Thần Điêu Hiệp Lữ

chương 188

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Hoàng Dung biết vị tiểu sư muội này ngoài mềm trong cứng, nếu con gái mình làm rầu lòng nàng ta, không chừng hậu họa vô cùng, bèn quắc mắt với Quách Phù, nói:

- Quá nhi có tiểu sư muội và Lục cô nương săn sóc thật không còn gì bằng. Đợi khi chất độc trong người Quá nhi đã được giải hết, mời ba vị cùng đến thành Tương Dương, chuyết phu và tiểu muội ta xin rộng cửa đón chờ.

Dương Quá, Trình Anh, Lục Vô Song ba người đứng trên sườn núi nhìn Nhất Đăng đại sư, Hoàng Dung và mọi người đi xa dần, cuối cùng khuất hẳn trong rừng cây. Đám cháy lớn trong rừng núi đã tắt.

Dương Quá nói:

- Hai vị muội muội, huynh có một ý định, nói ra xin đừng giận.

Lục Vô Song nói:

- Không ai trách Dương đại ca đâu.

Dương Quá nói:

- Ba người chúng ta từ khi gặp nhau thấy rất hợp, Dương Quá ta hoàn toàn không có huynh đệ tỷ muội, muốn được kết nghĩa kim lan với hai vị, từ nay ta coi nhau như huynh muội, tình như cốt nhục. Ý hai vị thế nào?

Trình Anh chợt nao lòng, biết tình của chàng đối với Tiểu Long Nữ thủy chung như nhất, do phải chờ mười sáu năm đằng đẵng, nên cần định rõ danh phận huynh muội, để tránh ở bên nhau nhiều ngày đôi bên khó xử, thấy Lục Vô Song cúi đầu mắt rưng rưng lệ, vội nói:

- Hai chúng tôi có một vị đại ca như huynh, thật là cầu được ước thấy.

Lục Vô Song đến bên một cây hoa Tình, nhổ ba cọng Đoạn Trường thảo cắm xuống đất, cười nói:

- Người ta khi kết bái thì thắp nhang, ba chúng ta làm theo kiểu mới, dùng cỏ thay nhang.

Nàng tuy đã gắng gượng vui vẻ, nhưng nói đến đây, giọng cũng hơi nghẹn ngào, không đợi Dương Quá trả lời, liền quỳ ngay xuống. Dương Quá và Trình Anh cũng quỳ xuống bên cạnh, vái tám vái, hành lễ kết nghĩa.

Dương Quá nói:

- Nhị muội, tam muội, vật đáng ghét nhất trong thiên hạ là cây hoa Tình, nếu để giống cây này lan ra bên ngoài sơn cốc, sẽ độc hại khôn lường. Chúng ta quyết phá hủy hết chúng đi, muội nghĩ sao?

Trình Anh nói:

- Đại ca có thiện nguyện ấy, chắc Bồ Tát sẽ phù hộ cho sớm được đoàn tụ với đại tẩu.

Dương Quá nghe câu đó, tinh thần phấn chấn hẳn lên.

Ba người liền chọn mấy vật dụng bằng sắt ở khu vực trang viện bị cháy, lấy cành cây làm cán, đi chặt phá những cây hoa Tình chưa bị cháy. Số cây hoa Tình trong sơn cốc không ít, lại phải thận trọng không để gai hoa Tình đâm vào mình, cho nên mất đứt sáu ngày mới chặt phá hết. Ba người chỉ sợ còn lại một cây, không trừ tận gốc, lại dễ sinh họa, cho nên tìm kỹ khắp nơi, đến khi không còn một cây hoa Tình mới dừng tay. Từ đấy trở đi, cái họa do hoa Tình gây nên bị Dương, Trình, Lục ba người tuyệt diệt, hậu nhân không bao giờ gặp phải nữa.

Sáng ngày thứ bảy, Lục Vô Song lấy ra một nhúm Đoạn Trường thảo, nói:

- Đại ca, hôm nay đại ca lại phải nhai thứ cỏ độc này đấy.

Dương Quá đã có kinh nghiệm bảy ngày trước đó, biết Đoạn Trường thảo tuy độc, cơ thể mình chịu được, thế là tự điểm bốn huyệt đạo, cho mấy nhánh cỏ vào miệng nhai, nuốt xuống. Lần này chất độc trong cơ thể đã bớt, sự đau đớn không còn lợi hại như lần trước, nửa canh giờ sau thổ ra một ngụm máu tươi, lập tức hết đau.

Dương Quá đứng thẳng dậy, vươn vai, cử động tứ chi một hồi, thấy Trình Anh và Lục Vô Song sắc diện hoan hỉ, thì nghĩ thầm: "Hai vị nghĩa muội đối với ta tốt thế này, bình sinh có được một hồng nhan tri kỷ như thế đã không phải ân hận, huống hồ có cả hai? Chỉ tiếc là ta không thể báo đáp". Một lát, chàng lại nghĩ: "Nhị muội gặp minh sư, sở học đại tiến, chỉ cần có thời gian tu luyện, tuần tự tiệm tiến, có thể trở thành cao thủ hạng nhất. Tam muội thua kém rất xa", bèn nói:

- Tam muội, sư phụ của muội và sư phụ của huynh là sư tỷ muội, hóa ra hai chúng ta còn là sư huynh muội đấy. Võ công tinh diệu nhất của phái Cổ Mộ chúng ta được ghi trong "Ngọc nữ tâm kinh". Tâm nguyện cả đời của Lý Mạc Sầu là được đọc bộ kinh ấy nhưng đến chết cũng không thỏa nguyện. Bây giờ không có việc gì, để huynh truyền thụ cho muội vài môn võ công được chứ?

Lục Vô Song cả mừng, nói:

- Đa tạ Dương đại ca, lần sau gặp Quách Phù, muội không còn sợ nàng ta vô lễ nữa.

Dương Quá mỉm cười, đem khẩu quyết trong "Ngọc nữ tâm kinh" đọc cho nàng nghe, từ nông đến sâu, dặn:

- Muội hãy học thuộc lòng khẩu quyết, khi luyện công có thể nhờ nhị muội trợ giúp. Nơi này không có người lạ, chính là nơi tuyệt diệu để luyện công.

Mấy ngày liền Lục Vô Song chuyên tâm ghi nhớ "Ngọc nữ tâm kinh", sở học của nàng vốn là công phu phái Cổ Mộ, tương thông cùng mạch, dễ dàng lĩnh hội. Dần dần học đến chỗ thâm thúy, Dương Quá dạy nàng cứ cố ghi nhớ, lâu ngày sẽ hiểu. Cứ như thế dạy gần một tháng, Lục Vô Song đã ghi nhớ thuộc lòng toàn bộ tâm kinh từ đầu chí cuối, không bỏ sót chữ nào. Dương Quá cũng cứ cách bảy ngày lại nhai Đoạn Trường thảo để giải độc, với liều lượng ít dần.

Một buổi sáng nọ, Trình Anh và Lục Vô Song nấu bữa ăn xong, chờ hồi lâu không thấy Dương Quá đến, hai người tới cái hang chàng ở, thì thấy trên đất có hàng chữ lớn vạch bằng vật nhọn:

"Tạm thời li biệt, hậu hội hữu kỳ. Huynh muội chi tình, sáng như nhật nguyệt.".

Lục Vô Song sững sờ, nói:

- Dương đại ca... thế là chàng đi rồi.

Đoạn nàng chạy lên đỉnh núi, nhìn xuống bốn phía, Trình Anh cũng chạy lên theo. Hai người phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy sương mù lãng đãng, nào thấy đâu bóng hình Dương Quá? Lục Vô Song đau lòng, nghẹn ngào nói:

- Chàng bảo chàng... chàng đi đâu kia chứ? Mai sau... mai sau còn có dịp tái ngộ hay chăng?

Trình Anh nói:

- Tam muội, muội hãy nhìn mấy đám mây trắng kia, chúng ta tụ lại rồi tản mát, nhân sinh li hợp, cũng chẳng khác chi, sao muội còn phiền não?

Nàng tuy miệng nói vậy, song nước mắt không cầm được, vẫn lăn dài.

Sau khi ở lại Đoạn Trường nhai hơn một tháng, truyền thụ xong "Ngọc nữ tâm kinh" cho Lục Vô Song, thủy chung không biết thêm chút tin tức gì về Tiểu Long Nữ, Dương Quá biết có đợi thêm cùng vô ích, bèn hái một bó Đoạn Trường thảo cất vào bọc, viết dòng chữ trên mặt đất, rồi lẳng lặng bỏ đi. Chàng hy vọng Tiểu Long Nữ lại trở về núi Chung Nam chăng, bèn trở lại tòa cổ mộ, chỉ thấy mũ áo cưới để trên giường, quần áo vứt dưới nền, càng thêm đau lòng mà thôi.

Chàng xuống núi, lang bạt giang hồ đó đây, thấm thoắt đã mấy tháng, một hôm đến gần thành Tương Dương, thấy những nơi quân Mông Cổ san thành bình địa, đốt sạch, nay đã mọc lên những nếp nhà tranh, khói bếp đó đây, hiển nhiên quân Mông Cổ mấy tháng nay không tiến đánh xuống phía nam. Dương Quá tuy nhớ Quách Tĩnh, nhưng không muốn gặp mặt Quách Phù, nghĩ: "Mình xa Điêu huynh đã lâu, tại sao không đến thăm một chuyến?". Thế là tìm đường đến hoang cốc.

Gần đến nơi ẩn cư năm xưa của Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại, chàng cất tiếng hú thật dài, vừa đi vừa hú. Một lát sau, nghe trên lưng chừng núi phía trước vọng xuống tiếng "oắc oắc". Chàng ngẩng lên, thấy Thần điêu đứng dưới một gốc một cây lớn, bộ vuốt đang đè gí đầu một con báo. Thần điêu nhìn thấy Dương Quá, liền thả con báo ra, sải bước dài về phía chàng, con báo thoát chết, cụp đuôi lẩn ngay vào bụi cỏ. Dương Quá ôm lấy Thần điêu, người và thú đều mười phần hoan hỉ, cùng đi vào thạch thất. Chàng xa đây mới có vài tháng, nhưng đã trải qua mấy phen vào sinh ra tử, bi hoan tụ tán, chỉ tiếc Thần điêu không biết nói, nếu không chàng đã có thể thổ lộ với Thần điêu nhiều điều.

Sau mấy ngày bầu bạn với Thần điêu, hôm nay chàng trở lại chỗ của Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại chôn kiếm. Chàng đọc lại dòng chữ khắc trên đá, bên dưới thanh kiếm gỗ đã mục:

"Sau bốn mươi tuổi, bất kể vật gì, cây cỏ gỗ đá, đều có thể dùng làm kiếm. Từ đây tinh tu, dần dần tiến đến cảnh giới không kiếm thắng có kiếm.".

Chàng nghĩ: "Mình sử dụng thanh Huyền thiết trọng kiếm nặng nề, đã mấy lần vô địch thiên hạ. Nhưng đọc di ngôn của Độc Cô tiền bối, thì rõ ràng kiếm gỗ có thể thắng Huyền thiết trọng kiếm, cuối cùng không dùng kiếm lại thắng kiếm gỗ. Long nhi đã hẹn mười sáu năm sau gặp lại, vậy thì trong vòng mười năm mình cứ thong thả tinh nghiên phép kiếm gỗ thắng Huyền thiết trọng kiếm, không dùng kiếm lại thắng kiếm gỗ".

Thế là chàng liền bẻ cành cây làm một thanh kiếm gỗ, nghĩ: "Huyền thiết trọng kiếm nặng bảy chục cân, thanh kiếm gỗ nhẹ bẫng này muốn thắng Huyền thiết trọng kiếm chỉ có hai cách: một là kiếm pháp tinh diệu, lấy nhanh đánh chậm, hai là nội công sung mãn, lấy mạnh đánh yếu".

Từ đó chàng ngày đêm chuyên tu nội công, tinh nghiên kiếm thuật, sau mỗi trận mưa lớn, chàng lại ra dòng suối chống chọi với nước lũ để tăng lực xuất chiêu, thấm thoắt hết hè sang thu, qua thu sang đông, Dương Quá tuy rất chuyên cần tu luyện, song nội lực và kiếm thuật đều tiến triển chậm. Chàng biết mình tu vi vốn đã tới cảnh giới rất cao, muốn tiến bộ thêm quả thật cực khó, cho nên chàng cũng không vì thế mà nôn nóng.

Một hôm trời có tuyết lớn, Thần điêu kêu to vui mừng, nhảy ra ngoài bãi rộng, dang hai cánh vẫy mạnh, hất từng đám tuyết lớn tung tóe. Dương Quá chợt nghĩ: "Mùa đông không có nước lũ, luyện kiếm trong tuyết cũng là một cách tuyệt diệu". Chàng thấy Thần điêu vỗ cánh càng lúc càng mạnh, các bông tuyết rơi xuống tuy rất dày, song không có bông nào rơi xuống thân mình Thần điêu.

Dương Quá nổi hứng, vung thanh kiếm gỗ hất tuyết lên, đồng thời hất ống tay áo rỗng bên phải không cho các bông tuyết rơi xuống người mình. Đùa như thế nửa ngày, lực đạo của thanh kiếm gỗ và ống tay áo rỗng đều tăng tiến rõ rệt.

Tuyết rơi ba hôm liền, Dương Quá ngày nào cũng luyện kiếm ngoài tuyết. Buổi chiều ngày thứ ba, tuyết rơi càng dày, Dương Quá đang mải vung kiếm hất tuyết thì Thần điêu đột nhiên vẫy cánh quét về phía chàng. Dương Quá không đề phòng, suýt bị quét trúng, vội nhảy tránh, cảm thấy trán mát lạnh, có một bông tuyết dính vào. Chàng nghĩ: "Điêu huynh lại muốn luyện kiếm cho mình tăng tiến về kiếm thuật đây", liền vung thanh kiếm gỗ đâm Thần điêu. "Rắc" một tiếng, thanh kiếm gỗ đụng cánh Thần điêu, lập tức gãy rời. Thần điêu không tấn công nữa, cụp cánh lại, kêu "oắc oắc", thần sắc có vẻ trách móc.

Dương Quá nghĩ: "Muốn dùng thanh kiếm gỗ chống chọi thần lực của Điêu huynh, chỉ có cách né tránh thật nhanh, thừa sơ hở trả đòn". Bèn làm một thanh kiếm gỗ khác, tái đấu ngoài tuyết với Thần diêu. Lần này cầm cự được mười mấy chiêu, thanh kiếm gỗ mới bị gãy.

Cứ thế luyện tập không nghỉ, Dương Quá thấy Thần điêu cũng không lơ là, tựa hồ đôn đốc chàng thật nghiêm, thì trong lòng vừa cảm kích, vừa hổ thẹn, nghĩ: "Ta không luyện được thanh kiếm gỗ, sẽ phụ mỹ ý của Điêu huynh. Dịp may hiếm có này, ta chẳng thể bỏ qua". Thế là ngay cả lúc ngủ chàng cũng nghĩ cách tránh chiêu xuất chiêu và tăng cường nội lực như thế nào. Luyện công đã chăm, nỗi nhớ nhung Tiểu Long Nữ cũng không còn da diết như mấy tháng trước. Hiện thời chất độc hoa Tình trong cơ thể đã được giải hết, nội lực tăng tiến, thể chất cường tráng, đã không còn vẻ tiều tụy hôm nào.

Nhìn quang cảnh trời đất, biết mình biệt li với Tiểu Long Nữ đã một năm, Dương Quá nói:

- Điêu huynh, tại hạ muốn đi Tuyệt Tình cốc một chuyến, hôm nay tạm biệt Điêu huynh.

Rồi chàng mang theo thanh kiếm gỗ, rời khỏi hoang cốc. Thần điêu đi theo chàng đến chỗ đường rẽ, Dương Quá vái Thần điêu một cái, đoạn đi theo đường lớn về hướng bắc. Thần điêu ngậm vạt áo chàng kéo về hướng nam. Dương Quá nói:

- Điêu huynh, tại hạ đi phương bắc có việc, chúng ta chia tay ở đây thôi.

Nhưng Thần điêu cứ kéo chàng về hướng nam. Dương Quá lấy làm lạ: "Điêu huynh dạo trước rất thấu hiểu, sao bây giờ lại cố chấp như thế?". Khổ nỗi ngôn ngữ bất đồng, đành theo Thần điêu đi về hướng nam. Thần điêu thấy chàng chịu rồi thì nhả vạt áo ra, không kéo nữa, nhưng thấy chàng quay người đi lên hướng bắc, nó lại ngậm vạt áo chàng không nhả ra nữa. Dương Quá nghĩ: "Điêu huynh kéo ta về hướng nam, tất có thâm ý, ta đi theo thì hơn". Thế là chàng dứt bỏ ý định đi Tuyệt Tình cốc, mà cùng Thần điêu đi về hướng đông nam.

Đi hơn mười dặm, Dương Quá chợt nghĩ: "Điêu huynh thọ cao, thông linh, hay là Điêu huynh dẫn ta đi gặp Long nhi?". Nghĩ vậy, nhiệt huyết trào dâng, khó kìm lại được, bèn rảo cẳng cùng Thần điêu đi như bay. Chưa đầy một tháng, đã tới bờ Đông Hải.

Dương Quá đứng trên ghềnh đá ven biển, đưa mắt nhìn ra ngoài khơi, thấy sóng bạc đầu từ rất xa chạy lại, trong lòng lo âu xen lẫn hy vọng. Không lâu, tai nghe viễn triều rùng rùng như tiếng sấm ì ầm không ngớt. Chàng thuở nhỏ từng ở trên đảo Đào Hoa, biết thủy triều mỗi ngày đêm diễn ra hai lần, vào giờ Tí giờ Ngọ. Lúc này gần trưa, chắc là lúc triều dâng. Tiếng thủy triều càng lúc càng rõ, ầm ầm như thiên binh vạn mã cùng rầm rập xô tới, chỉ thấy một dải bạch tuyến trào gấp vào bờ, thanh thế còn lợi hại hơn cả sấm sét. Dương Quá thấy trời đất thị uy thì bất giác biến sắc. xem tại TruyệnFULL.vn

Phút chốc thủy triều đã tràn đến trước mặt, tựa hồ muốn đâm bổ lên ghềnh đá. Dương Quá vội nhảy lùi về phía sau, đột nhiên cảm thấy có một kình lực cực mạnh đẩy vào lưng chàng, chính là Thần điêu vẫy cánh tấn công. Chàng đang ở trong không trung, không chống đỡ được, ùm một cái, rơiõm xuống giữa làn sóng bạc đầu, nước mặn xộc ngay vào miệng.

Tình thế lúc này rất nguy, may chàng từng luyện kiếm bao nhiêu lâu giữa dòng nước lũ trên núi, lập tức sử chiêu "Thiên cân trụy" đứng thật vững trên đáy biển bằng đá. Trên mặt biển sóng cao như núi, nhưng dưới đáy biển thì tĩnh lặng hơn. Chàng đã hiểu ra: "Thần điêu dẫn mình ra biển là để mình luyện kiếm trong sóng dữ". Bèn nhún mạnh hai chân, vọt lên mặt nước, một đợt sóng cao như núi ập xuống đầu chàng. Chàng tung mình lên đầu sóng, hít một hơi dài rồi lại chìm xuống đáy biển.

Cứ thế tung mình vọt lên mặt nước để thở, đến khi thủy triều rút thì chàng đã mệt phờ, mặt nhợt nhạt. Giờ Tí, thủy triều lại dâng, chàng cầm thanh kiếm gỗ nhảy xuống múa kiếm trong sóng, cảm thấy lực thủy triều từ tứ phía ập đến, không giống như nước lũ chỉ đẩy từ trên xuống dưới, mỗi khi chống đỡ không nổi, chàng lại chìm xuống đáy biển tạm tránh.

Cứ thế mỗi ngày tập hai lần, chưa đến một tháng, tự cảm thấy công lực đại tiến, nếu đứng trên bờ múa kiếm, nghe từa tựa như tiếng triều dâng. Bây giờ Thần điêu đấu với chàng, đã không dám dùng cánh đụng vào thanh kiếm gỗ nữa.

Một hôm Dương Quá nổi hứng, lúc vung kiếm đâm, sử đến mười thành công lực. Thần điêu kêu "oắc" một tiếng, vội né tránh. Dương Quá thu kiếm không kịp, thanh kiếm gỗ chém trúng vào một thân cây nhỡ nhỡ, kiếm gãy, thân cây cũng gãy đổ. Dương Quá tay cầm cán của thanh kiếm gỗ vừa gãy, nghĩ: "Thanh kiếm gỗ mỏng manh vô lực này mà chém gãy cây là do kình lực của tay ta, khi nào cây gãy mà kiếm không gãy, tức là sẽ bằng thần kỹ của Độc Cô tiền bối năm xưa".

Xuân qua thu tới, năm tháng trôi mau, Dương Quá ngày ngày luyện kiếm với thủy triều, ngày cũng như đêm, trời nóng cũng như trời rét. Tiếng thanh kiếm gỗ phát ra khi đâm càng ngày càng to, ầm ầm ù ù, vang như thế mấy tháng, rồi nghe nhỏ dần, cuối cùng không nghe thấy gì nữaa. Lại luyện thêm vài tháng, tiếng lại nghe to dần, từ nhỏ tới to, lại từ to tới nhỏ, lặp đi lặp lại bảy lần, luyện đến bước ấy, bấm đốt ngón tay, tính ra chàng đã ở bên bờ biển sáu năm. Hiện thời Dương Quá tay cầm thanh kiếm gỗ, đứng bên bờ biển đón sóng mà đâm, kình phong do kiếm tạo nên đã ngang với sóng lớn từ trên cao đổ xuống. Thần điêu tuy có lực đạo kinh hồn, cũng đã không chịu nổi vài ba chiêu thức của thanh kiếm gỗ, bây giờ chàng mới hiểu tâm trạng cuối đời của Độc Cô Cầu Bại: "Từ đây kiếm thuật làm gì có ai trong thiên hạ địch nổi. Hèn chi Độc Cô tiền bối buồn bã chôn kiếm nơi hoang cốc". Lại nghĩ: "Nếu không có Điêu huynh năm xưa chứng kiến phép luyện kiếm của Độc Cô tiền bối, thì làm sao ta có được thần kỹ thế này? Ta gọi Thần điêu là Điêu huynh, kỳ thực Thần điêu là lương sư của ta. Nói về tuổi tác, càng không biết Thần điêu bao nhiêu tuổi, không chừng Thần điêu đáng để ta gọi là Điêu công công, Điêu gia gia cũng nên".

Trong những năm luyện kiếm trên bờ biển, Dương Quá luôn luôn nghe ngóng tin tức qua những người đi biển trở về, xem có ai biết gì về Nam Hải thần ni hay chăng. Nhưng mấy năm, hỏi qua cả ngàn thuyền sư hải khách, không một ai có tin gì, chàng cũng bỏ dần ý định hỏi han, nghĩ thôi cứ chờ mười sáu năm sẽ tái hợp với Tiểu Long Nữ. Một hôm trời mưa gió như trút, Dương Quá cảm thấy bồn chồn, bèn giắt thanh kiếm gỗ sau lưng, khoác áo tơi che mưa, cùng Thần điêu lẳng lặng đi về hướng tây, từ ấy dấu chân chàng đặt khắp chốn Giang Nam Trung Nguyên.

Ghi chú:

Lời và điệu của "Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết" là dựa theo bài hát "Mại Bì đường", tác giả là Nguyên Hiếu Vấn, người nước Kim, sáng tác vào năm Kim Thái Hòa thứ năm, bấy giờ phụ thân của Dương Quá là Dương Khang mới năm tuổi.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio