Trong phủ nhà họ Lê, thì bà Thương bấy giờ đang ngồi tựa vào ghế.
Ánh mắt nhìn Hổ Vương nửa là hồ nghi, nửa là áy náy.
Hổ Vương Đề Lãm vốn là người không thích nói lời giả dối, lúc này ông lại càng chẳng có lí do gì phải dối gạt bà cả.
“ Thì ra… ngậm ngải tìm trầm… lại là như thế. ”
Chuyện kể rằng, trên một vùng núi cao, có hai vợ chồng nhà nọ đến sinh cơ lập nghiệp. Họ cũng trồng lúa bắp, chăn nuôi gà lợn và săn chim bắt thỏ như mọi nhà khác. Nhưng nhờ của cải của bố mẹ để lại, họ sống có vẻ phong lưu. Vì thế tuy có vất vả, hai vợ chồng vẫn vui thú gia đình với đứa con trai lên năm tuổi.
Đột nhiên một hôm có một người bạn cũ tới thăm. Hai người đàn ông lâu ngày không gặp, tay bắt mặt mừng. Người bạn nói: - "Nghe nói anh chị dời đến ở đây đã lâu. Nay có việc đi lối này, tôi mới ghé thăm được. Sẵn có cặp ngỗng mang tới biếu anh chị". Chủ hỏi: - "Mấy lâu nay anh ở đâu mà không hề có tin tức gì cả. Chẳng hay anh làm nghề gì?". - "Tôi chẳng nghề ngỗng gì cả. Chẳng giấu gì anh, từ lâu tôi đi tu tiên để mong đắc đạo. Trong năm năm liền ngồi tù cẳng một nơi, bây giờ có việc phải lên núi". - "Lên núi để làm gì?" - "Để tìm trầm. Phải có trầm đốt lên khi muốn đạt một lời cầu nguyện. Trầm sẽ đưa lời cầu của mình lên cung Tam-thanh. Nhờ đó "chư tiên" mới biết được điều ước muốn của mình và sẽ cho mình như nguyện". Chủ lại hỏi: - "Núi rừng trùng điệp, cây cối bạt ngàn, làm sao mà tìm cho ra trầm?". Khách đáp: - "Khó gì. Tìm trầm phải ngậm ngải". Nói rồi khách móc trong tay nải ra một gói nhỏ bọc vải điều, giở ra lấy ngải cho bạn xem rồi nói:
- "Đây là ngải tôi đã luyện, trải bao nhiêu năm nay mới thành. Chỉ cần ngậm mót tý ngải này, có thể đi suốt năm trong rừng sâu, không sợ hùm beo rắn rết làm hại, không cần phải ăn uống gì cả, lại có hy vọng được "chư tiên" phù hộ, giúp cho tìm thấy trầm. Lúc đó thì có thề cầu được ước thấy, trường sinh bất lão".
Chủ nhân thấy bạn cũ tu luyện sắp thành công, có thể cầm chắc sự phú quý trong tay, thì hoa cả mắt. Hắn cầm lấy ngải nâng lên đặt xuống mấy lần, bụng bảo dạ: - "Chà, chỉ một tý thuốc này có thể cầu được ước thấy, trường sinh bất lão, sung sướng biết bao nhiêu". Vui miệng hắn cũng kể cuộc sống của mình trong mấy năm qua cho bạn nghe, rồi giục vợ làm cơm rượu khoản đãi. Trong mấy ngày cầm khách ở lại, vốn biết tính khách thích chơi cờ, chủ nhân lấy ra một bộ cờ bằng ngà mời khách cùng đánh. Hắn chọn một con cờ đưa cho bạn, nói:
- Bộ cờ này của tiền nhân tôi để lại bằng ngà rất quý. Nhưng chúng không quý bằng con tốt này. Nó bằng ngọc bích không mảy may tì vết, mà bao giờ cũng sáng óng ánh, kể cả khi để trong xó tối.
Khách cầm lấy con cờ bằng ngọc xem đi xem lại, thấy quả là của quý hiếm có ở thế gian thì tắc lưỡi khen thầm, đoạn tự nhủ: - "Làm sao ta có được một viên như thế để dâng lên Lão tổ...".
Tuy hai bên suy nghĩ nước cờ nhưng trong bụng người nào cũng chỉ những tìm mưu lập kế chiếm đoạt của nhau: một bên muốn làm chủ gói ngải, còn một bên muốn có con cờ bằng ngọc.
Ngày chia tay đã đến. Giữa khi chủ khách đang "vượt xe thách pháo" thì bỗng nghe tiếng gọi của vợ, chủ vội đi vào nhà trong. Sau đó một tiệc rượu bưng ra. Trong khi thu dọn con cờ, khách đã giấu biến con tốt bằng ngọc vào trong tay áo. Nhưng khách không ngờ chính mình cũng bị tước đoạt. Sau khi chén chú chén anh được một chốc, khách nằm vật xuống bên trường kỷ. Thấy người bạn đã bị mấy chén rượu pha thuốc của mình làm đổ gục, chủ nhân vội lục tay nải chọn lấy gói ngải, rồi lật đật ra đi không kịp từ giã vợ con.
Khách ngủ một giấc đến hai ngày sau mới tỉnh dậy. Hắn ta giật mình khi sờ vào tay nải đã không còn thấy gói ngải quý đâu nữa, tìm bạn bạn cũng đi mất đường nào, hỏi vợ con bạn cũng không ai biết đâu mà trả lời. Khách bèn lủi thủi ra đi quyết tìm cho thấy bạn để đòi lại vật quý.
Từ núi này sang núi nọ, khách trèo liên miên không nghỉ, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng kẻ bất lương. Một hôm, hắn trèo lên một đỉnh núi cao để phóng mắt nhìn ra xa, nhưng chẳng may trượt chân rơi xuống dốc, viên ngọc văng ra hóa thành đá, thân hắn hóa thành cây, rễ cây luôn luôn quắp chặt lấy đá như muốn bảo vệ của quý.
Còn về phía chủ nhân khi bước chân ra đi, nghe theo cách bày vẽ của bạn, hắn cũng bỏ ngải vào miệng để tìm trầm. Nhưng hắn đi mãi, đi mãi, vượt qua trăm núi ngàn khe mà trầm đâu chẳng thấy. Khi bụng đã chán nản muốn quay trở về thì khốn nỗi lại quên mất lối. Năm này qua năm khác, gói ngải dần dần chỉ còn lại một tí bằng cái móng tay.
Hắn đâu có ngờ rằng hễ bao giờ ngải tan hết thì con người sẽ hóa thành hổ. Lúc này da hắn lông đã mọc tua tủa thay cho những chỗ quần áo rách bươm. Rồi một hôm hắn biến thành con hổ xám.
Lại nói chuyện vợ con của hắn ở nhà trông đợi mỏi mòn. Nước mắt hai mẹ con mỗi ngày chảy một ít đã xói đất thành suối. Cuối cùng, ngày lụn tháng qua, hai mẹ con biến thành đá cùng với mấy gia súc và các đồ dùng quen thuộc.
Về sau, hổ xám ta cũng tìm được lối về nhà cũ. Từ đằng xa nhìn thấy bóng dáng vợ con, cả con chó, con gà đang quanh quẩn bên cạnh, hổ lấy làm mừng rỡ, bèn ba chân bốn cẳng vọt nhanh. Nhưng khi biết vợ con và gia súc đã hóa đá thì nó lồng lộn, gầm lên mấy tiếng đau xót, rồi bỏ đi biệt.
Ngày nay ở quận Khánh-dương, tỉnh Khánh-hòa, còn có núi đá gọi là núi Mẫu-tử, nổi bật là một hòn đá dựng, bên cạnh có một hòn nhỏ hơn, người ta nói đó là mẹ con. Xung quanh đá còn nhiều hòn khác nằm rải rác, người ta nói đó là con chó, con gà, cái rổ may và sợi chỉ, cái cối xay, cối giã, cái chày, cái sàng, cái chổi, v.v... Lại còn một tảng đá khác vuông vắn người ta nói đó là bàn cờ có nhiều quân nhưng thiếu mất con tốt. Gần đấy có một dòng suối gọi là suối Tiên, nước không bao giờ cạn, người ta nói đó là do nước mắt của hai mẹ con khơi thành.
Trên dòng suối thỉnh thoảng có bóng một cặp ngỗng vùng vẫy, người ta cho là dòng dõi của cặp ngỗng mà khách mang đến biếu, sở dĩ chúng không hóa đá là vì chúng chưa phải là gia súc quen thuộc của chủ.
Còn ở tỉnh Phú-yên, trên núi Tịnh-sơn có một hòn đá tròn gọi là đá Con cờ, người ta cho đó là con tốt bằng ngọc trong áo khách văng ra.
Bên cạnh là một cây cổ thụ to hàng vầng, rễ mọc chi chít, nhưng rễ cây bao giờ cũng quắp chặt lấy đá, người ta nói đó là người bạn biến thành[].
Còn thực hư mọi chuyện, theo lời kể của Hổ Vương, thì khác đi một chút.
Quả trầm ở miền núi rất quý, mọc rất sâu trong rừng, rất cao trên núi, toàn những nơi hiểm trở khó đi, mà đi vào lại dễ lạc lối khó thấy lối về. Muốn tìm được nó, phải có võ lực rất cao, thường thì chỉ các đời Hổ Vương mới tìm nổi.
Trầm ngoại trừ là vị thuốc quý để luyện dược, nếu cho thai phụ vừa ngậm một miếng ngải, vừa uống nước trầm, thì có thể cứu một cái thai bị hư chưa lâu sống lại.
Phạm Ngọc Trần được sinh ra như vậy.
Thì ra, ngày trước Hổ Vương dẹp được các bộ lạc đối địch, thì vợ ở nhà có thai cô nàng Ngọc Trần. Nào ngờ mang thai bảy tháng có lẻ, thì tàn dư của những kẻ địch cũ phái cao thủ đến đánh lén. Hổ Vương tuy đánh chết được cả bọn, thế nhưng vợ lại động tới thai khí. Bắt mạch, biết khó giữ được cái thai, Hổ Vương mới mạo hiểm đi tìm trầm để cứu đứa trẻ chưa sinh.
May sao, tìm được trầm trở về, thì cái thai mới hỏng ngay tức thì. Hổ Vương lệnh cho người lấy nước trầm, đem ngải cho vợ ngậm, lại uống nước, thai khí mới hồi phục trở lại.
Tiếc là, truyền thuyết ngậm ngải tìm trầm kể thiếu một đoạn cuối.
Trầm có diệu dụng thần kì, chẳng khác nào cứu người chết sống lại, trái với ý trời, thế nên sản phụ nào mà có cái thai được cứu bằng trầm thì nghìn người chẳng thể sống nổi một, đều chết vì khó sinh.
Sau khi vợ mất, Hổ Vương điên người, mới cho đốt sạch hết toàn bộ sách vở về ngậm ngải tìm trầm, để người đời sau không còn ai phải chịu cảnh tự tay giết vợ như mình nữa. Những chuyện tản mạn trong dân gian cũng vì thế mà dần dà đổi thành người tìm trầm phải ngậm ngải, đi trong núi rừng tìm kiếm, song nếu ngải tan hết mà chưa thấy trầm thì sẽ hóa thành hổ. Còn những địa danh như đá mẹ con, cái cây ôm tảng đá…v.v… đều là các thần tích người đời sau pha thêm vào để tăng tính huyền ảo cho câu chuyện.
Hổ xám, ở vùng Lam Sơn Thanh Hóa được xưng là thần cọp xám, cũng gọi là ma cọp. Tương truyền là giống hổ ăn thịt đủ một trăm người thành tinh, vóc dáng to như con trâu, lại có hàng đàn ma trành đi theo hầu hạ trành người về cho. Thực chất, cả hổ xám trong truyện dân gian, cũng như hổ trành, đều là dân gian hình tượng hóa các đời Hổ Vương.
Phạm Ngọc Trần là con của trầm, thế nên bản thân cô nàng từ khi sinh ra đã có tử khí như người đã mất. Lớn lên, được Hổ Vương Đề Lãm chăm sóc nên mới bớt đi phần chết chóc, thêm được phần sinh cơ, tốn không ít tài vật mới có thể trở thành một thiếu nữ hoạt bát như bây giờ.
Song, điều ấy không thể thay đổi sự thật, cô nàng từng chết trong bụng mẹ một lần. Phù Đổng thánh mạch có khí dương cương rất nặng, nặng đến độ khiến người bị không thể có người nối dõi, anh hoa phát tiết ra ngoài mà tráng niên mất sớm. Người bình thường kết hợp với Phạm Ngọc Trần thì chẳng sau, nhưng nếu ấy là Đinh Lễ, thì sinh mạng của nàng sẽ giống như tuyết gặp ánh mặt trời, chỉ có kết cục là tan thành nước.
Lúc dò hỏi thiền sư Tuệ Tĩnh về cách giải Phù Đổng thánh mạch, chính miệng thiền sư đã nói như vậy với ông. Thiền sư đức cao trọng vọng, tâm địa bồ tát, thế nên ông sẽ không tùy tiện nói linh tinh, nhất là chuyện liên quan tới mạng người thì càng không có chuyện thiền sư nói hai thành một điên đảo thị phi.
Thế nên, Hổ Vương mới bất chấp tất thảy, mặc kệ ước nguyện của con gái cưng cũng phải ngăn bằng được chuyện hai người đến với nhau.