Tan Học Đừng Đến Văn Phòng Của Em

chương 12

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chuông tiết tự học buổi sáng vang lên, Sơ Trừng miễn cưỡng bước vào lớp.

Nhiệm vụ của cậu sáng nay là đống bài văn ở hàng cuối cùng của kệ hồ sơ – đây là bài tập về nhà của tuần trước. Vì chữ viết của học sinh quá xấu, các từ và câu khó mà đọc được nên Sơ Trừng cứ trì hoãn việc sửa bài mãi chưa xong.

Cậu lớn lên cùng với giấy mực, vì vậy nên cậu chẳng biết người ta có thể viết chữ Hán xấu tới mức nào. Nhưng từ sau khi trở thành giáo viên Ngữ văn, sự cách biệt trên đời này dần lộ rõ.

Việc thiếu ngủ trầm trọng đã khiến cậu buồn ngủ vô cùng, giờ tâm trạng của cậu lại càng tệ hơn. Sơ Trừng vuốt mái tóc đen vừa gội sáng sớm khiến nó càng xù, cậu vừa vuốt vừa thở dài, bao nhiêu sự khó chịu đều hiện rõ trên gương mặt.

Dụ Tư Đình vô tình ngước lên thì thấy anh chàng nghi ngờ nhân sinh ngồi ở hàng ghế sau, hắn chậm rãi bước xuống hỏi thăm: “Sao vậy?”

“Thầy xem mấy bài văn này đi, cứ như thể sợ người ta đọc được chữ ấy.” Sơ Trừng chọn một vài bài viết đặc biệt tệ để đưa hắn xem.

Dụ Tư Đình cầm bài viết cố gắng giải mã những từ gần như không thể tạo nên một câu, hắn khó khăn đọc hai dòng, sau đó cau mày dùng trái tay đập mạnh bài tập lên bàn học sinh.

“Giấy nháp mà còn muốn đặt mật thư à?”

Kiểu nhận xét mỉa mai đến chua chát như vậy khiến các học sinh bên cạnh bật cười.

“Đừng có mà chó chê mèo lắm lông, mấy đứa con viết cái gì vậy?” Dụ Tư Đình vừa đi dọc lối đi bàn ghế vừa mắng mỏ vừa trả bài.

Hiếm khi được giáo viên chủ nhiệm bênh vực, Sơ Trừng nhân cơ hội đấu tranh cho nhân quyền của mình: “Giáo viên Ngữ văn cũng là người mà lớp ơi, viết chữ xấu đi thi cũng bị trừ điểm đấy.”

“Thầy không cần nói nhiều với mấy đứa này, không cho viết là tụi nó không nhớ đâu.” Dụ Tư Đình sắc bén nhìn về phía hàng ghế cạnh cửa sổ: “Cán sự Ngữ văn có đi học không?”

Hàn Nhuế vội vàng ngẩng đầu: “Dạ có.”

“Trưa hoặc tối hôm nay con đến nhà sách ngoài cổng trường lấy một bộ tài liệu luyện chữ cho cả lớp, tiền sách tính cho thầy. Từ giờ con sẽ thu bài mỗi tuần, thầy sẽ kiểm tra.” Dụ Tư Đình đưa ra giải pháp trực tiếp và hiệu quả nhất.

Hàn Nhuế nhìn Sơ Trừng rồi ngoan ngoãn đáp: “Dạ thầy ạ.”

Áp suất không khí thấp lan rộng trong phòng học, ngay cả tiếng lật sách bình thường cũng trở nên yếu ớt hơn.

“Quá đáng.” Dụ Tư Đình lại mắng với vẻ mặt lạnh lùng rồi bước trở lại bục giảng.

Lộc Ngôn liếc nhìn bóng lưng hắn rồi nghiêng đầu về phía Sơ Trừng, nhỏ giọng nói: “Chúc mừng thầy Sơ đã dần nắm vững bản chất của việc quản lí lớp học.”

Sơ Trừng khó hiểu: “Cái gì?”

Lộc Ngôn cười nói tiếp: “Có một câu nói mà giáo viên lớp 7 nào cũng biết: Đừng ép thầy hoặc cô phải nói với đại ca mấy đứa.”

Cậu nhóc phát âm với ngữ điệu hoàn hảo, nhập tâm đ ến mức Sơ Trừng không nhịn được cười, cậu cúi đầu nghịch điện thoại cười tủm tỉm.

Tin nhắn WeChat nhấp nháy, sư phụ của cậu vừa gửi thông báo vào nhóm giáo viên bộ môn.

[Tất cả giáo viên Ngữ văn đến hội trường tham dự buổi họp ngắn trong vòng mười phút.]

“Có chuyện gì mà tự nhiên mở họp nhỉ?” Sơ Trừng nhỏ giọng tự hỏi.

Lộc Ngôn có vẻ biết chuyện nên nhàn nhã nói: “Chắc là họp nghiên cứu.”

“Hả?” Sơ Trừng nghiêng đầu nhìn cậu nhóc.

Lộc Ngôn giải thích: “Truyền thống của Trung học phổ thông số Mười, hoạt động này được tổ chức hằng năm trước Tết Đoan Ngọ, ngày Quốc Khánh và ngày Tết Nguyên Đán, nội dung cụ thể thì các Tổ bộ môn luân phiên, lần này đến lượt Ngữ văn.”

“Thật hả? Sao con nắm rõ tin tức hơn cả thầy thế…” Sơ Trừng nghi ngờ cầm giấy bút đi ra từ cửa sau để đi họp.

Thực tế chứng minh hệ thống tình báo của Lộc Ngôn đúng là cao cấp – cậu nhóc nói chính xác, nội dung cuộc họp này liên quan đến việc nghiên cứu học tập Ngữ văn.

Khi Sơ Trừng mang tin tức trở lại lớp học, đại ca vừa bước lên bục giảng để chuẩn bị cho tiết toán.

Thấy giáo viên phó chủ nhiệm vừa bước vào, hắn dừng lại rồi nói: “Có việc thì thầy cứ nói trước.”

“Ừ, danh sách hơi gấp.” Sơ Trừng mỉm cười xin lỗi đã làm mất thời gian của hắn.

“Lớp trưởng thống kê giúp thầy.” Dụ Tư Đình nhường bục giảng rồi kéo ghế ngồi cạnh cậu.

“Được ạ.” Lộc Ngôn đã chuẩn bị sẵn, cậu nhóc lấy danh sách điểm danh ra rồi bước nhanh ra khỏi chỗ ngồi.

Sơ Trừng mở biên bản họp, chọn ra những điểm mấu chốt rồi nói: “Thầy nghe nói đây là hoạt động hằng năm của trường nên chắc mấy đứa biết hết rồi, thầy cũng không cần giới thiệu chi tiết nữa. Hoạt động tham quan học tập môn Ngữ văn diễn ra vào thứ Năm này, chủ đề là sự kế thừa phong cách dân tộc trong thơ Đường và thơ Tống; mấy đứa đi trong ngày, chín mươi lăm tệ một người bao gồm chi phí đi lại, vé học sinh kèm theo bữa trưa, học sinh nào quan tâm có thể đăng kí.”

Cậu còn chưa nói xong đã có một số học sinh giơ tay lên cao.

Theo quy định của nhà trường, mỗi chuyến tham quan học tập sẽ do một giáo viên của bộ môn tương ứng dẫn dắt, nhưng nếu một lớp có hơn nửa số học sinh tham gia thì giáo viên chủ nhiệm phải đi cùng.

Dụ Tư Đình thấy bọn họ nhiệt tình như vậy thì chẳng nể nang mà tặc lưỡi: “Năm nào cũng đi mà bọn con không chán à?”

“Địa điểm tham quan khác nhau mà thầy.”

“Đi chơi tập thể, ai không đi thì phải đến trường tự học, ai ngu ngốc lắm mới đi học.”

“Đại ca, đây là cơ hội hiếm có để học Ngữ văn!”

Các học sinh người tung kẻ hứng mà đáp.

Theo truyền thống, ngày học tập Tiếng Anh diễn ra dưới hình thức thuyết trình tại phòng triển lãm hoặc hùng biện công khai; Toán và Vật lí tổ chức các cuộc thi – đây là những hoạt động được thiết kế riêng cho những học sinh xuất sắc; chỉ có ngày tham quan học tập Ngữ văn mới có các chuyến đi đến nhà ở của các danh nhân hoặc bảo tàng Văn học, các học sinh chỉ cần quan sát là có thể hóng hớt được.

Hùng biện công khai (Speaker’s Corner) là một khu vực cho phép tự do phát biểu, tranh luận và thảo luận các vấn đề nhức nhối của xã hội trước công chúng.

Sự phấn khích không thể bị đàn áp nên đương nhiên lớp học ngày càng nhiệt tình hơn.

Lộc Ngôn vừa ghi tên vừa thấp giọng lẩm bẩm: “Đừng nghe thầy ấy, thầy ấy không muốn đi nên phải ‘trấn’ bọn con.”

Dụ Tư Đình trừng mắt nhìn cậu nhóc, trong đôi mắt sâu thẳm tràn đầy sự bất mãn: “Miệng mồm đi xa nhỉ?”

“Này là hoạt động phục vụ học sinh mà thầy.” Lớp trưởng Lộc linh hoạt uyển chuyển, vẻ mặt trong nháy mắt chuyển sang nịnh nọt.

Dụ Tư Đình không thèm để ý, hắn nóng nảy thúc giục: “Con thống kê nhanh đi.”

Lộc Ngôn nhanh chóng đếm những cái tên đã đánh dấu rồi báo cáo với vẻ đắc thắng: “Bốn mươi hai.”

Mỗi người chỉ cần bỏ ra chín mươi lăm tệ mà đã mua đứt Ác Quỷ Dụ đi chơi chung cả một ngày, không phải một nửa mà gần như cả lớp đều tham gia.

“Cảm ơn mọi người đã tích cực hợp tác.” Sơ Trừng liếc mắt liếc sang một bên. Cậu chưa bao giờ nghĩ đến trường hợp gần như tất cả đều đồng lòng thế này, cậu không biết liệu mình có nên thông cảm cho đại ca bắt buộc phải tăng ca để đi chơi với mọi người không.

Dụ Tư Đình khoanh tay trước ngực và dựa lưng vào ghế, khóe miệng hắn nhếch lên như thể bất lực nhưng buộc phải chấp nhận kế hoạch này.

Sơ Trừng tiếp tục thông báo cụ thể rồi nói với hắn: “Thầy Dụ có thể lên giảng bài.”

Người đàn ông im lặng với tâm tình không tốt đứng dậy, sau khi trở lại bục giảng, hắn tạm thời thay đổi giáo án ban đầu, lấy một xấp giấy từ dưới bàn rồi hắn thấp giọng nói ra hai từ: “Kiểm tra.”

Bỗng có rất nhiều tiếng than khóc.

“Cái gì?!”

“Đại ca! Thầy vậy mà ngang nhiên tìm cách trả thù!”

“Kiểm tra thì kiểm tra, phải dũng cảm nói I want you tham gia chuyến đi học tập sắp tới!”

“Trật tự, mấy đứa nói nhảm nhiều quá.” Dụ Tư Đình lạnh lùng đáp, vẻ mặt vô cảm phát đề.

Sơ Trừng mỉm cười đi ra khỏi lớp.

Thực ra cũng không trách học sinh được, cái nết của tên này tệ quá, mà chính hắn cũng lười che giấu.

Trong giờ nghỉ trưa, các đồng nghiệp Tổ Ngữ văn tụ tập trò chuyện, Sơ Trừng tận dụng cơ hội để học hỏi từ các giáo viên khác và cẩn thận hoàn thiện kế hoạch học tập tuần này.

Cốc cốc…

Cửa phòng làm việc bị gõ hai lần, Hàn Nhuế thò đầu vào thận trọng hỏi: “Thầy Sơ, thầy ngủ dậy rồi ạ?”

“Vào đi.” Sơ Trừng ngước mắt lên vẫy tay: “Sao vậy?”

Hàn Nhuế đi vào cúi đầu về phía các giáo viên rồi đến bàn Sơ Trừng đưa mấy tập sách: “Sáng nay đại ca nhờ con mua sách luyện chữ, con đem mấy cuốn qua đây để thầy chọn.”

Sơ Trừng nhìn sơ qua rồi nói: “Nào cũng được, chữ viết là phụ thôi, trước hết phải hiểu cấu trúc cơ bản của từng chữ và viết nét ngang dọc rõ ràng mới được.”

“Dạ vậy con lấy cuốn bốn nghìn từ cơ bản này, thầy cho con mượn bút nhé.” Hàn Nhuế cúi người đánh dấu vào tờ giấy note.

“Lớp 7 quyết định lấy cuốn sách nào? Để tôi tham khảo với.” Giáo viên vừa nói chuyện nghe cuộc trò chuyện thì lập tức tiến lại gần, thầy nhìn thấy chữ viết của Hàn Nhuế thì khen một câu: “Chà, cán sự lớp thầy viết chữ đẹp đấy.”

Các giáo viên khác cũng xem qua rồi khen ngợi: “Chữ viết này… Hình như là cách viết của thầy Sơ Lệ Ninh đúng không? Con viết giống quá.”

Raw và QT dùng ‘tiên sinh’ chứ không phải ‘lão sư’ (như các giáo viên thông thường). Trong bối cảnh học thuật ở Việt Nam thì các thầy cô và học sinh sinh viên đều gọi những học giả là ‘thầy’ hoặc ‘cô’ nên mình edit là ‘thầy’ hoặc ‘cô’.

“Cảm ơn thầy.” Hàn Nhuế luôn cảm thấy cô nhóc không học được một chút thư pháp nào của thầy Sơ Lệ Ninh, thậm chí còn kém xa bàn tay siêu phàm của thầy Sơ; ai ngờ bây giờ cô lại được người khác công nhận, điều này khiến cô cảm thấy rất hạnh phúc.

Đợi đã, cô nhóc chợt nhận ra điều gì đó.

Thầy Sơ Lệ Ninh…

Và thầy Sơ Trừng?

Hai người này không chỉ có phong cách thư pháp giống nhau mà cả cái họ cũng giống nhau.

Hàn Nhuế kinh ngạc, các giáo viên Ngữ văn vây quanh cũng chú ý đến vấn đề này.

“Người họ Sơ đều có tài nghệ thư pháp à?”

Chính vì vị trí quan trọng của thầy Sơ Lệ Ninh trong giới văn chương nói riêng và học thuật nói chung nên bọn họ đều coi sự việc này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

“Tôi có tài cán gì mà được mang lên bàn cân với thầy Sơ chứ?” Sơ Trừng nhẹ nhàng cười một tiếng, không chút hoảng hốt mà chuyển đề tài.

Thứ Năm là ngày khởi hành chuyến điền dã, không khí mùa thu trong lành, bầu trời trong xanh.

Học sinh đến trường sớm như tiết tự học rồi bắt xe buýt xuất phát.

“Ba bảy, ba tám, ba chín…” Sơ Trừng đứng trước cửa xe cầm danh sách kiểm tra cẩn thận.

Hiếm khi không phải đứng trên bục giảng nên hôm nay cậu ăn mặc giản dị một chút: Áo phông bình thường, áo khoác denim màu đen, quần ống suông và bốt ngắn; bộ trang phục này càng kéo dài đôi chân dài thẳng tắp khiến người ta mê mẩn đến mức không thể rời mắt được.

“Thầy Sơ đẹp trai đến mức trông như idol đang chạy trốn. Các lớp khác nhìn biển số xe còn lớp mình nhìn người, đây đúng là dáng người cách tám trăm mét cũng gây sốc được.”

“Đừng nhây nữa, thầy còn thiếu mấy đứa thôi đấy, lên xe nhanh nào.” Sơ Trừng mỉm cười, đánh dấu tên người cuối cùng rồi lên xe: “Bác tài, mọi người đều đến rồi, lên đường thôi.”

“Ừ.” Tài xế yêu cầu mọi người thắt dây an toàn rồi bắt đầu chạy đến nơi cần đến.

Sơ Trừng bắt đầu tìm chỗ ngồi cho mình, cậu hơi say xe nên không dám ngồi phía sau, vậy nên cậu đành ngồi cạnh Dụ Tư Đình.

Đại ca vẫn mặc chiếc áo sơ mi đen cao cấp như thường lệ, hắn vừa thoải mái vừa tao nhã dựa vào cửa kính ô tô hé mở, gió từ từ thổi tung mái tóc mềm mại của hắn.

Sơ Trừng nhẹ nhàng ngồi xuống, cố gắng thắt dây an toàn để không làm phiền người bên cạnh, thế nhưng người ta lại lên tiếng trước.

“Tụi nó không phải con nít.”

“Hả?” Sơ Trừng nghiêng đầu thấy hắn vẫn đang nhắm mắt nghỉ ngơi, chỉ hơi ngả người ra sau để đổi tư thế: “Cái gì?”

Trái cổ Dụ Tư Đình lại di chuyển: “Gì cũng tự làm, thầy chạy đôn chạy đáo mà không mệt.”

Giọng điệu của hắn như đang thở dài, đúng là giáo viên mới vô cùng nhiệt tình.

Sơ Trừng buồn cười đáp lại: “Thầy cô ở các lớp khác ai cũng bận, chỉ có đại ca rảnh rỗi thế này thôi. Nếu tôi không đứng trước cửa xe thì thầy cũng không đếm hả?”

“Xe bốn mươi chín chỗ, phía trước trống một ghế, phía sau trống hai ghế, tôi không cần đếm.” Dụ Tư Đình thản nhiên xua tay, hắn chưa mở mắt nhưng vẫn biết chính xác chiếc ghế trống trên xe.

Sơ Trừng nhếch môi; không tìm được cách phản bác, cậu thấp giọng tự giễu: “Rồi, tôi mới là người nhà quê.”

Sau đó cậu không để ý tới hắn nữa mà dành thời gian giao lưu với các học sinh ngồi ở hàng sau.

“Thầy Sơ, chụp ảnh chung được không thầy?”

“Được.”

“Con cũng muốn chụp, con cũng muốn chụp!”

“Ừ.”

“Thầy, bên này nữa.”

Sơ Trừng nhiều lần được học sinh kêu nhìn vào camera, cậu cảm thấy lần đầu tiên dẫn dắt một chuyến tham quan tập thể khá có ý nghĩa nên cũng giơ điện thoại di động lên chụp vài bức ảnh với mọi người.

Không khí trong xe sôi động và ồn ào nhưng Dụ Tư Đình vẫn bất động.

Sơ Trừng vừa thầm mắng đại ca khó gần vừa xem ảnh, bỗng cậu phát hiện ra rằng trong một bức ảnh với ánh sáng đẹp, người đàn ông này đã mở mắt.

Cậu vô thức quay đầu lại nhưng vẫn nhìn thấy cái gáy câm lặng của Dụ Tư Đình, chẳng biết hắn ta cử động khi nào mà máy ảnh đã vừa vặn bắt được khoảnh khắc này.

Sơ Trừng mỉm cười lưu ảnh rồi cất điện thoại, nhắm mắt nghỉ ngơi.

Sau gần hai tiếng ngồi xe, đoàn nghiên cứu đã đến điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi: Bảo tàng Thi ca.

Do hệ thống đặt chỗ nghiêm ngặt nên thủ tục bước vào nơi đây rất phức tạp. Có lẽ ở một nơi di sản văn hóa đậm đà thì người ta dễ bị ảnh hưởng, ý thơ dạt dào nên trong khi chờ đợi bên ngoài bảo tàng, các học sinh tụ tập chơi Phi Hoa Lệnh.

Phi Hoa Lệnh là một trò chơi chữ được người xưa sử dụng khi uống rượu và bắt nguồn từ niềm yêu thích thơ ca. Trò chơi được đặt tên theo câu thơ nổi tiếng ‘Xuân thành vô xứ bất phi hoa’ (trong thành mùa xuân không nơi nào không có hoa bay) trong bài thơ ‘Hàn Thực’ của nhà thơ Hàn Hoằng thời Đường.

Khi chơi Phi Hoa Lệnh, người ta thường chọn những câu thơ hoặc câu hát không quá bảy chữ. Ví dụ người chơi thứ nhất đọc câu bắt đầu bằng ‘hoa’, người chơi thứ hai đọc câu có từ ‘hoa’ ở vị trí thứ hai, người chơi thứ ba đọc câu có từ ‘hoa’ ở vị trí thứ ba, v.v. Cho đến người chơi thứ bảy thì hết một vòng. Nếu người chơi không thể sáng tác, đọc thơ hoặc đọc sai thì phải chịu phạt.

Sơ Trừng thấy không khí như vậy thì vui mừng, cậu tựa người vào hàng rào nói đùa với học sinh: “Có vẻ nền tảng Ngữ văn của mấy đứa không kém cỏi như đại ca nói.”

Học sinh mỉm cười rồi đáp: “Thầy Sơ, kì vọng của thầy với bọn con quá thấp rồi, nói gì thì nói chứ trong ba trăm bài thơ Đường cũng phải nằm lòng vài bài.”

Sơ Trừng nhướng mày: “Tự tin thế à?”

Một câu hỏi ngắn gọn khơi dậy niềm khao khát chiến thắng của các học sinh, ngay lập tức có người gợi ý: “Thầy ra đề thử xem sao?”

“Nhưng nếu không có phần thưởng thì không vui, không biết phải xếp hàng chờ lớp trước bao lâu, nếu ai đối được thì thầy mua trà sữa ở tiệm bên kia cho nhé?”

Có rất nhiều học sinh hứng thú với trò chơi này, đặc biệt là khi điều khoản khen thưởng vừa được đưa ra, các bạn học lập tức xuất hiện trước mặt Sơ Trừng.

“Đại ca, được không thầy?”

Trong đám đông không biết ai réo tên Dụ Tư Đình, vị giáo viên chủ nhiệm đứng một bên nhàn nhã nói: “Để người dẫn dắt mấy đứa quyết định.”

“Được thôi.” Vì học sinh chủ động khiêu chiến nên Sơ Trừng không có lí do gì mà không đáp lại, cậu sẵn sàng đồng ý: “Nhưng phong hoa tuyết nguyệt hay xuân hạ thu đông đều quá dễ dàng cho mấy đứa rồi, trận ra mắt nên chơi gì nhỉ?”

Sơ Trừng đứng suy nghĩ một lúc, khi ngẩng đầu lên lại vô tình chú ý đến những hình chim phụng hoàng trên các tòa nhà xung quanh, cậu lập nảy ra ý tưởng: “Vậy chơi bằng ‘phụng’ (chim phụng hoàng) đi; một bài thơ, một bài từ, hoặc một bài hát, chỉ cần có bảy chữ là được.”

“Chốt kèo!” Sự nhiệt tình của các học sinh tăng cao, quy tắc còn chưa được đưa ra thì đã có những người háo hức thử.

Nghe cậu nói dễ như bỡn, Dụ Tư Đình đang cúi đầu nghịch điện thoại không khỏi thấp giọng nhắc nhở: “Đừng thả bọn nó đi xa quá, nếu không lát nữa lại khó gọi về.”

Sơ Trừng cảm thấy có lí nên lập tức tiếp tục bổ sung quy tắc: “Khoan đã, vì mấy đứa là người chơi cấp vương giả rồi nên thầy cấm mấy đứa ba câu này.”

“Chơi thế cũng được hả?” Học sinh bên cạnh gần như đã nói ra đáp án, nghe cậu nói vậy thì dở khóc dở cười: “Thầy cấm đi.”

“Nghe cho kĩ.” Sơ Trừng phát âm rõ ràng, giọng nói ấm áp như gió thoảng qua tai: “Phụng Hoàng đài thượng phụng hoàng du, phụng khứ đài không giang tự lưu (Trên đài Phụng Hoàng đã từng có phụng hoàng qua lại, từ khi phụng hoàng bay mất chỉ còn đài trơ trọi và nước sông tự chảy); Côn Sơn ngọc toái, phụng hoàng khiếu, phù dung khấp lộ, hương lan tiếu (Côn Sơn ngọc vỡ, phụng hoàng hót, phù dung khóc hạt sương, hương lan cười). Còn một câu nữa…”

“Thân vô thái phụng song phi dực, tâm hữu linh tê nhất điểm thông (Thân ta không có đôi cánh phụng lộng lẫy bay cao, nhưng trong lòng có điểm sừng tê để cảm thông).” Dụ Tư Đình không cần suy nghĩ nói thêm.

Câu thơ thứ nhất trong bài ‘Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài’ của Lý Bạch, câu thơ thứ hai trong bài ‘Lý Bằng không hầu dẫn’ của Lý Hạ, câu thơ thứ ba trong bài ‘Vô đề (Tác dạ tinh thần tạc dạ phong)’ của Lý Thương Ẩn.

Nice!

Sơ Trừng trong lòng khen hắn quá ăn ý.

“Hay thật, hai thầy song kiếm hợp bích cấm hết mấy bài thơ trong chương trình học.”

“Cái này trong chương trình học à? Tôi chưa từng nghe câu nào trong ba câu này luôn!”

“Thôi rồi, đầu óc tôi trống rỗng.”

Các học sinh dần nhận ra có gì đó bất ổn bắt đầu phản đối không ngừng.

“Đợi đã, câu này con đối được.” Trong tiếng ồn ào có Lộc Ngôn vẫn bình tĩnh, cậu nhóc suy nghĩ vài giây rồi chậm rãi giơ tay lên: “Phụng hề phụng hề quy cố hương, ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng (Chim phụng quay về quê cũ, dạo chơi bốn biển mong gặp được chim hoàng). Tuy nguyên tác không theo thể thơ tiêu chuẩn nhưng vẫn có thể xem là bảy chữ.”

Câu hát trong bài ‘Phụng cầu hoàng’ – một nhạc khúc nổi tiếng thời nhà Hán của Tư Mã Tương Như. Ca khúc làm lay động trái tim của Trác Văn Quân – con gái của quan viên ngoại Trác Vương Tôn trong huyện.

Sơ Trừng thực sự không ngờ câu này lại là câu đầu tiên mà học sinh của mình sẽ nghĩ tới, cậu tuân thủ nguyên tắc: “Tư Mã Tương Như mà cũng biết thì hẳn phải nghe kịch nghệ nhiều lắm, con nhận được trà sữa.”

Có người làm ví dụ, ý tưởng của mọi người dần được mở ra.

Hàn Nhuế lập tức giơ tay trả lời: “Hương đạo trác dư anh vũ lạp, bích ngô thê lão phụng hoàng chi (Chim anh vũ mổ mãi những hạt nếp thơm, chim phụng hoàng đậu hoài trên cành ngô xanh).”

Câu thơ trong bài ‘Thu hứng kì tám’ của Đỗ Phủ.

“Đẹp quá, Thi Thánh Đỗ Phủ.” Sơ Trừng chân thành khen ngợi.

“Hoàn Đàm vị tiện vong tây tiếu, khởi vị Trường An hữu phụng trì (Hoàn Đàm không quên cười về phía tây, ở Trường An sao có thể có hồ phụng hoàng).” Bài thơ của một giọng nữ nhẹ nhàng và dịu dàng Từ Uyển Uyển – Uỷ viên Hội Học sinh lớp 7 kiêm hoa khôi của trường.

Câu thơ trong bài ‘Lạc Dương’ của Ôn Đình Quân. ‘Tây tiếu’ (cười về phía Tây) vì phía Tây là thành Trường An – ‘thủ đô’ thời nhà Hán, nhìn về hướng này và cười nghĩa là đang ngưỡng vọng kinh đô.

Sơ Trừng lại vui vẻ xua tay: “Ôn Đình Quân – tị tổ Hoa Gian phái. Con là người tiếp theo.”

Từ vừa là một thể loại thơ ca kết hợp nhạc và có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc. Vào năm Quảng Chính thứ ba, Triệu Sùng Tộ tập hợp các tác phẩm từ của Ôn Đình Quân, Vi Trang, Âu Dương Quýnh, Hòa Ngưng, v.v. gồm tất cả mười tám tác giả với năm trăm bài, biên tập thành ‘Hoa Gian tập’. Đây là tổng tập từ văn nhân đầu tiên của Trung Quốc, phong cách từ của các tác giả khá thống nhất, được đời sau gọi chung là các ‘Từ nhân Hoa Gian’ hay ‘Hoa Gian phái’.

“Uầy đỉnh quá.” Đám đông thán phục ồ lên.

Lợi dụng lúc mọi người xôn xao, không biết học sinh nào đã đọc thơ: “Anh vũ bôi trung phù trúc diệp, phụng hoàng cầm lí lạc mai hoa (Lá trúc bay trong chén chim vẹt, hoa mai lạc vào cây đàn phụng).”

Câu thơ trong bài ‘Đại nữ đạo sĩ Vương Linh Phi tặng đạo sĩ Lý Vinh’ của Lạc Tân Vương.

“Thơ của Lạc Tân Vương hay nhưng tra Baidu thì không tính.” Ánh mắt Sơ Trừng hung ác, cậu quyết đoán công bằng, nhắc nhở mọi người: “Còn một vị trí cuối cùng, mấy đứa phải dựa vào năng lực của mình.”

“Hả? Tại sao lại là vị trí cuối cùng!”

“Không phải chứ, ba người kia làm sao vậy? Tôi bị ngắt kết nối hả…”

Mọi người mặc dù đều nóng lòng nhưng trong lúc nhất thời thì thật sự nghĩ không ra.

Sơ Trừng đợi một lúc cũng không có ai tiến lên nên quyết định tự mình ‘chốt sổ’: “Không ai đối nữa à? Ngại quá, vậy mấy đứa thông cảm để thầy tới. Cựu sào cộng thị hàm nê yến (Con chim én cùng tha bùn nơi tổ cũ)… Hmmm!”

Cậu còn chưa đọc hết câu thì đã bị mấy học sinh cùng nhau xông tới che miệng: “Thầy đừng nói nữa, tuyển thủ chuyên nghiệp không được phép tham gia!”

“Đã thỏa thuận là chơi bằng năng lực mà, có đủ khả năng thì tới thôi chứ nhỉ?” Sơ Trừng bị rất nhiều tay kéo lại nhưng cậu vẫn chống cự để vùng vẫy hét lên: “Phi thượng chi đầu biến phụng hoàng (Bay lên ngọn cây biến thành phụng hoàng). Lộc Ngôn, mua giúp thầy li latte đá nhé!”

Câu thơ trong bài ‘Viên Viên khúc’ của Ngô Vĩ Nghiệp.

Thực ra cậu hoàn toàn có thể đọc một câu thơ mà chưa ai từng nghe để kết thúc trò chơi một cách hoan hỉ, tuy nhiên cậu muốn khơi dậy lòng thù hận nên đã đọc ngay câu thơ các học sinh vốn đã thuộc lòng, đây chính là một hình thức sỉ vả trá hình.

“Ha ha ha ha mấy đứa nghĩ không ra mà còn không cho người ta đọc à? Thầy muốn uống cà phê…”

“Không được uống!”

“Thầy Sơ đừng hòng.”

“Cho dù hôm nay Thiên Vương có đến thì cũng không ai được phép ‘phi thượng chi đầu’!”

Dụ Tư Đình bị tiếng cười thu hút, hắn ngẩng đầu lên nheo mắt nhìn hình ảnh chàng trai tuấn tú được các học sinh vây quanh dần chìm trong đám người đang gào thét.

Tiếng ồn ào bên tai hắn không ngừng vang lên nhưng nghe thật sự vui vẻ.

Tác giả có lời muốn nói

Dụ Tư Đình: Tưởng tuyển dụng được giáo viên phó chủ nhiệm nhưng hóa ra lại là người ồn ào nhất lớp.

Sơ Trừng: Chịu thôi~ (vui vẻ đi mua cà phê đá và uống một hớp)

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio