Thiết Tha

chương 4: chương 4

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Edit by Lơ

Beta by Bluerious

_________________

Bầu không khí trong xe cực kì yên tĩnh, Tân Hồng vừa đi tham gia một buổi huấn luyện của hiệp hội về, đã lâu không đi đón con trai, giờ thấy hai người xa cách thế này thì không nén nổi tò mò: “Sao lại không nói gì? Có trái cây và đồ ăn vặt đấy, bé Văn ăn đi.”

“Vâng ạ, cháu cảm ơn dì Tân.” Văn Khâu cầm lấy một quả cam.

Tân Hồng nhìn thấy động tác của cậu trong gương chiếu hậu bèn nói: “Hình như không có dao.”

“Không sao đâu ạ, để cháu lột ra.” Văn Khâu lăn trái cam trên tay vài lần, cho đến khi vỏ mềm hơn rồi dùng tay bóc nó.

Nhưng cậu không ăn mà đưa cho người bên cạnh.

Không gian ở hàng ghế sau rộng lớn là vậy, nhưng ngay khi vừa lên xe Văn Khâu đã ngồi ngay sát, hai chàng trai chạm chân nhau.

Tống Tông Ngôn không cầm quả cam ngay sát mình kia: “Tôi không ăn.”

Văn Khâu chậm rãi ồ lên, thu tay về rồi tự mình ăn.

Cậu ăn gì cũng rất chậm, Trữ Văn Hinh thường bảo đây là tác phong của người trưởng thành.

Trữ Văn Hinh rất thích tâng bốc cậu, không có lý do gì hết, nhưng không phải là kiểu hâm mộ hay thích của con gái với con trai.

Tống Tông Ngôn từng nghĩ rằng Trữ Văn Hinh đang theo đuổi cậu.

Văn Khâu suýt thì sặc, miệng nói cậu thật là…

Nhưng thật là gì thì Văn Khâu chẳng nói.

Ăn một trái cam lâu như vậy, trong miệng có vị chua chua ngọt ngọt.

Văn Khâu dùng cùi chỏ chạm vào người bên cạnh: “Lấy giúp tớ một tờ giấy.”

Tay cậu đang nhỏ nước, hương trái cây tràn ngập trong xe.

Tống Tông Ngôn lấy một tờ giấy cho cậu, lúc Văn Khâu nhận, không biết cố ý hay vô tình mà chạm vào người kia một xíu.

Một ít nước ươn ướt dính lên bàn tay sạch sẽ và mảnh mai của Tống Tông Ngôn.

Hắn trừng mắt nhìn cảnh cáo Văn Khâu rồi rút tay về.

Văn Khâu nở nụ cười: “Thật xin lỗi, tớ làm bẩn tay cậu rồi.”

“Không sao.” Tống Tông Ngôn lau nước trên tay.

Tân Hồng không để ý đến bầu không khí kỳ lạ ở ghế sau, vẫn mời: “Tối nay bé Văn có muốn đến nhà dì ăn tối không, ăn xong dì bảo Tông Ngôn đưa cháu về.”

Tống Tông Ngôn nhìn điện thoại của mình như thể hắn không muốn đáp lời, một sự kháng cự trong lặng im.

Văn Khâu liếc mắt rồi nói: “Không cần đâu dì, nhà cháu còn đang chờ cháu về ăn cơm.”

Tân Hồng cười nói vậy cũng được, sau đó nhắc lại sự thô lỗ của Tống Tông Ngôn hôm nay.

Văn Khâu nói: “Là do cháu làm cậu ấy giận.”

Tân Hồng quan tâm hỏi: “Sao vậy?”

“Buổi tối cháu làm ồn quá, ảnh hưởng đến giấc ngủ của cậu ấy.”

“Thằng bé ngủ khá nông, thỉnh thoảng bị vậy đấy.” Tân Hồng nói: “Nhưng bạn bè với nhau không nên so đo việc nhỏ ấy.

Đúng không, Tông Ngôn?”

Tống Tông Ngôn ậm ừ một cách miễn cưỡng.

Khu vực thương mại của thành phố đất chật người đông, lại làm phiền người khác.

Văn Khâu bèn bảo Tân Hồng thả mình xuống ở bên dưới cầu vượt.

Cậu sống trong một khu nhà cũ ở trung tâm thành phố, đường xá chật hẹp, kẹt xe khiến ô tô ra vào rất khó khăn.

Tân Hồng dặn dò cậu đi đường cẩn thận mấy lần rồi phóng xe đi.

Văn Khâu đứng đó nhìn theo chiếc xe khuất bóng.

Sau khi Văn Khâu rời đi, trong xe bỗng im bặt, Tân Hồng biết con trai mình không thích nói chuyện bèn kể cho con nghe về trải nghiệm của chuyến tập huấn lần này.

Thỉnh thoảng Tống Tông Ngôn đáp lại một hai câu, nhưng không hề nhiệt tình.

Vẫn còn một chút hương trái cây phảng phất trong xe, chua chua ngọt ngọt, mãi không bay mất.

Dẫu khu nhà đã có tuổi nhưng cơ sở vật chất và môi trường ở mức chấp nhận được.

Tuy nhiên, Văn Khâu sống trong một tòa nhà hai tầng màu xám khá lạc lõng.

Nhìn từ bề ngoài, người ta biết nó đã xuống cấp, việc phá dỡ chỉ là vấn đề thời gian.

Cửa nhà có một ổ khoá nhỏ, lỗ khóa rất khó sử dụng, Văn Khâu phải mất năm sáu phút mới mở được.

Cửa lầu một đóng chặt, Văn Khâu đi thẳng lên lầu hai.

Những bậc cầu thang bằng gỗ đã xuống cấp, phát ra tiếng kêu cót két khi đặt chân lên.

“Lại không bật đèn nữa.” Văn Khâu đẩy cửa vào, nhìn thấy cảnh tượng trong phòng thì lập tức ấn công tắc trên tường, căn phòng bỗng chốc sáng bừng.

Cụ già vẫn đang ngồi lặng yên may vá nói: “Trời đất! Sáng vậy, bệnh lão thị của bà có chịu nổi đâu.”

“Vậy cũng đâu thể chỉ mở một chiếc đèn bàn chứ.” Văn Khâu đặt cặp sách xuống.

Bà cụ bỏ miếng vải trong tay xuống rồi đứng dậy, quay sang chào: “Con về rồi, đồ ăn trong bếp còn ấm đấy!”

“Con không đói, lát con ăn sau.” Văn Khâu nói.

Nhưng bà cụ hoàn toàn không nghe thấy, một mình bước vào bếp.

“Bà ơi.” Cậu hét lớn.

“Đây!” Lần này dường như bà đã nghe thấy.

Văn Khâu định nói chuyện với bà bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng sau khi nghĩ lại thì từ bỏ, để bà nội mang đồ ăn ra.

Chỉ có hai món đơn giản thêm một bát canh, nước trông cũng không ngon cho lắm mà đen sì.

Nhưng Văn Khâu đã ăn hơn mười năm nên quen từ lâu rồi.

“Hôm nay con về sớm hơn mọi khi nhỉ!” Bà cụ ngồi xuống, nhặt tấm vải đã xong được một nửa trên bàn làm tiếp.

“Dạ, đi nhờ được xe của bạn.”

“Ở trường một tuần chắc ăn không ngon hả, gầy rồi.”

“Dì nhà ăn nấu ngon hơn bà mờ.”

“Không ai bắt nạt con đâu đúng không?”

“Con được yêu quý như vậy, ai bắt nạt làm gì đâu.” Văn Khâu chọc hột cơm, nhẹ nhàng nói: “Nhưng cũng có một người, bà gặp rồi ạ, cậu ấy làm con buồn nhiều lắm.”

Một người may vá, một người cúi đầu ăn cơm.

Hai người họ nói chuyện với nhau theo kiểu ông nói gà bà nói vịt cả buổi.

Bà cụ mở mảnh vải sắp hoàn thành ra: “Giúp bà xem xem hoa thêu chỗ này có đẹp không?”

“Xấu quá.” Văn Khâu nhìn cho có lệ.

Bà lão ngẩng đầu, dùng đôi mắt vẩn đục trừng cậu: “Xấu chỗ nào?”

“… Bà điếc thật hay giả vậy ạ?” Văn Khâu vẫn rén với bà.

Chỉ có một già một trẻ sống trong căn phòng này.

Bức tường ngay đối diện cửa có treo ba bức ảnh đen trắng, ai bước vào nơi này lần đầu tiên đều sẽ bị doạ nhảy dựng, nhưng chủ nhân nhất quyết phải treo chúng như thế.

Bà cụ do tuổi tác đã cao nên thính lực yếu dần, phải lại gần nói to thì bà mới nghe được, tất nhiên, cũng có những lúc bà nghe rất rõ — Ví dụ như khi bạn nói xấu bà.

Đúng là tốt không linh xấu lại linh.

Văn Khâu dọn dẹp bàn ăn xong, bà cụ còn đang nghiên cứu mảnh vải, cậu nói: “Bà nội, bà có muốn đi ra ngoài đi dạo không ạ?”

Bà cụ nghe không rõ, nghiêng người lại gần đèn hơn để xâu kim.

Văn Khâu thấy vậy bèn giúp bà làm luôn.

“Quả là tuổi trẻ mắt sáng.”

“Bà có muốn ra ngoài đi dạo không ạ?” Văn Khâu làm vài động tác.

“Có.” Bà cụ nhìn rõ, “Đưa khăn quàng cổ và găng tay cho bà.”

Bà cụ rất giữ thể diện, khi đi ra ngoài phải ăn mặc chỉnh tề.

Bà từng làm công việc hành chính ở một bệnh viện công, vốn sau khi nghỉ hưu bà có thể sống rất thoải mái, nhưng chồng mất sớm, hai đứa con trai cũng vậy, chỉ có một đứa cháu là Văn Khâu nhưng cũng không phải ruột thịt.

Tính bà cố chấp, lại không thích sống trong khu nhà cao tầng kia, nhất quyết chọn ở trong ngôi nhà cũ kỹ và đổ nát này.

Bên ngoài trời nổi gió, Văn Khâu sợ bà chịu không nổi nên hai người chỉ đi dạo quanh công viên sinh thái gần nhà rồi trở về.

Kết quả, Văn Khâu chịu không nổi trước, vừa về đã ho khan.

Bà cụ nói: “Tuần trước con về đã ho rồi đúng không?”

Văn Khâu ra hiệu nói phải.

“Ỷ còn trẻ mà mặc phong phanh như vậy.”

Văn Khâu ho khan hai tiếng, cũng chẳng để ý nhiều, vào phòng làm việc riêng.

Mãi mới được nghỉ nửa ngày, cậu cũng không có ý định học, điện thoại di động là mẫu từ mấy năm trước, cậu chỉ có thể chơi một số trò chơi đơn giản.

Tôn Thế Lâu gửi tin nhắn nói rằng cuộc thi bơi tối nay thật sự rất đã ghiền, rất nhiều người đẹp với thân hình nóng bỏng.

Anh ta nói chuyện về cơ thể phụ nữ với gay — Văn Khâu cười giễu, cũng chẳng rep.

Giao diện tin nhắn lộn xộn, cậu không có thói quen xóa tin nhắn, tên Tống Tông Ngôn phải lật xuống mấy trang mới thấy được.

Nhật ký trò chuyện dài đến nỗi không thể đọc hết trong một sớm một chiều.

Bình thường Tống Tông Ngôn đã ít nói rồi mà lúc nhắn tin còn hơn thế nữa.

Tin nhắn của hắn luôn ngắn gọn và đơn giản, nhưng cậu hỏi câu nào cũng đều được trả lời, hầu như không bao giờ để Văn Khâu tự hỏi tự đáp.

Văn Khâu nằm trên giường, điện thoại đặt trong lòng.

Đang chuẩn bị ngủ say thì có người đẩy cửa bước vào, khiển trách: “Đã ho rồi còn ngủ như thế này nữa.

Lấy chăn bông đắp vào.”

Văn Khâu bị đánh thức.

“Tự ăn một phần.” Bà cụ đưa cho cậu một cái đĩa, “Phần còn lại đưa cho dì Vân.”

Trên đĩa là một ít lát cam muối vừa hấp, một phương pháp dân gian để giảm ho.

Hôm nay Văn Khâu ăn cam rồi, đến tối lại ăn cam muối, nhưng mùi vị của đồ muối không sánh được với trái cây tươi, cậu cau mày chậm rãi nhét vào miệng, lấy điện thoại ra gửi một tin nhắn: “Cam muối không ngon.”

Tống Tông Ngôn đang kiên nhẫn cùng em gái xếp Lego ở nhà thì điện thoại đột nhiên vang lên.

Hắn cau mày khi nhìn thấy dòng tin nhắn không đầu không đuôi này, em gái vỗ vỗ tay hắn, nôn nóng gọi: “Anh ơi, đừng nghịch điện thoại, tháp đổ rồi.”

Tống Tông Ngôn cất điện thoại đi, không trả lời, lại tiếp tục dựng tháp cùng em gái..

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio