Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Mấy ngày sau đó, tôi và Tiểu Phong Tử dốc hết sức đi tìm nhà cho thuê, môi giới ở khu thương mại cũng tìm giúp chúng tôi vài lần nhưng đều chẳng được gì, vì thế ai cũng khuyên, đừng tốn công vô ích, thời buổi này mà đòi kiếm căn hộ một phòng, thôi thì cứ tự mua gạch về mà đắp.
Nhưng trời cao không phụ người có tâm, ngay lúc bọn tôi nản lòng thoái chí, trên cột điện, bị đống quảng cáo chữa bệnh vảy nến giang mai mụn nhọt ung thư tuyến tiền liệt che khuất hơn nửa, một tờ thông báo có phòng cho thuê đập vào mắt chúng tôi.
Chủ nhà là một cụ ông khoảng sáu mươi tuổi, nhìn rất hiền lành, nói là già rồi, được con gái đón về nhà mới, nhà cũ bỏ không, tiện thì cho thuê luôn — tám trăm một tháng, bốn tháng đóng một lần.
Một vạn thoắt cái đã tụt xuống còn sáu ngàn tám, nhưng chỗ ở tạm thời không phải lo. Tôi và Tiểu Phong Tử dọn dẹp sơ qua một chút rồi bắt đầu tính tiếp. Thực ra cũng không cần phải tính nhiều, nhà có rồi, tất nhiên giờ phải đi tìm việc, chỉ có điều trước khi tìm việc, tôi muốn về thăm phòng Mười bảy.
“Đừng có làm trò, chẳng lẽ phòng Mười bảy xếp hàng ra đấy cho anh thăm à? Thăm Tên câm thì có.” Tiểu Phong Tử nói lời này trong lúc đang chổng mông quay cuồng trải nệm trên sàn nhà, mãi đến cuối mới nhận ra, mặc dù có nệm, nhưng sàn nhà vẫn là sàn nhà, mà dù không có nệm thì giường vẫn là giường, thế là cậu chàng quyết đoán chiếm giường trước, còn tôi cứ thế bị phân cho nằm nệm dưới sàn.
“Đại Kim Tử có vợ, Chu Thành có chị, Hoa Hoa chỉ có chúng ta, chúng ta không lo thì chẳng còn ai lo cho cậu ấy nữa.” Lúc nói lời này, tôi đang ngồi thiền trên tấm nệm trải dưới sàn nhà, nín thở tập trung, nhắm mắt thư giãn, ảo tưởng dưới mông không phải tấm nệm cũ kỹ, mà là đài sen hoặc ngai vàng.
“Đừng có luôn mồm chúng ta chúng ta, chỉ có anh thôi, tôi chả đi đâu.” Tiểu Phong Tử ngáp một cái, xoay người tìm tư thế dễ chịu, kiên quyết nằm chết dí trên giường, “Tôi để thời gian đấy ngủ một giấc còn hơn.”
Tôi vừa bực mình vừa buồn cười, nghĩ ngợi nửa ngày cũng chỉ ra được một câu, “Vô tâm vô tính.”
Tiểu Phong Tử rất thích lời nhận xét này, bằng chứng là lúc sắp ngủ, cậu chàng nghêu ngao hát đi hát lại hơn mười lần “Rồi rồi rồi rồi rồi rồi tôi là chú bán báo vô tình.”
Đầu xuân, trời vẫn lạnh, cái lạnh ở ngoại ô còn rõ rệt hơn nhiều. Năm ngoái tôi ngồi trong phân xưởng, vừa cặm cụi lao động, vừa khấp khởi mong trời mau tối để về căng-tin húp một bát canh nóng, chỉ thế thôi cũng đủ mỹ mãn vô cùng.
Bây giờ ngẫm lại, dường như đã qua mấy đời.
Đưa Hoa Hoa đến không phải Du Khinh Chu, tôi hơi thất vọng, nhưng thất vọng rất nhanh đã chuyển thành rạng ngời sung sướng vì được gặp lại Hoa Hoa. Cậu cũng không hề giấu nỗi vui mừng, từ đằng xa đã cong miệng cười, đến nỗi tôi cũng không kiềm chế nổi, tới khi phát hiện ra thì hai mép đã sắp chạm mang tai.
Thấy Hoa Hoa ngồi xuống, tôi vội vàng nhấc điện thoại lên, sốt ruột hỏi, “Dạo này có khỏe không?”
Thời gian thăm tù có hạn, tôi phải tranh thủ từng giây từng phút để trò chuyện với Hoa Hoa.
Hoa Hoa cũng đã chuẩn bị trước, sột soạt viết rất nhanh rồi áp tờ giấy lên vách thủy tinh cho tôi xem: Khỏe, bốn ngày rưỡi.
Tôi mỉm cười, đây là câu trả lời kiêm chọc ghẹo tôi, đúng vậy, tôi mới ra tù bốn ngày rưỡi thôi.
Nhưng tưởng chừng như đã qua rất lâu, rất lâu rồi.
“Đại Kim Tử và Chu Thành cũng khỏe chứ?”
Hoa Hoa gắng sức gật đầu.
“Phòng Mười bảy có người mới không?”
Hoa Hoa lắc đầu.
“Thế thì mấy đứa thích lắm nhỉ, ba người ở phòng năm người.”
Hoa Hoa liếc tôi, cúi đầu viết mấy chữ to, giơ lên: Thỉnh không nói lời vô ích.
Ặc, được rồi, tôi quay lại chuyện chính. Hắng giọng một cái, tôi xuất ra uy nghiêm của anh Lộ, trịnh trọng nói, “Bây giờ anh và Tiểu Phong Tử đang ở cùng chỗ, tạm thời ăn uống không lo, nhưng chưa đi tìm việc, bọn anh đang tính chuyện này.”
Hoa Hoa mím môi, suy nghĩ một lát rồi viết: Không phải đã nói là bán căn hộ lấy tiền kinh doanh sao?
Đối với vấn đề này, tôi suy tưởng nửa ngày, mãi đến khi cằm hơi ngưa ngứa, đưa tay định gãi, trong đầu bỗng lóe ánh hào quang, “Bây giờ giá đất đang lên, chưa nên bán, đợi thêm chút nữa.”
Hoa Hoa gật đầu, coi như đã hiểu.
Tôi thầm thở phào, nhưng đề tài đã cạn, nên ngay cả câu “Phải chăm sóc tốt cho mình, nhớ ăn ngon mặc ấm, anh gửi tiền vào cho” cũng đã nói xong, mà thời gian mới trôi qua một nửa. Ờ rồi, mắt to trừng mắt nhỏ vậy. Cũng may tôi và Hoa Hoa luôn ăn ý, cậu là cái hũ nút, hồi trước mỗi khi tôi hết chủ đề để ba hoa, cả hai cũng ngồi đần mặt ra thế này, không cần cố sức kiếm chuyện để nói, chỉ im lặng ngồi cạnh nhau thôi, tâm đã thấy bình an lắm rồi.
Tóc Hoa Hoa lại dài ra, bù xù cực đáng yêu, tôi tưởng tượng mình được thò tay vò vò, cảm giác thật tuyệt vời.
Rất nhanh đã hết giờ, tôi nói với cậu, “Đừng cắt tóc nữa, cứ để vậy đi, đẹp lắm.”
Hoa Hoa nhíu mày vẻ không vui, nghiêng đầu nhìn tôi qua bức vách thủy tinh.
Tôi sợ cậu nghĩ tôi chọc cậu, bèn rất đứng đắn nói thêm một câu, “Thật đấy.”
Hoa Hoa nhìn tôi vài giây, bỗng nhiên lại giơ tờ giấy lên, tôi cũng không biết cậu viết lúc nào. Bốn chữ, từng nét từng nét, rất đồng đều: Tôi còn một năm.
Trong lòng như có thứ gì đó vừa tan chảy, nhè nhẹ tỏa ra hơi ấm, tôi không thể nói rõ đó là cảm giác gì, chỉ biết rằng cái người đang ngồi sau vách kính kia hoàn toàn tin tưởng tôi, tôi không thể phụ niềm tin ấy, tôi phải nói gì để cậu thật an tâm, không có nửa phần ngờ vực, phải an tâm.
Nhưng mà tôi nên nói thế nào?
Yên tâm, ra ngoài em cứ đi theo anh!
Anh nói được là làm được, sẽ không bao giờ bỏ mặc em!
Chuyện nhỏ chuyện nhỏ, chỉ một năm thôi mà, nhanh lắm!
…
Đã hết giờ thăm hỏi, tôi vẫn chưa mở miệng nói được gì hùng hồn.
Cảnh ngục thúc giục Hoa Hoa đứng dậy, nhưng Hoa Hoa bất động, cậu bướng bỉnh nhìn tôi, bàn tay nắm chặt ống nghe, đôi con ngươi đen bóng nhìn không ra cảm xúc.
Bỗng nhiên tôi hiểu, cậu không cần tôi vỗ ngực cam đoan, cũng không cần tôi ngửa mặt thề thốt, để cậu an tâm rất đơn giản, chỉ cần một nụ cười kiên định, và một tiếng, “Ừ.”
Ừ, anh biết rồi.
Ừ, anh nhớ rồi.
Ừ, anh sẽ chờ em.
Tìm việc làm không đơn giản như tôi tưởng tượng, đường phố đầy ắp thông tin tuyển người, các ngành các nghề đều thiếu nhân lực, nhưng tôi và Tiểu Phong Tử làm gì cũng chẳng xong. Thợ sửa chữa thì không rồi, thợ điện lại càng không, công nhân xây dựng chỉ cần khỏe mạnh là làm được, nhưng hai bọn tôi sức lực chẳng đến đâu, còn những nghề khác không đòi bằng cấp cũng đòi kinh nghiệm, khó lắm mới kiếm được việc lao công khách sạn, thế mà người ta không tuyển nam chỉ tuyển nữ, mẹ nó kỳ thị giới tính à?!
Nắng mùa xuân không gắt, phơi nắng lâu không choáng, nhưng ngồi xổm bên đường ăn cơm hộp thì quả là chẳng thích thú gì.
“Biết thế hồi trước cứ học nốt cái đồ của nợ kia cho xong, tốt xấu gì còn có cái bằng.” Tiểu Phong Tử gắp cà rốt sang hộp của tôi, tiện thể lấy về một miếng thịt.
Tôi suy nghĩ nửa ngày mới hiểu cái đồ của nợ tức là đại học, dở khóc dở cười, “Nếu biết thế thì hồi đó tôi cũng chẳng trộm xe, vớ vẩn bây giờ lại thành ông chủ lớn.”
Tiểu Phong Tử lé mắt nhìn tôi, sau lại bĩu môi lắc đầu, “Anh á? Khả năng không cao.”
Tôi thật muốn cho cậu ta một đá.
Đang trò chuyện, bất chợt tôi thấy cách đó không xa có một chiếc xe đạp ba gác chạy qua, tiếng kêu y hệt xe máy, hiển nhiên là đã gắn thêm động cơ. Trên xe chở một tủ quần áo, nước sơn trắng bóc vừa nhìn đã biết mới mua, hoa văn kiểu cổ điển, bốn góc bọc xốp để tránh va chạm. Tôi nhớ hình như đằng trước có một chợ đồ gia dụng, chắc hẳn đây là hàng mới mua đang chở về nhà… Từ từ, cái này tôi cũng làm được!
Nói làm là làm, bỏ hộp cơm xuống, tôi dẫn Tiểu Phong Tử đến chợ gia dụng nghiên cứu địa hình. Ờ rồi, có thấy mới biết, nơi này cạnh tranh vô cùng khốc liệt, một loạt xe dựng trước cổng chợ, phàm là một người bên trong bước ra, hơn mười người bên ngoài sẽ lao đến mời chào. Có điều một lần chở hàng ít nhất cũng được hai mươi đồng, nếu đường xa, bê đồ giúp còn được ít nhất năm mươi đồng. Tính ra một ngày chở hai chuyến là đủ cơm ăn.
“Tôi mặc kệ.”
Ngày thứ ba, hết thảy đã chuẩn bị xong xuôi, tôi còn bỏ hai trăm đồng mua cả xe second-hand, nhưng Tiểu Phong Tử lại chết sống không vui.
“Cưỡi cái xe này mất hết cả hình tượng!” Cậu chàng nói năng rất hùng hồn.
Tôi hỏi, “Vậy cậu muốn làm gì?”
Tiểu Phong Tử nhướn mày, xoay người bỏ vào chợ gia dụng.
Tôi không thể bỏ xe đi theo cậu, thầm thủ thôi muốn dỗi thì cứ dỗi, đằng nào cũng chẳng xảy ra chuyện được, sau đó nằm úp sấp trên xe chờ việc. Chờ khoảng hai tiếng mới vất vả tranh được khách, chở một cái bàn đến Tây Thành. Lẽ ra Tây Thành cách nơi này không xa, đạp xe cùng lắm nửa giờ là đến, nên lúc đầu tôi rất tự tin, chẳng cần nghĩ, ra giá luôn bốn mươi đồng. Ai ngờ mới đi vài bước tôi đã hối hận, mẹ kiếp đạp xe ba bánh với đạp xe đạp đúng là một trời một vực, đã thế còn phải chở thêm cả một lão to béo, mỗi bước đi là một bước khổ. Lúc đến nhà khách hàng, mặt tôi đỏ ké như Quan Công, áo ướt sũng vắt ra nước được. Khách hàng rất không hài lòng, càu nhàu nửa ngày mới ném cho tôi bốn mươi đồng tiền, có một đồng còn rơi xuống đất.
Tôi chờ thật lâu, chờ khách và hàng xóm dưới lầu biến mất khỏi tầm mắt, mới ngồi xuống nhặt đồng xu lên. Chẳng thể nói rõ tâm trạng tôi lúc này, nhục nhã, cũng không hẳn, đâu đó còn có chút trống trải, như thể sức lực đã trôi tuột đi. Lúc đạp về tôi còn bị xe tải phía sau bấm còi ầm ĩ, chẳng có nguyên nhân gì, chỉ là khi ấy tôi mất tập trung. Trong đầu quanh quẩn mấy suy nghĩ rất ngớ ngẩn, chẳng hạn như tôi là ai, tôi đang ở đâu, tôi đang làm gì vân vân. Những ý nghĩ cứ chợt lóe qua, ngắn ngủi và mờ mịt, trên đường về xuất hiện rất nhiều lần. Mỗi lần bừng tỉnh, tôi lại tự trả lời mình —- Tôi là Phùng Nhất Lộ, tôi đang ở bên ngoài nhà giam, tôi đang phấn đấu để sống cho thật tốt.
Trở lại chợ gia dụng, bụng đã sôi ùng ục, tôi đang định kiếm chỗ để xe an toàn rồi vào tìm Tiểu Phong Tử ăn cơm, nhưng cậu ta đã từ đâu nhảy ra, phấn khởi vẫy tay với tôi, “Này, Phùng Nhất Lộ —-”
Thấy cậu mặt mày hớn ha hớn hở, tôi bất giác cũng cười theo, “Sao thế, mới lấy vợ à?”
Tiểu Phong Tử chỉ cười mà không nói, đi đến trước mặt tôi, kéo tay tôi ra, vỗ vỗ một tờ tiền lên.
Tôi bị ngài lãnh tụ màu hồng kia làm cho lóa cả mắt.
“Kiếm ở đâu thế?”
“Trích phần trăm.”
“Cậu làm gì?”
“Giúp người ta bán đồ gia dụng.”
Mẹ nó ông đây suýt chết mới kiếm được bốn mươi đồng, thằng ranh này đứng nơi râm mát nhàn nhã nhẹ nhàng mà được hẳn một trăm, cuộc đời thế là sao?!
“Hay là tôi làm với cậu nhé.”
“Đừng, anh mua xe rồi còn gì, cứ chở hàng đi, tôi nhìn cũng được đó chứ.”
“Cưỡi cũng được, thử không?”
…
Nói thì vậy, nhưng ngày hôm sau tôi vẫn chờ việc bên ngoài chợ. Chẳng biết tại sao, rõ ràng ở trong tù tôi toàn bị mắng là hay lải nhải, mà ra ngoài này tôi lại chẳng muốn nói nhiều. Có thể vì tự ti, cũng có thể vì thứ gì khác, tóm lại tôi chỉ cảm thấy mình và mọi người không hợp nhau. Tiểu Phong Tử nói tôi ảo tưởng bị hại, nguyên văn như sau: Trên trán anh có dán câu “Tôi mới ra tù” đâu, sợ cái gì? Tôi biết cậu nói có lý, nhưng tôi không thể kiểm soát nổi, mỗi lần bị người khác nhìn lâu, tôi sẽ phát hoảng đến nỗi chỉ muốn đấm cho mình một cái!
Hết chương .
Xe đạp ba gác của anh Lộ: