Văn nhẹ nhàng lau sạch bụi bẩn để lộ ra một khuôn mặt có nước da màu nâu đỏ ấm áp, hai gò má cháy nắng. Văn nhận ra khuôn mặt điển hình của một phụ nữ Tây Tạng - đôi mắt sẫm màu biểu cảm hình quả hạnh, miệng gợi cảm với môi trên mỏng môi dưới đầy đặn, mũi rộng và thẳng. Nhưng nét mặt trẻ trung có vẻ vừa bị tổn thương do phải trải qua thử thách hãi hùng hay bạo bệnh - đôi mắt đỏ ngầu trông bơ phờ, với cái miệng phồng rộp đau đớn người phụ nữ chỉ có thể nói líu ríu những âm thanh không ai hiểu được. Có lẽ cô ta không dính dáng tới những vụ giết người trong đêm gần đây - một suy nghĩ vụt qua đầu Văn - cô ta đang dở sống dở chết thế kia mà.
Một người lính đưa cho Văn bình nước, cô đổ từ từ từng giọt vào miệng người phụ nữ. Khi cơn khát qua đi, người phụ nữ thì thầm bằng tiếng Trung Quốc hai từ: “Cảm ơn.”
“Cô ta nói được tiếng Trung Quốc!” một người lính hét lên với đám người đứng xem. Mọi người rất kích động: đây là lần đầu tiên họ ở gần một người Tây Tạng đến thế, mà cô ta lại nói được tiếng Trung Quốc nữa.
Ngay lập tức ai cũng bắt đầu tự hỏi liệu cô ta có thể giúp họ ngăn chặn những cuộc tấn công tiếp theo không, biết đâu cô ta có thể bảo vệ bằng cách nào đó. Văn nhận ra người chỉ huy nhóm liếc về phía cô khi anh bàn bạc với những sĩ quan từ các xe tải khác. Cô nghĩ chắc họ đang tranh luận xem phải làm gì với người phụ nữ Tây Tạng.
Vị chỉ huy đi tới chỗ Văn: “Có chuyện gì với cô ta thế? Cô ta có ích lợi gì cho chúng ta không?”
Văn thấy rõ mạng sống của người phụ nữ đang nằm trong tay cô. Sau khi bắt mạch và dùng ống nghe để nghe kỹ tim và ngực cô ta, cô quay sang vị chỉ huy.
“Tôi cho là cô ta kiệt sức quá - cô ta sẽ sớm phục hồi.”
Sự thực là như thế, nhưng Văn biết dù thực tế không đúng như thế thì cô cũng vẫn nói vậy. Cô không muốn nhìn thấy người phụ nữ Tây Tạng bị bỏ rơi.
“Đưa cô ta lên xe, rồi chúng ta lên đường.” Vị chỉ huy trèo lên sàn xe mà không nói thêm lời nào.
Trên đường đi, người phụ nữ Tây Tạng chìm trong giấc ngủ mê mệt còn Văn giải thích với đám lính cùng xe rằng có thể cô ta đã không được ăn uống hay thậm chí không ngủ suốt mấy ngày đêm rồi. Cô có thể nhận thấy đám lính không tin cô lắm, nhưng họ vẫn ép chặt vào nhau để dành cho người phụ nữ Tây Tạng khoảng trống càng rộng càng tốt.
Văn nhìn chằm chằm như thôi miên vào chuỗi hạt trên cổ người phụ nữ và chiếc bùa hộ mệnh phập phồng theo hơi thở nặng nhọc của cô ta. Chiếc áo dài nặng nề của cô ta, tuy trông thô cứng và bám đầy bụi đất, có nhiều chỗ được thêu rất tinh xảo. Cô ta không phải nông dân, Văn nghĩ. Sau đó cô thầm mỉm cười khi thấy tất cả đám lính trong xe không thể rời mắt khỏi kẻ xứ lạ này, vài người mồm còn há hốc.
Văn nghĩ ngày hôm đó sẽ không bao giờ kết thúc. Con đường ngày càng trở nên gồ ghề và sụt lở khi họ chậm chạp đi qua vài con đèo vắt ngang những ngọn núi hiểm trở. Gió trở lạnh đến nỗi đoàn xe lắc lư. Cuối cùng họ dựng trại để trú qua đêm dưới một khối đá nhô ra. Vị chỉ huy đề nghị đặt người phụ nữ lại gần một trong những đống lửa trại, trước hết là để sưởi ấm vì cô ta cần hơi ấm, nhưng quan trọng hơn là để ngăn cản những tên giết người, có thể bọn chúng vẫn tiếp tục theo đuổi họ. Mọi người nằm xuống đi vào giấc ngủ đầy bứt rứt không yên.
Quãng nửa đêm, Văn nghe thấy tiếng người phụ nữ Tây Tạng phát ra tiếng rên rỉ yếu ớt. Cô ngồi dậy. “Chuyện gì thế? Cô cần gì à?”
“Nước… nước.” Giọng người phụ nữ nghe rất yếu ớt.
Văn nhanh chóng đưa nước tới, rồi lấy từ đồ ăn dự trữ một suất bột mì đầy ắp cho cô ta. Sáng sớm hôm nay, khi vừa mới tìm thấy người phụ nữ, Văn đã san sẻ bớt một chút đồ ăn từ khẩu phần của chính mình cho cô ta, nhưng bây giờ họ đã dựng trại và dỡ lương thực ra, nên cô xoay xở dành được nhiều hơn. Dần dần người phụ nữ bắt đầu phục hồi và có thể nói được.
“Cảm ơn,” cô ta nói. “Cô thật tốt bụng.” Dù người phụ nữ nói tiếng Trung Quốc rõ ràng, nhưng giọng cô ta thật lạ.
“Tôi là bác sĩ,” Văn nói, moi óc cố nhớ từ bác sĩ theo tiếng Tây Tạng mà Khả Quân đã một lần nói với cô, “Menba. Tôi có thể chăm sóc cô. Đừng nói gì. Đợi đến khi cô khoẻ hơn đã. Cô vẫn còn rất yếu.”
“Không có gì nghiêm trọng đâu, tôi chỉ kiệt sức thôi. Tôi có thể nói được.” Người phụ nữ cố hết sức dịch thân hình rũ rượi tới gần Văn hơn.
“Đừng, cứ ở đó, tôi nghe được cô nói mà. Tên cô là gì?”
“Zhuoma,”[] người phụ nữ nói yếu ớt.
“Thế nhà cô ở đâu?”
“Tôi không có nhà. Gia đình tôi đã đi rồi.”
Mắt người phụ nữ đẫm lệ.
Văn không biết nói gì. Sau phút im lặng, cô hỏi, “Tại sao cô lại nói được tiếng Trung Quốc tốt như thế?”
“Tôi học tiếng Trung Quốc từ bé. Tôi đã đến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải.”
Văn kinh ngạc.
“Tôi quê ở Tô Châu,” cô nồng nhiệt nói, náo nức mong người phụ nữ biết về thành phố quê hương mình. Nhưng trong phút chốc, gương mặt Zhuoma trở nên sinh động và đầy giận dữ.
“Vậy tại sao cô lại rời quê hương tới đây giết người Tây Tạng?”
Khi Văn toan phản đối thì người phụ nữ đột nhiên hét lên bằng tiếng Tây Tạng. Những người lính, vốn sẵn lo lắng và kích động, đứng bật dậy. Nhưng đã quá muộn: lại thêm một người lính nữa chết, con dao Tây Tạng đâm qua tim. Đám lính như phát điên trong giây lát, họ vừa xả súng loạn xạ vừa hò hét. Sau đó lại tĩnh lặng đến rợn người, như thể một số phận khủng khiếp đang treo lơ lửng trên người đầu tiên dám phát ra một tiếng kêu dù là khẽ nhất.
Giữa bầu không khí im lặng ấy, một người lính đột ngột lao đến chĩa súng vào Zhuoma, cô ta vẫn còn quá yếu nên không đứng được.
“Tao sẽ bắn mày chết, con Tây Tạng kia! Bắn mày chết!” anh ta gào lên. Anh ta sắp sửa kéo cò súng.
Bằng một dũng khí mà cô không biết là mình có, Văn xông tới chặn giữa Zhuoma và người lính.
“Không, hãy đợi đã, cô ta không giết ai cả, anh không thể giết cô ấy!” Giọng cô run run nhưng cương quyết.
“Nhưng chính người của cô ta đang giết chúng ta. Tôi... tôi không muốn chết!” Người lính nhìn như thể anh ta sắp bùng lên cả cơn thịnh nộ lẫn hoảng loạn.
“Giết cô ta đi, giết cô ta đi!” Càng lúc càng có nhiều người lính tham gia cuộc tranh cãi. Tất cả bọn họ đều đứng về phía người lính lăm lăm khẩu súng.
Văn nhìn chằm chằm vào vị chỉ huy, hy vọng anh ta sẽ đến cứu nguy cho cô, nhưng mặt anh ta vẫn lạnh lùng.
“Hỡi menba tốt bụng,” Zhuoma nói,” hãy để bọn họ giết tôi đi. Có quá nhiều căm hận giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng, giờ đây chẳng ai có thể sửa chữa mọi chuyện được nữa. Nếu việc giết tôi mang đến cho họ sự yên bình trong chốc lát, tôi xin vui lòng chết ở đây!”
Văn quay lại đối mặt với đám đông. “Các anh nghe thấy chưa? Người phụ nữ này sẽ hy sinh bản thân mình cho các anh. Cô ấy là người Tây Tạng, đúng vậy, nhưng cô ấy yêu mến chúng ta, cô ấy yêu mến nền văn hoá của chúng ta, cô ấy đã đến Bắc Kinh, Thượng Hải. Cô ấy nói được tiếng Trung Quốc. Cô ấy muốn giúp đỡ chúng ta. Tại sao chúng ta lại lấy mạng cô ấy chỉ để mình cảm thấy dễ chịu hơn? Các anh sẽ nghĩ gì nếu người ta giết những người thân yêu của các anh để trả thù? Các anh sẽ làm gì?” Văn sắp rơi nước mắt.
“Người Tây Tạng chẳng phải đã giết chúng ta để trả thù đó sao,” một người lính hằm hè.
“Họ có những lý do để oán hận và chúng ta cũng thế, nhưng tại sao chúng ta phải làm những chuyện tồi tệ để tạo ra những mối căm hận mới?” Ngay khi những lời nói thoát ra khỏi miệng Văn, cô nghĩ có nói gì với đám lính tráng ít học này cũng thật vô nghĩa, họ chỉ biết tới tình yêu và căm thù. Vương Lượng đã đúng: Chiến tranh vạch ra ranh giới rõ ràng của tình yêu và lòng thù hận giữa con người.
“Đàn bà thì biết gì về kẻ thù? Hay lòng căm thù?”một giọng nói trong đám đông hét lên. “Bắn ngay mụ đàn bà Tây Tạng đó đi.”
Văn quay phắt lại phía giọng nói đó. “Ai bảo tôi không biết gì về kẻ thù hay lòng thù hận? Anh có biết tại sao tôi rời Tô Châu đi hàng nghìn dặm tới cái chốn khủng khiếp này không? Tôi đến đây tìm chồng. Chúng tôi chỉ mới cưới được ba tuần thì anh ấy đi tới vùng chiến sự ở Tây Tạng rồi mất tích. Cuộc sống của tôi thật vô nghĩa nếu thiếu anh ấy.” Văn bật khóc.
Đám lính im lặng. Chỉ có tiếng lốp bốp tí tách của gỗ đang cháy hoà cùng tiếng khóc của Văn. Bình minh bắt đầu lên và chút ánh sáng lúc ngày mới rạng đang chiếu sáng trại lính.
“Tôi biết thế nào là căm thù. Nếu chồng tôi thực sự đã chết, chết ở tuổi hai chín, tôi có mặt ở đây để trả thù, để tìm những kẻ sát hại anh ấy. Nhưng, các anh không nghĩ là những người dân ở đây cũng căm thù chúng ta sao? Các anh không tự hỏi chúng ta tại sao chúng ta không nhìn thấy bất kì người dân nào quanh đây sao? Các anh không nghĩ rằng có thể điều đó liên quan đến chúng ta sao?”
Văn nhìn một lượt đám thính giả đang im lặng, và cô tiếp tục nói chậm rãi, suy nghĩ cân nhắc hơn.
“Tất cả những cái chết trong vài ngày vừa qua là một lời cảnh báo đối với chúng ta. Tôi đã nghĩ về nó rất nhiều. Tôi cũng sợ, cũng đầy căm thù như các anh thôi. Nhưng tại sao chúng ta tới đây? Người Tây Tạng có chào đón chúng ta không? Chúng ta đến để giải phóng họ, nhưng tại sao họ lại căm thù chúng ta?”
“Toàn đội, đứng vào hàng!”
Vị chỉ huy ngắt lời Văn. Khi đám lính đã đứng thành hàng, vị chỉ huy thì thầm với cô, “Tôi hiểu những gì cô đang nói, nhưng cô không thể nói với đám lính này theo cách đó. Chúng ta là quân giải phóng, chứ không phải lực lượng đàn áp. Hãy đứng vào hàng và đợi mệnh lệnh.”
Vị chỉ huy quay sang đám lính. “Các đồng chí, chúng ta đã thấy mình rơi vào tình thế hết sức nghiêm trọng và phức tạp ra sao. Chúng ta phải nhớ “Ba Quy Định Lớn” và “Tám Nguyên Tắc” của quân đội, và chính sách của Đảng đối với những tộc người thiểu số. Chúng ta tha thứ cho những hiểu lầm của người Tây Tạng, hãy cố gắng làm cho họ hiểu và hợp tác, làm việc càng chăm chỉ càng tốt vì sự nghiệp giải phóng Tây Tạng.”
Vị chỉ huy liếc nhanh về phía Zhuoma và Văn.
“Nếu chúng ta muốn giải phóng Tây Tạng, chúng ta cần sự giúp đỡ của người Tây Tạng, đặc biệt là những người biết nói tiếng Trung Quốc. Họ có thể đưa chúng ta thoát khỏi nguy hiểm, thu phục dân địa phương và giải quyết những hiểu lầm. Họ có thể giúp chúng ta tìm nước và nơi dựng trại, dạy chúng ta phong tục và văn hoá của người Tây Tạng. Ban lãnh đạo đã quyết định đưa Zhuoma theo như người hướng dẫn và phiên dịch cho chúng ta.”
Cái thông báo không mong đợi đó làm mọi người sửng sốt, nhưng không ai sửng sốt bằng Zhuoma. Sự bối rối lộ rõ trên khuôn mặt cô. Cô nhận thấy thật khó mà hiểu được chất giọng Sơn Tây nặng trịch của vị chỉ huy hay anh ta có ý gì khi nói tới những quy định và nguyên tắc của quân đội, nhưng cô thấy rõ đám lính đã thôi nhìn cô với vẻ căm thù sôi sục như lúc trước. Không giải thích gì thêm, vị chỉ huy cử đám lính đi chôn cất người đồng chí đã chết, đốt lò chuẩn bị bữa sáng, dập lửa trại và kiểm tra cẩn thận kho vũ khí. Vì người bị giết lại là một lái xe nên thêm một xe tải nữa bị bỏ lại. Các xe tải còn lại bây giờ lại càng đông người hơn bao giờ hết. Trước khi đoàn xe lên đường, vị chỉ huy sắp xếp cho Zhuoma và Văn ngồi cùng nhau trong buồng lái xe tải, chỗ anh ta thường ngồi. Anh ta nói làm thế để đám lính có “thêm chút không gian”, nhưng Văn biết anh muốn tạo cơ hội cho cô và Zhuoma được nghỉ ngơi an toàn.
Chặng đầu của chuyến đi Zhuoma chìm vào giấc ngủ dài, đầu cô ngả trên vai Văn. Khi cô tỉnh dậy, Văn vui mừng khi thấy sự sống bắt đầu quay trở lại trong đôi mắt cô. Văn cho cô ta ăn thêm một chút bột quấy sền sệt, và khi hai má Zhuoma có chút sắc màu trở lại, Văn thấy cô ta thật trẻ trung và xinh đẹp.
“Gia đình cô ở đâu?” Văn hỏi. “Cô đang đi đâu?”
Mắt Zhuoma buồn rười rượi. Trong khi chiếc xe xóc nảy trên đường, cô ta thì thầm kể cho Văn nghe câu chuyện cuộc đời mình.
○○○
Zhuoma hai mươi mốt tuổi. Cha cô là thủ lĩnh của một gia tộc địa chủ quan trọng ở vùng Bam Co, một khu vực phì nhiêu màu mỡ ở phía bắc Lhasa, nơi này là “cửa ngõ” đi qua những dãy núi, tiến vào Bắc Tây Tạng. Ông cai quản cả một gia tộc lớn với những khu đất rộng cùng nhiều nông nô. Mẹ Zhuoma chết từ khi mới sinh cô, cha cô có hai người vợ khác nhưng họ không sinh được đứa con nào, vì thế đối với ông cô là tài sản quý giá nhất.
Khi cô năm tuổi, có hai người đàn ông Trung Quốc mặc quân phục tới ở lại trong nhà họ. Cha cô nói họ tới nghiên cứu văn hoá Tây Tạng. Chỉ sau đó Zhuoma mới biết họ là những phái viên do chính quyền Cộng sản Trung Quốc cử tới để nghiên cứu về nghệ thuật và phong tục của Tây Tạng. Hai người Trung Quốc rất quý cô và, bằng thứ tiếng Tây Tạng lỗ mỗ, họ kể cho cô nghe rất nhiều câu chuyện hấp dẫn. Người lớn tuổi hơn thích kể những câu chuyện liên quan đến lịch sử Trung Quốc. Ông ta kể cho cô nghe về chuyện . năm trước, vua Đại Vũ ngăn lũ Hoàng Hà bằng cách chia con sông ra thành hai nhánh như thế nào; rồi Vương Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc đã đem hoà bình tới cho Bắc Trung Quốc bằng việc đồng ý cưới vị vua man di ra sao; rồi chuyện những nguyên tắc của quyền lực chính trị hàm chứa trong một cuốn sách có tên là Tam Quốc Chí, và chuyện Tôn Dật Tiên sáng lập nhà nước Trung Quốc hiện đại như thế nào. Người đàn ông trẻ hơn mê hoặc cô bằng những truyền thuyết và câu chuyện về sự táo bạo của phụ nữ. Anh ta kể về Nữ Oa, chuyện bà lấy đá vá trời khi nhìn thấy trời bị thủng. Chuyện Hầu Vương thách thức tướng sĩ nhà trời, và thiếu nữ Mộc Lan giả trang thành nam tử gia nhập quân đội dưới quyền của cha cô trong nhiều năm trời mà không ai phát hiện ra.
Zhuoma đã bị những câu chuyện này mê hoặc, chúng khác hoàn toàn với bất kỳ điều gì trong văn hoá Tây Tạng. Cô không ngừng quấy rầy hai vị khách, cho tới khi họ bắt đầu nói với mọi người rằng những câu hỏi của Zhuoma còn nhiều hơn sao trên trời. Với sự cổ vũ khích lệ của họ, cô học đọc chữ Trung Quốc, mặc dù cô không muốn viết chúng, bởi vì nỗi khó khăn khi phải sao chép ngần ấy hình vẽ khiến cho cô phát sợ. Hai người đàn ông quay về Trung Quốc vào năm Zhuoma mười lăm tuổi, mang theo rất nhiều cuộn giấy da của Tây Tạng, họ để lại cho cô một đống sách lớn, cũng như nỗi cô đơn sâu sắc và lòng mong mỏi được nhìn thấy Trung Quốc.
Khi lớn lên, cô thường xin cha cô đến thăm Trung Quốc, nhưng ông luôn nói không, viện cớ là cô còn quá trẻ, hoặc chưa phải dịp thuận tiện. Nhưng khi nghe cha nói với mọi người rằng ông đang lên kế hoạch tranh đua với những vị điền chủ khác, gửi con gái tới Anh quốc học bởi vì hai nước có mối liên kết trong lịch sử, cô bèn dọa sẽ không bao giờ cưới chồng nếu ông không cho cô đến thăm Bắc Kinh. Cha cô động lòng nên cho phép cô đi cùng vị điền chủ láng giềng thăm Trung Quốc một chuyến. Vì cô biết tiếng Trung nên vị điền chủ này đồng ý mang cô cùng đi với điều kiện cô phải tuân theo luật thiêng Tây Tạng là không nói những gì cô biết và không hỏi những gì cô không biết.
Và thế là cô thiếu nữ Zhuoma tới Bắc Kinh vào mùa xuân.
“Con người và xe cộ ở đó làm tôi khiếp sợ,” Zhuoma nói với Văn. “Tôi cứ đinh ninh Bắc Kinh cũng là một vùng đồng cỏ rộng lớn giống như Tây Tạng, tất nhiên là khác về ngôn ngữ và văn hoá, chỉ thế thôi. Đó là một cú sốc lớn. Tôi không thể tin được người Trung Quốc nói nhiều đến thế. Mặt họ dường như quá trắng và quá sạch, hoàn toàn không vương dấu ấn của cuộc sống. Không có ngựa, không cỏ, cũng chẳng có không gian, chỉ thấy nào nhà, nào xe, nào người, nào phố, và ồn ã kinh khủng. Rồi Thượng Hải thậm chí còn làm tôi sốc nhiều hơn. Tôi nhìn thấy những kẻ tóc vàng mắt xanh - giống những hồn ma mà người ta nhìn thấy trong tranh Tây Tạng - đi trên phố. Người bạn Trung Quốc đi cùng chúng tôi giải thích họ là ‘người Phương Tây’ nhưng tôi không biết anh ta muốn nói gì và cũng không thể hỏi lại vì tôi phải giữ lời hứa không hỏi ‘điều tôi không biết’”.
Khi Zhuoma quay trở lại Tây Tạng, cô rất muốn kể cho mọi người nghe toàn bộ những chuyện kỳ lạ phấn khích mà cô đã thấy, nhưng không ai hiểu cô đang nói về cái gì. Dường như trong đầu cha cô đang có chuyện gì đó rất nghiêm trọng. Nỗi lo lắng và u sầu thường trực trong ông khiến ông chẳng còn hứng thú với những gì cô kể, trong khi cả hai bà vợ dù thế nào cũng chẳng bao giờ nói chuyện với Zhuoma. Để đền bù cho sự sao lãng của mình, cha cô bắt đầu cử anh chăn ngựa của ông tới làm bầu bạn với cô và nghe cô kể chuyện.
“Cha tôi không thể chịu đựng được khi thấy tôi quá cô đơn, nhưng ông chỉ có thể nghĩ ra cách giúp tôi là cử tới chỗ tôi một người hầu của ông. Cái ý nghĩ rằng tôi có thể nảy sinh tình yêu với người chăn ngựa không bao giờ xuất hiện trong đầu ông.”
Một thoáng đau khổ lướt qua mặt Zhuoma.
“Cha tôi rất giận dữ khi phát hiện ra điều đó. Ông bảo tôi rằng cái tôi đang trải qua không phải là tình yêu, mà chỉ là nhu cầu. Tôi chỉ biết điều tôi cảm thấy: rằng tôi muốn sống với người đàn ông này mãi mãi, và tôi yêu mọi thứ ở anh ta.”
“Ở Tây Tạng quê tôi,” Zhuoma nói tiếp, “người ta cấm quý tộc với người hầu yêu nhau. Đó là ý muốn của thần thánh và người ta chẳng thể làm gì được để thay đổi điều đó. Nhưng cả hai chúng tôi đều sống thiên về cảm xúc, mà cảm xúc thì chẳng dễ kìm nén chút nào. Bởi vì trong chuyện này có những nguyên tắc mặc định. Nếu một người hầu nam và một nữ quý tộc yêu nhau, lựa chọn duy nhất dành cho người đàn ông là đưa người phụ nữ kia đi thật xa. Nếu anh ta làm như thế, người phụ nữ sẽ mất tất cả: gia đình, tài sản, thậm chí là quyền sống tại chính quê hương cô ấy. Cha tôi biết tôi là người rất bướng bỉnh nên ông đã làm theo lời khuyên của người quản gia vốn là cố vấn cho cha tôi từ khi ông còn nhỏ, là gửi tôi quay trở lại Bắc Kinh cùng với một nhóm người hầu.”
Người đàn ông đưa Zhuoma tới Trung Quốc lần đầu tiên có bạn bè người Trung Quốc ở Bắc Kinh, nên cô thiếu nữ Zhuoma mười bảy tuổi tới đó sống cùng với họ. Ngay sau đó đám người hầu nhận lệnh quay trở về nhà. Họ không thể thích nghi được với môi trường xung quanh đầy xa lạ. Đối với họ Bắc Kinh dường như không thuộc về thế giới của con người chút nào. Họ cảm thấy mình bị ma quỷ vây quanh. Không ai nói ngôn ngữ của họ hay ăn loại thức ăn giống họ. Vắng bóng đền đài hay tu viện, họ hoàn toàn không được thần thánh bảo vệ. Ngược lại, Zhuoma phát triển khoẻ mạnh, trưởng thành lên. Cô ghi danh vào Đại học Dân tộc Trung ương - một trường đại học do chính phủ Cộng sản thành lập chuyên đào tạo thanh niên các vùng thiểu số của Trung Quốc. Tại đây hình ảnh người chăn ngựa lập tức tái hiện trong tâm trí trẻ trung của cô bên cạnh tình yêu cô dành cho văn hoá Trung Quốc.
“Tôi thích gặp gỡ những người khác biệt xa người Tây Tạng,” Zhuoma thổ lộ với Văn. “Tôi yêu Bắc Kinh, với Quảng trường Thiên An Môn rộng lớn. Ở trường, khả năng nói tiếng Trung của tôi trôi chảy hơn hầu hết những sinh viên dân tộc thiểu số khác nên tôi học hành rất tiến bộ. Hồi còn ở nhà tôi không bao giờ đi xa quá địa giới lãnh thổ của cha nên thấy vô cùng thú vị khi biết rằng những vùng khác nhau ở Tây Tạng có rất nhiều phong tục khác nhau và tuy chỉ có một tôn giáo nhưng mỗi vùng lại có một chi phái riêng. Khi tốt nghiệp, tôi quyết định ở lại trường làm giảng viên và phiên dịch tiếng Tây Tạng. Nhưng sự đời chẳng như ta dự định. Đúng lúc đang trong quá trình được xét duyệt chuyển từ sinh viên sang ngạch giảng viên, tôi nhận được một bức thư thông báo rằng cha tôi đang ốm nặng.”
Zhuoma miêu tả lại việc cô lên đường đi Tây Tạng ngay trong đêm đó như thế nào, cô gắng sức đi càng nhanh càng tốt, đi liên tục cả ngày lẫn đêm, ban đầu đi bằng tàu hoả, sau đó bằng xe ngựa, cuối cùng là cưỡi trên lưng ngựa, vừa đi vừa quất ngựa vội vàng quay trở lại miền đất của cha cô. Nhưng khi cô tới chân núi Tanggula[], đám người hầu đã đợi sẵn đó, họ báo tin rằng vị chúa đất đã không qua nổi để gặp mặt con gái lần cuối. Ông qua đời trước đó vài ngày.
Quá đỗi đau khổ và nghi ngờ, Zhuoma quay về nhà. Cô nhìn thấy phía xa xa có những dải phướn phất phơ ở căn phòng nơi cha cô nằm yên nghỉ. Khi đến gần hơn, cô nghe thấy tiếng tụng kinh của các vị lạt ma, những người sẽ dẫn dắt linh hồn cha cô lên cõi niết bàn. Trong phòng lớn, cha cô đã được quấn trong vải liệm, hai bà vợ im lặng quỳ phía bên trái ông. Phía bên phải là chân dung người mẹ đã qua đời của Zhuoma với tấm bùa Đức Phật hộ mệnh bằng ngọc bích mà bà vẫn đeo khi còn sống. Chiếc gối quỳ thêu chỉ vàng mà Zhuoma thường quỳ khi cầu nguyện để bên dưới tượng Đức Phật bằng vàng đặt phía đầu cha cô. Những lễ vật dành cho thần linh bày xung quanh ông, những tấm khăn quàng cổ cầu nguyện Khata màu trắng, những câu ai điếu long trọng và các vật khác được bạn bè, họ hàng, gia tộc và nông nô mang đến làm quà phúng điếu.
“Tôi là người thừa kế của cha,” Zhuoma giải thích. “Khi còn trẻ, tôi chưa bao giờ nghĩ về những trách nhiệm của cha trên cương vị thủ lĩnh một vùng đất rộng lớn như thế. Ông cũng chẳng bao giờ nói những vấn đề đó với tôi. Nhưng giờ đây, sau bốn chín ngày kể từ khi nghi lễ an táng được cử hành, viên quản gia của cha tôi kéo tôi sang một bên và giải thích với tôi rằng có những gánh nặng lớn lao đã xuất hiện trong vài tuần trước khi cha tôi chết.
“Ông ta đưa cho tôi xem ba bức thư. Bức thứ nhất của một thủ lĩnh khác trong vùng này rủ cha tôi hỗ trợ cho Quân đội của người bảo vệ Đức tin nổi dậy chống lại người Trung Quốc. Bức thư nói rằng người Trung Quốc là những con quái vật đang gieo rắc nỗi ô nhục trên khắp các miền đất Phật. Lá thư bảo ông hãy đóng góp tiền bạc, bò, ngựa, vải vóc và ngũ cốc cho quân đội và đầu độc các nguồn nước để tước đi phương tiện sinh sống của người Trung Quốc.
“Bức thư thứ hai của một vị tướng Trung Quốc tên là Trương, ông ta muốn cha tôi giúp đỡ “đoàn kết Tổ quốc”. Ông ta nói rất hy vọng cha tôi sẽ giúp ông ta tránh được đổ máu, nhưng nếu cha tôi không giúp, ông ta không còn lựa chọn nào khác hơn là đưa quân tới vùng đất của cha tôi. Ông ta nói với cha tôi rằng tôi đang được chăm sóc rất tốt ở Bắc Kinh.
“Bức thư thứ ba là từ em trai thứ tư của cha tôi. Thư đến ngay trước lúc cha tôi mất. Chú tôi khuyên ông cùng gia đình chú bỏ trốn sang phương Tây, vì trong vùng của chú cuộc chiến khốc liệt giữa người Tây Tạng và người Trung Quốc đã nổ ra. Toàn bộ đền đài bị phá huỷ, các chủ đất tàn sát nhau còn nông nô bỏ trốn. Chú tôi nghe tin đồn rằng tôi đang bị bắt giữ ở Bắc Kinh. Ông hy vọng lá thư này sẽ đến đúng lúc. Chính ông cũng đang chờ đợi số phận của mình.
“Đọc ba bức thư đó tôi vô cùng bối rối. Tôi không hiểu tại sao lại có quá nhiều thù hận giữa mảnh đất quê hương và vùng đất mơ ước của tôi. Tôi nhận ra, nguyên nhân cái chết của cha tôi chắn hẳn là do ông quá lo lắng. Ông bị mắc kẹt giữa những mối đe dọa từ cả hai phía, người Tây Tạng và người Trung Quốc. Ông không thể chịu đựng được những cảnh tượng được mô tả trong lá thư của chú tôi. Tôn giáo là máu thịt của người Tây Tạng.
“Suốt hàng giờ tôi suy nghĩ xem mình phải làm gì. Tôi không muốn giúp Quân đội của Người Bảo vệ Đức tin giết người Trung Quốc, nhưng tôi cũng không muốn máu của chính người dân tôi là ô uế mảnh đất này. Tài sản và vai trò thủ lĩnh không có ý nghĩa gì mấy với tôi. Do đó, tôi quyết định đi thật xa tránh khỏi cuộc chiến với hy vọng tìm thấy tự do…”
Bằng một giọng thì thầm Zhuoma tiếp tục diễn tả việc cô giải tán điền trang của mình như thế nào. Gửi hai bà mẹ kế đi xa cùng với rất nhiều vàng, thả cho những người hầu tự do và chia nhiều của cải của cô cho họ. Những đồ trang sức và đá quý đã truyền lại trong gia đình qua nhiều thế hệ thì cô giấu trong quần áo, hy vọng chúng sẽ bảo vệ và cho phép cô mua thức ăn trong những ngày sắp tới. Sau đó cô mở kho thóc phân phát cho các nông nô. Cô gửi tượng Đức Phật bằng vàng quý giá và tất cả các đồ vật tôn giáo khác của gia đình đến một tu viện. Trong mọi nơi mọi lúc cô đều biết mình đang bị quản gia của cha theo dõi. Ông ta sống với gia đình từ khi cha cô lên ba tuổi và đã bắt đầu học kinh sách. Ba thế hệ gia đình cô đã thu được nhiều lợi lộc từ sự khôn ngoan và tài xoay xở tháo vát của ông ta. Bây giờ ông ta buộc phải chứng kiến sự suy vong của gia đình.
Khi tất cả xong xuôi, Zhuoma đi khắp nhà để ngắm nhìn những căn phòng trống rỗng. Trời nhá nhem tối nên cô cầm theo một ngọn đuốc. Trước khi ra đi, cô định thiêu huỷ căn nhà. Khi cô sắp sửa đốt ngôi nhà, người quản gia tới gần cô, đầu cúi gằm.
“Thưa cô chủ,” ông ta nói. “Vì trong trái tim cô ngôi nhà này đã cháy thành tro rồi, nên cô chủ để lại nó cho tôi được không?”
Zhuoma sửng sốt. Cô không bao giờ nghĩ người đầy tớ lại yêu cầu một việc như thế.
“Nhưng ở đây chẳng có gì cả,” cô lắp bắp. “Ông sẽ sống thế nào ở đây? Cuộc chiến đang ngày một tới gần hơn…”
“Tôi đến đây với hai bàn tay trắng và tôi sẽ rời khỏi đây với hai bàn tay trắng,” ông ta nói. “Thần linh sẽ chỉ đường cho tôi. Ở đây tôi được đón nhận vào tín ngưỡng nhà Phật. Dù sống hay chết thì cội rễ tôi là ở đây. Cô chủ, xin hãy chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi.”
Trong suốt lúc nói, ông ta không ngẩng đầu lên.
Zhuoma nhìn ông ta. Cô nhận ra người đàn ông này không phải là người đầy tớ hèn mọn như khi cô còn ấu thơ. Khuôn mặt ông ta đã hoàn toàn thay đổi.
“Rất tốt,” cô nói, cảm thấy vẻ nghiêm trang trong lời nói của mình. “Cầu cho thần linh bảo vệ ông và đem đến cho ông điều ông muốn. Hãy ngẩng đầu lên và nhận lấy ngôi nhà của ông.”
Nói vậy rồi, cô trao ngọn đuốc cho ông ta.
Zhuoma dẫn ngựa ra phía cổng sân trong, đếm từng bước chân cô đi - năm trăm chín mươi chín bước tất cả. Khi đi qua cổng, cô quay lại và lần đầu tiên trong đời cô nhận ra ngôi nhà thời thơ ấu của mình thật nguy nga biết bao. Cổng vào hai tầng có mái vòm trước mặt cô được trang hoàng lộng lẫy với màu sắc rực rỡ; xưởng thợ, nhà bếp, khu vực dành cho người hầu, chuồng ngựa, nhà kho và kho thóc ở hai bên được giữ gìn rất đẹp. Phía xa xa, lão quản gia của cha cô đứng như một bức tượng trong ánh đuốc rọi sáng.
Cô quay sang phía nhà bên và dưới ánh ngày nhập nhoạng sắp tàn, cô nhận ra một người đàn ông dắt một con ngựa, con ngựa chất đầy hành lý.
“Ai đó?” cô kinh ngạc hỏi.
“Cô chủ, là tôi đây,” có tiếng đáp lại. Giọng nói nghe quen thuộc.
“Anh chăn ngựa đó ư? Phải anh không? Anh đang làm gì ở đây?”
“Tôi… tôi muốn làm người dẫn đường cho cô chủ.”
“Người dẫn đường ư? Làm thế nào mà anh biết được là tôi muốn đi đâu?”
“Tôi biết. Tôi biết điều đó khi cô chủ từ Bắc Kinh quay về và kể cho tôi nghe những câu chuyện.”
Zhuoma quá cảm động, cô không biết nói gì nữa. Cô chưa bao giờ nghĩ chàng quản ngựa lại là người nhạy cảm và đầy nhiệt huyết đến thế. Cô muốn nhìn thấy nét mặt anh ta, nhưng anh ta nói mà đầu cứ cúi gằm.
“Hãy ngẩng đầu lên để tôi nhìn anh,” cô nói.
“Cô chủ, kẻ chăn ngựa của cô không dám…”
“Từ nay trở đi, tôi không còn là cô chủ của anh nữa và anh cũng không còn là kẻ chăn ngựa của tôi nữa. Tên anh là gì?”
“Tôi không có tên. Tôi là ‘Kẻ chăn ngựa’ bình thường, giống như cha tôi vậy.”
“Vậy thì tôi sẽ trao cho anh một cái tên. Tôi có thể làm thế không?”
“Cảm ơn, Cô chủ.”
“Và anh phải gọi tôi là Zhuoma, hoặc tôi sẽ không để anh làm người dẫn đường cho tôi.”
“Vâng… không,” anh ta lí nhí ra chiều bối rối.
Zhuoma mỉm cười khi cô kể cho Văn nghe chuyện cô đã đặt cái tên Thiên An Môn cho chàng chăn ngựa bởi vì cái quảng trường vĩ đại ở Bắc Kinh gây ấn tượng rất mạnh với cô như thế nào. Nhưng nét mặt cô sớm quay trở về vẻ buồn bã khi cô miêu tả những chuyện tiếp theo.
Khi cô và Thiên An Môn chuẩn bị phóng ngựa đi khỏi ngôi nhà, Thiên An Môn đột nhiên chỉ lên bầu trời mà hét lên.
“Cô chủ, có lửa! Lửa lớn lắm!”
Zhuoma quay lại nhìn ngôi nhà bốc cháy và lão quản gia đứng ở sân đang hét lên những lời cầu nguyện trong khi ông ta bốc cháy. Nước mắt chảy xuống mặt cô. Người đầy tớ trung thành của gia đình cô đang tự thiêu trong ngôi nhà mà ông đã hy sinh cả cuộc đời cho nó.
Văn nín thở khi hình dung đánh mất gia đình của chính mình bằng cách đó thì người ta cảm thấy thế nào. Khi Zhuoma tiếp tục câu chuyện, cô khó ngăn nổi dòng nước mắt.
Zhuoma và Thiên An Môn đi theo hướng Đông, về phía Trung Quốc. Thiên An Môn là một người dẫn đường cừ khôi, họ không đi vào những tuyến đường thông thường để tránh cuộc xung đột giữa người Trung Quốc và Tây Tạng. Họ có nhiều thức ăn - thịt sấy khô, lúa mạch, ít bơ và pho mát. Những con sông cho họ nước, gỗ cho lửa. Mặc dù họ phải qua vài con đèo trên núi cao, Thiên An Môn luôn biết họ có thể tìm kiếm chỗ ẩn náu ở đâu.
Trong suốt chuyến hành trình dài, Thiên An Môn hết lòng hết dạ chăm sóc Zhuoma: tìm nước, chuẩn bị thức ăn, lượm củi, trải nệm ngủ, canh gác về đêm. Anh ta không bỏ sót việc gì. Trước đây Zhuoma chưa bao giờ sống ngoài trời nên không biết giúp đỡ anh ta như thế nào. Khi ngồi cạnh đống lửa trại bập bùng hay ngồi xóc nảy trên lưng ngựa, cô say sưa đắm chìm vào tình yêu câm lặng của anh. Mặc cho tình cảnh tuyệt vọng của họ, cô cảm thấy hy vọng và hạnh phúc. Nhưng sau đó thời tiết thay đổi. Một trận gió lớn tràn qua thảo nguyên, mang theo bão tuyết cuồn cuộn cuốn theo tất cả những gì vấp phải trên đường đi. Lũ ngựa di chuyển rất khó khăn nên Zhuoma và Thiên An Môn chỉ có thể ì ạch tiến từng tí một. Nhận ra nếu tiếp tục đi như thế này thật quá nguy hiểm, Thiên An Môn sắp xếp một chỗ cho Zhuoma đã kiệt sức ngủ trong nơi tránh giá lạnh dưới một tảng đá lớn. Sau đó anh dọn chỗ cho mình ngay hướng gió lùa, lấy thân mình che chắn cho cô.
Vào giữa đêm, Zhuoma bị tiếng gió hú đánh thức. Cô hét lên gọi Thiên An Môn nhưng không có tiếng trả lời. Cô gắng sức đứng lên nhưng không thể giữ thăng bằng trong cơn bão, thế là cô đành bò rồi vừa tìm kiếm vừa hét gọi. Không thể tìm thấy đường trong bóng tối như hắc ín, cô chẳng có cái mốc nào để định hướng mình đang ở đâu. Cuối cùng cô ngất đi và rơi từ gờ núi xuống một hẻm đá.
Khi Zhuoma tỉnh lại, bầu trời đã được gột rửa xanh tươi. Cô đang nằm trên triền dốc đá của một con mương. Không có dấu vết của Thiên An Môn, đồ dùng cá nhân của anh hay bất cứ hành lý gì của họ. Bầu trời xanh lặng thinh nhìn xuống trong khi cô khóc lóc; phía trên đầu cô vài con chim kền kền bay vút lên, kêu quang quác đáp lại tiếng khóc của cô.
“Tôi liên tục gào thét gọi tên Thiên An Môn cho tới khi cổ họng khản đặc,” Zhuoma nói. “Tôi không biết phải làm gì tiếp theo. May thay, tôi không bị thương, nhưng tôi không biết mình đang ở đâu hay phải đi đường nào. Tôi là con gái nhà quý tộc: tôi đã quen có người hầu chăm sóc rồi. Tôi chỉ biết mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây. Tôi đi bộ suốt nhiều ngày mà không gặp thậm chí lấy một người nào. Sau đó tôi gục xuống vì lạnh và đói. Đúng lúc nghĩ mình sắp chết, tôi nghe thấy tiếng xe của cô và tôi cầu Đức Phật cho cô sẽ nhìn thấy tôi.”
Có một khoảng im lặng kéo dài trong cabin xe tải. Văn không biết phải nói gì với Zhuoma sau tất cả những gì cô nghe được. Cuối cùng người lái xe lên tiếng đầu tiên. Mặc dù có vẻ đang phải tập trung vào con đường khó khăn, nhưng anh ta đã nghe trọn mọi lời.
“Cô có nghĩ là Thiên An Môn vẫn còn sống không?” anh ta hỏi.
“Tôi không biết,” Zhuoma trả lời.” Nhưng nếu anh ấy còn sống, tôi sẽ lấy anh ấy.”
Tối hôm đó, mọi người sợ không dám ngủ. Xung quanh những đống lửa trại, những người lính kiệt sức ngồi xây lưng lại nhau, một nhóm quay mặt về phía lửa, nhóm kia canh chừng bóng tối. Cứ mỗi giờ họ lại đổi vị trí cho nhau.
Khi họ ngồi đó, Văn nhớ ra điều gì. Cô quay sang Zhuoma.
“Khi chúng tôi bị tấn công vào sáng nay, cô đã hét lên câu gì đó bằng tiếng Tây Tạng. Nó có nghĩa là gì vậy? Làm thế nào mà cô biết người Tây Tạng đã tới?”
“Tôi nghe thấy họ thì thầm những câu nghi lễ mà người Tây Tạng thường thốt ra như một tín hiệu khi giết người. Tôi muốn họ đừng làm thế, rằng có một người Tây Tạng trong nhóm…”
Văn đang định hỏi thêm thì Zhuoma lại hét lên, tiếng thét chói lói, tuyệt vọng khiến cho tất cả mọi người dựng tóc gáy.
Khi tiếng hét yếu dần rồi tắt hẳn, những người ở vòng ngoài có thể nhìn thấy những bóng đen di chuyển về phía họ.
Bản năng mách bảo với Văn rằng chớ ai nên cử động, chỉ cần bất kỳ ai động đậy thì sẽ chết. Trong vài giây, vô số người Tây Tạng trang bị dao và súng ống đã vây quanh họ. Văn nghĩ cái chết đã đến. Sau đó, một bài hát u buồn bồng bềnh nổi lên bay vào không trung. Bài hát có giai điệu Tây Tạng nhưng lời là tiếng Trung Quốc:
“Núi tuyết ơi, tại sao người không khóc? Trái tim người quá lạnh lùng sao?
“Núi tuyết ơi, tại sao người khóc? Trái tim người quá đớn đau sao?”
Mọi người nhìn Zhuoma khi cô vừa tiếp tục hát vừa từ từ đứng lên đi về phía vị thủ lĩnh của nhóm người Tây Tạng. Trước tiên cô thực hiện màn chào hỏi theo kiểu người Tây Tạng, sau đó cô rút một vật trang trí từ trong áo dài ra đưa cho ông ta xem. Trông thấy vật trang trí này, vị thủ lĩnh Tây Tạng thay đổi thái độ ngay lập tức. Ông ta ra hiệu cho thuộc hạ, tất cả bọn họ lùi lại một bước. Sau đó ông ta đáp trả màn chào hỏi của Zhuoma và bắt đầu nói chuyện với cô bằng tiếng Tây Tạng.
Văn và mọi người trong nhóm không biết hai người đang nói gì, nhưng họ chắc chắn rằng Zhuoma đang cố gắng tìm cách bảo vệ họ. Sau nhiều phút căng thẳng, Zhuoma quay lại. Cô nói là nhóm người Tây Tạng muốn trừng phạt họ. Trên đường tiến về hướng Tây, Quân Giải Phóng Nhân Dân đã dập tắt những ngọn lửa vĩnh cửu trong các tu viện và giết nhiều người chăn gia súc của họ. Nhóm người Tây Tạng này tin rằng có người chăn gia súc đã bị mất tích và họ lấy mạng người Trung Quốc với số lượng nhiều gấp đôi để bù vào. Mặc dù Zhuoma cố thương lượng với họ nhưng họ từ chối khoan dung, họ lập luận rằng nếu phóng thích những người Trung Quốc này thì khác gì lại cho phép họ giết thêm người Tây Tạng. Tuy nhiên, vị thủ lĩnh Tây Tạng nói ông ta sẽ cho họ một cơ hội nếu họ đồng ý ba điều kiện. Thứ nhất, người Tây Tạng muốn mang theo mười người Trung Quốc làm con tin, con tin sẽ bị giết chết nếu Quân Giải phóng giết thêm bất cứ người nào của họ; thứ hai, họ muốn người Trung Quốc quay trở lại vùng đất của mình ở phía Đông và không bao giờ lại tiến thêm một bước nào về phía Tây nữa; thứ ba, người Trung Quốc phải bỏ lại toàn bộ vũ khí và trang thiết bị, bao gồm cả xe tải.
Người lính thông tin tranh luận rằng đi bộ quay trở về mà không có thức ăn hay nước uống khác gì đi vào chỗ chết. Zhuoma bảo anh ta rằng người Tây Tạng sẵn sàng để lại cho họ ít thịt khô.
Từ đầu đến cuối, vị chỉ huy nhóm hết sức im lặng. Đến lúc này anh ta mới yêu cầu Zhuoma quay trở lại chỗ người Tây Tạng và đề nghị họ cho phép anh ta gặp riêng người của mình.
Zhuoma đi không lâu lắm thì quay lại. “Họ đồng ý,” cô nói. “Mọi người đặt hết vũ khí xuống đất và đứng ra đằng kia.”
Vị chỉ huy mở khoá đai đeo súng, đặt nhẹ xuống đất, sau đó quay sang nói với cấp dưới của mình.
“Tất cả Đảng viên đặt vũ khí xuống đất như tôi làm, sau đó theo tôi ra họp ở đằng kia. Những người còn lại cứ ở đây.”
Cỡ khoảng hai mươi hay ba mươi lính rời khỏi đám đông im lặng, bị quân Tây Tạng canh chừng. Vài phút sau, một số người trong bọn họ quay trở lại hàng ngũ, nhưng còn mười hai người vẫn ở lại cạnh vị chỉ huy. Người chỉ huy yêu cầu Zhuoma nói với người Tây Tạng rằng dù họ chỉ yêu cầu mười con tin nhưng mười hai Đảng viên muốn được sống chết cùng nhau. Cảm động thấy rõ trước tinh thần tự nguyện hy sinh của hai con tin thêm vào, người Tây Tạng đưa cho nhóm người Trung Quốc sắp quay về không chỉ thịt như đã hứa mà còn thêm vài bầu da thú đựng nước cùng mấy con dao.
Hai người phụ nữ vẫn ở đằng sau người Tây Tạng. Văn kể cho Zhuoma đôi điều về chuyện cô tìm kiếm Khả Quân và mong ước của cô là được đi về phía Bắc theo hướng Thanh Hải. Nhờ có ảnh hưởng của Zhuoma, vị thủ lĩnh người Tây Tạng đồng ý cho họ đi cùng nhóm của ông ta về phía Tây. Cho tới khi hai người phải rẽ hướng Bắc, ông ta sẽ cho họ một người hướng dẫn. Khi Văn ngồi sau Zhuoma trên lưng một con ngựa của người Tây Tạng, bám cứng eo cô thiếu nữ, cô hỏi Zhuoma đã xoay sở đàm phán với người Tây Tạng như thế nào. Zhuoma giải thích rằng những vật trang trí của cô xác nhận cô là thủ lĩnh của một vùng đất. Mặc dù người Tây Tạng được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có những phong tục và văn hoá riêng, nhưng tất cả đều thờ Phật, tất cả thủ lĩnh đều có những vật trang trí giống hệt nhau, đó là biểu tượng cho quyền lực của họ. Vị thủ lĩnh nhóm người Tây Tạng ngay lập tức nhận ra địa vị cao cấp của cô. Cô rất vui mừng vì đã có thể dùng quyền lực của mình để giúp Văn, bởi vì cô nợ menba Trung Quốc sinh mạng của mình.
Đoàn người đi về phía Tây trong bốn ngày rưỡi. Sau đó vị thủ lĩnh đến bên Zhuoma và bảo họ rằng nếu họ vẫn muốn tới Thanh Hải thì đây là đường lên miền Bắc. Đoàn người vừa mới dừng lại để đóng gói đồ ăn thức uống cho hai phụ nữ thì ba người đưa tin cưỡi ngựa lao về phía họ báo rằng trước mặt có kỵ binh Trung Quốc. Vị thủ lĩnh Tây Tạng ngay lập tức ra lệnh cho thuộc hạ giấu ngựa vào bụi cây thấp ở gần đó, còn Zhuoma dẫn ngựa của hai người theo sau.
Trong bụi cây, Văn không ngăn được kích động khi đội quân Trung Quốc đi qua quá bất ngờ. Có thể Khả Quân cũng ở trong số đó. Niềm vui của cô bị dập tắt ngay bởi cơn thịnh nộ trên khuôn mặt những người Tây Tạng, và cảnh tượng mười hai con tin người Trung Quốc bị dẫn vào một đèo núi. Thật kinh hoàng khi cô nhìn thấy một đơn vị ky binh Trung Quốc đông đúc truy kích và giết vài người Tây Tạng không kịp ẩn náu. Súng nổ khắp nơi. Người ngã xuống từ lưng ngựa, máu tuôn xối xả. Văn nắm chặt tay Zhuoma, cô run lên bần bật trước cảnh tượng khủng khiếp ấy. Tay cô thiếu nữ Tây Tạng siết chặt lại.
Ánh sáng lịm dần trên bầu trời. Khi cuối cùng vị thủ lĩnh Tây Tạng ra hiệu an toàn để ra khỏi chỗ nấp thì trời đã tối như mực. Văn có thể cảm nhận thấy nỗi lo lắng trên cơ thể Zhuoma khi cô thiếu nữ thúc ngựa để theo kịp những người khác. Nhưng gió và bóng tối tiếp tục tách họ ra khỏi nhóm. Trong khi họ chật vật tiến về phía trước qua cơn bão, con ngựa đột nhiên hí một tiếng dài kinh hãi rồi hất họ khỏi lưng. Vài giây sau họ nghe có tiếng ngã uỵch một cái như thể cơ thể nó va chạm vào đáy hẻm núi. Bằng việc hất họ xuống, nó đã cứu họ thoát khỏi cái chết cầm chắc trong tay như một người nô bộc trung thành. Choáng váng, họ ngồi ôm nhau trong gió bão điên cuồng, khó lòng tin được mình vẫn còn sống. Những lời của Vương Lượng vụt qua tâm trí Văn: “Chiến tranh không cho cô thời gian nghiên cứu và cũng chẳng cho cô cơ hội thích nghi đâu.”