Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Đều là dân buôn bán, Trương Thúy Phương hiểu rõ làm sao để đổi đen thay trắng.
Ngay cả Nhiếp Chấn Hoành ngồi một bên cũng có thể dễ dàng xâu chuỗi được một góc nhìn khác trong câu chuyện của Triệu Hữu Phòng từ mấy câu nói ít ỏi của Lâm Tri.
“Cái thằng Triệu Hữu Phòng này đúng là thiếu đạo đức!”
Trương Thúy Phương mắng sa sả, “Tiểu Tri nhà mình rõ ràng làm chuyện tốt, mà lại bị thằng đấy nói xiên xẹo thành người xấu! Sao nó không tự soi lại lương tâm mình đi?!”
Lăn lộn bao nhiêu năm trên phố phường, Trương Thúy Phương đảo mắt một cái là biết ngay toan tính của Triệu Hữu Phòng——
Thằng đấy muốn lợi dụng thông tin bất cân xứng để lừa khách lạ chứ gì nữa?
Đừng nghe gã khen căn nhà bán lại kia đẹp đẽ thế nào, đoạn đường ấy đáng mua ra sao mà bị lừa.
Đấy mà là của ngon thật, thì người ta đã chẳng nẫng từ sớm? Nếu không phải nó ế chỏng vì nguyên nhân khiến người ta kiêng kị đó, thì làm sao lại tới tay gã chào hàng.
Là người đứng giữa, đúng ra gã phải thông báo chính xác tất cả thông tin mà mình nắm giữ cho khách hàng, còn khách quyết thế nào, có muốn mua hay không, thì đấy là chuyện của khách.
Nhưng thời buổi này có quá nhiều người chỉ chăm chăm tiền nong, đánh mất hết lương tri.
Trước kia Trương Thúy Phương toàn để Lão Vương nhà mình giao tiếp với Triệu Hữu Phòng, bản thân thím cũng không thân quen với gã.
Thím chỉ hay thấy Triệu Hữu Phòng nhiệt tình đưa khách đi xem nhà trong khu này, thầm cảm thấy Tiểu Triệu là đứa cần cù, không ngờ gã cũng là hạng khôn vặt để lấy thành tích.
Nếu Nhiếp Chấn Hoành nghe được suy nghĩ trong lòng Trương Thúy Phương, có lẽ anh sẽ lại có quan điểm khác.
Phải là mấy năm trước, nếu công việc bán nhà này đến tay anh, chắc hẳn anh cũng sẵn sàng chọn cách nói ngọt khen hay.
Dù gì ai mà lại rảnh hơi chuốc phiền vào người, chê lắm tiền quá phỏng tay hay gì?
Chẳng qua anh vẫn có giới hạn chừng mực.
Nếu chuyện gì động vào giới hạn cuối của anh, thì anh nhất quyết không bao giờ làm.
Nhưng bây giờ, động lực kiếm tiền của anh đã tắt, đến mở mồm ra nói chuyện anh còn lười.
Sống được ngày nào hay ngày ấy, sống sao cũng là sống thôi, cố đấm ăn xôi như thế mà làm gì?
Lâm Tri không biết suy nghĩ của hai ông bà chủ cửa hàng, mà cậu cũng chẳng muốn biết.
Cậu chỉ thấy hơi lạnh vì gió từ chiếc quạt trong quầy bán quà vặt, không khỏi hắt xì một cái.
“Ấy chết! Xem chị này, chỉ lo nói chuyện, còn chưa cả thoa thuốc xong cho cưng!”
Trương Thúy Phương định thần lại từ tiếng hắt xì, vội thoa nốt cồn i-ốt lên chỗ cuối còn chưa có gì trên mặt Lâm Tri.
Xong việc, thím lại cúi đầu tìm băng cá nhân.
“Ấy, băng dán cá nhân nhà chị đâu nhỉ? Chị nhớ còn một hộp mà…”
Trương Thúy Phương cúi đầu lục lọi mãi trong hộp thuốc nhà mình mà vẫn không tìm thấy.
Thím gân cổ lên hỏi lão chồng trong nhà, “Vương Kim Bảo, băng dán cá nhân để đâu rồi?”
“À, mấy bữa trước có người hỏi mua, nên anh bán cho người ta rồi.” Vương Kim Bảo còn đang dọn dẹp kệ hàng, thuận miệng đáp.
Trương Thúy Phương cạn lời, quán nhà thím bán bia rượu thuốc lá đồ uống quà vặt là chính, băng dán là để nhà tự dùng.
Lão chồng tên có chữ Kim nhà thím đúng là chẳng buông tha bất kỳ cơ hội kiếm tiền nào!
Cũng chẳng còn cách nào khác, cuối cùng thím đành lấy một túi gạc y tế ra khỏi hộp, gấp lại hai lần, chắc cũng có thể dùng như băng dán cá nhân.
Có điều giờ lại không có băng dính để cố định gạc.
“Tiểu Nhiếp, bên chú có băng dính không?” Trương Thúy Phương dứt khoát nhờ hàng xóm trợ giúp.
“… Để em tìm xem.”
Nhiếp Chấn Hoành còn nhớ hình như mình cũng có thật, hồi xưa anh dùng nó để cố định đồ da.
Anh vịn tay ghế đẩy người dậy, đi cà nhắc cà nhắc vào phòng, tìm kiếm trên kệ hàng.
Ánh mắt Lâm Tri dừng lại ở bên chân trái đi lại không được bình thường lắm của người đàn ông.
Anh thợ sửa giày đeo một đôi xăng đan bằng da, những miếng da đan chéo thành lưới, ôm khít nửa trước bàn chân.
Phần gót không có đai, để lộ một khoảng mắt cá chân màu mật, thoạt trông rất tiện xỏ vào rút ra.
Chỉ là ở chỗ mắt cá chân bên trái, một vết sẹo dài tầm ba ngón tay đang nằm đó.
Nó khảm thẳng vào da thịt, tựa như một con rết khô cằn cuộn mình trên thân cây.
“Đừng có nhìn chằm chằm!”
Lâm Tri đang tò mò ngắm con rết kia, thì bà chủ quán đột nhiên kéo cậu lại, ghé sát tai cậu thì thào, “Cái chân đấy của Tiểu Nhiếp hơi có vấn đề…”
Trương Thúy Phương đã thầm coi Lâm Tri như loại choai choai ngốc nghếch đầu óc đơn giản không được nhanh nhạy lắm, bắt đầu dạy dỗ cậu bằng giọng điệu của người đi trước, “Cưng cứ nhòm lom lom như thế, người ta sẽ thấy khó chịu đấy!”
Có điều thím ta không biết rằng, tiếng thì thào mà thím tự cho là nhỏ lắm rồi của mình đã bị cái tai khá thính của Nhiếp Chấn Hoành nghe được gần hết.
Mấy năm nay Nhiếp Chấn Hoành đã quen rồi.
Hồi mới ra viện, anh vẫn chưa vượt qua được vướng bận trong lòng, luôn cảm thấy bản thân là kẻ dị hợm giữa đám đông.
Về sau dần dà anh quen đi, chấp nhận số phận, rồi cũng chẳng đặt nặng gì nữa.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là anh thích bị người ta nhòm ngó bằng ánh mắt ẩn chứa sự thương hại xót xa tiếc nuối.
Như thể anh là một kẻ tàn tật cần được chăm sóc, bị tách biệt sang một thế giới khác khỏi những cá thể bình thường.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành vờ như không nghe thấy, quay người lại, quơ quơ cuộn băng dính trong tay, “Tìm thấy rồi ạ.”
Anh vốn định đưa băng dính cho Trương Thúy Phương rồi lủi về phòng trốn trong yên lặng.
Nhưng khi lơ đãng liếc tới đôi mắt Lâm Tri, bàn tay đang đưa ra của anh lại không khỏi khựng lại.
Cậu thanh niên mặt lạnh như tiền đứng trước cửa.
Ánh mắt nhìn về hướng này cũng không chất chứa vẻ trắc ẩn thương hại như anh tưởng, mà chỉ tuyền một màu thản nhiên tĩnh lặng.
Tựa như nước trong lu đá ở sân sau nhà anh, thoạt trông thì ảm đạm, nhưng chỉ cần có ánh sáng chiếu vào, là người ta sẽ phát hiện làn nước ấy trong văn vắt, sạch sẽ đến độ nhìn sơ là có thể thấy là thành lu bằng đá.
Khi gió thổi qua, mặt nước sẽ gợn sóng lăn tăn, lấp la lấp lánh.
“Bà chủ, cho hai bao thuốc Ngọc Khê với.”
Lúc này có khách đến tiệm, Trương Thúy Phương đáp ngay, vội nhét túi gạc mình đang cầm vào tay Nhiếp Chấn Hoành, “Chú dán cho thằng bé đi, khách tới rồi!” Đoạn, thím ra quay ra tiếp khách.
Nhiếp Chấn Hoành bóp thứ đồ vừa dôi ra trong tay mình, lại nhìn Lâm Tri đang ngoan ngoãn đứng ngoài cửa ngó anh, thở dài.
“Lại đây đi.”
Anh bật đèn trong tiệm, thờ ơ xé mấy đoạn băng dính dán lên tay mình.
Thấy cậu thanh niên chăm chú nhìn tay mình vô cùng nghiêm túc, Nhiếp Chấn Hoành bỗng nhiên nhớ tới trải nghiệm kỳ cục lần trước.
“Tôi vừa rửa tay rồi.”
Anh giải thích khô khan.
“Ồ.”
Người trước mặt cũng đáp một chữ cộc lốc.
Họ nhìn nhau không nói gì.
Nhiếp Chấn Hoành phá băng trước, anh nhếch môi lắc đầu nhè nhẹ.
Một thằng hơn ba sọi như anh, sao lại so đo với một đứa choai choai? Ai cũng có cách sống riêng, anh không làm gì sai, mà cu cậu nhà người thích sạch sẽ cũng chẳng có lỗi lầm gì cả.
Anh dứt khoát duỗi tay ra đỡ cằm Lâm Tri, nâng mặt cậu về hướng đèn rọi, ấn miếng gạc đã được gấp thành hình vuông lên phần xương gò má của cậu.
Sau đó anh dùng từng miếng băng dính giấy cố định bốn góc miếng gạc lên má phải của Lâm Tri.
Tư thế hiện tại của hai người đang gần sát nhau.
Gần đến độ Nhiếp Chấn Hoành còn thấy được lông tơ trên mặt Lâm Tri.
Làn da của chàng trai trẻ tuổi rất sạch sẽ, trắng theo kiểu quanh năm không thấy ánh mặt trời.
Da cậu thậm chí còn trắng đến độ thiếu sức sống, tới nỗi những mạch máu li ti còn hiện ra dưới ánh đèn.
Thảo nào vừa nãy chị Trương lại kêu ca rền rĩ như thế.
Đối lập với chỗ da còn lành lặn, thì vết thương kia quả thật khiến người ta hoảng hồn.
Nhiếp Chấn Hoành nghĩ thầm.
Nhưng… nhóc này còn cao quá nhỉ?
Cậu ta cao gần đến tai anh, e là phải mét đấy.
Mỗi tội gầy đét y hệt cây gậy trúc, như kiểu gió thổi là bay vậy.
Từng dòng suy tưởng bâng quơ vớ vẩn xẹt qua đầu Nhiếp Chấn Hoành, nhưng tay anh vẫn thoăn thoắt không ngừng.
Chỉ sau mấy nhịp thở, vết thương trên mặt Lâm Tri đã được băng bó xong.
Tuy miếng băng trắng muốt dán trên má trông vẫn rất bắt mắt, nhưng chí ít vẫn đỡ hơn cái mặt ứ xanh ứ tím ban nãy khá nhiều rồi.
Nhiếp Chấn Hoành đang thầm gật đầu trong dạ, liếc qua lại thấy cậu thanh niên giơ tay sờ lên mặt, như thể đang tò mò không biết mặt mình đã thành ra thế nào.
Loại băng dính kia không chắc lắm, Nhiếp Chấn Hoành vội vàng tóm cánh tay gầy guộc của Lâm Tri, sợ cậu chàng cọ rớt cái gạc.
Anh nhìn quanh cửa hàng một lượt, phát hiện một chiếc gương bọc nhựa bên cạnh giá để TV.
Gương to bằng bàn tay, mặt sau màu đỏ đất in bức ảnh tạp chí một cô gái xinh đẹp đang chải đầu.
—— Có lẽ con bé Phan Tri Nhạc thó từ tiệm nhà mẹ nó mang qua đây, chả rõ nó để ở nhà anh từ bao giờ.
“Này, cậu soi bằng cái này đi.”
Nhiếp Chấn Hoành dứt khoát duỗi tay lấy chiếc gương ấy, nhét vào tay Lâm Tri.
Thấy cậu thanh niên nghiêm túc ngắm nghía nửa bên mặt sưng húp của mình trong gương, Nhiếp Chấn Hoành không khỏi nói thêm một câu.
“Về sau gặp phải chuyện thế này thì cậu nên tránh đi, đôi lúc… mạnh mồm dễ chuốc vạ vào thân đấy.”
Anh không muốn chõ vào chuyện nhà người khác.
Nhưng có thể sự ương bướng của Lâm Tri khiến anh nhớ lại mấy việc ngày xưa, nên Nhiếp Chấn Hoành không kìm được lòng mình mà nhiều lời thêm chút vậy.
Cũng chẳng phải anh chỉ trích hành động của Lâm Tri là sai lầm.
Chỉ là, thế giới của người trưởng thành không phân trắng đen rõ ràng.
Nhiều lúc, phải quanh co lòng vòng tìm điểm cân bằng ở giữa.
“Đậu phụ.”
Không ngờ anh vừa dứt lời, người trước mặt đã bật ra một từ chẳng dây mơ rễ má gì.
“Cái gì cơ?”
Nhiếp Chấn Hoành tưởng mình nghe không rõ.
Anh lại thấy ngón tay thon dài trắng nõn của Lâm Tri ấn lên miếng gạc màu trắng gạo, chọc nhè nhẹ.
Sau đó cậu lặp lại cho anh nghe ——
“Giống đậu phụ.”
—
Nha Đậu:
Lão Nhiếp (khuyên nhủ chí tình): Cẩn thận chuốc vạ.
Chít Chít (suy nghĩ đâu đâu): Muốn ăn đậu phụ..