Thực Tâm Giả

chương 8

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Phương Đăng tìm khắp phòng khách lầu hai, chỉ thấy một ít thuốc cảm, nhưng số thuốc này không đủ để đối phó với bệnh tình ngày càng nặng của Phó Kính Thù, hiện giờ cả người anh đều hâm hấp nóng, nếu không thể hạ nhiệt xuống, có khi sẽ biến thành viêm phổi không chừng.

Ngoài cửa sổ trời bắt đầu tối hẳn, cô nhi viện lúc này đã cấm ra ngoài, ngay cả tay sai vặt nhãi nhép như A Chiếu cũng không thể nhờ vả gì được, lão Thôi đoán chừng cũng chưa quay về, Phương Đăng không tìm được ai có thể phụ một tay đưa Phó Kính Thù đến gặp người của sở y tế. Chỉ có thể miễn cưỡng đưa anh quay lại nằm trên ghế nệm, một mình chạy đi tìm bác sĩ.

Trên đảo chỉ có duy nhất một sở y tế, ngày thường sau tám giờ tối là nhân viên y tế đã tan ca. Phương Đăng chạy đến mức tóc tai rối bời, lúc đứng trước sở y tế thở không ra hơi, cô mừng rỡ phát hiện đèn bên trong vẫn còn sáng.

“Bác sĩ….” Cô đẩy cửa vào, chỉ nhìn thấy một nhân viên đang nằm dưới đất.

“Hết giờ làm”. Người đàn bà trung niên nằm dài dưới đất ngẩng đầu lên nói với khách.

Phương Đăng nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường phòng khám, kim chỉ vừa đúng quá tám giờ.

“Nhưng… Nhưng có người đang bệnh rất nặng.”

“Bác sĩ vừa mới ra về. Bảo bệnh nhân sáng mai quay lại, còn bệnh nặng thì đưa vào thành phố đi”.

“Bác sĩ ở đâu, tôi đi tìm ông ấy”. – Phương Đăng không chịu bó tay.

Người đàn bà nằm trở lại xuống sàn nhà: “Trong thành phố”.

Phương Đăng không nói thêm câu nào, quay đầu chạy thẳng về bến phà, nếu may mắn cô có thể đuổi theo bác sĩ để chặn lại trước khi ông lên phà vào thành phố. Từ sở y tế đến bến phà, đoạn đường dài như phải băng qua toàn hòn đảo, khi Phương Đăng chạy tới bến phà đèn đuốc sáng choang, đang khom lưng thở dốc thì nghe được tiếng còi báo hiệu phà đã sang bên kia bến.

Mái tóc đuôi ngựa của cô rơi xấp xãi xuống bờ vai, bị gió biển thổi phất lên mặt hơi ngứa rát, cổ họng như có lửa nhưng lại không khóc được.

Lúc trở lại Phó gia hoa viên, Phó Kính Thù vẫn còn nằm mê man trên ghế nệm, nếu không để ý hai gò má đỏ hồng trên khóe môi mím chặt, nhìn sơ qua giống như anh đang yên bình mà ngủ, trên gương mặt và mi mắt có thể thấy được vẻ ngây thơ vô ưu vô nghĩ, lúc này anh mới thật sự giống một cậu bé đúng với số tuổi của mình.

Anh không để lại cách thức liên lạc với lão Thôi, trong phòng cũng không có thứ gì để liên lạc với bên ngoài được dù chỉ là một số điện thoại. Phương Đăng biết mình không có cách nào đưa anh ra khỏi đảo vào lúc này được, chỉ có thể một mình chăm sóc anh, cầu nguyện anh có thể bình an mà qua được đêm nay.

Lúc cô ra ngoài, Phương Học Nông còn chưa về nhà, thức ăn đã nấu sẵn để trên bàn. Không biết nếu ông phát hiện cô về trễ sẽ phản ứng thế nào, sẽ đi tìm cô sao? Hay là nổi trận lôi đình? Hoặc là vì trút được gánh nặng bên mình mà cảm thấy vô cùng may mắn?

Từ cửa sổ phòng của Phó Kính Thù nhìn qua, gác xép của tiệm tạp hóa đã sáng đèn. Nếu cô trở về báo một tiếng, đừng hòng trở ra khỏi nhà một bước. Phương Đăng nhẹ nhàng vén rèm cửa sổ nhìn ra xa, lần đầu chạm tay tới tấm rèm cửa sổ màu đỏ này, y như cô nghĩ, nó vừa nặng vừa trơn tuột. Chưa bao giờ cô đứng ở góc độ này nhìn về cửa sổ kia, phía đối diện mới thật sự là chỗ của mình, Phương Đăng lại cảm thấy hơi xa lạ, dường như trong nhiều giấc mơ của cô, khi cô và anh cùng đứng bên cửa sổ ngắm hoa mỹ nhân nở rộ và trao nhau nụ cười, vậy còn cô gái cô độc bây giờ là ai chứ?

Phương Đăng không nhớ mình đã thay khăn ướt đắp lên trán của Phó Kính Thù bao nhiêu lần, chỉ biết là qua nửa đêm đều không ngừng lại. Lúc rạng sáng khoảng bốn giờ, cô đi xuống bếp nấu nước, trong lúc chờ sôi, nằm xuống gần bếp lò ngủ một giấc, khi tỉnh dậy hoảng hốt, may mà nước không trào ra, nếu không đã gây nên họa lớn..

Khi cầm nửa thau nước quay lại phòng khách, cô ngạc nhiên thấy Phó Kính Thù đã ngồi dậy, trên vai còn khoác tấm chăn mỏng mà cô đắp cho anh, hai tay che trên trán, dường như vẫn còn chưa tỉnh táo hẳn.

“Mệt thì nằm xuống đi!” – Phương Đăng rót một chén nước, cố giúp anh thổi nguội. Lúc đưa nước cho anh, thuận tay cô sờ lên trán anh xem thử. Cám ơn trời đất, cơn sốt cao hình như đã hạ xuống, chỉ còn ho khan chưa dứt, cô muốn giúp anh vỗ lưng, lại thiếu chút nữa làm cho anh sặc cả nước.

Cô ngượng ngùng cười nhẹ hai tiếng.

Phó Kính Thù nhấp một ngụm nước, đặt ly sang một bên, ngẩng đầu lên mở miệng. Phương Đăng như đoán được anh muốn nói gì, cô giành nói trước: “Không cần cám ơn tôi, tôi cũng không muốn nhìn thấy anh bệnh chết.”

“Cô hình như là rất thích đem chữ “chết” treo trên miệng”. Phó Kính Thù nói đùa bằng chất giọng khàn khàn, nhưng sau đó lấy lại giọng nói thoải mái bình thường: “Tôi muốn hỏi, lúc đang mơ màng, cô ngồi cạnh tôi hát giai điệu gì vậy?”

“Hát?”. Nếu anh không hỏi, chỉ e Phương Đăng cũng chẳng nhớ ra. Chần chừ một lát, mặt Phương Đăng hơi đỏ lên vì ngượng, cô nổi danh là phát âm không chuẩn, từ hồi còn tiểu học, mấy lần được gọi vào đội họp ca của trường do bề ngoài cũng không phải là quá tệ, nhưng khi vừa cất giọng liền bị các thầy cô giáo gạch tên loại trừ.

Đại khái là trong lúc hoảng loạn, lại cứ một mình diễn đi diễn lại động tác vắt khăn lông, trong vô thức đã ngâm nga vài âm điệu. Nhưng Phương Đăng cũng không tự nguyện thừa nhận: “Có sao?” Cô hỏi ngược lại.

“Phải, cô hát rất lớn, sau đó tôi liền tỉnh dậy”. Phó Kính Thù suy nghĩ một chút rồi ngâm nga nhè nhẹ lại một đoạn nhạc ngắn. “Chính là bài này. Đây là bài hát gì?”

Cô dĩ nhiên nhận ra giai điệu đó, Phương Đăng chỉ biết thừa nhận nhất định lúc ấy anh ngủ mê man nhưng không ngờ trí não lại nhớ dai kinh khủng, có thể hát lại y như vậy.

“Đây là bài hát ru” – Cô nói.

Phó Kính Thù nghi ngờ: “Từ trước đến nay tôi chưa từng nghe qua bài hát ru như vậy?”

“Cô cô tôi nói, khi còn nhỏ lúc tôi không chịu ngủ hay bị bệnh thì…” Phương Đăng sốt ruột biện bạch, nhưng mau chóng ngừng lại, sau đó cả hai người rơi vào khoảng không im lặng đầy căng thẳng.

“Phương Đăng, sao cô lại tốt với tôi như vậy?” – Anh phá vỡ yên lặng trước, nhưng vấn đề anh hỏi càng làm cho người ta khó trả lời hơn.

Phương Đăng ngẩng mặt lên, nói lầm bầm trong miệng: “Tôi đối tốt với anh sao?”

“Lúc tôi bảy tuổi, cha tôi đã đi Mã Đại, ông nói không thể dẫn tôi theo. Tôi biết, bà chủ Trịnh đã nói rõ chỉ ột mình ông đi, nhưng ngược lại ông thở phào nhẹ nhõm. Trên đời này, người ông không muốn gặp nhất là tôi, ông đi mười năm, cũng rất ít khi gọi điện về. Nếu như không phải còn trách nhiệm và nghĩa vụ với tôi, tôi nghĩ ngay cả mỗi năm một lá thư và bưu phẩm cũng không miễn cưỡng gửi về. Lão Thôi… Ông ấy đối với tôi rất tốt, tôi rất cảm kích. Ông ấy chăm sóc tôi, giống như năm đó chăm sóc cha tôi, một phần do chủ nhân của Tam phòng đích thân phó thác, một phần vì tôi còn là hậu nhân của chị gái ông, trên cõi đời này, trừ ông ấy ra, không ai quan tâm đến sống chết của tôi, cũng không ai để ý tôi khỏe hay không khỏe…”

“Tôi quan tâm.” Phương Đăng vội vàng nói, chỉ hận không thể moi tim mình ra cho anh xem. “Tôi muốn nhìn thấy anh cười. Dù anh muốn làm gì, tôi cũng tự nguyện giúp anh. Thật đó, bất cứ chuyện gì đều có thể, tôi sẽ bảo vệ anh”.

“Cô bảo vệ tôi?” – Phó Kính Thù bị câu nói ngốc nghếch của Phương Đăng chọc cười: “Đây là lời mà đàn ông phải nói, sao cô….”

Chẳng qua cô thấy anh còn đáng thương hơn cả một cô gái nhỏ.

Mặt Phương Đăng càng đỏ hơn, nhưng cô vẫn không rút lại lời nói vừa rồi: “Tôi nói thật đó.”

“Thế nên tôi mới muốn biết tại sao?”

Tại sao? Nếu như Phương Đăng biết câu trả lời thì tốt quá rồi. Anh như một thanh nam châm, còn cô cứ theo bản năng mà tiến về phía anh như vậy. Là vì cô với anh là đồng loại, đồng loại như nhau, nhưng lại tốt hơn nhiều so với cô, có phải lý do này không? Cô không biết. Vậy mà anh lại cần câu trả lời, muốn cô cho anh biết một lý do chính đáng.

“Tôi không có nhiều người thân.” Phương Đăng nói đại.

Cô không đoán được vẻ mặt của Phó Kính Thù, anh cúi đầu đi tới đi lui trên thảm. Vào lúc cô bắt đầu cảm thấy ân hận, anh nhẹ giọng hỏi: “Người đó… là người thế nào… Ý tôi là cô cô của cô…”

Phương Đăng ngồi xuống sàn nhà, dựa lưng vào ghế nệm, suy nghĩ một chút rồi đáp: “Cô cô rất đẹp nhưng lúc nào cũng buồn bã”. Đây đúng là ấn tượng chân thật nhất về cô Chu Nhan trong trí nhớ cô lúc nhỏ. Trong suốt mười mấy năm qua, vẻ đẹp đã hao mòn dần vì cuộc sống, sự cơ khổ chồng chất lên cô cô như con sông tích lũy phù sa, dù cô cô chưa bao giờ khóc hay than vãn.

“Cô cô nói từng có một đứa con trai. Lúc cô ngồi bên cửa sổ ngân nga bài hát ru, tôi cảm giác cô cô đang hát cho con trai của mình nghe”.

“Vậy sao, nếu vậy tại sao người đó lại bỏ rơi con trai mình?” Phó Kính Thù phản bác.

“Sao lại vậy? Rõ ràng là do cha anh đòi ly hôn, là ông ta đã đuổi cô cô đi mà.”

“Đó là vì bà ta là người lẳng lơ, bà ta căn bản không yêu cha tôi, trong lòng cũng chưa bao giờ có cha con chúng tôi”.

“Ai nói với ai điều đó?” Phương Đăng ngạc nhiên quay người nhìn thẳng vào Phó Kính Thù, thật ra thì không cần hỏi cũng biết câu trả lời, đương nhiên là cha anh ta – Phó Duy Nhẫn. “Cha anh nhất định đã gạt anh”.

“Ông ấy suốt bao nhiêu năm trời đều vì chuyện này mà buồn bực không vui, cô nghĩ như vậy là gạt tôi sao?”

Tại sao cô cô một mực không quay lại tìm Phó Kính Thù, Phương Đăng không biết, nhưng nếu nói cô không yêu người đàn ông họ Phó, không nhớ đến con trai duy nhất của mình, có đánh chết Phương Đăng cũng không tin, nếu không thì vẻ bi thương khi cô cô một mình ngồi yên lặng từ đâu tới. Chu Nhan thường xuyên lâm vào tình trạng mất hồn, trong thời gian ngắn không phân biệt được đâu là ảo mộng đâu là thực tế, Phương Học Nông thường nói rằng tâm trí cô cô không minh mẫn cho lắm. Cứ như vậy bệnh tình lại càng lúc càng trở nên nặng hơn, vào thời điểm cuối cùng, người ở bên cô cô nhiều nhất chính là Phương Đăng.

“Tại sao lại gạt tôi? Con tôi đang ở đâu?” – Đây là câu nói trước khi chết Chu Nhan đã lặp đi lặp lại.

Phương Đăng nhớ đến bộ dạng tiều tụy của cô cô như ngọn đèn dầu cạn, không nhịn được nên có chút kích động: “Rõ ràng vì cha anh nói sau khi lên Đại học mới có thể cưới cô cô, sau khi lợi dụng cô cô rồi lại không cần người nữa”. Thật ra cô còn muốn nói người đàn ông này cực kỳ hèn hạ, nhưng nghĩ đến dù sao ông ta cũng là cha ruột của anh, nên cố gắng đem lời nói đó nuốt vào lòng.

Những chuyện này đều do Phương Đăng chắp vá lại từ mấy câu nguyền rủa của Phương Học Nông trong những lần say rượu. Phương Học Nông lúc tỉnh táo không dám đụng đến Chu Nhan, dù sao ông ta còn phải dựa vào việc buôn xác bán thân của Chu Nhan để kiếm cơm, nhưng chỉ cần uống vài giọt rượu, ông lại chỉ vào mặt Chu Nhan mà mắng cô ngu xuẩn, còn nói cô là đồ tiện nhân, cứ đua đòi với cao nào ngờ cuối cùng lại rơi vào hố thẳm.

Phương Học Nông và Chu Nhan là anh em cùng mẹ, cha của Chu Nhan trong cuộc cách mạng Văn hóa đã từng làm chủ nhiệm Ủy hội của Qua Âm Châu, tay cầm đại quyền sinh sát. Phó Duy Nhẫn ham học hỏi nhưng gia đình có phần hạn chế với cái danh “Tàn dư của chủ nghĩa tư sản”, nếu như ông ta không cưới Chu Nhan, căn bản không thể nào có tên trong danh sách vào đại học. Chẳng qua sau đó vừa qua khỏi cuộc Vận động Phong trào, cha Chu Nhan vì làm nhiều chuyện xấu nên rất nhanh bị thanh trừng, do cơ thể không khỏe, ít lâu sau chết trong tù, sự hưng thịnh ngắn ngủi của gia đình Chu Nhan lại mau chóng tàn lụi. Không bao lâu sau khi cô sinh con trai, Phó Duy Nhẫn lấy đủ thứ lý do ép cô phải ly hôn, Chu Nhan cũng không đòi hỏi nhiều, chỉ một mình bỏ đi, cùng anh trai dọn khỏi hòn đảo nhỏ, cũng chẳng trở về. Mỗi lần Phương Học Nông chửi rủa không dứt, Phương Đăng đều không muốn nghe, nhưng cô Chu Nhan thì chưa bao giờ phản bác lại một câu nào, có khi là lâm vào tình trạng ngơ ngẩn, cũng có lúc rút thuốc lá ra hút từng điếu một, dù lúc đó cô đã bị bệnh ho lao nghiêm trọng.

“Chuyện này không thể nào!” Phó Kính Thù cau mày thật sâu – “Cô không biết cha tôi là người thế nào, ông rất thanh cao so với bất kỳ ai khác. Nếu nói ông vì cơ hội lên đại học mà phải trả giá bằng hôn sự của mình, đi cưới một người ông không thích, chuyện đó là tuyệt đối, tuyệt đối không thể, tôi nghĩ thà ông bị ép chết còn hơn. Ông… đối với cô cô của cô nhất định có tình cảm, nếu không cũng sẽ chẳng vì bà ta quay lưng phản bội mà suốt đời phải đau buồn”.

“Có chứng cứ gì nói cô cô tôi phản bội ba anh?” Cô cô là người từ nhỏ Phương Đăng gần gũi nhất, so với cha cô còn thân hơn vài phần, cô không thể chấp nhận lời bêu xấu rành rành thế này, cho dù là xuất phát từ miệng của Phó Kính Thù cũng không được. Cô có phần kích động.

“Cô đừng vội, làm tôi điếc cả tai.” So với cô, ngược lại Phó Kính Thù lãnh đạm và ăn nói mạch lạc hơn nhiều, dù anh đối với chuyện xưa cũng rất để tâm. “Tôi nhớ mang máng cha tôi và lão Thôi đều có nhắc qua, cô cô của cô có một mối tình đầu, nếu như không phải do ông ngoại cô, à, không phải, là cha của cô cô ham danh tiếng của Phó gia trên đảo, muốn thừa dịp Phó gia sa sút để leo lên nắm quyền thì đã không gả bà ấy cho ba tôi, bản thân cô cô của cô không muốn. Chuyện này sau khi cưới ba tôi mới biết, ông cả đời không có cách nào để thay thế người đàn ông kia trong lòng bà ta, chuyện này đối với ông không dễ dàng tha thứ”.

Phương Đăng căn bản không thể chấp nhận kiểu giáo hóa này: “Các người đúng là ngậm máu phun người. Tôi chính tay nghe cô cô nói, lần đầu tiên cô cô thích một người, đó là vào lúc mặt trời mùa thu lên cao ở Qua Âm Châu, cô và em gái ra cửa hàng trang sức ngoài chợ mua một cái gương nhỏ.Cô cô nói lúc cầm gương soi lên mặt, trong gương xuất hiện một người đi trên đường, lúc đó cô cô liền muốn trở thành vợ ông ta, người đó tên Phó Duy Nhẫn. Anh nói cái gì người tình đầu tiên, đều là nói năng bậy bạ”.

“Không phải!” Phó Kính Thù mơ hồ cảm thấy đã lần ra một ít đầu mối, anh cũng tỏ ra vô cùng kinh ngạc, tấm chăm mỏng nằm trên vai tuột xuống lúc nào cũng không hay. “Cô nói đến gương, tôi cũng có ấn tượng. Lão Thôi nói, người tình đầu đó đã tặng cho bà ấy một chiếc gương, bà ta thường xuyên ngẩn ngơ nhìn vào chiếc gương đó, cha tôi nhìn thấy đã hiểu không thể tách được hai người họ ra.. Nếu như những gì cô nói là thật, lão Thôi cũng không gạt tôi, nhất định vấn đề nằm ở chỗ đó”.

Anh bắt đầu suy nghĩ, Phương Đăng cũng vắt hết óc mà phân tích theo anh.

“Có khi nào…”

“Tôi biết rồi…”

Hai người đồng thanh lên tiếng, chỉ là Phương Đăng phản ứng có phần mãnh liệt hơn, cô nhảy cỡn lên.

“Chẳng lẽ “mối tình đầu” mà cha anh hận thấu xương đó lại chính là bản thân ông ta sao? Cô cô tôi và ông ấy đều không nói dối, chỉ là… Trời ơi, sao lại có thể như vậy?” Cô dậm chân liên tục, chuyện này dù là hoang đường cũng không thể xảy ra.

Ngay cả Phó Kính Thù cũng có phần hoảng loạn, hình như câu trả lời của anh cũng không khác biệt bao nhiêu.

Thật ra Phó Duy Nhẫn và Chu Nhan hai người hết dạ yêu nhau, hôm ở ngoài đường trên đảo Chu Nhan nhìn thấy Phó Duy Nhẫn trong gương, vừa gặp đã yêu, mà Phó Duy nhẫn cũng đã sớm thầm để ý cô. Hai người tâm ý tương giao, lúc đó cha của Chu Nhan làm Chủ nhiệm trong Ủy Hội đã để ý đến Phó gia vốn là gia đình danh giá trăm năm trên đảo, muốn mượn cớ giúp lên đại học để hai nhà kết thông gia, nở mày nở mặt. Hôn sự này được kết hợp thành công, nhưng hai người còn trẻ một bên cho là đối phương bị cha ép gả ình, một bên lại nghĩ người yêu kết hôn với mình vì ghi tên vào đại học. Chuyện này quả thật chỉ là hiểu lầm, lỗi là do hai người họ đều quá kiêu ngạo. Phó Duy Nhẫn không bày tỏ sự quan tâm, còn Chu Nhan trước sự lạnh lùng của ông ta cũng thừa nhận người mình nhớ thương chính là người ở trong gương. Thật ra thì từ đầu đến cuối mỗi khi cô nhìn người qua gương, chính là nhìn Phó Duy Nhẫn đứng ở phía sau mình.

Đáng buồn là đến khi chia biệt âm dương, họ cũng không có cơ hội nói lên tiếng lòng của mình với đối phương, cho đến khi hai hậu bối gặp nhau, gom góp sự hiểu biết lẻ tẻ của hai bên lại mới phát hiện ra chân tướng. Điều này thật là kỳ lạ, nhưng thật ra bản thân mỗi chúng ta đều như vậy, những câu nói thật lòng, thường chỉ có thể nói ra trước mặt người không can hệ.

Thật ra, cái gọi là “chân tướng” chẳng qua là do Phương Đăng và Phó Kính Thù cùng suy đoán, có bao nhiêu phần trăm sự thật đã vĩnh viễn chết đi theo Chu Nhan không thể nào biết được.

“Anh sẽ nói cho cha anh biết chuyện này?” Phương Đăng vẫn mong đợi, dù cô cô Chu Nhan không còn nữa, nếu như Phó Duy Nhẫn còn sống kia hiểu được tấm lòng mình, cô cô ở âm tào địa phủ cũng sẽ vui lòng. Đối với Phó Duy Nhẫn mà nói, điều này cũng giải tỏa tâm tư của ông suốt bao nhiêu năm qua.

Không ngờ, Phó Kính Thù nghe câu hỏi này liền lắc đầu: “Cha không muốn tôi gọi điện sang Mã Đại, dù tôi có viết thư, có thật là ông sẽ tin? Những gì chúng ta nghĩ là thật sao? Chuyện đã qua lâu như vậy, ông cũng không có ý định quay về, cho dù có là thật đi nữa, biết rồi ông sẽ cảm thấy thoải mái sao? Lúc đầu buông tay người ta cũng là ông, bây giờ nếu biết ông sẽ càng thêm khổ sở, cũng có ích gì. Sự thật của vấn đề thường không như chúng ta tưởng tượng, mọi người đều thích tin tưởng vào ảo giác của bản thân mình nhất.”

Điều anh nói không phải không có lý lẽ, Phương Đăng không thể nào cãi lại. Những sự việc tình cờ đó, đối với người ngoài chỉ là câu chuyện xưa kỳ ảo, còn với người trong cuộc lại thường là một sự cố bi thương. Chi bằng để thời gian đem sự cố này hoàn toàn chôn lấp.

“Tên lót của anh là “Kính” chính là nghĩa này sao?” Phương Đăng hỏi.

Phó Kính Thù cười nói: “Ngốc ạ. Anh họ tôi gọi là Phó Kính Thuần, chẳng lẽ cũng vì nghĩa này? Đời chúng tôi có chữ lót trong gia tộc là ‘Kính” cũng giống như chữ “Duy” của cha chúng tôi vậy. Tôi tên là Phó Kính Thù, cô cũng biết, “Thù” có nghĩa là khác biệt. Đại khái là vì tôi khác biệt so với các anh em trong dòng tộc. Thân phận cha tôi cũng có chút khó xử, bà chủ Trịnh làm theo di nguyện của ông nội đón nhận cha tôi, đối với một nữ nhân mà nói đó không phải là chuyện dễ dàng gì. Tôi từ nhỏ không có mẹ, cha cũng không thể dắt tôi theo, cũng đã nghe người ta nói bà ta bên ngoài đã làm những chuyện gì”.

“Cô cô chỉ là không còn cách nào khác, vì tôi và cha tôi liên lụy”. Trong lòng Phương Đăng suy nghĩ rất nhiều, muốn nói nhưng cổ họng nghẹn lại, không thốt ra lời. Một lát sau cô nói tiếp: “Thật ra thì cô cô rất đáng thương. Lúc ra đi, cô cô không có một thứ gì, đôi hoa tai bạc cũng đã bị cha tôi lột bán lấy tiền. Chỉ có chiếc gương là quý giá nhất đối với cô cô, tôi đặt nó trên người cùng cô cô hỏa táng”.

“Gương gì chứ?”

“Chỉ là cái gương nhựa rách rưới, chẳng đáng xu nào. Tôi đoán là chiếc gương lần đầu cô cô nhìn thấy mặt cha anh, nếu không cô cô cũng chẳng một mực mang theo bên người”.

Phó Kính Thù chợt chống tay xuống ghế nệm để đứng lên, Phương Đăng vội vàng nhanh tay đỡ anh lại: ‘Anh muốn làm gì?”

“Cô đợi tôi một chút!” – Anh đẩy Phương Đăng ra, một mình từ từ đi trở về phòng, một lát sau đem ra một vật đưa cho Phương Đăng. Đó là một mặt gương nhỏ bằng nửa lòng bàn tay.

Phương Đăng cầm mảnh gương trong tay, xoay qua xoay lại nhìn chẳng hiểu gì cả, chiếc gương này so với cái của cô cô Chu Nhan tinh xảo hơn nhiều, phía sau làm bằng bạc, màu sắc có hơi u ám, có lẽ là do quá cũ, phía tay cầm còn chạm trổ hoa văn. Những món đồ của nhà giàu sử dụng thường ngày thứ gì nhìn cũng vô cùng tinh tế.

“Đây là đồ cổ sao?” Phương Đăng chợt nghĩ, món đồ này mà đem bán không chừng trị giá không ít tiền.

Phó Kính Thù nói: “Không phải đồ cổ, lâu nhất chỉ là vật từ cuối đời nhà Thanh. Mảnh gương này lúc đầu do cụ tổ tôi tặng cho Tiểu Xuân Cô Nương. Tiểu Xuân Cô Nương để lại cho lão Thôi để giao lại cho cha tôi, coi như là cho ông một vật lưu niệm. Cha tôi sau đó đem nó làm lễ vật tân hôn cho cô cô Chu Nhan của cô, lúc bỏ đi bà đã để nó lại, cha tôi cũng không đem nó đi Mã Đại, cuối cùng nó ở trong tay tôi”.

Phương Đăng thầm nghĩ tại sao cô cô lại đem mảnh gương này trả lại cho Phó Duy Nhẫn, nhưng vẫn hằng đêm áp mặt vào tấm gương nhựa coi như là bảo vật, có lẽ trong lòng cô cô, mặt gương nhựa kia đã từng phản chiếu hình ảnh người yêu của cô lúc ban đầu.

“Ồ, mặt sau này còn có chữ …” Phương Đăng cố hết sức để đọc hai dòng chữ nhỏ khắc sau tấm gương bạc: “Không rời… cái gì… Không… Là… cái gì… Như…”

“Bất ly bất khí, thi vị chân như” (Không xa không rời, đó là sự thật) – Phó Kính Thù đọc.

Phương Đăng lẩm bẩm đọc theo một lần, cảm nhận được ngụ ý trong câu chữ đó: “Đây là lời ông tổ anh thề thốt cùng Tiểu Xuân cô nương sao?”

“Tôi không biết”. Phó Kính Thù nói thật nhẹ “Mảnh gương này đã qua tay nhiều người, câu nói “không xa không rời” đến cuối cùng còn không phải là đã rời xa sao?” Anh đem mảnh gương đặt vào tay Phương Đăng rồi rụt tay về: “Cái này cô giữ đi, để ở chỗ tôi cũng không có ý nghĩa gì, dù sao cha tôi cũng tặng nó cho cô cô rồi”.

Anh một mực không chịu gọi Chu Nhan là “mẹ”, nhưng lúc nhắc đến cô, vẻ mặt đã dịu đi rất nhiều. Phương Đăng không trách anh chẳng chịu đổi cách xưng hô, dù sao cô cô cũng bỏ rơi anh rất nhiều năm, ở trong lòng anh, vị trí thiếu sót đó đã thành một thói quen. Một người trong lòng đã có lỗ thủng thì rất khó lòng mà lấp lại cho đầy.

Phương Đăng không dám nhận.

“Chính vì mảnh gương này đã qua tay nhiều người thân của anh như vậy, anh nên giữ lại nó”.

Phó Kính Thù hơi mỉm cười: “Phương Đăng, cô không hiểu thật sao?”

“Gì chứ?” Có lẽ do ánh đèn tự nhiên bừng sáng, ruột gan Phương Đăng cũng nhói lên theo.

“Tôi hỏi cô tại sao đối với tôi tốt như vậy, cô cho tôi một lý do đi”. Nụ cười của anh biến mất, ánh mắt nhìn xa xăm khiến Phương Đăng không hiểu: “Tôi nghĩ lý do của tôi cũng giống cô, tôi cũng chẳng có mấy người thân”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio