HỒI
Cửa Tam Giang, Tào Tháo hao binh;
Hội quần anh, Tưởng Cán mắc mẹo.
Lại nói Chu Du nghe Gia Cát Cẩn nói, giận Khổng Minh lắm, âm mưu muốn giết. Hôm sau điểm quân xong, Du vào chào từ biệt Tôn Quyền. Quyền nói:
- Ngươi cất quân đi trước, ta lập tức đi sau tiếp ứng!
Chu Du từ tạ trở ra, cùng với Lỗ Túc, Trình Phổ cất quân đi và mời Khổng Minh đi cùng một thể. Khổng Minh vui vẻ nhận lời, lên cả thuyền, giương buồm kéo đến Hạ Khẩu, cách cửa Tam Giang ba bốn mươi dặm đóng trại. Thuyền bè đỗ rất có trật tự.
Chu Du hạ trại ở giữa, trên bờ thì dựa vào núi Tây Sơn lập doanh trại, chung quanh cũng lập đồn phòng bị cả. Khổng Minh ở riêng một chiếc thuyền nhỏ. Chu Du phân phát đâu đấy rồi sai người mời Khổng Minh đến bàn việc. Khổng Minh đến trung quân vào gặp Chu Du, Du nói:
- Ngày trước quân Tào Tháo ít, quân Viên Thiệu nhiều, thế mà Tháo đánh được Thiệu, ấy là bởi vì Tháo dùng mưu Hứa Du, trước hết triệt lương thực ở Ô Sào. Nay quân Tào tám mươi ba vạn, quân ta chỉ độ năm sáu vạn, cự sao nổi, tất cũng phải đốt lương của Tháo trước, rồi mới phá được. Tôi đã dò biết được lương thảo Tào Tháo chứa cả ở núi Tụ Thiết. Tiên sinh ở Hán Thượng đã lâu, am hiểu đường đất, xin phiền tiên sinh cùng với Quan, Trương, Tử Long, đi ngay đến đó triệt lương của Tào Tháo. Tôi xin giúp thêm một nghìn quân mã. Hai bên cùng vì việc chủ cả, xin tiên sinh đừng có thoái thác.
Khổng Minh nghĩ thầm rằng:
- Chắc họ dụ ta không nổi, nên lập kế hại ta. Nếu ta từ chối, họ hẳn chê cười, chi bằng cứ vâng lời rồi sẽ liệu kế khác.
Nghĩ vậy Khổng Minh vui vẻ xin vâng lệnh.
Chu Du thấy Khổng Minh nhận lời cũng mừng lắm. Khổng Minh từ giã ra về. Lỗ Túc hỏi nhỏ Chu Du:
- Ông sai Khổng Minh đi đốt lương là ý làm sao?
Du nói:
- Ta muốn giết Khổng Minh, nhưng ngại thiên hạ chê cười, cho nên mượn tay Tào Tháo giết đi, để khỏi lo về sau.
Túc nghe nói, liền đến chơi Khổng Minh, xem Khổng Minh có biết ý gì không, nhưng chỉ thấy Khổng Minh cứ điềm nhiên như không, sắp sửa, điểm quân mã để đi. Túc thương hại mới hỏi gượng rằng:
- Tiên sinh đi chuyến này, chắc có thành công được không?
Khổng Minh cười, nói:
- Ta đánh thủy, đánh bộ, đánh mã, đánh xe, môn nào cũng giỏi, khó gì mà chẳng thành công, chớ chẳng như ông và Chu Lang chỉ biết có một nghề mà thôi đâu!
Túc hỏi:
- Tôi với Công Cẩn, thế nào là chỉ biết có một nghề?
Khổng Minh nói:
- Tôi nghe trẻ con ở Giang Nam có hát rằng: “Mặt bộ cầm quân tài Tử Kính, ra sông đánh thủy có Chu Du”. Xét như vậy, thì ông chỉ tài trên bộ, chẹn đường giữ ải; còn Chu Lang thì chỉ biết đánh thủy, chớ đánh bộ thì kém.
Túc lại mang lời ấy về nói với Chu Du. Du nổi giận nói:
- Sao dám bảo ta không đánh được mặt bộ? Có phải thế thì không khiến Khổng Minh đi nữa, để ta tự mang quân đến cướp lương Tào ở núi Tụ Thiết cho mà xem.
Túc lại đem chuyện nói với Khổng Minh, Khổng Minh cười, bảo:
- Công Cẩn sai ta đi cướp lương, là cố ý mượn tay Tào Tháo giết ta. Ta mới nói đùa một câu, Công Cẩn đã không chịu được. Hiện nay đang lúc dùng người, chỉ mong sao cho Ngô Hầu đồng tâm với Lưu sứ quân, mới thành công được. Nếu mang bụng hại lẫn nhau, thì việc lớn sẽ hỏng mất. Tào Tháo lắm mưu, xưa nay hắn chỉ quen cướp lương của người ta, lẽ đâu hắn chẳng phòng giữ cẩn thận. Công Cẩn mà đi, tất nó bắt được. Nay hãy đánh mặt thủy trước, để làm bớt cái nhuệ khí của hắn đi, rồi sẽ liệu kế khác đánh phá mới được. Tử Kính nên về nói với Công Cẩn cho khéo.
Lỗ Túc lập tức đang đêm về nói với Chu Du, thuật lại lời Khổng Minh. Du lắc đầu, giẫm chân xuống nói rằng:
- Kiến thức người này, hơn gấp mười ta, nếu không trừ ngay đi, tất để vạ về sau.
Túc can rằng:
- Nay đang lúc cần người, xin hãy coi việc nước là trọng, đợi khi nào phá xong được Tào Tháo, bấy giờ sẽ liệu cũng vừa.
Du nghe lời.
Nay lại nói Huyền Đức dặn dò Lưu Kỳ giữ lấy Giang Hạ, còn mình cùng với các tướng dẫn quân sang Hạ Khẩu. Từ xa trông sang phía nam bờ sông, thấy cờ bay phất phới, gươm giáo sáng quắc, biết là Đông Ngô đã cất quân, bèn đem cả quân Giang Hạ đến đóng ở Phàn Khẩu. Huyền Đức họp các tướng sĩ lại bàn:
- Khổng Minh từ khi sang Đông Ngô đến nay không thấy tin tức gì, không biết sự thể ra sao? Ai có thể đi dò xét tình hình về báo cho ta?
My Chúc xin đi. Huyền Đức sai mang dê, rượu và đồ lễ sang Đông Ngô, giả tiếng khao quân, để dò xét hư thực. Chúc vâng lệnh, bơi một chiếc thuyền thuận dòng sang sông, thẳng đến trại Chu Du. Quân sĩ vào báo, Du mời vào. My Chúc lạy hai lạy, dâng đồ lễ vật và bày tỏ ý Huyền Đức. Du nhận lễ rồi mở tiệc khoản đãi.
Chúc nói:
- Khổng Minh sang đây đã lâu, xin cho về một thể.
Du nói:
- Khổng Minh đang cùng ta lập mưu phá Tào Tháo, về thế nào được? Ta cũng muốn gặp Lưu Dự Châu để cùng bàn việc, nhưng ta đang thống lĩnh đại quân, không thể đi xa được. Nếu Dự Châu có lòng hạ cố đến chơi một chút, thì ta hả lòng mong đợi lắm.
My Chúc vâng lời, lạy từ trở ra.
Lỗ Túc hỏi Chu Du rằng:
- Ông muốn tiếp Lưu Huyền Đức để bàn việc gì?
Du nói:
- Huyền Đức như con thú dữ trong đời, không thể không trừ được. Nay ta thừa cơ dụ y đến giết đi, để trừ một mối lo to cho nước nhà.
Túc can ngăn hai ba lần, Du nhất định không nghe, truyền ngay lệnh rằng:
- Huyền Đức đến đây, thì phục sẵn năm mươi tên đao phủ ở trong buồng hễ lúc nào ta quẳng cái làm hiệu, thì ùa ra giết đi.
My Chúc về ra mắt Huyền Đức, thuật chuyện Chu Du muốn mời đến chơi để bàn bạc việc gì. Huyền Đức sai thu xếp một chiếc thuyền nhẹ, định đi ngay, Vân Trường can rằng:
- Chu Du là người đa mưu, lại không có thư của Khổng Minh, hoặc có mưu lừa gì chăng, không nên khinh thường.
Huyền Đức nói:
- Ta nay kết liên với Đông Ngô, cùng phá Tào Tháo. Nay Chu Du muốn gặp ta, nếu ta không đi thì không phải là tình đồng minh với nhau. Hai bên cứ ngờ vực lẫn nhau, việc to hỏng mất.
Vân Trường nói:
- Nếu huynh trưởng muốn sang đó, em xin đi theo.
Trương Phi cũng xin đi. Huyền Đức nói:
- Chỉ Vân Trường đi là đủ. Dực Đức với Tử Long ở nhà giữ trại; Giản Ung giữ Ngạc Huyện cho vững, ta đi sẽ về ngay.
Phân công đâu đấy rồi, Huyền Đức bèn cùng Vân Trường chỉ đem hai mươi tên quân, bơi một chiếc thuyền nhỏ sang Giang Đông.
Huyền Đức ngắm trông chiến thuyền Giang Đông cùng với tinh kì binh giáp dàn ra hai bên tả hữu tề chỉnh lắm, trong bụng cũng đã mừng thầm.
Quân sĩ vào báo với Chu Du rằng Lưu Dự Châu đã đến. Du hỏi:
- Y đem thuyền đến nhiều hay ít?
Quân sĩ bẩm:
- Chỉ có độc một chiếc thuyền và hơn hai mươi tên tùy tùng.
Du cười, nói:
- Bọn này thật đáng chết!
Lập tức sai quân đao phủ mai phục đâu đấy, rồi ra trại đón Huyền Đức vào.
Huyền Đức dẫn Vân Trường và tuỳ tùng vào thẳng trung quân. Đôi bên chào nhau xong, Du mời Huyền Đức ngồi lên trên. Huyền Đức nói:
- Tiếng tướng quân lẫy lừng cả thiên hạ, Bị này tài đức gì, dám đâu phiền đến tướng quân phải trọng vọng.
Nói rồi chia ngôi chủ khách ngồi chơi. Chu Du mở tiệc khoản đãi.
Khi ấy Khổng Minh tình cờ ra chơi bờ sông, nghe tin Huyền Đức đến gặp Chu Du, thất kinh, vội lẻn vào trung quân xem động tĩnh ra làm sao, thấy trên mặt Chu Du đầy những sát khí, trông vào hai bên màn vách thì thấy đặc những quân đao phủ. Khổng Minh sợ hãi nói:
- Thế này thì làm thế nào?
Nói rồi lại nhìn Huyền Đức chỉ thấy Huyền Đức cười cười nói nói như không; lại thấy một người cắp gươm đứng hầu sau lưng Huyền Đức, nhìn xem ai thì là Quan Vân Trường, Khổng Minh mừng, nói:
- Chủ ta không có gì đáng lo nữa rồi!
Nói xong không vào nữa, quay ra bờ sông đứng đợi.
Chu Du mời mọc Huyền Đức uống rượu; được vài tuần, Du bèn đứng dậy cầm chén để mời, sực trông thấy Vân Trường cắp gươm đứng sau Huyền Đức, liền hỏi ai. Huyền Đức nói:
- Em tôi là Quan Vân Trường đó!
Du giật mình hỏi:
- Có phải là người chém Nhan Lương, Văn Sú khi xưa khi đó không?
Huyền Đức đáp:
- Chính phải!
Du thất kinh, mồ hôi đổ toát ra cả áo. Rồi rót rượu mời Vân Trường uống. Một lát, Lỗ Túc vào.
Huyền Đức nói:
- Khổng Minh ở đâu, nhờ Tử Kính mời lại đây gặp một lát.
Chu Du nói:
- Đợi khi nào phá xong Tào Tháo, bấy giờ sẽ gặp nhau cũng được.
Huyền Đức nín lặng. Vân Trường đưa mắt cho Huyền Đức. Huyền Đức biết ý, đứng ngay dậy từ biệt Chu Du mà rằng:
- Nay tôi hãy xin cáo biệt, khi nào phá được giặc thành công, xin lại sang mừng.
Du cũng không giữ lại, tiễn ra cửa dinh. Huyền Đức từ biệt ra đến bờ sông, đã thấy Khổng Minh ở trong thuyền, Huyền Đức mừng rỡ. Khổng Minh nói:
- Chúa công có biết việc nguy cấp hôm nay không?
Huyền Đức ngạc nhiên nói:
- Không biết có việc gì?
Khổng Minh nói:
- Nếu không có Vân Trường thì chúa công đã bị Chu Du hại rồi.
Huyền Đức bấy giờ mới vỡ lẽ; bèn mời Khổng Minh cùng về Phàn Khẩu.
Khổng Minh nói:
- Tôi tuy ở kề miệng hổ, nhưng vững như Thái Sơn. Chúa công trở về, đúng đến hôm tháng là ngày Giáp Tí, phải sai Tử Long mang một chiếc thuyền nhỏ chờ tôi ở mé Nam bờ sông, chớ có sai hẹn.
Huyền Đức hỏi ý làm sao, Khổng Minh nói:
- Cứ xem gió Đông Nam nổi lên lúc nào, thì tôi về lúc ấy.
Huyền Đức đi chưa được vài dặm, chợt thấy trên thượng lưu có năm sáu chục chiếc thuyền bơi đến, một Đại tướng cầm ngang ngọn mâu đứng trên mũi thuyền, thì là Trương Phi. Nguyên Phi sợ Huyền Đức gặp lỡ làng gì, một mình Vân Trường không địch nổi, cho nên mới đem thuyền đến tiếp ứng. Ba người cùng nhau về trại.
Lại nói, Chu Du tiễn xong Huyền Đức về trại. Lỗ Túc hỏi rằng:
- Ông đã mời Huyền Đức đến đây, sao lại không giết nữa?
Du nói:
- Quan Vân Trường là một hổ tướng đời nay, cùng với Huyền Đức không rời nhau lúc nào, nếu ta hạ thủ, thì y tất giết ta trước.
Túc nghe nói cũng rợn tóc gáy. Chợt lại có tin vào báo Tào Tháo sai người đưa thư đến. Du gọi vào. Sứ giả dâng thư lên. Du cầm thư xem thì thấy đề ở ngoài phong bì rằng: “Đại thừa tướng nhà Hán giao cho Chu Đô Đốc phải mở thư này”. Du nổi giận, không mở thư ra xem nữa, xé nát, quẳng xuống đất và quát sai điệu Sứ giả ra chém.
Lỗ Túc can rằng:
- Hai nước đánh nhau, không nên chém sứ giả.
Du không nghe, nói:
- Phải chém để thị oai!
Rồi Du sai chém luôn sứ giả, cho đầy tớ mang đầu về bên Tào. Đoạn Du hạ lệnh cho Cam Ninh làm tiên phong, Hàn Đương làm tả dực, Tưởng Khâm làm hữu dực, Du thì tự lĩnh các tướng đi tiếp ứng; sáng hôm sau, canh tư thổi cơm ăn, canh năm mở thuyền, đánh trống hò reo bắt đầu sang đánh Tào.
Tào Tháo thấy Chu Du xé thư chém sứ giả, bèn nổi giận đùng đùng, lập tức sai Sái Mạo, Trương Doãn và bọn hàng tướng Kinh Châu làm tiền bộ, Tháo tự lĩnh hậu quân, đốc thúc chiến thuyền kéo đến của Tam Giang. Vừa tới nơi đã thấy thuyền Đông Ngô đen kịt cả sông, một đại tướng ngồi đầu thuyền gọi to lên rằng:
- Ta là Cam Ninh đây, ai dám ra đây quyết chiến với ta không?
Sái Mạo sai em là Sái Huân tiến lên trước. Hai thuyền gần nhau, Cam Ninh giương cung đặt tên bắn sang một phát. Huân ngã gục ngay xuống. Ninh thúc thuyền đánh dấn vào, muôn ngàn cung nỏ nhả tên như mưa, quân Tào không sao địch nổi. Lại có Hàn Đương ở tả, Tưởng Khâm ở hữu, hai mặt cùng xông thẳng vào đội quân Tào. Quân Tào quá nửa là quân vùng Thanh. Từ xưa nay không quen đánh thủy, chèo chống không vững, chiến thuyền chòng chành, nghiêng ngả trên mặt sông. Bên này, ba đội thuyền của bọn Cam Ninh tung hoành trên mặt nước. Chu Du lại thúc thuyền đánh giúp, quân Tào chết hại không biết bao nhiêu mà kể. Đánh nhau từ giờ Tị đến giờ Mùi, Chu Du tuy thắng, nhưng vẫn sợ quân Tào nhiều lắm, mình địch không nổi, lập tức khua chiêng thu thuyền về trại.
Quân Tào thua trận trở về. Tháo lên trại trên cạn, chỉnh đốn lại quân mã, rồi đòi Trương Doãn, Sái Mạo vào trách mắng:
- Quân Đông Ngô ít, thế mà nó đánh được mình, đó là các người không chịu hết lòng đó thôi!
Sái Mạo thưa:
- Quân thủy ở Kinh Châu, lâu nay không được luyện tập, mà quân ở Thanh, Từ thì không quen đánh thủy, nên mới bị thua. Nay nên lập một thủy trại, cho quân Thanh, Từ ở trong, quân Kinh Châu ở ngoài, hàng ngày phải tập tành, khi nào giỏi mới dùng được.
Tháo nói:
- Người đã làm thủy quân đô đốc, thế nào tiện thì cứ làm, việc gì còn phải hỏi ta?
Trương, Sái hai người ra luyện quân thủy. Suốt giải ven sông, lập ra một thủy trại cực to, thuyền lớn đóng xung quanh phía ngoài, thuyền nhỏ ở trong. Chia ra làm hai mươi cửa, có đường đi lối lại nối liền, đèn đuốc sáng rực trời; doanh trại trên cạn dài hơn ba trăm dặm, khói, lửa nghi ngút.
Lại nói, Chu Du được trận về trại, khao thưởng ba quân, sai người báo tin thắng lợi với Ngô Hầu. Đêm hôm ấy, Chu Du lên cao đứng trông, thấy mé tây ánh lửa rực trời. Tả hữu bẩm rằng:
- Đó là ánh đèn đuốc ở bên quân Tào đó!
Du cũng hoảng. Hôm sau Du muốn thân đến xem thủy trại Tào Tháo, liền sai sửa soạn một chiếc thuyền lầu, đem theo đồ âm nhạc và vài viên tướng khỏe, mỗi người đeo một bộ cung tên thực tốt, từ từ bơi sang. Đến cạnh trại Tháo, Du truyền đỗ thuyền lại, kèn, sáo nổi lên inh ỏi. Du nhìn trộm thủy trại địch, giật mình, nói rằng:
- Thật là đạt mức tuyệt diệu của quân thủy!
Lại nói rằng:
- Ai là đô đốc thủy quân bên Tào thế?
Tả hữu bẩm:
- Sái Mạo và Trương Doãn.
Du nói:
- Hai người này ở Giang Đông đã lâu, thạo nghề đánh thủy, ta phải lập mẹo trừ trước đi, mới có thể phá được Tào Tháo.
Giữa lúc ấy, quân vào báo với Tào Tháo rằng Chu Du đến xem trộm trại. Tháo sai chèo thuyền đuổi bắt. Du thấy cờ hiệu trong trại thủy phe phẩy vội sai nhổ neo, chèo thuyền bay vùn vụt; khi thuyền Tháo ra khỏi cửa trại, thì Chu Du đã đi xa hàng chục dặm rồi. Quân Tào đuổi không kịp, quay về báo với Tào Tháo.
Tháo hỏi các tướng:
- Hôm qua ta vừa thua một trận, mất cả nhuệ khí, hôm nay nó lại sang xem trộm trại ta, ta nên dùng kế gì mà phá cho được?bg-ssp-{height:px}
Tháo hỏi chưa dứt lời, có một người bước ra thưa rằng:
- Tôi thuở nhỏ là bạn đồng học với Chu Du, chơi với nhau thân lắm. Nay xin đem ba tấc lưỡi sang Giang Đông dụ người ấy lại hàng.
Tháo mừng lắm, trông ra thì là Tưởng Cán, tự là Tử Dực quê ở Cửu Giang hiện đang làm Mạc tàn. Tháo bèn hỏi
- Tử Dực chơi với Chu Du thân lắm à?
Cán thưa:
- Thừa tướng yên tâm, tôi sang tả ngạn chuyến này nhất định thành công.
Tháo lại hỏi:
- Có cần mang đồ vật gì đi không?
Cán nói:
- Chỉ một tiểu đồng đi hầu, với hai người chèo thuyền là đủ.
Tháo mừng lắm, mở tiệc rượu tiễn Tưởng Cán. Cán đội khăn cát đằng, mặc áo vải rộng tay, ngồi một chiếc thuyền con, đến thẳng trại Chu Du, sai người vào báo là có bạn cũ Tưởng Cán lại thăm.
Chu Du đang ngồi trong trướng bàn việc, nghe tin Tưởng Cán đến chơi, cười mà nói rằng:
- Thuyết khách đến đây rồi!
Liền nghé vào tai các tướng dặn dò như thế... như thế. Ai nấy vâng lệnh đi ra. Du sửa lại áo mũ chỉnh tề, dẫn vài trăm tùy tùng đều mặc áo gấm, đội mũ hoa, tiền hô hậu ủng đi ra. Tưởng Cán dẫn một tiểu đồng, mặc áo xanh, ngang nhiên bước tới. Du đón tiếp rất lễ độ.
Cán hỏi:
- Công Cẩn lâu nay mạnh khỏe chớ?
Du đáp:
- Tử Dực xông pha sóng gió đến đây, làm thuyết khách cho Tào Tháo đó chăng?
Cán ngạc nhiên, nói:
- Ta lâu nay không gặp túc hạ, nên đến thăm hỏi, cớ sao lại nghi ta là thuyết khách?
Du cười, nói:
- Ta đây tuy không thông minh bằng Sư Khoáng ngày xưa, nhưng nghe tiếng đàn cũng biết bụng người.
Cán nói:
- Túc hạ bạc đãi cố nhân thế, tôi xin cáo thoái.
Du cười, kéo cánh tay Cán mà nói:
- Ta chỉ sợ anh làm thuyết khách cho Tào Tháo, nếu không có ý ấy, thì can gì phải đi ngay?
Hai người cùng vào trướng, chào hỏi xong, phân chủ khách ngồi chơi, lập tức Du cho mời hết các tay anh kiệt vào ra mắt Tử Dực. Được một lát, các văn quan võ tướng mặc toàn áo gấm, tì tướng mặc toàn áo giáp bạc, xếp thành hai hàng đi vào. Du bảo vái chào cả một lượt, rồi mới ngồi sang hai bên. Đoạn Du truyền mở tiệc cực to, cử khúc nhạc thắng trận, mọi người thay phiên nhau đứng dậy mời rượu. Du bảo với các quan rằng:
- Đây là ông bạn học với tôi từ ngày bé, tuy ở bên Giang Bắc đến chơi, nhưng không phải là thuyết khách của Tào Tháo, các quan đừng nghi.
Nói rồi cởi thanh kiếm đeo trong mình giao cho Thái Sử Từ và dặn rằng:
- Ông đeo thanh kiếm này làm người giám tửu. Hôm nay chỉ được nói chuyện bầu bạn vui vẻ với nhau thôi, ai nói động đến chuyện quân sự giữa Đông Ngô với Tào Tháo sẽ bị chém lập tức.
Thái Sử Từ vâng lệnh, đeo thanh gươm ngồi giám tiệc. Tưởng Cán sợ hãi, chẳng dám nói lôi thôi gì cả.
Chu Du nói:
- Tôi từ khi cất quân ra đến nay, chưa từng nhắp một giọt rượu. Hôm nay gặp được cố nhân, lại không có điều chi nghi kị, nên uống một bữa thực say!
Nói rồi, Du cười ha hả, cuộc rượu thật thỏa thuê.
Trên tiệc, bát đũa ngổn ngang. Lúc đã chếnh choáng hơi men, Du dắt tay Tưởng Cán ra ngoài trướng; quân sĩ áo mũ lịch sự, vác kích cầm giáo đứng hầu, Du hỏi:
- Thế quân ta có hùng tráng không?
Cán đáp:
- Thật là quân như hổ như báo cả.
Du lại đưa Cán đến sau trại, lương thảo chồng chất như núi. Du nói:
- Lương của ta có đủ dùng không?
Cán đáp:
- Quân đã giỏi, lương lại nhiều, quả tiếng đồn không ngoa.
Du giả say, cười ầm lên, nói:
- Tưởng nhớ lại khi ta cùng với Tử Dực còn học với nhau, có mong đâu được như ngày nay.
Cán nói:
- Công Cẩn có biệt tài, được thế cũng đáng!
Du cầm tay Cán, nói:
- Tài trai sinh ở đời gặp được chủ tri kỉ, ngoài là nghĩa vua tôi, trong là tình xương thịt, nói thì nghe, kế thì dùng, họa phúc có nhau. Như thế, dẫu đến Tô Tần, Trương Nghi, Lục Giả, Lục Sinh có sống lại, miệng nói như nước, lưỡi sắc như dao, cũng không lay chuyển được lòng ta!
Nói rồi lại cười ầm lên.
Tưởng Cán mặt xám lại như tro. Du lại dắt Cán vào trướng uống rượu với các tướng, nhân đó mà trỏ vào các tướng mà nói:
- Đây toàn là anh kiệt ở Giang Đông cả đấy! Hội hôm nay nên gọi là hội quần anh.
Bữa rượu kéo dài mãi đến tối, đèn nến thắp lên, Du đứng dậy múa gươm hát mấy câu:
Trượng phu cốt lập công danh
Công danh đã lập, lòng mình thảnh thơi!
Lòng thảnh thơi, vui chơi thích tính,
Chén say rồi đủng đỉnh hát ngông...
Du hát đoạn, cử tọa cười ầm cả lên. Đến canh khuya, Cán tạ từ, nói:
- Tửu lượng tôi không sao kham được nữa.
Du sai cất tiệc, các tướng đâu về đấy.
Du nói:
- Lâu nay không ngủ chung với Tử Dực, nay phải gác chân lên nhau mà ngủ một đêm.
Du giả làm say quá, dắt Cán vào màn, rồi để nguyên cả áo mũ nằm ngủ, nôn ọe bừa bãi.
Cán ngủ sao được, nghe thấy bên ngoài trống đã điểm canh hai, bèn đứng dậy, trông thấy đèn vẫn còn sáng mà Chu Du thì đã ngủ say, tiếng ngáy như sấm. Cán trông lên bàn, thấy một đống thư từ, mới lẻn ra xem trộm. Đó toàn là thư các nơi gửi về, trong có một phong ngoài đề: “Sái Mạo, Trương Doãn cẩn phong”. Cán giật mình, mở ra xem, trong thư nói như sau:
“Chúng tôi hàng Tào Tháo, không phải có bụng mong phú quý đâu, cũng là bất đắc dĩ. Nay đã lừa được quân Tào nhốt cả trong thủy trại rồi. Khi nào được dịp, xin nộp đầu Tào Tháo ở dưới cờ. Nay mai có người đến, sẽ có tin báo, xin chớ nghi ngờ gì cả. Nay kính thư.”
Cẩn xem xong nghĩ rằng:
- Té ra hai thằng này vẫn liên kết với Đông Ngô!
Lập tức giấu ngay tờ thư ấy vào tay áo, Cán định xem thêm thư khác, thì thấy Chu Du trở mình, bèn vội vàng tắt đèn đi ngủ. Du nói lảm nhảm trong mồm rằng: “Tử Dực, vài hôm nữa cho anh xem đầu Tào Tháo!” Lại thấy Du nói: “Tử Dực! Anh hãy ở đây, ta sẽ cho anh xem đầu giặc Tháo!” Lúc Cán hỏi lại thì Chu Du đã ngủ khì ra rồi.
Cán nằm trên giường, đến mãi canh tư, thấy có người vào trướng gọi: “Đô đốc đã tỉnh chưa?” Chu Du ra bộ nằm mê sực tỉnh, hỏi rằng:
- Ai nằm trên giường thế kia?
Người ấy đáp:
- Đô đốc mời Tử Dực cùng ngủ, đã quên rồi à?
Du hối hận nói:
- Ta chưa khi nào uống rượu say thế này; hôm nay say quá, không biết có nói lỡ điều gì không?
Người ấy nói:
- Giang Bắc có người đến đây...
Du nói:
- Nói se sẽ chứ!
Rồi gọi Cán:
- Tử Dực! Tử Dực!
Cán bấy giờ vẫn tỉnh, nhưng vờ ngủ say không thưa, Du lẻn ra ngoài trướng. Cán lắng tai nghe lỏm, thì thấy người bên ngoài nói rằng: “Trương Doãn, Sái Mạo cho người lại bảo chưa thể nào hạ thủ được...” Những câu sau nói nhỏ quá nên Cán nghe không rõ.
Một lát, Chu Du trở vào, lại gọi:
- Tử Dực!
Cán vẫn vờ ngủ không thưa. Du cũng cởi áo đi ngủ.
Cán nằm nghĩ thầm rằng:
- Chu Du là người cẩn thận, sáng dậy không thấy thư, tất nhiên sẽ không để cho mình được thoát!
Vừa sang canh năm, Cán dậy gọi Chu Du. Du vẫn ngủ say. Cán bèn đội khăn mặc áo, lẻn ra ngoài trướng, gọi tiểu đồng, đi thẳng đến cửa trại. Quân canh hỏi:
- Tiên sinh đi đâu?
Cán nói:
- Ta ở đây mãi, sợ lỡ việc đô đốc, nên ta tạm cáo từ.
Quân sĩ cũng không cản trở gì cả.
Cán xuống thuyền bơi như bay về ra mắt Tào Tháo.
Tháo hỏi:
- Tử Dực đi có được việc không?
Cán thưa:
- Chu Du chí khí cao nhã lắm, không sao dụ được.
Tháo giận, nói:
- Đi đã không được việc, lại bị nó chê cười cho à?
Cán thưa:
- Tuy rằng không dụ được Chu Du, nhưng cũng điều tra được một việc giúp thừa tướng. Xin hãy cho tả hữu lui cả ra ngoài.
Cán lấy thư ra và thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho Tào Tháo nghe.
Tháo nổi giận, nói:
- Chà! Hai thằng dám vô lễ thế à?
Lập tức cho đòi Trương Doãn, Sái Mạo vào, Tháo hỏi:
- Nay ta định sai các ngươi tiến quân đây!
Mạo bẩm:
- Quân sĩ tập chưa được giỏi, không nên tiến vội.
Tháo gắt rằng:
- Nếu đợi đến lúc quân sĩ tập giỏi, thì đầu ta đã nộp cho Chu Du rồi!
Hai người không hiểu ý thế nào, lúng túng chẳng biết nói năng ra sao. Tháo bèn quát võ sĩ lôi hai người ra chém. Một lát võ sĩ đem đầu vào dâng, Tháo sực nghĩ ra ngay, nói rằng:
- Thôi! Ta mắc mẹo rồi!
Người sau có thơ than rằng:
Xưa nay Tào Tháo tiếng khôn ngoan,
Khôn thế sao lại mắc mẹo gian?
Hỡi ơi! Sái, Trương, quân bán chúa,
Rước voi giày mả, chết không oan!
Các tướng thấy Tháo giết Trương, Sài, bèn vào hỏi nguyên nhân làm sao, Tháo biết mình mắc mưu, nhưng vẫn không chịu nhận lỗi, bèn bảo các tướng rằng:
- Hai người ấy khinh thường quân pháp nên ta giết đi.
Ai nấy đều thở dài buồn bã. Tháo chọn Mao Giới và Vu Cấm cử thay làm thủy quân đô đốc.
Quân do thám tin về cho Chu Du. Du mừng rỡ, nói:
- Ta chỉ lo hai người ấy, nay đã trừ xong, lòng ta thanh thản vô cùng.
Lỗ Túc nói:
- Đô đốc dùng binh như thế, lo gì chẳng phá được Tào Tháo.
Du nói:
- Ta chắc rằng các tướng không ai hiểu mưu ta, chỉ có Gia Cát Lượng kiến thức hơn ta, chắc mẹo này cũng không giấu được hắn. Tử Kính thử sang dò xem hắn có biết hay không, rồi về báo cho ta.
Ấy là:
Muốn đem phản gián mưu vừa đạt,
Ướm hỏi người ngoài có biết không?
Chưa biết Lỗ Túc đi dò Khổng Minh thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.