Từ thành phố T trở về, tôi lăn đùng ra ốm mấy ngày liền, thậm chí hai môn thi cuối kỳ một cũng làm qua loa cho xong trong lúc sốt cao hầm hập. Tuy đã truyền mất chai nước ở bệnh viện trường rồi nhưng sáng ra thân nhiệt lại tăng. Uống ít thuốc đã thấy đỡ hơn, hôm sau lại vẫn đâu vào đấy, bệnh tình thất thường như một cuộc chiến giằng co.
Duyệt Oánh thở vắn than dài:
- Cậu chẳng phải loại nghiêng nước nghiêng thành mà sao thân cậu lại đa sầu đa cảm đến thế?
Tôi đang cầm mộc cốc C sủi to đùng, vừa uống vừa bất lực phản bác:
- Tại năm hạn thôi, đa sầu đa cảm gì chứ!
Duyệt Oánh cười chế giễu:
- Được lắm, cậu cứ khen êm trời đẹp cảnh thu[] nữa đi.
[] Câu thơ trích trong bài thơ Thái tang tử của Tân Khí Tật, bản dịch của Nguyễn Chí Viễn.
Êm trời đẹp cảnh thu thì bây giờ đã sang dông mất rồi. Chỉ có đứa dở hơi như tôi mới phơi thân chịu cóng bên ngoài suốt nửa ngày trời nên bây giờ mới sốt đùng đùng. Tôi đi khám ở bệnh viện Số hai, bác sĩ kê đơn ba ngày truyền dịch. Đang lúc thử dị ứng thuốc, tôi nhận được tin nhắn của Lâm Tư Nhàn báo Tiêu Sơn đã đi học, bảo tôi không phải lo lắng nữa, bao giờ có dịp mọi người tụ tập một bữa. Lễ phép, lịch sự dường như đã là tác phong của Lâm Tư Nhàn. Cô ấy không đả động gì tới việc có phải tìm được Tiêu Sơn ở thành phố T hay không, mà tôi cũng không hỏi. Tôi thầm nhủ, bất luận là tôi hay cô ấy thì dù sao mọi chuyện cũng đã qua rồi.
Sau ba ngày truyền thuốc, cơn sốt đã dứt hẳn. Tôi lại dồn tâm trí cho việc học hành, môn bắt buộc khá nhiều, mười ngày nửa tháng chưa chắc đã xong. Cứ bước sang mùa thi là không khí trong trường lại căng thẳng và im ắng lạ thường, ngay cả khu tự học trong thư viện cũng chật cứng. Lúc này, trường tôi bỗng dấy lên một tin đồn chấn động liên quan đến Hà Vũ Dương.
Mọi chuyện bắt nguồn từ một topic bất ngờ xuất hiện trên diễn đàn trường, khẳng định Hà Vũ Dương “đi cửa sau” với một nhà chế tác nổi tiếng nào đó trong ngành giải trí, còn đăng kèm ảnh Hà Vũ Dương ngồi trên một chiếc Mercedes.
Học sinh toàn trường hẳn phải đang rảnh rỗi lắm, bởi lẽ giữa mùa thi mà bọn họ vẫn thảnh thơi bàn ra tán vào. Có người phân tích bức ảnh này là một kiệt tác đã qua photoshop, lại có người chỉ ra rằng khung cảnh trong bức ảnh hình như là cổng Nam trường mình, vớ vẩn nhất phải kể đến một bình luận hỏi xem chiếc Mercedes thuộc dòng nào. Topic đó nhanh chóng được lan truyền sang khắp các diễn đàn trường bạn, người ta cố ý xuyên tạc chủ đề thành: Hoa khôi trường X được bao nuôi, đưa rước tới trường bằng xe Mec xịn.
Chẳng mấy chốc, dư luận xôn xao cả lên. Lúc ấy, Hà Vũ Dương vừa kết thúc chương trình thu hình, trở về trường tham dự kỳ thi cuối kỳ. Mấy người trong trường nhận ra cô ấy, lúc nào cũng chỉ chỉ trỏ trỏ, bọn con gái cùng lớp tuy không dám xì xào bàn tán trước mựt nhưng không tránh khỏi to nhỏ sau lưng. Là chỗ đồng hương thân thiết với Hà Vũ Dương, Duyệt Oánh nóng máu rồi to tiếng với lũ con gái cùng lớp. Cuối cùng, lãnh đạo khoa phải gọi Hà Vũ Dương lên nói chuyện riêng. Hà Vũ Dương trở về với đôi mắt đỏ hoe, cô ấy tủi thân tâm sự với chúng tôi:
- Thực ra đấy là xe của chú mình. Hôm đó, chú đến đón mình về thăm bà nội.
Duyệt Oánh thay mặt Hà Vũ Dương lên diễn đàn giải bày sự việc nhưng chẳng một ai tin, họ còn độc mồm độc miệng, ăn nói chối tai vô cùng: “Chính miệng nói bảo là chú thì là chú thật đấy chắc? Định lừa bọn trẻ con ba tuổi à? Đừng làm bẽ mặt trường X của bọn này…”
Tậm chí có người còn chửi cả Duyệt Oánh: “Tự nhiên gân cổ lên cãi hộ nó, hay cô cũng là cái ngữ được bao nuôi?”
Ở dưới có cả đống bình luận hùa nhau quả quyết Duyệt Oánh cũng là loại bồ nhí.
Duyệt Oánh tức lắm, cô ấy hất văng sách vở rồi nhốt mình trong nhà tắm khóc lóc thảm thiết. Ở bên ngoài, tôi luống cuống gõ cửa, giậm chân bình bịch:
- Sao cậu phải chấp loại đấy? Duyệt Oánh! Duyệt Oánh, ra đi!
Sau một hồi khóc chán chê, Duyệt Oánh mới chịu mở cửa. Tôi kéo cô ấy ra ngoài, vắt cái khăn lạnh để cô ấy đắp mặt, lúc đó, Duyệt Oánh mới tâm sự với tôi:
- Mẹ tớ bị ung thư là tại bố tớ lăng nhăng ở bên ngoài… Bọn đàn bà ấy đúng là loại không biết xấu hổ! Biết thừa bố tớ có vợ con đàng hoàng rồi… thế mà chỉ vì ông ấy giàu! Chỉ vì tiền của bố tớ… Thậm chí mẹ tớ đang nằm viện mà vẫn có đứa mò tới gây sự… Tớ hận mình không thể xé xác, lột da bọn nó…
Duyệt Oánh vặn chặt cái khăn, giọng kể nhát gừng:
- Sau khi mẹ tớ qua đời, tớ nói với ông ấy rằng đừng hòng tớ tha cho lũ đàn bà kia… Không một đứa nào thoát nổi đâu. Thế nên, tớ nhất định phải học thật giỏi để sau này tiếp quản công ty nhà mình, lũ khốn nạn ấy cứ đợi tớ về rồi xem, tớ không tha cho đứa nào đâu!
Trước đây, Duyệt Oánh chưa từng tâm sự với tôi về mẹ cô ấy, mà tôi cũng chưa từng nghe cô ấy chửi với, đay nghiến ai bao giờ. Tôi thấy lòng mình trào dâng buốt giá, tự nhiên thấy chếnh choáng, phải vịn vào bàn mới ngồi xuống được. Tôi nhớ tới Mạc Thiệu Khiêm, nghĩ đến vợ hắn, có thể chị ta cũng căm hận tôi như Duyệt Oánh. Tôi đã làm việc đồi bại nhất ở đời, dù có viện cớ gì đi nữa, tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào để an ủi Duyệt Oánh.
Hà Vũ Dương là MC mới nổi nên chuyện của cô ấy càng ngày càng nghiêm trọng. Trên những diễn đàn xã hội khác, chủ đề này cũng bị xào nấu thành đề tài nóng hổi. Sau một hồi ầm ĩ, có cư dân mạng lần theo biển số xe trong ảnh, phát hiện ra chiếc xe này được đăng ký dưới tên một công ty nào đó. Qua tìm hiểu mới biết, tổng giám đốc công ty đó đúng là chú ruột của Hà Vũ Dương. Về sau, chủ đề kia cũng dần lắng xuống, Hà Vũ Dương vui mừng nói:
- May sao vẫn có người chịu tìm hiểu, cuối cùng cũng chứng minh được tớ không phải bồ nhí.
Duyệt Oánh mời Hà Vũ Dương một bữa ăn mừng, vừa bá vai bá cổ, vừa toe toét nói:
- Cậu mà dám đi làm vợ lẽ thật, tớ lột da cậu đầu tiên.
Trong ba người, tôi là đứa cười như mếu.
Từ khi biết chuyện mẹ Duyệt Oánh, càng ngày tôi càng sợ chạm mặt cô ấy. Tôi luôn thấy thấp thỏm không yên, dù Duyệt Oánh là người bạn thân nhất của tôi nhưng thực sự tôi không đủ can đảm để nói tất cả với cô ấy. Tôi không có bố mẹ, không có người thân, đến cả Tiêu Sơn cũng để vuột mất, tôi không đủ dũng khí để thẳng thắn thừa nhận với cô bạn thân nhất cuộc sống nhục nhã ẩn dưới lớp áo hoàn hảo của mình, nếu Duyệt Oánh biết… cô ấy sẽ không bao giờ lột da tôi đâu, thay vào đó, cô ấy sẽ nghỉ chơi với tôi.
Ở đời này, tôi trắng tay chẳng còn gì.
Thi cử đúng là vất vả, giáo sư dạy môn Siêu phân tử cũng thật hắc ám, ra đề toàn mấy thứ đâu đâu, sinh viên giỏi toàn diện như Duyệt Oánh mà cũng phải thở ngắn than dài:
- Xong rồi, xong rồi, xong rồi, tớ chỉ sợ bị trượt thôi.
Trên diễn đàn trường cũng từng nói: “Không thi lại, không phải sinh viên”. Gần đây, tuy ai nấy đều bận bù đầu với thi cử, nhưng những chuyện tán gẫu trên mạng vẫn còn khá sôi nổi. Topic về Hà Vũ Dương vừa lắng xuống chưa được bao lâu, diễn đàn trường lại xốt xình xịch với một bài viết có tiêu đề: Cùng xem loại xế xịn nào thường đưa đón nữ sinh trường X.
So với vụ Hà Vũ Dương, chủ đề lần này có phần sôi nổi hơn. Cũng bởi trường tôi có tuổi đời trên trăm năm, nổi tiếng nhất nhì thành phố, thậm chí tiếng tăm vang dội khắp cả nước. Hiển nhiên, cộng đồng mạng tỏ ra khá hào hứng với loại tin tức này, phạm vi lan truyền của topic ngày một rộng rãi. Loạt ảnh chụp trộm lần này khá rõ nét, nói thực, trước đây tôi không để ý, nhưng xem topic kia, tôi phải thừa nhận: trường mình cũng nhiều thể loại “ngọa hổ tàng long”. Chủ topic đăng tải một lúc mười tấm ảnh, toàn bộ là ảnh chụp ngay trước cổng Nam hoặc cổng Đông trường tôi, đủ thể loại xe, từ BMW, Land Rover, Mercedes đến Audi Q, quả thật không khác gì triển lãm xe hơi hạng sang.
Diễn đàn trường vì thế mà xôn xao hẳn lên. Vì những chiếc xe kia chủ yếu đến đón rước nữ sinh trong trường nên bọn con trai ăn nói rất chối tai, còn bọn con gái lại dấy lên làn sóng bất bình, Duyệt Oánh cũng không ngoại lệ, bởi cô nàng xui xẻo đã bị lọt vào tầm ngắm. Cuối tuần, tài xế của bố Duyệt Oánh đến đón cô ấy về nhà, có thế mà cũng bị chụp trộm rồi tung lên mạng. Tuy không chụp được rõ mặt, biển số xe cũng bị làm mờ nhưng tôi hiểu, chỉ bằng một cái liếc là cô ấy đã có thể nhận ra. Bức ảnh của Duyệt Oánh bị lan truyền với tốc độ chóng mặt, cô ấy được tôn xưng làm “Nữ sinh “khủng” nhất trong lịch sử Đại học X”. Một lũ sành điệu ngồi săm soi, mổ xẻ từ chiếc Lincoln Limousine mà tài xế lái, tới chiếc đồng hồ thời trang hiệu Versace trên tay Duyệt Oánh, tất nhiên không thể thiếu chiếc túi Chanel dòng Canvas cô ấy đeo.
May mà chưa chụp được mặt, Hà Vũ Dương gọi điện an ủi Duyệt Oánh:
- Thử tí mùi đời cho biết thế nào là người của công chúng, lo gì.
Duyệt Oánh tuy buồn, nhưng vẫn rất bình tĩnh:
- Ầm ĩ mấy ngày là qua ấy mà.
Cũng may không đứa con gái nào trong khoa nhận ra Duyệt Oánh. Gần đây, khoa tôi thi cử căng thẳng, chẳng ai rảnh rỗi quan tâm mấy chuyện tán gẫu trên diễn đàn, hoặc rảnh rang ngồi đoán già đoán non xem nhân vật trong bức ảnh kia là ai.
Không ngờ mọi chuyện lại có chuyển biến bất ngờ. Buổi chiều hôm thi xong, tôi và Duyệt Oánh rủ nhau ra cổng Tây ăn cơm. Lúc về ký túc xá thì trời đã nhá nhem tối, có vài đứa con gái đứng ngoài hành lang xì xầm to nhỏ, loáng thoáng nhắc tới số phòng của hai đứa tôi. Thấy tôi và Duyệt Oánh lại gần, họ đột nhiên im bặt, lúng ta lúng túng liếc trộm.
Hình như Duyệt Oánh có linh cảm không hay, cô ấy thì thầm bảo tôi:
- Hay có đứa nhận ra mấy bức ảnh của tớ rồi nhỉ?
Tôi lo lắng thay cho cô ấy. Vừa về đến phòng, hai đứa liền tức tốc bật laptop lên mạng. Trên diễn đàn của trường, bên cạnh tiêu đề Nữ sinh “khủng” nhất trong lịch sử Đại học X còn đánh dấu một chữ “hot” đỏ quạch. Mới hai ngày không xem mà lượng bình luận đã tăng vọt, tôi kéo thẳng tới trang mới nhất, tất cả các bài trả lời đều đồng loạt chích dẫn một bức ảnh. Lúc này, tôi thoi thóp như một con cá mắc cạn, chết trân nhìn bức ảnh kia.
Bức ảnh rõ nét đến kinh ngạc, tuy chụp từ đằng xa nhưng góc chụp và độ sắc nét vô cùng chuyên nghiệp, không có vẻ gì là chụp trộm. Trong bức ảnh, tôi vừa bước xuống xe, cánh cửa xe Maybach màu đen chưa kịp khép lọt vào tầm ngắm ống kính.
Biển xe đã qua xử lý photoshop, nhưng mặt tôi lại sờ sờ ra đó. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình trong loại ảnh này, sao mà xa lạ đến nỗi bản thân mình cũng không nhận ra. Ảnh này không phải chụp ở cổng trường, chắc là hồi hè rồi. Bấy giờ, đầu tôi trống trơn, không thể nhớ ra được khi đó là khi nào, chắc đó là lúc Mạc Thiệu Khiêm đưa tôi ra ngoài ăn cơm. Bởi trong bức ảnh, tôi có làm tóc, mặc đầm, trên cổ lỉnh kỉnh vòng vèo.
Chỉ những lúc đi cùng hắn, tôi mới ăn mặc, trang điểm kiểu này, chứ bình thường tôi đã chẳng đeo mấy thứ vòng vèo đắt giá kia. Trong bức ảnh chỉ có mình tôi và một nửa thân xe Maybach làm phông nền, không hề thấy Mạc Thiệu Khiêm. Đầu tôi trống rỗng, ngón tay di chuột xuống theo phản xạ. Tất cả các bài phản hồi đều tỏ ra sửng sốt, có kẻ nói đây mới đích thực là “nữ sinh “khủng” nhất trong lịch sử trường X”, kẻ khác tấm tắc khen chiếc vòng tôi đeo, có kẻ bình luận về chiếc túi tôi cầm, còn đoán nhãn hiệu bộ váy tôi đang mặc, đa số bọn họ đều chú ý đến chiếc xe có logo hai chữ M đan vào nhau vô cùng bắt mắt sau lưng tôi, người ta luân phiên nhắc tới giá trị của chiếc xe.
Tay tôi run rẩy, toan tắt trình duyệt đi, nhưng mấy lần mà vẫn ấn trượt nút X. Phía bàn bên kia, Duyệt Oánh đang nhìn tôi trân trân. Topic đăng nhiều loại xe như thế nhưng chỉ mình tôi bị chụp chính diện. Dù rất đỗi ngạc nhiên nhưng Duyệt Oánh vẫn tích cực an ủi:
- Cậu không việc gì phải sợ, có bạn trai đại gia đâu phải cái tội! Với cả loại ảnh xâm phạm đời tư cá nhân này, mình dọa kiện là bọn họ gỡ xuống ngay.
Chỉ mình tôi biết tôi đang sợ điều gì. Ước gì tôi là con đà điểu quen vùi đầu trong cát[], chẳng bận tâm đến miệng lưỡi thế gian. Ngay sau đó, Duyệt Oánh giúp tôi viết bài khiếu nại người đăng topic, yêu cầu xóa bức ảnh ngay lập tức. Admin thường trực cũng nhanh chóng gỡ tấm ảnh xuống, nhưng diễn biến sự việc lại càng trở nên gay gắt. Ở đâu mọc lên một topic mới với tiêu đề: Đồng Tuyết được một đại gia đã có vợ bao nuôi, loại sinh viên kiêm bồ nhí này là nỗi nhục của trường X.
[] Từ thời La Mã, người ta vẫn cho rằng đà điểu ngốc nghếch đến nỗi chúng đối phó với hiểm nguy bằng cách giấu đầu trong cát. Hình ảnh này cũng trở thành ẩn dụ cho những ai trốn tránh thực tế, giống như đứa trẻ bịt tai lại và la toáng lên: “Tôi không nghe thấy gì cả”.
ID của người gửi bài rất lạ, tôi chưa thấy bao giờ, phản hồi bên dưới cũng rộn cả lên. Có người vỡ lẽ nói: “Chẳng trách mà thế”; người không tin thì nói: “Tôi biết Đồng Tuyết, bạn ấy học hành chăm chỉ, ở ngoài đời, bạn ấy chẳng khác sinh viên trong khoa là bao”; bên cạnh đó còn có rất nhiều kẻ dè bỉu, phê phán hình ảnh trên không phù hợp với lối sống sinh viên; cũng có người thêm vào vô số emotion kinh ngạc (:O) rồi nói: “Ôi trời! Trường mình trông thế mà cũng có loại gái này cơ à?”
Topic liên tục tăng trang, tôi không đủ can đảm để xem tiếp. Từ lâu tôi đã biết thể nào cũng có ngày này, ngay từ khi bắt đầu, tôi đã từng nghĩ đến rồi. Tôi tắt laptop, lảo đảo đứng dậy. Duyệt Oánh gọi tên tôi, tôi ngẩn ngơ như chẳng nghe thấy. Tôi không hiểu ai mà lại rõ mối quan hệ giữa tôi và Mạc Thiệu Khiêm đến thế. Tôi không biết ai chụp được bức ảnh ấy, càng không chắc ai là người tung lên mạng nhằm bóc trần toàn bộ sự thật mà tôi dày công giấu giếm bấy lâu nay.
Tất cả đã tan thành mây khói ngay từ giây phút này, Tôi tưởng mình có thể sống một cuộc đời dối trá, tưởng mình cẩn thận một chút là sẽ học xong đại học, tưởng vải thưa vẫn che được mắt thánh. Nào ngờ tất cả những gì nhục nhã, khổ sở nhất đều bị người ta bóc trần. Đây là báo ứng, từ lâu tôi đã biết mình sẽ gặp báo ứng thế này. Tôi làm chuyện trái với đạo đức nên sớm muộn gì cũng bị báo ứng, vậy thôi.
Duyệt Oánh chạy theo tôi ra ngoài hành lang, níu cánh tay tôi, hỏi:
- Đồng Tuyết, chuyện đó là thật à?
Tôi nhìn vào mắt cô ấy, không biết nên giải thích thế nào đây? Tôi không thể nói được gì, không biết nên đối mặt với cô ấy thế nào, đành lấp liếm bằng cách im lặng. Hình như Duyệt Oánh vừa rơm rớm nước mắt, nhưng chỉ thoắt ánh lên rồi lại không thấy đâu, cô ấy khăng khăng hỏi tôi:
- Là thật sao?
Tôi không có câu trả lời cho Duyệt Oánh. Cô ấy là bạn thân nhất của tôi, tôi biết mình đã làm tổn thương cô ấy, mặc dù không muốn nhưng chính tôi đã làm tổn thương cô ấy rồi. Tôi không thể trả lời, Duyệt Oánh dần lấy lại bình tĩnh sau cơn sửng sốt lẫn kinh hoàng, cô ấy truy hỏi tôi trong cơn uất nghẹn:
- Sao cậu lại có thể như thế?
Sao tôi lại có thể như thế chứ?
Tôi không thể đưa ra câu trả lời.
Dường như Duyệt Oánh đang gào lên một cách điên cuồng.
- Cậu thừa biết tôi căm hận nhất loại đàn bà ấy, cậu biết tường tận lý do mẹ tôi qua đời! Tôi đã thề sẽ không bao giờ tha cho ngữ đàn bà ấy! Cậu là bạn thân nhất của tôi, cậu chơi với tôi bấy lâu nay, cậu biết tất cả, tại sao còn làm thế với tôi? Sao cậu có thể đối xử với tôi thế này? Sao cậu lại lừa tôi?
Tôi run rẩy, không thốt nổi thành lời, tôi biết tất cả mọi chuyện, Duyệt Oánh tin tưởng tôi, cô ấy tâm sự với tôi mọi chuyện, có gì mà tôi không biết chứ, nhưng tôi không cách nào giãi bày được những việc mình đã từng làm.
Tiếng Duyệt Oánh oang oang, gọi người phòng bên cạnh thò đầu ra xem. Tôi không dám nhìn thẳng vào Duyệt Oánh, dù bản thân tôi không hề muốn làm cô ấy bị tổn thương. Tôi lí nhí nói:
- Xin lỗi cậu.
- Đừng có nói xin lỗi với tôi!
Trên gương mặt Duyệt Oánh đã hằn vệt nước mắt long lanh, cô ấy nói với tôi rằng:
- Từ nay về sau tôi không muốn thấy mặt cậu nữa.
Tôi đờ người, đứng đó nhìn Duyệt Oánh xoay lưng bỏ vào phòng, rồi sập mạnh cánh cửa.
Tôi cứ ngây ngô đứng mãi ngoài hành lang, đèn tuýp trên trần nhà vừa sáng vừa cao. Mắt tôi chỉ thấy nhạt nhòa, trên mặt có cảm giác đau đớn mà bỏng rát, chẳng ai đánh tôi cả, chỉ có gió quất vào mặt và những giọt nước mắt nóng giãy. Trong đầu lại hiện lên những giọt nước mắt của Duyệt Oánh, người bạn thân nhất của tôi. Tôi đã lừa cô ấy… Tôi đã dùng bộ mặt thật xấu xa nhất, nhục nhã nhất của mình làm tổn thương cô ấy, thế là từ nay Duyệt Oánh không chơi với tôi nữa rồi.
Sắp đến giờ tắt đèn, hành lang vẳng tiếng bước chân, có bạn trở về sau buổi tự học, đang ngâm nga hát trên những bậc thang. Xa xa có tiếng nước chảy, chẳng biết ai đang giặt quần áo, nơi nào đó thấp thoáng tiếng cười đùa. Cả thế giới này đã rời xa tôi mất rồi, tất cả đều bỏ tôi mà đi, mọi thứ từ nay trở nên xa xôi cách trở. Tôi không thể đứng mãi chỗ này, vì như thế, cả khu ký túc xá sẽ đổ ra nhìn tôi. Người ta chỉ cần lên diễn đàn của trường là sẽ biết tất cả, tôi còn mặt mũi nào mà đứng đây nữa? Còn mặt mũi nào mà gặp gỡ bạn bè trong trường nữa?
Tôi không biết mình ra khỏi trường thế nào, suốt dọc đường đi, tôi chỉ lựa những con đường ít người qua lại nhất. Ra khỏi cổng Nam là đường cái thẳng tắp, xe cộ như mắc cửi. Từng dòng xe hổi hả lại qua, vô số ánh đèn ngoằn ngoèo uốn lượn chầm chậm xuôi dòng. Nhìn dòng xe cộ huyên náo ấy, tôi nhủ thầm, hay mình lao đầu ra để xe tông cho nát người, sau đó sẽ không phải đối mặt với mọi chuyện nữa.
Tôi không mang theo túi nhưng vẫn bước vào một bốt điện thoại công cộng trên vỉa hè, tay nhấc ống nghe. Định gọi điện thoại nhưng lại không có tiền, mà cũng chẳng có số của ai để gọi. Đầu ngón tay tôi run rẩy, mẹ, mẹ ơi, mẹ đang ở đâu? Mẹ và bố đều qua đời cả rồi, họ mất lâu rồi. Tôi ôm đầu ngồi xổm trên vỉa hè. Tôi biết cơ thể mình đang run rẩy, vậy mà không hề nhỏ lấy một giọt nước mắt. Bốn bề huyên náo, ồn ào tiếng người, tiếng xe xé gió vụt qua, tiếng xe bus báo trạm dừng, tiếng người đi bộ, tất cả đều lọt vào tai, như muôn ngàn con rắn không ngừng khoan vào não.
Nhưng rồi mọi thứ lại tĩnh lặng đến đáng sợ, như tối hôm đó. Thứ không khí im ắng khiếp đảm, im ắng đến nỗi tôi không nghe rõ máu mình ồ ạt tuôn chảy. Thân thể bải hoải rã rời, trên người như đeo một tảng đá lớn, như một kẻ chết đuối không thể vùng vẫy, cứ để mặc cơ thể chìm nghỉm xuống đáy sâu… Thế là tất cả đều bỏ tôi mà đi, từ đây tôi vĩnh viễn sa chân vào bóng đêm tuyệt vọng… Nhưng trái tim tôi luôn thấu hiểu, đây không phải trời hành, chỉ là cái số tôi phải chịu như vậy.
Số tôi phải chịu khổ, trách không được trời, oán không nổi người.
Tôi đã gượng cười, chuyên tâm học hành như chưa từng xảy ra chuyện gì, trước mặt bạn bè, tôi giả vờ mình cũng như họ. Vậy mà ngày hôm nay, tất cả mọi thứ đã bị lột trần. Cuộc sống nhơ nhớp, bẩn thỉu của tôi, bộ mặt thật không muốn phơi bày của tôi… Tất cả nay đã bị bóc mẽ. Tôi như kẻ vừa bị lột truồng rồi quẳng ra giữa đám đông, mặc ánh mắt người đời giày xéo. Tôi không tỏ vẻ oan uổng, bởi tôi còn biết lấy gì ra mà kêu oan?
Tôi không biết phải đi đâu, cả thành phố lớn thế này vậy mà không có nổi một chỗ cho tôi dung thân.
Tôi ngồi xổm ở đó không biết bao lâu, bỗng có người hỏi tôi: “Đồng Tuyết[], cậu không sao chứ?”
[] “Đồng Tuyết” phát âm gần giống với từ “bạn học”; tóngxué/bạn và tóngxuě/Đồng Tuyết.
Tôi hốt hoảng tưởng mình nghe nhầm, Duyệt Oánh sẽ ko đuổi theo tôi đâu. Tôi ngẩng đầu lên, trước mặt là một bạn gái xa lạ. Cô ấy lặp lại câu hỏi, thì ra đúng là mình nghe nhầm, cô ấy hỏi:
- Bạn gì ơi, bạn không sao chứ?
Đứng cạnh cô ấy là một bạn trai, nhìn dáng vẻ như thể họ đang yêu nhau. Bạn trai đó nhìn tôi đầy hiếu kỳ, trong khi bạn nữ nhiệt tình hỏi:
- Bạn cũng là sinh viên trường mình hả? Bạn không sao chứ? Hay bọn mình đưa bạn về nhé?
Ngay sau lưng tôi là ngôi trường tiếng tăm lừng lẫy trăm năm, hồi mới bước chân vào trường, tôi đã từng tự hào như thế, tự hào bản thân mình nay đã có thể trở thành một phần của trường. Nhưng đến hôm nay, tôi còn mặt mũi nào nhận đó là trường của mình nữa, việc làm của tôi buộc bản thân hiểu ra rằng, mình không xứng.
Bạn gái ấy lại hỏi:
- Bạn không khỏe à? Có cần bọn mình giúp không?
Tôi lấy hết can đảm hỏi mượn cô ấy một tệ, nói muốn gọi điện về nhà nhưng trên người không có tiền lẻ.
Cô ấy chần chừ một lúc, suy cho cùng, bây giờ bọn bịp bợm cũng đông thật đấy, nhưng kẻ lừa đảo chỉ cần một tệ thì có lẽ không nhiều. Cuối cùng, cô ấy móc một đồng xu đưa cho tôi, sau đó lưỡng lự kéo bạn trai bỏ đi.
Tôi nhét đồng xu vào máy điện thoại công cộng, ấn từng con số, nhưng chỉ được ba con số đầu tiên đã lập tức dập máy.
Tôi còn mặt mũi nào mà gọi cho Tiêu Sơn?
Tôi run lẩy bẩy khi nhớ đến Tiêu Sơn. Giờ đây, tôi như một vũng bùn, mọi lúc mọi nơi, bất kỳ đâu cũng có thể sụp xuống để hàng ngàn vạn người chà đạp, tôi còn mặt mũi nào gọi cho Tiêu Sơn nữa đây?
Tôi thà chết còn hơn.