Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

chương 323: hồi hai mươi bảy (9)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Lê Lợi thấy cô nàng xưng hô khác hẳn trước đây, không khỏi lấy làm lạ. Song lại nghĩ:

[ Cha mình và Hổ Vương thân như anh em ruột thịt, hai nhà lại có ước hẹn từ trước. Cho dù không kết làm nghĩa vợ chồng, nhưng cũng như anh em ruột, xưng tôi gọi cô như người lạ mãi kể cũng không phải. ]

Phạm Ngọc Trần vỗ trán, nói:

“ Suýt thì quên, ở nhà có người đến chỉ đích danh muốn gặp anh, đợi ba ngày nay rồi. ”

Lê Lợi không khỏi lấy làm lạ. Mấy năm nay chàng phục vụ dưới trướng của vua Trùng Quang, kháng Minh cứu nước, không ở Lam Sơn, sao người này biết mà tìm đến. Hà huống vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan mà lúc ở trong quân, Lê Lợi càng không có chút danh tiếng nào. Thế thì người nọ cũng không thể vì mộ danh mà tìm đến được.

Chàng lại hỏi:

“ Vậy u không tiếp y hay sao? ”

Phạm Ngọc Trần bèn đáp:

“ U hôm trước có gặp y một lần, khen là danh tướng trăm năm hiếm gặp, văn võ song toàn. Y muốn làm khách ở phủ mấy ngày chờ gặp anh, u cũng không từ chối. ”

Lê Lợi nghe cô nàng bảo mẹ mình đánh giá cao người này như vậy, không khỏi buột miệng a một tiếng. Bà Thương là người từng trải, thay chồng cáng đáng chuyện ở Lam Sơn nhiều năm, thành thử con mắt nhìn người sao mà sắc bén.

Vậy mà nay lại khen người nọ hết lời, thật khiến chàng thấy tò mò không biết y là người ra sao, hà cớ gì lại đến tận nơi tìm gặp.

Lê Lợi đảo mắt một cái, lại nhìn về phía Lê Sát, nói:

“ Thế này vậy. Mọi người chờ đến tối rồi vào làng, tránh để bị tai mắt của giặc phát hiện. Lê Sát, anh theo tôi về phủ một chuyến, để xem xem rốt cuộc kẻ đến bái phỏng này là người thế nào. ”

Chàng biết ngày trước Lê Sát không được bà Thương giao cho việc lớn, mà muốn cầm quân đánh Minh cũng không được đồng ý, thế nên nếu nói người cao ngạo như y không thấy bất mãn trong dạ thì quả là khó tin. Nay lại nghe có người được bà khen hết lời, đương nhiên y không phục, nóng lòng muốn biết người đến bái phỏng là kẻ thế nào mà lại được khen hết lời.

Lê Lợi biết, nếu như chàng không mở lời, thì Lê Sát cũng sẽ xin được đi cùng, lấy cớ để bảo vệ an toàn, phòng hờ bất trắc. Nếu y trước sau cũng muốn theo, chẳng thà sảng khoái đáp ứng ngay lúc này.

Lê Sát không ngờ chàng lại mời, nhưng trong dạ y đúng là đang ngứa ngáy vì chuyện này, nên nhận lời ngay.

Phạm Ngọc Trần nói:

“ Ăn gió nằm sương đến tối cũng chẳng được gì. Để tôi sắp xếp cho mọi người một chỗ dừng chân trước đã. ”

Quần hào nghe xong, lập tức reo hò hưởng ứng nhiệt liệt, vỗ tay ầm ầm. Tuy mọi người đều là tướng từng trải trên sa trường, sớm đã quen với cảnh ăn sương uống gió, dãi nắng dầm mưa, màn trời chiếu đất. Nhưng nay nếu đã được một chỗ nghỉ ngơi tử tế, ngồi ghế cao nằm giường ấm, thì cớ gì còn lăn lộn ở đây tự hành hạ bản thân?

Phạm Ngọc Trần đưa mọi người đi sâu vào rừng, vòng qua ba cây đa lớn, thời gian ăn hết bữa cơm thì đến được một khu sơn trại, thoạt nhìn như thể của bọn thổ phỉ cướp cạn nào.

Nếu như là mấy năm trước, thể nào Lê Lợi cũng nhảy dựng lên, hai mắt nhìn về phía Ngọc Trần sẽ cảnh giác hơn hẳn. Nhưng chàng đầu quân cho Hậu Trần kháng Minh đã mấy năm, theo học Đặng Dung mấy mùa hoa nở. được sa trường binh lửa tôi rèn, đâu còn là thanh niên chưa trải sự đời như trước?

Nay ánh mắt của Lê Lợi sao mà sắc bén. Chàng vừa nhìn lướt qua, đã thấy sơn trại này tuyệt nhiên không thể do một đảng cướp bình thường dựng nên được.

Nơi này đặt ở thượng nguồn mấy con suối, thành thử chuyện nước uống không cần phải lo.

Mấy dải thành đất nhấp nhô trải dài ra hai phía, nơi thì lèn đá chỗ thì cắm chông, đồn lũy kiên cố chặn hết những con đường huyết mạch dẫn lên đỉnh núi. Theo Lê Lợi thấy, nếu như quân đội thủ trại là kẻ tinh nhuệ thiện chiến, dựa vào địa thế nơi này lấy một địch vài chục cũng chưa chắc đã là chuyện không thể.

Lê Lợi nhẩm thoáng lại các tướng ở Lam Sơn, thì cười, khen:

“ Anh Uy thực sự đã phải hao phí nhiều tâm huyết mới tạo thành sơn trại tường đồng vách sắt thế này. ”

“ Anh Uy ” mà chàng đang nhắc tới, tự nhiên chính là Vũ Uy.

Ở Lam Sơn này, trừ y ra, thì chẳng có ai có kinh nghiệm làm trại chủ. Thế nên, sẽ không có người thứ hai đủ khả năng tạo nên một nơi hiểm yếu dễ thủ khó công như thế này.

Hà huống, nếu không phải người mình, đời nào bà Thương để yên cho một đám trộm cướp ở lại nơi này, dựng nên cả một sơn trại nguy nga bề thế?

Lê Lợi còn tưởng Phạm Ngọc Trần sẽ phải ngạc nhiên một phen, rồi đến hỏi chàng làm sao đoán ra được chân tướng? Thế nhưng, cô nàng chỉ liếc Lê Lợi một cái, nhoẻn cười nửa miệng, như thể việc chàng đoán được sự thật vốn là chuyện hiển nhiên vậy.

Nàng không cho là chuyện gì to tát, nhưng có một người lại rất đỗi ngạc nhiên.

Lê Lợi chỉ nghe thấy phía trước có tiếng cười vang, liền đó có ba bóng người dẫn theo một nhóm năm chục thanh niên tiến ra cửa quan đón mọi người. Chư tướng thấy đám người động tác dứt khoát, bước chân hữu lực, quân kỷ nghiêm minh, tuyệt nhiên chỉ hơn quân Hậu Trần khi trước chứ không kém, vô cùng kinh ngạc.

Ba người thủ lĩnh, đi đầu là một người năm nay ngoài bốn mươi, lưng vác đao lớn, mặt vuông chữ điền, cường tráng rắn rỏi, cao hơn Lê Lợi hẳn một cái đầu. Người thứ hai đeo mặt nạ sắt, chỉ lộ đôi mắt sáng quắc như điện, eo đeo bội kiếm.

Đi sau cùng là một thiếu niên, mình khoác lông sói, cổ đeo vòng nanh vuốt, hai tay đeo vuốt sói bằng sắt dùng dây gân làm quai đeo.

Ba người đồng thời quỳ một gối, hành lễ với Lê Lợi.

Tức thì, năm mươi thanh niên không cần hiệu lệnh, chỉnh tề quỳ thụp xuống theo, chắp tay thi lễ với chàng. Từ đầu đến cuối, chư tướng đều chỉ nghe được duy nhất một tiếng “ thụp ” do đầu gối của năm mươi người chạm lên mặt đất, ngoài ra không có một tiếng động thừa thãi nào khác. Quân đội được rèn luyện đến trình độ này, quả thực là loại tinh binh trăm người tuyển một.

Lê Lợi vội đi đến, đỡ ba người dậy, cười:

“ Anh Uy, ra dáng tướng quân quá. ”

Vừa nói, chàng vừa vỗ vai người cõng thanh đao lớn. Người nọ ngoại trừ Vũ Uy từng tự mình lập trại làm cướp ở vùng Thanh Hóa ra, thì còn ai vào đây nữa? Lê Lợi nói xong, Vũ Uy cũng cười khà khà, vỗ vỗ thanh đao sau lưng tựa như đang khoe mẽ. Chàng lại nhìn sang người đeo mặt nạ sắt nãy giờ vẫn kiệm lời như vàng, bảo:

“ Anh Lễ, năm mươi người này tất là tinh binh do anh huấn luyện rồi. ”

“ Chủ công quá khen. ”

Lê Lễ đáp gọn, nhưng trong lời nói không giấu được sự tán thưởng và tự hào.

Năm chục người này, tự nhiên là tinh binh y dày công huấn luyện hết cả năm trời. Tuy trong suốt quá trình cũng học hỏi ít nhiều từ kinh nghiệm của Hổ Vương, nhưng trước sau Đề Lãm không hề nhúng tay chỉ bảo trực tiếp lấy nửa lời, thành thử có thể nói chi tinh binh này là một tay Lê Lễ đào tạo.

Lê Lợi chạy đến, giơ tay đặt lên đỉnh đầu cậu thanh niên thứ ba, cười:

“ Thằng Xí nữa. Lớn quá rồi. Cao hơn cả cậu rồi. ”

Chàng vừa nói, vừa bất giác nhớ đến chuyện ngày xưa, lúc cha Nguyễn Xí bị hổ vồ chết còn cậu nhóc theo anh về nhà mình ở. Chuyện chàng gom đống lụa đen, lại lấy hai nhánh sả gọt cho giống hình ngón chân, tối đến giả làm ma cà rồng dọa Nguyễn Xí, để cậu nhóc vui lại. Giờ nghĩ lại, thấy bản thân quả thực ấu trĩ và trẻ con.

Rồi cả lúc Nguyễn Xí dạn dĩ, học luôn trò nghịch dại của chàng, đi phá làng phá xóm đến nỗi bà Thương phải cho nó đi chăn đàn chó săn cho bớt nhàn cư vi bất thiện.

Vậy mà chẳng rõ từ bao giờ, cậu nhóc ngày xưa nay đã trở thành thiếu niên, vào cái tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu rồi.

Mà bản thân Lê Lợi, nay cũng đã trở thành một người đàn ông cứng cáp, có thể cáng đáng phong ba, lại hiểu được thù nhà nợ nước trên vai, chẳng thể vô tư cắm sả vào mũi, khoác vải đen đi bày trò phá phách được nữa. Thời gian vô tình, nhìn về tương lai thấy thật mờ mịt, ngày mai đến thật chậm. Nhưng nhìn vào quá khứ, thì chẳng rõ từ lúc nào, trẻ con đã trưởng thành, người lại già thêm.

“ Không gặp mấy năm, chủ công thực khiến tôi ngạc nhiên đấy! ”

Vũ Uy ôm vai bá cổ Lê Lợi, nói.

Lê Lợi cười, đáp:

“ Mọi người đều thay đổi, tốt hơn xưa rất nhiều. Em đây đi lính ba năm, nếu mà dậm chân tại chỗ thì lấy mặt mũi ở đâu ra mà nhìn người xưa bạn cũ? ”

Nói cho cùng, chàng vẫn thích không khí như hiện tại. Vừa là chủ công – bộ hạ, lại vừa là anh em – bạn bè vào sinh ra tử. Trong quân Hậu Trần, không một khắc nào là không phải chú tâm vào vai vế ai thấp ai cao, tuy là kỷ luật nghiêm minh, nhưng cũng có phần gò bó.

Vũ Uy, Lê Lễ và Nguyễn Xí dẫn mọi người vào trại, lo chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng, lại giục giết gà đồ xôi làm bữa cơm hội ngội. Chủ tớ họ lâu ngày không gặp, nay Lê Lợi trở về, tự nhiên phải uống rượu hàn huyên một phen cho thỏa thích.

Rượu qua mấy tuần, chư tướng mới chỉ hỏi thăm nhau về sức khỏe, người thân, rặt những chuyện lông gà vỏ tỏi chứ chưa đả động gì tới chuyện chính cả. Lê Lợi phóng mắt từ ngôi lầu cao, nhìn thấy rừng cây bát ngát, mới bảo:

“ Chắc hẳn u thấy tai mắt của Trương Phụ rải rác trong dân gian quá nhiều, e ta chiêu binh mãi mã rầm rộ sẽ khiến giặc chú ý, mới bảo anh mở cái sơn trại này. ”

Vũ Uy cười lớn, khen rằng:

“ Đấy! Đánh giặc mấy năm về khác hẳn! ”

Y ngừng một chốc, uống ngụm rượu to, rồi mới nghiêm hẳn giọng:

“ Chủ công đoán không sai một li! ”

Chư tướng thấy thế, tự giác ngồi thẳng lưng, thần sắc nghiêm trang chuyên chú hơn hẳn. Không ai bảo ai, người nào người nấy đều hiểu rõ bây giờ không còn bàn chuyện nhà nữa, mà nói việc nước, xưng hô cũng phải thay đổi, không xuề xòa bỗ bã như ban nãy được.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio