Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

chương 100: hồi mười ba (3)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Kim Lăng rất lớn…

Tường thành Kim Lăng càng lớn hơn.

Tạng Cẩu nhìn thành quách bề thế, mà hoa cả mắt.

Đoàn người đến trước cửa thành, sau đó bắt đầu tách nhau ra mỗi nhóm về một nẻo. Ba người Liễu Thăng, Vương Sài Hồ dẫn những hàng quan người Việt vào chầu Minh thành tổ. Binh sĩ thì lục tục kéo nhau đi, chỉ để độc một nhóm chừng năm mười người dẫn ba ông cháu Hồ Quý Li, Tạng Cẩu và cô bé ở cửa biển Kì La về chỗ ở tạm. Đó là một căn nhà khá lớn, nằm ở phía tây một con đường lớn, quận Tần Hoài, trong con hẻm cụt vắng queo hiếm người lại qua.

Toàn bộ lực chú ý của Tạng Cẩu dồn cả vào một binh sĩ dáng người còm nhom đi cuối hàng.

Trong suốt bốn tháng qua, thỉnh thoảng y lại dùng ánh mắt lạnh nhạt nhìn về phía bọn họ.

Nó đoán y ắt là cao thủ Trương Phụ phái ra để giám sát, không cho bọn họ chạy trốn. Mà với cách hành xử cẩn thận của lão họ Trương kia, võ công kẻ gầy gò tất nhiên rất cao. So với Hoàng Phúc thì không biết ai mạnh ai yếu, nhưng ít nhất nếu qua chiêu với Tạng Cẩu thì y ắt nằm chiếu trên.

Năm người không dám manh động, lục tục kéo nhau vào nhà đóng kín cửa lại.

Gã còm nhom đứng chờ một lúc, rồi đi.

Hồ Nguyên Trừng dìu cha vào phòng nghỉ ngơi sớm, trong lúc đó hai đứa nhóc tranh thủ quét tước lại nhà cửa cho khỏi bụi.

Căn nhà có mấy buồng ngủ đặt cách nhau khá xa, gian chính giữa là sảnh đường dùng khi tiếp khách. Ngoài ra còn có thư phòng, bếp, nhà củi, và thính vũ lâu. Bốn phía có vườn cây, núi giả hồ cá, chim đậu lên mái ngôi tiểu đình giữa vườn mà kêu rả rích. Tưởng như bốn bức tường đã ngăn hết sự xô bồ, hối hả của kinh thành bên ngoài lại.

Hồ Nguyên Trừng vào trong thư phòng, bắt đầu vẽ bản thiết kế Thần Cơ sang pháo đặng ngày may giao cho vua nhà Minh.

Bốn tháng qua mặt ngoài thì chàng hí hoáy hết viết lại vẽ, nhưng thực ra đầu bút đã quên hơi giấy, nghiên đá chẳng biết mùi mực.

Quân Minh ắt đã cướp được một số pháo Thần Cơ từ tay nhà Hồ.

Thế nên muốn động tay động chân cũng phải làm sao cho thật khéo, bằng không mất đầu như chơi.

Hồ Nguyên Trừng không sợ chết.

Nhưng chàng sợ liên luỵ cha già cháu nhỏ nên không thể không cẩn thận.

Thế nên chàng không động bút…

Bốn tháng suy nghĩ.

Cuối cùng chàng cũng nảy một cách, một cách để táy máy vào pháo Thần Cơ mà không để ai trên đời này biết.

Đêm thật dài…

Chim đã ngừng hót. Phàm là động vật, cứ chín vàng ruộm lên rồi là không còn kêu hót gì được nữa.

Nhưng mà mùi thì chắc chắn dễ ngửi hơn trước.

Tạng Cẩu đánh vảy cá, lấy phi châu ném chết mấy con chim trong vườn rồi loay hoay xuống bếp làm bữa cơm đơn giản. Không biết bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn biết thằng ranh này dùng phi châu đặc chế của bốn lão đi ném chim rừng thì sẽ nghĩ thế nào.

Trong nhà không có gạo, cũng chả có rau cỏ gì ăn được. Tạng Cẩu chỉ đành làm vài món mặn ăn vã với nhau.

Người Đại Việt, ăn cơm mà không có đĩa rau với bát canh là thấy nhớ ngay.

Cơm nước đã xong xuôi.

Đêm cũng đã chuyển sang canh hai từ lúc nào không biết.

Nếu còn ở nước Nam, giờ này mười hộ thì hết chín đã xuống đèn ngủ sớm với nhau.

Nhưng thành Kim Lăng không ngủ.

Người ta vẫn tấp nập lại qua trên đường cái. Văng vẳng ngoài ngõ tiếng chào mời của thương nhân, giọng gọi khách ngọt lịm xương của mại hoa nương.

Ánh đèn nến, tiếng đàn ca vịnh xướng hãy còn âm vang khắp một dải sông Tần Hoài. Nào là lâu thuyền, kỹ viện, lố nhố chen chúc nhau kín cả dòng sông.

Tưởng như lúc đêm về Kim Lăng còn sống động nhộn nhịp hơn cả ban ngày.

Tạng Cẩu không ngủ nổi.

Cũng như nhìn khắp Đại Việt chẳng có nơi nào sầm uất bằng Thăng Long, Kim Lăng này là chốn phù hoa đệ nhất cả trung thổ.

Thằng nhóc giống như một cậu trai quê chân chất lần đầu lên phố huyện vậy. Có một thứ năng lượng kì lạ tuôn chảy trong thành phố không ngủ này, ảnh hưởng lên tất thảy những cư dân của nó.

Trẻ con đứa nào cũng tò mò và ham chơi.

Tạng Cẩu cũng không ngoại lệ. Có chăng cái khác biệt duy nhất là võ công của nó cao hơn những đứa đồng trang lứa không biết bao nhiêu lần.

Nó nằm lăn lóc một hồi không sao ngủ nổi, nhân trăng đêm nay sáng, bèn mò sang phòng gọi Phiêu Hương dậy.

Cô bé mới đi nằm không được bao lâu, còn chưa ngủ sâu.

Bị lay dậy, Phiêu Hương bắt đầu dùng giọng ngái ngủ:

“ Lại chuyện gì thế? ”

Tạng Cẩu ghé tai cô, thì thầm:

“ Suỵt, ông Hương mà nghe được là hỏng hết. Ngoài phố còn sáng lắm, có lẻn ra ngoài đi chơi với tớ một chuyến không? ”

Nhắc đến chuyện chơi thì chẳng đứa trẻ nào là không hào hứng.

Phiêu Hương nhanh chóng xỏ giầy, cắp thanh Lĩnh Nam mà nói:

“ Đi! Tất nhiên là phải đi rồi. ”

Cô bé thấy bạn mình đã không còn đeo cái không khí buồn bã thảm sầu thường trực nữa, thì không khỏi mừng rỡ.

Bóng dáng đứa nhóc hiền khô, không giỏi ăn nói, hay gãi đầu cười khì khì như đã thoang thoảng ngay đầu ngõ.

“ Khẽ thôi, đi theo tớ. ”

Hai đứa lẻn ra khỏi buồng, tìm một góc tường. Đoạn tường này cao cỡ hơn hai trượng một chút, dưới chân tường có một bụi hoa dày.

Xếp đặt thế này, cho dù là một người khinh công không tệ, cũng khó mà dùng ngón Bích Hổ Du Tường công để nhảy lên đầu tường.

Thế nhưng…

Chẳng những nội lực, cả khinh công của Tạng Cẩu không phải chỉ là “ không tệ ”.

Nó tóm vai Phiêu Hương, dặn cô bé chuẩn bị tinh thần, rồi vận lực tung một cái. Phốc! Phiêu Hương chuyển mình như một cánh bướm, nhẹ nhàng đậu lên đầu tường.

Đến lượt Tạng Cẩu. Nó khẽ nhón gót, búng mình bay thẳng lên, rồi nhún chân lấy chính khóm hoa dưới chân tường làm điểm tựa.

Phiêu Hương chỉ nghe vèo một cái, thằng nhóc đã ở sát bên cạnh, cười khì khì.

“ Đi nhanh, không bị phát hiện là ăn đòn què giò đấy. ”

“ Xì, tớ không sợ. ”

Phiêu Hương nói, đoạn tự mình nhảy xuống khỏi đầu tường. Tạng Cẩu phóng mình đuổi theo.

Hai đứa nhỏ một đứa dùng khinh công gia truyền, một đứa dùng thân pháp sư phụ dạy, đuổi nhau dọc theo con hẻm. Trong lòng bất giác thấy ấm áp, nhớ về những tháng ngày cùng nhau ở căn miếu hoang Khoái Châu.

Con hẻm kết thúc, như mọi con hẻm trên đời đều có điểm cuối của nó.

Mở ra trước mắt chúng là đường lớn. Đi thêm một đoạn về bên trái, sẽ gặp bến đò.

Sông Tần Hoài mười dặm vốn là cảnh đẹp nổi tiếng người Trung Hoa ai cũng lấy làm tự hào, cũng như người Kinh Bắc yêu con sông mẹ đỏ phù sa, người Huế hoà hồn mình vào sông Hương thi vị vậy.

Hai đứa nhỏ chạy khắp phố trên xóm dưới, tìm thấy bao nhiêu thứ thú vị. Hồ lô đường đỏ đỏ, mặt nạ xanh xanh vàng vàng. Toàn những món vui nho nhỏ chỉ bọn trẻ con thấy thú vị.

Chúng nó chẳng mua gì, cứ đi như vậy ngắm nghĩa cũng thấy vui.

Mải chơi, chúng nó đến bến đò lúc nào không hay.

Tháng chín âm, phương bắc đã bắt đầu trở lạnh, ngoài sông lại càng rét hơn. Ngọn đèn lồng treo trên cao bị gió đánh kêu phần phật, phần phật từng tiếng một.

Tạng Cẩu có chân khí hùng hồn nên còn chịu được phần nào, nhưng Phiêu Hương bắt đầu thấy lạnh, cứ thổi mãi vào hai lòng bàn tay.

“ Này, Hương làm sao mà cứ thổi phù phù mãi thế? Trò gì mới à? ”

“ Đồ ngốc! Lạnh thế này, thổi vào tay cho ấm chứ còn gì nữa. ”

Tạng Cẩu gãi gãi đầu, nói:

“ Nhưng có lạnh lắm đâu. ”

Rồi nó chộp lấy bàn tay Phiêu Hương, áp thử vào má mình. Làn da cô bé trơn bóng, mượt như lụa Hà Đông.

“ Úi. Tay cậu lạnh thế? ”

Nói rồi, nó thử học theo thầy truyền chân khí sang cho Phiêu Hương xem có làm ấm lên được tí nào không. Còn cô bé cũng vận công thử nhận lấy xem sao. Nào ngờ, Tạng Cẩu bỗng phát hiện thể nội cô bạn như một cái vực không đáy muốn nuốt chửng nội lực của mình.

Thấy là lạ, hai đứa nó không dám thử nữa, bèn thu công.

Nhớ đến thầy, Tạng Cẩu bèn chìa cái trống đồng con ra, kể hết đầu đuôi mọi chuyện cho Phiêu Hương nghe. Cả hai đứa đều là học trò của Quận Gió, thế nên chẳng những cô bé có quyền được biết di nguyện của ông, mà còn có nghĩa vụ giúp Tạng Cẩu hoàn thành nó.

Tất nhiên, Tạng Cẩu chẳng nghĩ nhiều đến thế. Nó chỉ muốn kể cái bí mật này ra cho nhẹ lòng.

Hồ Phiêu Hương giờ mới hiểu vì sao khi đó Tạng Cẩu không nhân cơ hội chuồn thẳng trở lại chỗ quân Minh, lại còn lên tận phương bắc xa xôi này.

Trời lạnh hơn một chút nữa…

Hai đứa nhỏ ngồi bên bờ sông, lặng im ngắm ánh đèn, nghe tiếng đàn ca tích tịch của những con thuyền xa xa.

Chúng nó không có đồng nào, tất nhiên chẳng thể đi thuyền. Nhưng ngồi xem trăng đánh mạn thuyền, chưa chắc đã không phải một cái thú hay ho.

“ Thôi cũng nên về đi nhỉ. Sắp canh ba rồi. ”

Hai đứa kéo nhau lục tục toan về, thì bỗng nhiên đằng xa vang lên tiếng ai khóc nghe thật não nề.

“ Đến xem thế nào! ”

Chẳng ai bảo ai trước, hai đứa nhóc đồng thanh cất tiếng.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio