Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

chương 301: hồi hai mươi sáu (7)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Lại kể chuyện Hậu Trần đánh Minh đã đến lúc khẩn yếu.

Tháng ba tổng binh Hàn Quan ốm chết, Trương Phụ đoán là do quân Hậu Trần giở trò quỷ quái, nhưng không sao lần được chút dấu vết nào, bởi manh mối cứ đến Hải Thượng Hung Lang là đứt đoạn.

Lão thầm nghĩ ắt hẳn phải có chuyện bất thường gì, bằng không một tướng lão luyện như Hàn Quan khó mà sơ xẩy như thế. Song chuyện Hải Thượng Hung Lang và Đông Hải Kình Nương là đối thủ không đội trời chung không phải là giả, chính lão cũng từng thấy hai băng cướp cọ sát sống mái một phen.

Thành thử lão càng thêm nghi ngờ…

Lão cũng đã nói chuyện này với Mộc Thạnh, thì lão nói:

“ Không phải đám giang hồ thảo mãng Giao Chỉ có một bọn lặn rất giỏi, lần trước đánh với quân Hồ chính bọn chúng âm thầm đục thuyền của Đại Ngu hay sao??? Có thể là bọn chúng giở trò quỷ. ”

Trương Phụ trầm giọng:

“ Cũng không loại trừ khả năng này. Nhưng bọn chúng dù có thở được dưới nước như là cá đi nữa, thì lúc đánh đắm thuyền cũng phải chìm lần lượt từng cái từng cái, Hàn tổng binh chắc chắn sẽ để ý. Đằng này đoàn thuyền neo ở bến bình an vô sự, vừa ra đến biển là chìm một loạt. Chẳng lẽ chúng bơi theo thuyền lớn mà đục không bằng? ”

Mộc Thạnh bèn hỏi:

“ Đúng là chuyện khó tin. Thế sắp tới đây chúng ta đánh tiếp hay thư thả dăm bữa nửa tháng? ”

“ Mộc hầu muốn tiến công ngay đúng không? ”

Trương Phụ nhìn thẳng vào Mộc Thạnh, nhếch mép hỏi ngược lại lão. Cùng chinh chiến nhiều năm, trước sau đánh với quân Hồ và Hậu Trần đều trên đất Đại Việt này, thế nên lão rất hiểu cách cầm quân của họ Mộc.

Mộc Thạnh bèn nói:

“ Cứ dựa theo chiến báo truyền về, thì quân Trần đánh vào các đồn trại của ta ở ven biển cũng tử thương thảm trọng, xem chừng chỉ còn ba bốn phần mười. Thiết nghĩ cơ hội đánh rắn dập đầu, nhổ cỏ tận gốc đã ở ngay trước mắt, không chớp lấy thì còn đợi khi nào??? ”

“ Chúng cử Nguyễn Biểu đem cống phẩm cầu phong, Mộc hầu không tin hay sao? ”

“ Đấy chỉ là kế hoãn binh của Đặng Dung, tôi nghĩ Trương hầu cũng chẳng để trong lòng, bằng không đã không cho người chém sứ. ”

Mộc Thạnh đáp lại câu hỏi của lão bằng một tiếng cười nhạt.

Trương Phụ bèn nói:

“ Đám người phương Nam này giống như cỏ dại. Nếu không đánh dập đầu thị uy, thì thể nào chúng cũng kéo nhau nổi dậy thêm lần nữa. Mộc hầu nói không sai, lúc này không dùng thế nổi gió to quét sạch lá khô, thông tổ kiến phá toang đê vỡ thì còn chờ tới khi nào? ”

Lão cười gằn, lại tiếp:

“ Riêng đám giang hồ thảo mãng thì tôi đã có biện pháp hàng phục, Mộc hầu hãy mau điểm tướng, xuất phát càng sớm càng tốt. ”

Tháng tư năm ấy, Trương Mộc kéo đại quân đánh thẳng vào Nghệ An.

Quân tướng Hậu Trần vừa trải qua chiến trận dai dẳng khắp các vùng Hải Đông, Vân Đồn, mệt mỏi uể oải, lại chưa kịp chiêu mộ huấn luyện thêm tân binh bổ sung vào quân ngũ, lực lượng có hạn. Hai bên giao chiến mấy trận, quân Hậu Trần nhắm cự lại không nổi, Đặng Dung bèn cho rút quân về Hóa châu đặng bảo toàn lực lượng. Nghệ An rơi vào tay Phụ.

Không đợi quân Trần phục hồi nguyên khí, vừa sang tháng sáu, quân Minh lại được tăng viện từ phương bắc, binh lực hùng hậu, lương đủ ngựa nhiều, Trương Mộc lại kéo quân đánh vào Hóa châu, quyết phải giết sạch quân Trần không chừa một mống mới thôi. Thanh thế của chúng mạnh như vũ bão, thật là khiếp người.

Thấy thế quân Minh hung hãn, lúc Trương Phụ kéo đến Nghệ An, Thái bảo nhà Trần là Phan Quý Hựu xin hàng, Phụ mừng lắm. Được độ một tuần, Quý Hựu bị bệnh chết, Phụ trao cho con của Hựu là Liêu làm tri phủ Nghệ An, lại thưởng cho gia đình Liêu rất hậu. Liêu đem tình hình tướng tá nhà Trần kẻ hay người dở, núi sông trong nước chỗ hiểm chỗ bằng và số quân nhiều ít nói hết cho Phụ biết, bấy giờ Phụ mới quyết chí đánh lấy Hóa Châu.

Phụ họp các tướng bàn kế đánh chiếm. Hoàng Phúc nói: “ Hóa Châu núi cao, biển rộng, chưa dễ mà lấy được đâu ”. Phụ nói: “ Tôi có sống được là ở Hóa Châu, tôi có chết cũng là ở Hóa Châu, Hóa Châu mà chưa bình định xong, thì tôi còn mặt mắt nào trông thấy chúa thượng nữa? ”.

Phụ bèn đem chu sư tiến đánh Hóa Châu, tương truyền chỉ mất ngày là đánh được vào thành châu Thuận Hóa.

Quân Hậu Trần tiếp tục thua trận, chạy miết về phía nam. Dọc đường, Đặng Dung bèn nói với Hoàng Thiên Hóa:

“ Xem ra chuyện đập nồi dìm thuyền con bảo bác không thể không làm rồi. ”

Hoàng Thiên Hóa cau mày, nói:

“ Chuyện chuyển lời thì bác không ngại đi thay con một chuyến, nhưng người nọ sẽ đồng ý hay sao? Lại nói, Trùng Quang đế… ”

Đặng Dung thở dài, đáp:

“ Chỗ của thánh thượng bác cứ để con lo. Còn phía người nọ, thì chắc chắn y sẽ nể mặt sư huynh y từng có giao tình với cha con mà ra tay. Bác cứ chuyển giúp con bức thư này tới cho y. ”

Hoàng Thiên Hóa đón phong thư từ tay cháu, lại hỏi:

“ Còn bao lâu? ”

“ Không quá ba tháng. Chậm nhất thì trước khi đại quân rút binh tới sông Thạch Hãn, bác phải mang viện binh tới phục sẵn, bằng không bại cục này không thể vãn hồi được. ”

Đặng Dung vừa nói xong, lại cho người đem thanh kiếm Long Tuyền đến, đưa cho Hoàng Thiên Hóa đặng làm tín vật. Đảo chủ đảo Bạch Long quẩy kiếm lên vai, nói lời từ tạ rồi phóng mình về phương xa.

Đặng Dung liệu sự không sai một li, mặc cho quân tướng liều chết tương chiến, cũng chỉ có thể làm chậm bước tiếng của quân Minh ít nhiều mà thôi. Bại cục của quân Trần cơ hồ đã thành chuyện khó mà tránh được, tuy hiện giờ như tảng đá cản giữa lòng sông, trước thế công như lũ quét của Trương Mộc thì chuyện thất bại đã là điều tất yếu.

Đến tháng chín năm ấy, quân Hậu Trần thua một trận lớn, bọn Đồng Mặc, Nguyễn Ngân Hà liều chết bọc hậu để đại quân thoát đi, hi sinh tráng liệt.

Quân Hậu Trần lúc này rút đến cửa sông Sái Giá, vốn là một nhánh của sông Thạch Hãn thì được tin quân Minh đã ở phía sau năm mươi dặm. Đặng Dung vẫn bình thản cho quân vượt sông.

Bấy lâu nay đánh trận thua nhiều thắng ít, các tướng khó mà giữ được bình tĩnh. Đến ngay cả Trùng Quang đế cũng cảm thấy chán nản, bèn nhân lúc ngồi thuyền vượt sông họp các tướng lại:

“ Thế giặc quá mạnh, quả nhân thực không biết phải làm thế nào. Các tướng ngày thường ăn lộc vua, nay có thể phân ưu cùng ta không? ”

Lúc này chư tướng đều trầm mặc.

Không phải không muốn đánh, mà thực sự không biết đánh ra sao.

Tàn quân trơ trọi, đấu với quân tướng tinh nhuệ của đối phương, làm sao mà chống đỡ?

Duy chỉ có Đặng Dung chậm rãi cất lời:

“ Bẩm thánh thượng, bây giờ có chạy tiếp, thì cũng chỉ lâm vào thế gọng kìm, trước có đại quân của giặc bắc, sau có tàn quân rợ Miên. Chi bằng chúng ta lấy mặt nam sông Thạch Hãn làm đại doanh, quyết sống mái một phen với giặc. Cho dù có binh bại thân vong, cũng được oanh liệt với núi sông. ”

Nguyễn Cảnh Dị chợt lên tiếng:

“ Trận lần này tôi thực sự không thể đồng ý với ngài. Giặc đang được thế cuồng phong bạo vũ. Nếu như ta may mắn thắng được trận này, thì đúng là có thể giáng một đòn vào thanh thế của giặc, ngõ hầu cản bước tiến quân hung tợn. Nhưng ngài chớ quên rằng, muốn tiếp tục đại sự đánh giặc cứu nước, thì thắng thôi là chưa đủ, mà phải là đại thắng ròn rã mới xong. Nhưng nay quân ta chỉ rặt hơn vạn tàn quân, giặc thì đông tới năm bảy vạn, binh tướng tinh nhuệ thiện chiến… thú thực là cửa thắng của ta nếu có cũng chỉ mảnh như đường tơ, chớ nói chi đến chuyện đại thắng. ”

Đặng Dung nói:

“ Tướng quân đã quên đi một chuyện. Nếu chúng ta làm được, nguyên khí của giặc sẽ trọng thương, ít nhiều cũng năm bảy năm mới khôi phục nổi. Đến lúc ấy, tự khắc nghĩa quân sẽ có thời gian chiêu binh mãi mã, giành lại núi sông. ”

Nguyễn Cảnh Dị nghĩ kỹ một chốc, chợt một ý tưởng điên rồ xẹt qua đầu y.

“ Lẽ nào… ngài định giết thằng giặc già Trương Phụ? ”

“ Ấy là cách duy nhất. ”

Đặng Dung nói xong, bỏ ghế, ngã xuống mặt thuyền quỳ với Trùng Quang đế mà tâu rằng:

“ Nếu thánh thượng tin tưởng, trận này xin cho Dung toàn quyền. Nhược bằng không, xin hãy nghe lời Cảnh Dị Nguyễn Súy dẫn theo anh em còn lại ẩn náu trong rừng sâu núi thẳm, chờ thời lại vùng lên đánh giặc. Dung chỉ cần một ngàn quân, cũng xin học theo Bảo Nghĩa vương năm xưa, quyết cản giặc cho thánh thượng thoát thân. ”

Y nói đến đây, thì có mấy chục người không nhịn được, kẻ đứng bật dậy người đập tay vào bàn. Trần Quý Khoáng lúc này cũng thấy máu nóng sục sôi, quát to:

“ Chuẩn tấu! Trẫm có làm ma vong quốc, cũng không chịu cô đơn nơi suối vàng! Thể nào cũng phải kéo mấy ngàn quân giặc xuống bồi táng mới xong! ”

Lê Lợi đến đỡ y dậy, nói:

“ Chúng tôi xin được sống chết cùng ngài. ”

Đặng Dung gật đầu, nhưng lại nói một câu rất nhỏ:

“ Một lát phiền tướng quân đến chỗ ta, có chuyện cần nói riêng với cậu. ”

Lê Lợi tuy không biết y muốn nói gì, nhưng cũng biết Đặng Dung không phải người hay nói lời thừa. Y đã muốn gặp chàng, có lời muốn nói, thì tất là có dụng ý riêng.

Cửa Sái Già địa thế phức tạp mười phần, nơi đây sông Thạch Hãn bị bẻ dòng, lại hợp dòng với vài con sông nhỏ rồi mới đổ ra cửa biển. Thành thử, ngay trên khúc sông lớn nhất cũng có hai cù lao lớn, nay thuộc địa phận làng Bác Phước. Đoạn sông hẹp dần về tây, chỉ độ hai mươi lăm trượng, phía đông phình ra, nơi rộng nhất đến hơn một trăm trượng.

Đặng Dung để một tướng chèo thuyền, dẫn theo mấy ngàn quân bẻ lái sang cù lao nhỏ ở phía tây, trước là hạ trại, sau là đóng cọc ở bờ sông, lại cho giăng xích ở cửa sông để cản thuyền quân Minh đổ vào dòng nhỏ phía tây. Nguyễn Súy xung phong lãnh binh. Trước khi lên đường, Đặng Dung còn dặn:

“ Tướng quân chốt ở chỗ này, ắt phải cố sức chặn hầu không cho giặc dùng bộ binh và kị binh đánh vào mé tả của ta. Một khi nơi này mất, giặc sẽ có thể dùng thuyền xuôi dòng Thạch Hãn, vòng ra phía sau Bác Phước. Nam có thể đánh thẳng hầu hậu quân thánh thượng, bắc có thể thọc ngay lưng trung quân của ta. Chỗ tướng quân đóng quân ba phía là sông rộng, mặt bắc phải giáp trận với giặc, một khi thất thủ thì không có chốn nào để rút quân, chỉ có thể liều chết mà đánh. Nếu không phải đây là trọng địa không thể để lọt vào tay giặc, thì tôi cũng không muốn đưa quân lên trấn thủ, bởi đây là một con đường không có lối về. ”

Trung quân đóng ở làng Bắc Phước, do Đặng Dung cầm đầu. Ngoại trừ việc đóng cọc phòng thủ, đắp hào công sự, thì Đặng Dung cho neo thuyền lớn ra giữa dòng chặn cứng lối vào hai cửa sông lớn không cho quân Minh vòng ra đánh móc từ sau lưng.

Lúc này, Nguyễn Cảnh Dị lại hỏi:

“ Thế nhỡ giặc theo cửa biển đánh vào thì sao? ”

Đặng Dung cười, đáp:

“ Với cá tính của Trương Phụ, chắc chắn lão sẽ cho một cánh thủy binh đánh thọc từ biển vào. Công thì có thể làm một chi kì binh đánh thọc sườn ta, thủ thì có thể chờ ở cửa sông nếu cần rút chạy ra biển. Nhưng tướng quân chớ lo, Dung đã có chuẩn bị sẵn. ”

Phía đông làng Bác Thước là làng Triệu An, là một làng chài duyên hải, giáp với biển Đông. Đặng Dung cho Nguyễn Cảnh Dị thống lĩnh tả quân, trước tiên là sang đó hội họp với Đông Hải Kình Nương nhận hỏa pháo chống giặc, sau là thủ vững bờ sông chớ để quân Minh vượt sông Thạch Hãn.

Nguyễn Cảnh Dị thấy y nhắc đến Đông Hải Kình Nương, lại có sẵn cả hỏa pháo, không khỏi kinh ngạc.

Té ra ngay từ ngày đầu xuân năm mới, Đặng Dung đã có phòng hờ chuyện hôm nay, nên mới chôn sẵn Đông Hải Kình Nương ở đây. Bằng không rút quân thần tốc, vừa chạy vừa đánh trả, đâu có thời giờ và sức lực mà tải theo hỏa pháo đạn dược?

Sở dĩ Nguyễn Cảnh Dị không nhắc chuyện cố thủ, là bởi địa thế Sái Già phức tạp, chỉ dựa vào công sự, bãi cọc, cung tên mà không có hỏa pháo thì chắc chắn không giữ nổi. Nhưng nếu có hỏa pháo trong tay, thì địa thế phức tạp lại thành có lợi cho Hậu Trần. Mà Trương Phụ có tài trí bằng trời cũng không thể tưởng tượng được đang lúc rút quân thần tốc mà Đặng Dung và Trùng Quang đế lại hóa phép được từ đâu ra một lô hỏa pháo.

Nguyễn Cảnh Dị thân là tướng chinh chiến sa trường, lập tức đáp ứng. Sở dĩ Đặng Dung không nhắc gì tới phòng thủ ở cửa biển, là bởi cánh quân đánh úp từ ngoài biển vào của quân Minh sẽ có hải tặc của Đông Hải Kình Nương xử lí, kìm chân.

“ Tôi sẽ làm thật nhanh, bãi cọc, hào đất và xích sắt chỉ vài ngày là chuẩn bị xong theo lời ngài. ”

Bất ngờ, Đặng Dung lại nói:

“ Không cần phải nhanh, mà cần phải làm cẩn thận, chớ để sai sót. ”

“ Nhưng… ”

Nguyễn Cảnh Dị tự nhủ quân Minh đã ở cách đấy có vài chục dặm, cho dù có mất công cho thám quân đi dọ thám tình thế mai phục quanh đấy thì cũng chỉ vài ngày là xong. Thời gian ngắn như vậy, liệu có làm xong nổi yêu cầu của Đặng Dung hay không?

Đặng Dung bèn đáp:

“ Cha tôi bảo, lúc thằng giặc già họ Trương cầm quân, thường rất hay lợi dụng lòng người. Trước đây lão giở trò lợi dụng hàng tướng, hàng quân của Đại Ngu nhiễu loạn lòng dân, mà ngay cả trận đánh ở Hóa châu y cũng không công gấp. Nguyên do là muốn dùng áp lực từ từ nghiền nát ý chí của ta, suy bại sĩ khí của ta. Thêm nữa, hắn cũng phải đợi cánh quân ngoài biển vào. Mà chính cái tâm lí cầm quân này sẽ cho ta đủ thì giờ chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu bây giờ gấp lên mới là hỏng chuyện. ”

Nguyễn Cảnh Dị thấy lời y có lí, mà Trần Quý Khoáng đã sớm cho Đặng Dung toàn quyền, nên không hỏi nhiều nữa.

Dù sao lần này cũng là ôm tâm liều chết…

Mà Đặng Dung, thì lại nghĩ bụng:

[ Tin đồn hẳn là cũng được loan đi rất xa rồi. ]

Số là, khi giao số pháo cho Đông Hải Kình Nương nhờ giữ hộ, thì y cũng đã bí mật nhờ thị giúp loan một tin đồn về sông Thạch Hãn. Ấy là, khúc sông này vốn là chiến trường cổ, có hàng ngàn hàng vạn oan hồn chết trận ám riệt lấy. Khi máu người đánh động chiến trường, đánh thức những oan hồn này, thì chúng sẽ hiện lên mặt sông.

Đặng Dung thấy đã sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa đâu đấy, bèn nhẩm tính:

[ Trận tới đây đã dốc sạch vốn, Trương Phụ ơi là Trương Phụ, lần này nếu không lấy được đầu của mày thì quân ta thật là vạn kiếp bất phục, không gượng dậy được nữa. ]

Lúc này thì Lê Lợi tìm đến, trước là thi lễ, sau lại hỏi:

“ Quan Bình Chương có gì căn dặn, mạt tướng có chết cũng xin hoàn thành. ”

Đặng Dung bấy giờ ngước lên, đôi mắt như có lửa cháy nhìn chằm chằm vào chàng, nói:

“ Tôi muốn tướng quân đào ngũ! ”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio