Bích Lạc về tới Trữ Tú cung thì Cẩm Thu đang nhìn tiểu thái giám sắp xếp chậu hoa trong vườn, thấy Bích Lạc về thì nói: “Chủ nhân vừa hỏi muội đã về chưa đấy.” Do xưa nay Lâm Lang luôn khoan dung, chưa từng vênh mặt hất hàm sai khiến nên Bích Lạc tưởng nàng có chuyện quan trọng cần sai bảo nàng ta nên đi vội vào phòng. Lâm Lang đang ngồi trên tràng kỷ đọc sách, thấy nàng ta đi vào thì đặt cuốn sách xuống, vẻ mặt bình thản như thường lệ, chỉ hỏi: “Hoàng thượng gọi ngươi đến có dặn dò gì không?”
Bích Lạc cười cười. “Hoàng thượng cũng chỉ hỏi vài câu chuyện phiếm.”
Lâm Lang “ừ” một tiếng, từ từ quay mặt đi, nhìn mặt trời đỏ rực lúc hoàng hôn, cuối cùng nàng đứng dậy, nói: “Ta có thứ này cho ngươi.”
Bích Lạc theo nàng đi đến giữa phòng, nhìn nàng cầm chìa khóa mở một chiếc rương, cầm lấy hai chiếc hộp lớn bằng gỗ đàn, mở từng hộp ra. Trong điện hơi tối, Bích Lạc bỗng thấy trước mặt ngời sáng, đều là ánh sáng của châu báu. Trong chiếc hộp có vài chiếc vòng tay bằng ngọc lục bảo trơn nhẵn, màu xanh thẫm như hồ nước sâu, hai viên hồng ngọc to như trứng chim bồ câu, màu đỏ óng ánh, ngoài ra còn mấy miếng ngọc lục bảo, mấy chuỗi trân châu Đông Bắc… Trân châu Đông Bắc là trang sức cao quý, từng hạt từng hạt, dù lớn hay bé đều vô cùng tròn trịa… òn vài thứ đồ trang sức phỉ thúy vô cùng tinh xảo. Bích Lạc được biết vị chủ nhân này được Hoàng đế sủng ái, cứ cách mấy ngày Hoàng đế lại ban thưởng nhưng cũng ngờ lại nhiều đến thế. Lâm Lang khẽ thở dài. “Những thứ này đều do Hoàng thượng ban thưởng. Xưa nay ta không thích mấy thứ này, giữ lại cũng chẳng để làm gì, ngươi và Cẩm Thu mỗi người cầm một hộp đi. Tuy tính tình Cẩm Thu tốt không kiềm chế, lại nhẹ dạ. Nếu lúc này để Cẩm Thu nhìn thấy thì không biết sẽ phấn khích đến mức nào. Mấy đồ thường này chưa từng được ghi lại, nếu để người khác biết thì khó tranh khỏi sinh tai họa. Trước nay ngưoi luôn thận trọng, hãy giữ thay Cẩm Thu đi. Hai ngày nữa Cẩm Thu được xuất cung rồi, tới lúc đó hãy đưa cho nàng ta, cũng không uổng công hai ngươi theo ta một thời gian.”
Bích Lạc chỉ bật thốt lên: “Chủ nhân!”
Lâm Lang lại chỉ về phía đáy rương, nói: “Bên dưới đó là mấy bức tranh chữ, cũng là do Hoàng thượng ban thưởng. Có mấy bộ Tống thư cùng mấy bức tranh chữ của Tiết Tắc, Thái Ung, Triệu Cát, còn có mấy cuộn tranh Thôi Tử Tây, Vương Ngưng, Diêm Thứ Vu… cũng chỉ đáng giá mấy lạng bạc, đối với các ngươi thì vô dụng, thay ta tặng cho người nhà vậy, cũng coi như để nhớ.”
Bích Lạc sợ hãi đến mức không nói nên lời. Lâm Lang cầm một bọc lụa màu xanh từ đáy rương lên, từ từ mở ra. lần nay lại là một tác phẩm thêu, mở ra thì là mười hai bức điều binh, đều là tranh kết hợp với chữ. Bích Lạc thấy đường kim mũi chỉ tỉ mỉ mà sống động, gắng gượng cười, khen: “Khả năng thêu thùa của chủ nhân thật không tồi.”
Lâm Lang từ tốn đáp: “Cái này gọi là Huệ Tú… Hoàng thượng thấy ta thích nên cố ý sai người đến Giang Nam tìm. Thật là khiến Tào đại nhân tốn không ít công sức. Chỉ nói là do một nữ tử danh gia thêu lúc nhàn rỗi, trên thế gian này cũng không còn nhiều nữa rồi.”
Bích Lạc nghe giọng nàng buồn bã, không dám nghĩ nhiều, vội cười cười. “Hóa ra do một nữ tử thêu, dù nàng ta là tiểu thư danh gia vọng tộc thì chỉ cần bảo nàng ta thêu một bức là được, sao lại nói là không còn nhiều?”
Lâm Lang khẽ miết qua từng đường chỉ, thất vọng nói: “Người thêu đã qua đời rồi.”
Bích Lạc chợt buồn bã, cảm thấy tình hình không ổn, đang không biết đáp lời ra sao thì Cẩm Thu đến bẩm báo, giọng vui vẻ: “Chủ nhân, Hoàng thượng đến ạ!”
Vẻ mặt Lâm Lang vẫn thản nhiên, không hề có vẻ bất ngờ. Bích Lạc khẩn trương thu dọn, Cẩm Thu đi lên chải tóc cho Lâm Lang. Có tiếng vỗ tay từ xa vọng đến, thái giám dẫn đầu đã đi vào cửa viện. Nàng bước ra tiếp giá, Hoàng đế lại đích thân đỡ nàng. Lý Đức Toàn liếc mắt một cái, tất cả các cung nữ, thái giám đều lui xuống, đến Cẩm Thu và Bích Lạc cũng tránh đi.
Hoàng đế vẫn như ngày thường, mỉm cười hỏi nàng: “Nàng đang làm gì thế?”
Nàng chợt nở nụ cười, nhung không đáp. “Lâm Lang có một chuyện muốn xin Hoàng thượng.”
Hoàng đế “ồ” một tiếng rồi nói: “Nàng cứ nói ta nghe xem.”
Nàng hơi ngẩng lên nhìn Hoàng đế, áo gấm vàng nâu thường ngày thêu hoa văn chữ phúc, chỉ có cổ và tay áo lật lên là màu vàng, ống tay áo có thêu hoa văn rồng bằng chỉ đỏ. Đường thêu vô cung tinh tế, một đường ẩn hiện như hòa vào với lớp vải lụa vàng thành một màu như màu máu. Giống như ánh nên lờ mờ, đo đỏ mà nàng nhìn thấy qua lớp rèm lúc trời còn chưa sáng hẳn, trong buổi sáng sớm của một ngày nào đó trong ký ức.
Nàng chợt nhớ lại rất lâu về trước, hình như là một đêm mùa xuân, một mình nàng ngồi thêu dưới ánh đèn. Ngọn đèn nhỏ bé khiến mắt nàng mỏi nhừ. Đêm khuya rất yên tĩnh, dường như nghe thấy cả tiếng côn trùng kêu khe khẽ. Gió lạnh thổi vào rèm khiến nó khẽ bay lên. Ánh nến lập lòe. Nàng cúi đầu đã lâu, gáy đã thấy tê tê khó chịu nhưng vẫn cố nhìn vào chiếc áo, tỉ mẩn gỡ rồi tách từng sợi chỉ thành sợi ngang sợi dọc… hoa văn rồng vàng… chiếc áo đó phảng phất một mùi hương xa lạ.
Hiện tại, mùi hương nhạt đó đã trở nên quen thuộc, tỏa ra từ ống tay áo Hoàng đế. Nàng chợt thấy sợ hãi. Hoàng đế nhìn ánh mắt mềm mại của nàng như phản chiếu được bóng người trong cung điện âm u, ánh mắt bỗng ảm đạm hẳn đi, như ánh nến lúc sắp tàn, nhỏ dần, nhỏ dần… Y hỏi: “Nàng sao thế? Chẳng phải vừa nói có chuyện muốn xin trẫm hay sao?”
Vốn dĩ nàng nửa ngồi nửa quỳ ở bậc đế chân, mặt từ vào vạt áo Hoàng đế, nghe y hỏi vậy thì hơi giật mình, một lúc lâu sau mới khẽ hỏi: “Lâm Lang muốn xin Hoàng thượng, nếu như có một ngày Lâm Lang chết rồi, Hoàng thượng không được đau lòng.”
Hoàng đế chợt thấy hơi lạnh từ xương cốt lan ra toàn thân, gượng cười, nói: “Đang yên đang lành, tự dưng nàng lại nói những chuyện như vậy… Tương lai chúng ta còn dài.”
Lâm Lang đáp “vâng”, nói khẽ: “Thần thiếp cũng chỉ nói đùa thôi.”
Hoàng đế đáp: “Chuyện này đâu thể nói đùa được, liên quan đến cả nhà, không thể đùa được.”
Phi tần tự vẫn là tội đại bất kích, càng nặng so với cung nữ tự vẫn. Hoàng đế sợ nàng có ý nghĩ tử tự nên cố ý cất giọng nghiêm trọng. Nàng trầm mặc một lát mới đáp: “Lâm Lang biết chừng mực.”
Hoàng đế xoay mặt đi, không dám nhìn vào mắt nàng. “Mấy ngày gần đây Thái hoành thái hậu không được khỏe, cần yên tĩnh dưỡng bệnh. Hằng ngày nàng không cần qua đó hầu hạ người.”
Nàng chợt cười. “Đuôi sam của Hoàng thượng rối rồi, thần thiếp tết lại cho người.”
Trong lòng y vô cung buồn bã nhưng vẫn gắng cười, đồng ý. Nàng đi lấy lược, lần lượt tháo dài tua rua màu vàng rồi đến dây đính bát bảo thắt ở đuôi tóc của y, rồi nhẹ nhàng gỡ từng lọn tóc. Hoàng đế khoanh chân ngồi đó, cảm nhận sự chuyển động của chiếc lược bằng sừng tê giác. Hình như tay nàng hơi run, cuối cùng y không đành lòng mà quay đầu đi, làm như không biết.
Do phải lên triều nên giờ Mão Hoàng đế đã dậy. Thái giám, cung nữ hầu hạ y ngồi dậy, rửa mặt rồi lại dùng nước muối súc miệng, cuối cùng mới dâng trà lên. Hoàng đế chỉ nhấp một ngụm rồi đặt xuống, quay người nhìn. Lâm Lang quấn mình ngủ trong chiếc chăn lụa màu vàng đỏ, không động đậy, có vẻ như đang ngủ rất say. Mái tóc đen dài mượt mà của nàng xõa trên gối, y duỗi tay ra, cuối cùng kìm lại được, quay rời khỏi noãn các, bước đến ngưỡng cửa lại quay đầu nhìn, nàng vẫn ngủ ngon, màu vàng đỏ vốn là màu ấm áp, dưới ánh nên lại hiện lên một vầng ấm áp mơ hồ. Y nhìn xuống trên người là triều phục, tay áo và cổ áo màu vàng, thân áo và tay áo thêu rồng vàng, chỉ y phục của thiên tử mới được thêu như vậy, vô cùng cao quý.
Cuối cùng y cũng quay mặt đi, Lý Đức Toàn thấy y ra thì vội vàng chạy đến hầu hạ.
“Hoàng thượng khởi giá…”
Kiệu được nâng lên. Một hàng đèn lồng vây quanh. Hai bên đường là tường cung màu đỏ. Bốn bề yên tĩnh, chỉ nghe tiếng bước chân vừa nhanh vừa khẽ phát ra từ đế giày mỏng của thái giám. Nơi xa nhất ngoài cung điện được bao phủ bởi ánh sáng chói lọi của bình minh. Chiếc kiệu được vây quanh bởi cung nữ, thái giám đã ra khỏi Càn Thanh cung, đường lớn vừa rộng vừa dài xuất hiện ngay trước mắt. Từ xa đã nhìn thấy khí thế sừng sững của ba điện lớn: Bảo Hòa, Trung Hòa và Thái Hoa. Dưới ánh nắng sớm mai, mái vòm như mở ra một đường cong hùng vĩ, như con chim ưng trắng kiêu ngạo nhất đang dang cánh trên bầu trời.
Lý Đức Toàn thi thoảng lại lén nhìn sắc mặt Hoàng đế, thấy Hoàng đế từ từ nhắm mắt lại, mặt trời đỏ hồng mới lên, bình minh tươi đẹo chiếu lên hàng lông mày đang hơi cau lại của y, trong lòng không khỏi có chút lo lắng. Hoàng đế nhanh chóng mở mắt, vẻ mặt lại như bình thường, miệng nói: “Đi thôi!”
Đến cuối giờ Thìn thì Lâm Lang mới dậy. Cẩm Thu tiến lên hầu hạ nàng mặt y phục, cười cười. “Chủ nhân ngủ say quá, nô tỳ hầu hạ chủ nhân lâu như vậy rồi nhưng chưa từng thấy người ngủ say đến thế.”
Lâm Lang “ừ” một tiếng, hỏi: “Hoàng thượng đi rồi à?”
Cẩm Thu đáp: “Đầu giờ Mão Hoàng thượng đã dậy lên triều rồi. Bây giờ chắc đã bãi triều, nhất định lát nữa sẽ đến thăm chủ nhân.”
Lâm Lang lại “ừ” một tiếng. Nàng nhìn thấy trên giường vẫn còn trải đệm màu vàng, vì mỗi ngày Hoàng đế đều tới nên mới chuẩn bị cho y ngồi, nàng bèn sai Cẩm Thu: “Lát nữa cất cái này vào kho.”
Cẩm Thu hơi ngạc nhiên. “Lát nữa Hoàng đế tới…”
Lâm Lang nói: “Hoàng đế sẽ không đến nữa.”
Nàng cố gắng tự mở chiếc hộp gương lược ra, bên dưới có một ngăn nhỏ, trong đó là một trang giấy Tiết Đào màu sen. Mở ra đọc, vẫn là những nét chữ vô cùng quen thuộc đó: “Bồng Lai viện có nàng tiên nữ, lặng lẽ say giấc ngủ ở họa đường. Gối mây xanh biếc, áo gấm thơm. Nhẹ nhàng mở khóa, qua bình phong. Nàng dịu dàng cười xinh đẹp, ánh mắt nhìn nhau xiết bao tình.” Nét bút của Hoàng đế vốn thanh tú mà phóng khoáng. Giấy Tiết Đào là loại giấy được dày công cất giữ cả mấy trăm năm, y dùng mực Đường viết lên, lại càng tinh tế. Bên dưới không đề lạc khoản, chỉ có cái ấn nhỏ có chữ: “Thế nguyên chủ nhân.” Nàng nhớ lại lúc còn hầu hạ ở Càn Thanh cung, chỉ còn một mình nàng ở ngự tiền, y chợt đưa cho nàng tờ giấy này. Nàng mạo muội mở ra xem, đọc xong thì kúng túng chỉ muốn có cái hố để chui xuống. Y ngồi sau ngự án, buông bút, lặng lẽ cười. Lúc đó là chớm đông, trong lò đốt hương Bách Hợp, không khí ấm áp như mùa xuân.
Y nói nhỏ: “Trưa nay trẫm sẽ qua thăm nàng.”
Nàng cố gắng tỏ vẻ nghiêm túc. “Nô tỳ không dám, như vậy là phạm vào quy củ.”
Y cười, nói: “Nàng xem lời bài thơ này đi, thật là một câu chuyện đẹp.”
Nàng bối rối, đành đứng thẳng lưng, nói: “Hậu Chủ[] là hôn quân, Hoàng thượng không phải là hôn quân.”
[] Lý Dục, còn xưng là Lý Hậu Chủ – tác giả bài thơ Bồ Tát man, là vị vua cuối cùng của nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử trung Quốc.
Y vẫn cười, ngừng một lát lại nói nhỏ: “Vậy thì hôm nay cứ coi như là lần cuối trẫm làm hôn quân!”
Nàng sai Cẩm Thu thắp một ngọn nến, duỗi tay đưa tờ giấy lên đầu ngọn lửa, mắt nhìn chằm chằm vào nơi ngọn lửa đang dần khoét vào. Giấy màu sen bị đốt từng tấc, từng tấc, cuối cùng tất cả đều biến thành tro bụi. Trong đình viện vô cùng yên tĩnh, thi thoảng lại có một tia nắng chiếu vào. Khi còn nhỏ, nàng từng đọc câu thơ: “Xuân đã sắp tàn sân quạnh quẽ. Hoa lê đầy đất cài cửa then.”[] Cuộc đời này dài đến vậy, thế nhưng đã kết thúc rồi…
[] Trích bài thơ Xuân oán của Lưu Phương Bình. Dịch thơ: Phụng Hà