Lê Văn An nghĩ thầm:
[ Thế chẳng phải mình và Lê Sát sẽ thành tử sĩ chịu chết hay sao? ]
Song nghĩ thì nghĩ thế, y cũng biết chuyện này trước sau gì cũng cần người đến đảm đương, lại nhớ lời căn dặn của Lê Lợi nên chút ấm ức trong lòng cũng vợi đi hầu hết.
Lê Sát xốc thương, nói:
“ Cứ giao cho tôi! ”
Đoạn dẫn theo một toán quân, từ bến cảng túa đi khắp nơi. Phàm những nơi trọng yếu như kho thuốc súng, kho khí giới, giếng nước, sông suối trên đảo đều bị ghé thăm, nếu có thể đánh tan được phòng ngự của quân Minh thì sẵn mồi lửa thiêu trụi, hoặc hạ độc xuống nguồn nước, còn không thì cũng uy hiếp bắt quân Minh đồn trú ở đấy không thể rời khỏi vị trí.
Lúc này, thuốc độc do Hoàng Thiên Hóa chuẩn bị trước trận đại chiến đều được binh sĩ dùng vô tội vạ. Không cần biết là phấn, hay thuốc nước, hay đạn khói, quân Trần cứ nhác thấy bóng lính Minh là vơ lấy mà ném tới tấp. Độc của đảo chủ đảo Bạch Long cực kì cổ quái, làm quân Minh nhất thời thất điên bát đảo.
Biết đối thủ có thuốc độc, nên bọn này càng phải chú tâm cố thủ những nơi như thượng nguồn, hoặc giếng nước. Dù sao bấy giờ đang đóng quân ở trên đảo, nước ngọt có hạn, ngộ nhỡ để đối phương hạ độc vào nguồn nước thì rắc rối vô cùng.
Thành thử, quân lực trên đảo khó bề tập trung vào một chỗ, Nguyễn Súy mới có thể cố thủ được. Song vì phải ngăn không để quân Minh dùng pháo tự bắn phá bến cảng ngăn tàu cập bến, nên ba quân xung buộc phải phong không cần mạng, lấy máu ra để câu giờ, tử vong thảm trọng.
Qua một khắc, thì đoàn thuyền lớn chở đại quân của Hậu Trần đã cập bến. Dẫn đầu là Nguyễn Cảnh Dị, theo sát là các tướng Đồng Mặc, Nguyễn Ngân Hà, Lê Nhị, Lê Khang, Đỗ Cối và Nguyễn Hiêu.
Lúc này quân Trần hội họp với cánh quân của Nguyễn Súy, thanh thế lên rất mạnh.
Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy, cũng như các tướng Hậu Trần trước khi đến Vân Đồn đều đã học thuộc lòng bản đồ bố phòng trên đảo do Đông Hải Kình Nương vẽ từ trước, bắt đầu hùng hổ tiến về những kho lương thảo để càn quét.
Bấy giờ trong quân ngũ nhà Minh hãy còn một vài tướng tỉnh táo. Bọn họ hiểu được quân Trần lần này tấn công Vân Đồn chắc chắn là để cướp lương thực, thế nên vừa nhác thấy không cản nổi quân của Trùng Quang đế cập bờ là quân Minh kéo đại quân cố thủ kho lương thực.
Quân của Lê Sát, Lê Văn An và Hoàng Thiên Hóa thấy đại quân đã trở lại, bèn dùng hết thuốc độc vôi sống để quấy nhiễu rồi thừa lúc hỗn loạn giả làm thường dân mà lỉnh mất. Trong đánh trận, thường thức vốn là phe công phải đông hơn thì mới thắng được, trước giờ rất ít khi có ngoại lệ. Tuy là chiến đấu quy mô nhỏ như vài chục đấu hơn trăm thì cơ hội lớn hơn, nhưng cũng không quá khả thi. Hai tướng Lê Sát, Lê Văn An biết điều này, nghĩ chẳng thà cho lui quân trước, đợi hội họp với đại quân cùng đánh quân Minh còn hơn là bỏ mạng uổng phí ở đây.
Quân Minh đã biết Hậu Trần đến đây cướp lương, thế nên cố thủ rất vững. Địa thế trên đảo lại phức tạp, thành thử phía thủ thế hẳn phải chiếm địa lợi. Song nhờ có địa đồ của Đông Hải Kình Nương mà quân Hậu Trần do Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy dẫn đầu dễ dàng đoán được vị trí các ổ phục binh của quân Minh, theo đó mà vạch hướng công kích. Độ nửa ngày thì chiếm được kho lương của quân Minh, nào ngờ lúc vào thì lương thực đã bị một mồi lửa thiêu rụi hầu hết, một vạn hộc lương thực viện trợ mà Chu Đệ sai Hàn Quan tải vào Nam, đặt ở Vân Đồn cũng phải dăm ba ngàn, thế mà nay đã bị thiêu ra chỉ còn mấy trăm hộc, kèm theo một chút tro tàn.
Nguyễn Súy đánh trận cả ngày, tinh thần đã mỏi mệt nên có chút nóng đầu, suy nghĩ không được thông suốt như thường ngày. Lúc này thấy quả ngọt sắp được hái chỉ có một nhúm lương thực ít ỏi kèm theo một đống tro tàn thì không khỏi bực mình, giận lẫy sang Lê Sát và Lê Văn An.
“ Mẹ kiếp! Các ngươi quấy nhiễu quân giặc, thì cũng phải biết đánh chó ngó chủ! Bây giờ kho lương thành ra thế này còn cướp cái giống gì? ”
Lê Văn An và Lê Sát cũng giết quân địch đến mệt lả, lại đều là bậc quan võ tính nóng như lửa, nay bị y quy tội thì không khỏi nóng máu:
“ Ý ông là sao? ”
Nguyễn Súy xì một tiếng;
“ Ta nghĩ các người sợ thánh thượng có được số lương này, thạnh thế càng lớn, đòi lại được giang sơn gấm vóc ta thì Lam Sơn của các người không được giây máu ăn phần tí nào đúng không? ”
Lê Văn An quắc mắt:
“ Nguyễn Súy! Nhà ngươi ăn nói cho cẩn thận! ”
Tuy bình thời Nguyễn Súy ở chức cao hơn y, song Lê Văn An cũng không tham luyến gì chức quan này cả. Cùng lắm là y từ quan về Lam Sơn.
Lúc này Nguyễn Cảnh Dị bèn nói:
“ Chắc là giặc đoán được ý ta, nên dùng kế vườn không nhà trống đấy thôi. Các vị tướng quân chớ có làm mất hòa khí nội bộ. ”
Nguyễn Súy dậm chân:
“ Bao nhiêu anh em phải vong mạng mới đổi lấy được cơ hội này, thế mà nay tay trắng, tôi không cam đâu! ”
“ Chúng ta không được gì, nhưng chí ít chỗ lương thực này giặc cũng không dùng được, coi như là không thành công cũng thành nhân vậy. ”
Chư tướng nhìn nhau rồi thở dài, đoạn rút lui, không quên lấy hỏa pháo bắn tan tành bến cảng không cho quân Minh đuổi theo.
Sau đấy mấy ngày, quân Hậu Trần liên tiếp xuất hiện ở mấy đảo lớn để cướp lương thực, đáng tiếc là Trương Phụ đã lường được hành động này, căn dặn quân tướng dưới trướng hễ quân Trần đánh được vào thì lập tức đốt trụi kho lương. Quân của Trùng Quang đế đánh mấy trận đều thắng, đáng tiếc thương vong thì lớn, lương thu về thậm chí còn không đủ để nuôi quân ra trận, có tải về Hóa châu cũng chẳng trụ nổi mấy ngày.
Rốt cuộc, lúc về đến chốn thành quách tiêu điều, quân số chỉ còn có ba bốn thành, vua quan ai nấy đều mệt mỏi rệu rã. Đến cả Lê Sát mà lúc này sát ý cũng u ám, mất hết sức chiến đấu.
Về phần Hàn Quan…
Lão ở Cát Bà mấy ngày, thì có quân tình quân Hậu Trần tấn công Vân Đồn truyền về. Lúc được tin, lão đang uống trà với tổng binh giữ đảo, tiểu binh vừa báo tin xong là chén trà trong tay lão đã bị vỡ thành bốn năm mảnh. Sắc mặt Hàn Quan âm trầm như sắt, ra lệnh cho ba quân tức tốc lên thuyền truy sát quân Hậu Trần!
Nào ngờ, thuyền ra khơi được mấy dặm, vừa gặp con sóng trở thì đã có một bộ hạ báo:
“ Báo! Đáy thuyền có lỗ thủng! ”
Lúc lão xuống thấy nước đã ngập vào khoang dưới cùng của thuyền thật, không khỏi giật mình!
[ Chẳng lẽ có quỷ thần? ]
Đầu tiên Hàn Quan đặt mối nghi ngờ lên Đông Hải Kình Nương, nhưng y thị hành xử kín kẽ không có dấu vết, cả ngày thị và thuộc hạ ở trên bờ, mà thuộc cấp của lão lại xét thuyền ả đến mấy lần cũng không thấy có gì lạ. Không nói Kình Nương vốn “ không có lí do ” bán đứng lão, cho dù có, thì lão cũng không nghĩ ra ả làm thế nào.
Kì thực… vốn Kình Nương không phải người làm chuyện đục thuyền này, mà là Phạm Hách!
Vốn là trước khi xuất phát, Đông Hải Kình Nương mới cho đóng gấp một con thuyền có hai tầng, một tầng ngầm bên dưới khoang thuyền không ai biết cả. Bình thời trong khoang ngầm chất đầy các bao cát để dù có người đi lại trên khoang thuyền cũng không biết bên dưới rỗng không. Cửa vào thứ nhất nằm trong khoang, ngay dưới giường của Đông Hải Kình Nương nên bọn lính lác không tiện tra xét. Phía mũi thuyền cũng thiết kế một cái cửa ra, nhưng cửa này chỉ có thể mở từ bên trong, lại nằm ngầm dưới nước nên quân Minh cũng sơ ý bỏ qua. Phạm Hách chui vào khoang thuyền nằm, đoạn Kình Nương cứ tính chỗ nào hắn đang nằm lên thì kê hàng hóa đặt lên đấy, lại cố tình bố trí sẵn lỗ cho hắn thở.
Còn chiếc thuyền thì cự nhiên chở toàn là gái bán hoa từ phía nam Đại Minh.
Ả hẹn đến đêm để các ả đào lên đàn hát cho lính lác quân Minh, Phạm Hách sẽ bí mật mở cửa ngầm, lặn đến đáy thuyền của Hàn Quan, đoạn đục một cái lỗ dưới đáy tàu, chỉ vừa bằng cái chén hạt mít. Cứ đục được một lỗ lại nhét một cục dây thừng vào để bịt kẽ hở. Thứ dây thừng này lấy một đám giấy bồi làm trung tâm giữ vững chỉnh thể, bình thường sẽ không thấm nước. Nhưng một khi sóng lớn đánh vào làm thừng lỏng ra, sẽ để nước tràn vào làm rã giấy bồi ra. Lúc ấy thì dây thừng sẽ tự giải nút, lỗ hổng cũng đột nhiên vô thanh vô tức xuất hiện ở đáy thuyền.
Lúc này Giao Long Chuy mới phát huy diệu dụng.
Thứ này đúc bằng đồng đen, cho dù là tấm thép dày cả tấc nó cũng đục xuyên như tờ giấy, huống hồ là gỗ. Thành thử Phạm Hách có thể đục cho đáy thuyền của quân Minh thành cái tổ ong mà lính lác thủ trên thuyền cũng không hay biết gì.
Cũng phải nói, từ sau trận thua nhục trước Tạng Cẩu, tên này chú trọng luyện võ hơn, nên Quy Tức công gia truyền tiến bộ, nay có thể lặn một hơi hơn nửa canh giờ mà không cần ngoi lên, cũng tính là một dị loại. Cứ mỗi đêm ba canh giờ, hai canh nghỉ ngơi lại sức. Sáng sáng tên nào trực thuyền đi mua đồ ăn sẽ bớt lại chút ít lén lút đưa cho Phạm Hách.
Hai bên làm một màn vải thưa che mắt thánh, chẳng mấy đã xử đẹp cả đoàn thuyền của Hàn Quan. Chuyện này tự nhiên không có sách sử nào chép. Nếu có, thì cũng trở thành một chuyện tiếu lâm, tựa như chuyện Nguyễn Công Trứ lấy mo cau che mông trâu lại, gọi là “ bịt miệng thế gian ” vậy.
Hàn Quan và bộ hạ bấy giờ lênh đênh giữa trùng khơi, bốn bề chỉ có rặt sóng và nước, mắt thấy thuyền nào thuyền nấy đều bị giống mình thì không khỏi kinh hồn. Tiếc là có muốn cũng chẳng thể chắp cánh mà bay như loài chim đang chao liệng trên đầu được. Chẳng mấy mà nước phá vách thuyền mà vào, cả một đoàn binh thuyền lớn chìm nghỉm vào biển nước mênh mông.
Phải đến mấy ngày sau, Hàn Quan và bộ hạ mới được người ta phát hiện đang ngồi trên một mảng thuyền vỡ, đưa vào bờ. Lão vừa mở mắt thì quan địa phương đã cho người đến rước về phủ.
Lúc này đọc quân tình, thấy đâu đâu cũng là cảnh quân Hậu Trần thắng trận, lão mới hiểu…
Té ra quân Trần thực sự lẩn khuất trong rặng đảo đá ở vịnh Bái Tử Long, chỉ chờ lão đi khỏi sẽ tấn công vào Vân Đồn. Sở dĩ đại binh của lão đi qua hai vịnh lớn mà không tổn hại gì, vì Trùng Quang đế và Nguyễn Cảnh Dị biết có đánh được hạm đội của lão cũng chẳng thu được bao nhiêu lương thảo cả.
Về phía Kình Nương, thì lão không nghi ngờ thị quá, chỉ nghĩ mấy tên Hậu Trần kia sớm đã có mưu đồ nên mới lên thuyền của y thị. Tính ra, thị cũng là “ người bị hại ”.
Lão ngâm nước biển mấy ngày, nhiễm lạnh vào phổi, nay nộ khí công tâm thì bệnh tình càng chuyển biến nặng. Thuốc thang được một thời gian, đến tháng tư thì mất. Sử chép là mất vì bệnh, không nói uyên nguyên sâu xa này.
Xét cho cùng…
Xưa nay, lợi người lợi ta là chuyện ai cũng thích.
Hại người, lợi ta là cách hành xử của kẻ tiểu nhân.
Lợi người, hại mình thì phải là kẻ ngốc, hoặc bậc anh hùng mới làm nổi.
Nhưng hại người mà không lợi mình, thậm chí hại cho mình, thì trên đời duy chỉ có kẻ điên!
Thế nên, Hàn Quan mới bị Đông Hải Kình Nương qua mặt.
Lời tác giả:
_ Hết hồi , xin có đôi lời cải chính là việc Nguyễn Biểu bị Trương Phụ giết xảy ra sau khi Nghệ An bị chiếm. Ở hồi này tác hơi lầm lẫn nên đã viết thành Nguyễn Biểu mất trước, rồi Nghệ An mới mất
_ Sở dĩ tác không dùng từ " giặc Minh " trong lời kể, mà chỉ dùng trong lời nhân vật thì đó là do tác cảm thấy nếu dùng từ " giặc " thì bản thân khó lòng kiềm chế được cảm xúc, không giữ được cái đầu lạnh. Lúc ấy thể nào cũng viết thiên vị cho người Việt. Điều ấy đi ngược lại tôn chỉ ban đầu khi đặt bút, nên mới phải làm thế, chứ không phải tác không phân biệt ai là giặc ai là bạn.
_ Đến nay cũng đã gần xong thiên, có đôi lời cần giải thích. Ở thiên thứ hai thì các nhân vật nhà Hậu Trần như Trùng Quang Giản Định, Đặng Tất Đặng Dung…v.v… chưa được khai thác kỹ như tướng nhà Hồ hồi . Thực chất không phải tác thiên vị Hồ mà bỏ bê Hậu Trần, mà do thiên thứ hai tác chọn đi theo hướng " Lam Sơn đang làm gì trong lúc Hậu Trần dấy nghĩa ", phát triển từ chuyện Thái Tổ Lê Lợi làm chức Kim Ngô tướng quân dưới thời Trùng Quang. Vì đi theo hướng này nên thời lượng của mạch truyện thứ hai phải chia bớt ra cho các tướng Lam Sơn, không được tập trung như thiên thứ nhất.