Rốt cuộc Vương Tử Phong có “chào cờ” được hay không, Đường Thận đương nhiên không thể biết được.
Sứ thần nước Liêu chờ năm ngày, hoàng đế mới mở tiệc ở lầu Thăng Bình để chiêu đãi sứ giả. Đường Thận là quan tiếp đón, đương nhiên cũng dự tiệc theo.
Trong lầu Thăng Bình đương rộn ràng ca múa, lả lướt tay tiên.
Không phải vương tôn, quan viên nào cũng được dự yến mừng sứ giả nước Liêu ở lầu Thăng Bình. Trong buổi tiệc này chỉ xuất hiện các vương gia được hoàng đế sủng ái hơn cả, một số quan lớn, cộng thêm các quan phụ trách tiếp xúc với sứ thần, dẫn đầu bởi Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng. Đường Thận ngồi tít ở phía cuối trong nhóm quan lại. Từ góc xa, cậu thấy Triệu Phụ trong bộ long bào đang uống rượu, trò chuyện với Tam hoàng tử nước Liêu Gia Luật Hàm.
Đây là lần đầu Gia Luật Hàm đến Thịnh Kinh và cũng là lần đầu gã được gặp Triệu Phụ. Gã cứ tưởng hoàng đế Đại Tống cũng giống với phụ vương gã, uy nghiêm hà khắc, không ai dám nhìn thẳng, nói sai một câu cũng có thể bị lôi ra chém đầu. Ngờ đâu, thái độ của Triệu Phụ hết sức vồn vã, dường như có ý lấy lòng, khiến Gia Luật Hàm phổng cả mũi.
Phải lắm! Nước Đại Liêu của họ binh hùng tướng mạnh, đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi. Trước mặt người Liêu, người Tống dĩ nhiên phải nịnh nọt, a dua. Hoàng đế Đại Tống đã là gì? Thiết kỵ nước Liêu mà xuôi Nam, chẳng cần đến một tháng cũng thừa sức tắm máu thành Thịnh Kinh.
Trong lòng Gia Luật Hàm tự phụ là thế, nhưng gã không ngu đến mức cuồng ngôn. Gã bảo Triệu Phụ: “Đa tạ sự quan tâm của hoàng đế bệ hạ, ta ở dịch quán rất thoải mái, hiềm nỗi mãi mới được gặp bệ hạ, kể cũng lạ. Sáng nay, bản điện hạ còn nghĩ, có nhẽ nào hoàng đế Đại Tống không bằng lòng gặp chúng ta chăng?”
Triệu Phụ kinh ngạc: “Sao Tam hoàng tử lại hiểu lầm thế.” Nói rồi, ông ta quay ra chất vấn: “Mạnh đại nhân, trẫm ra lệnh cho khanh tiếp đón sứ giả nước Liêu từ sớm, cớ làm sao khanh lại để sứ giả hiểu lầm thế này?”
Mạnh Lãng than thầm trong bụng, lập tức đứng dậy, liếc mắt về phía Đường Thận.
Đường Thận ngồi tuốt đằng sau chứ không được ở gần Vương Trăn – người được xếp ngồi đối diện Mạnh Lãng. Hiện giờ, Vương đại nhân đang không nhìn lên, chỉ thong thả ung dung thưởng thức các món ăn, còn cái người ngồi lù lù cạnh Đường Thận là Đại nguyên soái nhị phẩm trắng trẻo đẹp trai kia. Lúc này, ngài nguyên soái đương trợn trừng trừng cặp mắt to như chuông đồng, hung tợn nhìn chòng chọc Mạnh Lãng.
Ánh mắt hắn đang nói: Những việc xương xẩu nhất lão đã quẳng tuốt cho ông đây gánh rồi, giờ sao, vẫn tính đùn đẩy trách nhiệm tiếp hử?
Mạnh Lãng kêu trời không thấu kêu đất chẳng hay, khổ sở lắm mà chịu chết không nói được.
Làm sao ông ta đoán nổi mọi chuyện sẽ thành ra thế này? Mình sai Đường Thận đi làm việc kia mà, Lý Cảnh Đức nhảy vào làm gì cơ chứ!
Vương Tử Phong là kiểu người mật miệng gươm lòng. Nếu hôm nay ông ta tâu với Triệu Phụ rằng mình giao việc cho Đường Thận nhưng Đường Thận làm hỏng, Vương Tử Phong sẽ không vội vã trả thù ngay. Sự trả thù của y sẽ kéo dài dai dẳng như mưa phùn mỗi dịp gió mùa về, lúc nhặt lúc khoan ròng rã cả tháng.
Nhưng Lý Cảnh Đức thì hoàn toàn khác.
Lý Cảnh Đức mà đã rắp tâm trả thù, chỉ e Mạnh Lãng vừa bước chân ra khỏi lầu Thăng Bình đã bị Lý tướng quân hốt ngay vào bao tải, lôi đến xó xỉnh nào đó trong cung dần cho một trận!
Mạnh Lãng rên rỉ trong lòng, tâu với Triệu Phụ: “Thần kém cỏi, không làm tròn chức trách.”
Triệu Phụ giả vờ nghiêm giọng: “Thiếu chu đáo với khách quý của trẫm, phạt ngươi một tháng bổng lộc.”
Mạnh Lãng: “Thần lĩnh mệnh.”
Gia Luật Hàm cố tình bắt bẻ, cốt là để thấy hoàng đế Đại Tống trừng phạt bề tôi vì sứ giả nước Liêu. Còn chuyện ai là người phải chịu trận thì gã chẳng cần biết. Đây là việc mà trước khi đến lầu Thăng Bình, Hán Nhi Ty Gia Luật Cần đã dặn dò kĩ lưỡng: Phải đánh phủ đầu quan Tống hòng bẻ gẫy uy thế của họ, sau này đàm phán mới không thiệt cho bên ta.
Mạnh Lãng bị phạt xong, Gia Luật Cần mới vờ vĩnh can: “Hoàng đế bệ hạ, chỉ là chuyện nhỏ thôi, đâu cần làm vậy.”
Triệu Phụ mỉm cười hòa ái, nét mặt hiền hậu nhân từ: “Sứ thần Đại Liêu là khách quý của trẫm, không thể sơ suất được.”
Gia Luật Hàm nghe thế thì sướng rơn, gã vừa vuốt ria mép vừa cười khoái trá. Sau lưng gã, Gia Luật Cần và Gia Luật Ẩn nhìn Triệu Phụ bằng ánh mắt khinh miệt. Chuyện Triệu Phụ say mê tu tiên, cả ngày chỉ tâm niệm xem làm cách nào mới đắc đạo không phải bí mật trong giới quan chức nước Liêu. Hôm nay xem ra, hoàng đế Đại Tống đúng là một tên hôn quân tầm thường, không đáng nhắc đến.
Buổi yến ở lầu Thăng Bình kết thúc, song phương chuyện trò hết sức thân tình, ai nấy đều phấn khởi.
Sau khi Triệu Phụ rời khỏi lầu Thăng Bình, các quan Đại Tống chờ sứ giả nước Liêu đi hết rồi mới ra về.
Đường Thận và Lý Cảnh Đức đi cùng với nhau; Lý Cảnh Đức vẫn đang đóng giả quan tùy tùng của Đường Thận. Vừa ra khỏi lầu Thăng Bình, hai người bị một thái giám ngăn lại. Thái giám ấy cúi mình thi lễ: “Nô tỳ xin được diện kiến Lý tướng quân, Đường đại nhân. Bẩm tướng quân, thánh thượng cho đòi ngài đến đài Đăng Tiên, mời tướng quân đi theo tôi.”
Lý Cảnh Đức dụi mũi, nói với Đường Thận: “Ta đi đã nhé.”
Đường Thận: “Lý tướng quân đi thong thả.”
Lý Cảnh Đức theo thái giám đến đài Đăng Tiên.
Hôm sau, Đường Thận không còn gặp Lý Cảnh Đức ở điện Cần Chính nữa. Mạnh Lãng dẫn đầu các quan, đích thân thương thảo với sứ Liêu. Hai bên không chọn điện Cần Chính hay bất cứ nơi nào trong cung, mà chọn nha môn bộ Lễ để đàm phán. Bao nhiêu phép tắc trang trọng khi trước, đến lúc này đều thành lời suông nước lã cả. Người Liêu vừa xuất hiện đã yêu sách ngay: “Trong cuộc chiến tại thành U Châu lần này, quân Liêu ta phải chịu tổn thất vô cùng nghiêm trọng. Các ông định bồi thường thế nào đây?”
Đòn ngậm máu phun người này mới trắng trợn làm sao!
Đường Thận dù sao cũng còn trẻ, chỉ có ba năm kinh nghiệm làm quan, da mặt hẵng còn mỏng lắm. Cậu nghe sứ Liêu nói thế thì sôi mật sôi gan.
Mạnh Lãng với Dư Triều Sinh lại khác. Hai người họ kẻ tung người hứng, vừa đấm vừa xoa.
Dư Triều Sinh chất vấn: “Gia Luật đại nhân nói vậy là có ý gì? Hai nước Tống – Liêu kí hòa ước từ hai mươi năm trước, đôi bên thống nhất không khai chiến, không giao tranh, chung sống hòa bình. Hòa ước do chính tiên đế nước Liêu các ông kí, lẽ nào Liêu Thành Tông băng hà, hòa ước cũng hết hiệu lực sao? Lần này quân Liêu các ông tấn công thành U Châu trước, cớ gì các ông lại đổ lỗi cho Đại Tống? Đại Tống chúng ta còn chưa tính sổ chuyện ấy với các ông đâu!”
Gia Luật Cần cười hằn học: “Các ngươi cũng có gan nhắc đến tiên đế nước Đại Liêu ta ư? Tiên đế nhân từ nên mới kí hòa ước với Đại Tống các ngươi. Ấy vậy mà suốt hai mươi năm qua, Đại Tống đã làm những gì? Hai tháng trước, một viên quan Đại Liêu vô duyên vô cớ chết trên đất Tống, các ngươi lấy gì để giải thích đây?”
Dư Triều Sinh toan nổi giận, Mạnh Lãng đã xen vào dập lửa ngay: “Dư đại nhân, không thể nói vậy được. Hoàng đế nước Liêu cử sứ giả tới nước ta, ngay cả tam hoàng tử điện hạ cũng đích thân thăm viếng, ấy là thật lòng muốn đàm phán với chúng ta…”
Tròn hai ngày, đôi bên vẫn tranh cãi dằng dai về việc ai mới phải chịu trách nhiệm cho chiến dịch U Châu lần này.
Phải sang đến ngày thứ ba, nước Liêu mới đồng ý nhượng bộ. Đương nhiên, họ không nhượng bộ vì quá cắn rứt lương tâm khi trơ tráo đổ vấy trách nhiệm về phía Đại Tống, mà vì quân Tống nhân lúc đêm khuya đã bí mật tập kích doanh trại quân Liêu ở Tây Bắc, thắng lợi áp đảo. Bấy giờ người Liêu mới chợt phát hiện rằng nước Tống ở phương Nam có lẽ không yếu như bọn họ tưởng. Hai mươi năm trước, cũng chính đất nước này đã từng đánh bại bọn họ.
Với chức vị của Đường Thận hiện giờ, cậu chưa thể tham dự vào quá trình đàm phán. Song để nước Liêu phải nhận một phần lỗi, họ vừa phải tốn ba ngày trời, vừa phải hi sinh máu xương binh lính Đại Tống.
Đường Thận đứng trong phòng, nghe Mạnh Lãng và Dư Triều Sinh nói về con số thương vong.
Những con số chỉ là ngôn từ lạnh lẽo, nhưng đằng sau những con số không biết nói ấy là biết bao sinh mạng phải lụi tàn.
Đại Tống sung túc hơn Đại Liêu, chi phí đổ vào quân sự cũng nhiều hơn Đại Liêu. Nhưng binh sĩ Đại Tống không mạnh bằng binh sĩ nước Liêu được trui rèn quanh năm trên chiến trường thảo nguyên. Nước Tống giàu có, song chiến tranh không chỉ đơn thuần là cuộc so găng về tiền bạc. Chiến tranh là cuộc đọ sức của thực lực quân sự.
Đường Thận lắng nghe từng câu nói, lẳng lặng, bình tĩnh quan sát động tác và biểu cảm của bọn Gia Luật Hàm từ xa.
Đến chiều, một quan sai gọi Đường Thận ra khỏi phòng. Cậu đi xuống hậu viện nha môn bộ Lễ, liền thấy Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức chờ sẵn trong sân.
Đường Thận lập tức bước đến hành lễ: “Hạ quan Đường Thận bái kiến Lý tướng quân.”
Lý Cảnh Đức nói: “Đường đại nhân, sao giờ này mà ngươi còn đa lễ với ta thế! Bản tướng quân đến là để cảm ơn ngươi. Thời gian vừa qua bắt ngươi dẫn ta theo, cuối cùng lại thành ra liên lụy đến ngươi. Ngày mai ta phải về Tây Bắc rồi, hôm nay không tới cảm ơn thì hết cơ hội mất.”
Đường Thận kinh ngạc: “Lý tướng quân phải về Tây Bắc rồi ư?”
“Đúng thế. Ngoài thành U Châu, quân Liêu chưa thôi rình rập, ta không thể không trở về.”
Lý Cảnh Đức sớm muộn gì cũng phải quay lại Tây Bắc, nhưng Đường Thận không ngờ ngày ấy đến nhanh như vậy. Cậu hơi ngạc nhiên, đêm hôm đó Triệu Phụ gọi Lý Cảnh Đức vào đài Đăng Tiên nói chuyện, ngặt nỗi cậu không thể hỏi đó là chuyện gì. Đường Thận bèn nói: “Hạ quan chúc Lý tướng quân thuận buồm xuôi gió.”
Lý Cảnh Đức khoát tay: “Ha ha, xin cảm ơn. Được rồi, ta nghe đồn Đường đại nhân giàu lắm đúng không nhỉ?”
Đường Thận bỗng cảnh giác, không biết hắn ta tự dưng nói thế với ý đồ gì.
“Ngươi đừng lo, bản tướng quân chỉ hỏi chơi thôi. Giàu thế chứ giàu nữa cũng chả vượt nổi Vương Tử Phong!” Lý Cảnh Đức bĩu môi, “Dù y có là sư huynh ngươi đi chăng nữa, ta cũng chẳng ngại nói thẳng mặt y. Nhà Vương Tử Phong giàu nứt đố đổ vách, y còn làm Thượng thư bộ Hộ, cả ngày lo kiếm tiền cho triều đình. Cứ hễ chiến tranh, ông đây vừa phải xin y tiền, vừa phải lựa theo sắc mặt y. Y là cái giống gì ấy chứ chẳng phải giống người!”
Đường Thận chỉ tủm tỉm cười, bụng bảo dạ: Để tối nay ta nhắn nhủ sư huynh giùm Lý tướng quân nhé.
Lý Cảnh Đức: “Nhưng ông đây cũng có bản lĩnh của riêng mình chứ bộ. Ta biết đánh giặc, sống nửa đời người cũng chỉ biết đánh giặc thôi. Binh sĩ Đại Tống chúng ta quả thực không bằng quân Liêu, nhưng ta cam đoan chỉ mười, hai mươi năm nữa, thiết kỵ nước ta sẽ không thua kém bọn họ! Hiềm nỗi mười năm vừa qua, mỗi trận đánh lại tiêu tốn của bọn ta cơ man tiền của. Trận đánh úp doanh trại vừa rồi còn tốn kém gấp mấy lần. Việc kiếm tiền, xin trông cậy cả vào các ngươi!”
Trong nắng vàng rực rỡ, nụ cười của Lý tướng quân sáng láng vô cùng.
Đường Thận ngắm nhìn vị tướng quân trẻ hồi lâu mới nói: “Lý tướng quân, có chuyện này hạ quan hết sức tò mò…”
“Ngươi cứ nói.”
“Hôm ấy Thánh thượng triệu ngài đến đài Đăng Tiên, phải chăng là do hạ quan chưa làm tròn bổn phận, dẫn tướng quân đến dịch quán tiếp sứ Liêu, gây liên lụy đến tướng quân?”
Vẻ mặt Lý Cảnh Đức bỗng trở nên hết sức khó tả.
Đường Thận: “Tướng quân?”
“Chắc là bị Thánh thượng mắng cho một trận tối tăm mặt mày chứ gì.” Tiếng ai du dương trầm bổng cất lên từ phía sau hai người.
Đường Thận lập tức ngoái nhìn. Dưới dàn hoa tường vi thắm đỏ, Vương Trăn khoác trên mình bộ quan bào đỏ thẫm, tay chàng cầm cây quạt, khóe môi cong hững hờ, cười mà cứ như không, lướt ánh nhìn về phía Lý Cảnh Đức.
Lý Cảnh Đức: “…”
Đường Thận nhoẻn cười.
Ha, xem ra chưa cần mình chuyển lời, sư huynh đã biết.