Tố Hoa Ánh Nguyệt

chương 121: phiên ngoại

Truyện Chữ
Trước
Sau
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Ba năm sau, Ngụy quốc công phủ.

Bầu trời mùa thu ở kinh đô trong vắt xa xăm. Dưới bầu trời quang đãng là một hành lang thật dài, nền lót gạch xanh, lan can sơn đỏ, thanh nhã mà u tĩnh. Một tiểu nữ hài khoảng hơn hai tuổi, nhàn rỗi ngồi trên băng ghế hoa lê, đôi chân nhỏ đưa tới đưa lui, vô cùng tự tại.

Trước mặt cô bé là hai hàng cây phong, một hàng màu đỏ, một hàng màu vàng. Hàng màu đỏ cứ như từng đốm lửa thiêu đốt, sắc đỏ lan tràn. Hàng màu vàng cứ như từng mảnh vàng lấp lánh, ánh sáng rực rỡ, xinh đẹp chói lóa.

Cạnh tiểu nữ hài là một chiếc bàn tinh xảo, trên bàn đặt bình trà nhỏ, chén trà nhỏ, đĩa nhỏ và khay nhỏ. Tất cả điểm tâm, trái cây đựng trong đĩa, trong khay đều nhỏ nhắn xinh xắn, rất đáng yêu.

Tiểu nữ hài vươn bàn tay trắng nõn nâng chén trà nhỏ chuyên dụng của cô bé lên, thích ý uống một ngụm. Tay cô bé rất trắng và chén trà nhỏ cũng rất trắng tôn lên lẫn nhau. Rất rõ ràng, chén trà nhỏ, bình trà nhỏ, còn có đĩa nhỏ, khay nhỏ được làm từ sứ Điềm Bạch trơn bóng óng ánh này chỉ dùng cho tiểu hài tử, người lớn không dùng được.

Ngắm cảnh, uống trà, đừng nhìn cô bé còn nhỏ nhưng rất biết tự mình hưởng lạc.

Một nam tử tuấn mỹ dáng người cao lớn từ phía sau cô bé đi tới, thấy tình cảnh nhàn vân dã hạc của cô bé thì cười toét miệng. Tiểu Đề Đề, một mình con rất biết chơi đấy.

Nam tử tuấn mỹ nổi tính tinh nghịch, rón ra rón rén bước đến phía sau tiểu nữ hài, vươn hai tay che mắt cô bé, dùng giọng the thé hỏi:

- Đoán xem ta là ai?

Tiểu nữ hài cười khanh khách:

- Phụ thân!

Bàn tay nhỏ đẩy bàn tay to đang che mắt cô bé ra, hoan hô giang rộng cánh tay nhào vào trong ngực nam tử tuấn mỹ.

Phụ thân nâng cô bé lên thật cao, tiểu nữ hài phấn khích cười to:

- Cao thêm chút nữa, cao thêm chút nữa!

Phụ thân dứt khoát ném cô bé lên không trung, bắt lấy, lại ném lên không trung, lại bắt lấy, tiểu nữ hài lớn tiếng thét chói tai, vẻ mặt hưng phấn.

Một thiếu phụ xinh đẹp dẫn theo thị nữ từ xa đi tới, thấy tình hình bên này thì tăng nhanh bước chân, nhẹ nhàng tiến đến. Trọng Khải, đã nói với chàng bao nhiêu lần rồi, như vậy rất nguy hiểm!

Khi thiếu phụ đến gần, phụ tử hai người rất biết điều thu tay, yên tĩnh lại, không chơi nữa. Nam tử tuấn mỹ thần sắc nhàn nhã đứng chắp tay, mỉm cười, vẻ mặt như thường, tiểu nữ hài hi hi cười:

- Mẹ, phụ thân và con không có nghịch.

Khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng, thời tiết mùa thu mà mồ hôi nhễ nhại, còn nói không có nghịch! Thiếu phụ trách móc nhìn cô bé, lấy ra chiếc khăn tay, giúp cô bé tỉ mỉ lau mồ hôi trên trán.

Mẫu tử hai người ghé sát vào nhau, hai gương mặt một lớn một nhỏ đều trắng trẻo mịn màng, đều ngũ quan mỹ lệ, đều kinh động lòng người.

Nam tử tuấn mỹ nhìn kiều thê và ái nữ, trong đôi mắt sâu thẳm tràn đầy tình cảm dịu dàng. A Trì, tiểu A Trì, hai người đều là bảo bối ngoan.

Nam tử tuấn mỹ này chính là Ngụy quốc công Trương Mại, thiếu phụ là thê tử của hắn Từ Tố Hoa, nhũ danh A Trì. Tiểu nữ hài là trưởng nữ của hắn, năm nay mới hai tuổi lẻ năm tháng, là tâm can bảo bối của cả nhà.

Trên tiểu nữ hài có một ca ca ruột, hai đường ca và một biểu ca. Có thể thấy tiểu nữ hài này có bao nhiêu quý giá, bao nhiêu hiếm lạ.

Đại đường ca của tiểu nữ hài tên Trương Độ, ca ca ruột đứng thứ hai, tên Trương Tự, tam đường ca tên Trương Khoách, đến khi cô bé ra đời, tổ phụ tổ mẫu vui không kềm được, thương lượng tới lui, đặt tên là Trương Canh.

Canh, có nghĩa là bồi thường, đền bù.

- Sau ba tiểu tử mới có một tiểu khuê nữ, đây là ông trời đền bù cho chúng ta.

Cha hài nhi cảm thấy tên này tuy không tệ nhưng không đủ thanh tú, sau khi cùng mẹ hài nhi thương lượng, liền lấy nhũ danh là “A Đề”. Đề đồng âm với Thích, nghe rất nhẹ nhàng, ý nghĩa là mầm non của cỏ cây mới nhú.

Hàng vạn hàng nghìn sủng ái tập trung trên mỗi mình A Đề, bất kể ở Ngụy quốc công phủ của cha cô bé hay ở Bình Bắc hầu phủ của tổ phụ cô bé, cô bé đều được các trưởng bối và các ca ca yêu thương.

Người thích A Đề nhất đương nhiên là phụ thân cô bé, Ngụy quốc công Trương Mại. Mẫu thân A Đề tuy cũng thích nữ nhi nhưng thời điểm nên quản thì sẽ quản, không hề có chút dung túng nào. Phụ thân A Đề vô cùng cưng chiều cô bé, phàm là chuyện A Đề yêu cầu đều luôn tươi cười đáp ứng.

A Trì rất nghiêm túc nói với Trương Mại về giáo dục trẻ em:

- Trọng Khải, yêu cầu của tiểu hài tử có cái hợp lý, có cái không hợp lý, chàng phải phân biệt. Yêu cầu hợp lý hiển nhiên phải thỏa mãn nó, không hợp lý thì phải kiên quyết ngăn lại.

- Ta phân biệt rồi, ta cảm thấy tất cả đều rất hợp lý.

Trương Mại vẻ mặt vô tội.

Khuê nữ của ta làm gì có yêu cầu quá đáng, không hợp lý? Tiểu Đề Đề rất hiểu chuyện, yêu cầu không hợp lý căn bản không hề nhắc tới.

A Trì đỡ trán.

Tiếng hét hò của trẻ con từ phía trước truyền đến. Không lâu sau, bốn nam hài trong tay giơ cao kiếm gỗ, hướng về phía bên này lao tới. Đằng sau bọn họ là một ông lão râu tóc bạc trắng, vẻ mặt hồng hào không nhanh không chậm đi theo.

Thấy Tiểu Đề Đề, ông lão tươi cười rạng rỡ:

- Đề Đề ơi, có nhớ thái sư công không?

Ông cũng như các trưởng bối của Bình Bắc hầu phủ và Ngụy quốc công phủ, hiếm nữ tử nên thương A Đề nhất.

- Dạ nhớ.

Tiểu Đề Đề ngoan ngoãn cười, lộ ra hàng răng nhỏ đáng yêu. Thái sư công nhìn mà tâm ngứa ngáy, đứng ở trước người Tiểu Đề Đề mỉm cười hỏi:

- Chỗ nào của Đề Đề nhớ thái sư công nè?

Tiểu Đề Đề nghiêng đầu suy nghĩ, chỉ chỉ bàn tay, rồi chỉ chỉ cánh tay, cuối cùng do dự một chút lại chỉ chỉ chân. Trương Mại và A Trì đều bật cười, thái sư công cười lăn lộn:

- Đề Đề à, con dùng chân nhớ thái sư công hả?

Bốn nam hài đồng tâm hiệp lực, hét to một tiếng, bốn thanh kiếm gỗ nhất tề chỉ hướng Tiểu Đề Đề:

- Bình Sơn tứ hiệp đặc biệt tới bái phỏng!

Tiểu Đề Đề bĩu môi:

- Kính Hồ nữ hiệp chẳng thèm ngó tới!

Bốn nam hài là Trương Độ, Trương Tự, Trương Khoách, Chung Tinh, bởi vì bốn người họ thường ở hậu sơn Bình Bắc hầu phủ chơi đùa, luyện võ nên tổ mẫu Du Nhiên đặt cho bọn họ biệt danh “Bình Sơn tứ hiệp”.

Bình Sơn tứ hiệp luôn thích trêu đùa muội muội, Tiểu Đề Đề tức giận cầu mẫu thân viện trợ. Đúng lúc A Trì nhàn nhã ngồi trước hồ nước như gương, mỉm cười kéo nữ nhi qua, phí một phen miệng lưỡi mới dạy cô bé được câu “Kính Hồ nữ hiệp chẳng thèm ngó tới!” này.

“Bình Sơn tứ hiệp” ngẩn người, Tiểu Đề Đề có tiến bộ, giỏi công phu miệng lưỡi! Đang lúc chúng sững sờ, Trương Mại thuận tay bẻ một nhánh cây đặt vào trong tay nữ nhi, nắm tay nhỏ bé lại, đánh rớt kiếm gỗ trong tay Trương Tự, miệng quát:

- Lấy một địch bốn, gió quét lá rơi!

Tiểu Đề Đề cười sung sướng, có phụ thân theo, một mình ta đánh bốn người các ngươi!

Bốn tiểu nam hài bị Trương Mại đánh, rối rít bại trận. Ba đứa lớn thì thôi, Chung Tinh nhỏ nhất, chỉ hơn Tiểu Đề Đề ba bốn tháng, còn chưa qua sinh nhật ba tuổi, tính tình rất nhõng nhẽo. Nó giận dỗi ném kiếm gỗ lên mặt đất, âm thanh non nớt kháng nghị:

- Nhị cữu cữu ức hiếp người ta!

Tiểu Đề Đề thoát khỏi vòng ôm của Trương Mại, chạy đến trước mặt Chung Tinh, kiễng mũi chân, ôm mặt nó hung hăng hôn vài cái. Chung Tinh cũng không tức giận, hôn nhẹ mặt Tiểu Đề Đề, hai người tay nắm tay, vui vẻ đi đào giun.

Tiểu Đề Đề là một mỹ nhân bại hoại, còn Chung Tinh ấy à, đẹp hơn cả Đề Đề nữa. Làn da cậu mịn màng trắng trẻo hơn sứ trắng Định Dao, đôi mắt cậu trong vắt thăm thẳm hơn hắc bảo thạch, khi chơi đùa mặt cậu đỏ bừng vô cùng mê người.

- Tiểu hài tử đúng là tiểu hài tử, thật ấu trĩ!

Trương Độ và Trương Tự ra vẻ người lớn phê bình, ngẩng đầu, đi luyện võ. Trương Khoách do dự tới do dự lui giữa hai bên, đấu tranh hồi lâu, cuối cùng vẫn theo đuổi sự tiến bộ, cùng hai ca ca đi múa thương vung gậy.

Tiểu Đề Đề và Chung Tinh vểnh mông nhỏ tìm giun, hái hoa dại, vô cùng vui vẻ.

Trương Mại và A Trì theo sư công ngồi ở hành lang uống trà, mắt không rời mấy đứa trẻ, miệng tán gẫu việc nhà.

Trương Mại có chút kỳ quái:

- Sao bốn đứa đều do ngài quản thế?

Sư công cười hì hì:

- Phụ thân con hôm nay phải luyện binh. Còn ông ngoại con đi nghỉ ngơi rồi.

Bởi vậy, bé Đại, bé Khoách vốn do phụ thân con quản, bé Tinh vốn do ông ngoại con quản toàn bộ đều thuộc về ta!

Trương Mại chắp chắp tay về phía ông:

- Người giỏi làm nhiều, người giỏi làm nhiều. Sư công càng già càng dẻo dai, một mình có thể trông coi bốn đứa.

A Trì mỉm cười phản đối:

- Sư công già chỗ nào? Theo ta thấy, sư công còn trẻ lắm.

Sư công mừng rỡ phụ họa:

- Nhỏ lắm, mới tám mươi bốn hà!

Một cơn gió thu thổi qua, ba người vui vẻ cười.

✿✿

Từ Bảo xuất giá năm mười tám tuổi.

Sau khi cùng Cát Hữu Lâm vô tình gặp gỡ ở Hương Sơn, hai nhà mời mai mối nói vun vào, bàn định hôn sự. Cát Hữu Lâm tuy phụ mẫu đều mất nhưng bá phụ bá mẫu phúc hậu, đối đãi với hắn không khác gì nhi tử ruột thịt, hôn sự này không hề qua loa chút nào. Từ khi trao đổi canh thiếp, hợp bát tự, mỗi một lễ đều rất chính thức, rất long trọng, thời điểm thành thân lại càng tổ chức lớn, khách khứa đông đảo.

Từ Bảo ngồi trong kiệu lớn tám người khiêng với lụa đỏ vòng quanh, vừa mừng rỡ vừa có chút lo sợ bất an. Mình đời này còn có thể đường đường chính chính gả cho người ta làm vợ, an an ổn ổn mà sống sao, thật có chút không dám tin.

Từ khi được cứu đến bên cạnh Từ Sâm và Lục Vân, Từ Bảo như rơi vào trong ổ phúc, có cha, có mẹ, có ca ca tỷ tỷ, có đệ đệ đáng yêu, nàng sống những ngày thật tốt mà trước đây nằm mơ cũng không nghĩ đến.

Trước kia, Từ Bảo ở đường Chính Dương Môn khổ cực, đến Nghiêm gia cũng là cẩn thận nhát gan, không dám vượt qua giới hạn. Cũng bởi vì nàng dịu ngoan, phục tùng, không hề gây họa nên Nghiêm gia mới đối với nàng đặc biệt khoan dung.

Làm nữ nhi của Từ Sâm, mọi thứ đều khác hẳn. Từ Bảo có phụ thân, mẫu thân thương yêu nàng, phụ thân sẽ tự mình dạy nàng luyện chữ, đọc sách, mẫu thân sẽ tự mình dạy nàng nữ công, quản gia, khi nàng sợ còn ngủ cùng nàng. Từ Bảo ngủ trong lòng Lục Vân rất yên ổn, vừa nhắm mắt liền ngủ thẳng đến bình minh.

Đại ca không giỏi nói chuyện nhưng sẽ bảo thị nữ đem món nàng thích ăn cố ý để trước mặt nàng, khiến nàng trong lòng ấm áp. Đại ca nhẹ nhàng căn dặn:

- A Bảo ăn nhiều chút. Nữ tử quá gầy không tốt, không có phúc. A Bảo phải ăn cho mập lên tí, có biết không?

Đại tỷ từ lần đầu tiên gặp lại nàng đã mỉm cười gọi nàng là “A Bảo”, giống như nàng vẫn luôn tên là A Bảo vậy. Đối với chuyện cũ trước kia, đại tỷ không hề nhắc tới.

Đại tỷ cười rất hòa nhã:

- A Bảo, muội ở trong nhà nhiều thêm mấy năm, phụng bồi cha mẹ. Cha mẹ thích nhất là tiểu khuê nữ, có A Bảo phụng bồi bọn họ, tỷ tỷ yên tâm.

Từ Bảo biết, đại tỷ là muốn nàng ở nhà nghỉ ngơi điều dưỡng, quên đi những khó chịu và thương tâm trước kia, để sau này sống những ngày thật tốt.

Hai đệ đệ đã trưởng thành thành thiếu niên tuấn tú, nhưng thỉnh thoảng cũng chạy tới làm nũng, chơi đùa với tiểu tỷ tỷ này. Buổi tối họ kéo nàng ra ngoài ngắm sao, mùa hè nóng bức họ sẽ dẫn nàng đi chèo thuyền, hóng mát.

Khi đại tẩu gả đến, trong lòng Từ Bảo một trận bất an. Đại tẩu và đại ca đính hôn ở Nam Kinh, dĩ nhiên biết đại ca vốn không có người muội muội là mình, đại tẩu sẽ nhìn mình thế nào?

Đến khi đại tẩu qua cửa, thời điểm nhận thân thích, tẩu ấy cười dịu dàng, tặng nàng một cây trâm tinh xảo khảm hồng ngọc làm quà gặp mặt, thân thiết gọi nàng là “A Bảo muội muội”. Nụ cười kia hiền hòa đến thế, Từ Bảo mơ màng, sung sướng muốn ngất đi. Đại tẩu cũng không ghét bỏ mình! Mọi người trong nhà đều không ghét bỏ mình!

Thời gian trôi nhanh, nháy mắt đã ba năm, phụ mẫu vì mình tìm được lang quân như ý, mình sẽ xuất giá thành thân, lập gia đình. Từ Bảo rơi nước mắt vui mừng: “Mình cũng có ngày này. Mình cũng có ngày được ngồi kiệu hoa, kèn trống huyên náo mà xuất giá.”

Kiệu hoa đến Cát gia, Từ Bảo được đỡ xuống kiệu, giẫm lên thảm đỏ, đi vào trong sảnh. Giọng nói của người xướng lễ rất hùng hậu, dễ nghe, đôi tân lang tân nương theo chỉ thị của ông ấy lạy một lạy, hai lạy, ba lạy theo nghi thức.

Thời điểm đưa vào động phòng, uống rượu hợp cẩn, Từ Bảo len lén nhìn tân lang. Đúng lúc tân lang cũng len lén nhìn nàng, ánh mắt hai người chạm nhau, trong lòng như nai con chạy loạn, tim đập thình thịch.

Khi đêm khuya yên tĩnh, chỉ còn lại hai người Từ Bảo và Cát Hữu Lâm, Từ Bảo bỗng dưng trái tính trái nết, khăng khăng ngồi ở trên kháng, chết sống cũng không chịu lên giường nghỉ ngơi. Nàng chưa từng cùng nam tử ngủ chung một giường, thật sự rất sợ.

Cát Hữu Lâm trắng trẻo tuấn tú hết cách với nàng, đành phải ra hạ sách:

- Nương tử, chúng ta đang ở là phòng chính. Ra khỏi cửa phòng, băng qua phòng nhỏ, phòng ngoài, đi về bên trái có một cái viện.

“Nói những thứ này là có ý gì?” Từ Bảo nghe hắn nói chuyện phiếm, bất giác không còn sợ nữa, đang suy nghĩ xem những lời hắn nói có dụng ý gì.

Cát Hữu Lâm nhìn nàng mỉm cười:

- Nương tử, bên trong viện kia có một tảng đá lớn màu xanh hình dạng như núi nhỏ, rất xinh đẹp.

“Một tảng đá thì có ích lợi gì?” Trong lòng Từ Bảo nói thầm.

Cát Hữu Lâm khóe miệng hơi nhếch:

- Nương tử, ta sai người đem tảng đá lớn màu xanh kia đặt trong phòng chúng ta, thế nào? Đợi đến buổi tối, chúng ta dùng tảng đá chắn cửa, tên trộm chắc chắn sẽ không vào được, nương tử cũng có thể an tâm mà ngủ.

Từ Bảo phì cười thành tiếng.

Từ Bảo vốn là mỹ nữ, nụ cười này càng lộ ra gương mặt sinh động, sóng mắt yêu kiều của nàng. Cát Hữu Lâm làm tân lang sao còn kiên nhẫn, tiến lên ôm lấy nàng, bế vào trong màn trướng đỏ thẫm.

Đôi tân lang tân nương hoàn thành chuyện tốt kia.

Hồi lâu sau, hai người đã rất ân ái, rất quen thuộc, Từ Bảo oán trách nói:

- Chàng thật giảo hoạt! Trước tiên kể chuyện cười cho ta nghe, sau đó đợi ta cười đến không còn sức lực thì thừa cơ hành hung.

Cát Hữu Lâm cười đem ngón tay duỗi vào trong miệng a a, Từ Bảo thấy tình hình không ổn, vội trở mình bò dậy, định chạy trốn. Cát Hữu Lâm sớm đã a tới đây, Từ Bảo cười khúc khích, luôn miệng xin tha:

- Hảo ca ca, ta không dám nữa.

Đợi nàng cười mềm nhũn, Cát Hữu Lâm dịu dàng hôn lên môi nàng, bàn tay không thành thật tiến vào vạt áo.

- Lại đợi người ta cười đến không còn sức lực thì thừa cơ hành hung!

Từ Bảo oán hận muốn đánh hắn nhưng tay đã mềm nhũn, không nhấc lên được.

Cát Hữu Lâm và Từ Bảo sống đơn môn độc hộ, Từ Bảo quản gia, Cát Hữu Lâm đọc sách, cuộc sống vợ chồng son trôi qua rất thanh tĩnh. Cát bá phụ Cát bá mẫu thỉnh thoảng sẽ qua xem, thấy Từ Bảo quản gia có nề nếp, gia đình nhỏ mọi việc đều gọn gàng ngay ngắn thì rất vui mừng.

- Nhạc phụ con học vấn rất tốt, Hữu Lâm nên thường xuyên thỉnh giáo ông ấy việc học.

Cát bá phụ dặn dò như vậy, Cát Hữu Lâm tươi cười đáp ứng.

Từ Sâm từ quan ở nhà, thanh nhàn tự tại. Bình thường trừ du sơn ngoạn thủy, gặp gỡ bạn bè thân thích, ông ở trong nhà mở lớp dạy học. Dĩ nhiên, trừ dạy nhi tử, ông còn dạy cho con rể.

Từ Bảo biết phụ thân sức khỏe không tốt, lo lắng hỏi:

- Cha, không khiến cha mệt chứ?

Từ Sâm mỉm cười:

- Không mệt. A Bảo, con rể lớn của cha là Thường Thắng tướng quân, không cần cha dạy cái gì. Còn con rể nhỏ, cha phải dốc lòng dạy dỗ.

A Trì sau khi biết thì ngã ở trên người Lục Vân cười thật lâu. Phụ thân đáng thương, con rể lớn là võ tướng, ông ấy anh hùng không đất dụng võ, muốn dạy cũng không dạy được.

Năm A Bảo thành thân, Cát Hữu Lâm thi đậu tú tài. Năm thứ hai thành thân, A Bảo thuận lợi sinh hạ một nữ nhi, đặt tên là Cát Tân. Từ Bảo hôn hít tiểu nữ nhi mềm mại, lẩm bẩm nói:

- A Tân, mẹ và con giống nhau, cái gì cũng mới mẻ.

Cát Hữu Lâm thường đang ở thư phòng đọc sách, sẽ đến ngắm thê tử, ngắm tiểu nữ nhi mới ra đời không lâu, chăm chú nhìn họ rất lâu mới vẻ mặt dịu dàng quay về đọc sách. Từ Sâm biết thì rất đỗi cảm khái:

- Thằng bé Hữu Lâm này, rất trọng tình.

Từ Bảo vừa có nhà mẹ đẻ chiếu cố, vừa có trưởng bối nhà chồng yêu thương, cuộc sống ấm áp ngọt ngào. Khi cùng trượng phu ôm nhau gắn bó, nhìn tiểu nữ nhi từng ngày lớn lên, càng lúc càng xinh đẹp, nội tâm Từ Bảo vô cùng thỏa mãn.

Bởi vì Từ Bảo là nữ nhi tộc xa nhận làm con thừa tự, cho nên thân thích Từ gia nàng đều không qua lại. Ngay cả Từ Tố Lan, Từ Tố Phương gả ở kinh thành cũng vì bát tự tương khắc nên Từ Sâm không để các nàng gặp nhau. Cuộc sống của Từ Bảo yên ổn đầm ấm, không người nào quấy rầy.

Khi Cát Tân hai tuổi, Cát Hữu Lâm đậu cử nhân. Cát bá phụ Cát bá mẫu vui mừng rơi lệ:

- Hữu Lâm đã cưới vợ sinh con, trẻ tuổi thi đậu, phụ thân và mẫu thân con dưới suối vàng nếu biết, không biết sẽ cao hứng đến chừng nào!

Cát Hữu Lâm khẽ mỉm cười, trong mắt cũng có hơi nước.

Tiễn bá phụ bá mẫu đi rồi, Cát Hữu Lâm và Từ Bảo nhìn nhau cười ngây ngô. Phụ mẫu Cát Hữu Lâm để lại không ít gia sản, Cát Hữu Lâm có của cải nhưng không có công danh thì của cải cuối cùng cũng sẽ tiêu hết. Thi đậu, chính là có tư cách làm quan, có thể chống đỡ môn hộ.

Người lớn cao hứng, A Tân cũng toét miệng nhỏ ra cười. Cát Hữu Lâm ôm lấy ái nữ, nhẹ nhàng nói với cô bé:

- Khuê nữ, cha sẽ để con làm thiên kim tiểu thư nhà quan, vừa tôn nghiêm vừa cao quý.

Từ Bảo ở bên cạnh nghe mà nước mắt như mưa. A Tân, con không giống với mẹ, con có một người cha tốt, một người cha tốt toàn tâm toàn ý suy nghĩ cho con. A Tân, con sẽ là tiểu thư được cưng chiều của Cát gia, là tâm can bảo bối của cha và mẹ, cả đời bình an suôn sẻ.

A Tân rất biết quan sát, tuy ngồi trong ngực phụ thân hi ha làm nũng nhưng động tĩnh của Từ Bảo lại không giấu được cô bé.

- Mẹ, mẹ!

A Tân ân cần gọi, giang rộng cánh tay về phía Từ Bảo, Từ Bảo vội đón lấy, cô bé vừa vươn ngón tay nhỏ tỉ mỉ giúp Từ Bảo lau nước mắt vừa giơ bàn tay nhỏ kia vỗ Từ Bảo, trong miệng “a, a” giống như người lớn đang dỗ tiểu hài tử.

- A Bảo ngốc, khóc gì chứ.

Cát Hữu Lâm đón lấy nữ nhi, cầm khăn giúp thê tử lau nước mắt:

- Nhìn đi, khuê nữ còn tốt hơn nàng.

Từ Bảo xấu hổ cười:

- Ta là đang cao hứng, A Tân sắp làm thiên kim nhà quan rồi, ta cao hứng, cao hứng ấy mà.

A Tân chọc nàng:

- Vừa khóc, vừa cười!

Từ Bảo đưa tay che mặt, ra vẻ không còn mặt mũi gặp người. A Tân vội vươn tay vỗ nàng, Cát Hữu Lâm cũng theo tham gia náo nhiệt, một tay ôm nữ nhi, một tay vỗ vai thê tử:

- Ngoan, không sao đâu, người nhà Cát gia phúc hậu, sẽ không chê cười nàng.

A Tân ở trong ngực phụ thân học nói theo:

- Phúc hậu, không chê cười!

Từ Bảo bỏ tay xuống, làm mặt quỷ với A Tân, A Tân cười khanh khách, cũng học theo mẫu thân làm ngáo ộp. Hai mẹ con chơi đùa, cười cợt vô cùng thích chí. Cát Hữu Lâm ngực ôm ái nữ, tay nắm kiều thê, tình cảm dịu dàng tràn ngập.

✿✿✿

Lời tác giả: Trước khi kết hôn, dùng thời gian ba năm để chữa thương nhưng vẫn không đủ. Có những thương tổn sẽ ảnh hưởng đến người ta cả đời.

Người thiện lương nên được hạnh phúc, ít nhất ở trong tiểu thuyết, hãy để Tố Tâm thiện lương mà bất hạnh biến thành Từ Bảo, bình an hạnh phúc sống hết một đời.

✿✿✿

Mùa xuân tháng ba, Ngụy quốc công phủ.

Hôm nay là ngày hưu mộc, cả nhà đoàn tụ ở Ngụy quốc công phủ. Trương Tịnh và Du Nhiên sáng sớm đã dẫn theo ông ngoại, bà ngoại, nhi tử, con dâu và hai tôn tử cùng nhau tới, Trương Đồng và Chung Hoành dĩ nhiên cũng đến tham gia náo nhiệt, người một nhà vui vẻ tụ họp với nhau. Người lớn nhàn rỗi ngồi trong đình, hoặc uống rượu, hoặc phẩm trà, hoặc tán gẫu, mấy đứa trẻ ở dưới cây liễu chạy nhảy vui đùa, tiếng cười như chuông bạc xa xa truyền tới.

Trương Kình ngồi đối diện Trương Mại, biểu đạt bất mãn của hắn:

- Các ngươi về nhà không được sao, để ông ngoại bà ngoại, phụ thân mẫu thân đều phải chạy một chuyến thế này.

Trương Mại rất tủi thân:

- Không ngờ ta làm đệ đệ nên xui xẻo, bị vứt lẻ loi trơ trọi ở Ngụy quốc công phủ.

Hắn lôi kéo Trương Kình không buông:

- Ca, chúng ta đổi lại! Huynh tới ở Ngụy quốc công phủ vắng vẻ này, đệ về nhà theo cha mẹ.

Trương Kình mỉm cười:

- A Mại không được chơi xấu, năm đó chúng ta bắt thăm công bằng, cha mẹ không có thiên vị.

Ngươi vận khí không tốt, không thể trách ca ca được, ai bảo ngươi bắt chữ “Ngụy” kia.

Trương Mại liếc hắn:

- Ca, huynh đệ yêu thương nhau, huynh có hiểu không? Chuyện tốt phải nhường đệ đệ, chuyện xấu thì huynh xông lên phía trước, thế mới là đại ca.

Trương Đồng đang cùng A Trì và Phó Vanh vây quanh Du Nhiên trò chuyện về món cá ngon, nghe vậy thì quay đầu lại nói với bọn họ:

- Dừng, hai huynh dầu gì cũng được bắt thăm, muội ngay cả thăm cũng không có để bắt còn không oán trách đây này.

Trương Kình, Trương Mại đồng thời mời mọc:

- Đồng Đồng, bên huynh có một nửa của muội đấy, về ở đi, ca ca thu dọn phòng ốc cho muội.

Trương Mại càng nhiệt tình hơn:

- Nhị ca thích bé Tinh nhất, các muội về ở, ngày nào nhị ca cũng dẫn bé Tinh đi chơi.

Phó Vanh và A Trì đều cười. Chung Tinh tướng mạo quá xuất chúng, so với cha cậu còn xinh đẹp hơn, đừng nói hai huynh đệ Trương Kình Trương Mại, ngay cả Tiểu Đề Đề cũng thích Chung Tinh ca nhiều hơn một chút.

Trương Đồng tiếc nuối lắc đầu:

- Muội thì bằng lòng rồi, nhưng mà cha Chung Tinh…………bỏ đi, đừng nhắc nữa.

Bất kể là đến ở Bình Bắc hầu phủ hay Ngụy quốc công phủ, Chung Hoành đều không đáp ứng.

Chung Hoành tựa tiếu phi tiếu nhìn sang, chậm rãi nói:

- Đồng Đồng, ta vì nàng lên núi đao xuống chảo dầu đều được, tuyệt đối mày cũng không nhíu lấy một cái. Nhưng đến ở trong nhà cữu huynh, giống như đi ở rể vậy, đánh chết ta cũng không đáp ứng, không bàn nữa.

“Ta vì nàng lên núi đao xuống chảo dầu đều được, tuyệt đối mày cũng không nhíu lấy một cái”, mọi người nghe câu này đều thầm vui mừng. Đồng Đồng à, tiểu tử A Hoành này đối với con không tệ đâu.

Rặng mây đỏ bay lên trên gương mặt xinh đẹp của Trương Đồng, nàng vùi đầu uống trà, lòng lâng lâng.

Chung Hoành ngồi cạnh ông ngoại, chu đáo rót trà mới, hai tay dâng lên cho ông. Ông ngoại ban đầu nhìn hắn không vừa mắt, thứ nhất vì hắn họ Chung, thứ hai vì hắn đoạt đi ngoại tôn nữ bảo bối của ông. Nhưng thời tiết hôm nay rất tươi đẹp, ông ngoại tâm tình tốt, vui vẻ hòa nhã với Chung Hoành, khiến Chung Hoành có cảm giác thụ sủng nhược kinh.

Du Nhiên và Trương Tịnh đưa mắt nhìn nhau, hiểu ý cười. Nhạc phụ nhìn con rể không vừa mắt, có lẽ phần lớn là vì nhìn thế nào cũng thấy con rể không xứng với khuê nữ bảo bối nhà mình. Nhưng qua thời gian lâu, nữ nhi và con rể vẫn luôn ân ái thì ánh mắt nhạc phụ tự nhiên sẽ thay đổi.

Mấy đứa trẻ chơi đủ, reo hò chạy về hướng bên này. Trương Tịnh làm tổ phụ dẫn đầu đứng lên, ôm thân mật từng đứa. Trương Tịnh ở trước mặt nhi tử rất trang nghiêm, trước mặt nữ nhi rất dịu dàng, còn trước mặt tôn tử, ha ha, ông ấy không còn là Chinh Lỗ đại nguyên soái uy phong lẫm liệt nữa, mà chỉ là một tổ phụ bình thường không biết nên thương yêu tôn tử thế nào mới tốt, một tổ phụ cưng chiều tôn tử đến vô pháp vô thiên.

Mấy đứa trẻ lớn lần lượt được thân mật, cuối cùng ông đem Chung Tinh và Tiểu Đề Đề mỗi tay một đứa ôm vào trong lòng. Chung Tinh và Tiểu Đề Đề nhỏ tuổi, thích nhõng nhẽo, giọng nói non nớt, Trương Tịnh kiên nhẫn lắng nghe, vô cùng chuyên chú.

Gió xuân hây hẩy, mang theo chút mê say, Trương Mại bất chợt cảm khái một câu:

- Vẫn là làm tôn tử tốt.

Nhìn xem, phụ thân gặp tôn tử hòa nhã biết bao, nửa phần cáu kỉnh cũng không có.

Trương Tịnh nhàn nhạt nhìn hắn:

- Muốn làm tôn tử, được, phụ thân bất cứ lúc nào cũng có thể tiễn ngươi đi Viên Dung Tự, hầu hạ tổ phụ ngươi.

Phụ thân của Trương Tịnh là Trương Minh từ lâu đã xuất gia làm hòa thượng, hiện đang ở Viên Dung Tự nơi Sơn Dương xa xôi. Mẫu thân của Trương Tịnh không phục, cũng đến phụ cận làm ni cô, xuống tóc thề nguyền “muốn cùng Phong Tăng luận bàn đúng sai”, cả đời cùng Trương Minh dây dưa không ngớt.

Trương Mại bị dọa xua tay liên tục:

- Không cần, không cần đâu.

Hắn căn bản không có ấn tượng gì với tổ phụ ruột của mình, từ nhỏ chưa từng thân cận. Nhắc tới tổ phụ, trước mắt hắn luôn hiện lên một lão tăng thiền định, không có tình cảm, không có nhiệt độ, không có từ ái.

Sư công vội kéo Trương Mại qua:

- Ai dám đoạt tôn tử ngoan của ta? Hòa thượng nào cũng đừng hòng đoạt!

Trương Mại xem như gặp được người thân, dựa vào bên cạnh sư công, dáng vẻ uất ức.

Chung Tinh và Tiểu Đề Đề rất tinh mắt, đồng thanh trêu Trương Mại:

- Nhị cữu cữu không biết xấu hổ.

- Phụ thân không biết xấu hổ.

Mấy đứa trẻ lớn cũng ra sức quấy rối, cười loạn cả lên.

Ông ngoại lôi kéo sư công, hai lão gia tử thương lượng đại kế giáo dục lâu dài:

- Mấy đứa nhỏ vẫn nên gom lại một chỗ học mới tốt, buổi sáng đi Bình Bắc hầu phủ, buổi chiều đi Ngụy quốc công phủ, sáng tập văn, chiều tập võ.

Hai lão gia tử thương lượng xong, gọi Trương Tịnh và Du Nhiên đến căn dặn:

- Năm đứa nhỏ đều giao hai ta quản, như thế như thế, như vầy như vầy…..

Trương Tịnh vâng dạ:

- Dạ, sư phụ, phụ thân, đều nghe hai ngài hết.

Du Nhiên cười nói:

- Quyết định như vậy rồi, trở về con sẽ thu dọn ra một viện, chuyên dùng cho mấy đứa nhỏ đi học.

Trương Mại và A Trì dĩ nhiên cũng phải chuẩn bị ở Ngụy quốc công phủ chỗ chuyên dùng đi học và luyện võ. Chuyện này cực kỳ dễ dàng, không khó chút nào, Ngụy quốc công phủ lớn như vậy hiện chỉ có một nhà Trương Mại và A Trì, ngoài ra chỉ có thêm sư công, tòa nhà trống rất nhiều.

Trương Mại đặc biệt đề xuất:

- Sư công, ông ngoại, hai ngài muốn quản bé Tự thế nào đều được, nhưng Tiểu Đề Đề vẫn chưa đến ba tuổi, chưa hiểu chuyện, các ngài đừng quản giáo như mấy đứa lớn.

Trương Tịnh cũng uyển chuyển nói:

- Sư phụ, phụ thân, bé Tinh cũng còn nhỏ, bé Tinh và A Đề, thả lỏng bọn chúng chút cho thỏa đáng.

Ông ngoại tức giận:

- Chuyện này còn cần các ngươi nói! Tiểu Đề Đề mới lớn chút xíu, có thể giống các ca ca của nó sao?

Sư công trừng mắt:

- Rảnh rỗi làm chuyện tào lao! Chúng ta thương bọn chúng còn hơn các ngươi!

Trương Tịnh và Trương Mại đều không nói gì nữa.

Phó Vanh và Trương Đồng đỡ nhau cười đau bụng. Du Nhiên và A Trì, một người là nữ chủ nhân Bình Bắc hầu phủ, một người là nữ chủ nhân Ngụy quốc công phủ, vội ra mặt sắp xếp. Du Nhiên đề nghị:

- Chia thành đại ban và tiểu ban thế nào? Hài tử tuổi khác nhau thì bài học cũng khác nhau.

A Trì khiêm tốn thỉnh giáo:

- Sư công, ông ngoại, hai ngài đem những gì muốn dạy nói cho con biết, con giúp hai ngài thiết kế chương trình, chúng ta cùng nhau cân nhắc thỏa thuận, có được không?

Hai ngài ai cũng đừng tùy hứng, chúng ta lập ra một chương trình dạy, lúc nào dạy cái gì đều phải rõ ràng.

Ông ngoại, sư công thấy Du Nhiên và A Trì thuận mắt hơn, gật đầu:

- Vậy thì nghe theo các con, chia ra đại ban và tiểu ban, sắp xếp chương trình, thương lượng trước bài học cho tốt. Tiểu ban thì thả lỏng, đại ban thì nghiêm khắc hơn chút.

A Trì cùng Du Nhiên, Phó Vanh, Trương Đồng tỉ mỉ trao đổi, lập ra một chương trình học. Đại ban có chương trình của đại ban, tiểu ban có chương trình của tiểu ban, giờ Tỵ bắt đầu lên lớp, giờ Thân tan học, lão sư và học sinh đều không mệt.

Dĩ nhiên, vào ngày hưu mộc thì cả lão sư và học sinh đều nghỉ ngơi. Nghỉ học, người một nhà cùng nhau chơi đùa.

Sau khi lập ra chương trình học, Trương Mại quan tâm cầm lấy xem, thấy tiểu ban không khác chơi từ sáng đến tối là mấy thì rất yên tâm. Tiểu Đề Đề, khuê nữ bảo bối của phụ thân, con còn chưa cao bằng cái ghế nữa mà học cái gì, cứ chơi cho đã đi.

Tiểu Đề Đề ngược lại rất nhiệt tình với việc học, giục A Trì chuẩn bị giỏ sách nhỏ từ rất sớm, thích thú chuẩn bị để cùng các ca ca cùng nhau đi học. Đến buổi sáng hôm đi học, bé ngay cả ngủ nướng cũng không có, trở mình dậy:

- Đi học, đi học!

Sư công ôm cô bé, dắt tay bé Tự, lên xe ngựa. A Trì ra cửa tiễn bọn họ, rất lưu luyến:

- Mẹ nhớ các con.

Bé Tự thông cảm vỗ vỗ nàng:

- Mẹ, tụi con cũng nhớ mẹ.

Mẹ được lắm, tụi con buổi sáng đi, buổi chiều về, chẳng qua chỉ tốn thời gian một ngày mà nhớ cái gì. Tiểu Đề Đề cười như một đóa hoa, ân cần đẩy A Trì:

- Về thôi, về thôi.

Bé ngồi trong ngực sư công, mỉm cười vẫy vẫy tay với A Trì, cao hứng rời đi.

- Bé Tự không có lương tâm, Tiểu Đề Đề không có lương tâm.

A Trì đưa mắt nhìn xe ngựa đi xa, trong lòng rất không có tư vị gì.

Đến lúc mặt trời lặn, sư công dẫn hai đứa phấn khởi về nhà. Bé Tự rất tự hào công bố:

- Con và đại ca lợi hại nhất, có thể ngồi trung bình tấn hai nén hương!

Tiểu Đề Đề nhào vào trong ngực A Trì, giơ lên một cây bút lông Hồ Châu tinh tế:

- Mẹ, tổ mẫu thưởng con!

A Trì cầm bút lông Hồ Châu lên xem:

- Thật đẹp! Cán bút làm từ ngà voi, trơn bóng, nhẵn mịn khiến người ta ưa thích.

Tiểu Đề Đề rất đắc ý, xem như báu vật cất bút lông Hồ Châu vào trong ống đựng bút màu xanh ngọc tinh xảo của mình.

Đến khi Trương Mại về nhà, Tiểu Đề Đề như dâng vật quý, lấy ra khoe với Trương Mại. Trương Mại ôm nữ nhi bảo bối, dịu dàng hỏi:

- Tổ mẫu thưởng con vì chuyện gì?

Tiểu Đề Đề nghiêng đầu suy nghĩ một hồi, mới sực tỉnh:

- Con không khóc!

Ngày đầu đi học mà dũng cảm không khóc nên được thưởng.

Trương Mại hôn nhẹ gương mặt nhỏ mềm mại của nữ nhi, tâm mềm như vũng nước.

Bé Tự lắc đầu:

- Thật dính người!

Bé kéo sư công, hăng hái đi luyện võ. Bé và tổ phụ Trương Tịnh giống nhau, rất có thiên phú võ học, dạy bé không uổng phí công phu, sư công vui hớn hở, lại là một Tiểu A Tịnh, một Tiểu A Tịnh vô cùng tuấn mỹ! Dạy được bé Tự là đời này lão nhân gia ta mãn nguyện rồi!

A Trì xem sổ sách dưới ánh đèn, bên tai nghe thấy giọng nói xấu xa của Tiểu Đề Đề:

- Mại Mại, Mại Mại!

A Trì kinh ngạc ngẩng đầu, thấy được căn nguyên đang ngồi ở trước bàn, Tiểu Đề Đề đứng phía sau hắn, cười hi hi, khom người, lén lút gọi nhũ danh của Trương Mại.

A Trì giả vờ không nghe thấy, tiếp tục cúi đầu xem sổ sách. Trương Mại lặng lẽ nhìn thê tử, thấy thê tử không phát giác thì thở phào nhẹ nhõm, ngoắc gọi nữ nhi đến, nhỏ giọng phàn nàn:

- Bị mẹ con nghe thấy, cha sẽ đánh mông nhỏ của con.

Tiểu Đề Đề le lưỡi, phụ tử hai người đồng loạt len lén nhìn về phía A Trì.

A Trì cúi đầu xem sổ sách, vô cùng chuyên chú.

Tiểu Đề Đề ghé vào bên tai Trương Mại, sung sướng nhỏ giọng nói:

- Mẹ không nghe thấy!

- Phụ thân dẫn con đi chơi.

Trương Mại ôm Tiểu Đề Đề, hai người im hơi lặng tiếng, nhẹ nhàng đi về phía cửa.

A Trì buồn cười ngẩng đầu, nhìn cửa phòng hơi khép hờ: “Hai cha con này.”

Ngoài cửa vang lên tiếng cười của Tiểu Đề Đề và Trương Mại, A Trì tuy ngồi một mình dưới đèn nhưng trong lòng vô cùng thỏa mãn, vui sướng ngập tràn.

Toàn Văn Hoàn

Truyện Chữ
Trước
Sau
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio