Tố Thủ Kiếp

chương 21: tố nữ báo động

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Thiếu nữ kêu lên một tiếng kinh hoảng, thì ra uyển mạch ở cổ tay phải của nàng đã bị Bách Đại nắm trúng.

Chỉ lực của Bách Đại rắn như sắt, thiếu nữ cảm thấy cổ tay như sắp gẫy, đau quá, không sao chịu nổi, bất giác buột miệng kêu rú lên.

Bách Nhẫn đại sư tâm địa hiền từ, thấy thế không nỡ, bèn nói:

- A di đà Phật! Sư đệ không nên độc tay, chúng ta thà tha lầm một trăm người, còn hơn là giết oan một người!

Bách Đại nói:

- Người con gái này hành động rất đáng ngờ, lại còn cố làm ra vẻ thần bí, đúng là người nhà Nam Cung thế gia không sai.

Vừa nói vừa bóp mạnh tay thêm chút nữa. Thiếu nữ thấy cổ tay đau như tiện, quên cả giữ gìn, ngẩng đầu kêu to:

- Buông ta ra!

Bách Nhẫn chú ý, nhìn thấy nàng môi son má phấn, mày xanh như lá liễu, mắt trong như nước hồ thu, rõ ràng là một giai nhân tuyệt thế.

Lúc này mồ hôi trêи trán nàng đã thánh thót rỏ xuống đôi gò má.

Bách Đại vì quá uất hận bởi cái chết của sư đệ nên không gì làm ông xúc động được nữa. Thấy thiếu nữ nhăn nhó vì đau, ông chỉ lạnh lùng nói:

- Nếu ngươi sợ đau, thì phải thành thật trả lời bần tăng mấy câu hỏi đây.

Thiếu nữ vừa thở hổn hển vừa nói:

- Nếu ta không cố ý hiện thân, thì đời nào ngươi bắt được ta...

Ngừng một lát, nàng lại tiếp:

- Trong vòng một trăm trượng xung quanh khu vườn này, đều có người trong Nam Cung thế gia mai phục, ta chỉ cần thả tín hiệu cầu cứu, là bọn họ lập tức kéo đến.

Bách Đại nói:

- Tốt lắm, càng nhiều càng hay, bần tăng sẽ được giết một mẻ sướиɠ tay để báo thù cho sư đệ.

Thiếu nữ đưa mắt nhìn thi thể Bách Tường nằm trong góc nhà, thở dài hỏi:

- Vị sư phụ này chết đã bao lâu rồi?

Bách Nhẫn đáp:

- Chưa đầy mười hai tiếng đồng hồ.

Thiếu nữ nói:

- Trừ phi các ngươi tình nguyện cho vị sư phụ ấy xung vào chân “Thất thập nhị sát” trong nhà Nam Cung thế gia thì trêи đời này không còn ai có thể cứu được ông ta nữa.

Bách Đại nổi giận nói:

- Đệ tử môn hạ Thiếu Lâm, khi nào lại chịu đem thân đi làm nanh vuốt cho ai?

Bách Nhẫn đại sư đăm đăm nhìn vào mặt thiếu nữ, dường như cố nhận xét xem nàng ở địa vị thế nào trong nhà Nam Cung thế gia. Ông còn mang máng nhớ mặt mấy người quả phụ trong nhà Nam Cung thế gia, nhưng không thấy một người nào giống mặt người con gái này, liền cau mày hỏi:

- Nữ thí chủ hình như không phải là một trong mấy vị quả phụ nhà Nam Cung thế gia, có phải không?

Thiếu nữ thủng thỉnh đáp:

- Nếu tôi là người nhà Nam Cung thế gia thì lúc này hai vị sư phụ chắc đã táng mạng.

Bách Nhẫn quay lại bảo Bách Đại:

- Sư đệ buông tay ra, chúng ta không nên bắt nạt một người con gái cô thế.

Bách Đại tuy trong bụng không muốn, nhưng không dám trái ý sư huynh, đành phải buông tay ra, lạnh lùng nói:

- Nếu ngươi định trốn, thì đừng trách bần tăng tàn ác!

Thiếu nữ kéo tay áo lau mồ hôi, đôi mắt long lanh hết nhìn Bách Nhẫn lại nhìn Bách Đại, hình như muốn tìm trêи hai khuôn mặt đó một cái gì, nên mấy câu cảnh cáo của Bách Đại tựa hồ cũng không nghe thấy.

Bách Nhẫn thấy nàng nói năng rõ ràng, sắc diện cử chỉ cũng như người thường, không giống bọn nô bộc bị dược vật khống chế, trong bụng tự nhủ: “Những sự thần bí trong nhà Nam Cung thế gia thường ghi một ấn tượng sợ hãi khủng bổ vào lòng người ta, khó có thể quên được. Vậy mà người con gái này vẫn giữ gìn được thần thái tự nhiên, kể cũng lạ thật! Xem chừng nàng ở trong nhà Nam Cung thế gia địa vị cũng không đến nỗi thấp kém. Ta thử hỏi dò nội tình trong nhà Nam Cung thế gia xem, hoạ may có biết được chút nào không?”

Ông nghĩ vậy, bèn ôn tồn nói:

- Nữ thí chủ tuy không phải là nhân vật cốt cán trong nhà Nam Cung thế gia, nhưng địa vị chắc cũng không kém quan trọng?

Thiếu nữ lúc này chỉ mải nhìn quanh ngó quất, hình như không nghe thấy câu hỏi của Bách Nhẫn đại sư.

Bách Đại thấy thái độ của nàng như vậy, càng thêm tức bực, sẽ gắt:

- Nếu không vì lòng nhân từ của chưởng môn sư huynh tôi, thì bần tăng đã cho ngươi nếm thủ pháp phản cân trầm mạch của phái Thiếu Lâm rồi!

Thiếu nữ vẫn điềm nhiên, thò đầu nhìn vào phòng trong lẩm bẩm nói một mình:

- Kỳ quái thật!

Bách Nhẫn xua tay ngăn Bách Đại không cho bạo động, rồi hỏi:

- Kỳ quái gì cơ?

Thiếu nữ quay lại hỏi:

- Hai vị đến đây bao lâu rồi?

Bách Nhẫn không trả lời, chỉ hỏi:

- Nữ thí chủ định tìm ai?

Thiếu nữ gật đầu:

- Tôi tìm một người họ Nhâm.

Bách Nhẫn hỏi:

- Có phải Nhâm Vô Tâm không?

- Tôi không biết tên, chỉ biết ông ta họ Nhâm thôi!

Bách Nhẫn nói:

- Cô nương không biết tên thì cứ tả hình dáng cũng được.

Thiếu nữ lắc đầu:

- Tôi không biết, tôi không gặp ông ta bao giờ. Tôi chỉ vâng lệnh người sai khiến thôi.

Nàng vừa nói, sắc mặt vừa lộ vẻ bối rối, bồn chồn. Bách Nhẫn đại sư lại hỏi:

- Nữ thí chủ vâng lệnh ai?

Thiếu nữ không đáp, chỉ thở dài, lẩm bẩm:

- Sắp đến giờ rồi, tôi không thể chờ được nữa!

Bách Nhẫn đại sư nói:

- Lão nạp là chưởng môn phương trượng chùa Thiếu Lâm, quen thân với Nhâm tướng công lắm. Nếu cô nương có lòng tin, thì muốn nói gì với Nhâm tướng công, xin cứ nhắn, lão nạp sẽ nói lại cho Nhâm tướng công hay cũng được.

Thiếu nữ nói:

- Tôi đâu dám tin sư phụ.

Bách Nhẫn cười nói:

- Cô nương đã không biết mặt Nhâm tướng công thì dù có gặp ông ta cũng làm sao mà biết được?

Thiếu nữ nói:

- Điều ấy không cần sư phụ phải lo hộ. Tôi đã có cách liên lạc với ông ta.

Bách Nhẫn trầm ngâm một lát, rồi nói:

- Thế mới thật khó. Lão nạp dẫu có tín vật chứng thực là phương trượng Thiếu Lâm đây, nhưng chắc nữ thí chủ cũng không biết được?

Thiếu nữ nói:

- Sư phụ cứ cho tôi xem.

Bách Nhẫn thò tay vào mình lấy ra một pho tượng màu hoàng kim đặt lên lòng bàn tay, nói:

- Nữ thí chủ có nghe nói về pho tượng Ngã Phật này bao giờ không?

Thiếu nữ chú ý nhìn pho tượng một lúc, chợt sụp quỳ xuống đất lạy, nói rằng:

- Vãn bối tuy chưa được trông thấy bao giờ, nhưng đã từng nghe người ta nói pho Kim Phật sắc lệnh này, chỉ có chưởng môn chùa Thiếu Lâm mới được giắt trong mình thôi.

Bách Nhẫn cất pho tượng đi, rồi sẽ hỏi:

- Nữ thí chủ nghe ai nói về Kim Phật sắc lệnh?

Thiếu nữ đáp:

- Gia phụ!

Bách Nhẫn vội hỏi:

- Lệnh tôn là ai?

Thiếu nữ đáp:

- Gia phụ tên gọi Diệp Trường Thanh.

Bách Nhẫn sửng sốt hỏi:

- Phải chăng là Diệp đại hiệp, một trong Trung Nguyên Tứ Quân Tử?

Thiếu nữ ứa nước mắt nói:

- Chính thị. Vãn bối tên gọi là Diệp Sương Y.

Bách Nhẫn sắc mặt cũng rầu rầu, thở dài nói:

- Lão nạp và Trung Nguyên Tứ Quân Tử tuy rất ít khi gặp gỡ, song cũng là phương ngoại tri giao. Xin mời cô nương đứng lên cho.

Diệp Sương Y vừa đứng lên, Bách Nhẫn lại nói:

- Võ công của Trung Nguyên Tứ Quân Tử biệt lập một phái, không kém gì Thiếu Lâm, chỉ tiếc là đều đã biến thành người thiên cổ.

Diệp Sương Y nói:

- Gia phụ và ba vị sư thúc bá vẫn còn sống cả.

Bách Nhẫn tuy đã nghe Nam Cung phu nhân nói Trung Nguyên Tứ Quân Tử vẫn còn sống, và hiện đã biến thành bộ hạ của mụ, nhưng trong bụng vẫn không tin. Lúc này lại nghe Diệp Sương Y nói như vậy, vội hỏi:

- Câu ấy có thực không?

Diệp Sương Y nói:

- Gia phụ và ba vị sư thúc bá đều bị Nam Cung phu nhân cho uống Mê thần dược, rồi giam ở trong “Mê hồn lao”...

Bách Nhẫn thở dài nói:

- Hôm nọ bần tăng và mấy vị nữa có vào thám hiểm trong “Mê hồn lao”, đã được nghe Nam Cung phu nhân nói vậy nhưng tuyệt không dám ngờ là sự thật.

Ngừng lại một lát, ông lại hỏi:

- Cô nương không bị mụ cho uống Mê hồn dược, thì sao lại cam tâm để cho mụ sai khiến?

Diệp Sương Y nói:

- Vãn bối vì tình thế bắt buộc, bất đắc dĩ phải nương thân trong nhà Nam Cung thế gia. Cốt lưu cái thân này lại, để mai sau còn có lúc phải dùng đến.

Bách Đại chợt hỏi xen:

- Những người trong Nam Cung thế gia, ai cũng phải uống mê thần dược, sao chỉ riêng một mình cô nương được miễn?

Diệp Sương Y nói:

- Vãn bối may nhờ được đệ Tứ phu nhân trong Nam Cung thế gia che chở nên mới giữ được thần trí tỉnh táo...

Bách Nhẫn đại sư nói:

- Nhâm tướng công đã đi khỏi đây, cô nương có cần bảo việc gì xin cứ nói, bần tăng sẽ xin chuyển đạt hộ.

Diệp Sương Y ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Đại sư đã là một vị chưởng môn, lại là bạn tri giao với gia nghiêm, vãn bối thực không dám giấu giếm điều gì. Nhưng trước khi tới đây, Tứ phu nhân đã căn dặn là việc này chỉ được nói riêng với Nhâm tướng công thôi. Nên vãn bối không dám trái lệnh. Duy có điều này, vãn bối có thể tiết lộ với đại sư được là: Mấy môn thần công của Nam Cung phu nhân đã sắp viên mãn, ba tháng trước đây mụ đã tiên liệu là giang hồ sắp có biến, nên phải luyện tập gấp đêm ngày, kỳ hạn sớm hơn dự định nhiều. Có thể chỉ nội trong vòng một tháng nữa mà thôi. Do thế cuộc hẹn của Tứ phu nhân và Nhâm tướng công đành phải bỏ dở...

Bách Nhẫn ngắt lời:

- Cuộc hẹn gì vậy?

Diệp Sương Y nói:

- Điều đó vãn bối không rõ, chỉ thấy Tứ phu nhân nói: Bàn tay ma của Nam Cung phu nhân luyện, hoả hầu đã thành, Nhâm tướng công cần phải lưu tâm cẩn thận, người ấy võ công cao lắm...

Bách Nhẫn cau mày:

- Bàn tay ma?

Diệp Sương Y nói:

- Đó là lời Tứ phu nhân dặn, thực ra vãn bối cũng không hiểu rõ lắm.

Bách Nhẫn đại sư chợt lại nhớ đến cái chết của Thiên Long thiền sư và Bách Tường, bất giác gật gù lẩm bẩm:

- Bàn tay ma, có lẽ chính là cái bàn tay tuyệt đẹp đó!

Diệp Sương Y nói:

- Nếu đại sư gặp Nhâm tướng công, xin nói dùm hộ vãn bối mấy câu như vậy. Bây giờ vãn bối xin cáo từ.

Nói xong chắp tay thi lễ, đoạn hớt hải ra cửa đi mất!

Bách Nhẫn nhìn theo bóng dáng thiếu nữ, chợt thở dài nói:

- Tội nghiệp cô bé!

Nói xong cúi xuống ôm xốc thi thể Bách Tường lên, rảo bước đi ra cửa. Vừa đi vừa nói:

- Chúng ta hãy mau mau ra khỏi nơi đây, rồi sẽ tính kế.

Hai người ra khỏi khu vườn, chỉ thấy gió thu lạnh lẽo, lá rơi xào xạc, phong cảnh hoang vắng y như một bãi tha ma. Hai người trong bụng đều nặng trĩu những nỗi ưu tư, lo lắng nên chỉ cắm đầu đi, không ai buồn lên tiếng.

Bách Nhẫn nghĩ đi nghĩ lại, không biết làm cách gì thông tin cho Nhâm Vô Tâm ngay, để chàng liệu cách ứng phó. Thời gian chỉ còn có ba mươi ngày nữa, mà chàng thì như chim trời cá nước, biết phương hướng nào mà tìm?

Ông chợt nghĩ đến người đàn ông đạp thủy xa ban nãy, bèn vội quay đầu nhìn lại khu vườn, nhưng chỉ thấy chiếc thuỷ xa vẫn theo chiều gió từ từ chuyển động, mà người đạp xe thì đã đi đâu mất biến.

Chiếc xe ngựa lúc này vẫn đậu ở bên đường, còn người phu xe thì đang ngồi ngủ gật ở phía trước xe, trông rõ ra vẻ ung dung nhàn hạ.

Bách Đại ngoảnh lại nói với Bách Nhẫn:

- Mời sư huynh ngồi vào bên trong, để tiểu đệ ở ngoài còn coi động tĩnh.

Bách Nhẫn bế thi thể Bách Tường vào trong xe. Bách Đại đánh thức gã phu xe dậy, rồi ra roi cho ngựa chạy.

Bách Đại cùng gã phu xe ngồi phía trước, đảo mắt nhìn khắp xung quanh, những người qua đường, không một người nào lọt qua luồng nhỡn tuyến của ông ta.

Thốt nhiên nghe từ phía xa xa văng vẳng có tiếng đàn sáo đưa lại. Lắng tai nghe kỹ một lúc thì ra là tiếng kèn đám ma.

Gã phu xe chợt co một dây cương lại, cho ngựa rẽ sang con đường ngang, miệng lẩm bẩm nói một mình:

- Thà đi vòng mất một thỏi đường, còn hơn là gặp đám ma.

Bách Đại cau mày toan nói, nhưng chợt lại nghĩ: “Những người khách bộ hành còn hay kiêng nhảm, huống hồ người phu xe quanh năm giong ruổi đường trường, nên họ cẩn thận cũng phải. Vả họ đã tự ý, mua đường thì mặc họ, hơi đâu mà can thiệp.”

Con đường rẽ này hình như bỏ hoang đã lâu, quanh năm không có vết chân người qua lại, hai bên cỏ tốt như rừng, bò kín cả lối đi. Bách Đại chợt có cái cảm giác rợn rợn, cặp mắt luôn luôn nhìn chòng chọc vào những bụi cỏ rậm, đề phòng lỡ có quân mai phục.

Đi một lúc lâu, chợt thấy phía trước mặt có một pho tượng Như Lai cao ước tới năm thước đặt ở bên đường, dưới ánh nắng chiều thu, kim quang lại càng chói lọi rực rỡ.

Hai bên tượng Phật có ba cỗ quan tài còn mới tinh, đặt ngang đường cái, chắn hết lối đi. Hai vị tăng nhân thân thể gầy gò khô đét, đầu trọc lông lốc, mặc áo cà sa vàng, tay chắp ngang ngực, đứng trước quan tài, sắc mặt âm trầm cặp mắt đờ đẫn.

Bách Đại giật mình, vội bảo người phu xe dừng lại. Người phu xe quát to:

- Hai vị tránh ra cho chúng tôi đi nhờ một chút!

Hai nhà sư vẫn cúi đầu chắp tay đứng yên, hình như không nghe thấy tiếng người phu xe nói.

Bách Nhẫn đại sư biết là có chuyện, liền nhảy xuống xe. Bách Đại sẵng giọng nói:

- Các vị tự nhiên vô cớ ra chắn đường, chắc hẳn là muốn sinh sự với anh em ta chăng?

Nhà sư đứng bên trái lạnh lùng đáp:

- Người xuất gia trông thấy kim thân của Ngã Phật, sao không quỳ lạy?

Bách Nhẫn rảo bước tiến lên, miệng nói:

- Sư đệ xuống đi!

Rồi bước tới tượng Phật, nói:

- Bần tăng sơ ý, xin hai vị đại sư chớ trách.

Nói xong chắp tay cung kính lễ một lễ, nhưng hai tay đã ngầm tụ công lực, đề phòng.

Bách Đại cũng theo sư huynh quỳ xuống lễ Phật. Nhà sư miệng nở một nụ cười âm hiểm, thủng thỉnh nói:

- Phật pháp vô biên, phổ độ chúng sinh. Hai vị lễ được một lễ, sau khi chết đi sẽ được tiêu diêu cực lạc.

Bách Đại đứng phắt dậy nói:

- Người trong đạo Phật phải lấy phương tiện làm đầu, phiền hai vị đại sư nhường lối cho chúng tôi.

Nhà sư đứng bên phải cười nhạt:

- Nể mặt Ngã Phật, bần tăng đặc biệt quyên cho ba vị mấy vật cần dùng.

Bách Đại hỏi:

- Vật gì mà cần dùng?

Nhà sư chỉ tay vào ba cỗ áo quan tài nói:

- Ba cỗ áo quan này đều là thứ gỗ thượng hảo hạng. Các vị có thể chứng đại đạo, trút bỏ thể xác trước mặt Ngã Phật, linh hồn theo Phật về Tây, há chẳng phải là một điều kɧօáϊ lạc của kiếp con người hay sao.

Bách Đại lạnh lùng “hừ” một tiếng, nói:

- Cũng là đệ tử Tam bảo cả, bần tăng không muốn thương tổn lòng từ bi của Ngã Phật, xin hai vị tránh lối cho.

Nhà sư đứng phía trái cười sằng sặc, nói:

- Hai vị đã không chịu, thì để chúng tôi ra tay siêu độ cho vậy.

Bách Đại quắc mắt hỏi:

- Các vị có phải là người của Nam Cung thế gia không?

Hai nhà sư không trả lời, Bách Đại quay lại nói với Bách Nhẫn:

- Xin sư huynh ra lệnh.

Bách Nhẫn nghiêm trang nói:

- Thôi chúng ta đi đường khác vậy, cùng là người trong cửa Phật, lẽ nào lại tàn sát lẫn nhau?

Bách Đại thở dài một tiếng, lòng đầy uất ức, nhưng không biết nói sao. Ông vừa quay lưng đi, chợt nghe mấy tiếng nổ long trời, rồi ba chiếc nắp áo quan thi nhau bay lên.

Bách Đại tuy đã quay đi, nhưng vẫn để ý giám sát hành động của hai nhà sư, vừa nghe tiếng nổ, lập tức quay mình lại đánh ra một quyền.

Một luồng quyền phong cực kỳ mãnh liệt rít lên như xé bầu không khí, nhắm thẳng vào nhà sư bên trái đánh tới.

Ông đã tính đúng vị trí, độ cách cực kỳ chuẩn xác, nên quyền phong không hề chệch ra ngoài nửa bước.

Nhà sư vội giơ bàn tay khẳng khiu ra đón đỡ. Hai luồng tiềm lực vừa va vào nhau, tức thì gây thành một cơn gió lốc, cuốn cát bụi bay mù mịt.

Nhà sư áo vàng võ công tuy cao, xuất chiêu cũng cực kỳ quái di, nhưng rút cục vẫn không chịu nổi ngọn quyền ác liệt của Bách Đại, cái thân hình gầy gò bị đánh bật lên khỏi mặt đất. Chợt thấy hai chân lão co lại, quay lộn người đi, rồi lại rơi trở về chỗ cũ. Sắc mặt lão vẫn âm trầm, tay phải đã thò vào tay áo.

Bách Đại thân thể cũng hơi run run, tự nghĩ: “Tên này thân pháp võ công cực kỳ quái dị, xem chừng không phải võ nghệ Trung Quốc, có lẽ hắn là một vị Lạt Ma ở Tây Tạng cũng nên?”

Trong khi nghĩ ngợi, nhỡn tuyến của ông đã chiếu vào ba cỗ quan tài.

Lúc này nắp quan tài đã mở, bên trong có ba người sừng sững đứng bên.

Người bên trái thân thể gầy gò, cánh tay trái bị cụt tới tận nách, tay phải cầm một thanh trường kiếm đã tuốt vỏ, ánh sáng lóng lánh như bạc. Thần tính âm âm, mặt mũi hung ác, đôi mắt sáng quắc như điện.

Người đứng bên phải thân hình ngũ đoản, bụng to bè bè, tóc dài tới hơn một thước, để rối bù lên như tổ quạ, quần áo thì rách rưới bẩn thỉu, hình như đã bao nhiêu năm chưa được nhúng vào nước.

Vậy mà trong tay nhân vật khó coi ấy lại cầm một chiếc thúy địch màu bích lục dài chừng ba thước, trong suốt từ trêи xuống dưới không có một tỳ vết nào, nhác trông cũng biết là một vật có giá trị.

Còn người đứng giữa lại là một vị tăng nhân mặc áo vàng đi chân đất. Gã này tầm vóc nhỏ bé gầy gò, chỉ bằng một đứa trẻ con, nhưng tấm áo cà sa thì lại quá rộng, gió thổi làm tà áo bay tung lên, che kín cả thân thể. Trông tưởng như một tấm áo phơi trước gió, không biết là bên trong có người.

Ba người này thân hình đã cổ quái, thần tình lại càng âm hiểm đáng sợ. Bách Nhẫn đưa mắt nhìn qua đã nhận ra lai lịch hai người đứng bên, còn người đứng giữa thì không biết là ai cả.

Ông chợt biến sắc mặt, bước lên vài bước, nói với người đứng bên trái:

- Thí chủ có phải là Mộ Dung Phi đại hiệp mà người ta thường gọi là “Nam Hải đệ nhất kỳ kiếm” đó chăng?

Người một tay chẳng nói chẳng rằng, cây trường kiếm trong tay thốt nhiên vung lên, biến thành những điểm sao bạc, kiếm phong rít lên vù vù.

Bách Nhẫn mỉm cười nói:

- Thí chủ đã sử dụng chiêu tuyệt học “Nhất kiếm thiên ảnh” trong Nam Hải kiếm pháp, xuất thần nhập hóa như vậy, chắc là lão nạp đoán không sai.

Người cụt tay thấy Bách Nhẫn nhận định chính xác như vậy, sắc mặt cũng hơi biến đổi. Gã ăn mày vừa béo vừa lùn bất giác ngửa cổ lên trời cười sằng sặc nói:

- Chưởng môn phái Thiếu Lâm có khác, kiến văn rộng rãi thật! Mỗ xin bái phục!

Bách Nhẫn cười nói:

- Thí chủ quá khen! Trông cách phục sức và cây sáo trong tay thí chủ, bần tăng lại chợt nhớ đến một người. Nếu bần tăng đoán không sai, thì trong Cái Bang có một vị đại kỳ nhân gọi là “Xà Thần” Khang Tổ, người ấy không những thích chơi thú vật, lại giỏi nghề dạy rắn, có lẽ chính là thí chủ?

Bách Đại đứng lên lạnh lùng đỡ lời:

- Môn hạ Cái Bang người nào cũng là bực anh hiệp kỳ sĩ, thấy nghĩa dám làm, khi nào lại chịu đầu thân làm tôi tớ cho nhà Nam Cung thế gia? Chắc sư huynh đoán lầm rồi!

Lão béo lùn lại ngửa cổ lên trời cười sằng sặc một hồi, rồi thốt nhiên đặt ống sáo lên môi, thổi.

Tiếng sáo vừa sắc vừa nhọn, khiến cho người nghe có cảm tưởng mỗi tiếng là một mũi dao nhọn cứa vào quả tim.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio