Sáng thứ hai, buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tiên mà Giản Chiêu được đến dự tại ngôi trường này.
Không biết y lại muốn bày ra trò gì, mới sáng sớm đã lọ mọ ngồi dậy, mặc quần áo với tốc độ nhanh nhất có thể, mở cửa ra đón cơn gió sương lạnh lẽo.
Vẫn cái cặp kính tròn quen thuộc, mái tóc xù xoăn xoăn màu hạt dẻ, cùng đôi mắt hổ phách sáng lấp lánh, hiếm hoi được một ngày tràn đầy sức sống.
Chủ động gọi điện cho Ôn Dĩ Hoài và Triệu Thiên Kiệt, hỏi hai người họ có thể tập hợp tất cả bạn học lớp A lại dưới sân được không.
Ôn Dĩ Hoài nhẹ nhàng dễ mến đồng ý, Triệu Thiên Kiệt còn chưa tỉnh, nhưng cũng trả lời được.
Phong cách làm việc của hai người này tuy trái ngược mà lại bổ trợ hòa hợp đến lạ, người ôn hòa gọi điện đến từng bạn học kẻ thì dùng vũ lực ra lệnh cho đám đàn em đi lôi cổ từng người dậy.
Chưa đầy nửa tiếng, đã có một đoàn học sinh còn ngáp ngủ lơ mơ xếp hàng dưới sân trường vắng lặng, có đứa còn đang đánh răng cũng bị Triệu Thiên Kiệt túm xuống.
Mọi người gù gà gù gật nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu vì sao lại dậy sớm thế này.
Giản Chiêu hưng phấn chia cả lớp xếp thành ba hàng, xách theo cây thước vừa to vừa dày, đi đi lại lại chỉnh đốn tác phong từng học sinh, cứ tên nào ngáo ngơ liền không chần chừ vụt mạnh vào mông hắn, làm nam sinh bị đánh nhảy dựng lên xuýt xoa.
Có đứa cậu ấm nhà giàu bị đánh cho đau ch ảy nước mắt, ầm ĩ nháo sự:
“Tôi sẽ về mách ba, thầy biết ba tôi là ai không? Dám đánh tôi thế này ba tôi sẽ đuổi việc thầy!”
Triệu Thiên Kiệt đứng ở dưới nhấc chân đạp cho tên cậu ấm một cái suýt bổ nhào về phía trước.
Giản Chiêu hùng hổ mắng lại còn to hơn tiếng của nó:
“Đừng có mà dọa nạt tôi.
Tôi đã liên hệ với hết các phụ huynh của những trò trong lớp rồi, bọn họ đều đồng ý cho tôi dùng bất kì biện pháp nào để trừng trị các trò.
Tôi biết rõ ba trò là ai, chính ông ấy là người đã mua cho tôi cây thước này đấy!”
Nếu nói năng lực duy nhất của bản thân mà Giản Chiêu tự hào có lẽ là thuyết phục và tranh luận với người khác.
Y rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lí đối phương, tuy lúc bàn chuyện với các bậc phụ huynh ít nhiều cũng có chút khó khăn với các ông cha bà mẹ quá mức chiều chuộng con cái.
Giản Chiêu dành cả tối ngồi nói chuyện với họ trên group chat, còn lập ra phòng call, đưa ra lập luận sắc bén, đánh vào những điểm mấu chốt của vấn đề, đưa ra lí lẽ dẫn chứng như diễn văn, rồi lấy ví dụ trực tiếp là tình hình học tập của những học sinh cá biệt trong lớp, nhấn mạnh vào nỗi lo lắng của họ là tương lai con trẻ, đã có nhiều phụ huynh lung lay, bênh vực thầy giáo làm cho số đông dần ngả về một bên, cuối cùng đưa ra chỉ trích vấn đề bao bọc con cái làm bọn nhỏ dần hình thành tính cách ỷ lại cực đoan, dựa vào việc ba mẹ chống lưng mà quậy phá dẫn đến lỗi lầm, làm cho bọn họ cứng họng.
Không biết y làm thế nào mời được thầy hiệu trưởng vào nhóm chat, ông ấy cũng khẳng định nếu những bậc phụ huynh còn tiếp tục muốn bao che cho con cái của mình, tùy ý bọn chúng phá phách vi phạm luật trường thì nhà trường sẽ ra quyết định đình chỉ học hoặc không được lên lớp.
Giằng co hồi lâu cuối cùng bọn họ đành phải xuống nước chịu thua, đồng ý giao con mình cho Giản Chiêu dạy dỗ.
Cuộc trò chuyện cãi vã kéo dài hơn mấy tiếng đồng hồ, đến sáng hôm sau cổ họng của y khô khốc đau rát.
Tuy vậy tinh thần của Giản Chiêu như gỡ bỏ được gông cùm gánh nặng, từ nay cánh chim mặc sức bay, vô cùng sảng khoái.
Tên cậu ấm kia không ngờ sẽ có việc này, vừa ấm ức vừa mất mặt, nhưng không dám bật lại Triệu Thiên Kiệt đằng đằng sát khí đứng đó, cũng không muốn ăn cây lại xấu hổ với đám bạn, thế là đành đứng ngay vào hàng không dám mở miệng.
Sikeil đứng gần cuối nhóng lên nhìn bộ dạng này của y, hào hứng giơ ngón like, còn không ngại bày tỏ sự hâm mộ.
Giản Chiêu lôi từ trong cặp táp ra một xấp giấy dày, phát cho mỗi người một tờ.
Cả lũ học sinh ngoan ngoãn nhận lấy, nhìn vào mới biết đây là bản photo bài hát quốc ca.
Giản Chiêu chắp tay sau lưng đi vòng quanh, ho khan cho thông nhuận cổ họng, rồi dõng dạc nói:
“Tôi đã có một cuộc trò chuyện với thầy tổng phụ trách và được biết lớp ta mỗi tiết chào cờ đều không có tiết nào nghiêm túc.
Lớp A đã in sâu vào tâm trí những vị giáo viên ở đây là một lớp cá biệt quậy phá nhất nhì trường.
Tôi cảm thấy vấn đề này rất đáng quan ngại.
Ta phải làm sao để đạp đổ ấn tượng xấu đó và tạo ra hình tượng làm mọi người phải nhìn lớp ta với con mắt khác.
Vì thế hôm nay, dưới sân này các cậu làm sao thì làm, học thuộc quốc ca này.
Lát nữa hát to lên cho tôi, làm bật lên giai điệu mạnh mẽ hào hùng của bài hát này đi.
Tất cả nghe rõ chưa!?”
Câu cuối Giản Chiêu gần như là hét lên, giọng khản đặc, nói xong còn ôm ngực thở hổn hển.
Tất cả học sinh trong lớp đều đồng thanh hô to, làm những người dậy sớm tình cờ đi ngang qua đều giật mình:
“Dạ rõ!!!”
Các nam sinh ngồi bệt xuống đất, cầm tờ giấy mỏng mà như muốn vò cho nhàu nhĩ, khốn khổ ngồi đọc thuộc từng dòng.
Tuy việc thuộc một bài quốc ca không quá khó, nhưng đối với cái lũ quậy nghịch chưa bao giờ nghiêm túc hát bài này thì sớm đã quên béng giai điệu.
Sikeil sống ở nước ngoài từ nhỏ, lần đầu nhìn thấy quốc ca nước này, ngơ ngác ngó quanh ngó dọc hồi lâu, cuối cùng phải nhờ một bạn học có vẻ là trò ngoan ngồi kế hát mẫu cho rồi bập bẹ hát theo, còn phải mở điện thoại lên nghe đi nghe lại.
Cậu ta là con lai còn cố gắng như thế làm những con người trong nước chính hiệu không thể chịu thua.
Giản Chiêu đi xung quanh, thỉnh thoảng ngồi xuống nghe một đám cãi nhau xem chỗ nào hát như thế nào, thấy cũng vui vui chen vào hai ba câu, xong ngồi tám một chút rồi lại đứng dậy qua chỗ khác.
Dòm qua thấy Triệu Thiên Kiệt mặt nhăn nhó trừng trừng nhìn tờ giấy trong tay, nom buồn cười quá y lượn qua trêu hắn một chút.
Ôn Dĩ Hoài ngồi nghiêm chỉnh một bên, vừa giúp y quản lí lớp vừa làm bài tập, bộ dáng chỉn chu nghiêm túc nhận được vô số ánh mắt ngưỡng mộ cùng ghen tị.
Dần dà sân trường đông người hẳn, tia nắng len lỏi qua gợn mây chiếu xuống mặt đất, xuyên qua từng cành cây rụng hết lá khô quắt queo.
Đám học sinh lớp A vẫn ngồi đó, vô số ánh mắt tò mò nhìn qua, không ai biết được cái lớp cá biệt nhứt nhì này đột nhiên tụ tập đông vậy là muốn bày ra trò gì, rồi ngày một nhiều, tiếng bàn tán xôn xao vang lên xung quanh cũng không động chạm vào được không khí yên tĩnh pha chút dồn dập hồi hộp của lớp.
Chương Dư lâu lắm mới thấy xuất hiện, ngáp ngắn ngáp dài, đứng gần Giản Chiêu dụi dụi mắt, như không thể tin được cái lũ quỷ sứ mình quát khàn cổ không nghe này lại chịu ngồi yên ở đây.
Quàng tay qua vai y, thầm thì:
“Thầy Giản.
Thầy làm gì tụi nó vậy? Cả lũ này bị trúng bùa phép gì hả? Trời đất, ngay cả đại ca họ Triệu kia cũng chịu ngồi yên cơ đấy.”
Giản Chiêu nhìn khuôn mặt há hốc kinh ngạc của anh, phì cười, đáp:
“Đang dần cải tà quy chính đấy, rồi thầy xem.”
Tiếng chuông reo to vang vọng cả trường.
Những nam sinh mặc đồng phục xanh cùng áo khoác ngoài đa màu sắc kéo xuống dưới giành ghế cho lớp mình.
Tiếng nói chuyện ồn ào rôm rả của ngày đầu tuần làm tâm trạng ai cũng vui vẻ và dễ chịu.
Lá quốc kì bay phấp phới trên cột cao, những hàng dài học sinh dần xuất hiện có trật tự.
Giản Chiêu cho lớp đứng dậy, tự ổn định tại hàng ghế của lớp mình, y cũng cần về phòng giáo viên làm chút việc, trước khi rời đi còn nói vọng lại rõ to:
“Tất cả nhớ lời tôi nói không?”
Triệu Thiên Kiệt hất mái tóc đỏ rực (Ôn Dĩ Hoài vô cùng không thích màu tóc này), là người tiên phong đáp lại:
“Có!”
Đại ca đã lên tiếng, đám đàn em tất nhiên sẽ không chịu yên, hú hét dạ vâng, vẫy tay náo loạn cả lên.
Chương Dư đi kế bên Giản Chiêu, phải ngoái đầu lại nhìn hai ba lần, ngờ vực hỏi:
“Thầy Giản, tuy bây giờ tình hình bọn học sinh này đúng là khá hơn, nhưng mà…nó sẽ kéo dài chứ hả?”
“Không, bản tính hư hỏng không thể sửa trong một sớm một chiều được thầy ạ.
Bọn chúng chỉ bị áp chế trong phút chốc, sau này sẽ có đứa nhận ra rằng người thầy này chẳng giỏi đến mức bắt bọn chúng ngoan được mãi.” Giản Chiêu mỉm cười nhẹ nhàng, đáp “Tuy nhiên tôi cũng không hiền lắm đâu, tôi có nhiều kế lắm.
Các trò ấy vẫn chưa hết thuốc cứu chữa mà, chỉ là trong giai đoạn nổi loạn thôi, vẫn còn có thể uốn nắn mà.”
Chương Dư phấn khích vỗ vai y cổ vũ:
“Ý tưởng cao đẹp đó thầy Giản à! Không biết đến đâu nhưng tôi chúc thầy thành công nhé, chậc, cái lớp quậy như thế cũng phải có người trị được tụi nó chứ, không thì có ngày tôi hói đầu sớm vì lên dạy lớp đó lắm…”
Giản Chiêu cười cười không nói.
Buổi chào cờ bắt đầu.
Thầy tổng phụ trách lên bục sân khấu chỉ đạo các cán bộ, giáo viên, nhân viên và các nam sinh toàn trường đứng dậy, thực hiện các hiệu lệnh quen thuộc, cho tất cả đứng nghiêm, sau một cuộc diễu hành với quốc kì của hội học sinh là nhạc quốc ca hào hùng vang lên khắp toàn trường.
Các nam sinh đang chuẩn bị mở miệng hát một cách tẻ nhạt thì chợt một dàn đồng ca gào lên khủng khiếp với chất giọng lệch tông pha lẫn của nhiều người nổi lên.
Tập thể lớp A nghiêm túc đứng tại chỗ, ai nấy đều dùng hết sức mà hét lên lời bài hát, như sói tru hổ gào, tiếng hát làm toàn trường đều giật mình, dữ dội kinh thiên động địa, tụi nó còn hát vô cùng hăng say, đua nhau rống lên những câu hát dù chệch nhịp.
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, thầy tổng phụ trách cũng bị hú vía.
Có giáo viên đứng gần đấy giật nảy mình, không nhịn được hỏi:
“Lớp quỷ sứ đó thành ổ yêu văn nghệ hồi nào vậy?”
Toàn bài hát kéo dài hơn ba phút, đến phút cuối là khúc cao độ nhất, cả lớp vốn dĩ người hát câu này kẻ xọ câu kia lộn xộn đột nhiên lại ăn ý cùng thét lên lời cuối dã man rúng động trời cao.
E rằng đến cánh chim trên bầu trời cũng bị chao đảo lệch đường bay.
Quốc ca kết thúc nhưng dư âm vọng chấn của lớp A vẫn còn đấy, mọi người vẫn chưa phản ứng kịp, toàn trường một mảng tĩnh lặng.
Những thành viên A thì tự hào lắm, nhìn nhau đấm ngực thùm thụp cười ha hả, Ôn Dĩ Hoài vừa bất lực vừa buồn cười, nội tâm đấu tranh làm bả vai anh đều run run, khóe môi giương lên hết cỡ tưởng chừng cũng nhịn không được mà ôm bụng cười.
Thầy tổng phụ trách đơ ra lúc lâu, không ngờ cái lớp mình kiêng dè nhất lại sôi nổi như vậy, mãi lúc sau mới cho mọi người ngồi xuống, bắt đầu bài diễn văn về chủ đề trong tuần.
Giản Chiêu đứng từ xa quan sát, khá hài lòng, sau lưng là vài vị giáo viên khác đang chụm đầu lại bàn tán về chuyện mới lạ này.
Bây giờ y như ngôi sao vốn lặng tăm đột nhiên phát sáng rực rỡ, đi đến đâu đều nhận về vô số ánh mắt dòm ngó chỉ trỏ cùng những lời thầm thì không nghe rõ lời.
Giản Chiêu tuy cũng vui, nhưng việc này làm y không thoải mái, vì thế lẩn lẩn chuồn ra chỗ khác, tránh xa những giáo viên đang tụ tập.
Dù vậy vẫn có thể cảm nhận được những ánh mắt ai đó nhìn chằm chằm phía sau.
Y sắp xếp lại mớ tài liệu lộn xộn, cất gọn vào cặp táp.
Buổi sinh hoạt dưới cờ còn kéo dài lâu, Giản Chiêu dự tính lén lút chuồn ra sau sân trường, nơi có bãi cỏ xanh mướt, đi dạo giết thời gian trong lúc chờ đợi.
Vừa đặt chân lên nền cỏ, còn đang ngẩn người đón làn gió lạnh thì đã nghe tiếng bước chân chạy theo ở đằng sau, một giọng nói quen thuộc lôi kéo tinh thần đang bay bổng trên trời của Giản Chiêu xuống đất.
“Thầy…thầy Giản.”.