Dầu diesel ở đâu ra? À, nhớ ra rồi. Mình đang bị cháy, cảnh sát cứu hỏa lao qua đám khói lửa phun bọt dập lửa… một cái kìm to cắt luôn còng tay… mình bị bốc dậy, chơi vơi… được một cảnh sát cứu hỏa cõng lên, rồi đi xuống cầu thang. Có người hô lớn, “Nhà bếp cháy rồi!”
Sao lại thế? Tầng hai bị cháy kia mà? Đại sảnh ở tầng hai là nơi những người giàu có nâng cốc, là nơi ẩn chứa những trò bẩn thỉu…
Nhà bếp là đất thánh, là căn cứ địa của mình và sư phụ Lý Vạn Tường. (Không tính Tạ Nhất Bân vào đây, hắn chẳng để tâm học nghề nấu ăn.) Mùi dầu diesel nồng nặc xộc vào mũi Tôn Nguyên Hổ. Tuy sống mũi từng bị giập nhưng vẫn rất thính, ngay bác Tường cũng phải khen ngợi “chú em có cái mũi của một vua bếp”.
Tôn Nguyên Hổ vẫn còn nhớ mình đã xách cái thùng sắt chứa cân dầu diesel từ cửa sau xe tải chở hàng đi một lèo vào gian chứa đồ của nhà bếp. Cậu còn hỏi bác Tường cần dầu diesel để làm gì. Tạ Nhất Bân đứng bên cười nhạt nói đế vào: Hổ Bì không biết à, ở đây có hai loại bếp, bếp gas và bếp dầu, nếu gas trục trặc thì châm bếp dầu. Cho nên phải dự trữ dầu đun.
Tôn Nguyên Hổ không ưa tính khí quái dị của Tạ Nhất Bân, đôi khi chỉ muốn nện cho một trận. Nhưng thật ra Tạ Nhất Bân không phải kẻ xấu, cậu đành tặc lưỡi không chấp anh ta. Đành thế vậy, thường là người khác không chấp cậu, nay cậu đụng phải một gã quái hơn cả mình.
Mùi dầu khét lẹt, lửa cháy rừng rực. Bỏng rát. Đau kinh khủng!
Khi tỉnh lại lần nữa, Tôn Nguyên Hổ nhớ ra lúc ấy vẫn còn mùi dầu xào nấu. Mùi dầu ăn và mùi dầu diesel khác hẳn nhau, mùi dầu ăn không kinh khủng khé mũi như mùi dầu diesel. Sực nhớ đến cái thùng dầu ăn cân đặt dưới bể nước cũng là do mình xách vào, cậu bỗng rùng mình run rẩy và hiểu ra, tại mình xách nhiên liệu vào nhà bếp, nếu không đã không bị hỏa hoạn, nhà bếp sẽ không bị cháy dữ dội như thế. Thật là xót xa!
Lại đau, rồi ngất đi. Trong mơ, Tôn Nguyên Hổ nhìn thấy một cái bóng mờ mờ đứng bên giường, cúi nhìn mình, cứ như thần chết đang hỏi thăm kẻ hấp hối.
Ông là ai?
Ta là ai cũng thế. Cảnh sát đã gặp anh hỏi chuyện chưa?
Chưa. Họ biết rằng tôi không thể trả lời.
Nếu họ tìm anh, anh biết nên trả lời sao rồi chứ?
Tại tôi xách dầu vào, dầu diesel và dầu ăn bị cháy.
Nói vớ vẩn gì thế?
Tôi nói thật mà!
Anh không được phép nói thật.
Đới Thế Vĩnh
Trước khi đến Tiêu Tương dùng cơm, Đới Thế Vĩnh đã chuẩn bị xong bài vở kế mưu chu đáo tỉ mỉ để thực hiện kế hoạch suôn sẻ. Anh ta biết, đây là cơ hội hiếm có và sẽ trôi đi rất nhanh. Vụ cướp phải được thực hiện gọn gàng, thành công.
Trong lĩnh vực nhập khẩu năng lượng, “cướp” là danh từ hài hước chỉ sự trấn lột nồi cơm của các đại gia năng lượng bản địa. Gần hai năm nay đã xảy ra vô số vụ cướp như thế này. Ví dụ, than đá nội địa chất lượng chỉ tầm tầm mà giá thì cao, than nhập khẩu chất lượng hơn hẳn, giá lại không đắt, cho nên nảy sinh cạnh tranh và tình hình nhanh chóng nóng lên.
Đới Hướng Dương là một trong các đại gia năng lượng truyền thống, khởi nghiệp từ khai mỏ than nho nhỏ tiến lên thành một tập đoàn lớn, và rất có đầu óc so với các đồng nghiệp, ông ta đã nhìn ra hậu quả sinh tử khi giao đấu với năng lượng nhập khẩu, ít ra sẽ là cả hai bên cùng bị thương nặng, và có khả năng rất lớn là nội địa phải bỏ của chạy lấy người. Cho nên ông ta bắt đầu tính kế lâu dài, bắt tay hữu hảo với đám hậu sinh như Đới Thế Vĩnh và những người đối lập của mình, thông qua Yên Vệ Bình, chấp nhận tiếp xúc với Đới Thế Vĩnh vào ngày khai trương hội quán Tiêu Tương, thậm chí gọi cả người cùng hùn vốn là Lương Tiểu Đồng gặp gỡ để cùng làm quen.
Nhưng, với Đới Thế Vĩnh thì lại là một mũi tên bắn hai con chim.
Lương Tiểu Đồng tuy chỉ là nhà giàu thế hệ thứ hai, ý chí và năng lực đều có hạn, nhưng tập đoàn Phong Hành của Lương Quân ông già anh ta làm về năng lượng, tập đoàn ấy sớm muộn gì cũng do Lương Tiểu Đồng tiếp đồng, Đới Thế Vĩnh làm quen chính là để gieo xuống hạt giống hợp tác trong tương lai.
Tuy gọi là “bữa trưa”, nhưng bắt đầu từ giờ rưỡi. Trước tiên uống trà, sau đó nâng ly uống rượu. Ngồi trò chuyện với Lương Tiểu Đồng một lúc, Đới Thế Vĩnh mới nhận ra “ông chủ nhì” này non kém hơn hẳn mình hình dung, anh ta chẳng hề hào hứng với rất nhiều cơ hội làm ăn mà Đới Thế Vĩnh nêu ra trong bữa ăn, thậm chí anh ta sắp ngủ gật và đã vài lần viện cớ cần sang hai lầu Đông Tây “thăm hỏi các hội viên mới” để đứng lên bước ra ngoài, chắc chỉ là xuống tầng trệt tán tỉnh con bé xinh xắn ở quầy lễ tân.
Tất nhiên, Đới Thế Vĩnh cũng có vài lần phải rời bàn ăn vì di động để trong cặp đổ chuông, đó là những cú điện thoại liên quan đến làm ăn, các khách hàng mới muốn được tư vấn, hoặc các giao dịch về chuyển khoản, về vận tải đến cảng… Đới Thế Vĩnh mới thành lập công ty, tuy đã hoàn tất thành công vài thương vụ nhưng hiện giờ quy mô vẫn chưa đáng kể, chỉ có vài phụ tá, nên một số vấn đề then chốt anh ta vẫn phải đích thân giải quyết.
Đới Thế Vĩnh thuộc dạng người mà nếu anh ta có mặt thì không lo không khí nguội lạnh, mỗi lần nghe điện thoại xong trở lại bàn ăn, nhét di động vào cặp là anh ta hỏi ngay, “Chú ơi, chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ?”
Tuy là đồng hương với Đới Hướng Dương, nhưng Đới Thế Vĩnh rất “thuộc bài”, không nói toạc ra điều ấy ngay, mà sử dụng giọng quê nhà Thiểm Tây để Đới Hướng Dương tự phát hiện, sẽ càng tự nhiên và không bị ngờ rằng có mưu đồ gì đó. Thật ra chưa thể nhận định Đới Thế Vĩnh có mưu đồ, anh ta chỉ tương đối yêu nghề và hăm hở làm ăn.
Về việc hợp tác với tập đoàn Hâm Viễn của Đới Hướng Dương, hai bên cùng có lợi ra sao, Đới Thế Vĩnh cũng đã suy tính trước rồi. Chi tiết thì nhiều nhưng định hướng chung đơn giản là: Hâm Viễn có thực lực về vốn sẽ lo nhập khẩu các nhiên liệu giá rẻ như than đá, dầu mỏ thậm chí nhập khẩu kim loại màu, sau đó nâng giá, bán cho đám khách hàng lớn mà Hâm Viễn đã tạo dựng bấy lâu, khách hàng của Hâm Viễn cũng được hưởng lợi vì giá mềm, sẽ tiếp tục được Hâm Viễn phục vụ, vai trò của Đới Hướng Dương không đổi, vẫn là ông lớn trung gian, ăn lãi ít cũng không sao vì bán hàng với số lượng lớn, vẫn no bụng chán. Ba cái lợi.
Yên Vệ Bình tò mò hỏi, cậu Vĩnh còn trẻ sao đã có thể móc nối được với các chủ hàng ngoại quốc? Đới Thế Vĩnh đáp là nhờ tiếng Anh và mạng internet. Hồi nhỏ, anh ta đã theo làm tiếp thị cho một bậc thầy chuyên buôn đi bán lại, về sau lại chạy việc cho một công ty, mà công ty ấy là một trong những đơn vị đi đầu về nhập khẩu năng lượng.
Đới Hướng Dương cười hỏi, “Cậu học lỏm à?”
Đới Thế Vĩnh cũng mỉm cười, “Phải! Đời tôi chỉ làm một việc ám muội duy nhất là học lỏm. Tôi quan sát họ tìm khách hàng ra sao, nói chuyện với đối phương như thế nào, rồi đến các thủ tục thông quan, đón tàu thuyền ra sao. Thoạt đầu họ nói gì tôi cũng như vịt nghe sấm, vì họ nói tiếng Anh.” Đới Thế Vĩnh kể rằng từ đó anh ta bắt đầu chuyên tâm học tiếng Anh. Vì chưa bao giờ học đại học, không được thầy giáo có ngữ âm chuẩn phụ đạo cho, Đới Thế Vĩnh tự chế nhạo rằng tiếng Anh của mình hiện nay là thứ “tiếng bồi” sặc mùi Thiểm Tây.
Mọi người đều phì cười.
Chỉ có Lương Tiểu Đồng không cười. Anh ta đang mở di động ra xem WeChat nên bỏ lỡ đoạn đối thoại của họ. Hình như cảm thấy hơi lạc lõng, Lương Tiểu Đồng đứng lên nói đang vào giờ bữa trưa nhộn nhịp, phải sang hai lầu Đông, Tây để làm công tác “giới thiệu hội viên”, không rõ là “giới thiệu Tiêu Tương với các hội viên tương lai” hay là “giới thiệu một số thực khách làm hội viên gia nhập hội quán”. Không rõ. Nhưng thôi đành, vì anh ta cũng như mình, đều là thế hệ x đáng yêu.
Lương Tiểu Đồng ra ngoài không lâu thì bụng Đới Thế Vĩnh bỗng nhiên tưng tức, nhắc anh ta phải đi vệ sinh. Cảm thấy nếu đứng dậy luôn thì dở, sẽ khiến bầu không khí bị hẫng, nên Đới Thế Vĩnh muốn chờ Lương Tiểu Đồng quay lại đã. Nhưng chỉ cố nhịn được một lúc, không thể chống lại quy luật tự nhiên, Đới Thế Vĩnh đành “xin phép” Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình vậy.
Đại sảnh này có một gian vệ sinh nhỏ khép kín, nhưng Đới Thế Vĩnh cần “đi nặng” và cảm thấy mình sẽ gây ra “tiếng ồn và nặng mùi”, nên tế nhị đi ra nhà vệ sinh ở tận cuối hành lang tầng hai để giải quyết.
Ở tầng hai, ngoài đại sảnh còn có một gian nhỏ, cô gái tiếp tân đã giới thiệu đó là phòng nghỉ. Cũng như các gian khác của Tiêu Tương, nó cũng được đặt tên riêng, là “Như Mộng Lệnh”. Đi qua phòng nghỉ sẽ đến nhà vệ sinh. Đới Thế Vĩnh bước vào, khóa cửa lại, ngồi xuống bệ xí… chắc khỏi cần đi vào chi tiết. Đại khái là nếu nhất định phải miêu tả, thì diễn biến trong nhà vệ sinh là “đúng như suy đoán”.
Đang ngồi trên bệ xí, Đới Thế Vĩnh nghe thấy một tiếng súng. Nhưng rồi anh ta biết mình đã nhầm. Vì sau đó là tiếng pháo nổ không ngớt, cho nên tiếng “đoàng” thứ nhất hình như cũng là tiếng pháo.
Đi vệ sinh xong, Đới Thế Vĩnh chỉnh đốn quần áo, rửa tay. Đột ngột nghe thấy tiếng hô, “Cấm nhúc nhích!”
Tiếng phổ thông rất chuẩn. Hình như từ đại sảnh vọng đến.
Rồi một tiếng “ôi…” ré lên. Đoán là tiếng cô phục vụ bàn ở đại sảnh, một cô gái hiền hòa, rất tận tình chu đáo.
Tiếp đó là nhiều tiếng kêu, tiếng hét, Đới Thế Vĩnh nghe không rõ nhưng cũng không dám mở cửa thò đầu ra.
Chỉ còn cách cứ đứng trong này, tim đập thình thịch mà suy đoán.
Bị cướp rồi!
Ngày trước đi theo sư phụ bán thuốc giả kiếm chác, hai thầy trò đã từng bị trấn lột mấy lần. Còn nhớ lần đầu đi xe khách bị kẻ cắp lục soát, Đới Thế Vĩnh sợ đứng tim. Hai lần sau, anh ta đã bình tĩnh hơn, tim vẫn đập nhanh nhưng cũng đã ở trạng thái tỉnh táo, nhanh nhẹn. Rồi rút ra một kinh nghiệm nhỏ là trước mặt họng súng thì nên co mình lại, bị hỏi phải trả lời, dốc túi nôn tiền ra, sau đó “quên đi”, coi như mù như điếc.
Phải báo cảnh sát.
Chết thật! Di động vẫn nhét trong cặp.
Chỉ tại cái loại điện thoại thông minh đáng chết này!
Ngày trước dùng di động bé tẹo vừa lòng bàn tay, dù để nói, nghe và nhắn tin, anh ta cũng luôn nhét túi quần như bao thanh niên khác. Ngày nay di động thông minh, lắm chức năng, màn hình to, tuy vẫn có thể nhét túi quần nhưng với người chạy suốt ngày như Đới Thế Vĩnh thì không tiện, riêng năm ngoái anh ta đã đánh mất hai cái (do trồi ra khỏi túi quần rồi rơi mất), thế là chuyển sang túi dết da và nhét di động vào đó. Lấy ra dùng tuy phiền toái nhưng vẫn còn hơn là năm ngày ba bận phải mua cái mới.
Đới Thế Vĩnh gõ trán nghĩ ngợi, cảm thấy rất hối hận. Nếu lúc này có di động thì báo cảnh sát, tuy chẳng phải cử chỉ anh hùng nhưng ít ra cũng là một chút cống hiến. Lúc này đành đứng trong bầu không khí xú uế chờ đợi, mong sao bọn cướp đừng vào đây lục soát và cũng đừng mót đi vệ sinh.
Thử nghĩ mà xem, cướp chuyên nghiệp thì trước khi hành động phải giải quyết xong xuôi đại sự như bài tiết rồi chứ, đúng không? Và còn phải chú ý không uống nhiều trà hoặc cà phê, không ăn các đồ tươi sống, cá gỏi, hàu tươi… để tránh thúc đẩy quá trình tiêu hóa và nhu động ruột, đúng không?
Chẳng rõ thời gian trôi đi bao lâu, thật ra cũng chẳng thiết xem giờ. Đới Thế Vĩnh nghe văng vẳng tiếng bước chân đi về phía đầu xa nhất của hành lang.
Thật ra, những ai đã hiểu về kết cấu của lầu Ba Khắc đều biết rằng, vì diện tích tổng thể đặc biệt là chiều rộng tòa nhà hạn chế, nên hành lang thường chỉ dài bốn năm mét là cùng, vì vậy đầu xa nhất của hành lang cũng chẳng xa tí nào.
Đầu xa nhất của hành lang chính là nhà vệ sinh này.
“Két…” một tiếng. Cánh cửa chếch đối diện mở ra.
Đới Thế Vĩnh dựa vào trí nhớ và âm thanh để phán đoán, đó chính là phòng nghỉ có tên “Như Mộng Lệnh”.
Bọn cướp đã thấm mệt hay sao, mà tranh thủ vào đây chợp mắt?
Anh ta bỗng thấy căng thẳng. Bọn cướp vào đó đương nhiên không để nghỉ ngơi, mà là lục soát bằng hết, sợ bỏ sót ai đó. Cho nên, khu vực hôi hám mà Đới Thế Vĩnh đang ẩn náu sẽ là điểm lục soát tiếp theo.
Ví tiền, di động và chìa khóa ô tô đều để cả ở trong cặp da. Nếu kẻ này tóm được mình thì chỉ còn cách thí cho hắn chiếc đồng hồ đeo tay mới dùng ba năm, hàng nhái Oméga, đồ giả nhưng chạy rất chuẩn, đại ca dùng tạm vậy!
Nhưng, kỳ lạ thật, mấy phút trôi qua mà không ai vào đây.
Khi Đới Thế Vĩnh đang dần bớt căng thẳng, cho rằng giây phút nguy hiểm nhất đã qua thì cửa nhà vệ sinh bị đạp tung ra.
Nếu sớm biết kẻ này cầm súng trường tự động thì anh ta đã không nhảy ào ra tấn công hắn. Còn tên cướp, trước khi đạp cửa đã tính đến khả năng bên trong có người nên né ngay sang bên, làm hai tay Đới Thế Vĩnh xẹt qua áo hắn, vồ hụt, mất thăng bằng chúi người tới trước. Tên cướp bồi cho một báng súng vào lưng làm anh ta đau thấu tim, Đới Thế Vĩnh ngã sóng soài trên mặt đất.
Không một giây lơi lỏng, tên cướp giẫm chân lên gáy Đới Thế Vĩnh, làm anh ta đau đến nghẹt thở. Vì vẫn chưa nhìn thấy khẩu súng của hắn, Đới Thế Vĩnh tiếp tục chống cự như một bản năng, đưa tay lên định kéo chân hắn ra. Tên cướp thở dài, hình như thương hại đối phương hành động vô ích và buồn cho thảm án sắp xảy ra đến nơi, hắn tóm luôn tay trái của Đới Thế Vĩnh, bẻ ngoặt lên trên. Lại đau thấu tim, buốt lên tận óc. Đới Thế Vĩnh nhận ra cánh tay mình đã không còn là của mình nữa.
Trật khớp.
“Được rồi! Mày đã chứng minh với tao rằng mày không phải tay vừa, đúng không? Mày không chỉ ị cực thối mà còn dám ra đòn với súng tự động nữa! Mày giỏi nhất rồi!”
Đoạn hắn lôi tù binh mới về đại sảnh.
Thoạt tiên, Đới Thế Vĩnh ngỡ sẽ phải chứng kiến vẻ hy vọng chuyển thành thất vọng trên mặt mọi người, nhưng đa số bọn họ đều đang quay mặt vào tường, nên chẳng trông thấy gì cả.
Điện thoại không thông minh ơi, anh nhớ mày!
Khoảng hai tiếng ba mươi phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
“Vậy là anh nhìn thấy cả thảy mấy tên?” Khương Minh hỏi.
“Hai tên. Một tên đã ở đại sảnh lầu chính canh gác các con tin, tên kia là tên gay đã bẻ trật khớp cánh tay tôi.”
“Gay?”
“Hề hề…” Đới Thế Vĩnh cười. “Nói đùa thôi. Hai đàn ông xoắn lấy nhau trong nhà vệ sinh, chẳng phải gay thì là gì?”