Tố Thủ Kiếp

chương 3: liều mình báo thù cha

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Toàn trường ai cũng kinh ngạc sửng sốt về lối luận đoán quả quyết của chàng thanh niên, bất giác bao nhiêu cặp mắt đều đổ dồn vào mình chàng.

Thiếu nữ áo trắng Diệp Sương Y cũng ngước đôi mắt bồ câu đen láy lên nhìn chàng thiếu niên văn sĩ, chỉ thấy luồng nhỡn tuyến lạnh lẽo xa xôi của chàng đang trông thẳng về một góc chân trời, hình như không biết là mọi người đang đăm đăm nhìn mình. Cái thái độ lạnh lùng kiêu ngạo đó, hình như cách biệt rất xa với thế giới hiện tại.

Thiếu nữ nghĩ thầm: “Người đâu mà kiêu ngạo quá vậy? Chẳng lẽ trêи đỉnh núi này không có ai đáng lọt vào mắt của hắn hay sao?” Nàng đã bắt đầu ghét cái mặt anh chàng khinh người ấy.

Thượng Tam Đường chống mạnh cây gậy tre xuống đất nói:

- Thì lão phu cũng tạm nghe láo một câu xem nào!

Rồi ông ngoảnh lại bảo Tống Văn Quang và Bạch Thiết Sinh:

- Các ngươi thử mở bàn tay phải của các vị lệnh sư ra xem sao?

Tống Văn Quang do dự một lúc, rồi cũng theo lời mở bàn tay phải của Tứ Quân Tử ra xem.

Nhưng khi nhìn kỹ, quả thấy lòng bàn tay mỗi vị đều có một cái dấu đỏ, vuông vắn đủ bốn góc.

Trong cái ấn đỏ ấy còn rất nhiều những vạch ngang vạch dọc nhỏ li ti, tựa như nét chữ, lại giống như những chỉ tay, nhưng vì nó nhỏ quá, mắt phàm không thể trông rõ được, nên không ai biết là cái gì.

Chợt nghe thiếu nữ áo trắng kêu lên:

- Ủa, thôi hắn chạy mất rồi!

Quần hào đều giật mình quay đầu lại, quả nhiên không thấy chàng ta đâu cả.

Ngôn Phượng Cương cau mày nói:

- Quái lạ, không biết tại sao thằng bé này lại biết là trong lòng bàn tay của Tứ Quân Tử có dấu?

Đồ GiangNam nói:

- Rất có thể hắn chính là một tên trong bọn hung thủ cũng nên.

Thần Quyền Lỗ Bình nói:

- Dù hắn không phải là hung thủ, thì tất cũng phải biết lai lịch của hung thủ.

Thượng Tam Đường gõ đầu gậy xuống đất, than rằng:

- Lão phu đã từng vượt qua bao nhiêu cơn sóng gió, không ngờ ngày nay lại bị chết đuối ở ngòi lạch.

Đường Thông nói:

- Chắc hắn đi cũng chưa xa, chúng ta đuổi theo may ra còn kịp.

Thiếu nữ thở dài nói:

- Chỉ sợ đuổi không kịp, hắn rút lui một cách rất nhẹ nhàng, không một tiếng động. Chúng ta tuy đông người, mà cũng không ai biết hắn chuồn đi lúc nào, thì còn nói gì đuổi theo?

Mấy câu nói của nàng làm cho cử toạ đều cảm thấy đỏ mặt.

Thượng Tam Đường lại gõ đầu gậy xuống đất nói:

- Việc cần thiết lúc này, là phải tìm một chỗ an toàn, rước thi thể Tứ Quân Tử quàn tạm, rồi lão phu và chư vị cùng liên danh gửi thϊế͙p͙ đi khắp Đại giang Nam Bắc, nhờ các bạn đồng đạo võ lâm tìm cho ra tông tích cái anh chàng văn sĩ hỗn xược ấy.

Vị tăng già Thiếu Lâm lúc này thốt nhiên đứng dậy, chắp tay ngang ngực, nói với mọi người:

- Bần tăng đến đây là do mệnh lệnh Chưởng môn phương trượng, sai tới tham dự đại hội của Trung Nguyên Tứ Quân Tử mời. Bây giờ Tứ Quân Tử đã bị hại, bần tăng phải lập tức trở về phúc mệnh. Vậy xin phép cáo từ trước.

Nói xong, vác thiền trượng lên vai, xăm xăm bước đi.

Vị đạo nhân cùng đi với Thượng Tam Đường lên núi lúc nãy, bấy giờ mới lên tiếng:

- Các dấu đỏ trong lòng bàn tay của bốn vị quân tử hình như là một loại dấu hiệu đặc biệt. Trông những nét ngang dọc ở bên trong, có vẻ giống như lối chữ Triện thì phải.

Ngôn Phượng Cương quay lại nhìn đạo nhân rồi hỏi:

- Dám hỏi đạo trưởng pháp hiệu là gì?

Đạo nhân mỉm cười đáp:

- Bần đạo là Huyền Nguyệt.

Ngôn Phượng Cương sửng sốt giây lâu rồi chắp tay nói:

- Tiểu đệ cam chịu tội thất kính!

Huyền Nguyệt cười nói:

- Bần đạo ít khi ra chốn giang hồ, nên Ngôn chưởng môn không biết là phải. Bần đạo đâu dám trách!

Tống Văn Quang, Bạch Thiết Sinh hình như cũng đã từng nghe danh Huyền Nguyệt đạo trưởng, nên vừa nghe thấy ông ta xưng danh, đều quay lại nhìn. Cả đến Diệp Sương Y cũng buông tay áo che mặt xuống, ngước cặp thu ba long lanh ngắm nghía phong thái của một tay đanh kiếm Vũ Đương khét tiếng một thời.

Huyền Nguyệt bước lại gần ba người, rồi nói với Tống sinh và Bạch sinh:

- Hai vị hiền điệt tuy chưa biết bần đạo, nhưng chắc đã nghe tôn sư nói đến tên bần đạo rồi chứ?

Tống Văn Quang chắp tay thi lễ rồi nói:

- Vãn bối quả có được nghe Tiên sư nói đến đại danh lão tiền bối, chỉ giận vì vô duyên chưa được bái kiến.

Huyền Nguyệt thở dài nói:

- Ôi, thật là một việc ghê gớm quá sức tưởng tượng, nếu bần đạo đến sớm một chút, thì may ra không đến nỗi...

Ông ngừng lại một giây rồi tiếp:

- Ba tháng trước, bần đạo tiếp được một phong thư củaChu huynh, trong thư có nhắc tới một chuyện rất quái lạ. Ông nói mấy tháng gần đây, hình như luôn luôn có người ngầm theo dõi hành tung của các ông ấy. Người đó hình như một cái bóng ma, ẩn ẩn hiện hiện không biết đâu mà dò. Trong thư cũng nhắc đến kỳ hội họp trêи Bách Trượng Phong ngày hai mươi ba tháng Tám, và dặn bần đạo đến sớm để cùng bốn vị họp mặt.

Trung Nguyên Tứ Quân Tử tuy danh trọng một thời, nhưng những người bạn thật là tri kỷ thì lại không có mấy, giao tình của bần đạo đối với bốn vị lệnh sư trưởng có thể gọi là một trong những vị tri kỷ đó. Lẽ ra tôi đến đây từ hôm qua, không ngờ lúc sắp đi, chưởng môn sư huynh lại gọi đến, giao cho mấy việc vặt của bản môn, đến nỗi lỡ mất hành kỳ. Chỉ vì đến chậm một ngày, mà thành ra vĩnh quyết.

Bạch Thiết Sinh nói:

- Trừ những ngày bốn vị sư trưởng hội họp ở trêи Bách Trượng Phong ra, thì nửa năm nay, vãn bối chưa hề rời gia sư một bước, sao không hề nghe thấy chuyện đó?

Huyền Nguyệt nói:

- Lệnh sư chỉ nói cho tôi biết sự lo lắng ngờ vực đó thôi, còn ngoài ra chưa từng nói cho ai biết cả.

Bạch Thiết Sinh đau đớn, ứa nước mắt nói:

- Vãn bối ngu xuẩn, không đoán được những nỗi lo lắng của gia sư, bây giờ nghĩ lại càng thấy xấu hổ.

Huyền Nguyệt đạo trưởng thở dài nói:

- Hiền điệt cũng không nên buồn bực, trong việc này ta còn tự trách mình hơn các hiền điệt. Ta nguyện xin tận hết khả năng để điều tra về nguyên nhân cái chết của Tứ Quân Tử. Khi nào cần, bần đạo sẽ thỉnh chưởng môn sư huynh phái thêm người trợ thủ.

Đoạn ông quay ra phía quần hào hỏi:

- Thế nào, các vị đã tìm thấy đầu mối gì chưa?

Thượng Tam Đường đáp:

- Đầu mối duy nhất chỉ là bốn cái dấu đỏ trong lòng bàn tay của bốn vị quân tử đó thôi. Chỉ vì nét chữ nhỏ quá, không sao nhận biết được rõ ràng. Lão phu đang định đi mượn thuỷ tinh kính về soi thử xem sao.

Ngôn Phượng Cương hỏi:

- Thuỷ tinh kính có phải của nhà “Vũ lâm đệ nhất gia” không?

Thượng Tam Đường nói:

- Chính đó. Một trăm năm về trước, anh hùng thiên hạ họp nhau trêи đỉnh núi Thiếu Thất luận kiếm tỷ võ, đều quyết nghị Nam Cung Minh võ công cao nhất. Nên các vị chủ não mấy môn phái lớn làm một cái biển đề năm chữ “Thiên Hạ Đệ Nhất Gia”, cùng ký tên vào đưa tặng. Ngoài ra lại còn tặng thêm ba món bảo vật là Thuỷ tinh kính, Ngọc ngô công, Hiên viên đao và đính ước bốn điều, phàm các đồng đạo võ lâm đều phải tuân theo.

Đàm Khiếu Thiên hỏi:

- Thượng đại hiệp có biết ba món bảo vật ấy dùng vào việc gì không?

Thượng Tam Đường nói:

- Lão phu chỉ biết cái Thuỷ tinh kính có thể soi được những vật rất nhỏ. Ngọc ngô công có thể giải trừ bách độc. Còn dao Hiên viên thì nghe đâu như thời Hiên Viên Hoàng đế đánh Xuy Vưu, thường giắt bên mình. Con dao này chỉ được cái lâu đời, ngoài ra chẳng có công dụng gì đặc biệt.

Ông ngừng một lúc, rồi lại tiếp:

- Trung Nguyên Tứ Quân Tử uy danh lừng lẫy một thời, dẫu có đi đâu một mình, cũng chưa chắc đã ai hạ nổi. Huống hồ lại cả bốn người tụ họp một chỗ, thì dù đối phương võ nghệ cao cường đến đâu, nếu không qua một cuộc chiến đấu kịch liệt, vị tất đã có thể giết chết được cả bốn. Vì thế nên lão phu dám quả quyết rằng: trước khi bị hại, tất cả bốn người đều đã bị trúng thuốc mê, hoặc bị một lại ám khí gì rất độc. Nếu ta có Thuỷ tinh kính, thì có thể coi được những vết nhỏ ở trong cái dấu đỏ kia xem là cái gì, hoặc nếu có viên ngọc rết thì cũng có thể biết là bốn người bị trúng chất độc gì. Sau đó mới có manh mối mà điều tra ra hung thủ.

Huyền Nguyệt nói:

- Nghe đâu Nam Cung thế gia vì cớ bảo vệ thanh danh “Võ lâm đệ nhất gia” và ba món vật báu, nên năm vị chủ nhân năm đời đều bị ám sát. Bây giờ chúng ta đến hỏi, lại sợ phạm phải bốn điều cấm kỵ, ngộ lỡ họ không cho mượn thì đi đi về về mất công.

Thượng Tam Đường nói:

- Tại hạ và ông chủ đời thứ ba nhà Nam Cung đã từng cùng ngồi ăn uống với nhau một lần. Ông ta quý lão phu lắm, nên có mời phu nhân ra hội kiến...

Ông thở dài một tiếng, rồi lại tiếp:

- Đó là việc bốn chục năm về trước. Lão phu và vị tam đại chủ nhân nhà Nam Cung sau bữa cơm đó là thôi không gặp nhau nữa. Được ít lâu thì nghe tin ông ta bị ám sát.

Huyền Nguyệt đạo trưởng nói:

- Nếu Thượng lão anh hùng và nhà Nam Cung đã có tình thân hữu thì may ra có hy vọng mượn được hai món bảo vật ấy.

Ngôn Phượng Cương cau mày nói:

- Nam Cung thế gia cách đây hàng ngàn dặm, vừa đi vừa về ít nhất cũng phải mất gần một tháng. Huynh đệ trong lúc đi vội vàng, chưa kịp thu xếp việc nhà, chỉ sợ khó lòng đi theo các vị được.

Thượng Tam Đường vội nói:

- Ngôn huynh là người chủ sự đại cuộc, sao từ biệt dễ dàng thế được?

Ngôn Phượng Cương mỉm cười nói:

- Đã có Thượng huynh và Huyền Nguyệt đạo huynh, còn cần gì đến huynh đệ nữa?

Đồ GiangNam cũng ngoảnh lại bảo chàng thiếu niên ngồi bên:

- Chúng ta và Tứ Quân Tử không có giao tình gì cả, thiết tưởng cũng không nên tham dự vào việc này. Ta nên về thôi!

Lỗ Bình và Đàm Khiếu Thiên cũng nhấp nhổm muốn tháo lui.

Thượng Tam Đường không ngờ câu chuyện lại xảy ra như thế, mắt trông thấy mọi người đều kiên quyết muốn đi. Trong phút chốc trong bụng cũng bối rối, chưa biết nghĩ ra cách gì được.

Diệp Sương Y thấy tình hình như vậy, liền kêu to:

- Các vị tiền bối thong thả hãy đi, xin nghe tiện nữ trình bày một câu đã.

Giọng của nàng dịu dàng uyển chuyển như tiếng chim hoàng oanh, làm cho quần hào có người đã đi được vài bước, lại như bị tiếng nói thôi miên, đều dừng cả lại.

Chỉ thấy nàng sẽ cất gót sen, từ từ đi tới trước thi hài cha, quỳ xuống khấn rằng:

- Nữ nhi tài hèn, e không đủ sức báo thù cho cha, nhưng cha chết một cách vô cùng thảm khốc, phơi thây ở chốn núi hoang. Nếu con không báo được thù, thì mặt nào còn đứng ở trong trời đất? Cha có khôn thiêng, xin tha cho con cái tội rông càn.

Nàng khấn xong, đôi mắt long lanh, cặp má ửng hồng, nhẹ nhàng đứng lên. Đường Thông đứng bên đằng hắng một tiếng rồi hỏi:

- Diệp muội muốn nói gì?

Diệp Sương Y cười một cách đau khổ, nói:

- Anh để mặc tôi.

Đường Thông hơi biến sắc mặt, nhưng vẫn cố ôn tồn nói:

- Chỗ này không phải là con gái đứng ra mà cao đàm khoác luận được.

Thiếu nữ thốt nhiên quay phắt lại, trừng mắt nhìn chàng, sẵng giọng nói:

- Gia gia tôi đã mất, cuộc hôn nhân của chúng ta từ nay thôi không kể đến nữa!

Đường Thông ngẩn người ra, lắp bắp hỏi:

- Sao? Diệp muội nói sao?

Thiếu nữ nói:

- Việc báo thù cho gia gia tôi còn nặng gấp mấy nghìn lần việc hôn nhân của tôi. Vả gia gia tôi có trối lại bắt tôi phải lấy anh đâu...

Đường Thông giậm chân nói:

- Hoang đường, hoang đường...

Thiếu nữ cười khẩy nói:

- Tôi lo báo thù cho thân phụ, sao lại gọi là hoang đường?

Nói xong nàng tiến lên hai bước, tới trước mặt Huyền Nguyệt chắp tay vái, rồi nói:

- Sư thúc là một trong những người bạn tri kỷ của gia phụ, xin vì điệt nữ tác chủ.

Huyền Nguyệt đạo trưởng nói:

- Hiền điệt nữ có việc gì cần cứ nói, nếu có phải vì muốn tra cứu nguyên nhân cái chết của lệnh tôn, hoặc dò tìm hung thủ thì bần đạo xin cố sức.

Diệp Sương Y vái tạ, đưa mắt nhìn khắp quần hào một lượt rồi nói:

- Trong các quý vị, bất kỳ ai, nếu có thể tra xét được hung thủ giết hại gia gia tôi và các vị sư bá, lại thay tôi rửa hận thù, thì Diệp Sương Y này xin tình nguyện sung làm tỳ thϊế͙p͙ để báo đáp.

Giọng nói của nàng tuy nhỏ, nhưng ở trong tai quần hào nghe ra, thì chẳng khác gì tiếng sấm dội. Ai nấy đều sửng sốt đứng ngây người ra.

Diệp Sương Y sẽ lấy mấy ngón tay búp măng vén những sợi tóc mây loà xoà trước trán, hai hàng châu lệ cũng từ từ theo khoé mắt rơi xuống gò má.

Ngôn Phượng Cương chợt ngửa cổ lên trời cười ha hả:

- Thật là một cô con gái có hiếu, biết hứa thân để báo thù cha. Chuyện này có thể thành một thiên mỹ đàm trong lịch sử võ lâm được.

Đồ GiangNam ngoảnh lại nhìn con trai, rồi nói:

- Hài tử, chúng ta cũng nên lưu lại đây, may ra gặp vận may cũng chưa biết chừng.

Bao nhiêu người vừa rồi rục rịch toan đi, chỉ vì mấy câu nói của thiếu nữ, lại thay đổi chủ ý.

Đường Thông giận đến tái xanh cả mặt, máu uất bốc lên không sao nén được. Chàng cười gằn một tiếng bảo thiếu nữ:

- Được, để rồi ta xem kẻ nào bạo phổi dám đứng ra nhận lãnh việc ấy để mua chuộc lòng nàng.

Vừa nói dứt lời, tay phải chợt vung lên, tức thì ba cái kim châm nhỏ như ba sợi tóc tuột tay bay vút lên không.

Thốt nghe trêи không nổi lên mấy tiếng kêu nho nhỏ. Ba con chim hoạ mi vừa bay qua đều bị rơi cả xuống đỉnh núi chết ngay tức khắc. Môn ám khí tẩm thuốc độc của nhà họ Đường đất Tứ Xuyên quả độc vô cùng, chỉ hơi rớm máu là chết, không còn cách gì chữa được.

Quần hào trông thấy ba con chim chết, trong bụng cũng đều kính sợ bội phục. Cái tiếng “ám khí thế gia của họ Đường” mấy trăm năm nay lừng lẫy võ lâm, thật là danh bất hư truyền.

Huyền Nguyệt đạo trưởng thở dài một tiếng rồi nói:

- Hiền điệt nữ có lòng hiếu muốn báo thù cha tuy đáng khen thật, nhưng cái hành động trái lễ giáo ấy, e rằng không hợp lý.

Thiếu nữ nói:

- Cái thù giết cha không đội trời chung, nếu chỉ tích chứa trong bụng, đến nỗi đau đớn quá mà chết, hoặc rút kiếm đâm cổ tự tử ngay trêи đỉnh núi này, có lẽ lại được tiếng là hiếu nữ!

Huyền Nguyệt đạo trưởng nói:

- Cách đó tuy là hạ sách, nhưng cũng không thẹn với hai chữ “hiếu nữ”

Diệp Sương Y lấy tay áo lau nước mắt, thổn thức nói:

- Rất có thể điệt nữ làm việc này bị người đời chê là bội nghịch cương thường, coi rẻ luân lý. Nhưng cháu chỉ biết hết lòng thay cha báo thù, còn ai muốn chê trách chửi rủa thế nào mặc họ, miễn là cháu được thoả chí báo thù thì thôi. Kẻ nào làm cho cháu đau đớn vì mất cha, kẻ ấy sẽ phải đem máu ra mà bồi thường. Có gì là trái đạo?

Nàng nói đâu ra đấy, rõ ràng lý lẽ phân minh. Ngay trong lúc bấy giờ, không ai dám quyết đoán là phải hay trái.

Thượng Tam Đường gõ đầu gậy trúc xuống đất, nói:

- Lão hủ sống gần bảy chục tuổi đầu, những chuyện ngược đời thế này, bây giờ mới được nghe là một.

Đường Thông chợt dõng dạc tiếp lời:

- Việc hai họ Đường, Diệp liên thân, đã được gia mẫu và tiên nhạc quyết định, võ lâm xuyên trung ai cũng biết cả. Ai dám làm cho họ Đường, họ Diệp thay đổi ý kiến, huynh đệ xin vì danh dự họ Đường, hãy cho họ nếm thử mười ba mũi ám khí tẩm độc này cho họ biết tay!

Bạch y thiếu nữ lạnh lùng nói:

- Gia gia tôi chưa hề nói cho tôi biết việc hôn nhân của đôi ta mà trùng nhiên có việc ấy thật, thì bây giờ gia phụ đã mất, còn ai cai quản được hôn sự của tôi nữa? Hừ, nếu anh quả là một bậc trượng phu có chí khí thì tại sao không đứng ra nhận lãnh trách nhiệm rửa thù cho gia gia tôi? Hay còn hiềm vì võ công kém quá, không đủ sức đối địch với người ta chăng?

Đường Thông biến sắc mặt nói:

- Đường môn thế gia lập túc giang hồ hàng mấy trăm năm nay, phải sợ đứa nào? Đàn bà con gái, phải biết đạo tam tòng tứ đức. Nàng có mối thù cha, thì đã có họ Đường đứng ra thay nàng rửa hận. Việc gì phải phơi đầu lộ mặt ra chốn giang hồ, lấy sắc đẹp dụ người ta báo thù cho cha. Câu chuyện ấy đồn đi, còn ra thế nào nữa?

Diệp Sương Y vừa toan cãi lại, thì Ngôn Phượng Cương đã đón lời:

- Đường thế huynh không nên giận. Người ta có câu rằng: Đại trượng phu cũng khó giữ được vợ hiền con hiếu. Huống hồ Diệp cô nương cũng chưa về nhà họ Đường...

Đàm Khiếu Thiên cũng nói:

- Ngôn huynh nói rất phải. Diệp cô nương làm việc này tuy cũng có chút khác đời thật, nhưng cái đảm khí của nàng cũng đáng bội phục.

Kế rồi mỗi người một câu, nhao nhao phụ hoạ. Thượng Tam Đường thấy sắc mặt Đường Thông lúc thì xanh ngắt, lúc lại tái nhợt, biết chàng đã căm tức đến cực điểm. Nếu còn để chúng nói nữa, tất gây ra sự chẳng lành. Bèn vội gõ đầu gậy xuống đất, nói to:

- Thôi, tôi xin các vị. Lúc này không phải là lúc để chúng ta bàn chuyện phiếm...

Huyền Nguyệt đạo trưởng cũng nói với Diệp Sương Y:

- Hiền điệt nữ làm việc này dù phải dù trái, trong nhất thời lão phu cũng không sao đoán định được. Nhưng việc cần thiết lúc này, là phải điều tra nguyên nhân cái chết của Tứ Quân Tử. Nghe người ta nói nhà Nam Cung thế gia có viên ngọc rết, người bị trúng độc, dùng việc ngọc ấy thử, sẽ biết là trúng phải loại độc gì. Lại còn cái ấn đỏ trong lòng bàn tay của các nạn nhân, cũng cần phải mượn thuỷ tinh kính soi cho biết là dấu hiệu đặc biệt gì. Có biết rõ hai điều ấy, mới có đủ chứng cớ để truy tầm kẻ sát nhân. Vậy nên ta phải lập tức đi ngay, đến nhà Nam Cung thế gia mượn hai vật ấy, không nên chậm trễ.

Thượng Tam Đường hỏi:

- Thế còn bốn cỗ thi thể này thì sao? Chẳng lẽ cũng khiêng cả đến nhà Nam Cung thế gia hay sao?

Huyền Nguyệt đạo trưởng nói:

- Cố nhiên là phải mang đi. Nhưng tất phải thuê mấy cỗ xe ngựa.

Diệp Sương Y nói:

- Sư huynh cháu đang đi thuê xe ngựa, chắc đến chiều tối mới về tới đây?

Huyền Nguyệt trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Bây giờ chúng ta phải chia ra làm hai toán. Thượng đại hiệp và Ngôn chưởng môn đi trước đến nhà Nam Cung thế gia hỏi mượn hai món bảo vật đi đã, còn bần đạo và các vị khác sẽ hộ tống linh thể đi sau. Phải nói cho họ biết là mình chỉ mượn một lát, soi xong đem trả lại ngay. May ra họ nể mặt Thượng đại hiệp mà cho mượn chăng?

Thượng Tam Đường gật đầu khen phải. Đàm Khiếu Thiên nói:

- Tại hạ cũng xin đi trước với hai vị.

Kế rồi cả ba cùng cáo từ đi trước. Chờ cho bọn họ đi khỏi, Huyền Nguyệt đạo trưởng mới vẫy tay gọi Tống Văn Quang, Bạch Thiết Sinh rồi hỏi:

- Các vị hiền điệt lên tới đỉnh núi đã thấy lệnh sư tắt thở lâu chưa?

Tống Văn Quang nói:

- Gia sư và các vị sư trưởng chắc đã tắt nghỉ lâu rồi. Chỉ vì thấy dáng ngồi của các vị vẫn nghiễm nhiên như lúc còn sống, nên chúng cháu không dám kinh động. Vì thế mãi đến sau này mới biết.

Huyền Nguyệt đạo trưởng thở dài nói:

- Ta không thể nào tin được là trong khi bốn vị quân tử tụ họp một chỗ, mà lại bị giết một cách êm thấm như thế. Việc này bên trong còn nhiều uẩn khúc, khó giải thích quá!

Ngừng một lúc, ông ta lại nói tiếp:

- Con đường từ đây sang Nam Cung thế gia xa hàng mấy ngàn dặm. Bần đạo định lợi dụng đoạn hành trình đó, vừa đi vừa để ý dò tìm xem có thấy dấu vết gì chăng. Lát nữa hai vị hiền điệt nên giữ linh xa, để bần đạo núp trong đó cho tiện nghe ngóng. Các người ngồi ngoài, hễ thấy ai lảng vãng đến gần thì phải chú ý theo dõi hành động của họ.

Tống, Bạch đều kính cẩn vâng lời.

Không bao lâu, mặt trời đã ngả về Tây. Vạn Xung, đồ đệ của Diệp Trường Thanh đã thuê được một cỗ xe bốn bánh đem đến.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio