Tình Yêu Hài Hước Của Bảo An

chương 23

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

"Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay... Ay áy ày ày ay ay ay..."

Tay quăng quăng mấy túi đồ, vừa đi Hoài Phong vừa hát ca yêu đời, khổ thay chỉ thuộc được một câu duy nhất trong bài ca dài. Trừ việc phải chụp ảnh cùng An ở khắp mọi nơi con bé đến thì Phong thấy buổi sáng nay khá vui, không uổng công cậu dậy sớm. Mua được quà cho cả nhà, lại còn được ra oai trước mặt An, đòi lại công bằng cho An trong cuộc chiến với "tắc kè mẹ" nữa chứ, con bé hẳn là càng thêm muôn phần ngưỡng mộ và phát cuồng lên vì cậu. Nghĩ đến cảnh An từ nay về sau sẽ nghe lời mình răm rắp mà lòng Phong rạo rực vui sướng, bất giác ngửa mặt lên trời cười một cách mất kiểm soát.

Niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, Phong đã tắt ngúm nụ cười khi vừa bước qua cánh cổng gỗ giăng đầy hoa giấy, miệng còn khẽ chửi thề một câu:

"Chết tiệt, tìm đến thật mà. Vãi... cả mồ hôi."

Trong sân, "tắc kè mẹ" đang oang oang kể tội cậu trước mặt bà nội và bố mẹ, có cả Hoài An ở đấy nữa, trên gương mặt em lộ rõ vẻ lo sợ tột cùng. Hoài Phong lững thững lê bước tiến lại gần, đôi giầy quẹt xuống nền đất vang lên mấy tiếng loẹt xoẹt.

"Con chào..."

Câu chào chưa được cất ra hoàn chỉnh, Hoài Phong đã nhận được ngay liên tiếp hai cái bạt tai giáng trời của bố. Dẫu biệt con mình phạm lỗi lớn, song người làm mẹ như bà Trinh vẫn không khỏi xót lòng khi chứng kiến cảnh tượng ấy. Cô em gái đứng bên cạnh òa lên khóc nức nở và nếu như bà nội không kịp kéo tay em lại thì An đã chạy vào níu tay bố, xin lỗi thay anh. Cổ áo Hoài Phong bất ngờ bị bố kéo lên nhăn nhúm và cứ thế ông liên tiếp tuôn ra những lời mắng nhiếc, chửi rủa cay độc:

"Đồ mất dạy, thằng trời đánh. Bao nhiêu năm qua mày làm được gì cho cái gia đình này hay chỉ toàn gây họa? Tao cho mày ăn học để bây giờ mày trả lại tao hết phiền phức này đến rắc rối kia hả? Mày ra ngoài đường kiếm chuyện gây gổ với người ta để bố mày, bà mày phải đứng ra chịu hậu quả thay mày không biết bao nhiêu lần, thằng du côn. Cả mày và mẹ mày đều là gánh nợ của cái nhà này, là đồ ăn bám. Cút hết đi."

Hoài Phong dồn lực và vùng mình thoát ra khỏi hai cánh tay của bố, ném mấy cái túi xuống đất một cách giận dữ, cậu hét lên với nỗi ấm ức tràn đầy:

"Bố thôi đi."

Không gian như chùng xuống. Do lực đẩy mạnh, bố cậu hơi loạng choạng ra phía sau. Tất cả mọi người có mặt khi ấy đều sửng sốt trước hành động của Phong vì xưa giờ cậu tuy có bướng nhưng luôn lầm lì, bỏ ngoài tai mọi lời nói của những người xung quanh, chưa khi nào Phong phản ứng mạnh như hôm nay. Bố cậu run run chỉ tay vào mặt cậu.

"Mày... mày dám..."

Phong khẽ cười hẩy, vẻ bất cần hiện hữu trên gương mặt hơi chếch lên, giọng nói đều đều thấp thoáng nỗi tủi hờn:

"Mất dạy à? Cũng đúng thôi vì có ai chịu dạy dỗ, uốn nắn con đâu. Bố thì thờ ơ, bà thì lạnh nhạt. Con biết noi theo ai để lớn chứ? Bố có bao giờ quan tâm tới việc học hành của con không hay hàng tháng chỉ quẳng thẳng vào con mấy tờ học phí rồi mặc kệ con muốn ra sao thì ra? Năm nay con mới mười bảy tuổi, vậy nên việc bố phải chịu trách nhiệm về những việc con trai bố gây ra chỉ là điều bình thường mà bao ông bố khác cũng phải làm thôi. Con hư hỏng, là con sai nhưng bố không cảm thấy rằng bố cũng có một phần lỗi trong chuyện định hình nhân cách cho con sao? Còn nữa...

Dừng một lúc, Hoài Phong bắt đầu thay đổi thái độ và ngữ điệu trong lời nói. Đôi mắt đỏ ngầu biểu lộ nỗi bức xúc dâng lên đến đỉnh điểm, cậu gằn giọng xuống, càng về sau âm vang lại càng lớn.

"Mẹ con không phải như bố nói. Việc sinh ra con là lỗi của một mình mẹ à? Không phải vì bố trăng hoa, háo sắc thì giờ mẹ con cũng không phải sống trong tủi nhục thế này. Bao nhiêu năm qua, chưa ngày nào mẹ được nghỉ ngơi hết bố biết không? Từ sáng sớm tới tối muộn mẹ lúc nào cũng phải lao động quần quật, cả đống việc nhà không tên đổ dồn lên vai mẹ. Mẹ đã cố gắng biết bao để có thể làm hài lòng bà và bố nhưng cuối cùng cái mẹ nhận được là gì chứ? Là bị nói là kẻ ăn bám à? Bố và bà, cả hai người quá đáng lắm. Bố đuổi chứ gì? Con đi."

Người bố trừng trừng nhìn cậu, cơn tức giận khiến người ông run lên bần bật. Còn bà mẹ ngồi thụp xuống, khóc nấc lên từng tiếng đau lòng, Hoài An đứng gần đó ôm chầm lấy mẹ, nước mắt cũng chảy dài trên gương mặt thơ ngây.

Quay qua chỗ người phụ nữ béo ú, Hoài Phong vênh mặt thách thức:

"Nói cho bà biết, chẳng có cái trại nào chịu bắt giam một thằng nhãi mười bảy tuổi chỉ vì nó gây ra mấy viết xước như mèo cào trên người bà đâu. Thích thì đi mà kiện."

Dứt lời Phong đùng đùng bỏ đi. Bóng thằng cháu trai vừa khuất cũng là lúc huyết áp của bà nội đột ngột tăng cao, bà ôm lấy đầu giọng thều thào cố gào lên mấy tiếng “Phong… Quay lại…” rồi ngã khụy xuống. Cả nhà tá hỏa chạy lại đỡ và bế bà vào trong nhà nằm nghỉ. Vị khách không mời kia đến đây ăn vạ vốn là định moi ít tiền để đốt vào những trận bài dài thâu đêm suốt sáng trong mấy ngày Tết. Ngờ đâu gây ra cơ sự thế này bà ta cũng cảm thấy áy náy bèn giở giọng cao thượng:

"Thôi thôi, tôi tha cho mấy người đấy."

Rồi bà ta phóng vút đi để lại đằng sau là một gia đình đang trong hoàn cảnh tan nát. Còn lại mình Hoài An đứng giữa sân, em ngồi xuống, nhặt mấy cái túi mà anh trai vứt lại, ôm vào lòng và òa lên khóc. An thương anh trai em lắm!

Tối nay, Bảo An và mẹ tới nhà ông bà ngoại dùng bữa. Ở trong bếp, nhạc nhẽo vang lên tưng bừng, Bảo An đứng bên bệ bếp vừa thái măng giúp bà vừa lắc lư người theo giai điệu sôi nổi của bài hát, tâm trạng cực kỳ phấn khích và yêu đời. Hễ nhớ về chuyện hồi sáng, An lại cảm thấy trong lòng đầy ắp nỗi sung sướng và niềm ngưỡng mộ cậu bạn đặc biệt. Phong đứng lên bảo vệ An trước sự đành hanh của người phụ nữ béo ú đó, Phong trấn tĩnh An khi con bé lo sợ bà ta sẽ tìm tới nhà và kể tội con bé trước mặt mẹ. Và dù Phong đã phũ phàng quát xơi xơi vào mặt An rằng “Lèo nhèo ít thôi. Mày bị ngu người à? Bà ấy có biết nhà mày đâu mà đến, sợ vớ sợ vẩn. Mà nếu có thật thì cũng khỏi lo, tao chịu hết cho.” nhưng con bé vẫn cảm nhận được sự quan tâm chân thành trong câu nói đó. Phong thật tuyệt và tình yêu An dành cho Phong từ nay sẽ là bất diệt!

“Á… Chết toi, cắt phải tay rồi.”

Bảo An nắm chặt ngón tay đang chảy máu, vết cắt không quá sâu nhưng đủ để con bé rên lên hư hử vì xót. Định chạy lên nhà tìm băng dán cá nhân, bỗng An đứng thẫn người lại, trong lòng cứ bồn chồn không yên. Bà ngoại vẫn bảo đứt tay chính là điềm báo cho một chuyện không hay đang xảy ra. Bất giác toát mồ hôi lạnh, cả thân người bé nhỏ run lên cầm cập, tay chân múa may loạn xạ, những hình ảnh kinh hoàng liên tiếp nối đuôi nhau “đổ bộ” vào cái đầu vốn đã giàu trí tưởng tượng. An tắt nhạc, bàn tay lẩy bẩy bấm số gọi cho người mẹ thân yêu vẫn đang ở cửa hàng bận rộn với đống việc còn dang dở. Nghe tiếng mẹ bình thản qua điện thoại, An thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cơn nóng ruột vẫn chưa chấm dứt, con bé tiếp tục gọi cho những thành viên khác trong gia đình. Mọi chuyện đều ổn, trừ Bảo Kỳ cả ngày cáu bẳn vì cãi nhau với người yêu ra thì ai cũng bình an và hạnh phúc.

“Ôi, ruột gan cứ cồn cào là thế nào? Nóng mông quá, y như đang ngồi trên đống lửa ấy.”

Bảo An đi đi lại lại trong bếp, cố lục tung cái bộ “não cá vàng” tìm xem còn người thân nào có khả năng gặp hạn không. Đúng rồi, là Hoài Phong. Tuy không phải người nhà nhưng Phong lại được xếp vào hạng cực kỳ quan trọng trong lòng con bé. Khi không thì lúc nào cũng nghĩ tới Phong, chả hiểu sao bây giờ An lại quên béng cậu đi. An sốt ruột cắn móng tay, lặng người chờ cái bắt máy từ đầu dây bên kia. Giờ nghĩ lại, An mới thấy có điều gì đó không đúng lắm. Cái cách mà Phong và người phụ nữ kia nói chuyện giống như là cả hai đã quen nhau từ trước. Điều đó đồng nghĩa với việc bà ta biết địa chỉ nhà Phong và rất có thể sẽ tìm tới tận nơi tố tội trạng của Phong với gia đình cậu. Mối quan hệ giữa Phong với bố và bà nội vốn đã không tốt đẹp, nếu giờ thêm cái chuyện rắc rối này, lại đúng dịp cuối năm nữa, chỉ sợ rằng…

“Nghe đi mà Phong…”

Lại nói chuyện Hoài Phong, sau khi ra khỏi nhà cậu lang thang khắp chốn, thi thoảng bắt gặp cảnh một gia đình hạnh phúc đang cùng nhau đi sắm Tết, Phong lại khẽ cười nhạt chua xót cho chính số phận mình. Rốt cuộc, cậu đã làm gì sai để bị chính những người thân của mình xa lánh và hắt hủi như thế chứ? Hoài An là cháu của bà, là con của bố, cậu cũng vậy nhưng tại sao chỉ mỗi An nhận được tình thương và sự quan tâm từ họ? Vì cậu là một thằng hư hỏng nên bà nội và bố mới ghét bỏ cậu? Nào có phải, họ ghét cậu khi cậu mới sinh ra kìa, từ những ngày mà Phong còn là một đứa trẻ ngoan và biết nghe lời họ vốn đã không ưa cậu rồi. Phong thương em gái mình những cũng nhiều khi cậu chạnh lòng và ghen tị với em vì điều đó.

“Tôi cũng chẳng cần tình thương của mấy người…”

Bất giác Phong hét lên và cứ thế cậu đấm đá vào bờ tường, vào cột đèn, gốc cây dọc con đường mà cậu đang đi. Từ trong cửa tiệm trang sức nhỏ, một ông chú đầu trọc lốc hùng hổ bước ra khi vô cớ có một kẻ điên loạn đạp vào thành tường nhà mình. Cũng may là bà vợ kịp chạy ra và ngăn lại trước khi ông ta chạy lên và tặng cho Phong mấy cái bạt tai vì tội phá hoại.

“Bà buông ra, để tôi cho thằng ấy một trận nên thân.”

“Bỏ đi ông ơi. Cuối năm rồi, chấp làm gì cái thằng nhãi ranh bồng bột.”

Sáu giờ tối, sau liền mấy tiếng vạ vật ngoài đường, đôi chân Phong đã bắt đầu rệu rạo, cậu tìm đến bờ đê và ngồi ở đó, ném ánh mắt vào khoảng không vô định phía trước. Chuông điện thoại lại reo lên inh oi, Phong chẳng thế đếm nổi đây là cuộc gọi thứ bao nhiêu nữa. Không hiểu ai lại có “sức dai” bền bỉ đến thế, Phong đã cố lơ đi rồi mà vẫn kiên trì “gọi, gọi nữa, gọi mãi, gọi đến cháy máy thì thôi”. Nhìn thấy cái tên trên màn hình điện thoại, Phong khẽ mỉm cười, gương mặt căng thẳng suốt cả buổi giờ đây đã giãn ra chút ít. Nhưng ngay sau giây đầu tiên bắt máy, gương mặt ấy liền nhăn nhúm lại tức thì vì bị chất giọng oang oang ở đầu dây bên kia dội thẳng vào màng nhĩ. Thường thì trong tình huống ấy Phong cũng sẽ gào lên to hơn gấp bội lần để có thể lấn áp được đối phương, chẳng hiểu vì sao lúc này cậu chỉ nhẹ nhàng đáp lại rằng:

“Đang ở trên đê. Lên đây.”

Mãi gần ba mươi phút sau, Bảo An chạy hồng hộc đến bên cạnh rồi vừa thở dốc vừa hỏi dồn dập:

“Cậu làm cái gì mà mãi mới nghe máy thế hả? Bị gì à? Bà kia đến nhà cậu không? Lạnh thế này tự dưng lên đây ngồi làm gì? Không về nhà ăn tối đi?… Ôi mệt quá…”

Đầu tóc bù xù, mồ hôi lấm tấm, hơi thở khó nhọc, Bảo An bây giờ nhìn mới đáng thương làm sao. Xem ra con bé đã rất lo lắng cho cậu. Điều ấy vô tình khiến Phong cảm thấy xót xa trong lòng. An là người ngoài nhưng lại hiểu và luôn nghĩ tới cậu, còn những kẻ được gọi là “người thân” lại quá đỗi hờ hững và vô tâm. Nghĩ thế chứ Phong cũng cảm thấy được an ủi và ấm lòng hơn nhiều, ít ra thì hiện tai vẫn có người nhớ tới cậu. Hoài Phong đưa tay ra kéo cô gái trước mặt ngồi xuống bên cạnh, khẽ nói:

“Thở đi đã, nói liền một mạch như thế đứt hơi chết ngay tại đây thì khổ tao lắm.”

Có ai động viên người đã tốn công lo cho mình mà khó nghe như Phong không cơ chứ? Bảo An xì một tiếng rõ dài, đôi môi trề ra ấm ức nhưng rồi cũng ngồi phạch xuống, sát bên cậu. Cả hai im lặng một hồi, đến khi An đã ổn định nhịp thở Phong mới trầm giọng tâm sự:

“An này, mày nói là bố mày mất rồi đúng không? Nhưng theo tao nghĩ thì bác ấy vẫn luôn ở bên mày đấy chứ, luôn dành cho mày những điều tốt nhất. Và cả họ hàng bên nội nữa, tất cả đều cố gắng yêu thương và bù đắp tình cảm cho mày. Mày là may mắn lắm đấy.”

An không hiểu lắm những điều Phong nói. Phong là người sống nội tâm, chẳng khi nào cậu chịu mở lời giãi bày tâm tư, đặc biệt là chuyện gia đình phức tạp của cậu. An biết được phần nào khoảng cách giữa Phong với bà nội và bố là nhờ cô em gái Hoài An tâm sự. Bằng phong cách ngu si quen thuộc, An quay gương mặt đần thối về phía Phong, nghiêng đầu khó hiểu.

“Sao bỗng dưng cậu lại...”

“Tao mới thực sự là không có bố đây này? Cả ngày có khi chẳng nhìn thấy nhau lấy một lần dù cho cái nhà bé tí tẹo tèo teo. Trong mắt ông ấy tao không khác nào cái gai cả. Sáng nay ông ấy vừa đuổi tao đi xong đấy và cũng chẳng thèm gọi lấy một cú điện thoại xem tao đang ở đâu, làm gì, sống chết thế nào. Có khi giờ này ở nhà, ông ấy đang mở tiệc ăn mừng cũng nên. Buồn đời!”

Lần hiếm hoi trong đời An thấy Phong nói nhiều đến vậy. Ngặt nỗi con bé lại chẳng giỏi an ủi, động viên người khác nên cứ ấp úng mãi, miệng mở ra ngập vào mãi không nói thành lời. An là người đơn giản, để hiểu được An đối với Phong không phải việc quá khó khăn huống hồ cả hai đã ở bên nhau từng ấy thời gian, chỉ cần nhìn qua là Phong có thể đọc vanh vách suy nghĩ trong An. Thấy An đang gắng sức vắt não, cố nặn ra được một lời khuyên nhủ mà Phong thấy lòng nhẹ nhõm đi bao nhiêu, dù chưa được nghe cái câu cao siêu mà An sắp nói. Cậu đưa bàn tay lên và đấm nhẹ vào mũi con bé, phì cười:

“Táo bón hay sao mà mặt cứ thộn ra thế?”

An cau mày, xoa xoa mũi, miệng lầu nhầu vài câu lí nhí. Bỗng An hốt hoảng nắm lấy tay Phong, nắn qua nắn lại, vội vàng hỏi han:

“Tay cậu sao lại xước nhiều thế này? Chảy máu nữa chứ. Cậu đánh nhau à?”

An biết Phong dễ bị kích động, khi đang bức xúc điều gì thì chỉ cần ai đó vô tình chắn ngang đường cũng đủ làm cái tính côn đồ trong cậu bung phát mãnh liệt. Phong chắc chắn sẽ nhảy bổ vào và quyết sống chết một phen với cái người xấu số ấy. Trái với vẻ hoang mang của An, Phong lại tỏ ra thản nhiên đến phát ghét. Cậu ngả người ra phía sau và vênh mặt lên đầy tự mãn:

“Định tranh thủ cơ hội cầm tay tao à? Ờm, đánh cả phố đấy.”

Bảo An trợn tròn mắt, miệng nhằng xuống và gương mặt tái mét đi trông thấy. Chết thật, lúc sáng chỉ vì làm “tắc kè mẹ” trọng thương có tí xíu mà đã dẫn đến hậu họa khôn lường, giờ Phong lại cả gan đấm đá cả phố thế này, thật không biết chốc nữa sẽ có bao nhiêu người kéo đến trả thù đây. An quay đầu liên tục, mắt liếc qua liếc lại ngóng trông đầy cảnh giác, tay đã cầm sẵn điện thoại, hễ có nguy xảy tới là bấm số cầu cứu cảnh sát ngay tức khắc.

“Khỏi phải tìm, tao đánh gốc cây, đạp cột điện thì lo gì bị trả thù.”

Nói xong Phong liền nằm vật ra sườn đê phá lên cười sung sướng vì đã lừa được con bé “ngố tàu”. Giận dỗi, Bảo An đứng phắt dậy nói lời tạm biệt:

“Tớ về đây, đói meo rồi đây này. Cậu cũng mau về đi.”

“Không về.”

Hoài Phong bứt một ngọn cỏ gần đó, ném nó đi và nói giọng cương quyết. Không khí lại căng ra như trái bóng tròn, tưởng như chỉ cần An lỡ lời một chút là... “bùm”. An lại ngồi xuống cạnh bên, hết lời khuyên bảo cậu bạn cứng đầu. Nói hết nước hết cái mà cậu ta vẫn lì lợm ngồi ì một chỗ, An bực tức đẩy Phong ngã ngửa ra đằng sau, đầu đập cốp xuống nền đất.

“Cậu cứng đầu vừa thôi chứ. Không nghĩ đến bản thân thì cũng phải nhớ tới mẹ và Hoài An ở nhà chứ, họ chắc chắn rất sốt ruột vì cậu đấy. Còn nữa, cậu bỏ đi thế này bố cậu, bà cậu chẳng thế nào quát mắng cậu được nữa. Thay vào đó họ sẽ đổ dồn hết lên mẹ cậu. Cậu muốn mẹ một mình nghe chửi à? Có biết nghĩ không thế? Hay là trên đường chạy đến đây làm rơi mất não rồi?”

Phong há hốc mồm, căng tai ra nghe từng lời giáo huấn của “An thỏ đế”. Phải chăng trưa nay được ăn “gan trời” nên giờ An mới dám to tiếng dạy bảo cậu như thế? Phong chống tay đứng dậy, vỗ vỗ vai An khen ngợi.

“Giỏi. Rất có khí phách. Nếu ban sáng cũng tự mình hùng dũng như thế với bà béo ú kia thì giờ tao cũng không khốn khổ thế này đâu An ạ.”

Bị Phong nói móc chuyện hồi sáng, An chỉ biết lặng lẽ cúi đầu ái ngại nhưng trong bụng lại đang vỗ tay đôm đốm tán dương bản thân khi nãy thật quá xuất sắc. Thấy An cúi đầu hối lỗi mà miệng cứ khúc khích cười, Phong cốc một phát rõ kêu vào đầu con bé rồi thản nhiên bỏ đi, vừa bước vừa ngoái lại nói:

“Hâm à? Đi nhanh lên chân ngắn, chân dài sẽ không đợi đâu đấy. Vì bụng chân dài cũng đang biểu tình ầm ĩ đây.”

Trong phòng thờ, người đàn bà lớn tuổi ngồi gục bên ban thờ, nước mắt chảy ướt đẫm gương mặt già nua.

“Ông nó ơi, tôi phải làm sao mới đúng đây ông? Tôi thương thằng Phong nhưng tôi sợ nó sẽ giống như bố nó. Tôi không dám nuông chiều thằng Phong như cách mà tôi đã nuông chiều bố nó rồi nó lại lăng nhăng, đổ đốn giống bố nó. Nhưng tôi sai rồi ông ạ. Tôi đã gây ra cho thằng bé vết thương lòng quá lớn. Để thằng bé phải thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm suốt ngần ấy năm qua đều là do cái cách dạy dỗ đáng trách này của tôi. Ông sống khôn thác thiêng, ông bảo tôi phải làm gì bây giờ?”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio