Trong Bóng Tối

chương 60: họa bì (2)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Nơi Đường Tiểu Mạt sống rất nhếch nhác tuềnh toàng, không giống phòng của con gái mà y như ký túc xá nam. Quần áo la liệt trên giường và sofa, đã thế lại còn toàn những trang phục kỳ dị, chẳng biết đã mặc hay chưa, giặt hay chưa, cứ vứt lung tung lộn xộn hết với nhau. Thẩm Lưu Phi ngồi trên sofa, lại cảm thấy phía sau có vật lạ, y vươn tay móc được một cái áo lót nữ viền ren màu hồng từ phần eo phía sau lưng. Y cầm cái áo trong lên, nhìn Đường Tiểu Mạt trước mắt mà không thèm thay đổi sắc mặt.

Đường Tiểu Mạt giật lại nội y từ trong tay Thẩm Lưu Phi rồi cười xấu hổ: “Ngại quá, tôi quên dọn.”

Thẩm Lưu Phi cũng không muốn tiếp tục ngồi trong không gian như thế này nữa, y đi thẳng vào vấn đề: “Tranh của ông cô đâu?”

Thẩm Lưu Phi được Đường Tiểu Mạt đưa vào trong phòng làm việc của Đường Triệu Trung, y ngẩng lên thì thấy ngay một thanh đao.

Một họa sĩ với sở trường vẽ tranh, tình cảm cũng nên được hun đúc theo hướng như vậy, nhưng Đường Triệu Trung lại treo một thanh đao tỏa ra sát khí bừng bừng ở nơi cực kỳ dễ thấy, đi ra đi vào kiểu gì ngẩng lên cũng đập vào mắt, thật sự làm người ta cảm thấy tò mò.

Thẩm Lưu Phi tiến về hướng thanh đao này, y hơi ngẩng đầu lên nhìn thì thấy giọng Đường Tiểu Mạt vang lên từ phía sau: “Cầm trong tay mà nhìn sẽ rõ hơn, để tôi lấy cho anh.”

Dùng một cái ghế để kê chân, Đường Tiểu Mạt nhanh nhẹn leo lên lấy thanh đao xuống rồi đưa vào tay Thẩm Lưu Phi. Phần lưỡi gần chuôi đao thì hẹp và dài, rộng và cong hơn khi hướng lên trên, nhìn thôi đã thấy uy nghi khí phách, cầm trong tay mới nhận ra nó còn rất nặng. Vỏ đao được làm bằng sừng tê giác, bên trên có hoa văn năm móng vuốt rồng, được khắc hai chữ “Thanh Bình” trên bề mặt. Thẩm Lưu Phi lật đao sang mặt còn lại, cẩn thận đánh giá hai hàng chữ bên trên, y khẽ đọc lên: “Trăm công luyện thành mũi đao, muôn đời tàn trong một nhát… Đúng là một thanh đao đẹp.”

“Rút ra đi, đẹp hơn nhiều đó.” Đường Tiểu Mạt lấy thanh đao từ trong tay Thẩm Lưu Phi, cố gắng rút đao ra nhưng lại thấy đao cắm trong vỏ rất chặt, dồn bao nhiêu sức cũng không rút ra được. Chưa kể thanh đao vốn nặng, cô nàng cố gắng rút mấy lần mà mặt đã đỏ bừng, dù có dùng hết sức bình sinh nhưng vỏ đao vẫn kín bưng.

Thẩm Lưu Phi khẽ nhếch môi khi nhìn dáng vẻ nhọc lòng của cô nàng, y lấy thanh đao từ tay Đường Tiểu Mạt, tay chỉ hơi xoay nhẹ đã dễ dàng rút được thanh đao ra.

Thân đao dường như rung lên trong khoảnh khắc ra khỏi vỏ, ánh sáng từ lưỡi đao khiến người ta nhất thời không thể mở nổi mắt, quả nhiên là thanh đao tốt được tạo ra từ trăm ngàn công phu.

Thẩm Lưu Phi hỏi: “Ai rèn thế?”

Đường Tiểu Mạt nói: “Một người bạn của ông nội, còn là hậu duệ của thợ rèn kiếm đời thứ sáu nào đó, nếu sống đến bây giờ thì chắc ông ấy có thể đăng ký di sản văn hóa phi vật thể đó.”

Thẩm Lưu Phi cho thanh đao vào trong vỏ, y tiếc nuối nói: “Qua đời rồi à?”

Đường Tiểu Mạt gật đầu: “Cũng giống như ông nội tôi, người đó không biết xu nịnh hay tâng bốc, chỉ mải miết rèn những thanh đao tốt thôi. Cơm ăn áo mặc thiếu thốn, cuộc sống cơ hàn khổ cực, về sau lại lâm bệnh nặng nên chẳng bao lâu sau đã qua đời.”

Trong hai năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển di sản văn hóa phi vật thể được đưa ra kịp thời, điều kiện sống của một số thợ thủ công già đã được cải thiện rất nhiều, nhưng trong giai đoạn đầu thì quả thực chẳng dễ dàng gì. Bản thân Thẩm Lưu Phi là họa sĩ, cũng là một thành viên của giới văn hóa nghệ thuật, y thấu hiểu đây là thời đại vàng thau lẫn lộn, ầm ĩ xốc nổi, những kẻ không ham danh lợi và tự chống đỡ trong cái giới này đang càng ngày càng khó kiếm ăn hơn.

Đường Tiểu Mạt chỉ vào một cái bình mà bên có rất nhiều tranh cuộn, rồi lại bĩu môi chỉ sang cái tủ lớn làm từ gỗ lê: “Mấy thứ này đều là đồ ông nội tôi cất giữ, tôi cũng không muốn vứt đi sau khi ông ấy mất tích.”

Mở ngăn kéo ra xem thì thấy toàn là đồ dùng của họa sĩ, có bút lông thân tre, có nghiên mực cổ dài hơn ba mươi phân. Nhà họ Đường nhìn thì nghèo khó nhưng bút mực giấy nghiên được cất giữ ở đây đều toàn là đồ quý.

Trong đó có một hộp tranh bằng gỗ long não được buộc bằng dây lụa đỏ, Thẩm Lưu Phi lấy hộp tranh, y cởi dây buộc ngoài, nhấc bức tranh bên trong lên rồi từ từ trải ra.

“Đây hẳn là bắt chước Cừu Anh.” Thẩm Lưu Phi cẩn thận quan sát, vẻ tán thưởng ánh lên trong mắt y nhưng khóe môi thì đanh lại. Giá tranh của Cừu Anh là cao nhất trong “Minh Tứ Gia”, nếu thứ này bị tưởng nhầm thành tác phẩm gốc thì lớp giấy mỏng này sẽ còn đắt hơn cả mạ vàng.

Minh tứ gia là tên gọi bốn danh hoạ nổi tiếng của Trung Quốc sống vào đời nhà Minh, bao gồm Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Đường Dần và Cừu Anh. Cừu Anh là một họa sĩ vẽ thuê đã thực hiện rất nhiều các tranh cảnh phong thủy, tranh kể chuyện, và những bức tranh vẽ vườn tược. Ông luôn tuân thủ các nguyên tắc vẽ tranh trong từng thể loại, điều này khiến việc xác định đâu là tác phẩm gốc dựa trên phong cách hội họa của riêng ông gặp nhiều khó khăn.

Đường Tiểu Mạt thở dài: “Thôi thì coi như trong cái rủi có cái may, ông nội đã nghiêm túc chăm chỉ nghiên cứu vẽ tranh cả đời nhưng lại chẳng có tiếng tăm gì, ai mà ngờ lại thành danh vì một vụ án giết người chứ.”

“Vẫn chưa, phải chờ cảnh sát công bố chi tiết vụ án, sau đó cánh cửa nhà cô sẽ bị đám phóng viên đạp đổ.” Thẩm Lưu Phi đặt tác phẩm mô phỏng tranh của Cừu Anh xuống rồi lại lấy một tập toàn những mẩu tin trên báo được cắt ra nhìn, y hỏi Đường Tiểu Mạt: “Trước đây ông của cô đã từng tổ chức triển lãm tranh chưa?”

Đường Tiểu Mạt nói: “Chuyện từ mấy chục năm trước rồi, hồi ba tôi mới sinh ra cơ, tôi chưa bao giờ nghe ông nội nhắc đến, hỏi đến thì ông sẽ không vui.”

Hồi ấy báo chí còn chưa bị ghẻ lạnh, Đường Triệu Trung từng tổ chức triển lãm tranh một lần duy nhất, ai mà ngờ lại bị giới phê bình nghệ thuật chỉ trích công kích đến tan tác tơi bời, cuối cùng ông không thể lăn lộn trong giới nghệ thuật nữa, buộc phải đổi nghề đi làm nhân viên quản lý phòng tranh.

So với tác phẩm hội họa của Đường Triệu Trung thì rõ ràng Thẩm Lưu Phi cảm thấy hứng thú với những câu chuyện ngày xưa này hơn, y cẩn thận lật xem những bài báo và bài đăng tạp chí, sau đó đã phát hiện ra một cái tên vô cùng quen mắt, Lý Quốc Xương.

Lý Quốc Xương là nhà phê bình nghệ thuật chỉ trích kỹ thuật vẽ tranh của Đường Triệu Trung cay nghiệt và gay gắt nhất, đồng thời cũng là người có uy quyền và nổi tiếng nhất. Bản thân ông ta còn là người đi đầu trong giới sưu tầm, sau hàng loạt những lời công kích hạ bệ nặng nề, đương nhiên là từ đó trở đi tranh của Đường Triệu Trung không thể tăng giá thậm chí còn chẳng có ai đoái hoài, gần như tương đương với bản án tử hình dành cho một họa sĩ.

Thẩm Lưu Phi nhớ lại lời Đường Triệu Trung nói trong bệnh viện mà cảm thấy hết sức kỳ quái, y hỏi rất tỉ mỉ chi tiết nhưng Đường Triệu Trung lại đáp rất qua loa hàm hồ. Về lý thì một họa sĩ, còn là một họa sĩ có thể nhái được “Lạc Thần Phú Đồ” đến trình độ đủ để đánh tráo thì hẳn phải có năng lực quan sát mạnh mẽ, làm gì có chuyện không thể nhớ được ngoại hình của hai tên bắt cóc đã từng đưa mình đi khắp nơi.

Thấy Thẩm Lưu Phi đứng bất động, dáng vẻ nhíu mày cực kỳ nghiêm túc, Đường Tiểu Mạt tò mò hỏi: “Thầy Thẩm đang nghĩ gì vậy?”

Thẩm Lưu Phi buông tài liệu trong tay ra rồi đóng ngăn kéo lại, y thản nhiên nói: “Tôi đang nghĩ tới một người bạn.” Nhưng nói ra rồi thì lại nghĩ đến thật, Tạ Lam Sơn đã chơi cả một ngày với hai mẹ con Tống Kỳ Liên, hẳn là đang chuẩn bị tận hưởng bữa tối và một đêm cùng nhau.

“Bạn gì thế? Cảnh sát Tạ à? Tôi nhìn ra từ lâu rồi, anh rất quan tâm tới anh ta.” Nhìn vẻ mặt của Thẩm Lưu Phi là biết bản thân đã đoán đúng, Đường Tiểu Mạt đắc ý nở nụ cười, “Quan tâm người ta thì nói ra đi chứ, giờ người ta đang đi ăn với bồ cũ kìa, chưa biết chừng đến đêm lại muốn làm gì đó, đến khi ấy anh có hối hận cũng không tới kịp.”

“Có lý.” Thẩm Lưu Phi khẽ gật đầu rồi xoay người định đi.

“Ơ ơ? Không xem tranh nữa à?” Đường Tiểu Mạt thất thanh hô lên sau lưng y, nhưng chẳng có tác dụng gì, cô không giữ được người ta.

Bảo chuyến đi công viên giải trí này là hẹn hò thì không đúng lắm, Tạ Lam Sơn không ôm suy nghĩ như vậy, y chỉ nghĩ đó là một đứa bé thiếu thốn tình thương của cha nên muốn đưa cậu bé đi ra ngoài chơi một phen. Toàn bộ hành trình giống như một buổi giao lưu giữa cha mẹ và con cái hơn, nào là lái xe đua, vào công viên khủng long, đi tàu lượn siêu tốc . Chơi đến tận khi màn đêm buông xuống và ánh sao lấp lánh trên bầu trời, Lưu Sướng nói với anh: “Chú Tạ ơi, con đói.”

Tạ Lam Sơn rất hào phóng, anh đưa hai mẹ con tới một nhà hàng hải sản đắt tiền, anh cười với Tống Kỳ Liên: “Đồ tươi ngon nhất là bào ngư, muốn ăn gì cứ gọi thoải mái.”

Tống Kỳ Liên lật thực đơn rồi lại quan tâm hỏi Tạ Lam Sơn muốn ăn ngao hay ốc.

Tạ Lam Sơn vội lắc đầu: “Em cứ chọn đi, tôi dị ứng với động vật có vỏ như sò hến.”

“Cái gì?” Tống Kỳ Liên tưởng mình nghe nhầm.

“Thật mà.” Tạ Lam Sơn nhớ lại lần đầu đến nhà Thẩm Lưu Phi, nguyên nửa đ ĩa hàu sống đã quật ngã anh, có cho tiền cũng không dám tái phạm.

“Sao thế được?” Tống Kỳ Liên nghĩ anh đang nói đùa nên cũng cười theo, “Anh còn nhớ chúng ta đã tới Hải Khẩu vào kỳ nghỉ hè năm nhất không, đúng lúc có lễ hội hải sản, anh và lão Đào đã đích thân cầm túi lưới và xẻng cào xuống nước mò hải sản tươi, có vẹm, nhím biển rồi cả hàu nữa, gọi thêm vài vại bia rồi cuối cùng ăn hết sạch mà.”

Hải Khẩu là là một địa cấp thị nằm ở bờ biển phía bắc của đảo Hải Nam, thuộc tỉnh Hải Nam, ngoài khơi phía nam Trung Quốc.

Điều đáng nhớ không chỉ là lễ hội hải sản mà đây còn là lần đầu tiên họ nắm tay nhau với tư cách người yêu. Khi ấy Tạ Lam Sơn ngại chết khiếp, đầu ngón tay cứ khẽ đụng vào rồi lại rụt về, cuối cùng Tống Kỳ Liên vẫn là người chủ động vươn tay ra nắm lấy tay anh. Đào Long Dược thì đã say bất tỉnh nhân sự, bọn họ tay trong tay đi dạo, cát bên bờ biển rất mềm và mịn, những ngôi sao trên bầu trời lấp la lấp lánh.

Tống Kỳ Liên còn muốn hồi tưởng tiếp nhưng Tạ Lam Sơn lại ngắt lời cô.

“Thật à? Em chắc chứ?” Tạ Lam Sơn cố nhớ lại một chút nhưng anh nhận ra rõ ràng mình có ký ức này nhưng lại rất mông lung mờ mịt, tựa như sương đọng trên ngọn cỏ buổi sớm mai, nó ở đó nhưng sẽ biến mất khi mà bạn còn chưa kịp nghĩ đến. Anh cười cười, dời mắt khỏi gương mặt của Tống Kỳ Liên rồi quay sang nghênh đón nhân viên phục vụ mang đồ ăn và rượu tới, “Chuyện đã xảy ra cách đây rất nhiều năm rồi, tôi không nhớ rõ, nhưng giờ tôi thật sự không ăn nổi, dính tí thôi là bắt đầu khó thở rồi.”

Nụ cười của Tống Kỳ Liên cứng đờ. Cô nhìn Tạ Lam Sơn bật nắp chai vang trắng rồi rót cho hai người bọn họ mỗi người nửa ly, anh nhìn trước rồi mới ngửi, phong thái thẩm rượu rất tao nhã và chuyên nghiệp.

Nhà hàng ở ngoài trời, gió đêm mát mẻ, đằng sau bọn họ là vòng đu quay khổng lồ đủ màu sắc đang chầm chậm di chuyển trong bóng tối, điểm tô cho bầu trời đêm thêm nét rực rỡ lạ kỳ như trong truyện cổ tích. Đáng ra Tống Kỳ Liên phải cảm thấy ngập tràn vui vẻ trong hoàn cảnh và bầu không khí như vậy, nhưng hiện tại cô lại nảy sinh mối nghi ngờ mãnh liệt khi đang ngồi trước mặt người đàn ông này.

Cô nhớ đến những lời Cao Châu Âm đã nói khi rơi lệ.

Lưu Sướng ngồi cạnh nói: “Chú Tạ ơi, con cũng muốn uống.”

Tạ Lam Sơn vươn tay đưa hạt dẻ cho cậu nhóc, nạt một câu “Ranh con” nhưng sau đó lại rót cho cậu nhóc non nửa ly, anh dặn: “Uống vừa thôi, gì thì gì cũng là rượu, đừng có để say, mẹ cháu sẽ mắng chú đấy.”

Lưu Sướng nhấp một ngụm vang trắng, nhìn giống nước trái cây nhưng hóa ra lại chẳng ngon gì cả, cậu nhóc thè lưỡi, sau đó bỗng nghiêm mặt hỏi: “Chú Tạ, ba con không giết người chứ?”

Tạ Lam Sơn chưa từng nhắc tới vụ án của Lý Quốc Xương trước mặt đứa nhóc, Tống Kỳ Liên cũng không, có lẽ Lưu Minh Phóng đã làu bàu oán hận khi đón con trai qua. Tạ Lam Sơn ngồi xổm xuống trước mặt Lưu Sướng một cách tự nhiên, anh nhìn thẳng vào ánh mắt cu cậu rồi mỉm cười trấn an thằng bé đang căng thẳng: “Vụ án đã sáng tỏ rồi, ba của cháu không giết người.”

Đối với một cậu bé tầm tuổi này, cha còn cao lớn hơn cả ông trời, Tạ Lam Sơn thấu hiểu điều đó một cách sâu sắc vô cùng. Dù anh và Lưu Minh Phóng không thể hòa bình với nhau, anh cũng không muốn hủy hoại thần tượng trong lòng một đứa bé.

Tạ Lam Sơn như thế này không khác gì trong quá khứ, vẫn là một quân tử có đầy đủ đạo đức và phẩm chất, một kỵ sĩ tốt bụng và dịu dàng, Tống Kỳ Liên cảm thấy hơi nhẹ nhõm. Muốn ôn lại kỷ niệm với Tạ Lam Sơn thì anh chẳng mặn mà, cô đành chuyển chủ đề về vụ án của Lý Quốc Xương: “Em đọc tin rồi, hung thủ đã bị bắt phải không?”

Nhắc tới vụ án là mắt Tạ Lam Sơn lại lấp lánh ánh sáng, nhưng lông mày lại nhíu chặt: “Tôi vẫn cứ cảm thấy vụ án này vẫn còn gì đó sai sai.”

Rốt cuộc sai chỗ nào, Tạ Lam Sơn nheo mắt tập trung suy nghĩ.

Tống Kỳ Liên cười dịu dàng: “Câu hỏi khó như thế thì em không giúp được anh rồi, nhưng em nhớ từng đọc được một câu trong tiểu thuyết, hung thủ thường sẽ là kẻ được lợi nhiều nhất từ tội ác này, nếu nhìn từ góc độ đó thì anh có phát hiện gì khác không?”

“Kẻ được lợi nhất?” Tạ Lam Sơn lặp lại lời Tống Kỳ Liên, còn có thể là ai đây?

“Tất nhiên em chỉ nói bừa thôi, chắc hẳn anh và lão Đào đều đã hiểu được lý lẽ đơn giản như thế từ sớm rồi.”

Quả thực là một luận điểm không thể dễ hiểu hơn, nhưng vụ án tiến triển tới tận bây giờ, đã có rất nhiều người liên lụy, manh mối chằng chịt rối ren nên bọn họ đã khuất mắt trông coi chi tiết này.

Tạ Lam Sơn chợt nhận ra rằng có sự khác biệt giữa khẩu cung của Đường Triệu Trung và Trương Văn Lễ, Trương Văn Lễ nói hắn ta không muốn hợp tác với Đường Triệu Trung nữa vì đã có công nghệ in D mới nhất, trong khi đó lời khai của Đường Triệu Trung lại hoàn toàn trái ngược.

“Tôi phải đi làm rõ.” Tạ Lam Sơn bật dậy khỏi ghế, anh nói lời xin lỗi với Tống Kỳ Liên, “Xin lỗi, tôi không thể đưa em và Sướng Sướng về được.”

Tạ Lam Sơn gọi phục vụ tới thanh toán, anh cúi đầu nhìn Lưu Sướng, vỗ vào sau đầu thằng bé rồi cười hỏi: “Nhóc con, tối nay phải chăm sóc mẹ cho tốt nhé, cháu làm được không?”

Lưu Sướng gật đầu thật mạnh, Tống Kỳ Liên còn muốn lên tiếng giữ chân anh: “A Lam…”

“À, tôi quên mất.” Tạ Lam Sơn đã sốt sắng đi được mấy bước rồi lại lộn về, anh mỉm cười ghé người xuống rồi đặt một nụ hôn tạm biệt mang tính lịch sự lên má Tống Kỳ Liên.

Sau đó anh thật sự rời đi, còn chưa bước ra khỏi ban công nhà hàng thì đã nhận được điện thoại từ Thẩm Lưu Phi, giọng Tạ Lam Sơn lập tức trở nên phấn chấn: “Nhà anh hay nhà tôi nào?”

Đồ ăn trên bàn gần như vẫn còn nguyên, Tống Kỳ Liên nhìn cái ghế trống trơn đối diện mà lòng cũng trống rỗng theo. Cảm giác mãnh liệt kia lại trỗi dậy trong lòng cô, so với chàng trai đến nắm tay cũng thẹn thùng không dám của mười năm trước, người đàn ông này quả thực khác biệt quá nhiều.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio