Ở phía tận cùng của châu Bồ Chính, nằm giáp giới với Thừa Tuyên Nghệ An có một cái cây đa cổ thụ gần ngàn năm tuổi. Bên dưới gốc cây là quán nước nhỏ để giải khát cho khách bộ hành trong lúc chờ đò trên sông. Trời tháng tám nóng oi bức, cái quán chẳng nằm gần thôn làng nào nhưng khách đã ngồi kín quá nửa.
Ở cái bàn chính giữa có hai người ngồi. Một trong hai là một lão già tầm lục, thất tuần, khuôn mặt nghiêm trang quắc thước, cử chỉ từ tốn nhã nhặn. Người kia là một thanh niên trẻ, tay ôm khư khư một cái bọc con, chắc là thư đồng của lão già. Gã chủ quán trung niên đang nhiệt tình chào hỏi:
“Hôm nay bận bịu quá, chỉ mong hai vị khách quan thông cảm.”
Người thanh niên lễ độ:
“Điều này cũng không trách ngươi được, ta nghe người khác kể, mười dặm quanh đây cũng chỉ có mỗi một cái quán này là nơi nghỉ chân chờ sang sông.”
“Đa tạ khách quan thông cảm. Không biết hai vị muốn dùng gì?”
Người thanh niên lấy từ trong bọc ra hai miếng kim loại nhỏ hình tròn, ở chính giữa có đục lỗ, miệng đáp:
“Chúng ta cũng chỉ còn lại hai đồng, ngươi cứ đại khái mà lấy ra cái gì đó uống giải khát là được.”
Chủ quán vâng dạ đang định đi tiếp khách khác thì bỗng từ bàn kế bên có tiếng nói:
“Cậu thanh niên này, gia gia cậu đã già như thế rồi, đi lại vất vả, cậu lại cho lão nhân gia ăn uống tùy tiện như thế, chẳng phải là không tốt lắm ư. Thế này đi chủ quán, ở đây ta có mười đồng. Ngươi cầm lấy mà đem một chén chè thập cẩm đặc sản của quán ra cho lão nhân gia dùng.”
Người vừa nói cũng là một thanh niên trẻ nhưng mặt mũi lấm lem, thân hình bụi bặm, nhìn rõ là một người hay đi khắp nơi đó nơi đây, nào có sạch sẽ tươm tất như vị thanh niên đi với lão già. Chỉ thấy lão già lên tiếng đáp lại:
“Thanh niên bây giờ không có được mấy người như cậu. Lão đây từ chối cũng không phải lễ. Hay là cậu cũng qua đây ngồi với chúng ta cho vui?”
“Được lão gia nhà ta để mắt tới chính là phúc phận của cậu đấy” – Người thanh niên bên cạnh lão già nói.
Hắn nói xong câu này mới để ý lão già đang trừng mắt nhìn, hắn sợ quá rụt hết cả cổ lại. Người thanh niên lấm lem nói:
“Vậy thì tại hạ cung kính không bằng tuân mệnh.”
Đôi bên giới thiệu đôi lời. Lão già họ Ngô, người thanh niên kia đúng là thư đồng của lão. Người thanh niên lấm lem thì họ Phùng tên Lĩnh, vốn là người đất Sơn Nam, theo sư phụ vào bái nhập và học võ nghệ tại một môn phái gọi là Thuận Hóa Kiếm Phong Bang. Thư đồng nhanh miệng hỏi:
“Ngươi đã có môn có phái, không bế quan tu luyện đi, còn chạy ra lại miền mạn Bắc làm chi?”
Phùng Lĩnh chắp tay đáp, giọng cũng không khỏi đanh lại:
“Họ Phùng tôi bình sinh chẳng có tâm nguyện gì lớn, chỉ mong được cứu nước giúp đời. Nay nghe nói có ông Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn vâng chiếu mà theo đường này đi đánh nước Lão Qua. Phùng tôi một lòng hăng hái, quyết đi đầu quân mà đánh giặc, giành lại xứ Bồn Man cho bổn triều. Ấy cũng là tạo phúc cho chúng sinh thiên hạ.”
Chợt có một tráng hán kế bênh đập bàn, miệng thét:
“Nói hay lắm, đây mới là chí lớn của nam nhi. Cái gì mà học hành khoa cử, còn chẳng bằng da ngựa bọc thây, dùng thanh đao mà chém ra công danh sự nghiệp.”
Nhiều người trong quán ùn ùn hưởng ứng.
Chỉ có một thanh niên áo trắng ngồi trong góc mang nón vành che kín đầu là ngồi cười nhạt.
Chủ quán cũng góp một câu:
“Có điều, chuyện binh đao cũng chưa hẳn là gì tốt. Tôi có một người bà con họ hàng xa sống ở bên xứ Lão Qua, cứ hai năm một lần hay sang đây chơi. Bà ấy kể người Lão Qua cũng như người Đại Việt mình, chân chất hiền hòa, chăm chỉ lao động. Họ cũng đâu có tội tình chi. Nếu chiến tranh xảy ra, e rằng sẽ có hàng vạn người phải chết hay rời bỏ nhà cửa mà tha hương. Tội nghiệp lắm!”
Tráng hán lại đập bàn:
“Lão chỉ là cái thương nhân thì biết gì. Bồn Man vốn là xứ của Đại Việt ta, bị người Lão Qua xâm chiếm, nay hạch sách thế này, mai nhũng nhiễu cái khác. Chẳng lẽ Đại Việt ta đường đường là một cường quốc hạ được cả Thát Đát, Chu Minh, lại đi sợ cái đất rừng rú ấy?”
Người chủ quán thấy tráng hán hung hãn, mấy tên đồng bạn của hắn thì đang lườm mình chằm chằm, không khỏi nuốt một ngụm nước bọt, không dám nói tiếp một câu. Chỉ nghe lão già hỏi han:
“Lão bản, ngươi cũng đừng để ý quá. Ta hỏi điều này, ngươi cứ trả lời thành thật là được. Ngươi ở nơi nhiều người nhiều miệng này chắc nghe cũng được lắm thông tin. Ngươi có biết lịch sử của xứ Thuận Hóa này chăng?”
Chủ quán nhìn thấy phong phạm lão già họ Ngô thì đoán được tám chín phần đây là quan trong triều, giờ lại nghe giọng của lão thì càng nắm chắc. Hắn nói:
“Tại hạ tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tẫn.”
Chẳng biết hắn học thành ngữ này ở đâu, lão già họ Ngô nói:
“Tiểu Sinh, ngươi lấy giấy bút ra chép lại đi.”
Chỉ thấy thanh niên thư đồng lấy ra cái nghiên bắt đầu mài mực. Cũng may là quán bỗng nhiên không có khách mới tới nữa nên chủ quán cũng rảnh tay mà chờ đợi. Được một lát thấy thanh niên thư đồng đã sẵn sàng, hắn nói:
“Nghe nói, Thuận Hóa ngày xưa chính là một vùng đất của nước Chiêm. Nhân vua Chiêm bỏ việc bang giao mà đi đánh Lâm Ấp, vua Lý Thánh Tông cử ông Lý Thường Kiệt đem quân vào chinh phạt. Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô tên Tuấn, Thường Kiệt chỉ là tên tự, người ở phủ Thái Hòa, là bậc văn võ toàn tài. Quân Lý thế to lắm, người Chiêm đánh không lại, đành phải cắt đất mấy châu ở phương Bắc để cầu hòa. Lý Thánh Tông sáp nhập vào, gọi là Tân Bình. Sau này Minh Triều xâm chiếm nước ta hai mươi năm thì mới chính thức đổi tên thành Thuận Hóa.”
Lão già họ Ngô lại hỏi thêm vài chi tiết, chủ quán đúng là biết gì đáp nấy. Được một lúc thì thuyền tới, mọi người đều lục đục sang sông, quán lại trở nên thưa vắng chờ đợt khách mới.
Cảnh vật xứ Nghệ An tươi đẹp trù phú. Lão già lúc nãy đã nghỉ ngơi lại sức, vừa bước xuống thuyền thì cước bộ vững vàng mà tiếp tục hành trình. Hỏi ra thì mới biết Phùng Lĩnh cũng đi cùng một đường với họ. Chợt từ đằng sau có tiếng người vọng lại:
“Lão gia tử, xin đợi một chút”
Chỉ thấy người tới là một thanh niên áo trắng, đội mũ rộng vành, vốn ngồi ở trong góc quán nước lúc trước. Hắn tiến lên giới thiệu:
“Xin chào, tại hạ là Trần Ngọc, dám hỏi một câu, vị lão gia đây có phải là sử quan trong triều Ngô Sĩ Liên?”
Hóa ra, hắn chính là Thuốc Nổ sau một chuyến hành trình dài ra Bắc. Lão già và người thanh niên thư đồng đều hết sức ngạc nhiên. Thư đồng tiểu Sinh liền đáp:
“Các hạ nhận ra bọn ta, chẳng lẽ cũng là người ở kinh kỳ?”
“Điều này thì không phải. Có điều tại hạ là người hâm mộ lịch sử đã lâu, cũng có chút thành tựu, vốn hay nghe đến tên tuổi của Ngô đại nhân ở trong triều.”
Câu này của cậu cũng không phải là giả, Ngô Sĩ Liên là một học giả rất nổi tiếng ở Đại Viêt, người viết ra cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Có điều nghe vào tai lão già thì lại trở thành khó chịu:
“Cậu thanh niên trẻ, ta hiểu cậu có đam mê là rất tốt. Nhưng lịch sử là môn khoa học hàn lâm, không có nhiều năm mày mò tìm hiểu thì sao chạm được đến bản chất của sự thật. Ta chỉ e sợ cậu học nhiều mà không tinh đấy thôi.”
Thuốc Nổ bắt đầu mở miệng ra luận đàm với Ngô Sĩ Liên. Tất nhiên mục đích của cậu cũng chẳng phải khoe kiến thức để cho thiên hạ trầm trồ, cậu chả muốn làm chuyện nhàm chán như vậy. Chỉ là cậu cần có một nhà nghiên cứu lịch sử đích thực để tìm hiểu xem cái thế giới này đã xảy ra chuyện gì mà lại có những sai khác như vậy đối với thế giới lịch sử thật mà cậu biết.
Thuốc Nổ bắt đầu tóm tắt các giai đoạn lịch sử, chủ yếu cũng chỉ là của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á xung quanh, bởi cậu có nói ra ngoài khu vực đó thì Ngô Sĩ Liên e rằng cũng không biết. Ngô Sĩ Liên càng nghe càng choáng váng, nhận ra có thể đối chiếu khá nhiều tư liệu lịch sử thú vị từ Thuốc Nổ. Lão đã ở trong giai đoạn gần cuối, sắp hoàn thành cuốn Đại Việt Sử Ký toàn thư.
Vì việc này mà lão đã đi khắp mọi miền của Tổ Quốc để ghi lại những câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Tới tận lúc này thì mỗi nguồn thông tin để đối chiếu đã là đáng quý chứ đừng nói là được một lúc nhiều tư liệu như vậy.
Hai người vừa đi vừa say sưa đàm luận tới tận trời tối. Tiểu Sinh và Phùng Lĩnh hoàn toàn trở thành bóng đèn.
Theo những gì Ngô Sĩ Liên nói thì lịch sử bây giờ gần như cũng không khác gì với lịch sử mà Thuốc Nổ được biết. Chỉ là hơn một trăm năm mươi năm trước không biết đã xảy ra sự kiện bí ẩn nào mà nhân loại bắt đầu tiếp xúc được với thứ gọi là nội công.
Phong trào người người nhà nhà luyện võ bắt đầu nổi lên rầm rộ, kéo theo đó là sự ra đời của những phát kiến đi kèm theo như là khinh công, chưởng pháp, chỉ pháp, kiếm khí,… đều là hệ quả trực tiếp từ việc nhân loại có thể tu luyện ra nội công.
Các môn phái lần lượt mọc lên như nấm sau mưa rào. Đối với chuyện này thì cả triều đình nhà Trần/ Hồ/ Nguyên trước đây cũng như nhà Hậu Lê/ Minh hiện nay đều giữ thái độ bán công khai và chia để trị. Bán công khai nghĩa là triều đình công nhận sự tồn tại của các bang phái nhưng không xem họ là một phần của quốc gia.
Việc làm của họ sẽ không đại diện cho quốc gia. Chia để trị nghĩa là triều đình thường xuyên gây xích mích trong các bang phái với nhau để có thể giữ vững được vị thế trung ương tập quyền của mình, đồng thời bí mật tuyển lọc các nhân tài để đưa vào làm võ quan trong triều.
Còn những kẻ gọi là Ngoại Lai Giả thì xuất hiện cách đây từ năm tới mười năm, chủ yếu là ở phương Bắc chứ Đại Việt thì có rất ít. Họ có hình dáng không khác gì con người bình thường nhưng lại có cách phục trang và vũ khí rất kỳ lạ. Phần lớn dân chúng mê tín dị đoan đều tôn xưng những người này là thần tiên trong khi bộ phận quan lại có hiểu biết trong triều thì gọi họ là Ngoại Lai Giả.
Thuốc Nổ cũng đặc biệt chú ý tới một sự kiện sai khác khá lớn với lịch sử trong thế giới này, đó là chiến tranh Minh – Oirat năm , hay người Trung Quốc còn gọi là Sự Biến Thổ Mộc Bảo. Trong lịch sử thực tế thì cuộc chiến này kết thúc với thất bại của nhà Minh và vua Minh Anh Tông bị bắt. Trong số các nước chư hầu lúc bấy giờ thì chỉ có Đại Việt là được nhà Minh thông báo chính thức về việc này.
Tuy nhiên ở thế giới này, vì một lý do nào đó, cuộc chiến lại kết thúc thắng lợi cho nhà Minh. Điều này có nghĩa là Minh Đại Tông, vị vua tạm quyền trong lúc Minh Anh Tông bị bắt hoàn toàn chưa bao giờ được lên ngôi. Vị vua hiện tại Minh Hiến Tông, vốn là con của Anh Tông là vị vua hợp pháp duy nhất chứ không có tranh chấp gì về ngôi báu.
Thuốc Nổ không biết sự kiện này sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy lịch sử như thế nào, có điều đó chẳng phải là mối bận tâm của cậu lúc này. Đoàn người nghỉ chân dừng lại ăn tối nơi hoang dã, đốt cái đống lửa con. Trời đêm nhưng vẫn hanh khô và nóng, mọi người chỉ dùng lửa mà chiếu sáng và xua đuổi thú dữ chứ ai cũng theo bản năng mà nhích xa đống lửa ra.
Được một lúc thì cả đoàn vì lữ trình mệt mỏi mà ngủ thiếp đi.
Tới nửa đêm thì Thuốc Nổ bị lay dậy bởi tiếng lá cây xào xạc. Cậu đảo mắt ra xung quanh rồi chợt lay ba người kia dậy. Chỉ thấy ở những bụi cây xa xa đã chi chít những đốm lửa to nhỏ khác nhau, trong đêm tối nhìn như từng đàn đom đóm.
Thuốc Nổ vừa mới đứng thẳng lên thì một mũi tên không biết từ đâu bay lại đã lướt ngang qua bả vai cậu mà cắm xuống mặt đất phía sau. Khi nó vừa xuất hiện trong tầm nhìn thì Thuốc Nổ đã biết ngay là mũi tên kia sẽ không bắn trúng mình nên cậu cũng chẳng hề có ý định né tránh, có điều có người không cho là như vậy.
Từ bên trong bụi cây gần nhất xuất hiện ba người đàn ông cao to, thân hình vạm vỡ. Người đi đầu thậm chí có hoàn toàn vượt trội hơn so với hai kẻ còn lại. Hắn để người trần, thân quấn một miếng da báo, một bên mắt đeo cái miếng bịt. Trên người hắn vết sẹo chằng chịt, một số trong đó có thể nhìn ra là vết thương do đao kiếm chém vào còn số khác thì cũng không biết là do cái gì gây ra nữa. Hắn đang cười hắc hắc:
“Nhóc con sợ quá đứng như trời trồng rồi hả. Bọn ta là cướp đây. Mạng có thể giữ, tiền bạc quần áo gì thì vứt hết lại đó rồi cút đi. À, giữ lại thêm cái nội khố cũng được, nội khố đã qua sử dụng chắc bán cũng chẳng ai thèm mua.”
Thuốc Nổ và Ngô Sĩ Liên chưa kịp nói gì thì tên thanh niên hào sảng Phùng Lĩnh đã lên tiếng:
“Thiên hạ đều là đất của vua, lý nào lại để giặc cướp chúng bây hoành hành ngang ngược như vậy.”
“Đường này ta mở, cây này ta trồng, có là vua đi tới đây cũng phải ngoan ngoãn mà giao lệ phí nhé.”
“Hoang đường” – Ngô Sĩ Liên nói.
“Đại nghịch bất đạo” – Đây là lời của tiểu Sinh.
Phùng Lĩnh rút kiếm ra, giọng thách thức:
“Được lắm, cũng chỉ là thứ ý đông hiếp yếu đáng khinh. Ngươi có dám bỏ hết thuộc hạ mà ra kia tỷ đấu công bằng với ta không?”
Thuốc Nổ còn đang ngẫm nghĩ sao Phùng Lĩnh lại nói lời ngây thơ như vậy thì đã thấy tên đại hán hét lên:
“Có gì mà không dám?”
Kế khích tướng này cũng không khỏi là cấp bậc quá thấp đi. Trong lúc mọi người còn đang nhìn về hai kẻ thách đấu thì Thuốc Nổ lại đang đưa mắt về phía một cái bóng áo đen đang đứng trên đỉnh một ngọn đồi ở phía xa. Có vẻ như hắn mặc áo bào bởi sau lưng có cái gì đó đang tung bay. Hắn đứng tại đó, im lặng như tờ, nếu không phải có ánh trăng sáng thì ngay từ đầu có lẽ Thuốc Nổ cũng không phát hiện ra hắn.
Thuốc Nổ chẳng biết cái bóng kia là bạn hay địch nên vẫn cứ giữ thái độ bàng quang mà quan sát tình hình. Lúc này khi đám anh em sơn tặc của đại hán kia đi ra hết thì Thuốc Nổ mới nhận ra họ là một nhóm có số lượng không tệ chút nào, tầm bốn tới năm mươi người. Tất nhiên Thuốc Nổ chẳng sợ bọn họ, đánh không lại thì chạy trốn là xong.
Chưa kể trong địa hình và thời gian như lúc này thì một đám ô hợp hoàn toàn có thể bị cậu từ từ mài cho tới chết hết. Chỉ là cậu cũng không đảm bảo được cho đám mấy người Ngô Sĩ Liên.
Thuốc Nổ cũng chẳng có thói quen tận lực cho những chuyện không quan trọng với bản thân. Cậu lấy từ trong bọc ra một ít giấy và lá cây nghiền vụn, bọc lại cẩn thận thành hình trụ tròn rồi hơ lên lửa bắt đầu hút. Cậu cũng chẳng biết đây là cái loại lá cây gì, chỉ là khi đốt tạo ra hương vị rất giống với mùi cà phê nên cậu gom lại một ít mà dùng.
Nếu ở Liên Bang có lẽ cậu sẽ chẳng bao giờ sử dụng mấy thứ không rõ nguồn gốc và thành phần dinh dưỡng như thế này. Ở đây thì cậu cùng đường rồi nên đành nhắm mắt mà đánh liều. Chỉ hơi tiếc là thứ này không dùng lâu được, giấy bọc dù tốt tới mấy cũng rất nhanh là sẽ bị cháy hết.
Bên kia Phùng Lĩnh và đại hán đã lao vào đánh nhau túi bụi.
“Báo đại ca cố lên.”
“Báo đại ca giết chết hắn.”
“Tiểu tử chọc vào Báo đại ca đúng là tự tìm đường chết.”
Cả đám sơn tặc đang cổ vũ rất nhiệt tình cho đại hán. So sánh lại thì bên Phùng Lĩnh không khí khá là yểu xìu. Thuốc Nổ và Ngô Sĩ Liên vốn chẳng phải là người nhiệt huyết trong mấy trường hợp như thế này. Tiểu Sinh thì mặt đã tái trắng, giáo giác nhìn quanh tìm con đường sống, chẳng có chút nào cho thấy đang tập trung vào trận đấu tay đôi kia.
Phùng Lĩnh trong tay đang sử dụng một thanh trường kiếm, bóng kiếm vun vút, rõ ràng là đi theo đường kiếm pháp nhanh và biến hóa chứ không phải là nặng nề trầm ổn. Đại Hán họ Báo kia thì đang vung một cây lang nha bổng còn cao hơn cả người hắn ta. Đây vốn là thứ vũ khí giành cho quân kỵ, sử dụng ưu thế độ dài và cân nặng để càn quét đối phương, chẳng hiểu sao tên đại hán lại có được và sử dụng như vậy.
Phùng Lĩnh hoàn toàn không dám đọ sức với tên đại hán. Trong phần lớn các trường hợp khi Đại Hán vung lang nha bổng đập xuống thì cậu ta đều né tránh ra xa, chỉ khi bí quá thì mới vung kiếm đón đỡ. Thuốc Nổ quan sát khi kiếm của cậu ta đưa ngang trước đống lửa thì sẽ lờ mờ nhận ra được một dòng khí lưu chuyển động ở xung quanh.
Đây có lẽ là cách cậu ta sử dụng nội công để gia tăng độ cứng cho thanh kiếm, nếu không bình thường thanh kiếm bị đánh ngang xuống bởi cái lang nha bổng kia thì đã bị gãy không biết bao nhiêu lần rồi.
Dù vậy, tránh né liên tục như vậy cũng không phải là cách hay. Mặc dù xét về năng lượng tiêu hao thì kẻ phòng thủ sẽ có lợi hơn người tấn công, song Phùng Lĩnh đấu một lúc thì mồ hôi đã ướt đẫm cả lưng áo, miệng thở dốc trong khi Báo đại ca vẫn thở đều đều, mặt không đổi sắc, chả có chi là mệt mỏi cả.
Chỉ thấy Báo đại ca lại vung một cú đánh trực diện từ trên cao xuống. Phùng Lĩnh cúi gập người về phía trước, thanh kiếm bẻ ngược ra sau lưng. Kiếm đã chặn được sát chiêu lại, song lực tác động vẫn làm tay cậu ta run cầm cập. Phùng Lĩnh đảo tay, phạt ngang thanh kiếm.
Chiêu này ra vừa nhanh vừa chuẩn, Báo đại ca lực cũ đã hết, lực mới lại chưa sinh ra, hoàn toàn không có cách nào phòng thủ. Hắn vội lùi lại ba bước, trước bụng đã ngay lập tức xuất hiện một vết rạch lớn. Ngô Sĩ Liên bình luận:
“Quả là hảo kiếm pháp”
Thuốc Nổ phát hiện ra, cái gọi là kiếm pháp ở đây chỉ e chính là một cái tập hợp các chuyển động của mình để cho đối thủ bị dồn vào thế không thể chống trả. Tỉ như ngươi tìm cách khiến cho hai tay đối thủ bận rộn rồi ra chiêu đâm vào trước ngực thì đối thủ lấy gì mà đỡ được đây.
Người theo hạ sách thì sẽ học một hai chiêu kiểu đó mà dùng lúc cấp bách. Người theo trung sách thì sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều chiêu thức địch ta mà tạo ra một hệ thống tri thức. Người theo thượng sách sẽ viết hệ thống đó lại thành sách hẳn hoi. Đó chính là kiếm phổ, nội dung trong đó chính là kiếm pháp.
Báo đại ca lúc này đã nổi đóa. Hắn vung mạnh cây lang nha bổng về phía Phùng Lĩnh. Đòn này quá nhanh, Phùng Lĩnh nhận ra thì nó đã tới trước mặt. Cậu chỉ kịp giơ thanh kiếm lên thì đầu óc choáng váng một cái, cả thân hình đã bay ngược về phía sau.
Phùng Lĩnh đứng không vững, ngã ngồi trên mặt đất, trong miệng đã phun ra mấy búng máu lớn. Báo đại ca vẫn không hề dừng lại, trực tiếp lao lên, định lấy mạng họ Phùng.
Chỉ thấy giữa hai người có một cái bóng đen đột ngột xuất hiện như ma quỷ. Đó là một người áng chừng năm mươi, thân hình thiết tháp, khổ người hoàn toàn không hề kém cạnh so với Báo Đại Ca nhưng tạo cảm giác rắn chắc, cứng cỏi hơn nhiều. Ông ta mặc mũ giáp gần như không khác gì với binh lính Đại Việt mà Thuốc Nổ thấy trước đây song màu sắc hơi tối, hoa văn trang trí chằng chịt chứ không hề đơn sơ như quân trang của lính.
Ông ta đang dùng một tay cản cây Lang Nha Bổng lại, bên trên đó nổi lên từng độn, từng độn các bó cơ, miệng lên tiếng:
“Giặc cướp phương nào, dám ngang nhiên ở trên lãnh thổ Đại Việt ta mà tùy tiện phóng đãng. Lẽ nào cho rằng Đại Việt ta không có ai trị được chăng.”
Báo đại ca nhìn vào trang phục của người đối diện, biết rằng chuyến này có điều không ổn. Tuy nhiên, hắn hành nghề đã lâu, gan tất cũng phải lớn hơn người bình thường. Biết tỷ thí chắc chắn sẽ không lại, hắn vội xua hết đồng bọn:
“Anh em xông lên, băm xác tên bặm trợn này ra cho ta.”
Vị võ quan cất cao giọng:
“Khá lắm, còn biết chơi số đông? Chỉ sợ ngươi không dám tiếp.”
Nói đoạn, ông ta rút từ trong ống tay áo ra một cái ổng nhỏ bằng tre có đầu dây nhỏ nhô ra ngoài. Ông ta chẳng chần chờ tí nào mà vung tay ném thẳng nó vào trong ngọn lửa. Chỉ nghe một tiếng bép lớn vang lên, trên bầu trời đã xuất hiện một chùm ánh sáng màu xanh lè giống kiểu pháo hoa nhưng lại không ra hình thù gì cả.
Chợt từ phương xa truyền lại những tiếng kêu rầm rập vang lên như động đất. Ở con đường ngoặt phía chân núi xuất hiện một toán lính bước ra diễu hành. Họ mặc quân phục Đại Việt, tay lăm lăm giáo mác, số lượng đông đảo mà còn lại không ngừng, không ngừng tăng lên.
Báo đại ca lúc này đã hoảng thật sự. Hắn cũng chẳng có ý đồ dây dưa với tên võ quan và đám Thuốc Nổ nữa mà nhắm thẳng về một phía mà ba chân bốn cẳng chạy mau. Có điều, chưa được mười bước thì từ xung quanh đã nhô ra từng hàng từng hàng cung tên chằng chịt.
Cả khu vực này đã bị vây chặt như nêm rồi.
Truyện về bác sĩ, nghề y. Cvt Ép Tiên Sinh làm, cái tên có làm mấy lão xao xuyến...hehe. Mời đọc