Người chết đã chết, nhưng người sống phải tiếp tục sống. Nguyên Tứ Nhàn nỗ lực xốc lại tinh thần, sai người thu xếp ổn thỏa cho Trịnh Trạc, bảo vệ Trịnh Hoằng, sau đó cùng Nguyên Ngọc thúc ngựa lao đi.
Họ nhận được tin ba ngày trước Tế Cư xuất cảnh, lão vương Nam Chiếu bí mật đến hoàng thành, liên hệ với bộ hạ cũ, hiện đã khơi dư luận trong cung, sẵn sàng trục xuất nghịch tử khỏi Nam Chiếu.
Quả pháo Lục Thời Khanh chôn từ lâu, cuối cùng đã nổ đúng thời điểm. Cả nước chấn động, lão vương được sự ủng hộ từ số đông trong vương đình Nam Chiếu sừng sững mấy chục năm trong khi các quan dưới trướng Tế Cư hết đường chối cãi. Nếu họ dám nói chuyện ám sát là do Đại Chu làm thì chẳng khác nào thừa nhận Tế Cư vì mưu vị mà thông đồng với địch phản quốc, tình thế ngược lại càng thêm bết bát.
Nguyên Tứ Nhàn biết, cơ hội đến rồi. Tế Cư đang ở ngoài biên cảnh, phía sau không còn Nam Chiếu làm lá chắn, chắc hẳn lúc này chẳng hơi sức đâu dòm ngó Đại Chu.
Hai người mang thuộc hạ chạy theo hướng Trịnh Trạc tới, nhận được tin báo, xác nhận được vị trí của Thập Thúy và Tào Ám. Nguyên Ngọc muốn quay ngựa đuổi theo thì bị Nguyên Tứ Nhàn ngăn cản:
– Khi tin tức Nam Chiếu truyền ra là Tế Cư đoán được ngay Thập Thúy là bẫy của chúng ta, hiện tại chắc chắn đã cách xa nàng ấy.
Nguyên Ngọc vỗ đầu tỏ ý mình ngớ ngẩn.
Nguyên Tứ Nhàn nói tiếp:
– Bốn năm trước, muội từng giao thủ với hắn ta một lần ở Điền Nam. Lúc đó muội mang quân chi viện gấp cho cha, hắn ta bại trận tháo lui, muội thừa thắng xông lên, nhưng cuối cùng do trình độ chênh lệch nên muội không thể bắt hắn ta. Mà sở dĩ hắn ta có thể chạy thoát là do từ đầu đến cuối luôn bám riết phía sau đại quân nên muội không nhìn thấy. Vừa to gan vừa thực dụng.
– Ý muội là hắn ta giở trò cũ?
– Hiện tại đương nhiên là không. Nhưng nếu chúng ta phái nhiều nhân thủ rầm rộ sục sạo khắp nơi như ruồi mất đầu, chưa chắc không thể dẫn hắn ta ra sau. Con người khi đến bước đường cùng, điều đầu tiên nghĩ tới luôn là chiêu quen thuộc nhất của bản thân.
Hai huynh muội bàn bạc xong thì giao cho Nguyên Ngọc làm ruồi mất đầu, còn Nguyên Tứ Nhàn dẫn người mai phục trong bóng tối, cứ thế sau một ngày một đêm, trưa hôm sau quả nhiên có tung tích Tế Cư.
Cái gọi là ẩn ở phía sau đương nhiên không chỉ khoảng cách bám đuôi. Tế Cư, tùy tùng của hắn ta và một chiếc xe ngựa tinh xảo xuất hiện sau Nguyên Ngọc khoảng mười dặm, Nguyên Tứ Nhàn nhắm được một nơi có địa thế vừa dựa núi vừa có nước bao quanh, bảo Trần Triêm bọc đánh qua.
Song phương nhanh chóng bao vây xe ngựa, bắt đầu giao thủ.
Bên Tế Cư vốn toàn những tay thiện chiến nhưng bọn Trần Triêm vừa trải nỗi đau mất Trịnh Trạc, hiện đang đỏ mắt muốn phanh thây xé xác hắn ta nên đánh giết với khí thế như hổ thét sói gầm.
Nguyên Tứ Nhàn dẫn theo vài người cầm cung tên mai phục bên sơn đạo lưng chừng dốc. Nàng biết, với sự nhạy bén của Tế Cư, hắn ta chắc chắn biết rõ nàng ở chỗ nào, mà mục đích nàng mai phục cũng không phải nhằm đánh úp mà nhằm phân tán sự chú ý của hắn ta.
Nàng ở lưng chừng dốc, dù lực tay Tế Cư mạnh đến mấy cũng không thể bắn tên tới, bởi vậy hắn ta không giết được nàng. Mà không giết được thì phải thời thời khắc khắc đề phòng, tránh để nàng nắm lấy sơ hở. Lúc hắn ta bó tay bó chân chính là thời cơ để Trần Triêm lợi dụng.
Nguyên Tứ Nhàn ở chỗ cao dán mắt nhìn chiếc xe ngựa đứng yên kia.
Tế Cư chạy trốn còn mang theo xe ngựa, theo lý thuyết là vì trong xe giấu Thiều Hòa hoặc hoàng hậu có thể làm lá chắn, nhưng nãy giờ hắn ta không hề đưa hai người họ ra. Rốt cuộc vì chưa đến đúng thời điểm hay vì Thiều Hòa và hoàng hậu đã được Trịnh Trạc cứu, đây chỉ là cái bẫy?
Với tính tình gian xảo của Tế Cư, chưa hẳn không phải là vế sau.
Nàng nhìn chăm chăm vào màn xe, khóe mắt vẫn dõi theo cuộc chiến, mãi đến khi Trần Triêm chiếm thế thượng phong, Tế Cư không thể không mượn xe ngựa để ngăn thế tiến công rồi lấy ngựa quay đầu bỏ chạy.
Xe ngựa bị hắn ta đá về phía bờ sông, bên trong lập tức vang lên tiếng kêu sợ hãi của nữ tử, cùng lúc đó, màn xe hơi mở ra, Nguyên Tứ Nhàn luôn dán mắt vào thấy người bên trong chỉ là thế thân do Tế Cư an bài thì nhanh chóng cao giọng hô:
– Mặc kệ!
Trần Triêm vừa toan cứu xe tức khắc hoàn hồn, cầm đao chém lao về trước. Nhưng Tế Cư đã xoay người lên ngựa, vung roi phi ngựa đi cả trượng.
Nguyên Tứ Nhàn nhanh chóng lắp cung giơ lên bắn, kế đó, hai tiếng “phập” ghim vào da thịt vang cùng lúc, một mũi tên bắn từ sau lưng và một mũi tên bắn từ trước ngực Tế Cư.
Mũi tên bắn từ phía trước là của nàng, còn mũi tên bắn từ phía sau?
Tế Cư rơi từ trên ngựa xuống. Nàng kinh ngạc ngẩng đầu, thấy một người cầm cung trên sơn đạo phía trước chậm rãi đi về phía hắn ta, sau đó đứng trước mặt hắn ta nói câu gì đấy.
Là Lục Thời Khanh vừa từ Hồi Hột chạy về.
Nguyên Tứ Nhàn nghèn nghẹn nơi cổ họng, nhớ lại khẩu hình của y, biết câu y nói là: “Ngươi cũng chịu những gì hắn từng chịu đi.”
Vị trí sau lưng giống hệt, nàng không biết y hận cỡ nào mới lựa chọn hại người từ sau lưng.
Lúc Nguyên Tứ Nhàn xuống, Tế Cư đã tắt thở, bị một nhóm binh sĩ Nam Chiếu cũng đang truy bắt hắn ta kéo xác đi. Hai mắt Trần Triêm đỏ như máu, giơ đao muốn chém xác hắn ta cho hả giận thì bị mấy thuộc hạ còn tỉnh táo ngăn lại.
Bỏ đi.
Vô dụng thôi.
Nguyên Tứ Nhàn đứng xa xa trên sơn đạo nhìn một đại nam nhân như Trần Triêm ngồi dưới đất khóc không thành tiếng, nắm đấm thi nhau nện xuống bùn đất.
Lục Thời Khanh đứng đó cúi đầu nhìn hắn, mặt không gợn sóng.
Nhưng Nguyên Tứ Nhàn biết, y càng bình tĩnh thì càng bức bối, mặt càng không cảm xúc thì sóng lòng càng dữ dội. Y thậm chí không phát hiện nàng xuống núi.
Nàng đứng yên đấy, không lại gần ngay. Hồi lâu sau, Trần Triêm bình tĩnh lại, từ từ đứng dậy quỳ trước mặt Lục Thời Khanh nói:
– Lục thị lang, điện hạ có món đồ giao cho ngài.
Dứt lời, hắn lấy từ trong áo giáp ra một phong thư đã cất từ lâu, cúi đầu trịnh trọng dâng lên.
Lục Thời Khanh trầm mặc một lúc mới đưa tay đón lấy, nghe hắn nói:
– Điện hạ nói, vào đêm trước khi rời kinh, ngài từng giao cho điện hạ một chiếc hộp, trong hộp có văn thư ghi lại đủ chuyện xấu xa dơ bẩn cùng hàng loạt chứng cứ phạm tội của tiên đế. Ban đầu điện hạ không hiểu ý ngài nên bỏ phế chiếc hộp đó, đồ vật bên trong dù chính xác đến mấy cũng vô dụng, chứng cứ đầy trời cũng không trị được tội của thánh nhân. Nhưng sau đó điện hạ hiểu ra, ngài diễn vở kịch tạo phản đưa điện hạ lên ngôi là thời kỳ đặc biệt dùng thủ đoạn đặc biệt, thủ đoạn ấy giúp được điện hạ nhưng không cứu được Đại Chu. Mà chiếc hộp trông vô dụng ấy mới là mạch máu của Đại Chu.
…
– Điện hạ nói trong vở kịch này, điện hạ diễn vai hiếu tử, nhất cử nhất động đều đại diện cho sự ủng hộ tiên đế. Điện hạ lên ngôi bất chính nên buộc phải dựa vào sự ủng hộ này, dựa vào phụ tử tình thâm để thu phục mọi người, mà điều này đi ngược với lý tưởng từ trước tới nay của điện hạ và ngài.
…
– Tiên đế đã băng hà nhưng chân tướng chưa được công khai, nếu điện hạ cứ diễn tiếp vở kịch này, con cháu hậu thế Đại Chu sẽ mãi mãi không biết rốt cuộc vì sao Đại Chu suy đồi đến mức ấy, mãi mãi không hiểu đạo làm một vị vua chân chính. Họ chỉ nhớ vào thời tiên đế có một thần tử đầy quyền thế tạo phản suýt khiến vương triều đổi họ, bởi vậy, họ sẽ tiếp tục đi theo con đường “thuật cầm quyền” của tiên đế, các triều thần vẫn tiếp tục hãm sâu vào đấu tranh đảng phái. Như thế, dù Đại Chu may mắn chịu đựng qua thời điện hạ cũng sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh vong quốc.
…
– Điện hạ nói ngài hiểu rõ điều này nên mới giao hộp cho điện hạ, mong chờ ngày điện hạ vững gót chân, không còn sợ ô danh “lên ngôi bất chính”, đủ bản lĩnh làm một đế vương, một nhi tử xưa nay chưa từng có mà chiêu cáo tội ác của tiên đế, thức tỉnh các triều thần và người trong thiên hạ. Như vậy, Đại Chu mới thực sự có hi vọng.
…
– Ngài tin tưởng điện hạ đến thế, nhưng điện hạ nói ngài ấy không thể tin tưởng chính mình. Điện hạ muốn xứng đáng với ngài nhưng năm tháng qua đi, lòng người dễ đổi, ngồi ở vị trí cao, dù máu nóng đến đâu cũng có thể dần dần nguội lạnh. Công bố tội trạng của tiên đế chẳng khác nào tự tay lật đổ bản thân. Khi bị quyền thế tanh tưởi bủa vây, liệu điện hạ còn có thể cầm chiếc hộp này với đầy nhiệt huyết như hôm nay không?
…
– Vở kịch này một khi đã diễn là có thể mãi mãi không hạ màn. Cho nên điện hạ không muốn đợi, mà Đại Chu cũng không thể đợi, nếu đã do điện hạ sinh ra thì chi bằng làm ngay hiện tại. Trong mấy ngày rời kinh “truy sát” ngài, điện hạ đã tự tay viết bức tội văn này vạch trần những chuyện xấu của tiên đế và giao cho tiểu nhân.
Nói tới đây, mắt Trần Triêm lại đỏ lên, nghẹn ngào nói:
– Có lẽ điện hạ không hề nghĩ sẽ sống sót quay về nên đã giao phó xong hết thảy, bao gồm cả các triều thần dưới trướng. Sau bức tội văn và chiếc hộp thì cái chết của điện hạ chính là đòn đánh thứ ba càng mạnh mẽ càng khốc liệt vào Đại Chu. Phần điện hạ viết về ngài trong văn thư cũng đủ chính danh cho ngài, cộng với sự ủng hộ của triều thần có thể khiến ngài quay về phò tá thập tam điện hạ. Điện hạ không muốn ép thập tam điện hạ trưởng thành nhưng không thể không làm vậy, mong ngài có thể dưỡng lão muộn mấy năm, cùng tiểu điện hạ bước qua quãng đường gian nan nhất.
Lục Thời Khanh nghe xong, trầm mặc rất lâu mới mở bức tội văn trong tay, trước tiên rút một mảnh giấy bên trong.
Trên mảnh giấy không ký tên không đóng dấu, chỉ vẻn vẹn hai dòng chữ với nét chữ thanh tú cứng cáp được Trịnh Trạc viết bằng tay trái: “Cầu nhân được nhân, chết không hối hận.”
Nguyên Tứ Nhàn lại gần cúi đầu nhìn, mũi bỗng chốc cay cay.
Lục Thời Khanh siết mảnh giấy trong tay, bảo Trần Triêm và mọi người lùi ra xa, sau đó nói với nàng:
– Đừng tự trách.
Nàng chưa nói gì nhưng y đều biết cả. Nguyên Tứ Nhàn lắc đầu, cũng không biết mình đang thể hiện điều gì.
Lục Thời Khanh thở dài nhìn nàng hỏi:
– Trong giấc mơ của nàng, ta chết khi nào?
Nàng không hiểu sao đột nhiên y hỏi vậy, bèn do dự đáp:
– Sau khi thập tam điện hạ đăng cơ không lâu.
– Triều đình trống rỗng, thập tam điện hạ vừa mới đăng cơ, ta chưa kịp ổn định triều chính thì đã chết, nàng cho rằng Đại Chu như vậy có thể chống đỡ được bao lâu? Không quá ba năm ắt sẽ vong quốc.
Nguyên Tứ Nhàn cau mày, nhất thời chưa hiểu ý y.
Y nói tiếp:
– Nhưng bây giờ thì khác. Trong giấc mơ của nàng, A Trạc chết bất đắc kỳ tử, không làm được gì cả, Đại Chu đi đến hồi kết, mỗi người chúng ta đều hi sinh uổng phí. Nhưng bây giờ…
Y đưa mảnh giấy trong tay lên:
– …hắn dùng cái chết để thức tỉnh trên dưới triều đình, ta cũng sẽ theo thập tam điện hạ phục hưng Đại Chu mãi đến khi nhìn thấy ánh mặt trời.
Y đưa tay phủ lên tóc mai nàng:
– Nên nàng đừng tự trách, nhờ những thay đổi của nàng, hắn cầu nhân được nhân, tương lai của Đại Chu cũng sẽ thay đổi. Yểu Yểu, hãy xốc lại tinh thần, chúng ta về thôi.
Trái tim ngột ngạt cả ngày của Nguyên Tứ Nhàn như đột nhiên sống lại, nàng ra sức gật đầu:
– Về thôi, về lại kinh thành.
Bảy ngày sau, ngày tháng , thập tam hoàng tử của Đại Chu lên ngôi, truy phong lục hoàng tử Trịnh Trạc làm Đức vương ngay trong đại điển đăng cơ. Kế đó, tiền trung thư thị lang khẩn xin diện thánh, mang theo một chiếc hòm nặng trĩu, bất chấp cái nhìn trố mắt của cả sảnh đường, tuyên đọc bản tội văn của Đức vương đã qua đời vì cứu bệ hạ.
Ba ngàn chữ lưu loát vạch trần tội trạng của tiên đế, kể lại chân tướng vụ tạo phản, lời y vừa dứt, cả sảnh đường im phăng phắc, vẻ mặt hoàng đế nhỏ tuổi đầy nghiêm túc, ban ý chỉ thứ hai từ khi đăng cơ, thăng Lục thị lang làm trung thư lệnh Đại Chu, toàn quyền xử lý vụ án này để báo với hồn thiêng của Đức vương.
Đó là năm Trường Thanh thứ nhất.
Bảy năm sau, mùa hạ năm Trường Thanh thứ tám, một chiếc xe ngựa có ký hiệu Lục phủ lặng lẽ chạy khỏi cửa hông.
Trong xe ngựa vang lên tiếng lẩm bẩm của nữ tử:
– Thiếp không ăn cái này đâu, muốn ăn đồ chua cơ.
Kế đó là một giọng nam nghi hoặc:
– Năm xưa nàng mang thai Nguyên Thù Nguyên Trăn, ta đâu nhớ nàng kén ăn vậy nhỉ?
– Năm đó mới về nhà chàng mà, phải để lại ấn tượng hiền lương thục đức cho mẹ chứ.
Nói xong nàng lại oán trách:
– Mà thiếp mang thai đứa bé này, sao cứ phải đi xa xôi về Lạc Dương của chàng an dưỡng chứ?
Trong xe ngựa, Lục Thời Khanh bưng bát cháo, thở dài không biết nên đặt xuống hay nên múc:
– Sợ nàng lâm bồn xung khắc với Trường An đấy thôi.
Nguyên Tứ Nhàn bĩu môi:
– Theo thiếp thấy, chàng nhờ phúc của thiếp đòi nghỉ đẻ, sau đó mượn đà ở lì không về kinh thành nữa thì có. Thiếp cho chàng hay, bệ hạ tuy nhỏ tuổi nhưng gian manh lắm, không để Nguyên Thù thoát khỏi tầm mắt đâu, chàng thật sự có thể đưa cả nhà lặng lẽ đi à?
Lục Thời Khanh tức giận nghiến răng, húp sạch cháo vốn chuẩn bị cho nàng, ra vẻ kiểu gì cũng phải đi:
– Ta chuẩn bị thư từ quan xong rồi.
Nguyên Tứ Nhàn nhìn y, thấy hơi buồn ngủ bèn ngả đầu vào lòng y:
– Thiếp ngủ một lát, đến nơi thì gọi thiếp dậy.
Y ừ, để nàng dựa vào rồi lẳng lặng suy tính kế sách từ quan chu toàn.
Nguyên Tứ Nhàn thoải mái thiếp đi, giấc ngủ này, nàng lại nghe tiếng nước róc rách đã lâu không gặp.
Vì thời gian đã trôi qua bảy năm nên nàng chưa phản ứng được ngay, mất một lát mới nhận ra mình lại nằm trong tảng đá nơi cầu Lộc.
Lần này tiếng động trên cầu rất lớn, giống như có một đội kỵ binh mấy vạn người đi qua. Pha lẫn giữa tiếng vó ngựa đinh tai nhức óc là tiếng chói tai của binh khí ma sát với đá mang theo sức mạnh tàn phá và giọng nói của người dị tộc.
Nàng chợt hiểu, dị tộc xâm lược Đại Chu đã giết tới Trường An.
Thân cầu dao động mạnh giữa vô số tiếng la hét chói tai, bụi đá rơi xuống, cuối cùng cầu rầm rầm sụp đổ.
Tảng đá nơi nàng ở cũng rơi “tõm” xuống nước theo, hồn phách nàng từ từ bay lên khỏi mặt nước tới giữa không trung.
Lần đầu tiên nàng nhìn thấy trong mơ là thấy cảnh thành Trường An thây chất đầy đường, máu chảy thành sông, Đại Minh cung hừng hực lửa, Trịnh Hoằng chín tuổi máu me be bét bị người dị tộc áp giải ra đạp xuống đất.
Nguyên Tứ Nhàn giật mình tỉnh dậy, suýt không phân biệt được đâu là mơ đâu là thực, nàng vén rèm xe nhìn ra bên ngoài.
Lục Thời Khanh hỏi nàng sao thế.
Nàng hoàn hồn, hiểu rõ đầu đuôi. Trịnh Hoằng trong mơ mang dáng dấp chín tuổi, nghĩa là ở kiếp trước, năm Trịnh Hoằng chín tuổi, Đại Chu vong quốc.
Nhưng giờ Trịnh Hoằng đã mười ba tuổi.
Xe ngựa đúng lúc đi ngang cầu Lộc, sông Lộc bên ngoài trong xanh lững lờ chứ không nhuốm đầy máu đỏ như mơ, đóa hòe trắng trên cây hòe xa xa tỏa hương thơm ngát, dân chúng đón chào vầng dương buổi sớm, niềm nở rao hàng bên dưới tàng cây.
Kiếp này an ổn, mọi điều tốt đẹp.
Nàng lắc đầu đáp không có gì, mắt dõi nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt trên thành Trường An.
Trịnh Trạc, ngươi nhìn đi, bảy năm rồi, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, họ đã khiến Đại Chu trở thành dáng dấp như ngươi muốn.
Lời tác giả:
Kết thúc truyện rồi, để tôi nói vài lời về nguyên nhân sắp xếp nội dung như vậy nhé.
Trên thực tế, một cá thể nhỏ bé không thể nào chống lại lịch sử, nhưng đã là tiểu thuyết thì tôi muốn cho phép có chủ nghĩa anh hùng theo cách lố không quá mức. Lố không quá mức tức là không có một bước lên trời. Do đó tiểu thuyết này không đi theo hướng sảng khoái, ngược lại, nhân vật chính thường xuyên rơi vào thế bị động, con đường thay đổi lịch sử đầy chông gai và biến đổi bất ngờ.
Bởi thứ họ khiêu chiến không chỉ là tiểu nhân thời loạn mà còn là dòng chảy của thời đại nên mới vô cùng gian nan. Tôi nghĩ, nếu dễ trở mình thì kiếp trước nữ chính cũng không thê thảm đến thế.
May mà cuối cùng đã thành công, dù có máu đổ có hi sinh, nhưng cũng có cầu nhân được nhân. Đây là số mệnh và lựa chọn mà tôi giao cho nhân vật, cũng là giá trị mà tôi thiết lập. Đương nhiên, mỗi người mỗi trải nghiệm mỗi quan điểm riêng, tôi không ép tất cả mọi người đều công nhận.
Có lẽ nhiều độc giả tiếc nuối giá như Trịnh Trạc không chết. Tuy tôi lập ra một kết cục không hoàn mỹ nhưng không đến mức nói tàn nhẫn rằng “tuyệt đối không có giá như”, cũng không dùng đáp án chuẩn để gò bó mọi người, thế nên khả năng tồn tại một thế giới song song sẽ để mọi người tưởng tượng vậy.
Cuối cùng, cám ơn mọi người đã ủng hộ và đồng hành suốt chặng đường, ai thấy không hợp thì chia tay trong vui vẻ, còn thấy hợp thì hẹn gặp ở truyện sau, tôi sẽ cố gắng viết một câu chuyện hay hơn nhé.
Lam:
Xin mượn chút đất để thổ lộ ít quan điểm cá nhân. Lam không thích thể loại truyện trùng sinh (qua những tác phẩm trùng sinh từng đọc), một vì nhân vật chính kiếp trước ngu ngốc, được sống lại tự dưng được thay luôn bộ não, cảm thấy điều này quá nực cười; hai vì trí nhớ kinh khủng đến mức bất thường của nhân vật chính, bản thân Lam hôm qua ăn gì chưa chắc hôm nay nhớ, thế mà mấy nhân vật trùng sinh lại nhớ rõ các sự kiện đến từng chi tiết một, điều này quá vô lý; ba vì cảm thấy mỗi người nên tự chịu trách nhiệm cho hành vi của chính mình, nhân vật chính ngu ngốc, tin người nên gặp họa thì tự chịu trách nhiệm cho hành vi đó.
Nhưng đối với truyện “Thiếp định chàng rồi quyết chẳng buông” này, Lam lại rất thích và ấn tượng. Ngoài những điều như văn phong dí dỏm, tính cách nhân vật thú vị, xây dựng tình huống hấp dẫn, điều khiến Lam ấn tượng nhất là nhân vật trùng sinh trong truyện: Tứ Nhàn và Thiều Hòa. cô gái này đều được trùng sinh, đều nhận được may mắn hiếm có khi biết trước “số mệnh”. Nhưng cách mà cô gái phản ứng với may mắn này hoàn toàn trái ngược: Thiều Hòa lựa chọn chấp nhận số phận, Tứ Nhàn lựa chọn thay đổi số phận.
Thiều Hòa cam chịu, ngày ngày sống trong đau thương buồn khổ, cúi đầu trước số phận đã an bài, bởi thế cả kiếp đều long đong, khổ sở. Trong khi Tứ Nhàn lựa chọn hành động để cố gắng thay đổi, không để điều bất hạnh trong kiếp trước tái diễn. Và cô đã thành công.
Từ đó cho thấy, thái độ sống là điều vô cùng quan trọng. Khi cuộc đời thảy cho một quả chanh chua chát, chấp nhận bị axit của chanh bào mòn hay tìm cách biến nó thành cốc nước chanh ngon nghẻ là do chính bản thân mình. Đây là điều Lam thích nhất ở truyện.
Một điều khác là như tác giả đã thổ lộ, các nhân vật trong truyện tuy có hào quang nhân vật chính nhưng không tới mức quá lố, khó chấp nhận. Lam không thích các truyện thổi phồng nhân vật chính quá mức, khiến lịch sử thay đổi chỉ vì một cá nhân. Chẳng hạn một cô gái hiện đại xuyên không về quá khứ đòi lập chế độ nữ quyền, đòi cho nữ vào triều làm quan, đòi thực thi chính sách vợ chồng… thì cái con đó bị xã hội thời đó đưa lên giàn hỏa thiêu là kết cục hoàn toàn xứng đáng.
Lan man quá, tóm lại đối với Lam, “Thiếp định chàng rồi quyết chẳng buông” là một quyển tiểu thuyết hay, thú vị, đương nhiên không phải kiệt tác hoặc hoàn toàn không có sai sót nào. Tuy nhiên, nếu chỉ muốn một quyển tiểu thuyết để giải trí thư giãn thì nó là một lựa chọn không tồi.