Sẽ là một thiếu sót khủng khiếp nếu tới Barcelona mà không ghé qua các quán rượu cổ có tuổi đời vài trăm năm lịch sử ở nơi này.
Ánh sáng xanh rờn rọi lên bức tường đá theo phong cách Baroque cổ kính. Mái vòm mang hơi thở Phục Hưng đặc trưng của châu Âu quý phái lành lạnh. Đối lập với bầu không khí uy nghi trầm lặng của không gian là nụ cười tươi tắn trên môi các du khách. Khi họ ngồi tại bàn rượu riêng tư, cùng hướng mắt về phía đôi nam nữ đang trình diễn điệu Flamenco cuồng nhiệt trên sân khấu.
Paulau Dalmases Espai Barroc là một trong những quán rượu lâu đời và nổi tiếng bậc nhất tại Barcelona. Nếu bàn về bầu không khí lãng mạn say mê hay kiến trúc tuyệt đỉnh, thì không quán rượu nào trong thành phố sánh ngang với Paulau Dalmases Espai Barroc.
Một quán rượu trứ danh lại vô cùng khiêm tốn náu mình sau một cánh cửa gỗ cũ kỹ có tuổi đời trên ba trăm năm, cạnh Bảo tàng Picasso. Năm 1700 Paulau Dalmases Espai Barroc không phải là một quán rượu. Bất ngờ thay, nó đây từng là Học viện Nghệ thuật, nơi các Chính trị gia, học viên, người làm nghệ thuận hội họp và thảo luận về văn hóa. Vào thời phong kiến, đây là khu phố tập trung những gia đình, dòng tộc quyền lực nhất Barcelona. Vì vật chưa cần bước chân vào trong quán rượu, du khách đã hoàn toàn choáng ngợp bởi sự xa hoa và kỳ bí.
Từng viên gạch ở đây đều có một câu chuyện để kể.
Trong điệu nhạc Flamenco nóng bỏng, hai vũ công chuyên nghiệp thổi bay hơi thở của toàn bộ khán phòng theo mỗi lần tà váy traje de flamenca phất lên.
Đèn trong quán rượu hạ xuống mức thấp nhất. Ngoài ánh đèn xanh biếc màu sapphire hắt lên tường để khách hàng hay nhân viên phục vụ vẫn có thể nhìn đường đi lối lại. Thì chỉ duy nhất có ánh đèn sân khấu màu vàng được bật sáng, rọi lên điệu nhảy như lửa cháy của hai vũ công người Tây Ban Nha.
Trong khi toàn bộ khán giả say sưa tận hưởng màn trình diễn, thì anh hơi cụp mắt, lén quan sát gương mặt cô.
Cô để mặt mộc, khiến các đường nét trở nên nhợt nhạt trong không gian thiếu sáng. Một diện mạo vô cùng phổ thông, nhưng một khi đã gặp cô, người ta sẽ chẳng bao giờ quên được. Đôi mắt cô rực sáng, lấp lánh hơn vì sao đêm.
Gương mặt mà anh có thể ngắm nhìn cả ngày không biết chán.
Cô phấn khởi, chăm chú không dứt mắt giây nào. Đến khi điệu múa kết thúc, hai vũ công lui xuống thì cô mới quay sang nhìn anh.
Cô reo lên.
“Người yêu ơi, tuyệt quá!”
Anh mỉm cười đồng ý.
Chuyến du lịch này khiến cô vô cùng vui sướng, cả ngày cười không khép miệng. Từ sáng cô đã bay hết từ danh lam này sang thắng cảnh khác để thăm thú. Như thể trong cô có nguồn năng lượng không bao giờ cạn. Bây giờ đã hơn 11 giờ đêm mà chẳng thấy gương mặt cô đượm chút mệt mỏi nào.
Kể từ khi được ban cho cuộc đời thứ hai, cô luôn sống trong sự lo âu và đề phòng. Chưa khi nào cô được vô lo vô nghĩ mà tận hưởng cuộc sống như thế này. Cô đã uống tới ly cocktail thứ ba, và còn đang tiếp tục cao tay vẫy bồi bàn.
Cô không biết tiếng Tây Ban Nha nên giật giật tay áo anh, nhờ anh gọi đồ hộ. Nhưng anh nói.
“Uống nhiếu ngày mai sẽ mệt.”
Cô bĩu môi, mặc kệ anh. Tiếng anh không phải ngôn ngữ được học phổ biến ở Châu Âu. Nhưng cô không tin bồi bàn ở quán rượu chủ yếu phục vụ khách du lịch lại không hiểu nổi một chữ tiếng Anh.
Cậu nhân viên đến trước bàn của hai người, sẵn sàng nhận yêu cầu. Cô lưu loát gọi rượu vang. Cậu ta gật đầu, sau đó lại hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha. Một chuỗi câu rất phức tạp, cô chẳng nghe phong phanh được từ gì hết.
Cô nghệt mặt, quay sang nhìn anh, mong nhận trợ giúp.
Anh nhìn vẻ mặt ngố tệ của cô, nhìn cười.
Cậu nhân viên không giỏi tiếng Anh. Cậu ta nghe loáng thoáng được từ “wine”, tức là “rượu vang” liền hiểu ý. Nhưng ở quán rượu cao cấp này có biết bao loại vang, cậu nhân viên bèn hỏi cô muốn gọi loại vang nào. Cậu bồi bàn không nói được tiếng Anh liền thả ra ngay một tràng tiếng mẹ đẻ. Điều ấy thành công khiến cô ngơ ngác.
Anh còn muốn trêu chọc cô thêm. Nhưng cô vừa giương đôi mắt cún con tội nghiệp, anh liền bại trận, giơ hai tay xin hàng. Anh gọi cho cô một ly Rioja Alta – hãng rượu vang trứ danh của chính đất nước Tây Ban Nha, cũng đĩa phô mai hợp vị để ăn kèm.
Khi bồi bàn đặt hai thứ này lên bàn, mắt cô sáng rực nhìn chúng, sau đó chuyển sang phía anh. Cô ôm chầm lấy cánh tay anh.
“Đúng là người yêu thương em nhất!”
Nói xong cô liền buông ra, hào hứng vừa nhâm nhi vừa theo dõi điệu nhảy tiếp theo trên sân khấu.
Khi họ rời khỏi quán rượu đã là một giờ sáng. Phố xá khá vắng vẻ. Xe cộ không còn, lác đác vài người bộ hành trong đêm.
Hai người lang thang trên con đường lát đá cổ kính, dưới ánh đèn đường vàng êm ả.
Bước chân của cô hơi lảo đảo. Nhưng cô không thích được anh dìu. Cô tung tăng chạy trước, suýt chút nữa lao vào cột đèn. Anh chạy tới đỡ thì thấy cô nghiêng đầu cười hì hì. Anh thở dài, nhưng ánh mắt không giấu nổi sự nuông chiều.
Anh thấp giọng. Hơi thở êm đềm như dụ dỗ âu yếm tình nhân.
“Em say rồi.”
—
Cô híp mắt, cười mơ màng. Cô không biết dáng vẻ của cô lúc này khiến người ta suy nghĩ xa xôi thế nào đâu.
“Em không say.”
Thấy ánh mắt thiếu tin tưởng của anh, cô đứng thẳng lên.
“Thật. Anh nói gì nãy giờ em vẫn hiểu hết đấy nhé!”
Tự tỏ ra bản thân vô cùng tỉnh táo xong, cô liền hành động ngốc nghếch. Cô cất giọng kêu lên một tiếng cảm thán rõ ràng. Rồi vươn vai, ngửa đầu nhìn trời đêm.
“Oa, đêm nay trời nhiều sao quá! Anh nhìn kìa.”
Anh hướng mắt lên màn đêm một giây rồi lại cúi xuống nhìn cô.
“Ừ, tôi thấy rồi.”
Cô nghiêng đầu cười ngốc, bắt đầu lảm nhảm không mục đích.
“Lão gia nhà em rất say mê thiên văn nhỉ? Tại sao thế? Anh thích thiên văn từ lúc nào?”
Mái tóc cô hơi rối, xòa ra bên má. Từ lúc ngồi trong quán rượu, anh đã cảm thấy tình cảnh của họ lúc ấy gợi nhớ anh về lần đầu gặp mặt. Ánh đèn huyền ảo, âm nhạc huyên náo. Nhưng trong không gian náo nhiệt ấy, anh và cô được bao trùm bởi một khoảng lặng. Trong mắt anh chỉ thấy cô, mọi thứ xung quanh chỉ là phong nền và dần mờ nhạt đi.
Câu hỏi của cô kéo tâm trí anh về một hồi ức còn xa xôi hơn.
Nơi ấy, vũng nước hôi hám đen ngòm ngập tới bắp chân anh. Ban đầu thì ngứa, sau vài tiếng, nó trở nên đau xót. Màn đêm buông xuống, dòng nước lạnh dần nhưng sự ngứa rát nó dành cho anh thì không giảm. Hai cẳng chân anh tê cứng, nhưng anh không thể ngồi, bởi nước bẩn sẽ ngập cả người anh mất. Anh chỉ có thể tựa vào bức tường bê tông trong không gian chật hẹp, để đỡ lấy thân mình bải hoải cạn kiệt sinh lực.
Bao quanh anh là bóng đêm tối mù. Kể cả ban ngày, nơi này vẫn đen ngòm. Bởi thứ duy nhất kết nối anh với thế giới bên ngoài là một rãnh nước nhỏ xíu trên miệng cống. Anh phải trốn dưới đó, ngậm miệng không cất ra dù chỉ là tiếng động nhỏ nhất. Bởi nỗi sợ hãi bị đám bắt cóc phát hiện.
Tiếng chuột kêu chít chít và âm thanh rẽ nước bơi của chúng khiến anh ghê sợ. Nghe nói chuột cống gặm cả chân người sống. Và rỉa xác người chết. Điều ấy có thật không? Anh rợn da gà. Liệu chúng có nhấm nháp thịt anh? Anh đuối sức rồi. Nếu lúc này một đàn chuột cống xông vào tấn công, anh chẳng đủ hơi sức mà đuổi chúng ra.
Hơi thở của anh thều thào hụt hẫng. Quanh mũi là mùi cống hôi rình.
Ngửi quen rồi thì không thấy thối nữa. Anh chỉ cảm thấy não ong lên. Trung khu thần kinh loạn, thân thể càng thêm chao đảo.
Ban đêm, không khí lạnh bốc ra từ cánh đồng hoang vắng. Cộng thêm áp lực từ không gian vừa chật hẹp, vừa hôi hám bẩn thỉu khiến tâm tư trong lòng anh bắt đầu náo loạn.
Niềm tin trong anh lung lạc dần. Miệng cống nơi anh chui vào đã bị bịt. Anh đã đứng chờ suốt một ngày, nhưng không có bất cứ kẻ nào đi qua con đường này hết! Mắt anh hoa đi, môi khô nẻ bật máu. Anh dùng lưỡi liếm chúng. Máu của cính mình là thứ anh được nếm sau nhiều ngày. Nhưng ngay sau đó, làn môi nứt toác khiến anh đau đến tỉnh người. Mà càng tỉnh táo lại thì càng cảm thấy bi kịch.
Cậu bé chín tuổi khi ấy đã bật khóc. Nhưng vì anh đã rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng nên tuyến lệ khô cong, không chảy nổi giọt nước mắt nào. Ôi, thật đau khổ làm sao.
Anh chỉ muốn ngửa mặt lên trời và khóc thật to. Đồng thời lại lo rằng đám bắt cóc đang sục sạo tìm kiến bên ngoài. Vì thế anh chỉ có thể cắn môi, ngửa đầu lên trời để ngăn dòng nước mắt vốn không hề tồn tại rơi xuống.
Vì tầm nhìn sạch sẽ không bị che mờ bởi nước mắt, anh thấy mọi thứ thật rõ ràng.
Cả một bầu trời muôn vàn sao lấp lánh hiện ra sau rãnh nước bé tẹo. Ai mà biết được, bên trên hoàn cảnh khốn cùng ấy lại là khung cảnh rực rỡ đến thế.
Anh ngẩng đầu, nhìn bầu trời không chớp mắt.
Đêm ấy, anh đã ngẩn ngơ ngắm nhìn, đếm, theo dõi từng ngôi sao một. Anh quên cả hai cẳng chân đau buốt, quên cả tiếng đám chuột bơi ngay quanh tai, quên cả cơn đói khát cồn cào, quên cả sự bi quan cùng cực.
Khi cảm thấy tuyệt vọng nhất, hãy nhìn lên trên.
Năm mười chín tuổi, có một lần anh du hành tới sa mạc Chile – nơi được các nhà thiên văn học và nhiếp ảnh gia khẳng định là địa điểm lý tưởng nhất để quan sát bầu trời đêm. Dải thiên hà lấp lánh hiện lên sát sao như được khắc trên cầu mắt. Vô vàn những ngôi sao vốn phải xoay chỉnh kính thiên văn liên tục mới thấy một đốm sáng nhỏ, lại hoàn toàn có thể theo dõi bằng mắt thường tại sa mạc Chile. Cả một màn trời sáng rực rỡ, muôn vàn ngôi sao sáng chói như cùng lúc sa vào nơi đáy mắt. Khung cảnh hoang sơ làm rung động bất cứ con tim sắt đá nào.
Nhưng anh luôn cảm thấy nó không huyền diệu bằng bầu trời trên miệng cống tại Bắc Ninh năm ấy. Dải ngân hà cũng không tuyệt diệu bằng những vì sao đêm hè đã cứu vớt sinh mệnh của anh.
Anh nhìn bầu trời về khuya tại Barcelona. Không khí trong veo, những vì sao rọi sáng lung linh.
Anh cúi đầu, trước mắt anh là cô, với nụ cười tỏa sáng không vì sao nào sánh bằng.
Cồn làm cô hơi mơ màng, dường như đã tự quên câu hỏi bản thân đặt cho anh. Tuy vậy, anh vẫn trả lời cô, bằng chất giọng du dương tựa tiếng đàn cello ngây ngất.
“Những ngôi sao tượng trưng cho niềm tin. Và niềm tin ấy chỉ có thể nhìn thấy trong đêm tối. Vì thế, bóng tối không đáng sợ. Màn đêm chỉ đáng sợ với người không vươn tới những vì sao.”
Hình như câu nói này của anh quá sâu sắc, nặng triết lý tới mức bộ não nhúng cồn của cô không tải được. Cô ngây ra nhìn anh vài giây rồi cười ngây ngốc.
Cô tiến về phía anh. Bình thường cô đã khó đoán. Lúc cô say, anh càng không dự đoán được hành động tiếp theo của cô.
Phượng cầm lấy cổ tay trái của anh, nhấc lên. Cô nghiêng đầu, nhìn mặt đồng hồ đeo tay của anh.
Cô nhướn hàng mi cong dài nhìn anh, nói.
“Một giờ hai mươi phút. Qua sinh nhật em rồi.”