽ thấy không thoải mái chút nào.

Ngẫm nghĩ một lát, Đường Thận hỏi: “Trong các ngươi có ai biết chữ không?”

Bốn người đầy tớ nhìn nhau không nói gì.

Quản lí Lục nói: “Tiểu đông gia cần người biết chữ ạ? Lúc tôi mua người ở nha hành không nhắc đến điều kiện này. Đầy tớ biết chữ hiếm lắm, phải đặt hàng trước thì may ra mới mua được.”

Chợt, một người nô bộc nhỏ con đứng dậy thưa: “Tiểu nhân có biết chút chữ.”

Đường Thận “Ồ” một tiếng, hỏi: “Ngươi đã đọc sách gì rồi?”

Người nô bộc này mặt đỏ tía tai, nói: “Chỉ là hồi bé tôi có đi theo đứa anh họ, trốn dưới cửa sổ lớp học nghe lén dăm câu. Tiểu nhân chưa đọc sách bao giờ, chỉ biết chữ thôi ạ.”

Đường Thận hỏi thêm vài câu, nhận thấy người đầy tớ này biết chữ thật, dù chưa đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, nhưng Luận Ngữ đã đọc được khoảng một nửa rồi.

“Giữ lại người này đi. Ngươi tên gì?”

“Tiểu nhân tên là Lưu Thuận Trụ.”

Đường Thận: “…” Lát sau, cậu nói: “Từ giờ tên ngươi là Phương Hoán.”

“Vâng.”

Một hồi sau, Đường Thận lại thấy không hợp lắm, bèn bảo: “Khoan đã, không thể đặt tên ngươi là Phương Hoán được. Đổi thành…Phụng Bút đi.”

Phụng Bút không hiểu mô tê gì, Đường Thận bảo sao thì biết vậy: “Dạ, từ giờ tiểu nhân sửa tên thành Phụng Bút.”

Phó Vị có Ôn Thư đồng tử và Phủ Cầm đồng tử, Đường Thận trông hồ lô vẽ gáo, cũng bắt chước đặt tên tiểu đồng là Phụng Bút.

Sau khi quản lí Lục và Phụng Bút đi rồi, Đường Thận quay lại phòng riêng, mở Bảng chữ Pháp Môn của Chung Thái Sinh đặt trên bàn, rồi lấy ra hai bài chế nghệ và thơ thí thiếp mà Vương Trăn đã chữa. Đường Thận xem kĩ mấy dấu khoanh tròn trên tờ giấy tuyên và những hàng chữ nhỏ ghi chú, sửa chữa hai bên lề giấy. Xem bài hồi lâu, cậu dở khóc dở cười: “Trời ạ, suýt tí nữa thì đặt nhầm cái tên này cho thằng hầu rồi!”

Trăn dữ Vị, phương hoán hoán hề. Sĩ dữ nữ, phương bỉnh gian hề!

(Dòng sông Vĩ với sông Trân, Thủy triều vào khoảng mùa xuân dẫy đầy. Khắp vùng con gái con trai, Hoa lan mới bẻ cầm tay trao lời.)

Lúc đầu khi đặt tên cho Phụng Bút, trong đầu Đường Thận bật ra ngay bài thơ Trăn Vị trong Kinh Thi.

“…Từ giờ tốt nhất là cách xa Vương Tử Phong một chút.”

Ngoài miệng nói thế, nhưng hôm sau Đường Thận đã sửa xong bài rồi mang đến phủ Thượng thư tìm Vương Trăn. Tiếc là lần này Vương Trăn không có ở phủ, chàng còn bận việc ở bộ Hộ. Tuy thế, Vương Trăn đã dặn trước quản gia phải chiêu đãi Đường Thận, để Đường Thận ở trong phủ tập trung chữa bài. Lúc Đường Thận ra về, lại cầm theo một hộp bánh mới.

Cứ thế một tháng trôi qua.

Tiết Thanh Minh, Đường Thận thắp hương ở nhà. Cậu hướng về phía Nam dâng hương cho Lương Tụng, dẫu cách muôn trùng nghìn dặm vẫn nhớ tảo mộ cho ông.

Làm xong mọi việc, Đường Thận viết một phong thơ, gọi Phụng Bút tới: “Ngươi đem phong thư này đến phủ Thượng thư bộ Hộ, giao cho quản gia Vương phủ. Sư huynh của ta từng dặn rằng hàng tháng huynh ấy đều gửi đồ về Kim Lăng, nếu cần gửi nhờ cái gì thì có thể đưa cho quản gia. Ngươi đưa thư này tới phủ Thượng thư đi, đi sớm nhé.”

Phụng Bút nhận thư, giao tới tận tay quản gia Vương phủ.

Đến khi Phụng Bút trở về, Đường Thận trố mắt nhìn hộp bánh ngọt trong tay cậu ta.

Đường Thận: “…”

Cái số tôi khổ quá mà!

Sắp sang tháng sáu, trời càng lúc càng oi bức. Mùa đông Thịnh Kinh lạnh hơn Giang Nam, mùa hè lại không mát mẻ bằng. Mặt trời hừng hực tỏa nhiệt trên cao, Quốc Tử Giám có đến mấy trăm học trò, cộng thêm mười Bác sĩ và giảng tập. Tuy đông là thế, nhưng thầy trò Quốc Tử Giám chưa đủ cấp bậc để được hưởng thụ chậu băng trong ngày hè. Trong giảng đường nóng như thiêu đốt, các học trò vừa quệt mồ hôi vừa ra sức tụng bài.

“… Ý nghĩa của việc biên soạn Kinh Xuân Thu, là để đón đợi các vị thánh đời sau. Việc làm quân tử, chẳng phải là hạnh phúc lắm ư?”

Các học sinh đọc xong, quan Bác sĩ ngồi trên ghế rộng giảng bài cũng không chịu nổi nữa, cao giọng hô: “Buổi học hôm nay đến đây là kết thúc.”

Lũ học trò sướng rơn, tranh nhau phi ra khỏi giảng đường. Đường Thận cũng nằm trong số đó, nhưng cậu không vội. Chính vì mọi người ùa ra cửa nên cửa lớp tắc nghẽn. Một khiêng người chen chúc như thế chỉ tổ đầm đìa mồ hôi. Cậu thong thả chờ đi sau thì tốt hơn.

“Cảnh Tắc, buổi chiều có lớp ở Chính Ý Đường, đi học chung không?”

Đường Thận ngẩng đầu, liền thấy một thanh niên khoảng hơn hai mươi tuổi, dáng người mảnh khảnh, mặt mũi hiền lành đang mỉm cười nhìn mình. Thấy anh ta, Đường Thận hớn hở, đáp: “Chiều đệ xin nghỉ rồi, có việc bận. Để mai đi cùng nhau được không?”

Mai Thắng Trạch cười: “Được.”

Hai người thu dọn sách vở chuẩn bị ra khỏi giảng đường. Chợt nghe có tiếng người oang oang: “Quay vào, chen chúc cái gì! Toàn là học sinh Quốc Tử Giám, trụ cột nước nhà, sao mà vội vàng chạy khỏi nơi thánh hiền thế?”

Tất cả học trò đành phải quay lại giảng đường. Đường Thận và Mai Thắng Trạch liếc nhau, cùng quay lại chỗ ngồi.

Đường Thận phát hiện người mới xuất hiện là Lưu Tư nghiệp, trong lòng cả kinh.

Sơn trưởng của Quốc Tử Giám là Lâm Tế tửu, quan giai tam phẩm. Phụ tá cho ông có hai quan Tư nghiệp, quan giai tứ phẩm.

Lưu Tư nghiệp vuốt chòm ria mép màu muối tiêu, nhìn một lượt lũ học trò vừa ngồi lại giảng đường, tức tối hừ một tiếng: “Vừa mới kết thúc lớp học, các cậu đã tháo chạy như ăn cướp thế hả? Đức thánh Mạnh từng nói, ‘khi trời giao sứ mệnh trọng đại cho ai, trước tiên ắt phải làm khổ tâm chí họ, làm nhọc gân cốt họ’. Mới nóng nực có một chút, các cậu đã không chịu nổi ư?”

Lũ học trò nào dám phản bác, chỉ đành cúi đầu ăn năn.

Lưu Tư nghiệp hài lòng: “Hôm nay tới đây là để thông báo cho các cậu, quán khóa đầu tháng sáu, các cậu cần phải chuẩn bị kỹ càng. Như mọi tháng, quán khóa vẫn căn cứ vào chế nghệ và thơ thí thiếp các cậu viết, xếp thức bậc Giáp, Ất, Bính, Đinh. Bình thường thì không có gì đáng kể, riêng Quán khóa đầu tháng tới, yêu cầu tất cả phải nỗ lực gấp bội.”

() Quán khóa: bài kiểm tra hàng tháng

Có học sinh tò mò: “Thưa Tư nghiệp đại nhân, lẽ nào lần này có gì khác thường ạ?”

Lưu Tư nghiệp cười: “Khác thường ấy hả? Cậu nói phải! Tháng sáu nay không yên rộn rịp, binh xa nay liên tiếp nghiêm trang. Mạnh thay bốn ngựa sắp hàng, ba quân đều mặc đàng hoàng nhung y! Tướng tài lấy việc hành quân, chinh chiến làm sở trường, lấy giáo, côn làm vũ khí. Còn văn nhân chúng ta, bản lĩnh nằm cả ở ngòi bút. Quán khóa đầu tháng sáu năm nay, những học trò đạt tiêu chuẩn hạng Giáp và hạng Ất sẽ được phép đến cung Ích Ung trong Quốc Tử Giám nghe giảng vào ngày mười lăm.”

Nhiều học trò vẫn chẳng hiểu mô tê gì, Đường Thận cũng ù ù cạc cạc.

Ấy vậy mà Mai Thắng Trạch lại siết chặt lấy đống sách của mình, kích động đến nỗi mặt mũi đỏ gay, ánh mắt hừng hực ý chí.

Đường Thận thì thào hỏi: “Thắng Trạch huynh, cung Ích Ung là chỗ nào thế, đệ đến Quốc Tử Giám hai tháng nay mà chưa đi vào chỗ đó bao giờ cả.”

Mai Thắng Trạch vẫn đang rất kích động, bảo: “Bình thường Cung Ích Ung không mở cửa đâu. Đệ biết đấy, Quốc Tử Giám chúng ta dạy dỗ môn sinh của Thiên tử, là thư viện quốc học của Thịnh Kinh Đại Tống. Mỗi tháng sẽ có học sĩ Hàn Lâm viện đến Quốc Tử Giám giảng bài, lúc Lý Đại học sĩ tới đây giảng, đệ cũng đã ở đây rồi.”

Đường Thận: “Phải, lúc đó chúng mình nghe giảng ở Chính Ý đường.”

“Riêng cung Ích Ung chỉ mở cửa khi có quý nhân đến giảng. Mà thiên hạ này, chỉ có duy nhất một quý nhân có thể giảng bài ở cung Ích Ung thôi.”

Đường Thận nháy mắt đã nắm bắt được vấn đề, cậu siết nắm tay, hồi hộp nhìn Mai Thắng Trạch.

Mai Thắng Trạch nói rành rọt từng chữ: “Thánh nhân hạ phàm, là phúc trạch của Quốc Tử Giám. Chỉ khi nào nhà vua tới, cung Ích Ung mới mở cửa. Việc này ngụ ý rằng thiên tử lâm Ung đấy!”

Cùng lúc đó, tại phủ nha bộ Hộ.

Vương Trăn ngồi ghế trên, Tả thị lang và Hữu thị lang chia nhau ngồi ghế dưới hai bên trái phải. Tả thị lang là một người đàn ông trung niên để râu dê, thân hình quắt queo, ông ta thở dài, than: “Thiên tử lâm Ung ư? Sao trong buổi triều hôm nay Thánh thượng lại quyết định tới Quốc Tử Giám giảng bài chứ? Hai mươi sáu năm nay kể từ khi Thánh thượng lên ngôi, đã bao giờ bệ hạ ghé thăm cung Ích Ung đâu?”

Hữu thị lang trái lại là một người khá trẻ trung nhưng râu ria xồm xoàm, nom dáng dấp giống một võ tướng uy mãnh hơn là văn nhân. Anh ta liếc thấy Vương Trăn đang uống trà, bèn bảo: “Thiên tử lâm Ung là việc đáng mừng, Từ đại nhân, chúng ta nên chuẩn bị cho sớm.”

Từ Lệnh Hậu – Tả thị lang bộ Hộ nói: “Tần đại nhân nói phải. Vương đại nhân thấy sao?”

Hai vị thị lang cùng quay ra nhìn Vương Trăn.

Vương Trăn điềm nhiên gạt lá trà, hơi ấm tỏa lên từ chung trà nóng. Chàng nhấp một ngụm, hỏi: “Trà Long Tỉnh năm nay là loại Minh Tiền hả?”

Từ Lệnh Hậu: “Vâng.”

Vương Trăn: “Thậm diệu. Từ đại nhân mới bảo gì ấy nhỉ?”

Từ Lệnh Hậu và Tần Tự liếc nhau, không ai hé răng.

Vương Trăn đặt chung trà xuống, thở dài nói: “Đế vương thiện học, Thiên tử lâm Ung, học trò Quốc Tử Giám năm nay quả là có phúc.”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio