Trăng Lạnh Như Sương

chương 13: sen khai điện thủy hương lả lướt

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Đêm đã về khuyu, không gian yên ắng không một tiếng động. Từ xa xa vọng lại tiếng “Chuông Thái Bình” điểm sang canh, ba tiếng ngân dài, rồi dần dần lịm tắt. Trong điện không thắp đèn, bóng trăng ngả về tây xuyên qua lớp mành lụa mỏng tang mà rọi vào, ánh thủy ngân chảy tràn trên mặt đất.

Như Sương lại giật mình tỉnh cơn mê, chăn gấm lành lạnh mà mỏng đắp ở trên mình, trông như một cái kén tằm, cuốn chặt làm nàng hít thở không thông. Lòng nàng phập phồng nỗi kinh hoàng, thở phì phò, một lúc sau mới đưa tay sờ soạng bình thuốc. Nàng dốc ngược lọ thuốc một cách gấp gáp, ngón tay run lẩy bẩy tựa hồ cầm không nổi. Vất vả mãi mới đổ ra được một viên, ngậm vào miệng. Hơi thở dần dần ổn định, hương thuốc lạnh lẽo tỏa nhẹ ra từ trong miệng. Trên lưng, mồ hôi chảy đầm đìa ướt đẫm vạt áo, nàng uể oải nằm sấp trên giường, lòng bàn tay hơi xót lạnh, kiệt sức buông thõng tay xuống, lọ thuốc giờ đã trống trơn.

Bên cạnh, hô hấp của Hoàng Đế vẫn vô cùng bình ổn, nếu không phải đêm khuyu quá yên tĩnh, hẳn sẽ không thể nghe được. Cái loại âm thanh này nàng ghét cay ghét đắng, mỗi thời khắc đêm dài tĩnh mịch, đáy lòng nàng sẽ không đè nén được cái cảm giác phiền muộn vô bờ, kèm theo đó là nỗi hận thù thấu xương của chính mình.

Bấy giờ trong dạ dày lại nổi lên cảm giác cuồn cuộn chỉ muốn nôn ọe, sau mỗi lần uống thuốc, luôn luôn có một khoảnh khắc suy kiệt như thế, giống như tứ chi trăm mạch cũng chẳng còn là của mình, ngay cả cơ thể cũng thấy lơ lửng không thực.

Nàng lẳng lặng nằm một lát, lúc sau thấy đã lấy lại được chút sức lực, bèn im hơi lặng tiếng rời đi. Nương theo ánh trăng mờ ảo mà nhận diện đôi giày thêu hoa kim tuyến của mình, lớp lớp cánh sen óng ánh, ẩn hiện theo từng bước chân, mắt cá chân mịn màng trong suốt cũng lộ ra, tựu như trong đám hoa sen kia nở rộ một bông hoa thanh bạch vô ngần.

Nàng buông rèm mắt xuống, trên đời này đã không còn cái gì là trong sáng hoàn hảo không chút tỳ vết nữa rồi. Cho dù là ánh trăng, khi xuyên qua những lớp mành bạc, cũng chỉ là ánh than tro, nhạt nhòa như ánh đèn lúc mờ lúc tỏ, mông lung đến ngay cả bóng người cũng chỉ như một vài nét phác mờ nhạt.

Nàng bước đi cực khẽ, gần như không một tiếng động băng qua lớp lớp màn trướng. Cung nữ canh giấc còn đang ngồi đánh gật đánh gù bên ngoài điện, nàng ở trong này tiện tay cầm lấy một đèn cầy đựng trong đế hoa trên bàn.

Ban đêm oi ả như thế, ngay cả ánh nến nho nhỏ cũng làm người ta nóng đến khó chịu. Ngọn bấc giữa tâm đèn cháy sáng rực, trông như một đóa hoa nở rộ lung linh, song chỉ trong nháy mắt, đỏ hồng đến cực hạn lại trở về thành tro tàn.

Có ánh đèn sáng ngời bừng lên, cung nữ cũng choàng tỉnh, không nói gì, chỉ khe khẽ vỗ tay gọi người bước vào. Tới hầu nàng là cô cung nữ của điện Thanh Lương tên gọi Huệ Nhi, toan lấy áo choàng khoác thêm cho nàng, lại bị nàng đưa tay ra ngăn lại. Đêm dù chưa khuyu, nhưng vẫn oi bức đến lạ kỳ, ngay cả một ngọn gió cũng chẳng có. Bước ra ngoài điện, một gã nội quan cầm đèn đứng chực, thấy các nàng xuất hiện thì khom người đi trước dẫn đường.

Hành lang hun hút vẫn thật dài, dù rằng mỗi đêm đều đi một lần như thế. Ngọn đèn phía trước chập chờn mông lung, soi rõ nền gạch trơn nhẵn bên dưới cho nàng, đen bóng trong veo. Như Sương bỗng nhiên muốn cười rộ lên một cái. Đêm tĩnh mịch nhường này, một ngọn đèn cứ đi giữa hành lang quanh co khúc khuỷu, quả thực chẳng khác nào cô hồn dã quỷ, lừng lững bay về, im ắng thê lương.

Giữa điện Thanh Lương vẫn còn đốt một ngọn đèn, nội quan cùng cung nữ đều đang chờ hầu ở đó, nàng nói:

“Mọi người đi ngủ cả đi.”

Huệ Nhi dìu nàng bước vào phòng, buông tấm màn châu hình mắt lưới cho nàng. Nàng đã buồn ngủ lắm rồi, chỉ nói một câu:

“Thuốc đã hết, bảo bọn họ đem đến một lọ nữa.”

Liền nặng nề thiếp đi.

Giấc ngủ hôm nay ngon lạ thường, lúc tỉnh dậy thì mặt trời đã lên quá song cửa sổ, trong một tích tắc nàng chợt hoảng hốt ngơ ngẩn. Giống như ngày còn đang là một thiếu nữ, một lần thức tỉnh sau giấc ngủ trưa giữa khuê phòng trên Tú lâu, bà vú ở phía sau phòng đang chọn thước Phật. Không gian vắng vẻ im lìm, chỉ thấy ánh mặt trời qua song cửa sổ đang lặng lẽ chuyển bóng, chiếu lên bông hoa ngọc trâm cắm trong chiếc bình trên bàn, trắng ngần thanh thoát như ngọc vươn thẳng, đưa hương tinh khiết bay xa.

Nàng nhón tay lấy một nhành hoa, cánh hoa mềm mại khẽ vờn qua bên mặt, làm đầu óc con người trở nên mơ màng.

Bên ngoài song cửa sổ, hoa văn lồi lõm xuyên thấu vào in trên tà áo, gợn trên cánh tay, mỏng manh mà dày đặc quấn quýt, cánh lá dây leo uốn lượn tạo thành những hình thù đủ loại. Từ sâu trong những tàn hoa xanh rậm rịt, ve sầu ngân lên đôi tiếng thong thả. Hình như còn thấp thoáng tiếng nói cười râm ran ở đâu đây, phải chăng là Tiểu Hoàn của nàng cùng vài tên tiểu nha đầu nào đó, vẫn thường tinh nghịch cầm chiếc vợt bắt ve mà nô đùa bên hành lang như ngày xưa? Rồi chỉ chốc lát sau, Tiểu Hoàn sẽ vui vẻ xăm xăm đi vào cùng với một cái lồng mây, bên trong có một chú ve, đặt lên bàn trang điểm cho nàng...

Tiếng ve dần dần dịu đi, trên song cửa sổ dài chạm những hoa văn dày đặc tinh xảo, cột trụ màu son chạm rỗng long phượng kết hợp với nước sơn vàng kim, thứ hoa văn lộng lẫy lấp lánh nhường vậy, đỏ chót ánh vàng, nhìn lâu sẽ như đâm thẳng vào con mắt. Đầu ngón tay nàng nhẹ nới, một cây trâm ngọc hình nụ rất nặng rơi trên mặt đất, một tiếng “cạch” cực khẽ vang lên, rốt cuộc vẫn làm kinh động đến người khác, Huệ Nhi tiến vào:

“Nương nương đã tỉnh?”

Các cung nữ cũng nối đuôi nhau mà vào, bưng cả chậu để rửa mặt, nàng cũng hờ hững mặc cho người ta sửa soạn. Cuối cùng, đến lúc chải tóc, chỉ còn mỗi Huệ Nhi hầu bên cạnh, mới hỏi:

“Thuốc đâu?”

Một lọ sứ nho nhỏ sắc xanh biếc được đặt trước gương đồng, cầm lên tay thấy nhẹ bẫng, Như Sương lập tức mở nắp lọ, đổ ra lòng bàn tay. Lòng bàn tay nàng trắng ngần như ngọc, đựng vài viên thuốc như vậy, lại càng tôn thêm sắc màu đẹp đẽ như minh châu, đôi mày thanh tú khẽ nhíu lại, hỏi:

“Làm sao lại chỉ được có năm viên?”

Giọng Huệ Nhi cực thấp:

“Thuốc này bây giờ không dễ chế biến, bên ngoài cũng tiện thể muốn nhắn vào, thỉnh nương nương dùng tạm, đợi đến lúc pha chế được, sẽ đưa tiếp cho nương nương.”

Như Sương chậm rãi trút các viên thuốc trở lại trong bình, mỗi một viên rơi vào, lại nghe một tiếng “tách...tách” tựa như rơi thẳng vào lòng người. Nàng nhìn hình ảnh mình trong gương, vốn lông mày nàng nhạt, mí mắt cũng không rõ, cho nên thường dùng con ốc vẽ một đường phẩm xanh đen thật dài, trông càng như lẩn vào tóc mai, lấp ló xinh đẹp.

Phương pháp kẻ mi mắt này nhờ nàng mới ra đời, bấy giờ đàn bà con gái nhà quan ở trong cung ngoài cung cũng đều đua nhau làm theo, được gọi là “tần mi”. Nghe đâu cái phương pháp này vừa truyền ra, ở trên chợ bán ốc kẻ mí đã tăng giá lên đến mười kim tiền một cái, thế mà cung vẫn không đủ cầu. Quan Ngự Sử chuyên phụ trách vì chuyện này mà đã đệ trình lên một bản tấu khuyên gián, thỉnh Hoàng Đế ngăn lại. Hoàng đế bèn ra một cái sắc lệnh, từ nay trong cung không được xài ốc kẻ mí, chỉ có mình nàng là vẫn được dùng như trước. Vẻn vẹn chừng ấy, cục ngân sách vì một mình Như Sương mà mỗi tháng chi ra một nghìn hai lượng để mua phấn kẻ. Hoa phi nghe thế thì mỉa mai, nói:

“Cứ vẽ cho đủ kiểu thế, chẳng lẽ còn vẽ ra được một hàng lông mày thứ ba hay sao chứ.”

Lúc này, Như Sương khẽ cau đôi lông mày, đầu mày thấp thoáng, viền mắt trông như một dải núi xa, trên đầu nàng cài một chiếc thoa phượng bằng vàng đính đá thạch anh, phần tua thật dài buông rủ xuống tận hàng lông mi, khe khẽ rung rinh. Tình cờ sợi tua lắc mạnh, lộ ra một bông hoa đỏ đính ở giữa trán, đỏ thắm như một giọt máu, lấp lánh muốn rơi ra.

Nàng đặt lọ thuốc xuống, đưa tay chống má, trông chẳng khác nào một cô bé đang ngồi suy tư, mãi một hồi lâu, khóe môi chợt mỉm cười:

“Hắn muốn gì?”

Âm thanh của Huệ Nhi lại càng thấp hơn nữa, gần như là đang rủ rỉ vào tai:

“Nương nương hiển nhiên là đã rõ mà.”

Như Sương thản nhiên nói:

“Lúc này mà manh động, chẳng phải còn quá sớm hay sao?”

Huệ Nhi vẫn một vẻ cung kính như trước:

“Vương gia nói, nương nương hẳn đã có “bùa hộ mệnh”, ra tay sớm hay muộn, lúc nào mà chả được. Tốt hơn hết là vẫn nhanh tay lên một chút.”

Như Sương cứ ngồi nhìn ảnh mình trong gương mãi, qua hồi lâu, mói lạnh nhạt đáp:

“Được thôi, chỉ mong hắn không hối hận.”

Huệ Nhi mỉm cười:

“Nương nương thánh tuệ, dĩ nhiên sẽ không làm người thất vọng.”

Như Sương làm như không nghe thấy, dáng vẻ lười biếng uể oải nói:

“Phái người đi hỏi, Hoàng Thượng có còn ở bên kia hay không.”

Cũng không truyền làm cơm trưa, bởi Hoàng Đế vừa mới rời giường, nội quan liền bẩm báo rằng có Dự Thân Vương muốn yết kiến, Hoàng Đế chỉ thờ ơ nói:

“Vậy nói trẫm còn chưa dậy, bảo hắn chiều lại qua đi.”

Nói còn chưa xong, đã nghe thấy giọng nói của Dự Thân Vương, mặc dù cách cái cửa sổ, vẫn sang sảng cố chấp bay vào:

“Nếu thế, Định Loan sẽ ở đây chờ hầu.”

Hoàng Đế bấy giờ mới phát giác, cười:

“Ai bảo ngươi chọn đúng lúc... vào đi.”

Dự Thân Vương mặc trang phục tiến triều, áo mãng bào thêu chữ màu vàng kim, bạch ngọc rồng giắt một bên đai lưng, càng toát lên khí khái anh hùng, nhanh nhẹn quỳ xuống hành đại lễ. Vốn ở trước triều đình chàng đã được đặc miễn hành đại lễ, Hoàng Đế thấy chàng trịnh trọng như thế thì lấy làm lạ, đã biết là có chuyện, không khỏi cảm thấy nhức đầu, cười nói:

“Được rồi, được rồi, có chuyện gì thì nói trước đã, không cần phải khách khí như vậy.”

Dự Thân Vương vẫn chưa chịu đứng lên:

“Thần đệ ngu dốt, tự thấy bản thân không gánh nổi trọng trách, mọi việc chỉ đành dựa vào thánh chỉ của Hoàng Thượng.”

Hoàng Đế cười nói:

“Mấy cái lão già kia nhất định là đã lôi thôi làm đệ nhức đầu, ta biết, mấy ngày qua ta đã trì hoãn quá nhiều... ngày mai trẫm sẽ vào triều sớm đối phó với bọn họ là được, đệ còn muốn giở giọng trịch thượng với Tứ ca, thật làm ta cũng muốn trở mặt.”

Dự Thân Vương nói:

“Tạ ơn hoàng huynh.”

Hoàng Đế cười cười:

“Đứng lên đi, còn không mau đứng dậy, hay lại muốn giận dỗi với ta nữa à.”

Dự Thân Vương bật cười, nói:

“Bộ Binh nhân được điệp báo, người của Kỷ Nhĩ Mậu đã giết chết đại thủ lĩnh Bá Sở của Lan Hoàn, xem ra ý chí là không nhỏ.”

Ánh mắt Hoàng Đế chớp động, trầm ngâm không nói, Dự Thân Vương lại tiếp:

“Năm vừa qua, triều đình liên tiếp phải dụng binh áp chế dân phía nam, cho tới nay vẫn còn tiếp tục. Hơn nữa quan ải Định Lan là nơi hiểm yếu, dễ thủ khó công, cho nên mới tạm thời buông lỏng cho Kỷ Nhĩ Mậu, chỉ sợ bây giờ lại thành nuôi hổ trong nhà.”

Hoàng Đế nói:

“Nếu đã nuôi thành một con mãnh hổ, chúng ta cũng chỉ đành chờ đến khi chắc ăn được mười phần, mới có thể khua một cái cho rụng hết cả hàm răng nhọn của nó.”

Dự Thân Vương muốn nói gì lại thôi, rốt cuộc cũng chỉ tâu trước những việc quan trọng hơn. Tấu chương dồn dập rất nhiều, mãi đến tận đầu giờ Mùi mà vẫn tấu chưa xong, Hoàng Đế phải truyền mệnh ban thưởng cho Dự Thân Vương cùng ăn một bữa cơm trưa. Nội quan Trình Viễn lúc bấy giờ tiến nhanh tới hạ giọng bẩm báo:

“Hoàng Thượng, nương nương bên kia cũng chưa có dùng bữa.”

Hoàng Đế tuy có bốn phi tần, nhưng hai chữ “nương nương” trong miệng nội quan, cũng chỉ có ám chỉ Thục phi Mộ thị mà thôi. Hoa phi tuy rằng hiện thời là chủ quản hậu cung, song vì vụ thích khách mà không còn được Hoàng Đế sủng hạnh, Hoàng Đế tự nhiên chỉ yêu chiều Như Sương. Không chỉ cho nàng ở trong Dục Thanh cung là cung gần điện Thanh Lương nhất, hằng ngày đều kè kè bên cạnh mà còn cho cùng ăn cùng uống – một đặc quyền của riêng Hoàng hậu. Trong hậu cung thấy cái chế độ vượt quá cả giới hạn đó dĩ nhiên là xôn xao cả lên, ban Ti Lễ cũng không thể không can gián, Hoàng Đế nói:

“Trẫm đường đường là thiên tử, chẳng nhẽ hằng ngày ăn cơm cùng cô nào cũng không thể tự quyết định?”

Nếu mà Hoàng Đế đã bực mình đến nước ấy, vậy thì từ đây chỉ có vậy mà tuân theo, mà lúc bấy giờ Trình Viễn nói như thế, ý là muốn nhắc nhở, Thục phi vẫn đang chờ chàng.

Hoàng Đế “à” một tiếng, đoạn nói:

“Vậy thì đi báo với Thục phi, hôm nay trẫm dùng cơm cùng Thất đệ, không cần phải chờ trẫm.”

Trình Viễn vừa đi được mấy bước, Hoàng Đế đã gọi giật gã lại:

“Nhiều ngày qua khẩu vị của Thục phi không tốt, chỉ sợ là hay ăn lạnh quá làm tổn hại đến dạ dày, dặn nàng ấy đừng ham dùng dưa và mấy loại rau quả lạnh quá, mấy thứ đó không tốt cho dạ dày.”

Trình Viễn thưa “vâng”, Hoàng Đế lại nói:

“Còn có, truyền ngự y bắt mạch một cái, đừng trì hoãn lại thành bệnh ngoài da.”

Trên mặt Trình Viễn lập tức hiện lên vẻ lúng túng, Hoàng Đế biết tính tình Như Sương xưa nay cố chấp, chỉ toàn giấu bệnh sợ thầy, vừa nghe nói truyền ngự y, như một đứa trẻ con nghe phải uống thuốc, nhất định sẽ cáu kỉnh làm loạn không thôi.

Hoàng Đế nói:

“Cứ bảo là ý chỉ của trẫm, người đã không khỏe, cớ nào lại không chịu truyền ngự y.”

Trình Viễn nhận mệnh mà đi, Dự Thân Vương thấy Hoàng Đế dặn dò ân cần như thế, phải nói là cực kỳ cẩn thận, trong lòng yên lặng suy nghĩ.

Một bữa trưa này tuy đầy sơn hào hải vị, nhưng còn phải để ý đến lễ nghi, Dự Thân Vương cũng không phải con người tham ăn tục uống, hơn nữa Hoàng Đế vốn ngại nóng, xưa nay vào những ngày nóng ăn rất ít, cho nên hai người đều cảm thấy nhạt nhẽo vô vị. Dùng xong bữa trưa, cung nữ bưng trà đến, Trình Viễn xong lệnh đã trở về, quả nhiên nói:

“Vạn Tuế gia, nương nương nói người không bệnh, không cần phải gọi ngự y.”

Trong lòng Hoàng Đế vốn đã dự kiến như vây, Trình Viễn bất ngờ cười hì hì, lại ấp a ấp úng nói:

“Còn có câu... nô tì cũng không biết có nên tâu lại hay không.”

Hoàng Đế bỗng nhiên nổi giận:

“Cái gì mà nên nói hay không nên nói, đây là cung cách đối đáp với chủ nhân hay sao? Ngày thường trẫm buông thả cho bọn ngươi quá mức, đứa nào cũng chỉ thiếu điều tạo phản nữa thôi. Còn dám dong dài, trẫm đánh gãy cái đôi chân chó của nhà ngươi.”

Trình Viễn trước giờ vốn được Hoàng Đế một bề tin tưởng, không ngờ hôm nay đột nhiên lại dẫm phải cái đinh như vậy, sợ tới mức chỉ liên tục dập đầu mà kêu:

“Nô tì đáng chết.”

Hoàng Đế thở phì một hơi, tiếp lấy chén trà cung nữ dâng lên, nhấp một ngụm. Dự Thân Vương thấy Trình Viễn đã lui ra, bèn nói:

“Thần đệ vẫn canh cánh một chuyện, chỉ mong cầu tình hoàng thượng một lần, có lẽ cái này không nên là do thần đệ nói, song Định Loan không nói, cũng sẽ chẳng có ai dám hỏi Tứ ca. Ấy là, Hàm phi cũng không phải phạm lỗi lớn, mong hoàng huynh vì nể mặt hoàng trưởng tử, tha cho cô ấy lần này.”

Hoàng Đế hỏi:

“Tại sao bỗng dưng lại nhắc chuyện này thế?”

Dự Thân Vương đáp:

“Thần đệ nghe nói hôm trước hoàng trưởng tự bị sốt, Hàm phi là mẹ đẻ, từ khi sinh ra đến giờ đều à do cô ấy một tay chăm bẵm cho hoàng trưởng tử, chung quy vẫn tốt hơn nhiều so với người ngoài.”

Hoàng trưởng tử Vĩnh Di năm nay mới ba tuổi, vốn ở cùng mẹ đẻ là Hàm phi, từ ngày Hàm phi bị giáng chức thì hoàng trưởng tử cùng với bốn nhũ mẫu và sau gã nội quan phải nương nhở nơi Hoa phi mà ở. Đã nhiều ngày qua thời tiết nóng bức, Vĩnh Di bị ốm, khóc nháo không thôi, Hoàng Đế còn chưa kịp phiền não vì việc này, đã nghe Dự Thân Vương nói thế, gật gật đầu:

“Cũng được.”

Bèn sai người cho truyền Trình Viễn vào, nhưng thấy Trình Viễn tiu nghỉu mà hành đại lễ, Hoàng Đế vừa bực vừa buồn cười, trách gã:

“Nhìn xem, thật có triển vọng quá đi thôi.”

Vẻ mặt Trình Viễn đau khổ nói:

“Nô tì nói xằng nói bậy, thỉnh xin Hoàng Thượng trách phạt.”

Hoàng Đế nói:

“Trẫm cũng chẳng phạt ngươi, còn có chuyện cho ngươi làm đây. Ngươi hãy tức khắc trở về Tây Trường kinh một chuyến, truyền ý chỉ của trẫm, mệnh cho Hàm phi đến Đông Hoa kinh này.”

Thời tiết nóng như vầy, rong ruổi cả trăm dặm đường, vậy cũng coi như là khổ sai, trong nháy mắt Trình Viễn lại đã tươi cười rạng rỡ, vội vàng hành lễ:

“Nô tì tuân chỉ.”

Sau bữa trưa, Hoàng Đế lại theo thường lệ muốn đi nghỉ trưa, Dự Thân Vương bèn cáo lui, gặp tiểu thái giám Lục Phúc đang thêm nước vào cho cái lồng chim bên hành lang, thấy chàng vội vàng thi lễ:

“Kính gặp Vương gia.”

Dự Thân Vương biết gã cũng là đồ đệ của Triệu Hữu Trí, có chút tài lanh, liền bảo:

“Ngươi đi xem xem Trình Viễn đã khởi hành hay chưa, nếu chưa ra khỏi cung thì bảo ta chờ gã trước cửa cung, có đôi điều muốn căn dặn.”

Lục Phúc vội vâng dạ một tiếng rồi chạy đi.

Dự Thân Vương trở ra, mệnh cho kiệu mát đi đến ngoài cửa Càn Khôn chờ, quả nhiên chỉ thoáng chốc đã thấy Trình Viễn theo hai gã nội thị mò đến. Trông thấy kiệu của Dự Thân Vương, Trình Viễn liền bảo hai gã nội thị đứng yên đó chờ, còn mình gã bước lên, ở xa xa hành lễ:

“Nô tì kính gặp Vương gia.”

Dự Thân Vương nói:

“Miễn lễ.”

Trình Viễn thưa:

“Bẩm, nghe nói Vương gia cho gọi, không biết là Vương gia có điều gì sai bảo.”

Dự Thân Vương hỏi:

“Lần này về kinh đi đường thủy hay đường bộ.”

Từ Đông Hoa kinh về Tây Trường kinh, có thể đi đường bộ, hoặc đi đường thủy. Đường thủy xa, thuyền đi lại chậm. Trình Viễn bèn thưa:

“Nô tì tính đi đường bộ, cưỡi ngựa thì sẽ mau hơn chút.”

Dự Thân Vương vuốt vuốt cằm, nói:

“Hàm phi phụng chỉ đến hành cung, ngươi trên đường phải hầu hạ cẩn thận, thời tiết rất nóng, kiệu xe mệt nhọc, đừng để Hàm phi bị bệnh.”

Trình Viễn muốn thăm dò thử ý chàng, bèn nói:

“Vương gia, cung quyến theo lệ vẫn thường đi đường thủy.”

Dự Thân Vương đáp:

“Ta biết, nhưng Hàm phi mấy tháng nay đã không được gặp hoàng trưởng tử, sốt ruột nhớ con, tất nhiên sẽ muốn đi đường bộ.”

Trình Viễn đã ngộ ra, không khỏi toát mồ hôi như tương, hướng về phía Dự Thân Vương mà hành lễ:

“Nô tì đã hiểu.”

Tiếng ve râm ran từng đợt lọt vào tai, thời tiết nóng bức, ngoài cửa cung tuyệt không được che đậy, sau buổi trưa mặt trời chói chang như đốt. Trình Viễn ra mồ hôi ướt đầm y áo, lại bị mặt trời thiêu cho khô, kết thành một lớp váng, nhộn nhạo trên lưng làm cho gã vừa đau vừa ngứa. Nghe Dự Thân Vương nói:

“Lần này đi vất vả, đi nhanh về nhanh, đừng làm hỏng việc.”

Trình Viễn cung kính đáp:

“Thỉnh Vương gia yên tâm, nô tì sẽ cố gắng hết sức.”

Dự Thân Vương gật đầu một cái, từ bên trong đã đưa ra ba con tuấn mã, Trình Viễn liền hành lễ mà từ biệt Dự Thân Vương, cùng hai gã nội thị đi theo, dẫn ngựa ra xa khoảng trăm bước, đi thẳng ra tận cấm cung, mới dám nhảy lên lưng ngựa mà đi.

Dự Thân Vương nhìn theo ba con ngựa cuốn vó mà phi, càng lúc càng xa, mới thở nhẹ một hơi.

Trình Viễn làm việc quả thực ổn thỏa, đến vào giờ Dậu ngày thứ hai, đã theo hộ tống kiệu của Hàm phi chạy về hành cung. Thời tiết nóng nhường nào, hai ngày mệt mỏi chạy đi chạy lại giữa đường xa gió cát, vất vả là không cần phải bàn. Hàm phi xưa nay khó mà chịu được chuyến đi cực khổ như vậy, Trình Viễn phải khéo léo khuyên bảo cô ta mới nghe, rạng sáng lập tức khởi hành, bỏ thuyền mà đi xe, một đường đi thật quá gian nan. Sau khi vào cung tắm rửa thay quần áo qua loa, xong lập tức đi gặp Hoàng Đế để tạ ơn.

Trời thì nóng, đang lúc hoàng hôn khí nóng vẫn chưa giảm, Hoàng Đế ở Thủy các phía sau điện Thanh Lương hóng mát cùng Như Sương. Khẩu vị của Như Sương gần đây rất không tốt, bữa tối chỉ ăn cho có lệ mà cũng không chịu, lúc này ngự phòng dâng lên một bát nước đá, nguyên là một món ăn ngọt dùng ngó sen tươi, dưa ngọt, đào mật, mật ong trộn cùng đá vụn. Như Sương xưa nay vốn thích đồ lạnh, Hoàng Đế lại sợ nàng đau dạ dày, chung quy vẫn không cho nàng ăn nhiều đồ lạnh, chỉ lệnh nội quan lấy nửa bát cho nàng.

Như Sương đã ăn xong nửa bát rồi, thấy trước mặt Hoàng Đế vẫn còn hơn phân nửa, chiếc bát sứ mỏng trong suốt màu xanh ngọc, bên trong còn có một cụm băng vụn, mật ong nổi lềnh bềnh, trông càng ngọt càng mát, thơm mát đến thẩm thấu cả người. Nàng cầm chiếc nĩa bạc, tiện tay vớt một mẩu đào mật ăn. Hoàng Đế cười cười:

“Này, này, sao lại có chuyện đi cướp của nhà người ta thế nhỉ.”

Như Sương ngậm cái nĩa nhọn, ngoảnh đầu lại cười, để lộ hàm răng trắng muốt như ngọc:

“Cái này làm sao có thể gọi là cướp được chứ.”

Nói xong lại nhón một miếng dưa ngọt bỏ vào miệng, Hoàng Đế giơ bát ra xa, tiện tay đưa cho tiểu thái giám, nói:

“Không được ăn nữa, phải biết thương cái dạ dày một chút, ngày hôm qua còn không biết ăn bậy bạ cái gì, để cho sáng nôn thốc nôn tháo cả ra, bây giờ lại đã quên rồi hay sao?”

Như Sương còn đang muốn đối đáp lại, bỗng nhiên nội quan bước vào bẩm tấu, nói Hàm phi đã tới, muốn vào thỉnh an Hoàng Đế. Nụ cười trên khuôn mặt Như Sương tắt lịm, qua một hồi sau cười lạnh một tiếng, ném thẳng cái nĩa trong tay lên bàn đánh cạch một cái, liền bỏ đi.

Hoàng Đế chỉ đành bảo với nội quan:

“Nói cô ta không cần thỉnh an, hoàng trưởng tử còn đang ở cung của Hoa phi, để cô ta đi thăm hoàng tử trước đi.”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio