Cửa hàng vải này được quản lí bởi người Tống, nhưng chủ sở hữu lại là người Liêu.
Tuy nước Tống và nước Liêu thường xuyên giao dịch với nhau, nhưng trấn Lạc Hà vẫn thuộc về nước Tống, thành ra số cửa hàng của người Liêu ở trung tâm thị trấn khá ít ỏi, cửa hàng của người Tống thì chiếm phần đông. Cửa hàng này là một ngoại lệ.
Nghe Diêu Tam nói xong, quản lí đó liền đóng tiệm, dẫn họ đi vào gian phòng phía sau. Ông ta gõ cửa trước, hỏi ý kiến người trong phòng rồi mới ra cửa nói: “Các vị vào đi.”
Ba người Đường Thận theo ông ta vào.
Vào phòng rồi, trước mặt họ là một bức bình phong Thiên Sơn, tranh trang trí vẽ vào thời này nên không có giá trị mấy, nhưng phong cách mang hơi hướng của họa tiên Lưu Tử Ngang triều trước. Hai bên tường treo một vài bức tranh sơn thủy vẽ bằng mực tàu. Chỉ có số ít là có niên đại từ triều trước, còn đâu chủ yếu là vẽ trong thời kì hiện tại. Tuy tranh đẹp, nhưng họa sĩ không có tiếng tăm thì có bán cũng không được mấy đồng.
Trong phòng cũng đốt hương để thể hiện khí phái văn nhã của người đọc sách, nhưng kiểu gì cũng có cảm giác chỉ được cái mẽ ngoài.
Đường Thận đã từng vào thư phòng của Vương Trăn, lấy ngưỡng ấy mà so sánh với ở đây thì đâu phải chỉ khác nhau một trời một vực, phải gọi là trưởng giả học làm sang mới đúng.
“Mi là ông chủ của thằng nhãi họ Diêu này à?” Một giọng nói thô lỗ phát lên từ sau tấm bình phong. Ngay sau đó, một gã đàn ông trung niên bước ra. Gã cạo trọc giữa đầu, mặc áo lông của người Liêu. Dò xét từ đầu đến chân quản lí Lục xong, gã ta nói: “Trông đặc sệt kiểu Tống nhỉ.” Giọng điệu gã ta pha lẫn sự khinh bỉ và hợm hĩnh.
Quản lý Lục hơi biến sắc, cười nói: “Bỉ nhân họ Lục.”
Gã đàn ông nước Liêu: “Gia Luật Cứu.”
Quản lý Lục mỉm cười: “Thì ra là Gia Luật đại nhân.”
Cả nhóm không ai quan tâm đến họ của Gia Luật Cứu cho lắm.
Nước Liêu khác nước Tống ở chỗ, cả nước chỉ có hai họ là Gia Luật và Tiêu. Dân chúng nước Liêu không có họ, chỉ có quý tộc và tầng lớp trung đẳng mới có họ. Diêu Tam đã tiết lộ cho quản lý Lục, Gia Luật Cứu đúng là có nửa dòng máu quý tộc; gã ta là người Liêu ở quận Liễu Thành, mẹ là con nhà quyền quý. Mặc dù vậy, đến đời Gia Luật Cứu thì chỉ còn sót lại chút hư danh của quý tộc thôi.
Gia Luật Cứu là thương nhân, chủ yếu buôn bán ngựa, cũng là một phú thương ở quận Liễu Thành.
Nhưng trong vụ làm ăn này phía Đường Thận không cần mua ngựa mà cần mua dê bò.
Quản lý Lục nói: “Gia Luật đại nhân, lúc trước Diêu Tam đã nói, ta cần mua dê bò chứ không cần mua ngựa.” Người Tống bình thường vẫn có thể mua ngựa, nhưng không thể mua nhiều. “Bò là của hiếm ở Đại Tống, nhưng ta biết, ở chỗ các ông có nguồn cung rất dồi dào.”
Gia Luật Cứu: “Rất dồi dào ư? Mi chớ nói lung tung, bò ở chỗ chúng ta cũng rất đắt.”
Quản lý Lục nheo mắt, cười: “Đừng hiểu lầm thế chứ, chuyến này ta chủ yếu muốn mua dê.”
Gia Luật Cứu cười cười, phất tay gọi quản lí cửa hàng vải. Quản lí người Tống lập tức đến gần, báo một con số.
Quản lý Lục biến sắc, Diêu Tam phản ứng ngay: “Bảy ngày trước ngươi nói với ta giá khác cơ mà!”
Gia Luật Cứu cười khà khà: “Bảy ngày trước là bảy ngày trước, bảy ngày sau là bảy ngày sau. Lẽ nào người Tống tụi mi tưởng bán buôn không tăng giá bao giờ à?”
Diêu Tam muốn nổi quạu, quản lý Lục ngăn lại.
Sau lưng họ, Đường Thận trong vai người hầu ngẩng lên nhìn Gia Luật Cứu. Gia Luật Cứu chỉ liếc cậu một cái rồi thôi, không thèm để vào mắt.
Quản lý Lục liếc Đường Thận: “Chuyện này chúng ta phải về bàn bạc đã.”
Ba người nhanh chóng rời khỏi cửa hàng vải.
Trở về quán trọ, Diêu Tam không nuốt trôi nổi cục tức này: “Gã người Liêu này lật lọng như chảo chớp! Bọn chúng buôn bán ở trấn Lạc Hà xưa nay đều thế, coi người Tống không ra cái đinh gì! Nếu không phải Đại Tống thiếu thốn nhiều thứ, phải mua từ nước Liêu, tôi chẳng thèm giao du với bọn chúng.”
Nước Liêu và nước Đại Tống khác nhau, tính cách và lối sống của người Liêu rất cởi mở, không bám vào một khuôn mẫu, họ là những con người gan lì và ương ngạnh, không quá cầu kì về lề thói sinh hoạt. Người Tống quen kiểu nhã nhặn, dù cũng kèn cựa, đấu đá ngầm với nhau trong buôn bán, nhưng lúc nào cũng chừa mặt mũi cho nhau. Người Liêu thì khác, những thứ họ mua từ Tống thường là những mặt hàng xa xỉ, họ chẳng quan tâm đến giá cả vì người mua thường là quý tộc, hoặc mua để bán lại cho quý tộc.
Người Liêu giàu có vô cùng. Một trong những yếu tố quan trọng ấy là những giống ngựa tốt nhất chỉ sống trên thảo nguyên của nước Liêu, người Tống phải mua từ bên họ.
Quản lý Lục nói với Đường Thận: “Tiểu đông gia, chúng ta không cần thiết phải mua gia súc từ chỗ Gia Luật Cứu. Thịt dê bò tươi mà lầu Tế Hà cần, không phải chỉ Gia Luật Cứu mới bán được. Nhiều người Liêu khác ở trấn Lạc Hà cũng bán được cho chúng ta.”
Đường Thận trầm tư, gõ ngón tay lên mặt bàn: “Vấn đề là chỉ Gia Luật Cứu mới có con đường vận chuyển hàng đến thẳng Thịnh Kinh trong ngày.”
Quản lý Lục và Diêu Tam liếc nhau, không phản bác được.
Những thương lái người Liêu khác cũng bán thịt dê thịt bò, nhưng không ai đảm bảo được rằng có thể vận chuyển hàng đến Thịnh Kinh trong ngày. Ưu thế của Gia Luật Cứu nằm ở chỗ gã ta có tuyến đường riêng. Thịnh Kinh không phải phủ Cô Tô, không có Hậu cần Đường thị, nếu mua thực phẩm từ người khác, Đường Thận phải tốn công sức vận chuyển thực phẩm về địa điểm kinh doanh, mà chưa chắc đã đến ngay trong ngày được.
Diêu Tam: “Nhưng Gia Luật Cứu khinh người quá thể! Cái giá hôm nay gã đưa ra cao hơn bảy ngày trước đến một phần mười!”
Đường Thận cân nhắc một hồi, nói: “Chúng ta cứ mua hàng của họ đi, giá cả cũng thuận theo họ. Nhưng quản lý Lục, ngày mai chú hãy nói với Gia Luật Cứu rằng, chúng ta chấp nhận mức giá của họ, thậm chí đồng ý trả giá cao hơn.”
Diêu Tam sửng sốt: “Tiểu đông gia, cậu định…?”
Đường Thận mỉm cười nói: “Mình sẽ chơi chiêu ‘mỗi mùa một giá’. Lầu Tế Hà kinh doanh ở phủ Cô Tô hai năm nay, mọi người hẳn đã nhận ra, đến hè, lượng khách đến ăn ở lầu Tế Hà giảm đi rất nhiều phải không?”
Quản lý Lục: “Thời tiết nóng bức, ăn bát hà cung cũng nóng nên sẽ ít người ăn.”
“Đúng. Thịnh Kinh cũng giống thế thôi. Mùa hè ở Thịnh Kinh không mát hơn ở Cô Tô bao nhiêu cả. Vì thế, mùa đông chúng ta cần nhiều thịt dê, bò hơn, còn mùa hè thì cần ít hơn. Cái chính là, Gia Luật Cứu không biết điều đấy. Chính vì vậy, ngày mai khi chúng ta đến đó, quản lý Lục sẽ nói với Gia Luật Cứu rằng, chúng ta chấp nhận giá đấy, nhưng phải có bù trừ. Mùa đông thời tiết giá lạnh vô cùng, thịt dê bò không hỏng nhanh được nên yêu cầu với tốc độ vận chuyển hàng sẽ giảm đi, phía mình đương nhiên không muốn mua đắt, với mức giá thấp hơn một chút so với mức giá ông ta đề ra, bên mình sẽ chấp nhận.”
Diêu Tam vẫn chưa hiểu ra làm sao, quản lý Lục đã sáng bừng hai mắt. Ông ta nói: “Tôi hiểu rồi. Sau đó, tôi sẽ bảo gã rằng, mùa hè thời tiết nóng bức, giá thành vận chuyển thịt dê, bò tăng cao, chúng ta đồng ý trả giá cao hơn. Cứ thế mua qua bán lại, bề ngoài tưởng là bù trừ lẫn nhau, nhưng trên thực tế chúng ta tiết kiệm được khối tiền ấy chứ!”
Song quản lý Lục chỉ phấn chấn được một lát, rồi buồn bã ngay: “Nhưng tiểu đông gia ơi, chúng ta chỉ có thể gạt được một năm thôi, đến năm sau, nhất định Gia Luật Cứu sẽ phát hiện ra chỗ bất thường.”
Đường Thận hỏi ngược lại: “Sau một năm, chẳng lẽ lầu Tế Hà còn không đứng vững nổi ở Thịnh Kinh sao?”
Quản lý Lục: “Ồ, ý cậu là…”
Đường Thận thong thả nói: “Sau một năm, lẽ nào ta còn phải phụ thuộc vào người khác để vận chuyển hàng hóa, để họ đè đầu cưỡi cổ mình? Chẳng lẽ chúng ta không thể có tuyến đường vận hàng riêng của mình ư?”
“Cậu nói chí phải!”
Ngày kế, quản lý Lục đến gặp Gia Luật Cứu, đem những lời Đường Thận dạy mình nói lại với gã ta.
Gia Luật Cứu nghĩ một hồi, thấy không vấn đề gì, nhưng gã lại chìa một ngón tay: “Giá hôm nay là ngần này.”
Đường Thận nhíu mày, quản lý Lục nhẩm tính chênh lệch tiêu thụ thịt dê giữa mùa đông và mùa hè của lầu Tế Hà ở phủ Cô Tô. Vẫn có lãi! Ông ta giả vờ giận dữ nhưng bất lực, nói: “Được, chốt.”
Trên đường trở về Thịnh Kinh, quản lý Lục tính toán sổ sách, Diêu Tam thì vẫn ghim thái độ vênh váo ngạo mạn của Gia Luật Cứu.
Quản lý Lục nói: “Gã bị chúng ta chơi một vố, giờ mình là phe được lợi, chú tức tối làm gì. Coi như trả đũa cho sự vô lễ của gã là được rồi.” Nói rồi bảo Đường Thận: “Tiểu đông gia, theo tính toán dự trù của tôi, dựa trên nhu cầu tiêu thụ từng mùa của lầu Tế Hà ở Cô Tô, lần này chúng ta tiết kiệm được ít nhất ba nghìn lượng bạc!”
Đường Thận: “Còn hơn nữa đấy.”
“Dạ?”
“Ta tin rằng mức độ ưa chuộng của người dân Thịnh Kinh đối với bát hà cung, nhất là bát hà cung thịt dê, nhất định sẽ vượt xa mức độ yêu thích của người dân Cô Tô.”
Quản lý Lục vui mừng khôn xiết, song ông lại thắc mắc: “Tiểu đông gia, tôi thấy suốt dọc đường trông cậu có vẻ không được vui lắm.” Lẽ nào bọn họ lỗ ở đâu sao?
Đường Thận nhìn ông ta, rồi vén rèm xe lên. Ngoài cửa sổ, ở tít phương xa, thấp thoáng bóng dáng thảo nguyên mênh mông xanh tận chân trời.
“Người Liêu, chung quy vẫn là một mối họa ngầm.”
Việc trao đổi hàng hóa luôn chú trọng bình đẳng giữa hai bên. Họ buôn bán với Gia Luật Cứu, Gia Luật Cứu kiếm được tiền, nhưng gã ta tìm đủ mọi cách làm khó dễ họ. Gã không sợ Đường Thận đổi ý một phần là vì ở cả trấn Lạc Hà chỉ có mình gã là nuốt trôi được vụ làm ăn này. Tuy nhiên thái độ phách lối của gã thực ra xuất phát từ việc hiệp ước hòa bình bắt nguồn từ mười bảy năm trước giữa hai nước Tống – Liêu, được kí kết dựa trên chiến thắng thảm thương của người Tống!
Mười bảy năm trước, hai nước đình chiến, ký kết hiệp ước tưởng chừng như bình đẳng. Song Đại Tống thắng với cái giá quá đau lòng, tổn thất không biết bao nhiêu là binh mã.
Một tên lái buôn quý tộc nửa mùa người Liêu đã coi khinh người Tống như thế, khỏi cần nói trên triều đình, vua quan nước Liêu nhìn dân Tống bằng ánh mắt gì.
Triều Tống ở thế giới này đỡ hơn triều Tống mà Đường Thận biết, nhưng cũng chỉ đỡ hơn mà thôi.
Người khôn không đứng dưới bờ tường sắp đổ.
Hơn cả người Liêu, người Tống vô cùng sợ chiến tranh nổ ra.
Đường Thận thở dài, những vấn đề này còn xa vời tầm tay cậu lắm.
Ngày hôm sau khi Đường Thận trở về Thịnh Kinh, đến phiên cậu và Diêu Thiện lĩnh nhiệm vụ ghi chép.
Sau buổi triều ở điện Tử Thần, Hoàng đế đi đến điện Thùy Củng để xử lí chính sự. Diêu thiện và Đường Thận mỗi người ngồi một bên. Đến buổi trưa, Đường Thận thay ca với Khởi Cư xá nhân khác, chạng vạng tối thì cậu trở về, rón rén đi vào điện Thùy Củng. Cậu vừa ngẩng đầu thì chợt phát hiện ra dáng hình quen thuộc đứng giữa điện.
Đường Thận sững lại, rồi vội cúi đầu đi về chỗ ngồi của mình, nhấc bút viết.
Triệu Phụ nhìn bản tấu trên tay, nét mặt không rõ là vui hay buồn, trên đôi môi mỏng chỉ có một nụ cười nhạt. Ông ta thở dài một hơi, Đại thái giám Quý Phúc đứng hầu ngay bên cạnh hiểu ý ngay, tiến tới đỡ lấy bản tấu, thay bằng một chén trà sâm.
Vừa chạm tay vào chén, sắc mặt Triệu Phụ thoắt đổi, hất chén trà văng xuống đất.
Choang, chén sứ vỡ tan tành trên mặt đất.
Quý Phúc hốt hoảng quỳ xuống đất. Đường Thận và Diêu Thiện cũng phải đứng lên, cúi mình trước vua. Vương Trăn đứng giữa điện cũng phải cúi đầu, chắp tay làm lễ. Trên ngôi cao, Triệu Phụ vẩy nhẹ tay, giọng điệu giận dữ: “Tại sao để trà nóng thế hả?”
Quý Phúc sửng sốt, đôi mắt láo liên, lão nói: “Nô tài biết tội, nô tài biết tội rồi.”
Triệu Phụ mắng: “Có mỗi cái việc đấy thôi mà cũng không làm được, hôm nay về liệu mà ngẫm nghĩ lại cho kĩ. Tử Phong, ngươi cảm thấy nên xử lý tiện tỳ này thế nào?”
Tử Phong?
Đường Thận quá đỗi ngạc nhiên trước sự thân thiết của Triệu Phụ với Vương Trăn.
Bấy giờ, giọng nói thanh nhã của Vương Trăn mới vang lên: “Trà nóng thì nên biết nó nóng chừng nào trước khi cầm lên để mà thổi cho nguội. Bệ hạ gần đây long thể khiếm an, hẳn là Quý công công lo lắng cho bệ hạ quá nên mới chẳng may sơ suất thôi.”
“Trà nóng thì phải thổi nguội.” Triệu Phụ cười: “Nhưng trà này nóng quá, trẫm thì chẳng nhẫn nại được, thà đổ hết luôn đi cho rồi.”
Vương Trăn nhẹ nhàng cười: “Bệ hạ nói đúng quá.”
Không lâu sau, Vương Trăn rời khỏi điện Thùy Củng. Đường Thận và Diêu Thiện ngồi trong điện ghi lại những gì Triệu Phụ và Vương Tử Phong vừa nói với nhau.
Đến tối, hoàng đế về hậu cung, hai người cùng nhau rời khỏi hoàng cung.
Diêu Thiện cảm thán: “Chén trà ấy nóng thật ư?”
Đường Thận nhìn anh ta, nói: “Bệ hạ bảo là nóng.”
Diêu Thiện hiểu ý: “Ừ, ừ. Nóng thật.”
Hai người ra đến ngoài cung thì nói lời từ biệt.
Về nhà, Đường Thận nhìn chén trà đã được Phụng Bút pha sẵn cho mình, rơi vào suy tư.
Quý Phúc là ai? Lão ta là người theo hầu Triệu Phụ từ nhỏ đến lớn, hầu hạ hơn năm mươi năm nay. Một bề tôi được lòng vua như lão, có lí nào lại dâng nhầm trà quá nóng cho Triệu Phụ?
Mỗi một câu Triệu Phụ và Vương Tử Phong nói hôm nay đều có ý nghĩa sâu xa khác!
“Chưa một lần đọc Khởi Cư chú nhưng tuyệt nhiên không để tâm đến việc sửa đổi. Sở dĩ ông dám làm thế là vì căn bản ông không cần xem ghi chép. Một khi ông đã muốn làm việc gì, ông sẽ không để bất cứ kẻ không phận sự nào phát hiện. Đế vương là đấy chứ là đâu… Nhưng ngỗng trời bay qua còn để lại dấu vết, bất cứ chuyện gì cũng lưu lại manh mối thôi.”
Đường Thận lập tức lấy một quyển vở từ trong ngăn mật sau giá sách ra, lật xem.
Lần này cậu chỉ đọc lại đoạn Triệu Phụ cho đòi Tô Ôn Duẫn đến gặp, rồi tỉ mỉ nghiên cứu lại một số chi tiết mình từng không để ý.
Những người khác chắc không có cách nào phỏng đoán quân tâm, giải mã ý đồ của Triệu Phụ. Nhưng riêng Vương Trăn và người đồng nghiệp Tô Ôn Duẫn cực kì được sủng tín chắc chắn là có bản lĩnh ấy.
Hôm sau là ngày nghỉ của Đường Thận, cậu đọc suốt đêm đến tận khi nến cháy hết cây.
Ngày kế tiếp, Đường Thận giao toàn quyền phụ trách lầu Tế Hà chi nhánh Thịnh Kinh cho quản lí Lục, còn mình thì sang phủ Thượng Thư.
Buổi tối, Vương Trăn từ nha môn về, thấy Đường Thận thì việc đầu tiên là nhìn quanh quất rồi cười: “Hôm nay tiểu sư đệ không tới để tặng quà cho ta à?”
Mỗi lần Đường Thận đến phủ Thượng thư đều mang theo món này món nọ.
Bị chàng hỏi thế, Đường Thận hơi ngơ ngẩn. Hôm nay quả thật cậu không có ý định mang gì sang.
Vương Trăn khẽ gật đầu: “Nếu không đến tặng quà, hẳn là nhớ ta thật rồi.”
Đường Thận: “…”
Vương Trăn: “Có việc cần nhờ ư?”
Đường Thận đang định mở lời thì chợt nhớ đến câu “Ta là sư huynh của đệ” Vương Trăn nói ngày hôm ấy. Bất giác, áp lực phải dè dặt cẩn thận trong từng hành động liền vơi bớt đi. Cậu không hề chú ý rằng, cách nói chuyện của mình cũng trở nên thoải mái và gần gũi hơn nhiều: “Cớ gì mà mỗi lần đệ tới đây chỉ được tặng quà cho sư huynh hoặc nhờ vả?”
Điệu bộ của cậu làm Vương Trăn sửng sốt lắm, chàng chớp mắt, cười xòa: “Thế có việc gì nào?”
Đường Thận húng hắng, nói: “Ở phủ Cô Tô, sư đệ có chút sản nghiệp riêng… Khụ khụ, Tử Phong sư huynh có biết không ạ?”
Triều đình không cấm quan lại buôn bán, chuyện Đường Thận kinh doanh xà phòng và Hoàng Kim Lũ đương nhiên Vương Trăn biết. Câu “Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa” ở Kim Lăng còn do tay chàng tự viết nữa mà.
“Có, thế thì sao?”
Đường Thận: “Mấy hôm nữa, đệ sẽ mở một tửu lầu chuyên bán bát hà cung ở Thịnh Kinh, tên là lầu Tế Hà ạ.”
Vương Trăn nhướng một bên mày: “Chỉ bán bát hà cung ư?”
“Vâng, chỉ bán bát hà cung ạ.”
“Hai chữ ‘Tế Hà’ là hai chữ nào?”
“Là ‘tế hà’ trong câu ‘tu giáo nguyệt hộ tiêm tiêm ngọc, tế phủng hà thương diễm diễm kim’. Tử Phong sư huynh chưa đến Cô Tô, ở Kim Lăng thì không có lầu Tế Hà, nên mấy hôm nữa đệ muốn mời sư huynh và tiên sinh đến lầu Tế Hà cùng thưởng thức. Ăn bát hà cung vào mùa đông là việc thần tiên sung sướng nhất trên đời!”