Hồi mười lăm
Tại cố đô Ngũ Thư giải oán
Nơi cung cấm Tuệ Tĩnh ra tay
Nhắc lại chuyện hai người Lê Thận, Lê Hổ đến Hoa Lư, bất ngờ gặp được Trần Đĩnh.
Lê Hổ múa hổ đầu đao, hai mắt long lên sòng sọc như muốn giết người. Nói đoạn, cậu nhảy vút sang một bước, đưa tay khảm một đao ngang mặt Trần Đĩnh.
Đao nhận xé gió nghe phần phật, kình lực dồn lên đầu lưỡi đao cương liệt mười phần.
Đao này Lê Hổ bổ ra, hoàn toàn không giữ lại nửa phần công lực hộ thân. Hoặc là kẻ thù chết, hoặc là cậu ta vong.
Đao hạ bất lưu nhân.
Quái nhân từ từ ngẩng gương mặt chằng chịt sẹo ngang sẹo dọc, trong ánh mắt mù mịt vẻ ngơ ngác. Mái tóc nhuốm sương phủ xuống đôi vai rạm nắng, con sói cô độc sống không quá khứ chẳng tính danh suốt chín tháng qua bỗng ngẩng đầu hú dài.
Hai tiếng Trần Đĩnh như chọc vào vết thương cũ của nó.
“ Xuân! Xuân ơi!! Aaaaaaaa! ”
Trần Đĩnh gào lên.
Hắn vung kiếm lên toan đâm ra trước, với một cách liều lĩnh và điên loạn, giống như chẳng thiết mạng sống.
Hai con dã thú hung hăng lao vào nhau trong cơn say máu cuồng điên, lí trí bị thù hận che mờ.
Đao chém, kiếm đâm, tiếng thép rít gào chói tai bật lên khô không khốc. Bụi đất tung mịt mù, kình phong tạt ào ạt như hoà cùng điệu múa cuồng điên của kim loại.
Trần Đĩnh bị khảm trúng một đao ngay vai, nhiệt huyết tứa ra tung toé. Lưỡi đao nhuộm màu máu nóng, phản chiếu ánh dương lập loè đỏ rực lên. Nhưng họ Trần cũng biến chiêu như chớp, thọc cho Lê Hổ một nhát nặng ngay phần eo. Đòn phản công chớp nhoáng, lưỡi kiếm sắc lẻm tiện đứt da đâm toác thịt, máu đào nhuộm ướt đầm đìa cả một bên ống quần.
Hai người cứ đổ lộn vào nhau mà đánh, hai đầu vai chỉ cách nhau vừa tầm hai cánh tay. Chẳng ai thèm trở ngược binh khí về phòng thủ, bởi quay mũi kiếm đầu đao mà lui bước là chết.
Lê Thận đứng ngoài quan sát, phát hiện chiêu số của Trần Đĩnh mặc dù chẳng thành chương thành pháp, song nội lực hùng hậu hàm súc, biến hoá lại tinh kì. Còn Lê Hổ chỉ biết đâm đầu vào khảm, theo cái kiểu chịu đấm ăn xôi. Nhưng trong lúc này, ấy lại là đấu pháp tốt nhất.
Nội lực Lê Hổ thua kém, chiêu số cũng bình bình không lấy gì làm tinh diệu. Nếu như đánh nhau công bình, cậu có mười cái mạng cũng phải chết chín.
Thế nên cậu đánh liều dùng đấu pháp liều mạng, một đao đổi một kiếm. Thế nhưng thần trí Trần Đĩnh đang hỗn loạn, hầu như là đánh theo bản năng, thế nên đấu pháp chịu đấm ăn xôi của Lê Hổ khiến hắn cũng phải ăn trái đắng.
Lê Thận nghĩ thầm:
[ Hai người này có oán cừu không cạn với nhau, có lẽ mình không nên can thiệp vào. ]
Mới nghĩ đến đây Trần Đĩnh bỗng ngửa đầu gầm lên một tiếng, chân điểm hai phát bật nhanh về phía sau. Khoảng cách giữa y với Lê Hổ bị dãn ra trong nháy mắt.
Lê Hổ nghiến răng, dẫu biết khinh công yếu hơn, vẫn nghênh đao đuổi theo. Thù sâu như biển, nay kẻ thủ ác đứng ngay trước mặt, bỏ qua thì phải chờ đến bao giờ.
Lê Thận nheo mắt, chợt thấy vai Trần Đĩnh hơi máy động, gươm trong tay nhẹ nhàng xoay nghiêng một chút. Mặt gươm hướng về phía Lê Hổ. Biết có chuyện chẳng lành, y hô to:
“ Hồi mã thương! Đừng đuổi. ”
Nhưng đã quá muộn.
Trần Đĩnh tung mình, xoay tròn một vòng ngay giữa bán không. Lưỡi kiếm trong tay y bất thần vạch ra, hoạ nên giữa nền trời một vầng trăng khuyết.
Ánh kiếm vằng vặc, ma mị và huyễn lệ loáng lên trước mặt, khiến Lê Hổ ngây cả người.
Trong đời mình, cậu chưa bao giờ được thấy một bóng kiếm nào mê hoặc đến thế. Ánh mắt chẳng hiểu vì sao không thể du di khỏi mũi kiếm càng lúc càng hiện rõ dù chỉ một khoảng bằng nửa cái móng tay.
Rồi lưỡi sắc nhọt hoắt vẩy đến ngang mặt, nước thép lạnh toát khiến giọt mồ hôi đọng nơi chóp mũi cậu run lên rời hững hờ đậu lên mũi kiếm. Tóc trên đầu loạt xoạt run lên vì gió thoảng, một hơi sợi rụng xuống lưới kiếm. Không một âm thanh, sợi tóc nhẹ nhàng lìa làm hai đoạn.
Kengggg!!!
Tiếng động giòn tan, khô khốc vang lên đẩy bật Lê Hổ khỏi vòng mị hoặc của chiêu kiếm hoa lệ. Lúc này đây cậu mới thấy lưng mình ướt đẫm, lạnh toát. Hai chân cậu bắt đầu nhũn ra như cọng bún, vô lực ngã quỵ xuống.
Máu nguội lại, đầu lạnh đi, cậu mới thấy lằn ranh sinh tử kia còn mảnh hơn sợi tóc bị chém đứt.
Mũi kiếm bị vật nặng đánh trúng, lui về sau nửa xích.
Nếu không, đầu Lê Hổ e là đã bị chẻ làm hai nửa, như cách người ta bổ một quả dưa hấu.
Leng keng.
Quả cau sắt rơi lên nền đá rêu phong, lăn xuống đụng vào đầu ngón chân của Trần Đĩnh.
Lê Hổ biết Lê Thận vừa mới phát chiêu cứu mạng mình, không khỏi thở phào. Lúc này tim đập binh binh như muốn nhảy khỏi lồng ngực, khiến cậu ú ớ chẳng nói nổi tiếng nào.
Lê Thận không nói không rằng, quắc mắt nhìn về phía Trần Đĩnh:
“ Chiêu này là bóng trăng Tây Hồ. Anh với Khiếu Hoá Tăng có quan hệ gì!!!??? ”
“ Trầu sát nhân. Cau đả huyệt. Độc trắng, máu đỏ. Ám khí trầu không à. Té ra là đồng môn. ”
Trần Đĩnh cất tiếng.
Thanh âm hắn khàn đặc, nghe như nghẹt lại một nửa ở cổ họng.
“ Sao lại đến nông nỗi này? ”
Lê Thận thở dài.
Chuyện hôm nay, xem ra y không quản không được.
Một bên là bằng hữu bạn bè như chim liền cánh cây liền cành, một bên là đồng môn chung thầy khác nào gà cùng một mẹ.
Y vực Lê Hổ dậy, nói khẽ vào tai cậu.
“ Nể mặt mỗ, tạm thời đừng có chém giết đấu đá gì vội. Oán cừu ân nghĩa gì để ba mặt một lời rồi sau giải quyết. ”
Lê Hổ thở dài, tra đao vào vỏ, tự hiểu rằng mình có cố cũng không đấu nổi kẻ thù. Nếu không phải vừa nãy có Lê Thận ra tay tương trợ, cậu đã hồn lìa khỏi xác từ lâu rồi.
Trần Đĩnh thấy vậy, cũng cất kiếm đi. Song biểu cảm hãy còn vương chút mê mang, như người ta hay thất hồn lạc phách sau một giấc mơ dài chân thật.
Lê Hổ nói:
“ Gần đây có động Thiên Tôn, vốn là nơi Đinh Tiên Hoàng hạ lễ cầu đảo trước khi dẹp yên mười hai sứ quân. Không bằng ta vào đấy ngồi một lúc. ”
Lê Thận nhìn Trần Đĩnh một cái, gật đầu ra hiệu có thể tin tưởng Lê Hổ.
Ba người bấy giờ mới rồng rắn kéo nhau vào động.
Cổng vào động Thiên Tôn cũng có đặt tam quan như bao ngôi chùa, ngôi đền đất Việt khác.
Bên cạnh cổng tam quan có một cây sấu già.
Lê Hổ hằm hằm đi tới, lấy đao đào gốc sấu lên.
Bên dưới, cạnh bộ rễ sần sùi chắc khoẻ chôn hai hũ rượu đế, còn có cái tên dân dã là quốc lủi.
Ba người kiếm một chỗ bằng phẳng mà ngồi xuống. Nền động mát rượi còn hơn cả sập gụ, phản quý trong nhà bá hộ đón lấy da thịt ba người.
Lê Hổ khui nắp, rồi ba người cứ thế dốc ngược hũ rượu mà tu. Rượu mạnh cay cay, nhưng đồng thời lại có vị ngọt thơm nồng lan toả trong khoang miệng và từng tấc lưỡi.
Rượu qua vài chén, lưỡi cũng trơn hơn.
Lúc này Lê Thận mới hỏi Trần Đĩnh:
“ Rốt cuộc là có chuyện gì? Sao lại ra nông nỗi này? ”
Trần Đĩnh cúi đầu, nhìn hũ rượu đã vơi một nửa, lòng ngổn ngang như trăm mối tơ vò. Y chẳng thà quên đi, quên hết thảy, để dòng ký ức hoà vào rượu trôi xuống bụng.
Như thế sẽ không thắt vào tim y nữa.
Thấy tâm trạng y nặng nề như thế, Lê Thận cũng không tiện nói gì.
Mất một lúc sau, khi hai người Lê Hổ bắt đầu hết kiên nhẫn, y mới è è lên tiếng:
“ Chuyện là như vậy. ”
Trở lại nửa năm trước.
Trần Đĩnh chém đầu Hồ Đỗ xong, như hoá điên hoá dại chạy khỏi Hàm Tử quan. Y lại vô thức lấy tay tự cào nát khuôn mặt trông chẳng còn ra hình thù, những tưởng dùng đau đớn trên thân mình xoa dịu đi cảm giác tội lỗi cào xé tâm can. Mỗi lần dậm bước làm nảy bật lên một ký ức, mỗi lần máu tứa ra trào dâng một kỷ niệm. Hối hận và tuyệt vọng. Y như người đi trong hang tối tựa hũ nút, những mong tìm được ánh sáng nơi cuối đường hầm.
Trần Đĩnh cứ cắm đầu đi không ngừng, lúc nào rã rời chân tay mới vơ đại cái gì trên cây dưới suối mà ăn. Vết thương trên mặt dãi nắng núi nhuốm sương rừng bắt đầu nhiễm trùng, thối um lên càng khiến y chẳng dám ra gặp ai.
Trần Đĩnh đi mấy ngày không nghỉ, hai mắt đỏ quạu lên vì thiếu ngủ mới đến thành Thăng Long. Bấy giờ Thăng Long đã là đất của quân Minh, canh phòng cẩn mật.
Nhưng Trần Đĩnh ăn mặc rách rưới, tóc tai rối bù, thân thể hôi hám khắm khú chẳng khác gì nạn dân. Chiến hoả mới yên, nạn dân lóc nhóc từng đàn từng lũ. Y trà trộn vào một đám, thuận lợi vào thành.
Thăng Long thành vẫn là nơi rồng cuộn hổ chầu địa linh nhân kiệt. Thế nhưng bầu trời trên cao nay đã thấp xuống. Thành thử, Trần Đĩnh về lại quê nhà, trong lòng cứ thấy nao nao khác lạ.
Long thành vẫn còn đó, nhưng trời trên cao kia đã đổi thay. Mà cũng có lẽ là người đã đổi thay.
Y lần về nhà cũ, căn nhà lá lụp xụp ở phố hàng Than nơi y từng sống một năm với vợ và cô con gái mới sinh.
Hàng rào trước nhà đã bị ai đạp gãy, xắn đứt cả những dây mồng tơi nơi hắn từng đổ gục trong vũng máu và cơn say thất bại đầy nhục nhã.
Trần Đĩnh bước tới trước, nâng từng cọng mồng tơi dập nát lên. Ký ức theo đó trôi về quá khứ, về ngày trung thu của mười năm trước.
Đêm trăng rằm, hồ Linh Lang, Huyết Kiếm Thiên Công dạ chiến Long Thành kiếm khách.
Nhớ lại thời thanh niên đầy nhiệt huyết, Trần Đĩnh bất giác cười. Lạ lắm thay. Khi đó hắn từng coi thảm bại ở hồ Linh Lang là nỗi ô nhục lớn nhất cuộc đời mình, hễ nhớ lại chuyện cũ là mặt đen như bôi nhọ trát tro.
Nhưng bấy giờ, chẳng rõ vì sao hồi tưởng lại, hắn lại bất giác thấy tò mò lạ. Không hiểu đối thủ cũ của mình bây giờ ra sao, liệu có còn giống như lúc đại chiến năm đó hay không.
Rồi, Trần Đĩnh lại quỳ xuống bên dàn mướp.
Vai áo hứng lấy cơn mưa của mười lăm năm trước, tai nghe văng vẳng tiếng gót sen ai lưu ngoài hẻm vắng. Trước mắt Trần Đĩnh hiện lên một bóng người nằm gục ngay trên hàng mồng tơi vấy máu, nhuộm đỏ gần nửa hàng rào nứa dưới thân.
Bóng ô che phủ trên đầu, cái ô của hồi ức xa xưa được cầm bởi bàn tay của giai nhân mười năm trước.
Ánh đèn lồng rọi lên hai khuôn mặt, một khuôn mặt đầy bùn tanh đất bẩn của Trần Đĩnh, soi rõ cái nhục nhã cuộn trào trong đôi mắt. Và một cái khác cũng của hắn, nhưng là hắn của mười lăm năm sau, tả tơi và biến dạng. Gương mặt bị rạch nát nở nụ cười ngây ngô, si ngốc.
Chẳng biết tự bao giờ, Huyết Kiếm Thiên Công nổi danh một vùng, Trần Đĩnh tướng quân lãnh quân Thiên Dực chiến thắng trận Thiên Mạc… lại hoá thành gã thanh niên ngây ngô xốc nổi năm nào.
Trần Đĩnh thở dài, nhắm mắt rồi mở ra. Tràng cảnh trong hồi ức xa xôi tan thành lớp bụi nơi mũi giày.
Ngay bước đầu tiên vào sân trước, một mùi hương là lạ mà quen quen đã ập tới. Giản dị, mộc mạc thôi, nhưng cũng không kém phần đầy mê hoặc. Thứ hương thơm đầy nghịch lí ấy phả vào mặt, cuốn lấy từng tấc da thớ thịt, quện vào linh hồn Trần Đĩnh như nồi bánh đúc dân gian.
Mùi vị của nhà, của quê giang tay đón chào người con xa xứ.
{ Chú thích nhỏ : hồi tám tác giả có viết nhầm một đoạn, chỗ ở chính xác nhất của vợ chồng Trần Đĩnh là Hàng Than. Nay đính chính lại cho đúng
Chú thích nhỏ : tác giả đang vướng một chỗ cần phải lột tả được khí thế của bậc đế vương, mãi mà chưa ưng, nên thời gian tới tốc độ viết sẽ giảm đi nhiều. Cho đến khi tác giả gỡ được đoạn này, thì hồi mười lăm mới được đăng hoàn chỉnh
Kính bút }