Sông Đông Êm Đềm

Chương 161

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Trấn Karginskaia đã trở thành điểm tựa của sư đoàn phiến loạn số 1. Sau khi cân nhắc đầy đủ về ưu thế chiến lược của trận địa ở gần Karginskaia, Grigori Melekhov đã quyết định là trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để mất trấn nầy. Các ngọn núi kéo dài trên bờ bên trái sông Tria là những cao địa khống chế đem lại cho quân Cô- dắc khả năng phòng thủ rất tốt. Thị trấn Karginskaia nằm ở bên dưới, bên kia sông Tria, sau đó là đồng cỏ nằm trải dài về phía nam như một tấm thảm mịn màng, thỉnh thoảng lại có cái khe hay dải đất trũng cắt ngang. Trên ngọn núi, Grigori đã tự mình chọn vị trí, đặt một đại đội pháo gồm ba khẩu đội. Gần đấy có vị trí quan trắc rất tốt là một nấm Kurgan đắp cao khống chế cả vùng chung quanh, lại có một rừng sồi và những nếp đất nhấp nhô che chở.

Gần như ngày nào cũng có những trận đánh diễn ra ở gần Karginskaia. Hồng quân thường tấn công từ hai phía: một đằng từ phía nam qua đồng cỏ, về phía một làng của dân ngụ cư Ukraina tên là Axtaknovo; một đằng từ phía đông, tiến ngược theo sông Tria về phía trấn Bokovskaia, qua những thôn Cô- dắc nối tiếp nhau. Các tuyến phòng ngự của quân Cô- dắc được đặt cách Karginskaia một trăm xa- gien, chúng rất ít khi bắn trả. Gần như bao giờ hoả lực ác liệt của Hồng quân cũng bắt chúng phải rút lui về trấn, rồi men theo những cái khe vừa hẹp vừa dốc leo lên núi. Nhưng Hồng quân không có đủ lực lượng để đuổi theo. Số lượng kỵ binh cần thiết không có đủ đã ảnh hưởng xấu tới kết quả của các chiến dịch tấn công. Có đủ kỵ binh thì sẽ có thể vận động vu hồi bên sườn, bắt quân Cô- dắc phải rút xa hơn nữa và thu hút lực lượng của chúng, giúp cho các đội bộ binh do dự giậm chân tại chỗ ở các đường vào trấn có thể rảnh tay hoạt động. Cả bộ binh cũng không thể tận dụng để tiến hành lối chiến đấu vận động như thế vì thiếu linh hoạt, không có khả năng di chuyển mau lẹ, và cũng vì quân Cô- dắc chiếm ưu thế về kỵ binh, bất cứ lúc nào cũng có thể bôn tập tấn công vào bộ binh, nhờ đó không để cho bộ binh hoàn thành nhiệm vụ cơ bản.

Ưu thế của quân phiến loạn còn ở chỗ chúng rất thuộc địa thế nên thường không bỏ lỡ những cơ hội có thể điều những đại đội kỵ binh tiến theo những khe núi tập kích vào sườn và phía sau quân địch, luôn luôn uy hiếp địch và làm quân địch bị tê liệt không tiến thêm được. Hồi ấy Grigori đã nghĩ chín một kế hoạch đánh tan lực lượng Hồng quân mà chàng đang phải đối phó. Chàng dự định giả vờ rút lui để dụ Hồng quân tiến vào Karginskaia, nhưng đồng thời phái Riaptrikov đem một trung đoàn kỵ binh vận động theo khe Gunxynskaia từ phía tây, và theo thôn Gratri từ phía đông, đánh vào sườn Hồng quân, bao vây họ và giáng một đòn chí mạng. Kế hoạch đã được nghiên cứu rất cẩn thận. Trong một cuộc hội nghị vào buổi chiều, bọn chỉ huy các đơn vị độc lập đã nhận được những chỉ thị và mệnh lệnh tỉ mỉ. Theo ý Grigori, vận động bao vây sẽ phải bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng để có thể giữ bí mật tới mức cao nhất. Tất cả đều đơn giản như trong một ván cờ. Sau khi đã kiểm tra thật cẩn thận, và điểm lại trong óc tất cả tình huống bất ngờ có thể xảy ra, tất cả những điều chưa dự tính có thể trở ngại việc thực hiện kế hoạch của mình, Grigori uống hai cốc rượu đế rồi không cởi quần áo, nằm lăn xuống giường, kéo vạt áo ca- pốt ẩm xì trùm lên đầu, đánh một giấc như chết.

Hôm sau, mới gần bốn giờ sáng các tuyến chiến đấu của Hồng quân đã chiếm được Karginskaia. Một phần của bộ binh Cô- dắc chạy qua thị trấn lên núi để đánh lạc hướng mục tiêu. Một chiếc xe ngựa quay ngựa một cách táo bạo ở lối vào Karginskaia, để hai khẩu súng máy nặng đặt trên xe tằng tằng bắn đuổi theo chúng, Hồng quân từ từ tiến vào các phố.

Lúc ấy Grigori đang có mặt ở sau nấm Kurgan, bên cạnh đại đội pháo. Chàng nhìn thấy bộ binh Hồng quân chiếm lĩnh Karginskaia và tập kết ở gần sông Tria. Trước đó đã có ước định là sau đợt hoả lực pháo binh đầu tiên, hai đại đội Cô- dắc sẽ bố trí trong các mảnh vườn dưới chân núi, đồng thời trung đoàn chịu trách nhiệm vu hồi sẽ bắt đầu vận động bao vây. Tên đại đội trưởng đại đội pháo muốn dùng lối nhằm trực tiếp bắn vào một chiếc xe ngựa chở súng máy đang phóng như bay trên cái gò Klimovsky xuống Karginskaia. Nhưng giữa lúc ấy tên quan trắc viên báo cáo rằng trên cái cầu của thôn Hạ Latysevsky, cách đấy chừng ba vec- xta, phát hiện thấy một khẩu pháo: Hồng quân đồng thời tấn công cả hướng Bokovskaia.

- Lấy súng cối giã cho chúng nó một trận, - Grigori góp ý, mắt vẫn không rời chiếc ống nhòm kiểu Zeis.

Gã giữ máy nhằm trao đổi vài câu với tên quản nắm quyền chỉ huy đại đội pháo, rồi loáng một cái đã xác định xong thành phần xạ kích. Bọn xạ thủ chuẩn bị xong, khẩu súng cối mà bọn Cô- dắc gọi là bốn đi- um rưỡi nặng nề gầm lên, đuôi bàn đế cày nát cả mặt đất.

Nhưng mới bắn phát đầu tiên mà đã trúng ngay đầu cầu. Giữa lúc ấy khẩu đội thứ hai của đại đội pháo Hồng quân đang tiến lên cầu. Quả đạn đã quét bay cỗ xe ngựa. Sau nầy hỏi ra thì được biết rằng trong sau con chỉ sống sót có một, nhưng người chiến sĩ gịữ ngựa cưỡi con nầy đã bị một mảnh đạn phạt ngọt mất cái đầu. Grigori nhìn thấy một đám khói lớn vàng vàng xám xám bốc lên phía trước khẩu pháo rồi nặng nề nở to ra. Mấy con ngựa đứng chồm thẳng lên giữa đám khói rồi lăn vật xuống như bị cắt ngang. Người thì vừa chạy vừa ngã. Người chiến sĩ Hồng quân cưỡi ngựa đang ở bên cạnh phần trước khẩu pháo trong lúc quả đạn súng cối rơi xuống bị hất bổng lên, ném xuống băng cùng với con ngựa và một đoạn lan can cầu.

Bọn Cô- dắc trong đại đội pháo không ngờ bắn được một phát trúng đích ngay như thế. Tất cả lặng đi một phút dưới chân nấm kurgan bên cạnh khẩu pháo. Chỉ có gã quan trắc ở cách đấy không xa là quỳ dậy vung tay loạn xạ và kêu lên không biết những gì.

Và lập tức ở bên dưới, từ trong khu rừng ven thôn và những khu vườn anh đào rậm rạp, nhao nhao vẳng lên những tiếng "hu- ra" và những tiếng súng ttường nổ lúc mau lúc thưa. Grigori quên cả thận trọng, chạy luôn lên nấm Kurgan. Các chiến sĩ Hồng quân chạy theo các dãy phố, từ dưới đó vẳng lên những tiếng nói lao xao, những khẩu lệnh chỉ huy giật giọng, những đợt súng bắn dồn dập.

Một trong những chiếc xe ngựa chở súng máy đã xông lên gò, nhưng ngay lúc đó, ở gần nghĩa địa, một khẩu súng máy đã quay ngoắt lại nhằm vào những tên Cô- dắc đang chạy từ trong các khu vườn ra, bắn qua đầu các chiến sĩ Hồng quân rạp mình xuống chạy.

Grigori đăm đăm quan sát đường chân trời, chỉ mong mau chóng nhìn thấy đội hình tấn công của kỵ binh Cô- dắc. Kỵ binh dưới quyền chỉ huy của Riaptrikov đã bắt đầu vận động vu hồi nhưng vẫn còn chưa thấy xuất hiện. Bộ phận Hồng quân ở sườn bên trái đã chạy tới cái cầu bắc qua khe Daburun, cầu nầy nối liền thị trấn Karginskaia với thôn Arkhipovsky ở ngay bên cạnh. Trong khi đó các chiến sĩ ở sườn bên phải đã chạy theo dọc trấn và ngã gục dưới những làn đạn của bọn Cô- dắc chiếm lĩnh hai căn phố gần sông Tria.

Cuối cùng từ sau ngọn gò thấy xuất hiện đại đội đầu tiên của Riaptrikov, rồi sau đó là các đại đội thứ hai, thứ ba, thứ tư… Các đại đội tản khai, rẽ ngoặt sang trái, cắt ngang toán Hồng quân đang chạy theo sườn đồi về Klimovka. Grigori vò đôi găng trong tay, bồi hồi theo dõi sự phát triền của trận chiến đấu. Chàng bỏ ống nhòm xuống, dùng mắt nhìn những đội hình tản khai của kỵ binh lao rất nhanh tới con đường đi Klimovka. Chàng nhìn thấy các chiến sĩ

Hồng quân quay ngược trở lại chạy về các ngôi nhà trong thôn Arkhipovka, đội hình rối loạn, chỗ thì túm tụm từng đám, chỗ thì từng người rời rạc. Nhưng đến đấy thì họ vấp phải hoả lực của số bộ binh Cô- dắc truy kích ngược dòng sông Tria, vì thế lại chạy ùa ra đường cái. Chỉ một số không đáng kể trong Hồng quân xông được về Klimovka. Cuộc đâm chém bắt đầu diễn ra trên ngọn gò, rất lặng lẽ nên càng khủng khiếp. Các đại đội của Riaptrikov chuyển hướng về Karginskaia rồi dồn ngược Hồng quân trở lại như gió thu quét lá. Bên cái cầu qua khe Daburun, chừng ba chục chiến sĩ Hồng quân thấy mình bị cắt đứt đường tiến, không còn lối thoát nữa, bèn bắt đầu bắn trả. Họ có một khẩu trọng liên và khá nhiều băng đạn. Bộ binh của quân phiến loạn vừa ló đầu trong các khu vườn ra thì khẩu súng máy bắt đầu hoạt động với một tốc độ như lên cơn sốt rét. Bọn Cô- dắc ngã xuống, bò tới ẩn nấp sau những nhà kho và những bức tường đá vây quanh những sân gia súc. Đứng trên gò có thể nhìn thấy mấy tên Cô- dắc vừa chạy vừa lôi một khẩu súng máy chạy theo một dãy phố ở Karginskaia. Đến bên một trong những ngôi nhà gần thôn Arkhipovka nhất, chúng ngập ngừng một lát rồi chạy vào trong sân. Chẳng mấy chốc từ trên nóc căn nhà kho trong cái sân ấy nổ ra những tiếng tằng tằng rất mạnh. Grigori nhìn trong ống nhòm thấy rõ cả mấy gã súng máy. Một gã mặc chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình lồng trong đôi bừ tất trắng, dạng rộng chân, khom người sau lá chắn, rồi nằm soài một mình trên mái nhà. Một tên khác leo lên cái thang với những băng đạn quấn nhằng nhịt quanh mình. Bọn Cô- dắc trong đại đội pháo quyết định chi viện cho bộ binh. Một loạt đạn ghém bắn trùm lên nơi tập trung của đám Hồng quân đang chống cự. Một quả đạn phá cuối cùng nổ tách hẳn ra xa.

Mười lăm phút sau khẩu súng máy của Hồng quân ở gần Daburunnyi bất thần lắng bặt và lập tức vang lên những tiếng "hu- ra" ngắn ngủi. Những cái bóng của bọn kỵ binh Cô- dắc lấp loáng sau những thân liễu trần trụi.

Tất cả thế là xong.

Theo lệnh của Grigori, dân chúng Karginskaia và Arkhipovka đã dùng những cái móc và câu liêm lôi xác của một trăm bốn mươi bảy chiến sĩ Hồng quân bị chém chết xuống một cái hố chung rồi vùi nông toen hoẻn ở ngay bên cạnh khe Daburunnyi. Riaptrikov cướp được sáu chiếc xe hai bánh chở đạn còn nguyên ngựa và đạn, cùng một chiếc xe bốn bánh chở một khẩu súng máy đã mất khoá hậu. Ở Klimovka đã chiếm được bốn mươi hai chiếc xe chở đồ quân dụng. Quân Cô- dắc chết bốn và bị thương mười lăm.

Sau trận chiến đấu, tình hình ở Karginskaia yên tĩnh được một tuần. Quân địch chuyển sang đánh sư đoàn Hai của quân phiến loạn và chẳng bao lâu đã dồn đuổi được sư đoàn ấy, chiếm được liền mấy thôn của trấn Migulinskaia: thôn Alekseevsky, làng Trecnetskaia và tiến tới thôn Thượng Trirsky.

Từ vùng dó, sáng sớm tinh sương hôm nào cũng vọng tới tiếng đạn pháo nổ ầm ầm, song tin tức về diễn biến của các trận chiến đấu nhận được rất muộn, không đem lại một ý niệm rõ ràng về tình thế mặt trận của sư đoàn Hai.

Trong những ngày ấy, Grigori cố trốn chạy những ý nghĩ đen tối, chàng tìm cách tự mình làm tê dại ý thức của mình, không cho mình suy nghĩ về những chuyện đang xảy ra chung quanh, những việc mà mình là một kẻ tham gia quan trọng, vì thế chàng bắt đầu rượu chè.

Quân phiến loạn thiếu bột mì một cách ghê gớm tuy chúng có những kho lúa mì dự trữ rất lớn (các nhà máy xay không kịp cung cấp cho quân đội, vì thế bọn Cô- dắc nhiều khi phải ăn lúa mì luộc). Nhưng chúng không hề thiếu rượu. Rượu tự nấu lấy chẩy thành sông. Bên kia sông Đông, một đại đội của bọn Cô- dắc thôn Dudaevsky rượu say bí tỉ rồi ngật ngưỡng lên ngựa dàn trận xung phong, húc thẳng đầu vào súng máy và bị tiêu diệt hẳn một nửa. Các hiện tượng say rượu ra vị trí chiến đấu trở thành chuyện thông thường. Bọn Cô- dắc sẵn sàng kiếm rượu cho Grigori. Prokho Zykov tỏ ra đặc biệt xuất sắc trong công tác nầy. Sau trận chiến đấu ở Karginskaia, theo yêu cầu của Grigori, hắn mang về ba vò rượu nặng, mỗi vò đựng được đến một thùng rồi gọi vài gã hát hay tới. Thế là Grigori cùng bọn Cô- dắc tuý luý càn khôn cho đến sáng, trong lòng sung sướng vì cảm thấy mình không còn bị ràng buộc gì nữa, được thoát khỏi tình hình thực tại, không còn phải suy nghĩ gì cả. Sáng hôm sau chàng lại uống thêm cho giã rượu, nằm ngủ một giấc và đến chiều lại cảm thấy cần có bên cạnh mình những tay hát hay, những tiếng cười nói vui nhộn, những cảnh nhảy múa chen chúc ồn ào, tất cả những cái gì có thể tạo ra ảo tưởng của một niềm vui như thật để che lấp cái thực tại tàn khốc mà chàng thường nhìn thấy những khi đầu óc sáng suốt.

Sau đó cái nhu cầu tìm thú say sưa đã rất nhanh chóng trở thành thói quen. Buổi sáng, vừa ngồi vào bàn ăn, Grigori đã cảm thấy thèm có một hớp vodka, không sao nhịn được. Chàng uống rất nhiều rượu, nhưng không hề uống đến mất tỉnh táo, hai chân bao giờ cũng còn đứng vững. Ngay khi trời sắp rạng, lúc những tên khác đã nôn mửa rồi ngủ gục trên bàn hay trùm áo ca- pôt hoặc áo ngựa nằm lăn dưới sàn chàng vẫn còn giữ được vẻ ngoài tỉnh táo, mặt chỉ có phần nhợt nhạt thêm, mắt nhìn gay gắt hơn và chốc chốc lại rủ bờm tóc trước trán đưa hai tay lên ôm đầu.

Sau ba bốn ngày cuồng hoan thâu đêm suốt sáng, mặt chàng đã sị ra khá nhiều, lưng gù xuống, hai đám da thâm quầng, lũng nhũng như hai cái túi dưới hai con mắt, trong con mắt càng hay thấy bừng lên một ánh tàn bạo vô duyên vô cớ.

Đến ngày thứ năm, Prokho Zykov mỉm một nụ cười đầy hứa hẹn, đề nghị với chàng:

- Ở Likhovidov có một ả hay lắm, chúng ta đến đấy nhé! Thế nào có được không? Nhưng anh Grigori Panteleevich ạ, anh chớ có ngáp mới được. Nom cô ả ngon như một miếng dưa hấu ấy! Tuy tôi chưa được nếm mùi, nhưng cũng biết chắc chắn như thế. Chỉ phải cái bất kham, cái con quỷ cái? Cứ như một con ngựa rừng. Những đứa như thế thì chớ có đòi hỏi ngay, nó không để cho vuốt ve ngay đâu. Nhưng rượu nó nấu thì chẳng đâu bằng. Tay nấu rượu cừ nhất vùng sông Tria đấy. Chồng nó đã rút lui, đang ở bên kia sông Dones đấy - Hắn nói nốt như chỉ tiện thể cho biết thêm.

Cả bọn kéo nhau đi Likhovidov từ lúc hoàng hôn. Cùng đi với Grigori có Riaptrikov, Kharlampi, Ermakov, gã cụt tay Aleksey Samin và tên Koldrat Medvedev sư đoàn trưởng sư đoàn Bốn vừa ở khu vực hắn phụ trách đến. Prokho Zykov cho con ngựa của hắn dẫn đầu cả đoàn. Vào đến trong thôn, hắn cho ngựa chuyển sang bước một, rẽ vào một cái ngõ, rồi đẩy một cái cửa vào sân đập lúa. Grigori thúc ngựa đi theo. Con ngựa của chàng nhảy qua đống tuyết rất lớn đang tan dở bên cạnh cổng. Hai chân trước của nó thụt xuống tuyết, nó hí lên một tiếng, đứng thẳng lên, bước qua đống tuyết nằm ngang trước cổng và lấp đến đỉnh hàng rào. Riaptrikov xuống ngựa, nắm đoạn dây cương buộc mõm dắt con ngựa đi. Grigori và Prokho cho ngựa đi chừng năm phút qua những đống rơm và cỏ khô rồi tiến vào một mảnh vườn anh đào trụi lá dội tiếng như thuỷ tinh. Trên trời, cái tách màu vàng óng của vành trăng non nằm nghiêng nghiêng dốc xuống một làn ánh sáng xanh biếc, các ngôi sao rung rinh, dệt thành một màn không khí tịnh mịch mê hồm mà tiếng chó sủa xa xa cũng như những tiếng vó ngựa dẫm ràn rạt không phá tan mà chỉ nhấn mạnh thêm. Một đốm lửa vàng hoe chiếu qua mảnh vườn với những cây anh đào mọc sát sin sít và một cây táo cành đâm ngang dọc.

Prokho cúi rạp người trên yên đẩy giúp mọi người cái cửa xép kêu ken két. Vành trăng rung rinh soi mình trong vũng nước kết băng bên thềm. Con ngựa của Grigori dẫm một vó xuống nát mép băng trên vũng nước và đứng lại thở. Grigori nhảy trên yên xuống, buộc dây cương lên lan can của thềm nhà, bước vào căn phòng ngoài tối om. Riaptrikov cùng mấy gã Cô- dắc khác sau lưng chàng nhốn nháo vừa xuống ngựa vừa hát rì rầm.

Grigori sờ soạng tìm thấy nắm đấm cửa, bước vào một căn bếp rộng thênh thang. Một người đàn bà Cô- dắc đang đứng dựa lưng vào bếp lò đan bít tất. Người ấy còn trẻ, thấp thấp nhưng thân hình cân đối, nom như một con gà gô với khuôn mặt ngăm ngăm và cặp lông mày đen nổi hẳn lên. Một đứa con gái tóc trắng phếch chừng lên mười dang tay nằm ngủ trên bếp lò. Grigori không cởi áo ca- pôt, ngồi ngay vào bàn.

- Có vodka không?

- Không đáng chào một tiếng hay sao? - Người chủ nhà hỏi nhưng không ngước lên nhìn Grigori mà vẫn loang loáng ngoáy những đầu kim đan.

- Nếu muốn thì chào vậy! Có vodka không?

Ả kia ngước hai hàng mi, mỉm cười với Grigori bằng cặp mắt màu hạt dẻ tròn xoe và lắng nghe những tiếng nói lao xao và tiếng chân bước trong phòng ngoài.

- Vodka thì có. Nhưng các anh, các ông đến nghỉ đêm có đông không?

- Đông đấy. Cả một sư đoàn…

Từ ngưỡng cửa, Riaptrikov đã ngồi sụp xuống đập mũ lông vào ống ủng nhảy điệu pri- xi- át- ca, thanh gươm lệt sệt trên sàn nhà. Mấy tên Cô- dắc khác đứng ộn lại ở cửa, trong bọn có một gã cầm hai cái muỗng gỗ gõ với nhau rất nhanh rất khéo thành một nhịp vũ rộn ràng.

Chúng cởi áo ca- pôt chất đống lên giường, còn vũ khí thì xếp trên những chiếc ghế dài. Prokho nhanh nhẹn giúp người chủ nhà sửa soạn bàn ăn. Gã cụt tay Aleksey Samin xuống dưới hầm nhà lấy bắp cải muối. Gã trượt chân trên thang nên đã leo lên với những mảnh đĩa vỡ và một đống bắp cải ướt đẫm đùm cả trong tà áo trermen.

Đến nửa đêm cả bọn đã uống hết hai thùng vodka, ngốn không biết bao nhiêu bắp cải muối, rồi mới quyết định làm thịt một con cừu. Prokho mò mẫm trong chồng bắt một con cừu cái tơ.

Kharlampi Ermakov vốn không phải là một tay gươm loại xoàng. Gã dùng gươm chém phăng đầu con cừu và lập tức lột da ngay dưới nhà kho. Ả chủ nhà nhóm lò, và đặt lên một nồi gang thịt cừu to bằng đến một thùng.

Tiếng muỗng gỗ gõ thành điệu nhảy lại nổi lên. Riaptrikov bước ra, quay hai đầu gối ra ngoài, đập mạnh bàn tay vào ống ủng và hát lên bằng một giọng nam cao the thé nhưng rất dễ nghe:

- Bây giờ cứ rượu, cứ chơi.

Vì bò chẳng có mà lôi về chuồng

- Mình muốn chơi cho ra chơi! - Ermakov gầm lên và cứ muốn dùng lưỡi gươm thử xem khung cửa sổ có chắc không.

Grigori vốn rất thích Ermakov với cái tinh thần dũng cảm đặc biệt và cái gan liền rất là Cô- dắc của hắn. Chàng bèn đập cái cốc bằng đồng xuống bàn, ngăn hắn lại:

- Kharlampi, đừng làm bậy!

Ermakov ngoan ngoãn tra mạnh thanh gươm vào vỏ, rồi lại gục xuống uống ừng ực một cốc rượu mạnh coi vẻ hết sức thèm khát.

- Có được một lòng dũng cảm như thế nầy thì chết cũng không sợ - Aleksey Samin vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh Grigori, - anh Grigori Panteleevich ạ, anh là niềm tự hào của chúng tôi! Chúng tôi còn sống trên đời nầy cũng chỉ vì có anh mà thôi? Hai chúng mình sẽ uống cạn với nhau một cốc nữa nhé! Prokho, rượu ra đây!

Mấy con ngựa chưa tháo yên cương được thả tự do bên cạnh đống rơm. Bọn Cô- dắc thay nhau ra kiểm tra.

Mãi khi trời sắp rạng, Grigori mới cảm thấy mình hơi say. Chàng nghe thấy tiếng nói của những tên kia như vọng tới từ một nơi xa. Chàng nặng nề tráo hai cái lòng trắng đỏ ngầu, cố căng thẳng tinh thần giữ cho mình còn tỉnh.

- Lũ lon vàng ấy chúng nó lại đè đầu cưỡi cổ bọn mình rồi! Chúng nó lại nắm hết quyền hành rồi! - Ermakov ôm lấy Grigori, gào lên.

- Lon gì? - Grigori gỡ hai tay Ermakov ra và hỏi.

- Ở Vosenskaia ấy. Sao thế, anh không biết à? Một thằng công tước dân Kavkaz đang ngồi chồm chỗm ở đấy! Một thằng trung tá đấy! Tôi sẽ chém chết nó! Anh Melekhov ạ! Cuộc đời của tôi, tôi đặt xuống chân anh đấy, đừng để chúng tôi bị toi mạng vô ích! Anh em Cô- dắc đang sôi sục lên rồi. Anh hãy đưa chúng tôi lên Vosenskaia, chúng tôi sẽ nện cho chúng nó tan nát tơi bời, sẽ biến tất cả thành tro bụi! Cả thằng Paska Kudinov lẫn thằng trung tá, chúng tôi sẽ cho hết về với ông bà ông vải! Chúng nó quạng vào mõm bọn mình đến thế là đủ rồi! Chúng ta hãy nện cả bọn Đỏ lẫn bọn Kadet? Lòng dạ tôi đang muốn như thế đấy! Chúng ta sẽ giết thằng trung tá. Nó cố ý ở lại đấy… Kharlampi!

- Chúng ta hãy sụp lạy dưới chân Chính quyền Xô viết: chúng tôi là những kẻ có tội… - Grigori bỗng tỉnh trở lại, chàng xệch miệng ra cười - Mình nói đùa đấy thôi, Kharlampi ạ, thôi uống đi.

- Có gì mà đùa, Melekhov? Cậu đừng có đùa, chuyện nầy nói đứng đắn đấy. - Medvedev nói giọng nghiêm nghị. - Bọn mình muốn thay béng cái chính quyền nầy đi. Thay tất cả rồi đặt cậu lên. Mình đã nói với anh em Cô- dắc, chúng nó đều đồng ý. Chúng ta sẽ bảo thằng Kudinov và thằng O- prin- trin 1 của nó: "Thôi cút khỏi chính quyền đi. Các anh không thích hợp với chúng tôi đâu". Nếu chúng nó xéo đi thì tốt, bằng không chúng ta sẽ điều một trung đoàn về Vosenskaia, và cho chúng nó về với ông bà ông vải!

- Không nói cái chuyện ấy nữa. - Grigori nổi xung quát lên.

Medvedev nhún vai bước ra khỏi bàn và thôi không uống nữa. Trong khi đó ở góc phòng, Riaptrikov vẫn nằm thườn thưỡn trên một cái ghế dài, mặc cho cái đầu bù xù thõng hẳn xuống. Hắn quờ quạng hai bàn tay trên mặt đất bẩn thỉu và lải nhải hát bằng một giọng kể khổ:

- Em hỡi em,

Em đáng thương,

cậu bé nhỏ nhoi,

Hãy ngả đầu,

Hãy ngả đầu áp xuống ngực tôi,

Xuống bên phải, xuống bên trái, ối chao ôi!

Bên phải, bên trái ngực tôi trắng ngần.

Hoà theo cái giọng nam cao ai oán và cảm động như giọng phụ nữ của Riaptrikov, Aleksey Samin kéo dài cái giọng trầm khàn khàn của gã:

- Áp đầu xuống ngực,

Rồi thở dài ấm ức…

Rồi thở dài ấm ức

Và nói lên lời trăng trối cuối cùng:

"Thư cho anh, mối tình xưa, vĩnh biệt,

Mối tình xưa, mối tình ô trọc!"

Lúc ả chủ nhà dìu Grigori vào buồng trong, ánh bình minh đã toả ra tím ngắt bên ngoài cửa sổ.

- Đừng có đổ cho ông ấy uống nữa? Thôi buông người ta ra, đồ quỷ dữ! Có thấy không, không còn được tích sự gì nữa rồi đây nầy, Ả vừa nói vừa hỳ hục một tay đỡ Grigori, một tay đẩy Ermakov vẫn lẽo đẽo bám theo sau với một cốc rượu lớn trong tay.

- Muốn hú hí với nhau cho kịp trời sáng có phải không? - Ermakov nháy mắt, lảo đảo làm cốc rượu trào cả ra.

- Phải, đi ngủ đây.

- Bây giờ thì đừng nằm với hắn, chẳng còn làm được trò gì nữa đâu…

- Không can gì đến anh! Anh không phải là bố chồng tôi!

- Cố kiếm lấy thằng con nhé! - Ermakov hý lên như con ngựa và ngã lăn chiêng lăn kềnh trong một trận cười say.

- Nầy, nầy đồ quỷ dữ vô liêm sỉ! Mắt ngầu rượu lên thế kia rồi thở ra toàn những lời mất dạy!

Ả đẩy Grigori vào trong phòng, đặt chàng nằm lên giường và trơng cảnh tranh tối tranh sáng cứ đăm đăm nhìn bộ mặt nhợt nhạt như mặt người chết và cặp mắt mở trừng trừng nhưng không nhìn thấy gì của Grigori với cả một niềm kinh tởm và thương hại.

- Hay uống ít nước mứt hoa quả nhé!

- Cứ lấy đi!

Ả mang tới cho Grigori một cốc nước mứt anh đào lạnh rồi ngồi lại trên giường, vừa gỡ vừa vuốt bộ tóc rối bù của Grigori cho đến khi chàng ngủ thiếp đi. Ả lên bếp lò nằm với đứa con gái nhưng Samin đâu có để cho ả chợp mắt. Gã gục đầu xuống khuỷu tay, ngáy ầm ầm như tiếng hí của con ngựa bị khiếp hãi, rồi bất thần tỉnh dậy như có người lay và gào lên bằng một giọng khàn khàn:

- Giải ngũ hồi hương!

Ngực đeo lon,

Vai mắc huân

Nhưng gã lại gục ngay đầu xuống tay và vài phút sau lại giương mắt nhìn chung quanh một cách man rợ và lại bắt đầu:

- Chàng Cô- dắc giải ngũ hồi hương!

--- ------ ------ ------ -------

1 Quý tộc hoặc dũng sĩ phục vụ cho Ivan đệ tứ, nghĩa bóng là kẻ tay sai áp bức bóc lột nhân dân (ND).

2 Bài hát nầy vốn là:

Chàng Cô- dắc giải ngũ hồi hương,

Vai đeo lon,

Đầy ngực huân chương (ND).

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio