Tam Quốc Diễn Nghĩa

chương 003

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

HỒI

Tiệc Ôn Minh, Đổng Trác mắng Đinh Nguyên;

Dùng vàng bạc, Lý Túc dụ Lã Bố.

Lúc ấy Tào Tháo nói với Hà Tiến rằng:

- Cái vạ hoạn quan, đời nào cũng có, nên vua chúa các đời không nên trao quyền bính và tin dùng chúng để chúng hoành hành như ngày nay. Bây giờ muốn trị tội chúng tưởng chỉ nên giết mấy đứa đầu đảng. Như vậy chỉ cần một kẻ coi ngục cũng đủ, hà tất phải triệu quân ngoài vào. Nếu muốn giết cả bọn chúng, cơ mưu tránh sao khỏi tiết lộ, tôi chắc công việc sẽ hỏng.

Hà Tiến tức giận mà rằng:

- Mạnh Đức cũng hài lòng sao?

Tháo lui ra ngoài nói:

- Làm loạn thiên hạ tất là Hà Tiến!

Tiến không nghe lời Tháo, mật sai người đem chiếu chỉ đi gấp đến các trận triệu quân vào kinh đô.

Nói về quan tiền tướng quân, tước Ngao hương hầu sung chức thứ sử Tây Lương là Đổng Trác, trước vì đánh giặc Khăn Vàng bị thua, triều đình đã toan trị tội, bởi có đút lót cho mười tên hoạn quan nên không can gì. Sau lại khéo kết giao với bọn quyền quý trong triều, làm đến chức lớn, thống lĩnh hai mươi vạn quân Tây Lương, vẫn có lòng phản nghịch. Bây giờ tiếp được chỉ triệu vào kinh, trong lòng hớn hở, liền điểm binh lục tục khởi hành, sai con rể là trung lang tướng Ngưu Phu đóng giữ Thiểm Tây, hắn tự đem bọn Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế, Phàn Trù dẫn quân đến Lạc Dương. Trác lại có người rể nữa, vừa là mưu sĩ cho hắn, tên là Lý Nho. Nho bảo Trác rằng:

- Nay tuy phụng chỉ vào kinh, biết đâu trong đó chẳng có nhiều điều ám muội? Chi bằng trước hãy sai người dâng biểu, cho danh nghĩa rõ ràng, mới có thể mưu toan việc lớn được.

Trác cả mừng, bèn sai thảo biểu dâng vào kinh trước.

Biểu rằng:

- Thiết tướng thiên hạ đến nổi loạn mãi thế này, đều bởi bọn hoạn quan Trương Nhượng khinh nhờn phép nước. Tôi nghĩ muốn cho nồi nước sôi khỏi dài ra ngoài cần phải rút bớt củi; mổ cái nhọt có chịu đau một lúc, mới khỏi nọc độc trong mình. Tôi xin bạo dạn gióng trống khua chiêng, dẫn quân vào Lạc Dương, để giết bọn Nhượng; được như thế thì xã tắc may lắm, thiên hạ may lắm!

Hà Tiến đem tờ biểu đưa các quan xem. Có quan thi ngự sử Trịnh Thái can rằng:

- Đổng Trác là giống sài lang, để hắn vào kinh, hắn sẽ ăn thịt người.

Tiến nói:

- Anh đa nghi như thế, mưu việc lớn sao được?

Lư Thực cũng can rằng:

- Tôi vốn biết Đổng Trác là đứa mặt người dạ thú, hễ để cho hắn vào chốn cấm đình, tất sinh tai vạ. Chi bằng ngăn cản đừng cho hắn vào là hơn.

Tiến cũng không nghe.

Trịnh Thái, Lư Thực đều bỏ quan mà đi. Các quan đại thần trong triều cũng bỏ đi quá nửa.

Tiến sai người đón Đổng Trác ở Thăng Trì, Trác đóng quân lại, không tiến vội.

Bọn Trương Nhượng được tin quân ngoài kéo vào cùng bàn nhau rằng:

- Đó là mưu của Hà Tiến, nếu chúng ta không hạ thủ trước, sẽ chết cả họ.

Bèn mai phục năm mươi tên đao phủ ở mé trong cửa Gia Đức, cung Trường Lạc, rồi vào tâu Hà thái hậu rằng:

- Nay đại tướng quân giả làm chiếu chỉ, triệu quân ngoại trấn vào kinh, định giết cả bọn chúng tôi, xin mẫu hậu rủ lòng thương cứu cho.

Thái hậu nói:

- Các ngươi nên đến dinh đại tướng quân mà tạ tội.

Nhượng nói:

- Tâu mẫu hậu, nếu chúng tôi đến tướng phủ, tất là thịt nát xương tan, còn sống sao được. Xin mẫu hậu tuyên triệu đại tướng quân vào cung mà dụ bảo cho. Nếu mẫu hậu không chút thương tình, thì chúng tôi xin chết ngay ở trước mặt mẫu hậu.

Thái hậu bèn giáng chỉ triệu Tiến vào.

Tiến tiếp chỉ, toan đi ngay.

Trần Lâm can rằng:

- Tờ chiếu này tất là mưu mô của mấy tên hoạn quan, ông không nên đi, nếu đi tất có vạ lớn.

Tiến nói:

- Thái hậu triệu ta, làm gì có tai vạ?

Viên Thiệu nói:

- Bây giờ mưu cơ đã lộ, tướng quân còn muốn vào cung hay sao?

Tào Tháo nói:

- Không gì bằng triệu ngay mười đứa hoạn quan ra đây đã, rồi hãy vào!

Tiến cười nói:

- Đó là kiến thức của trẻ con. Hiện quyền bính thiên hạ ở trong tay ta, mấy đứa hoạn quan dám làm gì nổi!

Thiệu nói:

- Nay ông định vào cung, chúng tôi xin đem quân hộ vệ để phòng sự bất trắc.

Viên Thiệu, Tào Tháo mỗi người kén năm trăm quân giao cho em Viên Thiệu là Viên Thuật thống lĩnh. Viên Thiệu nai nịt đâu đấy, dẫn quân dân ở mé ngoài cửa Thanh Tỏa, Thiệu cùng Tháo đeo gươm đi kèm, hộ vệ Hà Tiến.

Tiến đi đến trước cửa cung Trường Lạc, hoàng môn quan truyền chỉ rằng: “Thái hậu chỉ vời một mình đại tướng quân vào thôi, còn người khác đều không được vào.” Thành ra bọn Viên Thiệu, Tào Tháo đều phải đứng ngoài cả. Một mình Tiến ngang nhiên vào cung. Vừa đi đến cửa Gia Đức bọn Trương Nhượng quát mắng Tiến rằng:

- Đổng thái hậu có tội gì mà mày đánh thuốc độc giết chết? Cớ sao đám tang quốc mẫu mày giả tảng ốm không đi đưa? Mày vốn giống đê hèn, làm nghề mổ lợn bán thịt, có chúng ta tiến cử lên vua mới được vinh hiển thế này. Mày đã không báo ơn thì chớ, lại định mưu hại chúng ta? Mày bảo chúng ta là phường ngu trọc vậy ai là người thanh cao?

Tiến hoảng sợ muốn tìm lối ra, nhưng cửa cung đã đóng hết. Bọn đao phủ ồ ra, chém Tiến đứt làm hai đoạn.

Đời sau có thơ than rằng:

Nhà Hán thương ôi, vận đã cùng!

Mưu gì Hà Tiến lại tam công?

Mấy phen chẳng biết nghe lời phải

Thoát khỏi làm sao họa cửa cung?

Viên Thiệu chờ mãi không thấy Tiến ra, bèn gọi lớn lên rằng:

- Mời tướng quân ra về!

Bọn Trương Nhượng đem thủ cấp Hà Tiến từ trên tường ném ra tuyên dụ rằng:

- Hà Tiến mưu phản đã bị giết rồi. Còn những kẻ bị Tiến bắt ép phải theo, đều tha cả.

Viên Thiệu cất tiếng hô lớn lên rằng:

- Bọn hoạn quan dám giết đại thần, ai muốn giết chúng nó mau mau vào đây trợ chiến.

Bộ tướng của Hà Tiến là Ngô Khuông bèn phóng hỏa đốt cửa Thanh Tỏa. Viên Thiệu dẫn quân sấn vào cung hễ gặp đứa hoạn quan nào cũng giết hết cả. Viên Thiệu, Tào Tháo phá cửa vào được trong cung, gặp Triệu Trung, Trình Kháng, Hạ Huy, Quách Thắng, đuổi đến trước lầu Thúy Hoa, lấy kiếm vằm ra như bún.

Bấy giờ trong cung lửa cháy lưng trời. Bọn Trương Nhượng, Đoàn Khuê, Tào Tiết, Hầu Lẫm, bắt ép thái hậu, thái tử cùng Trần Lưu Vương đi vào nội sảnh rồi lẻn đường sau chạy đi Bắc cung. Lư Thực dẫu bỏ quân, nhưng chưa đi nơi khác, sực thấy trong cung có biến, bèn mặc giáp cầm giáo, đang đứng ở dưới gác xa trông thấy Đoàn Khuê đang giục thái hậu đi mau, bèn thét lớn lên rằng:

- Thằng Khuê kia! Sao dám bắt ép thái hậu đi đâu?

Đoàn Khuê bỏ chạy, thái hậu từ trong cửa sổ nhảy ra, Thực vội đến cứu được thoát.

Ngô Khuông đánh vào nội đình, gặp Hà Miêu cầm gươm đi ra. Khuông hô lớn lên rằng:

- Thằng Miêu thông mưu giết anh, nên giết đi thôi!

Các tướng đều nói:

- Phải, phải, chém thằng giặc giết anh ấy đi!

Miêu sợ cuống toan chạy, bị quân bốn mặt vây kín chém nhừ ra như bột.

Thiệu sai quân chia ra từng bọn đi giết gia quyến mười tên hoạn quan, bất cứ già trẻ lớn bé đều giết hết cả, thành ra có nhiều kẻ không có râu bị giết lầm.

Tào Tháo một mặt cứu hỏa trong cung, mời Hà thái hậu tạm coi quyền chính, một mặt sai quân đuổi theo bọn Trương Nhượng và tìm vua Thiếu Đế.

Nhắc lại bọn Trương Nhượng, Đoàn Khuê ức hiếp vua Thiếu Đế và Trần Lưu Vương xông pha khói lửa, đêm chạy đến núi Bắc Mang. Vào khoảng canh hai, bỗng nghe phía sau có tiếng người ngựa reo hò đuổi theo, viên tướng đi đầu là quan trung bộ duyên lại ở Hà Nam tên gọi là Mẫn Công hô lớn lên rằng: “Thằng nghịch tặc kia chớ chạy!”

Trương Nhượng thấy nguy cấp quá liền đâm đầu xuống sông tự tử.

Thiếu Đế cùng Trần Lưu Vương chưa rõ lành dữ thế nào, đành phải nín hơi nấp vào trong bụi cỏ ở bờ sông, quân sĩ tìm hết bốn phía vẫn không biết hoàng đế ở đâu.

Hai anh em vua phục trong bụi cỏ mãi đến canh tư, sương xuống lạnh buốt cả người trong lòng đói khát, ôm nhau mà khóc, nhưng sợ có người biết, chỉ nuốt nước mắt khóc thầm trong bụi rậm.

Trần Lưu Vương nói:

- Chỗ này không nên ở mãi, phải tìm đường khác mới sống được.

Nói đoạn hai người nắm áo nhau bò lên bờ sông. Chỗ ấy gai góc rất nhiều, trong đêm tối đường đi không rõ, đương lúc bối rối không biết tính sao, bỗng thấy một đàn đom đóm hàng trăm nghìn con kéo đến, lập lòe bay quanh trước mặt vua.

Trần Lưu Vương nói:

- Đó là trời giúp anh em ta!

Bèn đi theo ánh sáng đom đóm, dần dần trông thấy đường cái. Đi đến canh năm hai người đau chân quá không thể bước đi được nữa. Bên sườn núi có một đống cỏ, anh em vua bèn nằm quay ra đó.

Trước mặt đống cỏ là một cái trại. Chủ trại đêm hôm ấy nằm mộng thấy hai vầng mặt trời sa xuống sau nhà, giật mình tỉnh dậy, khoác áo ra trông, thấy trên đồng cỏ bốc lên một luồng khí sáng xông lên tận trời, rất lấy làm lạ, vội chạy ra xem tận nơi, thấy có hai người nằm trên đống cỏ, liền hỏi:

- Hai cậu là con cái nhà ai?

Thiếu Đế sợ không dám cất tiếng.

Trần Lưu Vương trỏ vào Thiếu Đế nói rằng:

- Đây chính là hoàng đế bây giờ, gặp loạn mười đứa hoạn quan, phải trốn đến đây; còn ta là hoàng đế Trần Lưu Vương.

Chủ trại sợ hãi, lạy hai lạy tâu rằng:

- Hạ thần là em tư đồ Thôi Liệt ngày trước, tên gọi Thôi Nghị, vì thấy bọn hoạn quan bán quan hại nước, ghét bỏ người hiền, nên về ở ẩn ở đây.

Bèn đưa hai anh em Thiếu Đế đi vào trong nhà, đem rượu cơm dâng tiến.

Nhắc lại, khi Mẫn Cống đuổi bắt được Đoàn Khuê hỏi vua ở đâu, Khuê nói đến dọc đường bị lạc, nên không biết. Cống bèn giết Khuê, cắt đầu treo vào cổ ngựa, rồi sai quân đi các nơi tìm vua, còn Cống một mình tự đi tìm một lối. Tình cờ đi đến ngay nhà Thôi Nghị.

Thôi Nghị thấy dưới cổ có cái đầu người, liền hỏi. Cống thuật lại đầu đuôi. Nghị bèn dẫn Cống vào trong nhà làm lễ triều kiến, vua tôi cùng nhau khóc lóc một hồi. Cống tâu rằng:

- Trong nước không thể một ngày không có vua, xin bệ hạ về kinh ngay cho.

Bấy giờ trong nhà Thôi Nghị chỉ có một con ngựa gầy, đem ra vua ngự. Mẫn Cống cùng Trần Lưu Vương cùng cưỡi một con ngựa, khởi hành về kinh.

Đi chưa được ba dặm, thì gặp tư đồ Vương Doãn, thái úy Dương Bưu, tả quân hiệu úy Thuần Vu, Quỳnh, hữu quân hiệu úy Triệu Mạnh, hậu quân hiệu úy Pháo Tính và trung quân hiệu úy Viên Thiệu, tất cả vài trăm người ngựa kéo đến nghênh tiếp xa giá, vua tôi đều nhìn nhau mà khóc. Một chốc sai đem thủ cấp Đoàn Khuê về kinh trước bêu lên làm lệnh, rồi đổi hai con ngựa tốt để vua và Trần Lưu Vương cưỡi cùng về kinh đô.

Trước đây ít lâu, trẻ con ở kinh thành Lạc Dương thường hát mấy câu sau:

“Đế chẳng ra đế

Vương chẳng ra vương

Xe xe ngựa ngựa

Chạy ra Bắc Mang.”

Đến bây giờ quả là ứng nghiệm.

Xa giá vừa đi được vài dặm, bỗng thấy cờ kéo rợp trời, bụi bay mờ đất, một đoàn binh mã kéo đến. Các quan thấy sắc, vua cũng kinh hoàng. Viên Thiệu tế ngựa ra thét hỏi:

- Binh mã nào đấy?

Dưới bóng ngọn cờ thêu, một tướng phi ngựa ra hỏi lại rằng:

- Thiên tử đâu?

Thiếu Đế sợ run không nói được. Trần Lưu Vương sấn ngựa ra mắng rằng:

- Ngươi là ai?

Tướng ấy đáp:

- Thứ sử Tây lương Đổng Trác!

Trần Lưu Vương hỏi vặn:

- Ngươi đến hộ giá hay đến cướp giá?

- Tôi đến hộ giá.

- Đã đến hộ giá, sao hoàng đế ở kia, không xuống ngựa?

Trác cả sợ, vội vàng xuống ngựa, thụp lạy ở bên cạnh đường. Trần Lưu Vương lấy lời phủ dụ. Trác từ đấy ăn nói giữ gìn, trước sau không hớ điều gì, trong bụng rất thần phục Trần Lưu Vương, và có ý muốn bỏ vua nọ lập vua kia tự đó.

Ngày hôm ấy, vua về đến kinh, vào cung bái kiến Hà thái hậu, mẹ con than khóc cùng nhau. Lúc kiểm điểm trong cung, không biết cái ấn ngọc truyền quốc biến đi đâu mất.

Đổng Trác đóng đồn ở ngoài thành, hàng ngày đem quân mặc áo thiết giáp vào trong thành, đi nghênh ngang các phố, nhân dân rất sợ hãi. Trác lại tự do vào ra chỗ cung cấm, không kiêng sợ gì cả.

Hậu quân hiệu úy Pháp Tín đến chơi Viên Thiệu bàn với Thiệu rằng:

- Đổng Trác hình như có bụng khác, phải trừ ngay đi.

Thiệu nói:

- Triều đình vừa mới được yên, không nên làm kinh động.

Pháo Tín bàn với Vương Doãn. Doãn nói:

- Để rồi sẽ bàn!

Pháo Tín thấy không ai nghe mình, bèn đem quân bản bộ đến đóng ở Thái Sơn.

Đổng Trác chiêu dụ những quân bộ hạ của anh em Hà Tiến về cả tay mình, rồi bàn mảnh với Lý Nho rằng:

- Ta muốn bỏ Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương có nên không?

Lý Nho nói:

- Nên lắm. Nay đang lúc triều đình vô chủ, nên làm ngay mới được, nếu để chậm sẽ sinh biến. Ngày mai nên triệu các quan hội họp ở trong vườn Ôn Minh, đem việc phế lập ra biểu dụ, ai không nghe thì chém. Nắm được uy quyền, chính ở lúc này đây.

Trác mừng lắm, sáng hôm sau mở tiệc yến rất lớn, mời tất cả các công khanh đến. Ai cũng sợ Đổng Trác cho nên không ai vắng mặt cả.

Trác chờ các quan đến đông đủ, mới lững thững đến cửa vườn, xuống ngựa đeo gươm vào tiệc.bg-ssp-{height:px}

Rượu được vài tuần, Trác truyền lệnh dừng chén, nghỉ âm nhạc, rồi nói lớn lên rằng:

- Các quan hãy im lặng, nghe ta nói một câu chuyện: Vua là chủ tể thiên hạ, không có uy nghi không thể nào tôn phụng tôn miếu và xã tắc. Nay hoàng thượng nhu nhược, không bằng Trần Lưu Vương thông minh ham học, xứng đáng ngôi rồng. Vậy ý ta muốn bỏ vua Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương, các quan nghĩ sao?

Các quan nghe đoạn, yên lặng nhìn nhau, không ai dám nói câu gì cả.

Bỗng có một người ngồi trong yến tiệc đẩy ghế đứng dậy, nói lớn lên rằng:

- Không được! Không được! Mày là thằng nào, dám nói càn rỡ như vậy? Hoàng thượng là con cả Đức Tiên đế, xưa nay không chút lầm lỗi, sao bỗng dưng dám nói bỏ người này lập người kia! Mày muốn phản nghịch chăng?

Trác nhìn xem mới biết người ấy là quan thứ sử Kinh Châu, tên gọi Đinh Nguyên. Trác nổi giận quát lên rằng:

- Ai theo ta thì sống, ai chống ta thì chết!

Bèn rút gươm toan chém Đinh Nguyên.

Bấy giờ Lý Nho thấy một người đứng sau lưng Đinh Nguyên, khí vũ hiên ngang, uy phong lẫm lẫm, tay cầm cái phương thiên họa kích, có vẻ tức giận trừng mắt mà nhìn, vội vàng đứng dậy nói rằng:

- Hôm nay trong tiệc ăn uống, không nên bàn đến việc nước. Xin đến sáng mai họp bàn tại nhà nghị sự thì hơn!

Mọi người đều khuyên Đinh Nguyên lên ngựa về nhà.

Trác lại hỏi các quan rằng:

- Ta nói thế có hợp lẽ không?

Lư Thực nói:

- Ông lầm rồi! Xưa vua Thái Giáp thông minh. Y Doãn bị đuổi ra Đổng cung; vua Xương Ấp lên ngôi vua mới có hai mươi bảy ngày mà làm hơn ba mươi điều ác, nên Hoắc Quang phải làm lễ cáo ở thái miếu rồi bỏ đi. Ngày nay vua dẫu còn trẻ tuổi, song vốn thông minh nhân từ, chưa có một chút lỗi lầm. Ông chẳng qua là thứ sử đường ngoài, chưa tham dự việc nước, lại không có tài lớn như Hoắc Quang, Y Doãn, sao dám cả gan bàn đến việc bỏ vua nọ lập vua kia? Thánh nhân nói rằng: “Có chí như Y Doãn thì hay bằng không có chí ấy mà làm thì là thoán nghịch!”

Trác cả giận, rút gươm sấn đến toan chém Lư Thực, quan thị trung là Sái Ấp và quan nghị lang là Bành Bá can rằng:

- Lư thượng thư là người có danh vọng lớn ở trong thiên hạ, nếu đem giết đi, e rằng thiên hạ không phục!

Trác mới thôi.

Quan tư đồ là Vương Doãn nói tiếp rằng:

- Việc phế lập không nên bàn sau khi uống rượu say. Xin để ngày khác lại bàn.

Các quan đều giải tán.

Lúc ấy Trác còn chống gươm đứng giữa cửa vườn, bỗng thấy một người cầm kích phi ngựa ở ngoài cửa. Trác hỏi Lý Nho:

- Người nào đấy?

Nho nói:

- Đấy là con nuôi Đinh Nguyên, họ Lã tên Bố, tự là Phụng Tiên, chúa công hãy nên tạm lánh đi.

Trác bèn lẩn trốn vào trong vườn.

Sáng hôm sau có tin báo Đinh Nguyên dẫn quân đến ngoài thành thách đánh. Trác nổi giận, cùng Lý Nho dẫn quân ra đối địch.

Lã Bố đầu búi tóc, đội kim quan, mình mặc chiến bào thêu trăm hoa, ngoài phủ giáp đường nghê, thắt bảo đới, phóng ngựa múa kích, theo Đinh Nguyên ra trước trận.

Đinh Nguyên trỏ vào mặt Đổng Trác mắng rằng:

- Nhà nước không may bị bọn hoạn quan lộng quyền, đến nỗi dân chúng lầm than. Mày không có chút công cán gì, sao dám mở mồm nói việc phế lập để loạn triều đình?

Đổng Trác chưa kịp trả lời, Lã Bố đã phi ngựa sấn sang, Đổng Trác hoảng chạy, Đinh Nguyên thúc quân đánh trận, quân Trác thua to, phải lui hơn ba mươi dặm đóng trại. Trác bàn với các tướng rằng:

- Ta xem Lã Bố là kẻ tài giỏi phi thường, nếu được người ấy về với ta, lo gì không được thiên hạ!

Một người ở dưới trướng bước ra thưa rằng:

- Chúa công lo chi điều ấy! Tôi vốn cùng làng với Lã Bố, hắn là người chỉ có sức khỏe mà không có mưu, thấy lợi thì quên nghĩa. Tôi quyết xin đem ba tấc lưỡi nói cho Lã Bố chắp tay về với chúa công.

Trác cả mừng nhìn xem, thì ra người ấy là hổ bôn trung lang tướng Lý Túc. Trác bèn hỏi:

- Làm thế nào để dụ hắn?

Túc nói:

- Tôi nghe chúa công có một con ngựa xích thố tốt, mỗi ngày đi ngàn dặm. Nếu đem con ngựa ấy và thêm một số vàng ngọc nữa lấy lợi dụ hắn, hắn sẽ phản Đinh Nguyên về với chúa công ngay.

Trác quay lại hỏi Lý Nho rằng:

- Có nên làm như thế không?

Nho nói:

- Chúa công muốn lấy thiên hạ, thì tiếc gì một con ngựa.

Trác vua vẻ cho ngựa, lại cho thêm một nghìn lạng vàng, vài chục hạt châu, và một cái đai bằng ngọc. Lý Túc nhận các món ấy đem sang trại quân Lã Bố, bị quân canh đường bắt được. Túc nói:

- Các ngươi vào bẩm Lã tướng quân, có người bạn cũ đến thăm đấy.

Lã Bố sai mời vào.

Túc hỏi Bố rằng:

- Lâu nay hiền đệ vẫn được bình yên?

Lã Bố chắp tay thưa rằng:

- Lâu lắm mới gặp nhau, vậy chớ bây giờ anh ở đâu?

Túc nói:

- Tôi hiện làm chức hổ bôn trung lang tướng, nghe tin hiền đệ trổ tài giúp nước, tôi mừng rỡ vô cùng. Nhân có một con ngựa tốt, ngày đi ngàn dặm, lội nước trèo núi như chạy đường phẳng, gọi là ngựa xích thố, thành tâm đem dâng hiền đệ, thêm giúp oai hùng.

Lã Bố sai dắt lại xem, quả nhiên toàn thân con ngựa ấy một màu đỏ như lửa, tuyệt không có cái lông nào tạp, từ đầu đến đuôi dài một trượng, từ mông lên trán cao tám thước, lúc miệng gầm chân cất, có cái vẻ tung mây vượt biển.

Đời sau có người vịnh thơ khen ngựa xích thố rằng:

Ngàn dặm mù bay tịt nẻo xa

Trèo non vượt nước khéo xông pha

Cương tơ chặt đứt rung chuông ngọc

Rồng đỏ trên trời hẳn mới sa?

Lã Bố trông thấy ngựa mừng lắm, tạ rằng:

- Anh cho con ngựa hay như thế, biết lấy gì đáp lại?

Túc nói:

- Tôi vì nghĩa đến đây, dám mong gì báo đáp!

Lã Bố sai làm rượu thết đãi. Rượu đã ngà say,

Túc nói:

- Tôi với hiền đệ ít khi gặp nhau, nhưng được gặp lệnh tôn luôn.

Lã Bố nói:

- Anh say rồi, cha tôi khuất núi đã lâu, sao còn gặp được anh?

Túc cả cười mà rằng:

- Tôi đã say đâu, tôi nói lệnh tôn là nói Đinh thứ sử đó!

Bố có ý hổ thẹn nói rằng:

- Tôi ở với ông Đinh Kiến Dương, cũng là bất đắc dĩ.

Túc nói:

- Hiền đệ có tài ngang trời dọc đất, bốn biển ai chẳng quý trọng, phú quý công danh, coi dễ như thò tay lấy của ở trong túi, sao lại nói là bất đắc dĩ mà can chịu nép mình ở dưới người ta?

Bố thở dài nói:

- Tôi chỉ giận chưa gặp được chủ!

Túc cười nói:

- Chim khôn chọn cành mà đậu, người hiền chọn chúa mà thờ; nếu không sớm liệu ngày sau hối sao kịp?

- Anh xem trong triều, còn có ai đáng mặt anh hùng đời nay?

- Tôi xem các quan đại thần bây giờ không ai bằng được Đổng Trác, Đổng Trác tôn người hiền, kính kẻ sĩ, thưởng phạt công minh, chắc sau này làm nên nghiệp lớn.

Bố hăm hở nói:

- Quả vậy, tôi muốn về với ông ta, chỉ hiềm chưa có người tiến dẫn.

Túc bèn đem vàng, hạt châu và cái đai ngọc bày la liệt ở trước mặt Lã Bố. Lã Bố kinh hãi nói rằng:

- Sao có những thứ này?

Túc sai tả hữu lui cả, rồi bảo Lã Bố rằng:

- Đây là Đổng công mộ đại danh hiền đệ đã lâu, bảo tôi thân đem các vật này đến dâng hiền đệ. Con ngựa xích thố cũng của Đổng công kính tặng đấy.

Lã Bố nói:

- Đổng công có lòng quá yêu, tôi biết lấy gì đáp lại? Túc nói:

- Bất tài như tôi còn làm đến chức bôn trung lang tướng. Nếu hiền đệ về với Đổng công thì quý hiểu chưa biết chừng nào.

Lã Bố nói:

- Nhưng tôi không có chút công gì làm lễ ra mắt?

Túc nói:

- Muốn có công cũng dễ lắm, chỉ trở bàn tay là được. Chỉ sợ hiền đệ không chịu làm thôi!

Lã Bố ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Tôi muốn giết Đinh Nguyên, dẫn quân về hàng Đổng Trác, có nên không?

Túc nói:

- Làm được như thế, thật là công rất lớn. Nhưng việc phải quả quyết làm ngay mới được!

Lã Bố hẹn đến hôm sau thì đem quân lại hàng.

Túc từ biệt về.

Đêm hôm ấy, hồi canh hai, Lã Bố cầm dao, vào thẳng màn Đinh Nguyên. Đinh Nguyên đang thắp nến xem sách, thấy Lã Bố đến bèn hỏi:

- Con vào có việc gì?

Bố nổi giận quát:

- Ta đây đường đường một đấng trượng phu, có đâu chịu làm con mày!

Nguyên nói:

- Phụng Tiên vì cớ gì mà thay lòng đổi dạ như thế?

Lã Bố bước thẳng lên giơ dao chém Nguyên một nhát, chặt lấy đầu rồi gọi lớn tả hữu rằng:

- Đinh Nguyên bất nhân, ta đã giết nó rồi. Ai theo ta thì ở đây, không theo thì đi!

Quân sĩ bỏ đi quá nửa.

Ngày hôm sau, Lã Bố cầm đầu Đinh Nguyên đến nhà Lý Túc, Túc đưa vào ra mắt Đổng Trác. Trác mừng lắm, làm rượu thết đãi. Sụp xuống lạy Lã Bố trước và nói rằng:

- Trác này được tướng quân, ví như cây lúa bị nắng hạn lâu mà được trận mưa ngọt!

Lã Bố rước Trác ngồi lên, lạy mà nói rằng:

- Ngài có bụng yêu, tôi xin thờ ngài làm nghĩa phụ.

Trác lấy áo cẩm bào dát vàng đem ra cho Lã Bố rồi cùng uống rượu vui vẻ.

Đổng Trác tự đấy uy thế mỗi ngày một lớn, tự lĩnh chức tiền tướng quân, phong cho em là Đổng Mân làm tả tướng quân, tước Vu hầu; phong Lã Bố làm kị đô úy, trung lang tướng, tước Đô đình hầu.

Lý Nho khuyên Trác định ngay việc phế lập.

Trác bèn đặt một tiệc yến ở trong dinh, mời cả các công khanh đến; sai Lã Bố đem hơn một nghìn quân giáp sĩ, canh gác hai bên.

Hôm ấy quan thái phó Viên Ngỗi và trăm quan đều đến. Rượu được vài tuần, Trác cầm gươm nói rằng:

- Nay vua ngu yếu, không thờ được tôn miếu; ta muốn theo Y Doãn, Hoắc Quang ngày xưa, phế vua cho ra làm Hoằng Nông Vương và lập Trần Lưu Vương lên nối nghiệp. Ai không theo, ta chém!

Quần thần run sợ, không ai dám đáp lại, duy có quan trung quân hiệu úy là Viên Thiệu đứng vụt lên nói:

- Thiên tử mới lên ngôi, không làm điều gì thất đức, mày dám bàn bỏ con cả, lập con thứ, định làm phản hay sao?

Trác giận đáp lại:

- Việc thiên hạ ở trong tay ta, nay ta làm đấy, ai dám không nghe? Mày hãy thử xem lưỡi gươm ta có sắc Không?

Viên Thiệu cũng rút gươm ra nói rằng:

- Gươm mày sắc, dễ gươm ta không sắc hay sao?

Hai người đối địch nhau ở ngay trên tiệc rượu.

Thế rõ thực là:

Đinh Nguyên trượng nghĩa thân vừa chết

Viên Thiệu tranh hùng thế cũng nguy.

Chưa biết tính mạng Viên Thiệu thế nào, xem hồi sau thì biết rõ.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio