HỒI
Khổng Minh gạt lệ chém Mã Tốc;
Chu Phường cắt tóc lừa Tào Hưu.
Lại nói người hiến kế ấy là quan thượng thư Tôn Tư. Tào Tuấn hỏi rằng:
- Người có kế gì hay vậy?
Tư tâu rằng:
- Khi xưa đức thái tổ Vũ hoàng đế, lúc đánh Trương Lỗ, nguy ngập rồi mới nên, ngài có bảo quần thần rằng: “Đất Nam Trinh thật là nhà ngục của trời”. Đường Tà Cốc là một chỗ hang đá năm trăm dặm, không phải là nơi dùng võ được. Nay nên cất hết quân thiên hạ đánh Thục, thì Đông Ngô tất lại vào ăn cướp. Chi bằng sai đại tướng chia quân ra giữ các nơi hiểm yếu, nuôi sức lực cho khỏe, chẳng qua vài năm, Trung Nguyên sẽ mỗi ngày một thịnh lên. Ngô, Thục hai nước, tất tàn hại lẫn nhau, bấy giờ sẽ thừa cơ mà đánh, há chẳng phải là kế tất thắng ư? Xin bệ hạ xét cho.
Tuấn hỏi Tư Mã Ý rằng:
- Lời bàn ấy thế nào?
Ý tâu:
- Lời Tôn thượng thư phải lắm!
Tuấn mới sai các tướng chia giữ các nơi hiểm yếu, để Quách Hoài, Trương Cáp lại giữ Trường An đại thưởng cho ba quân, rồi xa giá trở về Lạc Dương.
Khổng Minh trở về đến Hán Trung, điểm tính quân sĩ, thấy thiếu Triệu Vân và Đặng Chi, trong bụng lo lắm, liền sai Quan Hưng, Trương Bào mỗi người dẫn một toán quân ra tiếp ứng. Hai tướng sắp đi, chợt có tin báo Triệu Vân, Đặng Chi đã về đến nơi, không thiệt hại một tên quân nào, mà khí giới, lương thảo cũng không mất mát tí gì.
Khổng Minh mừng lắm, thân dẫn các tướng ra đón, Triệu Vân vội vàng xuống ngựa, lại nói:
- Tướng bị thua trận trở về, dám đâu phiền nhọc đến thừa tướng ra tiếp?
Khổng Minh đỡ dậy, nói:
- Đó là tự ta không biết kẻ hay người dở, mới đến nỗi này. Binh tướng các xứ đều bị tổn hại, duy Tử Long không thiệt một người một ngựa nào, là cớ làm sao?
Đặng Chi thưa rằng:
- Tôi dẫn quân đi trước, một mình Tử Long đi đoạn hậu, chém tướng lập công, quân giặc khiếp sợ, bởi thế quân tư khí giới không mất mát tí gì!
Khổng Minh khen rằng:
- Thế mới thực là tướng quân!
Bèn tặng Triệu Vân năm chục cân vàng, và thưởng cho quân của Triệu Vân một vạn tấm lụa.
Vân nói:
- Ba quân không được một tấc công nào, chúng tôi đều có lỗi cả. Nếu bằng lĩnh thưởng, té ra thừa tướng thưởng phạt không minh. Vậy xin hãy gửi của ấy vào kho, đợi đến sang đông, thưởng cho quân sĩ cũng chưa muộn.
Khổng Minh than rằng:
- Khi tiên đế hãy còn, thường vẫn khen bụng dạ Tử Long. Nay quả như thế thực!
Từ đó lại càng kính trọng Triệu Vân lắm.
Chợt có tin báo Mã Tốc, Vương Bình, Ngụy Diên, Cao Tường cùng đến.
Khổng Minh cho đòi Vương Bình vào trước mắng rằng:
- Ta sai ngươi giữ Nhai Đình với Mã Tốc, cớ sao ngươi không can hắn để đến nỗi lở việc?
Bình thưa:
- Tôi hai ba lần khuyên nên đắp thành đất ở giữa đường, cắm trại giữ gìn, nhưng tham quân nổi giận, nhất định không nghe. Bởi thế tôi phải dẫn năm ngàn quân, cách mười dặm hạ trại. Quân Ngụy xông đến vây núi, tôi đến cứu hơn mười lần nhưng không cứu được. Hôm sau, quân sĩ đã vỡ lỡ về hàng Ngụy nhiều lắm rồi. Quân của tôi cô thế, phải đến cứu Ngụy Vân Trường đi nữa đường, lại bị quân Ngụy vây ở trong hang núi. Tôi liều chết đánh ra, về đến nhà thì quân Ngụy đã cướp mất trại, lại phải chạy ra thành Liệt Liễu. Đi đường gặp Cao Tường, mới chia quân ra làm ba đường đến cướp trại Ngụy, cũng mong lấy lại Nhai Đình. Nhưng tôi thấy ở Nhai Đình không có một tên quân nào canh đường; lên cao đứng xem thấy Ngụy Diên, Cao Tường đã bị vây, liền cứu hai tướng ra, rồi cùng với tham quân tụ quân một chỗ. Tôi sợ mất ải Dương Bình, bèn cùng nhau kéo về giữ cả đấy. Đó không phải là tôi không can. Thừa tướng không tin hỏi cả tướng sĩ mà xem.
Khổng Minh nghe xong quát đuổi Vương Bình ra, rồi cho đòi Mã Tốc vào. Mã Tốc tự trói mình, quỳ trước tướng.
Khổng Minh nghiêm sắc mặt lại, mắng rằng:
- Người khoe từ thuở nhỏ học nghề binh thư, quen hiểu chiến pháp. Ta mấy thử đinh ninh dặn ngươi rằng Nhai Đình là nơi căn bản của ta. Ngươi tình nguyện cả nhà cam đoan việc ấy. Nếu ngươi biết nghe lời Vương Bình, thì can gì có vạ này? Nay hao quân tổn tướng, mất đất hãm thành, toàn là lỗi tại ngươi cả. Nếu không chiếu theo quân pháp thì sao cho chúng sợ? Ngươi đã phạm pháp, chớ có oán ta. Sau khi ngươi chết rồi mỗi tháng ta chu cấp lương lộc cho vợ con, ngươi không phải buồn phiền làm chi nữa!
- Nói đoạn, quát tả hữu lôi ra chém.
Mã Tốc khóc, nói:
- Thừa tướng coi tôi như con, tôi cũng coi thừa tướng như cha. Tội tôi thật không dám chối rồi nhưng xin thừa tướng nghĩ đến vua Đế Thuấn khi xưa giết ổng mà dùng Vũ, thì tôi dẫu chết cũng không oán hận gì nơi chín suối!
Khổng Minh gạt nước mắt, nói:
- Ta với ngươi tình nghĩa như anh em. Con ngươi cũng như con ta, không phải dặn nhiều.
Tả hữu điệu Mã Tốc ra ngoài cửa viện, sắp chém. Tham quân Tưởng Uyển từ Thành Đô mới đến, thấy võ sĩ sắp chém Mã Tốc, giật mình kêu to lên rằng:
- Thong thả đừng chém vội!
Rồi kịp vào ra mắt Khổng Minh can rằng:
- Ngày xưa nước Sở giết Đắc Thần, mà Văn Công nhà Tấn hả dạ. Nay thiên hạ chưa yên, nếu giết một người mưu trí, chẳng đáng tiếc lắm ư.
Khổng Minh nói:
- Ngày xưa Tôn Võ sở dĩ hay đánh được giặc, là bởi dùng phép nghiêm minh. Nay bốn phương đang lúc phân tranh, việc đánh chác còn nhiều, nếu bỏ phép tắc thì làm sao đánh được giặc?
Một lát võ sĩ dâng đầu Mả Tốc dưới thềm. Khổng Minh khóc mãi không thôi.
Tưởng uyển nói rằng:
- Âu thường phải tội, đã chính pháp rồi, thừa tướng sao lại còn khóc?
Khổng Minh nói:
- Ta không phải là khóc Mã Tốc đâu ta nhớ khi tiên đế lâm chung ở thành Bạch Đế có dặn rằng: “Mã Tốc nói khoác quá sự thật, không nên đại dụng”. Nay đúng như lời ấy. Vì thế ta hối hận là Khổng Minh, mà lại nhớ đến Tiên Đế, cho nên đau lòng mà khóc đó thôi!
Tướng sĩ thấy nói vậy ai cũng cảm thương. Mã Tốc bấy giớ mới ba mươi chín tuổi. Bấy giờ là khoảng tháng năm mùa hạ Kiến Hưng năm thứ sáu:
Đời sau có thơ rằng:
Thất thủ Nhai Đình tội đáng chê,
Thương thay Mã Tốc uổng binh cơ.
Chém đầu trước cửa nghiêm quân pháp,
Rơi lệ khóc hoài nhớ chủ xưa.
Khổng Minh chém xong Mã Tốc, đem đầu hiệu lệnh các trại đâu đấy, lại khâu chắp vào thây, bỏ vào áo quan tống táng, tự viết bài văn để tế, rồi mỗi tháng cấp lương cho vợ con Mã Tốc tử tế.
Khổng Minh sai tướng Uyển dâng biểu lên hậu chủ, xin tự giáng chức thừa tướng của mình. Uyển về Thành Đô vào tâu với hậu chủ, dâng biểu của Khổng Minh lên. Hậu chủ mở ra xem. Biểu rằng:
“Thần vốn tài tầm thường lạm giữ quyền lớn, thân cầm cờ mao, lưỡi việt, đôn đốc ba quân; không biết nghiêm phép mà làm việc cho cẩn thận, đến nỗi Nhai Đình xảy chuyện trái lệnh, Cơ Cốc có việc không hay. Đó là lỗi tự thần không biết dùng người, liệu việc tối tăm. Nghĩa Xuân Thu trách tại một người, thần thực không trốn khỏi tội ấy. Vậy xin giáng xuống ba bậc, để phạt lỗi lầm. Thần hổ thẹn xiết bao, cuối đợi chiếu mệnh!”
Hậu chủ xem xong, nói:
- Được thua là việc thường, thừa tướng sao lại nói thế?
Thị Trung Phí Vĩ tâu rằng:
- Tôi nghe trị việc nước, tất phải giữ phép nước làm trọng. Nếu phép không nghiêm, thì sao người ta chịu phục? Thừa tướng thua trận, xin giáng chức là phải lẽ.
Hậu chủ nghe lời, giáng chức Khổng Minh xuống làm hữu tướng quân, coi việc thừa tướng, tổng đốc quân mả như cũ. Đoạn sai Phí Vĩ mang chiếu đến Hán Trung.
Khổng Minh nhận chiếu giáng chức. Phí Vĩ sợ Khổng Minh hổ thẹn, mới tán rằng:
- Dân trongThục, khi nghe tin thừa tướng lấy bốn huyện, ai cũng mừng rỡ.
Khổng Minh sầm mặt lại, nói:
- Ông nói thế làm gì? Được mà lại mất, thì khác chi không được? Ông tưởng lấy câu ấy mừng cho tôi, nhưng lại làm cho tôi thẹn thêm ra mà thôi!
Vĩ lại nói:
- Gần nay nghe thừa tướng mới được Khương Duy, thiên tử cũng mừng lắm.
Khổng Minh nói:
- Quân thua rút về, không lấy được tất đất nào, ấy là tội to. Được một Khương Duy, có thiệt gì cho nước Ngụy?
Vĩ nói:
- Thừa tướng hiện thống lĩnh mười vạn hùng sư, có ra đánh Ngụy nữa không?
Khổng Minh nói:
- Khi trước ta đóng ở Kỳ Sơn, Cơ Cốc, quân mình nhiều hơn quân giặc, mà giặc lại thắng mình, thế là không khác gì quân nhiều, chỉ cốt một chủ tướng mà thôi. Nay ta muốn giảm quân bớt tướng, sáng phép tỏ lỗi, nghĩ đường biến thông về sau này. Nếu không thế, quân nhiều cũng vô dụng. Từ nay về sau, các ngươi ai có bụng lo xa việc nước, nên năng sửa cái lỗi cho ta, trách điều ta không phải, như thế việc mới nên, giặc mới diệt và mới mong thành công được.
Phí Vĩ cùng các tướng ai cũng chịu là phải. Phí Vĩ trở về Thành Đô, Khổng Minh ở lại Hán Trung, thương dân yêu lính, tập tành thao luyện, chế ra những đồ đánh thành vượt sông, chứa nhiều lương thảo, dự sẵn thuyền bè để mưu toan việc đánh dẹp.
Có mật thám báo tin ấy về Lạc Dương.
Ngụy chủ Tào Tuấn nghe tin ấy triệu Tư Mã Ý bàn kế Thu Xuyên. Ý tâu rằng:
- Thục chưa nên đánh vội. Hiện nay, trời đang nắng lắm, quân Thục chắc chưa dám ra. Nếu quân ta vào xa cõi Thục, họ giữ các nơi hiểm yếu, cũng khó lòng mà hạ được.
Tào Tuấn nói:
- Phỏng quân Thục lại vào cướp, thì làm thế nào?
Ý tâu:
- Việc ấy tôi đã tính rồi. Phen này Gia Cát Lượng tất làm như mẹo Hàn Tín, đi lẻn con đường Trần Thương. Tôi cử một người ra cửa đường Trần Thương đắp làm phòng giữ, thì muôn phần chắc chắn, không còn ngại chút nào. Người ấy mình dài chín thước, tay vượn, bắn tài. Gia Cát Lượng nếu vào ăn cướp, người ấy đủ đương nỗi.
Tuấn mừng lắm, hỏi người nào:
Ý tâu rằng:
- Người ở Thái Nguyên tên là Hắc Chiêu, tự là Bá Đao, hiện đang làm tập bá tướng quân, trấn thủ Hà Tây.
Tuấn theo lời phong cho Hắc Chiêu làm chấn tây tướng quân, giữ đường Trần Thương.
Chợt đại đô đốc Tào Hưu dâng biểu về nói có quan thái thú ở Phiên Dương nước Ngô, tên là Chu Phường xin Đem quân lại hàng, và mật người sang bày tỏ bảy việc, nói rằng Đông Ngô có cơ phá được, xin phát binh ra mà đánh lấy.
Tuấn ngồi trên ngự sàng, mở giấy ra cùng với Tư Mã Ý cùng xem.
Ý tâu rằng:
- Lời này nói nghe có lí lắm, ta nên đánh Ngô đi. Tôi xin dẫn quân ra giúp cho Tào Hưu.
Giả Quỳ bước ra tâu rằng:
- Người Ngô phản phúc chớ nên tin vội. Chu Phường là người khôn ngoan tất không chịu hàng đâu. Đó chẳng qua là lời dụ ta mà thôi.bg-ssp-{height:px}
Ý nói:
- Lời này tuy chưa tin lắm, nhưng cơ hội cũng không nên bỏ lỡ.
Tuấn nói:
- Có phải thế, Trọng Đạt và Giả Quỳ nên cùng ra giúp Tào Hưu xem sao.
Hai người lĩnh mệnh ra đi. Tào Hưu dẫn đại quân đến tắt lấy Hoản Thành. Giả Quỳ thì dẫn Mản Xủng, Hồ Chất đến lấy Dương Thành, nhòm thẳng về Đông Quan. Tư Mã Ý dẫn quân bản bộ tắt đến lấy Giang Lăng.
Nói về Ngô chủ Tôn Quyền ở Võ Xương, Đông Quan hội các quan lại bàn rằng:
- Nay thái thú Phiên Dương là Chu Phường, có mật biểu tâu rằng đô đốc nước Ngụy Tào Hưu định vào ăn cướp. Hắn mới trá bày quỷ kế, bày vẽ ra bảy việc, để nhử quân Ngụy vào nơi trọng địa rồi phục binh bắt lấy. Nay quân Ngụy chia làm ba đường kéo lại, vậy các ngươi có mẹo mực gì không?
Cố Ung tâu rằng:
- Phi Lục Bá Ngôn không ai đương nổi việc to ấy.
Quyền mừng lắm triệu Lục Tốn vào, phong làm phụ quốc đại tướng quân, bình bắc đô nguyên soái, cho thống lĩnh cả quân ngự lâm, quyền nhiếp vương sự, ban cho mao trắng việc vàng, văn võ trăm quan cùng phải tuân theo sai khiến.
Lục Tốn lĩnh mệnh, tạ ơn đâu đấy, xin cử hai người làm tả hữu đô đốc, chia binh ra địch ba đường.
Quyền hỏi người nào, Tốn thưa rằng:
- Phấn oai tướng quân là tướng Chu Hoàn, tuy nam tướng quân là Toàn Tôn, hai người ấy làm phụ tá được.
Quỳ theo lời, sai Chu Toàn làm tả đô đốc, Toàn Tôn làm hữu đô đốc. Lục Tốn đem hơn bảy mươi vạn quân thuộc tám mươi mốt châu Giang Nam và Kinh Hồ, sai Chu Hoàn đi bên tả Toàn Tôn, bên hữu Lục Tốn đi ở giữa chia làm ba đường tiến đi.
Chu Hoàn hiến kế rằng:
- Tào Hưu vì thân mà được dùng, không phải là tướng trí dũng. Nay nghe lời Chu Phường dỗ dành, vào sâu nơi hiểm yếu. Nguyên soái đánh thì Tào Hưu tất thua, thua tất phải chạy. Ở đó có hai con đường, tả là Giáp Thạch, hữu là Quế Xa. Hai đường ấy là toàn lối đi tắt khe nước, rất là hiểm hóc. Tôi xin cùng với Toàn Tử Hành, mỗi người dẫn một toán quân, phục ở đường hẻm, trước hết đem gỗ đá chặn lấp lối đi, quyết bắt được Tào Hưu, bắt xong Tào Hưu nên kéo quân tràn sang, chỉ vỗ tay là lấy được Thọ Xuân, nhìn vào Hứu Lạc. Thật là muôn đời mới có được một dịp hay.
Tốn nói:
- Mẹo ấy không tốt, ta đã có kế hay hơn.
Bởi thế Chu Toàn tỏ ý không bằng lòng, trở ra.
Lục Tốn sai Gia Cát Cẩn giữ mặt Giang Lăng, địch Tư Mã Ý. Còn các mặt, đều đâu phòng bị đấy cả.
Tào Hưu dẫn quân đến Hoản Thành. Chu Phường lại đón, đến thẳng dưới trướng Tào Hưu.
Hưu hỏi rằng:
- Gần đây được thư của túc hạ, bày tỏ bảy điều phải lẽ lắm, nên ta tâu với thiên tử cất ba đại quân đến đây. Nếu được đất Giang Đông thì công túc hạ không nhỏ, có người nói Túc Hạ đa mưu, chỉ sợ nói không được thật. Nhưng ta chắc rằng Túc Hạ không phải là người đánh lừa ta!
Chu Phường nghe xong, khóc ầm ngay lên, rút gươm của đầy tớ toan tự tử. Hưu vội ngăn lại. Phường chống gươm nói:
- Trong bảy việc đó, tôi còn giận rằng chưa giãi bày được ruột gan tôi ra. Nay lại sinh nghi, tất có người gièm pha gì hẳn. Nếu nghe lời ấy, tôi tất chết oan, bụng thực của tôi, chỉ có trời biết cho mà thôi!
Nói đoạn, lại muốn tự vẫn.
Tào Hưu giật mình, ôm chặt lấy Chu Phường mà rằng:
- Tôi nói đùa thôi, sao túc hạ lại thế?
Phường mới cầm gươm cắt món tóc trên đầu quẳng xuống đất mà rằng:
- Tôi đem bụng thực đối với ông, ông lại cho là đùa bỡn. Vậy tôi cắt món tóc này của cha mẹ sinh ra để tỏ giải bụng thực này!
Tào Hưu tin lắm mở tiệc yến khoản đãi.
Tiệc tan, Chu Phường từ biệt lui về. Giả Quỳ vào ra mắt, Hưu hỏi rằng:
- Ngươi đến đây có việc gì?
Quỳ thưa:
- Tôi nghe đồn rằng quân Đông Ngô, tất đóng cả trong Hoản Thành. Đô Đốc chớ nên khinh tiến, hãy đợi quân của tôi, giáp lại đánh hai mặt, thì mới phá được giặc.
Hưu giận, nói:
- Ngươi muốn đoạt công của ta ư?
Quỳ nói:
- Tôi nghe Chu Phường cắt tóc ăn thề, đó tất là trá. Ngày xưa Yêu Ly chặt cánh tay mà vẫn đâm chết được Khánh Ky. Việc này chưa nên tin vội.
Hưu càng giận, nói:
- Ta sắp muốn tiến binh sao ngươi dám gở mồm thế ra thế, làm nản bụng quân ta?
Bèn quát tả hữu lôi Giả Quỳ ra chém.
Các tướng kêu rằng:
- Chưa kịp ra quân mà chém đại tướng của nhà trước thì việc quân không được lợi, xin hãy tạm tha cho hắn.
Hưu nể có các tướng nên mới tha cho Giả Quỳ, nhưng tước hết quân quyền, lưu ở trong trại sai khiến, còn mình dẫn một đạo quân lại đông Quan.
Chu Phường nghe Giả Quỳ bị tước mất binh quyền mừng thầm nói:
- Nếu Tào Hưu nghe lời Giả Quỳ thì Đông Ngô tất thua. Nay trời cho ta thành công chuyến này đây!
Lập tức sai người mật đến Hoản Thành, báo cho Lục Tốn biết.
Lục Tốn gọi các tướng ra truyền lệnh rằng:
- Mé trước là xứ Thạch Đình, tuy là đường núi nhưng cũng đũ mai phục. Ta nên đến chiếm trước lấy và tìm nơi nào rộng rãi, bày thành thế trận, để đợi quân Ngụy.
Bèn sai Từ Thịnh làm tiên phong, đem quân tiến lên.
Tào Hưu sai Chu Phường dẫn đường khởi hành. Khi đang đi Hưu hỏi rằng:
- Mé trước mặt là xứ nào?
Phường nói:
- Mé trước là xứ Thạch Đình, nên đóng đồn ở đó.
Hưu nghe lời, dẫn đại quân và các đồ xa trượng đến đóng ở Thạch Đình.
Hôm sau tiểu mã về báo rằng:
- Ở mé trước có quân Ngô đóng chặn mất cửa núi.
Hưu giật mình nói:
Chu Phường đã bảo không có quân nào, sao nay lại có phòng bị thế này?
Vội vàng tìm Chu Phường đến hỏi, thì chẳng thấy đâu. Có người nói Chu Phường dẫn vài mươi người không biết đi đâu mất rồi.
Hưu phàn nàn nói:
- Ta mắc phải mẹo giặc rồi, nhưng cũng không sợ!
Bèn sai đại tướng Trương Phổ làm tiên phong, dẫn binh đến đánh quân Ngô.
Hai bên dàn trận, Phổ ra ngựa quát mắng rằng:
- Tướng giặc hàng ngay đi cho mau!
Từ Thịnh ra đánh, được vài hiệp Phổ chịu không nổi, quay ngựa thu quân về.
Phổ về nói với Tào Hưu rằng:
- Từ Thịnh khỏe lắm không sao đánh đổ.
Hưu nói Để ngày mai ta dùng kì binh mà đánh mới xong. Liền sai Trương phổ dẫn hai vạn quân phục ở mé sau Thạch Đình, lại sai Tiết Kiều dẫn hai vạn quân phục ở mé bắc Thạch Đình và dặn rằng:
- Ngày mai ta dẫn một nghìn quân ra khiêu chiến, rồi giả tảng thua chạy, dử giặc đến trước núi Bắc Sơn, đốt pháo làm hiệu, quân phục đổ ra, ba mặt ập vào mà đánh, chắc chắn được to.
Hai tướng vâng lệnh, mỗi người dẫn hai vạn quân, đến chiều tối chia đường ra mai phục.
Bèn này Lục Tốn gọi Chu Hoàn, Toàn Tôn vào dặn rằng:
- Các ngươi mỗi người dẫn ba vạn quân, noi đường núi Thạch Đình, lẻn đến sau trại Tào Hưu đốt lửa lên làm hiệu. Ta từ đường giữa kéo đại quân đánh đến, chắc bắt được Tào Hưu.
Chiều hôm ấy, hai tướng lĩnh kế dẫn quân đi. Vào độ canh hai, Chu Hoàn lẻn đến sau trại Ngụy, gặp ngay toán quân mai phục của Trương Phổ. Phổ không biết là quân Ngô, chạy ra hỏi, bị Chu Hoàn chém một đao ngã ngựa. Quân Ngụy ù té chạy cả. Chu Hoàn sai quân đốt lửa lên.
Toàn Tôn dẫn quân đến trại Ngụy vừa gặp quân của Tiết Kiều. Tôn hô đánh bừa vào. Tiết Kiều thua chạy, quân Ngụy hại nhiều, rút về trại.
Chu Hoàn, Toàn Tôn, hai đường kéo ùa vào cướp trại Ngụy. Quân Tào Hưu tháo chạy nháo nhác, giày xéo lẫn nhau mà chạy. Hưu vội vàng lên ngựa, chạy về đường Giáp Thạch. Từ Thịnh dẫn một đội quân mã, từ con đường to đánh lại, quân Ngụy chết không biết bao nhiêu mà kể: Còn sót người nào, phải bỏ cả y giáp mà trốn. Tào Hưu cầm đầu chạy, bỗng thấy một toán quân từ trong đường nhỏ xông ra. Hưu đã rụng rời té ra Giả Quỳ. Hưu bây giờ mới hoàn hồn, hổ thẹn mà rằng:
- Tôi không nghe lời ông, quả nhiên bị thua trận này.
Quỳ nói:
- Đô đốc nên ra khỏi con đường này. Nếu quân Ngô lấy gỗ đá ngăn mất lối, thì ta nguy cả!
Tào Hưu nghe lời, tế ngựa chạy cho mau. Giả Quỳ đi chặn hậu. Quỳ sai người cắm thật nhiều kì ở các chỗ rừng rú um tùm và các đường hẻm để làm nghi binh.
Khi Từ Thịnh đuổi đến nơi, thấy dưới sườn núi thấp thoáng tinh kì ló ra nghi có quân phục, không dám đuổi theo nữa, phải thu quân về.
Tư Mả Ý nghe tin Tào Hưu thua chạy, cũng rút quân nốt.
Lục Tốn ở nhà đang nghe ngóng tin tức. Một lát, Từ Thịnh, Chu Hoàn cùng trở về, bắt được xe cộ, trâu, ngựa, lương thảo, khí giới và hơn một vạn quân về hàng. Tốn mừng lắm cùng với các tướng rút quân về Ngô.
Ngô chủ Tôn Quyền đem văn võ bách quan ra khỏi thành Võ Xương đến rước, lấy lọng ngự che cho Lục Tốn đi vào. Các tướng ai cũng được thăng thưởng.
Quyền thấy Chu Phường không có tóc, bèn vỗ về nói rằng:
- Ngươi phải cắt tóc nên mới giúp được việc to này, công của ngươi nên chép vào sử sách lâu dài.
Lập tức phong cho Chu Phường làm quan nội hầu, mở tiệc cực to, ăn mừng khao quân.
Lục Tốn tâu rằng:
- Nay Tào Hưu thua to. Ngụy mất vía, nên đem quốc thư vào Xuyên, xui Gia Cát Lượng cất quân sang mà đánh. Quyền nghe lời bèn sai sứ mang thư vào Xuyên.
Đó là:
Đông Ngô vừa mới hay dùng mẹo,
Tây Thục nay đà lại động binh.
Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau phân giải.