Nguyên Tứ Nhàn đúng là muốn mắng tiếp nhưng nhận ra mắng một lúc thì người lên tinh thần nhưng không đủ sức, đành cắn răng cố nhịn.
Tuyên thị đợi bên ngoài gần nửa canh giờ, được Lục Sương Dư dìu đến phòng sát vách.
Mùa đông giá rét, bà hứng gió lạnh cũng không giúp gì được. Huống hồ lúc lâm bồn, cửa phòng đóng mở dễ cuốn hơi lạnh vào, nhiều người không liên quan sẽ có nhiều thứ không sạch sẽ, tóm lại là không tốt cho Nguyên Tứ Nhàn nên bà không tiện vào cho thêm loạn.
Nguyên Tứ Nhàn lâm bồn đột ngột nên tình hình không thuận lợi, cả buổi chiều trôi qua, đến hoàng hôn mà vẫn chưa có tiến triển, Tuyên thị không có tâm trạng ăn uống, ngay cả bữa tối cũng chỉ miễn cưỡng ăn mấy miếng.
Khi sắp đến giờ ngủ, cuối cùng cũng có tin tức, nhưng là tin Nguyên Tứ Nhàn không đủ sức, nếu kéo dài thêm, e sẽ càng nguy hiểm, hai bà đỡ bèn nghĩ cách sinh đứng, nhưng cách này cần nhiều người, tốt nhất có thể mời thêm một bà đỡ dày dạn kinh nghiệm đến giúp đỡ.
Tuyên thị nghe vậy, đương nhiên lập tức phái người đi mời thêm bà đỡ, rồi cùng bà đỡ mới tới ấy vào phòng thăm Nguyên Tứ Nhàn, đến bên giường quan tâm dặn dò nàng mấy câu, bảo nàng đừng sợ.
Trong phòng đầy hơi nóng, toàn thân nàng ướt sũng mồ hôi, môi nhợt nhạt, ánh mắt rệu rã, nhưng vẫn gắng giữ tỉnh táo, đại khái cũng biết thời giờ đã muộn, nàng nói với Tuyên thị:
– Mẹ, mẹ đừng sợ, chút chuyện vặt này không làm khó được con đâu… Mẹ cứ đi ngủ trước, khi mẹ dậy, chắc chắn được bế cháu…
Tuyên thị lớn tuổi, từng trải nhiều, nghe mà sống mũi cay cay, bà cầm tay nàng nói:
– Là Thời Khanh có lỗi với con, chờ nó về, mẹ sẽ trói nó trong phủ bắt nó ngày ngày cùng con ở cữ, không cho đi đâu nữa!
Tuyên thị không biết gì về chuyện triều đình, cũng không biết Lục Thời Khanh gặp trắc trở trên đường về, bà cứ tưởng y vùi đầu vào chính vụ, không mảy may quan tâm đến Nguyên Tứ Nhàn. Trước đó khi biết y chủ động ôm đồm việc đi gặp Khả Hãn Hồi Hột, bà còn quở trách y.
Nhưng Nguyên Tứ Nhàn hiểu nỗi khổ tâm của y, tuy ngoài miệng nàng mắng rất khó nghe nhưng trong lòng không hề có ý trách móc, nàng cười yếu ớt:
– Được, chờ chàng về…
Bà đỡ sợ trì hoãn canh giờ, bèn áy náy mời Tuyên thị tạm thời dời bước. Bà đành lui ra ngoài. Nhưng Nguyên Tứ Nhàn đang gắng gượng, Lục Thời Khanh lại không ở trong phủ, bà không dám về phòng ngủ, thấy đêm đã khuya, bà bèn chợp mắt nghỉ ngơi trên giường nhỏ phòng sát vách, dặn hạ nhân hễ có tin tức gì là đánh thức bà ngay.
Đến nửa sau đêm, Tuyên thị mơ màng nghe tiếng khóc vang lên không biết là mơ hay thật, bà vội vàng khoác y phục ngồi dậy qua bên sát vách, đứng ở cửa hỏi tình hình bên trong.
Tỳ nữ bên cửa báo tin mừng cho bà qua tấm bình phong:
– Lão phu nhân, đầu đứa bé ra rồi, là một tiểu lang quân ạ!
Tuyên thị nghe vậy mừng rỡ, lại hỏi:
– Đứa thứ hai chừng nào ra, phu nhân vẫn khỏe chứ?
– Bà đỡ nói thai đầu ra rồi thì thai thứ hai sẽ không khó, nhưng trước mắt không tiện mở cửa để gió thổi vào, phiền lão phu nhân đợi thêm lát nữa ạ.
Bà gật đầu, tuy lòng mong ngóng tôn nhi nhưng vì Nguyên Tứ Nhàn vẫn đang sinh nở nên đành không vào mà quay bước trở về. Một nén nhang sau, bà chợt nghe sát vách truyền đến tiếng la hét hoảng hốt, bèn lật đật đi gõ cửa.
Lần này cửa mở ra ngay, tỳ nữ thấy bà liền nói:
– Lão phu nhân, thai thứ hai là một tiểu nương tử ạ, nhưng tiểu nương tử mãi không khóc, các bà đỡ đang quính cả lên.
Sinh thai long phượng vốn là việc vui nhưng đứa bé không khóc lại là điềm chẳng lành, sợ có nguy cơ chết yểu, Tuyên thị vội bước vào:
– Chuyện gì, để ta xem!
Hai bà đỡ đang vỗ lưng cho đứa bé, xem liệu có phải vướng gì trong cổ họng hay không. Nguyên Tứ Nhàn trên giường cũng hoảng hồn, vốn định gọi họ bế cả tiểu lang quân đã được đem ra ngoài tắm rửa sạch sẽ vào cho nàng cùng xem, nhưng giờ cả tâm trí nàng đều dồn vào tiểu nương tử, nàng vén chăn muốn xuống giường.
Nàng đã sinh suốt canh giờ, không hôn mê ngay đều nhờ niềm vui trong lòng chống đỡ, làm gì còn sức đi đứng, chân vừa chạm đất là mềm nhũn, ngã lại trên giường.
Thập Thúy và Giản Chi biết nàng lo cho con, đương nhiên không nằm được, có khuyên cũng vô dụng, bèn vội qua dìu nàng dậy.
Tuyên thị cũng đang giúp hai bà đỡ bấm lưng đứa bé nhưng thấy bé không khóc tiếng nào, trán càng lúc càng xanh tím, mặt cũng dần hiện tử khí.
Nguyên Tứ Nhàn run tay bước tới đón lấy con, im lặng lật ngược bé lại mà vỗ.
Mọi người trong phòng đều không dám lên tiếng, không biết nàng lấy sức từ đâu ra mà vỗ càng lúc càng mạnh, càng lúc càng dữ tợn, cuối cùng khi vỗ đến cái thứ bảy, đứa bé phun ra một ngụm máu bầm rồi oa oa khóc lớn.
Mọi người vây quanh vừa mừng vừa sợ. Nguyên Tứ Nhàn kiệt sức, lảo đảo ngã phịch xuống, suýt không bế nổi bé, may được hai bà đỡ giúp.
Tuyên thị cầm khăn lụa lau khóe mắt, nói với nàng:
– Không sao không sao rồi, con mau nghỉ ngơi đi!
Bà dặn hai bà đỡ:
– Mau ra gian ngoài tắm rửa cho tiểu nương tử!
Nguyên Tứ Nhàn thở phào, đang định ngồi trở lại giường thì chợt nghe bà đỡ ra gian ngoài bế bé kinh ngạc nói:
– Ủa tiểu lang quân đâu?
Mọi người trong phòng đều sững sờ, Tuyên thị hoàn hồn trước Nguyên Tứ Nhàn, vội chạy ra ngoài xem, thấy chiếc nôi đặt tiểu lang quân giờ trống rỗng, lại nhìn quanh một vòng, bà lập tức sinh ra ý nghĩ chẳng lành.
Thập Thúy cùng theo Tuyên thị ra ngoài cũng phát hiện điều không ổn, vội hỏi:
– Còn một bà đỡ nữa đi đâu rồi?
Dứt lời, nàng ấy vội mở cửa phòng, hỏi tỳ nữ canh bên ngoài cửa.
Tỳ nữ ù ù cạc cạc:
– Lúc nãy bà đỡ nói ra bên ngoài lấy ít đồ, thấy bà ấy đi tay không, không bế tiểu lang quân nên nô tỳ mới cho đi.
Nguyên Tứ Nhàn nghe đến đây, trái tim vừa dịu lập tức căng thẳng, được Giản Chi dìu, lảo đảo đi ra gian ngoài, gấp giọng hỏi Thập Thúy:
– Người mất tích là bà đỡ mới đến lúc sau à?
Câu này của nàng hỏi đúng trọng điểm, trái tim người trong phòng đều chùng xuống.
Hai bà đỡ đến lúc đầu là người đáng tin cậy được Lục Thời Khanh an bài trước khi đi Hồi Hột, nhưng người thứ ba đến sau là người được mời đột xuất đến giúp đỡ. Lúc đó tình hình khẩn cấp, không lo nghĩ nhiều, nhưng giờ nghĩ lại, hai nhà Nguyên – Lục địa vị cao, con cái sinh ra cũng đặc biệt hơn nhà khác, làm vậy đúng là hơi mạo hiểm.
Mà vừa nãy xảy ra chuyện như vậy, tất cả mọi người kể cả Nguyên Tứ Nhàn đều dồn sự chú ý vào tiểu nương tử không thể khóc, đích thực đã lơ là động tĩnh bên ngoài.
Nhưng vấn đề là, bà đỡ rời đi tay không, mà do Lục Thời Khanh dặn dò trước khi đi nên viện chính đã tăng thêm người ngày đêm bảo vệ an nguy Nguyên Tứ Nhàn, ngay cả cửa sổ cũng có người canh gác, rốt cuộc tiểu lang quân đã mất tích thế nào?
Bà đỡ kia do Tuyên thị sai người mời tới. Sau khi hiểu rõ đầu đuôi chuyện, bà tức giận choáng váng ngã ra sau, may được một tỳ nữ đỡ.
Già trẻ trong phòng bỗng chốc rối như tơ vò, Nguyên Tứ Nhàn nỗ lực bình tĩnh lại, quyết đoán dặn tỳ nữ theo Tuyên thị:
– Dìu lão phu nhân qua phòng bên, mời đại phu đến bắt mạch.
Rồi nàng nhìn hai bà đỡ:
– Hai bà cũng bế tiểu nương tử sang phòng bên chăm sóc tốt. Giản Chi và Thập Thúy ở lại.
Nguyên Tứ Nhàn cho lui các hạ nhân khác, vịn đầu gối bủn rủn mở cơ quan ở gian ngoài, sau đó nói với hai người đang có vẻ mặt khiếp sợ:
– Thập Thúy, ngươi đi xem trong mật đạo này có để lại manh mối nào không. Giản Chi, ngươi dẫn người đuổi theo con đường bắt buộc phải đi qua nếu đi từ nhà Từ tiên sinh ra ngoại thành.
Sau khi Giản Chi và Thập Thúy nhấc đao lĩnh mệnh rời đi, Nguyên Tứ Nhàn xụi lơ dựa vào tường, đầu óc hỗn loạn.
Chỉ có mật đạo mới có thể thần không biết quỷ không hay đưa đứa bé đi, chỉ có nơi này.
Mật đạo quan trọng, lẽ ra không dễ dàng bị lộ, bởi vậy dù là hai tỳ nữ thân cận, nàng cũng chưa nói bao giờ, nhưng người duy nhất biết về nó trước đó là Tào Ám đã rời khỏi Trường An, bây giờ thân thể nàng không ổn, không thể đích thân làm, đành gọi Thập Thúy vào xem xét.
Cả thân thể và tinh thần Nguyên Tứ Nhàn đều mệt mỏi nhưng vẫn gắng gượng ý chí, sốt ruột chờ tin tức, khoảng sau một nén nhang, nàng nghe trong mật đạo truyền tới tiếng bước chân sột soạt.
Nàng vịn tường gian nan đứng dậy thì thình lình bị một đao đánh ngất.
Khi tỉnh lại, Nguyên Tứ Nhàn hiểu toàn bộ đầu đuôi câu chuyện.
Lục phủ canh phòng nghiêm ngặt, thời gian bà đỡ ở gian ngoài cũng rất ngắn, căn bản không thể tìm ra lối vào mật đạo. Huống hồ mở cửa ngầm chắc chắn sẽ tạo tiếng vang, dù bà ta thật sự tìm được cơ quan cũng không thể lặng lẽ mang đứa bé đi như vậy.
Lúc đó nàng mới sinh xong, thể lực không đủ, đầu óc cũng không quá sáng suốt, lại bị mật đạo chắn mạch tư duy nên quên xem xét những nơi khác của gian ngoài.
Kỳ thực lúc mọi người vội vàng hoảng hốt, đứa bé rất có khả năng vẫn còn trong phòng, chỉ là bị giấu ở một nơi bí mật nào đó.
Nhưng bây giờ, cả nàng và con đều bị bắt cóc.
Trong thời gian Lục Thời Khanh rời Trường An, mật đạo ở Từ trạch bị lộ, đối phương lần theo đường đó tới Lục phủ, sau đó luôn ẩn nấp trong mật đạo, chờ nàng mắc câu, chủ động mở mật đạo ra, dâng cả nàng và con vào tay gã.
Nguyên Tứ Nhàn hối hận đến đau tim, nhưng liền sau đó nhận ra xung quanh không ổn.
Nàng đang ở trong xe ngựa đi không quá bình thường, hình như đang lao nhanh theo chiều nghiêng dốc. Ánh trăng chiếu vào y phục khiến nàng tỉnh táo, vội đè sau gáy đau nhức, ngồi dậy.
Cửa sổ xe ngựa bị thanh gỗ bịt lại, chỉ lộ vài khe hở, bên ngoài không có người cũng không có ngựa, cả chiếc xe đang lăn xuống dốc dài. Mặt sườn núi hình như đọng băng nên vô cùng ẩm ướt. Phía trước… nàng căng thẳng thở dốc, nhìn qua khe hở ván gỗ, mượn ánh trăng nhìn rõ liền mở to mắt.
Phía trước là vách núi dựng đứng.
Cửa sổ bị bít, nàng không thể nhảy xe, trong tay lại không có vật gì, nàng dùng tay không bẻ tấm gỗ nhưng dùng hết sức mà nó vẫn không chút lung lay.
Thấy vách núi càng lúc càng gần, trong cơn tuyệt vọng, Nguyên Tứ Nhàn chợt nghe phía sau có tiếng vó ngựa vọng tới.
Nàng quay phắt đầu, chỉ trong nháy mắt, người phía sau đã đuổi kịp xe ngựa nhưng hình như không thể cản thế xe, bèn rút đao khi ngựa vẫn đang phi nhanh, quát nàng:
– Tránh ra!
Nguyên Tứ Nhàn vội tránh, ánh đao trong tay hắn lóe lên, bổ xuống một đao như xẻ núi.
Đao chém vào gỗ, cửa xe lập tức vỡ vụn.
Hắn duỗi tay về phía nàng:
– Đưa tay cho ta!
Nguyên Tứ Nhàn nhanh chóng vươn tay, được hắn kéo vào lòng, nhưng vì vẫn đang lao về trước theo quán tính nên kéo hắn ngã ngựa theo.
Hai người lăn xuống bên vách núi, một tay hắn bảo vệ đầu nàng, một tay ra sức cắm đao vào đất.