Sau buổi trò chuyện thân mật với các sinh đồ của Quốc Tử Giám, Cơ Nguyên Thành hồi cung. Về đến cung cấm, Cơ Nguyên Thành báo lại với Hoàng hậu về hành trình ngày hôm nay. Hoàng hậu thấy Cơ Nguyên Thành tuổi còn nhỏ mà đã có thể thuật lại rõ ràng rành mạch mọi chuyện, nàng ta lấy làm hài lòng lắm. Tuy thế, sự vui mừng không hề biểu lộ trên khuôn mặt, Hoàng hậu chỉ khẽ mỉm cười, buông một câu "không tệ".
Hoàng hậu dò hỏi Cơ Nguyên Thành: "Con biết tiếp theo phải làm gì chứ?"
Co Nguyên Thành suy nghĩ một lát rồi đáp: "Mẫu hậu từng nói con phải tìm hai thư đồng (bạn cùng học) có tài, nếu có gia thế tốt thì càng hay, như vậy nhất cử lưỡng tiện, để người ta biết rằng hoàng gia chú trọng thực học, hơn nữa còn giúp tích cho tương lai của nhi thần sau này." Cơ Nguyên Thành vừa nói vừa quan sát sắc mặt Hoàng hậu, thấy Hoàng hậu hài lòng cậu bé biết mình đã nói trúng ý, bèn lên tiếng hỏi: "Mẫu hậu, có phải người con cần tìm chính là người giống như Tiết Đinh không?"
Hoàng hậu liếc nhìn Cơ Nguyên Thành nói: "Thứ con phải học còn nhiều lắm, không thể chỉ nghe nói người ta là cháu ngoại của Diêu thái phó đã vội kết luận."
Cơ Nguyên Thần cúi đầu đáp: "Xin mẫu hậu chỉ dạy cho nhi thần."
Hoàng hậu gật đầu ra chiều vừa lòng lắm, nàng ta cất tiếng: "Người ta chỉ là cháu ngoại của Diêu thái phó, phụ thân chỉ là một tiểu thương, quan trọng nhất là thân phận con vợ kế, những điểm này gộp lại thì Tiết Đinh kia không nằm trong phạm vi, chúng ta không cần phí tâm. Nếu nói như con thì hẳn khắp thiên hạ này đều là thân thích của hoàng đế."
Cơ Nguyên Thành lí nhí nói: "Vậy tức là ngày hôm nay nhi thần không thu được gì, phải không ạ?"
Hoàng hậu xoa đầu Cơ Nguyên Thành, vừa cười vừa bảo: "Không, mỗi lần rèn dũa đều rất quan trọng, hơn nữa Tiết Đinh kia còn là một con cá. Con hãy nghe cho kỹ những lời mẫu hậu sắp nói ra đây, Diêu gia có một đứa cháu ngoại là con của chính thất tên là Tiết Tuấn, điểm quan trọng nhất là đứa bé này đã được Trương Thụy Dương nhận làm nghĩa tử. Một bé trai vừa là người của Trương gia vừa là người của Diêu gia như thế mới xứng đáng làm thư đồng của con. Và Tiết Đinh kia chính là cái cớ giúp chúng ta có thể danh chính ngôn thuận đưa Tiết Tuấn vào cung."
Hoàng hậu bẩm với Hoàng đế rằng nàng ta muốn tìm thư đồng cho con trai mình, tuy nhiên lại khéo léo giữ kín chuyện người được chọn là người nhà họ Diêu. Nàng ta chỉ bẩm rằng người phù hợp là học trò của Quốc Tử Giám, nhưng vì tuổi tác hơn kém Cơ Nguyên Thành khá nhiều nên cho đưa cả đệ đệ tiến cung cùng làm thư đồng. Hoàng đế biết hiện tại các cung tần đều muốn lung lạc chúng nhân, một hoàng tử có đến tận tám thư đồng hẳn là đang muốn thể hiện tư thái hiếu học của Đại hoàng tử. Hoàng đế không hỏi han gì thêm đã đồng ý.
Sau khi được Hoàng đế chấp thuận, Hoàng hậu lập tức hạ chỉ gọi Tiết Tuấn tiến cung làm thư đồng của Cơ Nguyên Thành. Trong ý chỉ viết rõ, Tiết Đinh có tài học xuất sắc, nền nếp gia giáo của Tiết gia hẳn là xuất chúng hơn người, vì lẽ ấy đệ đệ Tiết Tuấn nhất định cũng là người ưu tứ, hơn nữa tuổi tác lại tương đương với Cơ Nguyên Thành, rất thích hợp cùng làm văn đọc sách với hoàng tử.
Nhược Thủy chau mày lĩnh chỉ, sau khi trở về viện tử, Tiết Đinh đã tự hào nói: "Đây đúng là chuyện tốt, chúng ta mau thu dọn hành trang, khẩn trương đưa đệ đệ tiến cung. Người làm ca ca ta đây coi như đã làm được chút chuyện cho đệ đệ." Nhược Thủy càng nhíu chặt đôi mày liễu, Tiết Đinh quả nhiên chỉ biết đọc sách, ngoài ra chuyện gì cũng mù mờ.
Tiết Minh Viễn thấy sắc mặt Nhược Thủy có vẻ không ổn, bèn phất tay bảo Tiết Đinh quay về trước. Sau y mới lên tiếng: "Ta không muốn để con trai mình tiến cung hầu hạ kẻ khác, con chúng ta cũng là kim tôn ngọc quý, dựa vào cái gì mà bắt nó phải hầu hạ hoàng tử, ta cũng không cần cái danh hão ấy." Nhược Thủy thở dài đáp: "Thiếp cũng nghĩ giống phu quân, nhất là vào thời điểm này những người kia đang tranh giành sống chết vì ngôi vị thái tử, thiếp không thể đẩy con mình vào vũng bùn."
Tiết Minh Viễn gật đầu, hỏi tiếp: "Vậy chúng ta từ chối thế nào đây? Hay là nói sức khỏe Tuấn nhi không được tốt?"
"Sức khỏe không tốt sẽ có thái y đến thăm khám, cái cớ này không dùng được. Chi bằng để thiếp tiến cung, mang thiếp canh đến gặp Hoàng hậu, nói với Hoàng hậu rằng con chúng ta không phù hợp với cuộc sống trong cung, sau đó để phụ thân đứng ra từ chối, không lý nào bọn họ không nể mặt phụ thân. Tiên lễ hậu binh, chắc chỉ có thể dùng cách này."
Tiết Minh Viễn vừa nghe Nhược Thủy nói muốn vào cung cấm, nơi rất dễ chạm mặt Hoàng thượng kia bèn nói ngay: "Không thể chuyện gì cũng để nàng giải quyết, để ta đi cũng được." Nhược Thủy trấn an Tiết Minh Viễn: "Việc này là do Hoàng hậu nương nương hạ chỉ, phải gặp mặt Hoàng hậu thưa chuyện mới xong, nữ quyến gặp Hoàng hậu dễ dàng hơn một nam nhân xa lạ như chàng. Chàng yên tâm, thiếp chỉ gặp Hoàng hậu thôi, sẽ không gặp thêm bất kì ai khác."
Tiết Minh Viễn lí nhí nói: "Nàng nói đấy nhé, chỉ gặp Hoàng hậu thôi đấy, lỡ như lại có người kì quặc nào đó quấn lấy nàng, nàng phải chạy thật nhanh cho ta." Nhược Thủy mỉm cười đồng ý.
Nhược Thủy thưa chuyện này lại với Diêu thái phó, đồng thời nói ra kế hoạch của mình. Trước động thái này của Hoàng hậu, Diêu thái phó chỉ cười nhạt, rồi để tùy Nhược Thủy làm theo ý nàng. Thẻ bài tiến cung chẳng mấy đã được phê chuẩn, ngày hôm sau Nhược Thủy sắc phục đoan trang, đích thân tiến cung.
Người có duyên luôn chạm mặt nhau vào những lúc không ngờ đến, tuy thế nhưng duyên phận này là nhân duyên hay nghiệt duyên còn phải xem xem đối phương là ai. Sau khi tiến cung, Nhược Thủy chậm rãi bước theo sau vị công công nọ. Vừa vặn lúc ấy cũng đến giờ bãi triều, Hoàng đế định về cung nghỉ ngơi đã bắt gặp bóng dáng thướt tha của Nhược Thủy. Cơ Thoan thảng thốt trong giây lát, tưởng tượng của y lẽ nào đang tồn tại trước mắt, nàng chính là người nên trở trong cung cấm này, là người đáng lẽ nên thành hoàng hậu của y.
Cơ Thoan thấy chẳng bao lâu nữa Nhược Thủy sẽ khuất khỏi tầm mắt, đi sâu vào trong cánh cửa lớn, y buột miệng gọi theo: "Khoan đã."
Một câu nói của Hoàng đế khiến tất cả đều dừng chân, xoay người quỳ xuống. Nhược Thủy chợt thấy mũi giày màu minh hoàng xuất hiện trước mặt mình, nàng thầm cười khổ, cái miệng của Tiết Minh Viễn đúng là xui xẻo, người kỳ quặc kia quả nhiên đã xuất hiện.
Cơ Thoan ho khan rồi hô bình thân, sau đó nhìn Nhược Thủy dịu dàng hỏi: "Sao nàng lại tiến cung?"
Nhược Thủy cúi đầu thuật lại sự tình, đương nhiên cuối cùng nàng bồi thêm rằng bản thân thấy con trai còn quá nhỏ, không thể giúp đỡ hoàng tử nên muốn đến thưa rõ với Hoàng hậu. Cơ Thoan nghe xong có hơi ngạc nhiên: "Thư đồng được vời vào cung là con của nàng?" Nhược Thủy gật đầu. "Ta thật sự không biết chuyện này." Cơ Thoan nói như thay lời giải thích. Nhược Thủy nhẹ nhàng đáp: "Dân phụ biết."
Cơ Thoan lại nói: "Vừa đúng lúc ta muốn đến thăm Hoàng hậu, chúng ta cùng đi chứ." Hiển nhiên Nhược Thủy không thể cự tuyệt, nàng đi theo sau Hoàng đế tiến vào cung Hoàng hậu. Hoàng hậu bên này đang ngắm nghía thiếp canh xin tiến cung thỉnh an của Nhược Thủy, nàng ta thật không ngờ Nhược Thủy lại chấp nhận đặt chân vào hoàng cung vì con trai mình, thế này xem ra là muốn cự tuyệt, Hoàng hậu trăn trở nghĩ xem lát nữa nên làm thế nào để bảo toàn ý đồ. Khổ một nỗi, nàng ta không ngờ rằng người đến không chỉ có Nhược Thủy, mà còn có cả Hoàng thượng.
Nhược Thủy hành lễ với Hoàng hậu, Cơ Thoan chẳng đợi Hoàng hậu lên tiếng đã gọi Nhược Thủy đứng dậy ban tọa. Đám cung nhân thấy Hoàng đế chẳng nể nang Hoàng hậu, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên nhưng vẫn phải theo ý của Hoàng đế. Thế là ba người họ ngồi ở đó, bầu không khí trong cung Hoàng hậu lúc này quỷ dị lạ thường. Bọn họ cứ ngồi như thế, mãi một lúc lâu mà chẳng có ai lên tiếng.
Sau cùng, Nhược Thủy nhỏ nhẹ thuật lại sự tình, lời nàng vừa dứt Cơ Thoan đã nói ngay: "Trẻ con thơ dại nên ở bên cạnh phụ mẫu mới phải, hơn nữa tuổi tác còn quá nhỏ, không thể làm bạn với Hoàng tử, chuyện này cứ quyết định như vậy đi." Nói xong y nhìn sang phía Hoàng hậu: "Bảo Nguyên Thành tìm một thư đồng khác phù hợp hơn đi, phải rồi, tuổi tác nên ngang nhau, tốt nhất là nên lớn hơn Nguyên Thành một chút."
Hoàng hậu buộc phải đáp dạ, nàng ta nhìn ánh mắt không giấu giếm mà Hoàng đế dành cho Nhược Thủy, sau lại nhìn hoàng phục trên người mình và Hoàng đế, thật quá mỉa mai! Ta mới là thê tử của ngài, chẳng phải là vậy sao? Nhiều năm trước đây, có chăng ta đã từng nắm được chân tình của ngài? Hoàng hậu của bây giờ không thể tự dối gạt bản thân nữa, tâm trí Cơ Thoan đang hướng về nữ nhân trước mặt đây, dường như vẫn luôn là như thế. Như vậy bản thân nàng ta ở đâu, bao năm qua nàng ta nhúng chàm là vì cái gì? Con trai! Nàng ta vì con trai của mình, ta vẫn còn có Nguyên Thành!
Nghĩ đến đây, Hoàng hậu lập tức chuyển sang ý cười, nàng ta nói: "Chúng ta quen biết từ nhỏ, mới mấy năm không gặp thôi đã thành người xa lạ rồi sao. Để ta đi chuẩn bị ít điểm tâm, chúng ta cùng hàn huyên." Hoàng hậu sai người chuẩn bị vài món ăn, bày biện trong vườn hoa phía sau điện của mình, Hoàng đế rảo bước về phía sau, Nhược Thủy chẳng thể làm gì khác hơn là theo chân hầu giá.
Thế nhưng hàn huyên cái gì đây, chuyện trước kia không có phần của Hoàng hậu, ký ức kia không nên khơi ra, Nhược Thủy không tham gia, Hoàng đế cũng chẳng muốn nhắc đến. Ba người họ cùng ở một nơi đã đủ kỳ quái, sao còn hết lần này đến lần khác muốn cùng hàn huyên kia chứ. Hoàng hậu nói những chuyện trên trời dưới đất, vừa nói vừa mời Nhược Thủy dùng những món ăn đã được đưa lên. Hoàng đế chẳng nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh thưởng trà.
Hoàng hậu mời Nhược Thủy nếm điểm tâm trong cung, nàng ta nói: "Đây là điểm tâm bát bảo ta thích nhất, ngươi nếm thử xem."
"Đây là điểm tâm đặc biệt của Hoàn quý phi muội muội, được làm từ thịt, ta bảo muội ấy làm cho ta một ít, nhưng nàng ta lười biếng nên giao cả cách làm cho ta."
Hoàng hậu mời Nhược Thủy hết món này đến món khác, món nào cũng tự cắn một miếng trước rồi mới mỉm cười nhìn Nhược Thủy. Nhược Thủy biết hành động này là tỏ ý thức ăn không có độc, nàng cúi đầu mỉm cười bất đắc dĩ, sống mà phải sống như thế này họ không thấy mệt mỏi sao.
Thế nhưng vừa nghĩ không có độc, Nhược Thủy lại đột ngột cảm thấy bụng nàng đau thắt, sắc mặt tái nhợt, toàn thân đầm đìa mồ hôi, nhìn sang cũng thấy Hoàng hậu ôm bụng kêu than. Hoàng đế lập tức lao đến bên cạnh Nhược Thủy, ôm lấy nàng rồi hô hoán sai người gọi thái y. Trước khi bất tỉnh, cảnh cuối cùng Nhược Thủy thấy được là Hoàng hậu ôm bụng tựa vào người một ả cung nữ, thị ta nhìn nàng bằng ánh mắt lạnh lùng.
Ngày hôm sau, khi Nhược Thủy tỉnh lại, thứ đầu tiên đập vào mắt nàng chính là khuôn mặt mập mạp của Tiết Minh Viễn. Thấy Nhược Thủy tỉnh lại, Tiết Minh Viễn mỉm cười nói: "Nàng chịu tỉnh rồi à, nàng dùng thức ăn trong cung sao không chịu chú ý một chút, sao lại ăn những thứ xung khắc với nhau vậy. Nhạc phụ đại nhân phải tiến cung đưa nàng về, ta ở nhà thì lo lắng, may mà nàng không ăn nhiều đấy." Nhược Thủy nhìn Tiết Minh Viễn luyên thuyên không dứt, nàng nhẹ nhàng đặt tay lên mặt phu quân mình, khẽ khàng nói: "Minh Viễn, thiếp muốn về nhà."
Tiết Minh Viễn ngẩn ra một lát, sau đó liền cười tươi, y nói: "Được, đợi nàng bình phục hẳn chúng ta sẽ đưa Tuấn nhi về Đài Châu."
Chuyện trúng độc lần này còn có cả Hoàng hậu, thứ điểm tâm mà Hoàn quý phi chỉ cho Hoàng hậu có nguyên liệu tương khắc với món điểm tâm Hoàng hậu thích ăn nhất. Hoàng hậu giải thích với Hoàng đế rằng đây là chuyện ngoài ý muốn, sau cùng Hoàng đế quyết định xử lý chuyện này như thế. Thế nhưng rốt cuộc là Hoàn quý phi một lòng muốn hại chết Hoàng hậu, hay chính Hoàng hậu muốn hãm hại Hoàn quý phi, chuyện này không ai biết được. Mọi người chỉ biết rằng chuyện kia không phải xảy ra lần đầu tiên, cũng không phải là lần cuối cùng, bọn họ vì ngôi vị thái tử mà không từ thủ đoạn, không chết không tha.
Sau chuyện này, Hoàng đế bắt đầu tỏ rõ ý chèn ép Quan gia và Đại hoàng tử, chuyên chú bồi dưỡng cho Nhị hoàng tử, không ít lần khen ngợi tài năng của Nhị hoàng tử trước mọi người, thậm chí còn nói con trai thứ hai mới thật sự giống mình. Càng ngày càng nhiều người theo ủng hộ Nhị hoàng tử, ngay cả Diêu thái phó cũng nói Nhị hoàng tử có phong phạm của đấng hiền vương, tương lai sẽ không cô phụ kỳ vọng của Hoàng đế. Thế nhưng chữ "vương" này thật sự có ý nghãi gì, là vương gia hay là đế vương, mọi người bắt đầu xì xào suy đoán.
Chỉ trong nửa năm ngắn ngủi, Quan gia từ vị thế mạnh bị ép xuống hàng bị động, chủ trương lập trưởng lập đích chỉ mang lại lợi ích cho nhà họ quan. Trái lại, cách chọn người hiền, người có tài mới mở ra cơ hội cho tất cả các vị hoàng tử. Bây giờ đã có không ít người đồng lòng chống lại Quan gia, tình thế ngày càng bất lợi, cuộc sống trong cung cấm của Hoàng hậu và Đại hoàng tử chỉ toàn những khổ sợ, tranh đấu. Trước tình cảnh này, Quan đại nhân lại nhớ đến Lệ Vương án trước đây, có nên chăng nhà mình cũng phải thử liều một phen.
Nếu như người thượng vị trong tương lai không phải là Đại hoàng tử, khẳng định rằng tân hoàng sẽ tiến hành chèn ép người nhà họ Quan không buông tha, cho nên chuyện lần này mang ý nghĩa không thành công thì cũng thành thân. Quan đại nhân thấy binh quyền trong tay dòng họ mình ngày càng suy yếu, liệu gia tộc này có còn chống trụ được thêm hai mươi năm nữa không, đến khi ấy tình hình sẽ ra sao, nếu Hoàng đế không truyền ngôi cho Đại hoàng tử, liệu họ Quan ông có còn khả năng phản kháng. Quan đại nhân suy đi tính lại, có những việc thành do Tiêu Hà, mà bại cũng do Tiêu Hà. Nhà họ quân lập gia nhờ quân công, nhưng cũng chính vì quân công mà chịu nghi kỵ. Như thế có phải chăng Hoàng đế nhờ họ Quan mà leo lên ngôi vị ngày hôm nay, cuối cùng cũng chính vì tay họ Quan mà phải thoái lui.
Năm thứ hai, Quan đại nhân lấy danh nghĩa thanh trừng quân vương phát động binh biến, thế nhưng lần này còn khôi hài hơn cả Lệ Vương án năm xưa, binh biến chưa kịp thành hình đã bị Trương Thụy Dương dẫn quân trấn áp. Dường như Cơ Thoan không thoát khỏi kiếp mệnh này, lần này người cầm đao lao về phía y lại là Hoàng hậu, một người phụ nữ chìm đắm trong tuyệt vọng, tuy nhiên lần này không còn ai thấy Cơ Thoan y gánh lấy kiếp nạn này.
Hoàng đế trọng thương bất tỉnh ba ngày, mọi người đều cho rằng Hoàn quý phi sẽ nhân cơ hội tiến cử tân đế. Trước tình hình này, Diêu thái phó đã đứng ra, ông tỏ rõ quan điểm rằng một nước không thể hai vua, các người muốn tạo phản cũng không thành, Trương gia hậu thuẫn cho Diêu thái phó, giúp ổn định triều cương, giữ lấy đại cuộc. Sau ba ngày hôn mê, Hoàng đế đương triều tỉnh lại, nhờ hai họ Trương - Diêu mà thế cục bất biến. Kể từ dạo ấy, thanh thế của Diêu gia và Trương gia đạt đến một đỉnh cao mới.
Nhược Thủy đọc những dòng thư từ Nhược Táp, nụ cười khẽ nở trên môi. Nàng ngẩng đầu ngắm Tiết Tuấn đứng luyện công giữa sân, Tiết Minh Viễn thì đứng một bên "hầu hạ" nhi tử, làm người cha nhị thập tứ hiếu (Hai mươi buốn người con hiếu thảo nhất trong lịch sử Trung Quốc). Nhược Thủy đứng dậy ném lá thư vào hồ nước, vừa cười vừa bước đến bên cạnh hai phụ tử kia, tờ giấy trắng bị nước ao thấm ướt, chìm dần xuống đáy, giống như những chuyện đã qua của Nhược Thủy vậy.
Trong cuộc sống có vô số những đổi thay nho nhỏ, chính những đổi thay ấy là nguyên nhân khiến nhân sinh rẽ sang một bước ngoặt khác. Ban đầu nàng nguyện ý đỡ một đao thay thái tử, nguyện ý rời kinh đến Đài Châu, rồi lại nguyện ý gả cho Tiết Minh Viễn.
Một quyết định ngu xuẩn, một quyết định khiến ta chán chường. Chỉ vì một quyết định, những chuyện tưởng chừng như vốn dĩ phải thế, đều đã thay đổi. Thật cảm ơn một quyết định kia, đã khiến ta không thẹn với đời này.