7 giờ tối, bầu trời mùa hè cận nhiệt đới vẫn chưa tối hẳn, lúc này mọi người đều đã trở về nhà, Mạch Thừa Hoan xuống xe ngẩng đầu lên thì thấy một nửa đèn trong toàn khu nhà ở đã được thắp sáng, căn nhà được cho thuê giá rẻ trông giống như là bảo tháp chứa đầy châu báu.
Từ trước đến nay cô chưa bao giờ có ngôi nhà thứ hai, cô sinh ra và lớn lên ở đây, chưa từng rời đi.
Thừa Hoan sống với bố mẹ và một em trai, nhà họ Mạch tuy nhỏ nhưng cơ sở vật chất khá đầy đủ, điều may mắn nhất là cửa sổ hướng ra biển, khi thời tiết tốt sẽ thấy bầu trời xanh và mặt biển trải dài vô tận.
Khi mới chuyển đến, nhiều người thân và bạn bè đã rất ngạc nhiên: "Khu nhà ở xã hội mà có cảnh đẹp như thế này, đúng là chính phủ vì nước vì dân.”
Chính sách vì dân của chính phủ không chỉ giới hạn ở điều đó, Thừa Hoan từ tiểu học đến đại học chưa từng trả một xu học phí nào, hoàn toàn miễn phí. Sau khi tốt nghiệp, cô vào cơ quan nhà nước để làm việc và cống hiến cho xã hội là hoàn toàn theo lẽ thường.
Thế giới của Mạch Thừa Hoan luôn rất hạnh phúc, khoẻ mạnh, và vui vẻ. Cô chưa từng phải tiếp xúc với mặt tối của hành trình đô thị hoá, mà chỉ hưởng thụ chế độ hoàn thiện toàn diện của nó.
Cô đại diện cho thế hệ may mắn.
Hôm nay cũng như thường lệ, cô từ cơ quan về nhà vừa đúng lúc được ăn món ngon mẹ nấu.
Trong thang máy, cô gặp những người hàng xóm quen biết. Cũng giống như nhà họ Mạch, họ đã sống ở đây hàng chục năm.
Bà Hoàng bắt chuyện với Thừa Hoan, có phần giễu cợt nói: “Nhà cháu sớm đã khá giả rồi mà vẫn còn ở chỗ này sao? Chắc chắn là tiếc phong thuỷ tốt, vì thế mà cả cháu lẫn Thừa Tảo đều được học hành đầy đủ.”
Thừa Hoan cười không nói gì!
Thừa Hoan luôn cho rằng giữ im lặng là cách xã giao tốt nhất, hơn nữa những lời nói của các bà vợ này thường mang nhiều hàm ý, khen là thật mà châm chọc cũng là thật lòng.
Cứ lễ phép với người lớn tuổi, cô nghĩ thà họ thô lỗ còn hơn mình thô lỗ.
Một bà Chân khác nói: “Thừa Hoan, mẹ con vừa bưng lên một rổ rau lớn.”
Đứa cháu trai nhỏ của bà với tay định kéo chiếc kẹp trang trí trên túi xách của Thừa Hoan, nhưng bà Chân đã vội ngăn cậu lại.
“Này,” bà lớn tiếng la: “Đó là túi xách hàng hiệu, đừng làm hỏng,” bà nhịn cười, “Phải không, Thừa Hoan?”
Thấy thang máy đã đến tầng 17, Thừa Hoan vội vàng cười nói tạm biệt, rồi đi ra ngoài.
Mẹ mở cửa và đang nấu cơm, một mùi hương bay ra hành lang, Thừa Hoan hít sâu một hơi.
Ai dám nói đây không phải là niềm an ủi lớn nhất nhất đời khi biết rằng có một bữa ăn hạnh phúc đang chờ cô khi cô tan làm về.
Cô biết nhiều đồng nghiệp sống một mình chỉ có thể uống nước khoáng và ăn bánh mì.
Giống như người bạn tốt của cô Mao Vịnh Hân vậy, khi cô ấy trở về căn hộ và cởi giày ra, cô ấy phải uống một ly rượu whisky với đá lạnh, Thừa Hoan đã cười nhạo cô ấy, trước khi cô ấy 30 tuổi nhất định sẽ nghiện rượu.
Một lần Vịnh Hân hỏi mẹ Thừa Hoan: "Dì có thể làm sủi cảo không? Ba năm rồi con chưa được ăn sủi cảo ạ."
Thật tội nghiệp, ngay cả mẹ Thừa Hoan cũng cảm thấy thương, bà lập tức làm một nồi lớn, bảo con gái bưng lên cho cô ấy.
Thừa Hoan ở trước cửa cao giọng nói: "Thừa Tảo, em có ở đó không?"
Thừa Tảo đến mở cửa cho chị.
Cái gọi là phòng khách cũng chỉ là một nơi chật hẹp nhỏ bé, đặt đồ đạc đơn giản, cũng không có nhiều không gian, một người lớn có thể giơ tay đụng chạm hai bức tường, nhưng cái không gian nhỏ hẹp này cũng chưa bao giờ khiến Thừa Hoan cảm thấy khó chịu, không vui.
Đó là vì gia đình bốn người rất yêu thương nhau.
Cha mẹ luôn để con cái thoải mái, chị một lòng chiều chuộng em, em tính tình hiền lành, hơn nữa tất cả đều biết thu hẹp phạm vi hoạt động cá nhân.
Thừa Hoan rót một chén trà đá uống, tủ lạnh nhỏ đặt ở bên cạnh sofa, rất thuận tiện.
Bà Mạch thò đầu ra, "Con về rồi à?"
Thừa Hoan tiếp tục cười nói: "Vâng ạ."
"Hôm nay đi đường thế nào?"
“ Tắc đường lắm mẹ.”
Thừa Tảo nhìn thấy nụ cười kia, cúi người xem mặt của chị. Thừa Hoan ngửi được mùi mồ hôi trên người em trai, vội vàng bịt mũi lại.
Cô ấy hét lên: "Sau khi chơi đá banh em phải đi tắm chứ, đôi giày cao su hôi hám đó vẫn chưa mang lên sân thượng để phơi khô hả?"
Thừa Tảo vỗ tay và nói: "Em nhìn thấy rồi, mẹ, chị đeo một chiếc nhẫn kim cương trên tay, Tân Gia Lượng cuối cùng đã cầu hôn chị rồi."
Bà Mạch ném thìa xuống, tắt bếp gas, chạy ra ngoài cười khúc khích: “Thừa Hoan, có thật không?”
Thừa Hoan nhìn những giọt mồ hôi lấp lánh trên trán mẹ, đây chắc hẳn là điều bình thường của tất cả các bà nội trợ làm việc trong bếp vào mùa hè, cô không khỏi cảm thấy thương xót, vội vàng đứng dậy lấy khăn ướt lau mồ hôi cho mẹ.
Bà Mạch sững sờ nắm tay con gái, hướng về phía ánh đèn, cẩn thận nhìn chiếc nhẫn trên ngón tay Thừa Hoan, "Này, sao kim cương không sáng?"
Thừa Tảo ở bên cạnh la: "Có thể nào là giả không?"
Thừa Hoan cười nói: “Kim cương vuông kém bóng hơn.”
“Mau đổi sang viên tròn, to, trong suốt như pha lê đi. Kim cương không giống bóng đèn thì có ích gì?”
“Mẹ, những cái đó không quan trọng.”
Bà Mạch nghĩ bụng, sao lại không cơ chứ.
Con gái đi lấy chồng là chuyện lớn.
Bà Mạch thực sự không thể tin được thời gian lại trôi nhanh như vậy.
Hình ảnh cô bé Thừa Hoan chập chững tập đi vẫn còn in đậm trong ký ức của bà, khi còn nhỏ, cô bé không có tóc, mọi người luôn nghĩ đứa bé có khuôn mặt tròn trịa đó là con trai.
Rất nhanh bà Mạch sẽ có đứa thứ 2, mắt nhìn Thừa Hoan 4 tuổi sắp phải làm chị, cảm thấy thương đứa con gái lớn, ôm con gái trong lòng cho đến khi chân sưng lên, bác sĩ Tôn dặn dò mới chịu bỏ Thừa Hoan ra.
Bức ảnh đầu tiên của Thừa Hoan chụp trong studio vẫn được treo trong phòng, con bé mặc một chiếc váy hồng mới tinh và chải tóc... Hôm nay con bé sắp kết hôn rồi.
Bà biết Thừa Hoan và Tân Gia Lượng đã hẹn hò được một thời gian, nhưng bà không ngờ lại nói tới chuyện kết hôn sớm như vậy.
“Không phải nói ba mươi tuổi mới kết hôn sao?”
“Gia Lượng đã ba mươi tuổi rồi mà mẹ.”
"Ah, vậy là nó sốt ruột à?"
“Mẹ, là chuyện hiển nhiên mà, ai mà bình tĩnh nổi chứ ạ.”
“Rồi rồi, mọi việc đã chuẩn bị xong chưa?”
Thừa Hoan có chút kinh ngạc, “cái gì ạ?”
Bà Mạch: “Thuê nhà mới, trang hoàng nhà mới, chuẩn bị tiệc, may áo cưới, còn cái gì nữa?”
Thừa Hoan cười nói: “Chúng con đều lo được, mẹ yên tâm đi.”
HẾT CHƯƠNG 1